'Việt Nam vẫn nên đòi chủ quyền'

17 Tháng Ba 20159:32 CH(Xem: 14946)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 18 MAR 2015
'Việt Nam vẫn nên đòi chủ quyền'
blank
Mặc dù tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là phức tạp, không dễ giải quyết ngày một, ngày hai, Việt Nam vẫn nên đòi chủ quyền của mình, theo lời khuyên của cựu Đại sứ Anh từng làm việc tại Việt Nam trong giai đoạn 1980-1982.

Cựu Đại sứ Derek Tonkin cho rằng Anh quốc không ủng hộ bất cứ hành động quân sự hoặc xâm lược nào mà một quốc gia tranh chấp chủ quyền tiến hành với quốc gia khác.

"Nó có chiều hướng làm tăng nhiệt căng thẳng và có xu thế dẫn tới có thêm các cuộc giao tranh và các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu", nhà ngoại giao bình luận về cuộc cưỡng chiếm của Trung Quốc đối với Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa năm 1974.

Tôi nhớ là đã được thông báo rằng tôi cần luôn chuẩn bị để rời tòa đại sứ trong vòng 24 tiếng đồng hồ... trong trường hợp quân đội Trung Quốc tràn xuống

Về con đường cải tổ dân chủ của Việt Nam hiện nay, cựu Đại sứ Anh cho rằng mọi việc hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của nhân dân Việt Nam, vì theo ông mỗi quốc gia cần tự tìm kiếm một giải phảp riêng.

"Phần lớn những quy ước quốc tế, tôi nghĩ Việt Nam đều đã tham gia, nhưng điều mà tôi đặc biệt quan ngại là về tự do tôn giáo và tự do ngôn luận," ông Tonkin nói.

Trao đổi với BBC nhân dịp đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ giữa London và Hà Nội, cựu Đại sứ Anh cũng thuật lại kinh nghiệm của mình với tư cách nhà ngoại giao khi đặt chân tới Việt Nam vào thời điểm nước này vừa chịu cuộc tấn công của Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc vào năm 1979.

Ông cũng đưa ra nhận xét cá nhân về một số một số chính trị gia, nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở đầu thập niên 1980 như các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyễn Giáp, Nguyễn Cơ Thạch...

Derek Tonkin: Tôi là đại sứ thứ năm của Anh quốc tại Việt Nam sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1973. Vài đồng nghiệp của tôi trước đó chỉ đảm nhiệm 6 tháng. Nhưng một đồng nghiệp khác của tôi đã ở đó trong 2 năm, nên tôi quyết định là tôi cũng sẽ ở lại trong hai năm.

Tất nhiên tôi tới Việt Nam trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn, những năm của thập niên 1980. Lúc đó Việt Nam đã chiếm đóng Campuchia với lý do mà tôi nghĩ là tôi hiểu rất rõ, dù có thể ở phương Tây một số người đã chưa rõ lắm.

Trung Quốc như quý vị biết trong năm 1979 đã tấn công Việt Nam, họ gọi đó là sự trừng phạt, nhưng đúng ra có thể coi là một cuộc tấn công xâm lược, dù Trung Quốc có giải thích theo cách khác được hiểu như là chiến thuật quân sự của họ.

Khi tôi tới nơi, một trong những điều đầu tiên tôi nhớ là đã được thông báo rằng tôi cần luôn chuẩn bị để rời tòa đại sứ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, và thông báo này cũng đã được đưa ra cho những người nước ngoài ở Việt Nam, trong trường hợp quân đội Trung Quốc tràn xuống.

Ông Tonkin tới Việt Nam vào lúc Trung Quốc vừa tiến hành chiến tranh ở biên giới phía Bắc

Tôi đã rất vui để nói rằng việc đó đã không xảy ra, thế nhưng ít nhất nó lại làm cho tôi ngay lập tức liên hệ với vấn đề mà Việt Nam khi đó đang đối diện.

