Chợ An Đông: Thu thuế, thu tiền thuê sạp cao ngất ngưởng vẫn chưa sửa chữa?

19 Tháng Chín 20176:55 CH(Xem: 10046)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM  - THỨ  TƯ  20  SEP  2017


Vì sao hơn 2.500 tiểu thương chợ An Đông bãi thị?


19/09/2017


Đóng góp hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp chợ nhưng nhiều năm nay, tiểu thương chợ An Đông, TP.HCM vẫn phải buôn bán trong chợ cũ xuống cấp.


Sáng nay, hơn 2.550 tiểu thương chợ truyền thống An Đông đã ngừng hoạt động buôn bán, xuống đường bãi thị. 


Mục đích để phản đối việc Ban quản lý chợ An Đông có những hoạt động thu - chi tiền do tiểu thương đóng góp sửa chữa chợ không rõ ràng, cũng như sự bất nhất của lãnh đạo quận 5 trong xử lý vụ việc trên.


Tiểu thương góp trăm tỷ sửa chợ, Ban quản lý chỉ sửa nhà vệ sinh


Hình thành từ năm 1951, chợ An Đông là một trong ba chợ truyền thống cấp 1 có lịch sử lâu đời tại TP.HCM (cùng với chợ Bình Tây và chợ Bến Thành). Đến năm 1991, hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông là những người đầu tiên đã đóng góp, cùng xây dựng chợ kiên cố gồm 5 tầng như hiện tại.


Mỗi tiểu thương góp số tiền 22 triệu đồng cho diện tích quầy sạp chỉ 1,5m x 1,4m.


Đây là một trong những chợ sầm uất nhất nhì TP.HCM với mặt hàng chính là quần áo và phụ kiện thời trang, doanh số luân chuyển hàng hóa lên tới khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.


Qua thời gian dài phát triển, ngôi chợ hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán.


image032Tiểu thương bức xúc phát loa trình bày sự việc. Ảnh: Lê Quân.


Cụ thể, theo phản ánh của các tiểu thương, doanh số bán hàng của chợ trong mấy năm trở lại đây đã giảm 50-70%. Một trong những lý do được các tiểu thương ở đây khẳng định là do chợ quá xuống cấp, bên cạnh nguyên nhân khách quan là sụt giảm kinh tế.


Đầu năm 2013, hơn 2.000 tiểu thương của chợ đã được vận động đóng trước hơn 237 tỷ đồng với nhiều hứa hẹn từ quận 5, là nâng cấp chợ khang trang, sạch đẹp cạnh tranh với các trung tâm thương mại mới mọc lên trên địa bàn quận. Công trình này mang tên “nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực” được thi công vào năm 2014.


Tuy nhiên thực tế, Ban quản lý chợ chỉ sửa chữa được 4 nhà vệ sinh, với chi phí lên tới hơn… 9 tỷ đồng.


Ngoài ra, tháng 5/2015, Ban quản lý chợ công bố số tiền 237 tỷ mà tiểu thương đã đóng góp thực tế chỉ là 219 tỷ đồng. Đến tháng 11/2016 số tiền được công bố chỉ có 217 tỷ đồng, lý do là kế toán báo nhầm.


Tiểu thương đợi, quận hứa


Bức xúc với tiến độ cũng như chi phí sửa chữa chợ của Ban quản lý, tiểu thương chợ An Đông đã nhiều lần gửi kiến nghị lên UBND quận 5, yêu cầu vào cuộc giải quyết.


Ngày 10/11/2016, Chủ tịch UBND quận 5 có buổi tiếp xúc đầu tiên với các tiểu thương của chợ.


image033Đóng góp chi phí sửa chợ nhiều năm nay nhưng tiểu thương cho biết vẫn phải buôn bán trong điều kiện chợ cũ xuống cấp. Ảnh: Lê Quân.


Tại buổi đối thoại, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, thừa nhận chính tay ông đã bút phê “hoàn toàn đồng ý” trước những kiến nghị của tiểu thương vào ngày 28/10/2016.


Cũng chính ông Huy thông tin với tiểu thương trong tháng 12/2016, UBND quận 5 tổ chức đấu thầu hai hạng mục cải tạo nội ngoại thất chợ, ô giếng trời và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Đến tháng 2/2017 sẽ bắt đầu sửa chữa.


Song song đó, tháng 4/2017 làm tiếp hai hạng mục là hệ thống thang máy vận chuyển hàng và xử lý hệ thống nước thải. Thời gian làm hai hạng mục quan trọng dự tính là 2 năm.


