Từ vụ cột mốc 213, âm mưu bá quyền Biển Đông-bá quyền bán đảo Đông dương sụp đổ

18 Tháng Tám 20159:25 CH(Xem: 19789)

"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 19 AUG 2015

Từ vụ cột mốc 213, âm mưu bá quyền Biển Đông-bá quyền bán đảo Đông dương sụp đổ

image065image067image069image071

Ts Trần Công Trục: Tại sao Thủ tướng Hun Sen nói "không sợ Việt Nam"?

Hồng Thủy

17/08/15 14:10

 (GDVN) - Việt Nam chúng ta cũng không có nhu cầu ép Campuchia hay Thủ tướng Hun Sen phải "sợ" mình, phải chịu sự "điều khiển" vô lý của mình như một số cường quyền...

Đài VOA Hoa Kỳ ngày 15/8 đưa tin, đầu tuần trước khi tham dự lễ khánh thành cầu Hữu nghị Trung Quốc - Campuchia hay còn gọi là cầu Takhmao ở tỉnh Kandal, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng ông không sợ bất kỳ ai, kể cả Việt Nam. Người đứng đầu chính phủ Campuchia còn nói, Phnom Penh sẵn sàng kiện Việt Nam ra Tòa án Công lý Quốc tế cũng như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nếu Việt Nam vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.

image072

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.


Ông Hun Sen nói thêm rằng, mặc dù bị phe đối lập vu cáo ông là "con rối" của Việt Nam, nhưng ông nhấn mạnh mình "không sợ". Đài VOA lưu ý, lâu nay phe đối lập Campuchia CNRP vẫn sử dụng "con bài biên giới" để làm suy yếu vị thế của Thủ tướng Hun Sen, nhưng ông luôn bác bỏ những điều (vu cáo) này.

Bình luận về thông tin trên, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:

"Nếu căn cứ vào những câu chữ được cho là ông Hun Sen đã phát biểu thì không có gì đáng phê phán cả. Bởi vì nếu Việt Nam xâm phạm lãnh thổ của Campuchia hoặc vi phạm những thỏa thuận đã ký với Campuchia đang có hiệu lực thì họ hoàn toàn có thể kiện ra tòa. Đó là điều đương nhiên.

Người Việt Nam chúng ta cũng không có nhu cầu ép Campuchia hay Thủ tướng Hun Sen phải "sợ" mình, phải chịu sự "điều khiển" vô lý của mình như một số cường quyền nước lớn vẫn hành xử. Tất nhiên, cách phát biểu của Thủ tướng Campuchia trong tình huống đó có thể khiến người ta có sự hiểu lầm, thậm chí cho rằng ông ấy có biểu hiện "xem thường" Việt Nam hay quay sang ve vãn, lấy lòng Trung Quốc...

Cũng cần chia sẻ với Hun Sen một thực tế là phe đối lập CNRP đã liên tục sử dụng chiêu bài xuyên tạc, chống phá biên giới Việt Nam -
Campuchia để bôi nhọ ông. Lực lượng này đã lợi dụng tình cảm thiêng liêng với chủ quyền quốc gia dân tộc cũng như sự thiếu thông tin, kiến thức, hiểu biết của một bộ phận người dân Campuchia chân chất về công tác phân giới, cắm mốc để vu cáo, chống phá chính phủ Campuchia và cá nhân Thủ tướng.

Hoạt động phân định biên giới vốn cực kỳ phức tạp, đòi hỏi khách quan, khoa học và thiện chí nỗ lực rất lớn từ hai phía lại đang bị CNRP bóp méo để kích động, bôi nhọ danh dự cá nhân ông Hun Sen và đảng CPP cầm quyền.

Trong lúc người dân thiếu thông tin, CNRP hàng ngày ra rả tuyên truyền nhồi nhét những luận điệu xuyên tạc, thậm chí làm giả cả các văn bản pháp lý về biên giới lãnh thổ giữa 2 nước để tung lên mạng hòng đầu độc dư luận kết hợp với việc khoét sâu vào mâu thuẫn nội bộ trong xã hội Campuchia, phe đối lập cài vào những luận điệu xuyên tạc rằng ông Hun Sen là "tay sai của Việt Nam"!?

image073

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Tân Hoa Xã.