Và vấn đề Campuchia đã thực sự bao trùm nhiệm kỳ hai năm của tôi ở Việt Nam, lúc đó có rất ít quan hệ thương mại song phương. Tôi cũng gặp rất ít khách thăm.

Nhưng ít nhất Anh quốc đã không tham gia ở phe của người Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi đã luôn cố gắng giữ một mức độ độc lập có thể được, mặc dù cũng có bằng chứng rằng một vài cá nhân người Anh có thể đã tham dự ở phía của người Mỹ.

'VN lúc đó ở đỉnh cao thế giới'
blank
Nhiều quan chức chính phủ Hà Nội cho rằng VN đang ở 'đỉnh cao của thế giới' sau nhiều chiến thắng .
blank
"Cáo buộc" duy nhất về sự tham gia của người Anh trong cuộc chiến Việt Nam là một lần tôi trò chuyện thân tình với Ngoại trưởng Việt Nam ông Nguyễn Cơ Thạch rằng lá cờ của Anh quốc đã được đưa vào cùng với các lá cờ của một liên minh trong một bảo tàng ở Hà Nội, tôi nghĩ là Bảo tàng Cách mạng.

Đó là các lá cờ của liên minh các nước phương Tây được cho là giúp đỡ cho chính quyền "bù nhìn" Nam Việt Nam. Tôi nói rằng thực tế là chúng tôi đã không tham gia. Và tôi nói thêm rằng sẽ là một điều tốt nếu tên tuổi của nước Anh có thể được bỏ ra khỏi đó.

Bốn ngày sau đó, Nguyễn Cơ Thạch trở lại gặp tôi và nói: "Ông có thể nhận ra là chúng tôi đã gỡ bỏ lá cờ. Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện ra rằng có một thời điểm vào năm 1968, chúng tôi tin rằng các ông đã gửi một số chó nghiệp vụ cảnh sát để huấn luyện ở Việt Nam."

Và ông ta nói: "Tôi có thể cho ông biết đó có lẽ là lý do vì sao mà chúng đã có mặt ở đó." Ông Thạch cũng cho tôi biết là có lẽ lá cờ đã được lấy ra từ tòa lãnh sự của Sứ quán Anh ở Sài Gòn.

Trên thực tế mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam luôn được đặt trên cơ sở lợi ích song phương và đặc biệt là tính độc lập. Điều duy nhất đặc biệt giữa Anh quốc và Việt Nam là giữa hai bên không bao giờ xảy ra chiến tranh. Không có bất cứ một cơ hội nào trong lịch sử mà trong đó quân đội của Việt Nam đụng đầu với quân lực Anh.

Vì sao ư? chúng tôi đã đánh thắng Trung Quốc, chúng tôi đã chiến thắng người Pháp và chúng tôi đã chiến thắng người Mỹ, cho nên chúng tôi thực sự cảm thấy rằng chúng tôi ở đỉnh cao của Thế giới

"Một điều khác nữa mà tôi nhớ về thời gian tôi ở Việt Nam là cuộc sống không dễ dàng gì. Lúc đó vẫn còn cấm vận toàn phần của Hoa Kỳ. Hàng hóa rất thiếu. Qua các mùa, chúng tôi có kha khá thực phẩm và rau quả, nhưng chúng tôi phải nhập khẩu rất nhiều thực phẩm từ Bangkok. Người dân sống rất khó khăn.

Nhưng có một điều mà tôi ấn tượng nhất là dù cuộc sống khó khăn thế nào, người dân vẫn luôn giữ một nụ cười.

Cuộc sống rất khó khăn, thiếu thuốc men, hầu như thiếu thốn đủ thứ, nhưng nếu bạn nhìn vào những gương mặt của họ, thì ở đâu họ cũng mỉm cười.
Những hình ảnh ấy gợi cho tôi nhớ lại thời kỳ chiến tranh ở nước Anh. Khi đó sức khỏe mọi người lành mạnh hơn bây giờ vì chế độ ăn uống của mọi người tốt hơn vì mọi người không bỏ nhiều tiền vào sô-cô-la và những thứ khác.