Ngày 19/5/2017, tiểu thương chợ An Đông tiếp tục có buổi làm việc với UBND quận 5.


Tại buổi làm việc này, ông Huy đã kết luận sẽ khởi công 4 mặt tiền chợ vào tháng 6/2017. Đồng thời thống nhất thời gian khởi công là ngày 15/10/2017 đối với 3 hạng mục: thay mới gạch nền, hệ thống máy lạnh và hệ thống chiếu sáng ngoại vi.


Việc khảo sát lắp đặt đồng hồ điện tại mỗi quầy/sạp trong tháng 8/2017. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, mọi hạng mục trên vẫn chưa được triển khai.


Tại cuộc đối thoại ngày 19/9, ông cũng nhận trách nhiệm trước việc mãi lực của chợ suy giảm do sự xuống cấp của hạ tầng chợ. 


Lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo xử lý


Liên quan đến vụ việc lùm xùm tại chợ An Đông nhiều năm qua, ngày 28/4, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo xử lý.


Ông Tuyến giao sở Công Thương chủ trì, nghiên cứu thành lập tổ công tác kiểm tra hoạt động của Trung tâm thương mại - Dịch vụ An Đông (chợ An Đông) xung quanh vấn đề mà tiểu thương chợ An Đông khiếu nại.


Ngày 12/5, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra chợ này. Tại buổi thông báo kết luận thanh tra chợ chiều 12/5, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trưởng đoàn kiểm tra chợ An Đông, thốt lên: “Ban quản lý chợ An Đông hết sức quan liêu”, khi nghe những bức xúc của tiểu thương nơi đây.


Cũng buổi gặp gỡ này, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết TP.HCM đã thành lập đoàn thanh tra một số nội dung về thu chi, sửa chữa tại chợ An Đông. Qua đó, khẳng định số tiền quầy sạp mà tiểu thương kiến nghị đã thu chính xác là hơn 217 tỷ đồng, chứ không phải 237 tỷ đồng như phản ánh.


Mới đây, ngày 11/8, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM,  dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện các sở ngành và lãnh đạo UBND quận 5, khảo sát tình hình hoạt động của chợ An Đông, làm việc với tiểu thương tại chợ.


Tại buổi tiếp xúc tiểu thương này, ông Tuyến yêu cầu quận 5 rà soát lại, để chính thức làm việc với UBND TP.HCM về vấn đề sửa chữa, nâng cấp Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông.


Ông Tuyến cũng khẳng định sẽ sát cánh với quận 5 giải quyết nguyện vọng của tiểu thương, để Tết Nguyên Đán 2018 tới, việc buôn bán của bà con được nhiều hơn, tốt hơn.


“Trước Tết, tôi sẽ đến thăm bà con lần nữa”, ông Trần Vĩnh Tuyến hẹn.


Ngay sau buổi bãi thị sáng nay diễn ra tại chợ, Văn phòng UBND TP.HCM đã có buổi tiếp đại diện các tiểu thương chợ An Đông, kéo dài từ 11h30 đến 12h. Buổi tiếp xúc do ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng xử lý đơn - Ban tiếp công dân thành phố, thuộc Văn phòng UBND TP.HCM, chủ trì.


Tại buổi tiếp xúc, các tiểu thương đưa ra 3 yêu cầu:


Thứ nhất, yêu cầu UBND quận 5 ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn, vì hợp đồng này là vô hiệu do chợ truyền thống không được thu tiền thuê quầy sạp.


Thứ hai, yêu cầu UBND quận 5 công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương, vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông là do tiểu thương đóng tiền trước 1 năm để xây dựng chợ.


Thứ ba, yêu cầu UBND quận 5 phải gửi số tiền 217 tỷ đồng do tiểu thương chợ An Đông đóng góp để sửa chữa chợ từ năm 2013 trả lại cho tiểu thương.


Đại diện tiểu thương chợ An Đông cũng phản ánh tới UBND TP.HCM về việc UBND quận 5 chậm triển khai, xây dựng, sửa chữa chợ để bà con ổn định kinh doanh buôn bán.


Trước ý kiến của đại diện tiểu thương chợ An Đông, Ban tiếp công dân TP.HCM có ý kiến: “Đề nghị bà con có nhu cầu phản ánh, kiến nghị thì liên hệ số 15 Nguyễn Gia Thiều, phường 6, quận 3 để ghi nhận ý kiến của công dân và sẽ xử lý theo quy định”.


