Phòng chủ tịch Yên Bái bị bắn chết có 100.000 đô "tích cóp"

27 Tháng Mười Hai 20166:17 CH(Xem: 11015)

"VĂN HÓA ONLINE-CALIFORNIA"  THỨ  TƯ  28   DEC  2016


Phòng lãnh đạo Yên Bái bị bắn chết có 100.000 đô "tích cóp"

image025

Image copyright Getty Images Image caption Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt ở Yên Bái để chỉ đạo xử lý vụ bắn lãnh đạo


Kết quả điều tra của công an vụ hai lãnh đạo hàng đầu tỉnh Yên Bái bị bắn chết ngày 18/8 cho hay lý do là 'bức xúc cá nhân về sắp xếp cán bộ'.


Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức họp báo chiều thứ Hai 26/12 để công bố kết quả điều tra.


Vụ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đỗ Cường Minh dùng súng bắn chết hai ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy, và Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, vào bốn tháng trước đã gây chấn động dư luận.


Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố "vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng" ngay trong ngày 18/8.


Tuy nhiên nay Công an tỉnh đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án này vì nghi can duy nhất trong vụ án là ông Đỗ Cường Minh đã chết.


Tại cuộc họp báo chiều 26/12, ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đồng thời là thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, nói cảnh sát không tìm thấy dấu hiệu của "ghen tuông tình ái, không có dấu hiệu của việc mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế và không có động cơ mục đích chính trị".


Do vậy họ kết luận "nguyên nhân gây án là do bất mãn bức xúc cá nhân trong bố trí sắp xếp nhân sự khi sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái".


Trong vụ sắp xếp lại nhân sự này, ông Đỗ Cường Minh từ vị trí Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm phải chuyển sang vị trí phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (mới).


Chi tiết vụ án


Cảnh sát điều tra tỉnh Yên Bái cũng bác bỏ thông tin nói rằng khi xảy ra vụ án, trong phòng làm việc của lãnh đạo tỉnh có số tiền lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng.


Theo ông Phạm Ngọc Thắng, két sắt trong phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, chỉ có 100.000 USD và 1,5 tỷ đồng cùng một số nhẫn. Đây được nói là "số tiền cá nhân, tích cóp nhiều năm nay" của vợ chồng ông Tuấn.


Trước đó, chính quyền tỉnh Yên Bái đã công bố chi tiết vụ án mạng đôi đặc biệt nghiêm trọng, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lập tức tới tỉnh này để chỉ đạo việc xử lý.


Khoảng 7h sáng ngày 18/8, Chi cục trưởng Kiểm lâm Đỗ Cường Minh đã đến xin gặp và được cho vào phòng làm việc Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường. Tại đây, ông Minh dùng súng quân dụng K59 bắn ông Cường.


Sau đó ông Minh di chuyển sang phòng của Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Ngô Ngọc Tuấn, cách đó 150 mét, dùng súng bắn ông Tuấn, rồi tự sát tại đây.


Ba người được đưa lên Bệnh viên Đa khoa tỉnh cấp cứu. Tỉnh Yên Bái liên lạc với các cấp lãnh đạo trung ương, gồm cả Bộ trưởng Y tế, mời các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức về Yên Bái cứu chữa.


Đến 13h05, hai ông Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn qua đời.


Ông Đỗ Cường Minh cũng tắt thở lúc 15h26 cùng ngày. (theo BBC 26 tháng 12 2016)


Một số câu hỏi trên mạng về kết quả điều tra vụ Yên Bái


Top of Form

Bottom of Form

Sau khi công an công bố kết quả điều tra vụ hai lãnh đạo đầu tỉnh Yên Bái bị bắn chết ngày 18/8, một số câu hỏi được các công dân mạng đặt ra.


Kết quả điều tra nói hai ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy, và Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, bị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đỗ Cường Minh dùng súng bắn chết vì 'bức xúc cá nhân về sắp xếp cán bộ'.


Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức họp báo chiều thứ Hai 26/12 để công bố kết quả điều tra.


Vụ bắn người vào bốn tháng trước đã gây chấn động dư luận.


Trên trang Facebook cá nhân của mình, Luật sư Lê Công Định đặt ra vấn đề pháp lý về số tiền 100.000 USD trong két sắt ở phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, được vợ ông giải thích là tài sản tích cóp từ nhiều năm làm việc của gia đình.


Ông Định đặt câu hỏi về nguồn gốc số ngoại tệ, cũng như liệu chủ nhân số tiền này khi còn sống có biết luật quản lý ngoại hối của Việt Nam hay không.


"Những giao dịch nào của ông bà lúc ông sinh thời được thanh toán bằng ngoại tệ vậy? Hoặc nếu ông được thanh toán bằng tiền đồng, thì vì sao ông quy đổi sang ngoại tệ để cất giữ? Ông không tin vào giá trị đồng bạc Việt Nam sao hay còn lý do nào khác?"


Theo luật sư Định, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể tiếp tục cuộc điều tra mở rộng liên quan đến nguồn gốc ngoại tệ của "số tiền tích cóp" đó.


Về phần mình, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói nếu tùy tiện trao tài sản ấy cho gia đình ông Tuấn là sai pháp luật.


"Cần điều tra làm rõ các tang vật đó liên quan đến vụ án như thế nào. Khi không tìm ra sự liên quan thì phải điều tra xem tài sản đó có thuộc về ông Tuấn không (phải có bằng chứng xác minh), nếu không phải thì nó thuộc về cơ quan nơi ông Tuấn làm việc."


Ông Chênh cũng đặt nghi vấn về nhân vật thứ tư, được nói là tài xế tên H, người "đứng bên ngoài phòng ông Tuấn nghe tiếng súng nổ, mở cửa phòng vào thấy ông Tuấn và ông Minh đều trúng đạn gục ngã xuống, súng nằm trên tay ông Minh. Thấy vậy tài xế H lại lấy súng ra khỏi tay ông Minh rồi cất đi".


Ông cho rằng sự xuất hiện của nhân vật thứ tư này rất đáng ngờ, cần phải được xem xét kỹ.


Cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ vụ án vì nghi phạm duy nhất là ông Đỗ Cường Minh đã tự sát chết./ (theo BBC 26/12/16)