Trở lại với Việt Nam, lúc đó chiến tranh đã kết thúc, bốn năm sau khi đất nước thống nhất, tôi nghĩ mọi người cảm thấy hạnh phúc.

Và nhìn chung lúc đó trong chính phủ Việt Nam, mọi người có cảm nghĩ là Việt Nam đã chiến thắng: "Vì sao ư? chúng tôi đã đánh thắng Trung Quốc, chúng tôi đã chiến thắng người Pháp và chúng tôi đã chiến thắng người Mỹ, cho nên chúng tôi thực sự cảm thấy rằng chúng tôi ở đỉnh cao của thế giới."

BBC: Ông có còn giữ quan điểm cho rằng sau khi can thiệp vào Campuchia, quân đội Việt Nam ở lại Campuchia khoảng 10 năm và đó là một sai lầm lớn của chính quyền Việt Nam? Lúc đó, các đoàn ngoại giao ở Hà Nội khi gặp gỡ, có bình luận gì về việc này không?

Một trong những lý do mà tôi được cử tới Hà Nội làm Đại sứ là vì tôi có kinh nghiệm ở Campuchia, tôi đã từng ở đó trong ba năm hồi thập niên 1960. Và tôi cũng có thời gian ở Thái Lan. Do đó tôi có một sự hiểu biết rộng về khu vực.

Tôi nghĩ tôi hiểu khá rõ lý do của việc vì sao Việt Nam cảm thấy họ không còn có thể chịu đựng được hơn nữa mối đe dọa từ phía Khmer Đỏ. Các vị có thể nhớ rằng về gốc gác, lúc đầu Khmer Đỏ là đồng minh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cái tên Khmer Đỏ cũng là do Hoàng thân Sihanouk đặt, chỉ những người khuynh tả. Nhưng rồi Khmer Đỏ trở thành một phe chạy theo ý thức hệ mà tôi gọi là rất tàn ác. Họ có khát vọng trả thù Việt Nam, đặc biệt với những vùng đất mà trước đó 200-300 năm từng là lãnh thổ của người Khmer, điều gợi cho tôi nhớ tới cái được gọi là Khmer Krom.

Thật đáng tiếc là họ đã ở lại quá lâu, trong 10 năm, và họ ở lại trong một thế như là sự thể này không thể đảo ngược. Tuy nhiên, Việt Nam đã rời khỏi Campuchia. Họ rời đi dưới áp lực, đặc biệt của các quốc gia còn lại ở Asean

Nhưng còn đi xa hơn thế nữa, Khmer Đỏ muốn khích động việc lấy lại toàn bộ miền Nam Việt Nam, thậm chí cả Sài Gòn, mà theo họ chính đó cũng là một thành phố cũ của Campuchia, Pren Kor, hay là Thành phố ở trong rừng. Và đã có rất nhiều vụ khiêu khích ở dọc biên giới mà phía Việt Nam nghĩ là họ không còn có thể tha thứ được nữa.

Quý vị cũng có thể nhớ rằng khi Việt Nam xâm lược Campuchia, họ tiến vào với một nhóm người Campuchia khác mà về nguồn gốc cũng là Khmer Đỏ, được gọi là phe Tư lệnh cánh Đông của Pol Pot. Phe này cũng rất cứng rắn, nhưng không cực đoan quá khích như chính quyền Pol Pot ở phần còn lại của Campuchia, và cánh này biết họ là mục tiêu của việc bị Khmer Đỏ loại trừ.