Trước sự hiểu biết mù mờ của dư luận về biên giới lãnh thổ, CNRP đã vu cáo Hun Sen nhân nhượng vô nguyên tắc, không dám chống lại việc lãnh thổ bị "xâm lấn" khiến ông Thủ tướng Campuchia buộc phải lên tiếng như vậy để thanh minh, khẳng định sự trong sáng của mình nhằm tranh thủ cử tri trong cuộc chạy đua tranh giành quyền lực ở Campuchia.

Nếu Việt Nam sai hay có hành vi "xâm phạm lãnh thổ Campuchia" thì Việt Nam sẵn sàng đối mặt với mọi phương thức mà Campuchia áp dụng theo đúng thủ tục pháp lý hiện thời. Thậm chí chúng ta còn khuyến khích những việc làm hợp pháp để bảo vệ lãnh thổ hợp pháp của họ. Đó cũng là việc Việt Nam đang làm trong quá trình nghiên cứu để áp dụng nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia đang bị xâm phạm trên Biển Đông.

Mặt khác, ông Hun Sen nói những điều này khi đi cắt băng khánh thành cầu Hữu nghị Trung Quốc - Campuchia rất dễ có thể khiến người ta nghĩ rằng đây là một trong những hệ quả của việc "bên thứ 3" mà ai cũng biết đã và đang dùng tiền mua chuộc, chia rẽ các nước trong khu vực nhằm phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông. Thậm chí uy tín của Thủ tướng Hun Sen có thể bị tổn hại nếu để dư luận nghĩ rằng đây là một thủ đoạn ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc.

Có điều, như tôi đã từng có vài lời nhắn gửi Thủ tướng Hun Sen, chủ nghĩa dân tộc cực đoan là một con dao hai lưỡi. Nó có thể đẩy người Campuchia vào chỗ tàn sát lẫn nhau vì những mục đích, động cơ chính trị đen tối và nguy hiểm.

Để chống lại thủ đoạn này của phe đối lập, thiết nghĩ chính phủ Campuchia cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến các thông tin, kiến thức, trình tự pháp lý, thủ tục đàm phán, phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia để cho dư luận xã hội hiểu rõ và chia sẻ với chính phủ, củng cố vững chắc các thành quả đã đạt được như ông đã và đang làm hiện nay.

Chỉ cần manh nha ý tưởng lợi dụng "con dao hai lưỡi" này để chống lại đối thủ và tìm kiếm phiếu bầu, có thể đẩy đất nước chùa tháp vào một thảm họa mới.

Theo tường thuật của tờ South China Morning Post thì chính ông Hun Sen đã phát biểu tại Phnom Penh hôm 14/8 về hành động chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia của thượng nghị sĩ đối lập Hong Sokhour rằng: Đây là một tội ác với động cơ mưu phản. Nếu một cuộc nổi loạn chống lại Việt Nam xảy ra vì những luận điệu xuyên tạc này và gây ra một cuộc chiến tranh với nước láng giềng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?"

Hồng Thủy

 

Hiệp định về vùng nước lịch sử và lời nhắn Thủ tướng Hun Sen

Ts Trần Công Trục

13/08/15 07:05

 (GDVN) - Mong rằng Thủ tướng Hun Sen có đủ bản lĩnh của một chính khách dày dạn kinh nghiệm để vượt qua thử thách này mà không cần phải sử dụng đến “con dao 2 lưỡi”.

LTS: Tiếp theo bài "Tranh chấp nổi lên trên vịnh Thái Lan và vấn đề đường Brévié", Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi đến độc giả bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục về Hiệp định vùng nước lịch sử và một vài lời nhắn Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

image074

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.


Campuchia cất quân đánh chiếm các đảo, Khmer Đỏ xâm lược Thổ Chu

Đến năm 1956, Campuchia đưa quân ra chiếm đảo Phú Dự, chiếm nhóm đảo Bắc Hải Tặc năm 1958 và đảo Wai năm 1966. Trong năm 1972, chính quyền Lon Nol ra Sắc lệnh về ranh giới thềm lục địa (số 439-72/PRK, ngày 1-7-1972) và Sắc lệnh quy định hệ thống đường cơ sở và lãnh hải Campuchia (số 518-721PKR, ngày 12-8-1972) quy thuộc các đảo Phú Quốc và Thổ Chu của Việt Nam vào lãnh thổ Campuchia.

