14 người trong phái đoàn XHDS/VN gặp đại diện Mỹ: 50/50 giơ tay về TPP

07 Tháng Năm 201511:46 CH(Xem: 12698)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ SÁU 08 MAY 2015
Phái đoàn Hoa Kỳ gặp các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-05-06
 
Các tổ chức xã hội dân sự gặp mặt tại Sài Gòn hồi năm 2014

 Files photos

Sáng hôm nay một số tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam được phái đoàn nhân quyền của Hoa Kỳ mời gặp gỡ và trao đổi về một số vấn đề có liên quan đến tình trạng dân chủ, nhân quyền của Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy là một trong những người tham dự cho chúng tôi biết chi tiết như sau:

"Các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam đã nhận lời mời của sứ quán Mỹ gặp tổ chức về vần đề nhân quyền Việt Nam muốn gặp chúng tôi trước và ngày mai họ sẽ gặp Bộ Ngoại giao Việt Nam. Họ nghe ngóng chúng tôi và chúng tôi đưa ra rất nhiều ý kiến nhưng không còn thời gian nữa.

Cuộc gặp diễn ra được 1 giờ 20 phút, thời gian rất ngắn ngủi trong khi đó phía chúng tôi khoảng 14 người còn phía phái đoàn nhân quyền còn đông hơn nữa."

Luật sư Lê thị Công Nhân một trong số những người tham sự cuộc gặp cho chúng tôi biết:

"Ngày hôm nay phái đoàn nhân quyền của Hoa Kỳ đã đặc biệt quan tâm đến thái độ, quan điểm của các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam trong vấn để có nên thông qua Hiệp định thương mại xuyên Thái bình dương gọi tắt là TPP hay không, trong bối cảnh hiện trạng của vấn đề chính trị xã hội mà cụ thể là vấn đề dân chủ nhân quyền của Việt Nam như hiện nay.

Thậm chí họ còn đề nghị chúng tôi giơ tay biểu quyết, say Yes hay say No.

Cuối cùng trong số khoảng 15 người đại diện cho các tổ chức Xã hội dân sự ngày nay tham dự cuộc gặp theo như tôi quan sát thì có một nửa, 50/50 đề nghị không thông qua và 50 thì đồng ý nên để thông qua. Tôi nằm trong số những người nói không."

Khi được hỏi phản ứng của phái đoàn có tỏ ra ngạc nhiên trước kết quả khá bất ngờ này hay không LS Lê Thị Công Nhân cho biết:

"Họ không hề tỏ ra ngạc nhiên về kết quả này. Họ nói rằng thái độ biểu quyết của các bạn ngày hôm nay sẽ tác động lớn cuộc biểu quyết của các nghị sĩ của Hoa Kỳ vào kỳ họp sắp tới đối với vấn đề TPP của Việt Nam."

Buổi sáng trước khi cuộc gặp gỡ, nhiều người người đã bị công an chặn và tạm giữ trong đó có chị Thảo Teresa. Khi được hỏi có phải chị bị giữ vì đến gặp phái đoàn nhân quyền của Mỹ hay không chị Teresa cho biết:

"Đúng rồi ạ. Tôi cho con đi học thì họ chặn đường họ bắt đi luôn, bắt lên Quận đến 2 giờ thì họ thả. Họ cho đến gần 20 nhân viên công lực đến bắt và họ không nói lý do họ chỉ nói là mấy lần triệu tập mà tôi không đi nên họ cưỡng chế tôi về Quận. Mình cũng phản đối nhưng họ đông như thế họ ép mình đi thôi mình không thể nào làm gì được?"

Được biết trong khuôn khổ Đối thoại nhân quyền Việt -Mỹ lần thứ 19 do Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày hôm nay 6 tháng 5, 2015 phái đoàn Nhân quyền của Mỹ trên đường đến hai nơi là Việt Nam và Hongkong nhằm gặp gỡ và ghi nhận ý kiến của các tổ chức Xã hội dân sự để Quốc hội Mỹ có một dữ liệu chính xác và khả tín thông qua các buổi gặp gỡ như ngày hôm nay./

++++++++++++++++++++++++++++++++

HRW: Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ phải đạt kết quả cụ thể
 
Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch Phil Robertson.

Trà Mi-VOA

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt-Mỹ đang diễn ra tại Hà Nội phải đạt kết quả cụ thể, chứ không phải là những lời nói suông theo kiểu thảo luận cho có.  

Trao đổi với VOA Việt ngữ tối ngày 5/7, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch nhấn mạnh Washington và Hà Nội đang đánh mất cơ hội siết chặt thêm quan hệ song phương cho tới khi nào đối thoại nhân quyền giữa đôi bên thôi là ‘một sự đồng ý để bất đồng,’ vốn là ‘kết quả thường trông thấy trước nay.’ Ông Phil Robertson:

“Hoa Kỳ cần nói thật rõ với Hà Nội rằng chỉ có thể có tiến bộ trong mối quan hệ với Mỹ, kể cả tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại TPP, khi nào Việt Nam thật sự cải thiện thành tích nhân quyền trong đó bao gồm việc phóng thích hàng trăm tù nhân lương tâm bị giam cầm chỉ vì hành xử quyền làm người, hủy bỏ các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia thường dùng để bóp nghẹt nhân quyền và dân chủ, và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thành lập công đoàn, quyền tự do tụ tập ôn hòa không bị cản trở, cũng như quyền tự do tôn giáo của người dân.”