Do đó, Thủ tướng hiện nay của Campuchia, Hun Sen và những người khác như các ông Heng Samrin, Chea Sim cũng đã phải chạy trốn thực sự để thoát hiểm. Trở lại thì ý định của Việt Nam là chấm dứt các hành động khiêu khích mà Việt Nam phải chịu đựng tới lúc đó. Tất nhiên, khi bạn xâm lược một quốc gia khác, sẽ có những hệ lụy quốc tế.

Và vào thời điểm đó chúng ta có thể nhớ rằng đã có quan ngại quốc tế về cuộc xâm lược của Liên Xô ở Afghanistan vào năm 1981, chúng tôi cũng quan ngại về cuộc xâm lược của Argentina ở quần đảo Falkland vào năm 1982. Do đó ý niệm rằng một nước có thể xâm lược một nước khác rất nhạy cảm đối với phương Tây. Do đó chúng tôi chỉ trích rất mạnh.

Nhưng đồng thời, nếu tôi có thể trở lại với Hoàng thân Sihanouk, chính ông nói rằng nếu Việt Nam rút khỏi Campuchia sau 12 tháng và để cho Campuchia tự giải quyết vấn đề của họ, thì họ đã rất được hoan nghênh, bởi vì đó chính xác là ý định ban đầu của cuộc can thiệp, vì dẫu sao một chế độ như của Khmer Đỏ là không thể chấp nhận được.

Tất nhiên, tôi không quá ngây thơ để tin rằng đó là lý do duy nhất Việt Nam đưa quân vào Campuchia, họ cũng có những lý do quan ngại về an ninh, về bất ổn định, và họ cũng luôn tự xem mình là quốc gia đứng đầu ở Đông Dương với Lào và Campuchia. Và nhìn lại từ góc độ này, tôi có thể hiểu vì sao họ tiến vào Campuchia.

Thật đáng tiếc là họ đã ở lại quá lâu, trong 10 năm, và họ ở lại trong một thế như là sự thể này không thể đảo ngược. Tuy nhiên, Việt Nam đã rời khỏi Campuchia. Họ phải đi dưới áp lực, mà đặc biệt từ các quốc gia còn lại ở khối Asean.

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông
blank
Ông Phạm Văn Đồng từng vấn ý ông Tonkin về tính hợp lệ của Anh ở quần đảo Falklands

BBC:Ông từng được cố Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng hỏi về tính hợp lệ của Anh trong cuộc tranh chấp ở quần đảo Falkland với Argentina. Hiện nay, Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền ở đa số khu vực Biển Đông, theo ông việc tuyên bố này của họ có lý hay không, liệu Trung Quốc có quá tham vọng?

Trước hết nói về quần đảo Falklands, cuộc tranh chấp này hoàn toàn khác với tranh chấp trên Biển Đông. Như tôi đã giải thích với ông Phạm Văn Đồng, và tôi cũng đã được chỉ dẫn bởi London khi trình bày với ông ấy, vì có một cuộc bỏ phiếu ở Liên Hợp Quốc, tại Đại hội Đồng cũng như tại Hội đồng Bảo an, tôi giải thích với ông ấy rằng nước Anh trên thực tế đã hiện diện ở quần đảo Falkland cũng không lâu hơn gì quãng thời gian mà Việt Nam đã hiện diện ở một số vùng ở miền Nam Việt Nam mà trước đây từng là của người Khmer.

Nếu ông tìm kiếm khía cạnh thuộc địa trong vấn đề này, ông cũng hiểu rằng chính Argentina về cơ bản cũng được những nhà thực dân Tây Ban Nha và Ý từng hiện diện ở đó tạo nên. Do đó có một nhân tố thuộc địa rất mạnh mẽ trong việc thành lập ra Argentina cũng như quần đảo Falkland, cách khoảng 300 dặm.

