Kết luận điều tra 'không thuyết phục'

02 Tháng Mười 20167:42 CH(Xem: 12042)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  HAI  03  OCT  2016


Kết luận điều tra 'không thuyết phục'



image034

Image copyright vtc.vn Image caption Công an Hà Nội vừa đưa ra kết luận điều tra về vụ việc xảy ra trên cầu Nhật Tân hôm 23/9/2016 giữa công an huyện Đông Anh với nhà báo của tờ Tuổi trẻ.


Kết luận điều tra của Công an Thành phố Hà Nội nói công an cấp huyện không hành hung mà chỉ 'đá nhưng không trúng vào người' và bị 'gạt tay vào má' một phóng viên của báo Tuổi trẻ là chưa nhìn nhận sự việc 'chính xác', 'đúng với bản chất' và 'không thuyết phục' đối với nhân dân, theo ý kiến giới chức từ Hội nhà báo Việt Nam.


Mặc dù Hội nhà báo Việt Nam chưa nhận được công văn chính thức về kết luận này mà chỉ theo dõi qua truyền thông, đại chúng, vẫn theo ý kiến từ Hội này, và dù các hình ảnh, chi tiết được phản ánh trong đoạn video trên mạng về vụ phóng viên Trần Quang Thế bị 'Công an hình sự huyện Đông Anh hành hung' hôm 23/9/2016 cần được 'xác minh thêm', thì hành vi của công an là 'không đẹp' và 'không được lòng của báo chí'.


Bình luận với BBC hôm 30/9 về kết luận của Công an Hà Nội về vụ việc xảy ra trên cầu Nhật Tân, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra, Hội nhà báo Việt Nam, nói:


"Với tư cách một công dân và một người xem truyền hình bình thường, chúng tôi thấy là ngành công an cần phải nhìn nhận góc độ vụ việc này một cách chính xác hơn, đúng với bản chất của sự việc hơn.


Chúng tôi thấy là ngành công an cần phải nhìn nhận góc độ vụ việc này một cách chính xác hơn, đúng với bản chất của sự việc hơn. Còn như thế, nghe chừng nhân dân xem không thấy thuyết phục lắmNhà báo Phan Hữu Minh, Hội nhà báo Việt Nam


"Còn như thế, nghe chừng nhân dân xem không thấy thuyết phục lắm."


'Cán bộ với nhau'


Nhà báo Phan Hữu Minh nhân dịp này cho biết thêm về thống kê tình hình các vụ nhà báo ở Việt Nam bị cản trở tác nghiệp hay bị hành hung, ông nói:


"Nhà báo Việt Nam mà bị cản trở, bị hành hung... thì cũng tương đối là nhiều, như năm 2015 là hơn một chục vụ, năm nay thì chưa đến, thế nhưng việc người nhà nước cản trở người nhà nước thì đến nay chưa có nhiều, còn xích mích thì cũng có.


"Nhưng tương đối rõ như vụ ở cầu Nhật Tân vừa rồi, có hành động, có động tác một chút, thì chưa có đâu.


"Đây là một vụ việc chúng tôi nghĩ là đáng tiếc, vì cơ quan báo chí cũng coi như những người làm việc chung, cảnh sát hay công an cũng làm việc chung, thì cái này hầu như chưa xảy ra, ít lắm. Có hay không thì ở các địa phương cũng không nhiều."


Khi được đề nghị bình luận về một trong những vụ việc được cho là phóng viên báo nhà nước bị công an địa phương hành hung như vụ hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) gặp phải khi xuống tác nghiệp ở dự án Ecopark, Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trước đây vào năm 2012, Trưởng ban Kiêm tra của Hội nhà báo Việt Nam nói:



image036

"Tôi nói không nhiều không phải là không có, nhưng những vụ bé, nó không lớn, chúng tôi cũng không thể để ý hết được..


"Ở Việt Nam có từ 'cán bộ với nhau', khi mà cán bộ với nhau thì cũng hiếm, không nhiều.


"Tôi nhắc lại là chúng tôi chưa nhận được văn bản nào trả lời từ phía Công an cả.


"Nếu báo Tuổi Trẻ mà công an có văn bản, hình thức xử lý thì Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo cũng sẽ có thái độ để trao đổi với bên ấy.


"Thế nhưng chưa nhận được văn bản, bây giờ mới là thông tin đại chúng thôi, nên bước đầu như thế thôi, chứ chưa nói gì được hơn," ông Phan Hữu Minh nói với BBC.


'Không đẹp, không được lòng'


Cũng hôm thứ Sáu, một quan chức quản lý khác từ Hội nhà báo Việt Nam đưa ra bình luận với BBC về vụ việc và cho rằng hành vi của cảnh sát ở trên cầu Nhật Tân đối với phóng viên là 'không đẹp' và 'không được lòng' giới báo chí.


