Nhấn nút khởi công lò điện nguyên tử 12 + tỷ đôla ở Ninh Thuận

16 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 16667)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 17 DEC 2014

Ninh Thuận:

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bấm nút khởi công xây hệ thống cung cấp điện cho Nhà máy Điện hạt nhân

Dân trí - Ngày 12/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham dự lễ khởi công xây dựng công trình hệ thống cung cấp điện phục vụ cho việc thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 tại thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận.

Hệ thống cung cấp điện phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 bao gồm một đường dây 110KV mạch kép dài 13,63km đi qua địa phận các xã Phước Nam, Phước Dinh và Phước Hải và một trạm biến áp 110/22KV công suất 25MVA. Công trình khi hoàn thành sẽ đảm bảo điều kiện khởi công và cung cấp điện ổn định, an toàn trong toàn bộ quá trình xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 

image036
 Phó Thủ tướng Hoàng trung Hải phát biểu tại lễ khởi công 

Ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng: Đây vừa là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng hết sức vinh dự của địa phương khi được chọn làm địa điểm xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Trên cơ sở đó, ông Trần Xuân Hòa đề nghị Chính phủ cũng như các cơ quan Trung ương tạo điều kiện để Ninh Thuận được áp dụng cơ chế đặc thù, hỗ trợ việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nhằm sớm ổn định đời sống và tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng người dân trong việc xây dựng hai nhà Máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 25/11/2009. 

image037
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bấm nút khởi công công trình.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phồi hợp chặt chẽ với các nhà thầu, thực hiện công tác xây dựng công trình theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình, an toàn lao động và nhất là phải đảm bảo an toàn môi trường. Hoàn thành công trình đúng tiến độ đã cam kết, đảm bảo sẵn sàng việc cung cấp điện ổn định phục vụ thi công nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Bên cạnh đó, địa phương cần đảm bảo an ninh trong quá trình thi công xây dựng công trình và đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.

Được biết, công trình hệ thống cung cấp điện phục vụ thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 là một hạng mục thuộc án hạ tầng thi công phục vụ thi công các dự án Nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận. Tuy quy mô công trình không lớn, nhưng đây là một trong những công trình quan trọng cho việc triển khai công tác khởi công xây dựng dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 trong thời gian sắp tới. Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết.

Minh Lê

'Điện hạt nhân là lựa chọn tốt' cho VN

BBC 20 tháng 11 2014

image035
Việt Nam muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận

Diễn đàn các nhà cung ứng trong ngành năng lượng hạt nhân do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) tổ chức đang diễn ra tại Việt Nam.

Atomex Asia 2014 diễn ra trong hai ngày từ 20 cho đến 21 tháng 11 tại TP.HCM.

Tại đây, các nhà cung ứng sẽ có cơ hội chào mời sản phẩm và dịch vụ đến các khách hàng và tìm kiếm đối tác mới cho các dự án hợp tác năng lượng.

Phiên họp toàn thể năm nay sẽ thảo luận các chủ đề như phát triển năng lượng hạt nhân tại Đông Nam Á, xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, các yêu cầu về công nghệ, cơ sở hạ tầng hạt nhân và đào tạo nhân lực, v.v. theo Tân Hoa xã.

Trả lời BBC ngày 20/11, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, nói diễn đàn lần này có giá trị quan trọng trong việc "cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm" về ngành năng lượng nguyên tử.

"Việt Nam vẫn cần phải nâng cao năng lực để tham gia vào dự án điện hạt nhân và vấn đề này bao gồm con người, cơ sở hạ tầng", ông Thành nhận định.

'Sự lựa chọn tốt'

Ngoài chuyện đảm bảo an ninh năng lượng, điện hạt nhân cũng mang một ý nghĩa rất quan trọng là thúc đẩy khoa học công nghệ của Việt Nam

Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Ông cũng cho rằng việc theo đuổi dự án điện hạt nhân là một "sự lựa chon tốt".

"Ngoài chuyện đảm bảo an ninh năng lượng, điện hạt nhân cũng mang một ý nghĩa rất quan trọng là thúc đẩy khoa học công nghệ của Việt Nam", ông Thành nói.

Báo Tiền Phong hôm 17/11 dẫn thông tin từ Rosatom cho biết hơn 340 sinh viên Việt Nam sẽ sang Nga theo học ngành công nghệ hạt nhân trong giai đoạn từ 2014 - 2015.

Ông Thành cho biết phía đối tác Nga, với tư cách là nhà cung cấp cho dự án điện hạt nhân tại Việt Nam, chịu trách nhiệm đào tạo nhân lực cho phía Việt Nam.

Trong năm 2014, 150 chuyên gia Việt Nam đã hoàn thành các khóa huấn luyện tại hai lò phản ứng hạt nhân của một nhà máy tại Nga, báo này cho biết thêm.

Kể từ năm 2010, Việt Nam và Nga đã ký nhiều thỏa thuận và hợp đồng về việc xây dựng một nhà máy hạt nhân với hai lò phản ứng cũng như một trung tâm nghiên cứu công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, theo Tân Hoa xã.

Diễn đàn Atomex được Rosatom tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2011.

Hồi giữa tháng 10 năm nay, hiệp định hạt nhân dân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã chính thức có hiệu lực.

Hiệp định trên được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh ký tắt bên lề Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 23 tại Brunei hồi cuối năm ngoái và được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng Bảy năm nay.

