Trước Tết Mậu Thân 1968, Tướng Thanh chết, tướng Giáp đi Đông Âu chữa bệnh, Bộ Chính trị lệnh tổng tiến công

14 Tháng Giêng 20186:07 CH(Xem: 13620)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM  - THỨ HAI 15 JAN  2018


Trước Tết Mậu Thân 1968, Tướng Thanh chết, tướng Giáp đi Đông Âu chữa bệnh, Bộ Chính trị lệnh tổng tiến công


image031

Đại tướng CSVN Nguyễn Chí Thanh và vợ. Ảnh tư liệu.


Trận Mậu Thân 1968 qua nguồn từ điển tiếng Anh


BBC 10/1/2018


image032Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption 18/4/1968: Thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh


Việt Nam kỷ niệm 50 năm sự kiện "Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968", mà Đảng Cộng sản gọi là "biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam".


Quan điểm chính thức mới nhất tại Việt Nam nói rằng sự kiện Mậu Thân 1968 "dù chưa đạt được yêu cầu như dự kiến; và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được cục diện chiến tranh", theo đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương.


Nhân dịp này, BBC trích lược bình luận từ một số nguồn từ điển tiếng Anh gần đây.


Encyclopedia of the Vietnam War: a political, social, and military history (2011):


Ngày 6 tháng 7 năm 1967, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà (Bắc Việt Nam) tập trung ở Hà Nội cho lễ tang của Tướng Nguyễn Chí Thanh, người chỉ huy lực lượng Cộng sản trong lòng Việt Nam Cộng hoà (Nam Việt Nam) và là một ủy viên Bộ Chính trị. Sau lễ tang, các thành viên Bộ Chính trị đã gặp nhau để bàn thảo những kế hoạch, đưa cuộc chiến tranh Việt Nam đi đến hồi kết nhanh chóng và thành công.


Về mặt quân sự, chiến tranh đã diễn ra không mấy tốt đẹp cho Việt Cộng và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, do không thể địch lại hỏa lực và độ linh động của quân đội Hoa Kỳ. Tướng Thanh từng ủng hộ việc giảm hoạt động ở Nam Việt Nam và tiến hành một cuộc chiến kéo dài hơn để làm người Mỹ mỏi mệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rõ ràng ủng hộ kế hoạch này, nhưng lãnh đạo Bắc Việt kiên quyết kết thúc cuộc chiến bằng một trận đánh lớn.


Nói gọn, họ muốn lặp lại chiến thắng Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Kế hoạch này được cho là của tướng Giáp, nhưng thông tin sau này cho thấy ông không tham gia vào việc soạn thảo kế hoạch này và thực sự đang ở Đông Âu "điều trị y tế" trong suốt thời gian kế hoạch đang được soạn thảo và áp dụng.


Thành công của kế hoạch phụ thuộc vào ba giả thiết: Quân lực Việt Nam Cộng Hoà sẽ không chiến đấu và thực tế sẽ sụp đổ dưới sự ảnh hưởng của cuộc tổng tiến công, quần chúng miền Nam Việt Nam sẽ nổi dậy và người Mỹ sẽ phải vỡ vụn trước cú đánh bất ngờ này.


Việc điều quân và chuẩn bị của phe Cộng sản cho cuộc tiến công Tết Mậu Thân là kiệt tác của sự đánh lừa. Bắt đầu từ mùa thu năm 1967, Việt Cộng và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã tiến hành một loạt các trận đánh đẫm máu nhưng dường như vô nghĩa ở khu vực biên giới và phía bắc của Nam Việt Nam gần khu phi quân sự.


image033

Image caption Các sỹ quan cấp tướng và tá của VNDCCH thăm nhà Quốc hội nước Hungary thời XHCN. Một tài liệu nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở lại Đông Âu 'điều trị bệnh' suốt thời gian xảy ra vụ Mậu Thân


Vào tháng Giêng năm 1968, nhiều sư đoàn của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bắt đầu hội tụ về gần căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ đang bị cô lập ở Khe Sanh tại phía bắc Vùng I Chiến thuật, gần khu vực phi quân sự.


Từ ngày 21 tháng 1 năm 1968 cho đến thời điểm các cuộc tấn công trên toàn quốc nổ ra vào dịp Tết, sự chú ý của phần lớn quân đội Hoa Kỳ nhắm vào Khe Sanh. Trận đánh đó trở thành nỗi ám ảnh với Tổng thống Lyndon Johnson. Ông có cả một mô hình địa hình của căn cứ Thủy quân lục chiến được xây dựng cho phòng Tình huống của Tòa Bạch Ốc.


Một chỉ huy cấp cao của Hoa Kỳ không bị lừa bởi chiến dịch nghi binh.


Trung tướng Frederick C. Weynard, chỉ huy của Lực lượng Dã chiến II có căn cứ tại Long Bình cách Sài Gòn 15 dặm về phía Đông, đã thuyết phục tướng William Westmoreland điều các tiểu đoàn tác chiến của Hoa Kỳ quay lại Sài Gòn. Kết quả là, có 27 tiểu đoàn (thay vì kế hoạch 14) tại khu vực Sài Gòn khi cuộc tấn công xảy ra.