Đăng Cường


Đóng 217 tỉ sửa chợ 4 năm không sửa, tiểu thương An Đông bãi thị


19/09/2017


image034

TTO - Hơn 3.000 tiểu thương đóng số tiền 217 tỉ đồng để sửa chợ An Đông nhưng chờ đợi suốt 4 năm vẫn chưa nâng cấp nên đã bãi thị, yêu cầu nâng cấp chợ, ổn định buôn bán.


image035Hàng trăm tiểu thương trong sắc phục áo đỏ, băng rôn tập trung trước cổng chợ, sát mép đường An Dương Vương để bày tỏ ý kiến việc tu sửa, kinh doanh chợ - Ảnh: NGUYỄN TRÍ


Có 217 tỉ đồng vẫn "mưa thì dột, nắng thì ngộp"


Từ sáng sớm 19-9 hàng trăm tiểu thương chợ An Đông, quận 5, TP.HCM, đã tập trung trước cổng chợ An Đông hướng đường An Dương Vương trong sắc phục đỏ in chữ An Đông đầu đội nón lá, đòi quyền lợi và các vấn đề liên quan trong việc tu sửa chợ.


Cổng chợ phía đường An Dương Vương đông đúc dần lên khi 8:30g sáng đại diện UBND Quận 5 xuất hiện và đến đối thoại trực tiếp với tiểu thương.


Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, đã đối thoại trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các tiểu thương.


Theo nhiều tiểu thương, hệ thống chợ An Đông đã xuống cấp trầm trọng khiến cho việc buôn bán kinh doanh ế ẩm, doanh thu giảm 50-60% so với trước kia.


Các tiểu thương yêu cầu nâng cấp chợ nhưng suốt trong 4 năm vẫn không được đáp ứng dù 2.305 tiểu thương đã đóng góp hơn 217 tỉ đồng tu sửa.


"Doanh thu tiểu thương giảm đến phân nửa so với trước đây do cơ sở vật chất xuống cấp nặng. Mưa thì dột, nắng thì ngộp mà tiểu thương kiến nghị lắp máy lạnh vẫn không được chính quyền quận đoái hoài", bà Trang bức xúc.


Tiểu thương Trần Thị Vâng nhắc đến con số 271 tỉ này "theo thành phố tiền vẫn còn nằm trong ngân sách".


Bà Vâng tính rằng trong 4 năm qua, số tiền trên, nếu gửi ở ngân hàng thì số tiền lãi cũng rất lớn, gần đủ sửa chợ.


"Nếu bỏ 217 tỉ vào ngân hàng chúng tôi sẽ có 48 tỉ đồng tiền lời. Nhưng không những không được lời mà nhiều tiểu thương còn phải tiền lãi vì phải đi vay mượn để góp tiền sửa chợ. Tính ra, 4 năm qua chúng tôi mất đứt 128 tỷ đồng", bà Vâng khẳng định.


image034Tiểu thương xếp hai hàng dài trước cổng chợ chờ đối thoại với UBND quận 5 - Ảnh: NGUYỄN TRÍ


Theo nhiều tiểu thương, hiện họ có tới 4 biên bản về sửa chợ, mỗi biên bản cách nhau khoảng nửa năm nhưng chợ thì chưa được sửa chữa gì bao nhiêu.


Ngoài ra, theo nhiều tiểu thương, chợ truyền thống tiểu thương được phép kinh doanh không có thời hạn.


Chính vì thế, các tiểu thương cho rằng quận 5 đã phát hành hợp đồng thuê quầy sạp có thời hạn là sai, và yêu cầu bãi bỏ hợp đồng này.


Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, cho biết, mọi đóng góp của tiểu thương, quận sẽ cam kết sử dụng hoàn toàn vào mục đích cho dự án "Phương án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông đến năm 2021".


Trong khi đó, trả lời về việc phát hành thuê hợp đồng có thời hạn ông Huy cho biết, trước đây tiểu thương mua lại hợp đồng thuê sạp của một công ty với thời hạn 20 năm.


Tuy nhiên, theo ông Huy, hiện tại hợp đồng đó phải được ký kết lại dựa theo qui định mới của Chính phủ là hợp đồng có thời hạn.


Ông Huy cũng nói rằng với rất nhiều ý kiến phản ánh, quận sẽ ghi nhận ý kiến của tiểu thương và chờ sự chỉ đạo của TPHCM, sau đó mới có hướng giải quyết.


