Campuchia lại phản đối Việt Nam về biên giới

16 Tháng Sáu 201511:40 CH(Xem: 22862)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 17 JUNE 2015
blank
Ngã 3 biên giới đường 19 Tây và đường 14 Bắc là địa vực biên giới Việt-Miên. Phía bên đất Việt thuộc tỉnh Gia Lai (Pleiku), bên đất Miên thuộc tỉnh Ratanakiri. Chỉ riêng khu vực rừng núi bạt ngàn này đã rộng hàng chục cây số, thời VNCH, quận Lệ Thanh còn gọi là cửa khẩu Lệ Thanh, cửa ngõ dẫn qua biên giới Campuchia là xã Pak Nhai, huyện O Yadav. Bên đất Việt, quận Lệ Thanh có các "Chư" như huyện Chư Ty, Chư Thoi, Chư Pao, đặc biệt huyện Chư Prông có ngọn núi cao nhất vùng và cũng là cao điểm hỏa lực của quân đội Mỹ lừng danh một thời năm xưa chiến sự.
 
Trước năm 1975 trong chiến tranh Việt Nam, vùng lãnh thổ biên giới này chịu trách nhiệm chỉ huy của Bộ tư lệnh Quân Đoàn II - Quân Khu II đóng ở thị xã Pleiku. Về hành chánh, các "Chư" thuộc quận lỵ Lệ Thanh; về chiến thuật, các "Chư" và quận Lệ Thanh chịu áp lực rất nặng từ các binh đoàn chính quy Bắc Việt và hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, ngay cả Pak Nhai vốn được coi là hậu cứ an toàn bên đất Miên, bộ đội mỗi khi vượt biên đánh nhau xong lại rút về nghỉ xả hơi. Gần Lệ Thanh là căn cứ hỏa lực Chư Prông.

Chư Prông là tên một ngọn núi cao nhất vùng."Chư Prông" theo tiếng gọi của người sắc tộc J' rai có nghĩa là "ngọn núi lớn", "Chư" là ngọn núi, "Prông" là lớn. Cách đây nửa thế kỷ, "Ngọn núi lớn" diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu lừng danh giữa quân đội Mỹ-Việt đọ súng với các sư đoàn chính quy Bắc Việt.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (Nhật Trường) viết nhiều ca khúc về các địa danh chiến sử này rất hay như "Anh Không Chết Đâu Em"; "Người Ở Lại Charlie"...

 Nếu Đà Lạt có Lang Biang cao ngất nhìn xuống miền duyên hải Phan Rang Phan Thiết thì Pleiku có Chư Prông nhìn xuống Quy Nhơn Tuy Hòa.
Ngược lên phía Bắc, cửa khẩu Lệ Thanh - căn cứ Chư Prông nối liền Kontum cùng với Plei Me, Đức Cơ, Toumorong, Dakto, Krek, Snoul, Dambe, Đức Cơ, Ia Drang, Krek, Khe Sanh ... đi vào quân sử. Không có gì lạ khi địa vực biên giới này hiện vẫn diễn ra tranh chấp từng tấc đất tấc rừng, con suối.

(lkt-VĂN HÓA)

++++++++++++++++++++++++++++++

Campuchia lại phản đối Việt Nam về biên giới
blank
Thủ tướng Việt Nam và Campuchia trong một lễ khai trương cột mốc biên giới.

Bộ Ngoại giao Campuchia vừa gửi hai công hàm liên tiếp phản đối Việt Nam "đào mương trái phép" trên đất Campuchia.

Các công hàm đề ngày 12/6 và 14/6 mà BBC có trong tay đã được gửi tới Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh.

Trong đó, Bộ Ngoại giao Campuchia nói giới chức nước này đã phát hiện ra tổng cộng 8 ao mương thủy lợi mà người Việt Nam "đào sâu trong lãnh thổ Campuchia thuộc tỉnh Ratanakiri".

Bộ này yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay hoạt động đào mương tại xã Pak Nhay, huyện O Yadav, nơi mà mới đây một đoàn dân biểu đối lập của Campuchia cũng đi thị sát và tố cáo Việt Nam "lấn đất".

Khu vực này hiện chưa cắm mốc phân giới được giữa hai bên.

Tuy nhiên, công hàm của phía Campuchia nhắc lại rằng trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen và ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN Lê Hồng Anh hôm 9/6 tại Phnom Penh, hai bên đã thống nhất lập trường "khi chưa cắm mốc thì khu vực chưa cắm mốc không được thay đổi".

Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 ký năm 2005.

Thế nhưng trên thực tế việc phân giới cắm mốc còn nhiều khó khăn và còn khoảng 20% đường biên chưa cắm mốc.

Cáo buộc Việt Nam xâm chiếm đất của Campuchia thường xuyên được các đảng phái chính trị Campuchia sử dụng trong nghị trình của mình.

Tuy nhiên điều đáng chú ý là Chính phủ Hun Sen, vốn bị chỉ trích là thân Việt Nam, nay cũng quay sang cáo buộc Việt Nam lấn đất.

'Hành động gấp'

Công hàm của Bộ Ngoại giao Campuchia dẫn các nguồn báo cáo của Bộ Nội vụ, Ủy ban Liên hợp Biên giới của Campuchia và chính quyền tỉnh Ratanakiri nói các mương đào của Việt Nam vào sâu trong đất Campuchia tới trên 500m.

Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Biên giới Var Kimhong được nói đã yêu cầu giới chức địa phương chặn tay bất cứ người Việt Nam nào làm việc trong khu vực và báo cáo ngay với ủy ban để có hành động gấp.

Ông Var Kimhong cho hay ngày 24/6 tới sẽ điều chuyên gia tới đo đạc và yêu cầu Việt Nam "không dịch chuyển các mốc dấu".

Sứ quán Việt Nam chưa có phản hồi gì về các công hàm của Bộ Ngoại giao Campuchia.

Chủ đề biên giới đất đai luôn luôn là một trong các chủ đề nóng nhất và gây tranh cãi nhất trong quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng thời hiện đại.

Việt Nam cũng từng cáo buộc Campuchia dịch chuyển mốc dấu.

Bất đồng về đất đai đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Campuchia./

BBC 15/6/15
blank