Lúc 12:15 sáng ngày 30 tháng 1, Đà Nẵng, Pleiku, Nha Trang, và chín thành phố khác ở miền Trung Việt Nam bị tấn công.


Vào lúc 1:30 sáng ngày 31 tháng 1, Dinh Tổng Thống ở Sài Gòn bị tấn công.


Đến 3 giờ 40 phút sáng, thành phố Huế bị tấn công, và chiến dịch Tết Mậu Thân lên cao trào.


Trước khi ngày này đi qua, 5 trong số 6 thành phố tự trị, 36 trong tổng số 44 thị xã, và 64 trong tổng số 245 quận huyện đã bị tấn công.


Ngoại trừ Khe Sanh, thành cổ Huế, và khu vực xung quanh Sài Gòn, cuộc chiến kết thúc chỉ trong một vài ngày.


Huế được giành lại vào ngày 25 tháng 2, và khu vực Chợ Lớn của Sài Gòn đươc quét sạch vào ngày 7 tháng 3.


image034

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Ảnh chụp ở Huế 1/3/1968


Đến ngày 20 tháng 3, các đơn vị của quân đội Nhân Dân Việt Nam xung quanh Khe Sanh bắt đầu tan hàng vì bị tấn công dữ dội bởi hỏa lực của Hoa Kỳ.


Về mặt quân sự, Chiến dịch Mậu Thân là một thảm họa về chiến thuật đối với phe Cộng Sản. Hơn 58.000 quân Việt Cộng và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc tấn công. Con số thương vong cho quân đội Mỹ là 3.895 người và quân đội Nam Việt Nam là 4.954 người. Tổng cộng hơn 14.300 dân thường Nam Việt Nam cũng thiệt mạng.


Nhưng lãnh đạo Bắc Việt lại hoàn toàn đúng trong giả định thứ ba. Kẻ thù của họ đã không đủ ý chí. Một mặt, Hoa Kỳ đã cho quân Cộng Sản một thất bại chí mạng về mặt chiến thuật và mặt khác lại đưa cho họ một chiến thắng về chiến lược.


Do đó, trận Mậu Thân là một trong những cuộc chiến lớn trong lịch sử mà đầy mâu thuẫn.


Lực lượng Cộng Sản, và đặc biệt là Việt Cộng, đã bị tổn hại nặng nề. Các nhà hoạch định chiến lược của quân đội Hoa Kỳ ngay lập tức bắt đầu xây dựng các kế hoạch để kết liễu lực lượng Cộng sản ở miền Nam Việt Nam.


Westmoreland và tổng tham mưu trưởng Tướng Earle Wheeler chuẩn bị yêu cầu tăng cường thêm 206.000 quân để kết thúc công việc, thì một nhân viên không hài lòng trong Nhà Trắng đã tiết lộ kế hoạch cho báo chí. Câu chuyện được đăng trên New York Times vào ngày 10 tháng 3 năm 1968. Với những hình ảnh còn nóng hổi về việc Đại sứ quán Hoa Kỳ bị bao vây ở Sài Gòn, báo chí và công chúng ngay lập tức kết luận rằng cần thêm quân đội để phục hồi lại sau thất bại muối mặt.


Chiến dịch Mậu Thuân như thế là bước ngoặt về tâm lý của cuộc chiến.


Người viết quân sử Hoa Kỳ, Chuẩn tướng S. L. A. Marshall có lẽ tổng kết cuộc tiến công Tết Mậu Thân hay nhất khi viết: " Một thắng lợi tiềm năng to lớn đã biến thành một thất bại thảm hại do các ước tính sai lầm, mất tinh thần và một làn sóng của tư tưởng thất bại."


The Reader's companion to American history (2014):


Những người phát ngôn Mỹ ban đầu mô tả cuộc tấn công ngày Tết là thất bại cho Việt Cộng, chỉ ra sự rút lui nhanh chóng và thương vong nặng nề (được ước đoán cao tới 40.000).


image035


Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Quốc phòng của Bắc Việt thời chiến tranh


Nhưng khi Tướng William C. Westmoreland nói rằng để hoàn tất đánh bại Việt Cộng sẽ cần thêm 200.000 lính Mỹ (cần gọi thêm quân dự bị, một bước đi mà Tổng thống Lyndon B. Johnson từ lâu né tránh), thì ngay cả những người ủng hộ kiên trì chiến tranh bắt đầu cảm thấy rằng cần phải có thay đổi, ít nhất về chiến lược.


Đối với một bộ phận dân Mỹ ngày càng đông, cũng như nhiều nhà làm chính sách cao cấp, Tết cho thấy quyết tâm không suy suyển của Việt Cộng và sự mong manh trong việc kiểm soát của Nam Việt Nam đối với lãnh thổ của mình.


The Princeton encyclopedia of American political history (2010):


Vào giữa đêm ngày 30/1, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn được gọi là Việt Cộng, và lính Bắc Việt mở cuộc tấn công lớn vào các vị trí của Mỹ và Nam Việt Nam ở miền Nam.