Tuy nhiên, sau gần 1 giờ đối thoại với chính quyền, nhiều tiểu thương vẫn chưa hài lòng về cách trả lời của đại diện UBND Q.5 nên các tiểu thương vẫn không hài lòng, cùng nhau hướng về UBND thành phố.


Trước đó, ngày 12-5-2017, tại buổi thông báo kết luận của đoàn kiểm tra liên quan đến các kiến nghị của tiểu thương chợ An Đông, đại diện Sở Công thương TP.HCM yêu cầu UBND quận 5 thực hiện ngay việc công khai số tiền thu, chi từ hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh trong giai đoạn 2012-2016 cũng như việc gửi tiền thu được từ việc cho thuê sạp vào ngân hàng và các khoản thu, chi khác theo đúng quy định.


Sở cũng yêu cầu tạm dừng việc thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2 theo Hợp đồng đã ký kết với tiểu thương (đến hết ngày 31-12-2017).


Đồng thời, Sở giao xây dựng bảng giá thuê quầy sạp cho 5 năm tiếp theo tại chợ An Đông căn cứ theo Luật Giá, Luật phí và lệ phí trước quý III/2017, giá cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2017-2021 được tính trên cơ sở phí quản lý và các khoản phí khác (Không bao gồm chi phí đầu tư sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, chi phí bảo trì cho công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm và sửa chữa đột xuất trong giai đoạn tiếp theo).


Đại diện sở Công thương TPHCM, theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lí chợ, việc làm hợp đồng thuê sạp có thời hạn là đúng.


Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể thì mức áp dụng thuế phí khách nhau.


Theo đó, Ban quản lý chợ có trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước và các hoạt động trong phạm vi chợ của một hoặc một số chợ, thực hiện ký hợp đồng với thương nhân về thuê, sử dụng điểm kinh doanh, kinh doanh các dịch vụ tại chợ


image036

Ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch UBND Q.5 đối thoại với tiểu thương - Ảnh: NGUYỄN TRÍ


image037image038

Tiểu thương chợ An Đông đồng loạt nghỉ bán - Ảnh: NGUYỄN TRÍ


NGUYỄN TRÍ


Hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông bãi thị


BBC 19/9/2017


image039Bản quyền hình ảnh OTHER Image caption Hơn 2.000 tiểu thương của chợ An Đông, Q.5 TP HCM tham gia cuộc tuần hành sáng 19/9


Áo đỏ, băng rôn đỏ, dưới tiết trời nắng rực 32 độ C, hàng ngàn tiểu thương vẫn tập trung trước cổng chợ An Đông sáng 19/9 tham gia cuộc bãi thị mà họ gọi là "đòi quyền lợi cho tiểu thương chợ An Đông".


Theo báo Thanh Niên, hôm 19/9 có hơn 2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông, hay còn gọi là chợ An Đông ở Quận 5, TP HCM, đồng loạt ngưng kinh doanh, đóng sạp.


Cuộc tuần hành dường như liên quan đến kiến nghị của các tiểu thương trong một thời gian qua về việc ban quản lý chợ thu phí bất hợp lý và không tiến hành sửa chữa như đã cam kết.

Đã đóng phí 'sở hữu sạp' vẫn phải đóng phí 'thuê sạp'?

Một vấn đề khác mà nhiều tiểu thương cũng đang bức xúc đó là việc đóng thêm phí "thuê sạp" hằng năm, dù đã trả tiền "sở hữu sạp" dài hạn.


Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, năm 1989 thành phố và lãnh đạo quận 5 kêu gọi tiểu thương góp vốn xây dựng lại chợ. Tiểu thương được quyền kinh doanh ổn định trong thời gian 20 năm. Và tiểu thương là đồng sở hữu chợ An Đông được xây dựng lại, không đơn thuần là thuê sạp.


Hơn 2.000 chủ sạp đã đóng tiền xây dựng và "sở hữu quầy sạp" từ 1991-2011 trong hợp đồng giữa đơn vị đầu tư và tiểu thương. Tuy nhiên, 25 năm qua, ban quản lý vẫn thu phí thuê sạp hằng năm.


Bản quyền hình ảnh OTHER Image caption Hàng ngàn tiểu thương cầm băng rôn đi tuần hành ở chợ An Đông sáng 19/9


Bà Trần Thị Thu Thùy, đại diện hội tiểu thương chợ An Đông, nói với báo Thanh Niên hôm 12/8:


"Chúng tôi đã đóng lố 20 năm, nay sao thu nữa... Tuy nhiên, sau đó BQL mang tờ giấy có chữ ký "điểm danh" các tiểu thương tham dự cuộc họp này và đi nói với các tiểu thương khác là trưởng các ngành hàng đã đồng ý rồi. Đây có phải là cách làm việc gian trá không?"