Tôi thấy hành vi như vụ việc vừa rồi không được đẹp mắt lắm và cũng không được lòng với giới báo chí cũng như đối với mọi ngườiNhà báo Trần Bá Dung, Hội nhà báo Việt Nam


Khi được hỏi trong tư cách cá nhân, liệu có quan ngại nào không nếu có các sự việc nhà báo, phóng viên ở Việt Nam bị lực lượng công an, cảnh sát hay an ninh sử dụng bạo hành, như vụ việc phản ánh trong clip trên cầu Nhật Tân hôm thứ Sáu tuần trước, Tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam nói:


"Hội đã rất nhiều lần có ý kiến về các hiện tượng nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp bị hành hung, bị cản trở công việc, với tư cách cá nhân và công dân. Tôi thấy hành vi như vụ việc vừa rồi không được đẹp mắt lắm và cũng không được lòng với giới báo chí cũng như đối với mọi người," Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội nhà báo Việt Nam nói với BBC.


Cùng hôm 30/9, một quan chức từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu quan điểm về kết luận của Công an Thành phố Hà Nội xung quanh vụ việc:


"Tôi vừa đi công tác về, cũng mới chỉ xem qua, đọc qua sự việc. Ý kiến của tôi là dù là ai thì cũng phải chấp hành cho đúng pháp luật, có vậy thôi," ông Trần Xuân Hà, người cũng là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành của Hội nhà báo Hà Nội nói với BBC.


image037

Image caption Công an Hà Nội nói công an huyện chỉ 'đá nhưng không trúng vào người' và chỉ 'gạt tay vào má' phóng viên mà thôi.


Được biết, đại diện lãnh đạo của báo Tuổi Trẻ, cơ quan làm việc của phóng viên Trần Quang Thế, người mà clip video trên cầu Nhật Tân phản ánh đã bị một nhóm người mặc thường phục và cảnh phục lẫn lộn ngăn cản tác nghiệp hôm 23/9 và có hành vi ít nhất của một thành viên trong số đó được cho là 'hành hung' với phóng viên, đã không tán thành kết luận của Công an Hà Nội và các hình thức xử lý vụ việc.


"Một ngày sau khi Công an Hà Nội công bố kết luận vụ xô xát, trao đổi với VnExpress, ông Lê Xuân Trung (Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ) cho biết, không đồng tình với quyết định này. Tuổi trẻ sẽ đề nghị Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nguyên giám đốc Công an Hà Nội, xem xét lại tính khách quan của kết luận," VnExpress phản ánh.


"Liên quan phóng viên Quang Thế, người bị xử phạt hành chính 6 lỗi trong vụ xô xát, ông Xuân Trung nêu quan điểm: 'Công an căn cứ cơ sở nào để xử phạt trong khi không lập biên bản tại hiện trường, không có sự thừa nhận của người liên quan,'" tờ báo mạng của Việt Nam tường trình.


Hôm 29/9, Tuổi trẻ Online có bài viết phản ánh kết luận của Công an Hà Nội, trong đó nhấn mạnh một chi tiết mà người phát ngôn của cơ quan điều tra cấp này nói rằng công an chỉ 'gạt tay vào má' phóng viên./ (theo BBC 30 tháng 9 2016)


+++++++++++++++++++++++++++++

Phạt Quang Thế "lợi dụng tư cách nhà báo" là thiếu căn cứ

02/10/2016


TTO - Theo luật sư Phạm Hoài Nam, Công an xử phạt nhà báo Quang Thế về hành vi "Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên" là không có căn cứ khi Quang Thế tác nghiệp theo sự phân công của cơ quan.


image038

Phóng viên Quang Thế (trái) tác nghiệp tại cầu Nhật Tân và phía sau là cảnh sát hình sự Đông Anh (Hà Nội) - Ảnh cắt từ clip


Trước dư luận đặt vấn đề việc nhà báo Quang Thế bị xử phạt hành chính mà chưa có biên bản vi phạm nào được lập, trả lời báo Tuổi Trẻ, đại diện Công an Hà Nội lý giải rằng việc công an quận Tây Hồ ra quyết định xử phạt hành chính nhà báo Quang Thế là có căn cứ bởi hồ sơ vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội (PC44) chuyển sang.


Theo Công an Hà Nội, Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ cho Công an Q.Tây Hồ để xử phạt hành chính nhà báo Quang Thế là đúng luật. Trường hợp này là không cần lập biên bản, chỉ cần căn cứ vào tài liệu chứng cứ và hồ sơ của cơ quan điều tra để ra quyết định xử phạt.


Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định dù việc xử phạt hành chính căn cứ vào hồ sơ do cơ quan điều tra chuyển sang thì cũng phải đảm bảo đúng trình tự, thẩm quyền.


Vẫn phải có biên bản vi phạm


Theo quy định, thẩm quyền điều tra vụ án hình sự, xác minh tin báo tố giác tội phạm, đơn trình báo của công dân thuộc về cơ quan điều tra.


Sau khi xác minh tin báo tố giác tội phạm, đơn trình báo của công dân, nếu vụ việc không có dấu hiệu hình sự thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.


Đồng thời, nếu xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính thì cơ quan điều tra cần chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo Luật xử lý vi phạm hành chính.


image040

Phóng viên Trần Quang Thế (bìa trái) và ông Ngô Quang Hưng - người hành hung Quang Thế (bìa phải) tại buổi làm việc với PC44 chiều 24-9 - Ảnh: K.H.


Theo Thạc sỹ Vũ Thị Xuân Nhuệ - kiểm sát viên Viện KSND TP.HCM, nếu qua xem xét vụ việc, cơ quan điều tra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Quyết định này phải nêu rõ căn cứ không khởi tố.


Nếu cơ quan điều tra chuyển hồ sơ này cho cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết vụ việc vi phạm hành chính thì hồ sơ cũng phải kèm theo quyết định không khởi tố vụ án.


Nếu cơ quan điều tra cho rằng, vụ việc có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì đương nhiên trong hồ sơ này phải có đầy đủ các bằng chứng, chứng cứ về việc vi phạm đó, và đương nhiên, không thể thiếu được biên bản vi phạm hành chính. Và biên bản này được thực hiện khi hành vi vi phạm hành chính xảy ra.


Nếu người dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng người có thẩm quyền chứng kiến mà không lập biên bản thì đó là lỗi của chính người có thẩm quyền đã thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ.


Bà Nhuệ cũng cho biết, trong quyết định xử phạt đối với nhà báo Quang Thế, mấu chốt vấn đề là việc xác định thế nào là khu vực bí mật nhà nước.


Theo bà Nhuệ, thì ở đây nhà báo Quang Thế đã thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình trong tác nghiệp và khu vực cầu Nhật Tân không phải là khu vực bí mật nhà nước.


Đồng tình với bà Nhuệ, luật sư Nguyễn Minh Tâm - đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng dù vụ án không có dấu hiệu hình sự và chuyển hồ sơ để xử ý hành chính thì việc này cũng cần phải tuân theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.


Nghĩa là, vẫn cần phải có đầy đủ biên bản vi phạm hành chính được lập trước đó.


Mời bạn cùng xem lại những hình ảnh ghi nhận các sự việc diễn ra trên cầu Nhật Tân ngày 23-9 do đồng nghiệp báo Thanh Niên cung cấp 


Quang Thế có lợi dụng tư cách nhà báo không?


Trong quyết định của công an quận Tây Hồ xử phạt nhà báo Quang Thế tổng cộng 14,4 triệu đồng còn có điểm cho rằng nhà báo đã có hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để can thiệp và cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức cá nhân, bị xử phạt 7,5 triệu đồng.


Theo luật sư Phạm Hoài Nam - đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi “Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân”, được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.


Có thể hiểu hành vi "Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên" chỉ bị xử lý khi phóng viên, nhà báo tác nghiệp không theo sự phân công của lãnh đạo tờ báo. Việc tác nghiệp là hành vi cá nhân có chủ đích và vi phạm quy định của Luật Báo chí thì mới có thể bị xử phạt theo điều 6 nghị định 159 trên.


Đối với trường hợp nhà báo Quang Thế thì anh đi lấy tin bài theo sự phân công của lãnh đạo, có thể xem là nhà báo Quang Thế đang thực hiện công việc được giao.


"Việc áp dụng điều khoản này để xử phạt Quang Thế - đã là sự nhầm lẫn đáng tiếc của Công an quận Tây Hồ", luật sư Nam nói.


Cơ quan công an cũng không chứng minh được phóng viên Quang Thế có hành vi vi phạm và cản trở việc điều tra nên không thể khẳng định Quang Thế lợi dụng tư cách nhà báo để cản trở công việc của cá nhân tổ chức.


Ngược lại, luật sư Nam lại cho rằng cần xem xét hành vi của chiến sĩ cảnh sát khi đánh vào mặt và đá phóng viên Quang Thế.


Hành vi trên đã có dấu hiệu vi phạm quy định về quyền tác nghiệp của báo chí và căn cứ điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ trên thì hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.


HOÀNG ĐIỆP