Năm 1976, chính quyền Pol Pot đòi lấy đường Brévié làm đường biên giới biển giữa hai nước vì theo họ "đường này đã được sử dụng như đường biên giới trong gần 40 năm qua". Đồng thời Khmer Đỏ đã tiến hành hàng loạt cuộc thảm sát tàn khốc đối với dân cư Việt Nam sinh sống trên các đảo này.

Ngày 10 tháng 5 năm 1975 quân Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và sát hại toàn bộ hơn 500 cư dân Việt Nam, biến Thổ Chu thành hòn đảo chết. Sự kiện đó là đỉnh điểm của những hành động xuất phát từ ảo tưởng chủ quyền và bản chất tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot. Tuy nhiên, không lâu sau đó Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi quân Khmer Đỏ, giải phóng đảo Thổ Chu vào ngày 24 tháng 5 năm 1975.

Ngày 31-7-1982, Campuchia đã ra tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng bao gồm cả các đảo nằm xa bờ như đảo Wai.

Hiệp định Vùng nước lịch sử là một điều ước quốc tế có giá trị pháp lý

Năm 1982, Việt Nam và Campuchia ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa hai nước, trong đó thoả thuận "lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia các đảo trong khu vực này" và "sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp… để hoạch định đường biên giới biển giữa hai nước".

Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền của các bên đối với các đảo giữa hai nước. Hiệp định này đã nâng đường Brévié từ ranh giới quản lý hành chính và cảnh sát thành đường phân chia chủ quyền đảo giữa hai nước nhưng cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới biển.

Nội dụng cơ bản của Hiệp định Vùng nước lịch sử là:

Thứ nhất, vùng nước nằm bên trong bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến đảo Thổ Chu của Việt Nam và bờ biển Kampot đến đảo Poulo Wai của Campuchia là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy;

Thứ 2, hai bên lấy đường Brévié vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này;

Thứ 3, việc tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này do cả 2 bên cùng tiến hành;

Thứ 4, việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước đến nay. Đối với việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực này hai bên sẽ cùng nhau thỏa thuận.

image071

Sơ đồ Vùng nước lịch sử 1982 giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh do tác giả cung cấp.

Về phương diện pháp lý, Hiệp định này đã đáp ứng đủ các điều kiện cần và đủ của một Điều ước quốc tế vì: Đây là kết quả của sự thỏa thuận giữa 2 Nhà nước của 2 Quốc gia có chủ quyền, đáp ứng đầy đủ nguyên tắc thỏa thuận, thể hiên đầy đủ ý chí của đôi bên, không có sự áp đặt, bất bình đẳng trong quan hệ quốc tế, phù hợp với những quy định hiện hành của luật pháp quốc tế.

Hiệp định này được ký kết bởi người đại diện có thẩm quyền của 2 Nhà nước là Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao và được phê chuẩn bởi Cơ quan quyền lực cao nhất cuả 2 Nhà nước.

Về những nội dung cụ thể của hiệp định đều là kết quả của sự vận dụng các nguyên tăc của luật pháp và thực tiễn quốc tế đã được thừa nhận, áp dụng một cách rộng rải trong quan hệ quốc tế. Hiệp định Vùng nước lịch sử có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia nói chung và tạo sự ổn định, hòa bình và phát triển của vùng biển Tây Nam nói riêng.

Đặc biệt là việc nâng đường Brévié được vạch ra năm 1939, từ phân định ranh giới quản lý hành chính và cảnh sát, lên thành đường phân chia chủ quyền các đảo, là một sự vận dụng đúng đắn các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, có sự kết hợp một cách  khách quan, cầu thị và đặc biệt là xuất phát từ thiện chí của người Việt Nam, một dân tộc đã từng không tiếc máu xương của biết bao thế hệ để vun đắp và giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.

Thực hiện các nội dung của Hiệp định vùng nước lịch sử, công tác tuần tra kiểm soát tại vùng nước lịch sử được các lực lượng giữa 2 nước phối hợp thực hiện.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, thực hiện Hiệp định về vùng nước lịch sử của 2 nước Việt Nam và Campuchia ký ngày 7/7/1982 cũng như trên cơ sở thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng 2 nước Campuchia và Việt Nam ký ngày 22/8/2002 tại Thủ đo Phôm Pênh Campuchia, ngày 14/9/2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam và Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia đã ký quy chế phối hợp tuần tra chung và lập thông tin liên lạc giữa 2 nước.