Thu tiền từ lâu, nhưng sửa chữa chậm trễ


Sau khi hết hợp đồng với công ty xây dựng chợ năm 2011, tiểu thương lại đóng góp thêm hơn 217 tỷ để chỉnh trang, sửa chữa chợ từ năm 2013, nhưng gần 5 năm qua lại không tiến hành việc sửa chữa nâng cấp chợ theo yêu cầu của các tiểu thương.


Tháng 5/2017, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Quận 5 nói sẽ khởi công xây dựng bốn mặt tiền chợ An Đông vào ngày 12/6, mở thầu hệ thống phòng cháy chữa cháy trong tháng 7 và gắn máy điều hòa, xử lý nước thải, sửa chữa thang nâng hàng vào tháng 8, theo báo Thanh Niên.


Cũng theo báo này, tiểu thương sau đó lại nhận được thông báo việc nâng cấp sửa mặt tiền sẽ chậm thêm một năm, sẽ không khởi công cho đến 15/5/2018,


Biểu tình sáng 19/9


Theo báo Thanh Niên, từ 5 giờ sáng, tiểu thương đã tập trung trước cổng chợ An Đông. Đến tầm 9 giờ thì Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy xuất hiện và nói: "Chúng tôi ghi nhận những yêu cầu của tiểu thương và sẽ về báo cáo giải quyết sau chứ không phải ngay bây giờ".


Không đồng tình với câu trả lời của đại diện chính quyền, tiểu thương vẫn tiếp tục đi biểu tình tuần hành từ cổng chợ An Đông đến trụ sở UBND thành phố.


Bản quyền hình ảnh OTHER Image caption Các tiểu thương đồng loạt mặc đồng phục đỏ, tuần hành đến UBND TP HCM


Theo ông Trần Trung Hiếu, một người có gia đình sở hữu một sạp hàng tại chợ An Đông cho biết, đoàn biểu tình đã tuần hành đến UBND thành phố và sau khi làm việc, chính quyền gọi xe buýt đưa đoàn biểu tình về.


"Tình hình chợ xuống cấp quá, mọi người chỉ mong muốn được xây sửa cho khang trang như Bến Thành. Chợ An Đông cũng lớn như Bến Thành và là biểu trưng của Chợ Lớn," ông Hiếu nói với BBC.


Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, chánh văn phòng Quận 5 xác nhận sáng 19/9 chủ tịch Phạm Quốc Huy có tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với người dân, nhưng không "rõ hai bên đã trao đổi những gì, có thể có vấn đề nảy sinh."


Về các kiến nghị của tiểu thương, ông Kỳ cho BBC biết "Ủy ban Quận 5 vẫn đang chấp hành sửa chữa theo ý kiến của thương nhân, báo cáo theo tổ sửa chữa hàng tuần.


"Trong các cuộc họp với tiểu thương, Quận 5 đã thống nhất sẽ hoàn thành sửa chữa chợ trong năm 2017. Tuy nhiên việc sửa chữa ban ngày sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cho nên tiến hành sửa chữa vào xế chiều, ban đêm chứ không có chuyện dời thời gian sửa chữa sang 2018."
13 Tháng Mười Một 2015(Xem: 13179)
10 Tháng Mười Một 2015(Xem: 13194)
"Việt Nam đồng ý về một loạt biện pháp cải cách lao động, kể cả cho phép thành lập các công đoàn tự do và độc lập, với quyền được đình công, theo Hiệp định TPP được thoả thuận hồi tháng trước".
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 13187)
20 Tháng Mười 2015(Xem: 14397)
"Một nhóm hơn 100 người Việt vừa ký tên vào một bức thư ngỏ gửi cho chính phủ Việt Nam để phản đối chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như kêu gọi Hà Nội “hủy bỏ ý định đón tiếp” ông Tập".
29 Tháng Chín 2015(Xem: 13472)
Chủ tịch Trương Tấn Sang đang có mặt ở New York để dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc cùng thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình vào Bạch Cung hội nghị với TT Obama. Ông Sang nói :“Chúng tôi kiên trì và nhất quán chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ tuyên bố giữa các bên ở biển Đông (DOC)”.