Hiệp định, gọi tắt là Hiệp định 123, cho phép các công ty Mỹ vào thị trường Việt Nam thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ và nhiên liệu hạt nhân.

Tuy nhiên về lâu dài sau này, Việt Nam có thể tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở trong nước, như làm giàu uranium hay tái chế thanh nhiên liệu.

BBC Cập nhật: 14:48 GMT - thứ tư, 25 tháng 11, 2009

QH chấp thuận xây hai nhà máy điện hạt nhân

image038
Nhiều người lo ngại vốn đầu tư xây nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ nhiều hơn 12 tỷ USD.

Quốc hội Việt Nam chấp thuận xây hai nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận, với chi phí trên 12 tỷ USD, hoàn tất trong giai đoạn 2014-2020.

Tỷ lệ phiếu thuận tại Quốc hội là 77%. Số đại biểu bỏ phiếu chống là 39 người, trong khi 18 người không biểu quyết, tin trên báo Việt Nam đưa.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được xây tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Hai tổ máy công suất 2000 MW sẽ hoàn tất trong giai đoạn 2014-2020.

Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Phước Hải, huyện Ninh Hải. Thời điểm khởi công chưa rõ. Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội chi tiết về dự án trước khi khởi công.

Việt Nam sẽ chọn công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, một kỹ thuật hạt nhân, theo báo trong nước, đã được kiểm chứng, với độ an toàn, hiệu năng cao".

Số tiền đầu tư, khoảng 200.000 tỷ đồng (12 tỷ USD) mới chỉ là ước lượng, theo tin trong nước. Một khi có báo cáo đầu tư, chọn được công nghệ, chỉ định nhà thầu, khi ấy chi phí của dự án sẽ rõ hơn.

Cho đến nay chưa ai biết chính xác hai nhà máy điện hạt nhân sẽ tốn hết bao nhiêu tiền.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, 12 tỷ USD đầu tư cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chiếm tới nửa ngân sách nhà nước. Và nói thêm, đây chưa phải là chi phí toàn bộ.

Đó là khi ta chọn công nghệ lò phản ứng thế hệ hai, ông Thuyết nói trong một cuộc tranh luận tại hội trường Quốc hội. Nếu chọn thế hệ ba phải là 16 tỷ USD. Thế hệ ba cộng còn đắt hơn nữa. Ngân khoản này chưa tính tới yếu tố trượt giá.”

Một số đại biểu lo ngại tốn phí thực tế sẽ cao hơn nhiều so với dự tính của chính phủ. Theo họ hầu như tất cả công trình trọng điểm quốc gia trong nhiều năm qua đều đội vốn.”

image039
Đại biểu Quốc hội lo ngại Việt Nam không đủ nhân lực kỹ thuật hạt nhân.

Có đại biểu đặt câu hỏi Việt Nam sẽ lấy đâu ra tiền khi vốn đầu tư xây điện hạt nhân chiếm hơn một nửa dự trữ ngoại hối của quốc gia. (hiện là 22 tỷ USD)

Nhân lực, nguyên liệu

Bên cạnh vốn đầu tư, nhiều đại biểu lo ngại về tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Việt Nam sẽ phải dựa gần như hoàn toàn vào nước ngoài, theo một số đại biểu, từ nhân lực, nguyên liệu, vốn đầu tư (75-85% phải vay), cho đến thiết bị công nghệ.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, hiện cả nước chỉ có khoảng 70 chuyên gia được đào tạo từ thời Liên Xô cũ, nay đang già yếu.

Trong khi báo cáo của Chính phủ nói rằng để vận hành hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận (với 4 lò phản ứng) cần tới 600-800 người. Ông Thảo nói, theo tính toán của ông, cụm hạt nhân ở miền Trung sẽ cần đến 1.200 chuyên gia.

Vấn đề tìm nguồn nguyên liệu ổn định chạy lò phản ứng cũng đã được các đại biểu mang ra mổ sẻ. Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu tỉnh Lạng Sơn, khi đi vào hoạt động, hai nhà máy điện hạt nhân cần đến 900 triệu USD mua thanh nhiên liệu. Và nói thêm, đây mới chỉ là khởi đầu.”

Sau đó cứ 18 tháng phải mất 320 triệu USD để thay thế các thanh này. Rồi ông Thuyết đặt câu hỏi về tính ổn định của nguồn nguyên liệu: Uranium của thế giới sắp cạn, nếu họ bán giá cao ta có chịu nổi không?"

Một số đại biểu nói đến giới hạn của các mỏ quặng uranium trên thế giới. Họ cho rằng trong khoảng 100 năm nguyên liệu này sẽ cạn dần.

Khi uranium cạn kiệt, sẽ trở nên khan hiếm và đắt chẳng khác nào vàng đen. Dựa hoàn toàn vào nhiên liệu nước ngoài rất nguy hiểm, đại biểu Nguyễn Trung Nhân quan ngại.

Trong bản giải trình trước Quốc hội, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương cho rằng điện hạt nhân là "lựa chọn thích hợp" cho Việt Nam, khi nguồn than đang cạn dần, mỏ dầu sắp hết, năng lượng thay thế chưa tìm ra./

19 Tháng Bảy 2017(Xem: 10363)
Theo quy định, nếu chạy quá tốc độ và không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông như trường hợp của tài xế chở trung tướng về hưu thì sẽ bị tước giấy phép lái xe 2 tháng.