Theo quy chế này, Hải quân 2 nước mỗi năm sẽ tổ chức 4 chuyến tuần tra chung và 2 hội nghị rút kinh nghiệm tuần tra chung ở mỗi bên. Cho đến nay, 2 bên đã tổ chức được 30 chuyến tuần tra và 14 lần tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuần tra chung. Việc phối hợp giữa Vùng 5 Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Hoàng gia Campuchia, với các cơ quan chức năng của 2 nước ngày càng được củng cố và phát triển trên tinh thần đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau.

Những kết quả đó đã tạo thêm thế và lực trong giải quyết mối quan hệ, chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc của mỗi nước, đồng thời thúc đẩy xu hướng hòa bình, ổn định hợp tác, ngăn ngừa đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh trên các vùng biển. Từ đó đảm bảo cho các hoạt động kinh tế phát triển, tránh được các vi phạm pháp luật của các phần tử xấu.  

Tất cả những gì mà tôi đã tóm lược nói trên có lẽ cũng đã phần nào giúp bạn đọc tự lý giải lý do cũng như “nội hàm” lời phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen trước Nội các nước này hôm 24/7 rằng: “Ở thời điểm đó, họ đã “bỏ rơi” đảo Koh Tral (tức đảo Phú Quốc của Việt Nam) và Kampuchea Krom (tức người Khmer ở Nam Bộ, ViệtNam)…cho Việt Nam. Tôi không thể đòi lại được”.

Thiết nghĩ, xuất phát từ truyền thống của một dân tộc đầy lòng vị tha, bao dung, chúng ta cũng nên cảm thông và chia sẻ những gì mà Thủ tướng Hun Sen đang phải đối măt trong tình hình chính trị rối ren của đất nước chùa tháp hiện nay.

Tuy nhiên, chúng ta cũng mong rằng Thủ tướng Hun Sen có đủ bản lĩnh của một chính khách dày dạn kinh nghiệm để vượt qua thử thách này mà không cần phải sử dụng đến “con dao 2 lưỡi”.

“Cái lưỡi” chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phản động đang được các thế lực đối lập trong và ngoài Campuchia cố tình cắt ghép và tìm cách dúi vào tay những người Campuchia hiền lành nhưng thiếu thông tin, hiểu biết về biên giới lãnh thổ cũng như quy trình đàm phán, phân giới căm mốc để kích động dân chúng tự tàn sát nhau vì những đông cơ chính trị đen tối!

​Mời quý độc giả theo dõi đón đọc loạt bài về "Đổi mới tư duy quản lý biên giới lãnh thổ trong tình hình mới" của Tiến sĩ Trần Công Trục trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ts Trần Công Trục

+++++++++++++++++++++++++++++++++++

CNRP đã thay đổi thủ đoạn chống phá Việt Nam?

Hồng Thủy

18/08/15 14:34

 (GDVN) - Hun Sen bây giờ không thể cảm thấy thoải mái, mà rất tức giận và thất vọng bởi vấn đề biên giới. Khi chúng ta đã tạo ra các điều kiện ...

image075

Hong Sokhour, bạn thân Sam Rainsy và là người chủ mưu sử dụng chiêu bài ngụy tạo bản đồ, tài liệu chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia. Ảnh: RFI.


The Cambodia Daily ngày 18/8 đưa tin, phản ứng trước việc Thượng nghị sĩ phe đối lập CNRP Hong Sokhour bị bắt vì tội làm giả giấy tờ tài liệu, tuyên truyền xuyên tạc biên giới Việt Nam - Campuchia nhằm kích động dư luận, Chủ tịch đảng này Sam Rainsy được dẫn lời bình luận: "Nếu chúng tôi biết họ (CPP) rất nhạy cảm (với vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia), chúng tôi sẽ không chọc vào eo họ, chúng tôi sẽ tìm một cách mới".

"Khi chúng ta biết họ rất nhạy cảm, chúng ta phải cẩn thận và an ủi họ bằng cách nào đó để tìm kiếm một kết quả cho đất nước. Nếu một công việc được tiến hành, và chúng tôi nói chuyện công khai về nó, đôi khi có những điều đúng và có những điều sai, cũng giống như trộn bùn với bột cá. Nếu chúng tôi (CNRP, CPP) làm việc cùng nhau, nó sẽ là cách hiệu quả hơn", Sam Rainsy tuyên bố.