Và ông Phạm Văn Đồng, như tôi vẫn còn nhớ, đã cười lớn và nói "tôi hiểu quan điểm của ông" nhưng ông ấy nhấn mạnh và nói: "Trong quan điểm của chúng tôi, có một vấn đề về nguyên tắc ở đây và đó là vấn đề về phi thuộc địa hóa. Và chúng tôi nghĩ rằng nước Anh không nên ở đó, vì chính quốc của các ông, nước Anh, là ở bên châu Âu, không phải là ở bên Argentina.

Còn bây giờ, về vấn đề Biển Đông, đây là vấn đề rất phức tạp. Như đã biết, có một số quốc gia cùng có tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả Đài Loan, như họ luôn tự coi là đại diện đích thực của Trung Hoa, Philippines, Indonesia, Việt Nam.

Trên thực tế, việc này đã gây ra những quan ngại, nhưng tôi sẽ không đứng về bất cứ bên nào vì tôi không tự cho mình là một chuyên gia trong vấn đề này, tôi biết rằng một số đảo có tên tiếng Anh như là Spratly Islands (Quần đảo Trường Sa), nhưng đó là một vấn đề mà chỉ có thể được giải quyết bởi các quốc gia liên quan ở khu vực, bởi vì chắc chắn đó không phải là một vấn đề mà phương Tây có thể can thiệp.

Do đó chắc chắn là tôi không mong muốn can dự vào bất cứ cuộc bàn luận nào, nhưng nó đúng là một vấn đề đáng quan ngại, khi sự căng thẳng của nó đang gia tăng và đôi khi chúng ta chứng kiến những sự kiện xảy ra, đặc biệt ở đâu mà có khai thác dầu mỏ, hay có tài nguyên đánh cá. Nhưng trở lại câu hỏi đầu tiên đối với tôi, tôi không thấy có bất kỳ vấn đề gì đối với chúng tôi ở đảo Falklands.

BBC: Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự cưỡng chiếm Quần đảo Hoàng Sa từ tay của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, ông có nghĩ là đây là một hành động xâm lược và phi pháp không? Ông có nghĩ là trong tương lai, Việt Nam có thể có một cơ hội nào đó để lấy lại chủ quyền của mình với quần đảo này?

Nhưng tôi xin nói rằng hãy cứ tiếp tục đòi chủ quyền, bởi vì tôi có thể nói rằng ở Nam Thái Bình Dương, có những hòn đảo mà chủ quyền bị tranh cãi giữa Hoa Kỳ và với chính nước Anh

Đây là một câu hỏi khó trả lời. Điều tôi muốn nói là Anh quốc chống lại bất cứ hành vi sử dụng bạo lực nào để giải quyết một tranh chấp, bất luận là nó xảy ra ở đâu. Do đó nếu một quốc gia này tiến hành một cuộc xâm lăng với một quốc gia khác vì nó tuyên bố chủ quyền với một vùng lãnh thổ, thì điều đó là không thể chấp nhận và không bao giờ nên như thế.

Do đó trong trường hợp như Việt Nam xâm lược Campuchia, Liên Xô xâm lược Afghanistan và gần đây là cuộc xung đột ở Syria, người dân Anh đều chống đối sự can thiệp. Bởi vì các hành động quân sự luôn để lại những hậu quả. Nó có chiều hướng làm tăng nhiệt căng thẳng và có xu thế dẫn tới có thêm các cuộc giao tranh và các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu.

Những vấn đề này không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai, mà phải mất thời gian rất lâu. Và hiện nay, tôi e rằng có vẻ như chưa có một cơ sở cho các cuộc đàm phán và thương thảo.

Và cũng rất tiếc là năm ngoái, Asean cũng đã gặp một vấn đề đặc biệt, khi mà Campuchia đã hậu thuẫn Trung Quốc trong vấn đề này, trong khi phần còn lại của Asean thì không.

Do đó mà phiên họp thường niên đặc biệt đó của Asean đã không trở thành một phiên họp vui vẻ, như tôi còn nhớ. Do đó tôi không nghĩ là quý vị có thể đặt vấn đề yêu cầu tôi bày tỏ quan điểm về việc khả năng Việt Nam có thể hay không lấy lại được chủ quyền của mình.