Human Rights Watch nói tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong những năm qua không mấy thay đổi và rằng các cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ thường kết thúc bằng việc ‘nhất trí là còn bất đồng’ hơn là các bước cải thiện thực thụ và ý nghĩa từ phía Hà Nội.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với blogger Điếu Cày trước cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần này chứng tỏ cho Hà Nội thấy rằng Washington tiếp tục đặt nặng vấn đề nhân quyền Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại nhân quyền này cần phải đạt những điểm đồng thuận và tiến tới sự thay đổi tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam.

Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW, Phil Robertson.

Đáp câu hỏi làm thế nào để có thể ràng buộc Hà Nội phải thực thi cam kết cải tổ nhân quyền một các hữu hiệu hơn nữa ngoài các cuộc đối thoại Việt-Mỹ hằng năm để Washington trực tiếp nêu lên các quan ngại hầu thúc đẩy Hà Nội cải thiện, ông Robertson nói:

“Hoa Kỳ phải cân nhắc các vấn đề nhân quyền của Việt Nam với mọi khía cạnh trong mối quan hệ với Hà Nội. Việt Nam phải hiểu rằng không có cải thiện đáng kể về nhân quyền thì mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục còn nhiều trở ngại và khó đạt được mức tiến bộ hay gần gũi trong bang giao như đôi bên mong muốn. Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với blogger Điếu Cày trước cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần này chứng tỏ cho Hà Nội thấy rằng Washington tiếp tục đặt nặng vấn đề nhân quyền Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại nhân quyền này cần phải đạt những điểm đồng thuận và tiến tới sự thay đổi tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam.”
 
'Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với blogger Điếu Cày chứng tỏ cho Hà Nội thấy rằng Washington tiếp tục đặt nặng vấn đề nhân quyền Việt Nam'.

Blogger Điếu Cày, người bị Hà Nội xem là phản động và cầm tù hơn 6 năm trước khi trục xuất thẳng từ nhà giam sang Hoa Kỳ vừa được Tổng thống Mỹ mời đến Tòa Bạch Ốc hôm 1/5 để thảo luận về thực trạng nhân quyền Việt Nam.

Sáng lập viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do nói cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt-Mỹ hôm nay cho thấy tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tồi tệ ra sao và Hoa Kỳ quan tâm đến thực trạng này đến mức nào trong mối bang giao Việt-Mỹ.  Về cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần này, blogger Điếu Cày chia sẻ:

“Trong những ngày diễn ra đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ, tôi biết rằng chính phủ Hoa Kỳ lần này cũng rất quan tâm đến thông tư 37 của Bộ Công an, một văn bản được dấu kín và được sử dụng để tước đoạt các quyền mà tù nhân được hưởng trong Luật Thi hành án hình sự. Lần này, Hoa Kỳ sẽ làm rõ, họ không muốn chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật  không được công bố để đàn áp tù nhân như vậy.”
 
Dân biểu Zoe Lofgren kêu gọi đặt các tiêu chuẩn ràng buộc về nhân quyền và quyền của người lao động vào Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Cách đây hai ngày, 13 dân biểu của cả hai đảng trong Hạ viện Hoa Kỳ gửi thư cho Tổng thống Obama kêu gọi đặt các tiêu chuẩn ràng buộc về nhân quyền và quyền của người lao động vào Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP đang thương lượng với 11 quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Thư do dân biểu Zoe Lofgren dẫn đầu chỉ rõ trường hợp điển hình về vi phạm nhân quyền của Việt Nam và yêu cầu có biện pháp đánh giá thích hợp, bổ sung các điều khoản rõ ràng về nhân quyền vào hiệp định mở rộng giao thương TPP này./
07.05.2015
04 Tháng Bảy 2015(Xem: 25941)
Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, ngày 4/7, tại Nhà khách Quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
25 Tháng Sáu 2015(Xem: 19108)
11 Tháng Sáu 2015(Xem: 13813)
Đại biểu tới từ tỉnh Bình Dương nói:"Một con số khổng lồ. Nói rõ hơn, chỉ riêng năm 2014, hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào lãnh thổ Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam, tức không hề chịu thuế, không phải qua các hàng rào quản lý kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam".
09 Tháng Sáu 2015(Xem: 15647)
- Việt Nam sẽ nhận được thêm nhiều tàu chiến mới, sẽ đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tránh để trứng vào một giỏ, có thể giáng đòn chí mạng đối với kẻ thù. - Báo chí Trung Quốc gần đây lo ngại Việt Nam tăng cường sức mạnh quốc phòng, tìm cách chia rẽ quan hệ Việt Nam với các nước để dễ bề thao túng. - Gần đây, Việt Nam mở rộng hơn hợp tác quốc phòng với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter vừa thăm Việt Nam và tuyên bố, Washington sẽ cung cấp 18 triệu USD cho Hà Nội để giúp Việt Nam mua tàu tuần tra Metal Shark do Mỹ chế tạo.