Trả lời The Cambodia Daily qua điện thoại hôm Thứ Hai ông Sam Rainsy bình luận: "CPP đang tuyệt vọng. Họ đang hoảng loạn. (Cái gọi là) Làn sóng bắt bớ cho thấy họ đang hoảng loạn và mất chỗ đứng. Nó không cho thấy sức mạnh. Nếu bạn tự tin vào sự nổi tiếng của mình, bạn sẽ không làm điều đó (bắt giữ những kẻ gây rối, kích động chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia)".

"Hun Sen bây giờ không thể cảm thấy thoải mái, mà rất tức giận và thất vọng bởi vấn đề biên giới. Khi chúng ta đã tạo ra các điều kiện thuận lợi dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ của ông ấy, chúng ta có thể tìm thấy tiếng nói chung trong vấn đề biên giới (Việt Nam - Campuchia)", Sam Rainsy thừa nhận hành vi kích động dư luận, gây sức ép tâm lý đối với Hun Sen.

Người phát ngôn đảng CPP cầm quyền Sok Eysan cho biết, ông rất biết ơn khi Sam Rainsy đã thừa nhận mình kích động dân chúng công kích chống đối chính phủ với chiêu bài biên giới lãnh thổ. Nhưng ông nghi ngờ sự "chân thành" của Sam Rainsy khi ông ta nói sẽ kết thúc những điều này.

"Ông ta dường như đã thách thức, bởi trước đó ông ta chưa bao giờ thừa nhận 'chọc eo' chính phủ. Bây giờ ông ta nói như vậy và biết đó là lỗi của mình. Lời nói 'chọc eo' của ông ta mang rất nhiều hàm ý", Eysan bình luận.

The Phnom Penh Post ngày 18/8 cũng tường thuật lời Sam Rainsy bình luận: "Đối với những nhượng bộ, có lẽ chúng ta nên dừng việc châm chọc nhau, bởi vì đôi khi chúng ta không nên nói chuyện công khai. Nếu chúng ta nói ra công khai sẽ không đi dến kết quả. Bỏ tù các nhà lãnh đạo của đảng CNRP càng chứng minh cho người dân Campuchia thấy rằng đảng này trung thực (?!). CNRP không phải cấp dưới của bất kỳ ai đó."

Tờ báo này cũng dẫn lời ông Sok Eysan bình luận về phát biểu của Sam Rainsy về vụ bắt Hong Sokhour: "Tôi không nghĩ rằng những lời chỉ trích là một vấn đề. Trong trường hợp này nó là một hành vi phạm tội hình sự nghiêm trọng. Không có lửa thì làm sao có khói."

Xung quanh bình luận của Sam Rainsy về việc ông ta và CNRP đã "tạo ra điều kiện cho sự thay đổi trong suy nghĩ của Hun Sen về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia"và âm mưu, thủ đoạn mới chống phá Việt Nam đằng sau bình luận này, mời quý độc giả theo dõi phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ vào ngày mai.

Hồng Thủy

+++++++++++++++++++++++++++++++++++

Hun Sen “hết kiên nhẫn” với CNRP chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia

image076

"Nếu những người cáo buộc không đưa ra được bản đồ gốc thực sự, họ là những kẻ gian lận và tôi sẽ có hành động pháp lý". Thủ tướng Campuchia đề nghị...

image077

Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Khmer TImes ngày 4/8 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tỏ ra hết kiên nhẫn với phe đối lập CNRP về một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề biên giới với Việt Nam, người phát ngôn chính phủ Phay Siphan nói với Khmer Tímes. Ông Hun Sen đã dùng từ “ngu ngốc” để nói về các hành vi này của phe đối lập.

“Đây là một trong những đức tính của Thủ tướng, ông nói với ngôn ngữ của những người dân thường. Ở Campuchia không phải là xúc phạm khi nói ai đó ngu ngốc. Trong khi ông Sam Rainsy lại là kẻ hai mặt. Ông ta dùng một tay bắt tay người khác, tay kia vòng ra đâm họ phía sau”, ông Phay Siphan cho biết.

Hành động chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia của CNRP và việc đảng này luôn luôn tuyên truyền bôi nhọ đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền CPP là “con rối của Hà Nội”, phản bội dân tộc Khmer mới thực sự là hành vi xúc phạm, ông Phay Siphan nhấn mạnh.