Nhưng tôi xin nói rằng hãy cứ tiếp tục đòi chủ quyền, bởi vì tôi có thể nói rằng ở Nam Thái Bình Dương, có những hòn đảo mà chủ quyền bị tranh cãi giữa Hoa Kỳ và với chính nước Anh. Có một số đảo trong đó nhỏ về kích thước, nhưng hết sức quan trọng về tiềm năng.

Tuy nhiên, chúng tôi có những thỏa thuận nguyên tắc với Hoa Kỳ rằng những đảo này sẽ không phải là chủ đề của xung đột và chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết. Có rất nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương mang tên tiếng Anh, và về mặt lịch sử người Anh đã đến từ một phía của các đảo đó với cờ được cắm, trong khi người Mỹ đến từ phía khác và nói 'không, đây là đảo của Hoa Kỳ'.

Do đó tôi e rằng quý vị chỉ có thể đòi chủ quyền thông qua việc hoặc là đồng ý với nhau đạt thỏa thuận dứt khoát, là điều mà sẽ xảy ra với một số trường hợp ở Thái Bình Dương, hoặc là cố gắng chờ đợi tới một thời điểm thích hợp khi các vấn đề có thể được thảo luận hoặc được đặt ra.

Nhưng Việt Nam có vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc, về mặt lịch sử. Tôi nhớ rằng khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên, tôi đến Bộ Ngoại giao để nói chuyện với ông Mai Văn Bộ, khi đó là Vụ trưởng Vụ Châu Âu và chúng tôi nói về quan hệ đối ngoại.

Và tôi còn nhớ ông ấy nói với tôi: "Thưa ông Tonkin, chính sách đối ngoại của chúng tôi thực sự là xử lý quan hệ với Trung Quốc, họ chiếm tới 90% quan hệ đối ngoại của chúng tôi."

"Các mối quan hệ như Việt - Mỹ, Việt - Pháp, Việt - Anh hay Việt - Asean đều không là gì so với quan hệ với Trung Quốc."

"Do đó khi nào quý vị nghĩ tới chính sách đối ngoại của chúng tôi, quý vị nên nghĩ tới quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, bởi vì đấy là nơi mà chúng tôi quan ngại nhất, trong suốt lịch sử."

Ấn tượng về chính khách VN
blank
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (thứ hai, từ trái) thiên về xã hội hơn là cộng sản, theo cựu Đại sứ Anh

BBC: Thời gian ở Việt Nam, trong số các chính trị gia hoặc nhà ngoại giao của chính quyền Việt Nam mà ông đã gặp, ai để lại cho ông ấn tượng nhiều nhất, phải chăng đó là Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Cơ Thạch, hay là ai?

Có thể quý vị sẽ ngạc nhiên, nhưng đó là Trường Chinh. Mặc dù ông ấy được biết đến là một người rất cứng nhắc và có cá tính rất mạnh, tên của ông ấy là lấy từ sự kiện Vạn lý Trường chinh, ông ấy lại là một người kỳ cựu trong đảng, nhưng tôi thấy là khi giao tiếp với riêng tôi, ông ấy luôn đặc biệt lịch sự, rất thân mật, rất quan tâm và đương nhiên, ông ấy nói tiếng Pháp rất giỏi.

Một trong những điều mà tôi nhớ về lãnh đạo Việt Nam thời đó là tiếng Pháp của họ thường tốt hơn tiếng Anh nhiều bởi vì nhiều người trong số họ là những người Pháp học. Nhiều người cũng từng ở Pháp. Tôi có thể nói là ông Trường Chinh gây ấn tượng với tôi.

Ông ấy có thể không hoàn toàn được lòng hết trong đảng, nhưng ông ấy lại có thể trong số những người được kính trọng nhất.

Với Tướng Giáp, tôi phải nói là tôi chỉ gặp ông ấy đúng một lần. Ông ấy là một nhà quân sự xuất sắc nên một người xuất thân dân sự như tôi không có nhiều điều lắm để bình luận.

Phạm Văn Đồng cũng là một trường hợp rất thú vị, từ gốc gác của ông ấy, có vẻ thấy ông Đồng là một người thiên hướng xã hội nhiều hơn là cộng sản. Và tôi nghĩ ông ấy có thể thuộc về một phái có thiên hướng này trong Đảng Cộng sản, cánh theo đường hướng Xã hội.

Vào thời điểm sau khi ông Hồ Chí Minh đã qua đời, 6 nhân vật lãnh đạo then chốt của Việt Nam khi ấy đều ở trong đảng hàng ba chục nếu không nói là bốn chục năm

Chính vì vậy mà ở trong một số khía cạnh, ông ấy tỏ ra khoan thai hơn, ít giáo điều, ý thức hệ hơn một số người khác mà tôi đã gặp.

Còn đối với Nguyễn Cơ Thạch, mà điều lý thú nhất với tôi là con trai của ông ấy nay trở thành Ngoại trưởng của Việt Nam, ông Thạch không có một nền tảng hậu thuẫn thật mạnh trong đảng.

Do đó, đôi lúc ông ấy gặp một số khó khăn, bởi vì trên trường quốc tế, ông ấy sẽ phải nói rằng chính sách của Việt Nam là hòa bình, Việt Nam không có ý định xâm lược hoặc làm bất cứ điều gì khác, thì lại có một vấn đề và diễn biến trên biên giới giữa Việt Nam và Thái Lan và ông Nguyễn Cơ Thạch biết, cho nên ông ấy cũng khó nói.

Ông Thạch đã mất đi tầm ảnh hưởng của mình trong những năm cuối cùng. Nhưng tôi rất vui và lấy làm thú vị được biết rằng con trai của ông ấy nay đã được chấp nhận làm Ngoại trưởng.

Và tôi nghĩ rằng thành tích và nền tảng quan hệ nội bộ đảng trong quá khứ ngày nay đã không còn quan trọng như trước đây, so với thái độ và năng lực thực sự của họ.

Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, Việt Nam cần những người có năng lực, như những kinh tế gia giỏi, có kinh nghiệm tốt để điều hành quốc gia, như là Việt Nam.

Tôi không thể nói là tôi theo dõi sát sao tình hình nội bộ của Việt Nam hiện nay bởi vì đã có nhiều thay đổi kể từ khi tôi ở đó, nhưng ở giai đoạn mà tôi hiện diện, tất nhiên là vào thời điểm sau khi ông Hồ Chí Minh đã qua đời, sáu nhân vật lãnh đạo then chốt của Việt Nam khi ấy đều ở trong hệ thống của đảng hàng ba chục nếu không nói là bốn chục năm.

Nói cách khác, họ là những lão làng, kỳ cựu, còn lại trong đảng, lúc ấy họ ở những độ tuổi 70, hay 80 tuổi, nếu không thể cao niên hơn nữa.

Dân chủ 'là đóa hoa mong manh'

Ông Tonkin ví nền dân chủ ở các nơi, trong đó có Đông Nam Á, như một đóa hoa mong manh.

BBC: Ông đã từng làm việc ở Đông Âu như ở Ba Lan, Đức, cũng như đã từng công cán tại Miến Điện, theo kinh nghiệm và quan sát của mình, theo ông Việt Nam hiện nay có cơ hội gì không về một con đường đi tới dân chủ và cải tổ dân chủ thực sự?

Câu trả lời của tôi là có. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng phương Tây cũng nên dừng lại việc tự cho rằng nền dân chủ sản sinh ở phương Tây là được tạo ra để áp dụng trên khắp thế giới.