Cùng ngày 4/8 The Phnom Penh Post cho biết, hôm Thứ Hai ông Hun Sen cảnh báo phe đối lập rằng ông sẽ có hành động pháp lý đối với kẻ nào tiếp tục buộc tội ông sử dụng “bản đồ không chính xác trong đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam”.

Phát biểu trong lễ cắt băng khánh thành cây cầu Trung Quốc tài trợ tại thị trấn Takhmao tỉnh Kandal, ông Hun Sen nhắc lại kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho Campuchia mượn các bản đồ bonne tỉ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương phát hành trước 1953 mà Campuchia và Việt Nam đã thống nhất lấy làm căn cứ đàm phán, hoạch định biên giới.

image078

Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia Var Kimhong giới thiệu bản đồ bonne do Sở Địa dư Đông Dương phát hành trước 1953. Ảnh: Khmer Times.

“Tôi không yêu cầu các bản đồ mà Mỹ đã dùng để đánh bom vào đất Khmer thời điểm đó. Tôi chỉ yêu cầu mượn bản đồ của tôi. Tôi chỉ mượn và sẽ hài lòng nếu Mỹ cử chuyên gia tới”, Hun Sen nói mỉa mai. Ngoài ra, Thủ tướng Campuchia cảnh báo:

“Nếu những người cáo buộc không đưa ra được bản đồ gốc thực sự, họ là những kẻ gian lận và tôi sẽ có hành động pháp lý”. Thủ tướng Campuchia đề nghị các đảng phái ở nước này cùng đến Liên Hợp Quốc để xác minh bản đồ, dập tắt mọi nghi ngờ, dù chuyến đi này có thể tốn đến 5 triệu USD.

Xung quanh vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia, Khmer Times hôm qua dẫn lời Phó trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia Koy Pisey cho biết: “Chúng tôi đã chỉ sử dụng các bản đồ bonne do thực dân Pháp xuất bản để phân giới cắm mốc theo các nguyên tắc phân định biên giới và phù hợp với hiến pháp Campuchia. Đến nay chúng ta đã phân giới và cắm cột mốc trên biên giới với Việt Nam được 83%”.

“Chính phủ không chỉ sử dụng công nghệ định vị GPS cầm tay như ông Sam Rainsy nói, mà còn chấp nhận sử dụng công nghệ Toltal Station GPS đắt hơn để phân định ranh giới các đồn biên phòng. Tôi nghĩ rằng ông Sam Rainsy không nên cố gắng tư vấn cho chính phủ điều này bởi vì chúng tôi đã trải qua nó rồi”, bà Phó ban cho biết.

Sok Ey San, người phát ngôn của đảng CPP cầm quyền đã bác bỏ các bình luận của ông Sam Rainsy về vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia. “Bây giờ ông ta đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn chẳng hiểu gì về vấn đề biên giới. Ông ta nghĩ chính phủ như một đứa trẻ con chẳng hiểu gì trong khi ông ta không phải là một chuyên gia về kỹ thuật biên giới”, Sok Ey San bình luận.

 Nguồn: Giaoduc.net.vn

10 Tháng Tám 2015(Xem: 14384)
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, an ninh lương thực của Việt Nam có ổn định hay không đều tùy thuộc vào vựa lúa này. Trong thời gian gần đây, sông Cửu Long bị cạn dòng và nước mặn xâm thực vào các đồng ruộng khiến cho hàng ngàn hecta lúa bị nhiễm mặn. Nguy cơ mất mùa và đồng bằng sông Cửu Long bị biến thành ruộng muối là khải năng rất có thể trong tương lai.
20 Tháng Bảy 2015(Xem: 26838)
Khoảng 2.000 người Campuchia dẫn đầu là các dân biểu của đảng Cứu quốc đối lập đã tới vùng biên giới với Việt Nam hôm Chủ nhật 19/7.
17 Tháng Bảy 2015(Xem: 30433)
Tân đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hôm thứ Sáu bảo đảm với các đồng minh châu Á rằng các lực lượng của Hoa Kỳ đã được trang bị kỹ càng và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào ở Biển Đông.
12 Tháng Bảy 2015(Xem: 26874)
Nhận lời mời của Chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Ngài Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), đã thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng bí thư ĐCSVN. Nhân dịp này, trong đó có cả cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng ngày 7/7/2015, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung này.