Mỗi quốc gia phải tự tìm ra giải pháp dân chủ cho mình và dân chủ, đặc biệt mà căn bản là quyền lực của nhân dân thông qua bầu cử, thông qua đại diện của dân.

Điều đó xảy ra như thế nào ở Việt Nam, tôi nghĩ phải để cho nhân dân Việt Nam tự giải quyết.

Và tôi nghĩ phương Tây nên dừng lại việc nói với các quốc gia khác về cần thiết lập nền dân chủ cho đất nước của họ như thế nào.

Có một số chuẩn mực mà tôi chấp nhận, cũng có những vấn đề về nhân quyền được đặt ra trong tuyên ngôn quốc tế phổ quát về nhân quyền và trong nhiều công ước quốc tế khác.

Đã có hàng trăm năm truyền thống văn hóa với các thể chế mà chúng tôi miêu tả là độc đoán, độc tài ở các nước Đông Nam Á, không chỉ ở riêng Việt Nam, và thay đổi sẽ phải cần một thời gian rất lâu

Phần lớn những quy ước quốc tế đó, tôi nghĩ Việt Nam đã tham gia, nhưng điều mà tôi quan ngại đặc biệt, tôi nghĩ, là về tự do tôn giáo và tự do ngôn luận.

Cũng đang tiếp diễn những đối thoại giữa phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, với Việt Nam về những vấn đề này.

Tất nhiên cùng các cuộc đối thoại này đang diễn ra ở Miến Điện, cũng như ở Campuchia, và thậm chí ở Thái Lan, cũng có những quan ngại nhất định.
Nhưng trên khắp Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, quốc gia đã có những tiến bộ to lớn, dân chủ vẫn còn là một đóa hoa mong manh.

Người ta phải rất nâng niu, cẩn thận và không nên trông đợi là các thay đổi có thể xảy ra ngay trong một sớm một chiều.

Đã có hàng trăm năm truyền thống văn hóa với các thể chế mà chúng tôi miêu tả là độc đoán, độc tài ở các nước Đông Nam Á, không chỉ ở riêng Việt Nam, và thay đổi sẽ phải cần một thời gian rất lâu.

Tôi nhớ rằng khi Hoa Kỳ thử mang dân chủ vào Việt Nam vào những năm thập niên 1950, 1960, phản ứng của nhiều người Việt Nam mà tôi thấy là họ không có mong muốn và cũng không có quyền để thách thức lại những gì đã được đưa vào.

Những điều nhập vào đó là mới mẻ, chính xác đúng như hình dung của một số người, thế nhưng chúng ta cần nhớ tới câu thành ngữ nói "Phép vua thua lệ làng."

Và cái gì diễn ra ở trong làng thực sự là ở trong sự kiểm soát của người dân. Còn những gì xảy ra ở bên ngoài thì có thể nằm trong sự kiểm soát của nhà vua hay của chính quyền trung ương.

Nhưng đổi mới chỉ có thể tồn tại và nảy nở nhờ sự thuyết phục và nếu chuẩn mực lịch sử và văn hóa như thế này không được nhìn nhận, thể chế dân chủ sẽ thất bại.

Do đó, đây là vấn đề về hài hòa khái niệm phương Tây, điều hay được gọi là các giá trị dân chủ phương Tây, với những gì được mong muốn, kỳ vọng ở các quốc gia Đông Nam Á này, trong đó có Việt Nam.

Derek Tonkin là cựu đại sứ của Anh tại Việt Nam (1980-1982), ông từng đảm nhiệm các chức vụ khác nhau trong các cơ quan, phái bộ ngoại giao của Anh ở Ba Lan, Thái Lan, Campuchia, Miến Điện. Hiện tại, ông có chân trong ban điều hành một tổ chức mạng lưới theo dõi tình hình Miến Điện.
BBC 30 tháng 9 2013
10 Tháng Hai 2022(Xem: 3469)
15 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 4399)