Rốt cuộc, đối phương đã không đạt được các mục tiêu quân sự.


Giới chức Bắc Việt nhiều năm sau thừa nhận họ đã đánh giá quá cao khả năng đánh gục quân Mỹ và Nam Việt Nam trong giai đoạn Tết.


Nhưng ở Mỹ, trận Tết Mậu Thân dường như xác nhận lo sợ lớn nhất của Johnson rằng một cuộc chiến cù nhầy, dằng dai sẽ phá hủy vị thế chính trị của ông.


Chẳng phải là Westmoreland, và cũng có nghĩa là Johnson, đã đánh giá tích cực triển vọng của Nam Việt Nam chỉ vài tuần trước? Chẳng phải là người Mỹ đã được bảo đảm rằng quân đội của họ là vô địch?


Vào tháng Ba, khi Gallup hỏi liệu đến lúc Mỹ "từ từ rút khỏi Việt Nam", 56% đồng tình, và chỉ 34% phản đối.


Có tới 78% tin rằng đất nước không đạt được tiến bộ trong cuộc chiến.


image036

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson (1908-1973)


Encyclopedia Britannica:


Mặc dù bị bất ngờ, quân Mỹ và Nam Việt Nam nhanh chóng phản kích lại các cuộc tấn công thường được phối hợp kém. Ngoại trừ Huế, phe cộng sản không giữ được thị trấn hay địa điểm nào quá một, hai ngày, và quân lực của họ bị thương vong nặng nề.


Quân Mỹ và Nam Việt Nam có thể đã hồi phục nhanh chóng, nhưng với người Mỹ ở nhà thì không thế. Trận Tết Mậu Thân gây sốc toàn nước Mỹ, làm choáng cho những người từng tin vào Tòa Bạch Ốc nói rằng chiến thắng gần kề, và cũng thuyết phục những người nghi ngờ rằng tình hình còn tệ hơn họ tưởng tượng.


Khi mà chỉ trích của giới chính khách và truyền thông về khả năng lãnh đạo của Johnson tăng lên, dân chúng lại bị sốc khi đọc hàng tít New York Times ngày 10/3 rằng Tướng Westmoreland đã yêu cầu thêm 206.000 lính cho Việt Nam. Tin này được người ta diễn giải như là đã xác nhận tình hình của Mỹ ở Việt Nam tồi tệ lắm.


Trong diễn văn phát truyền hình toàn quốc ngày 31/3, Johnson loan báo ông "đi những bước đầu tiên để xuống thang cuộc xung đột" với việc ngừng đánh bom Bắc Việt Nam (ngoại trừ khu vực gần vùng phi quân sự) và rằng Mỹ sẵn sàng gửi đại diện đến bất kỳ diễn đàn nào để thương lượng nhằm chấm dứt cuộc chiến.


Sau thông báo ngạc nhiên này, ông nói tiếp rằng sẽ không tái cử vào năm sau.


Thảo luận bắt đầu tại Paris ngày 13/5 nhưng chẳng đi tới đâu.


Bộ chỉ huy cộng sản quyết định tiến hành thêm hai đợt tấn công vào tháng Năm và tháng Tám.


Trong tám tuần sau diễn văn của Johnson, 3.700 người Mỹ bị giết ở Việt Nam, 18.000 bị thương.


Đại bản doanh của Westmoreland nói phe cộng sản có 43.000 người bị giết.


Vào tháng 10, Liên Xô bí mật thông báo cho Washington rằng Bắc Việt sẽ sẵn sàng dừng tấn công khu phi quân sự và bắt đầu đàm phán nghiêm túc với Mỹ và Nam Việt Nam (VNCH) nếu Mỹ dừng đánh bom miền Bắc.


image037


Bản quyền hình ảnh STF Image caption Hoa Kỳ đã dùng B-52 dội bom xuống Khe Sanh và sau đó lại ném bom Bắc Việt Nam


Việc dừng đánh bom không tạo ra đột phá nhưng đem lại thời gian cãi nhau dằng dai giữa Mỹ và đồng minh VNCH về điều khoản và thủ tục đàm phán.


Cho đến khi VNCH gia nhập đàm phán, Richard M. Nixon đã được bầu làm tổng thống./


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Bài báo cuối cùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Thứ 4, 01/01/2014


image031

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng vợ (Ảnh tư liệu)


Mùa hè năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo công việc với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Đây cũng là thời gian ông thăm gia đình, nghỉ ngơi mấy bữa trước khi trở lại mặt trận.


Gia đình ông sơ tán về một thôn thuộc huyện Mỹ Đức, cuối tỉnh Hà Tây (cũ). Gần đấy có hợp tác xã Phù Lưu Tế nổi tiếng về chuyên canh trồng dâu nuôi tằm, nữ chủ nhiệm hợp tác xã được tuyên dương Anh hùng Lao động. Một lần ông cho gọi tôi cùng đi. Về làm việc với xã, ông đề nghị mời thêm lãnh đạo huyện, tỉnh và chuyên viên Ban Nông nghiệp Trung ương dự. Ông vừa nhận ra một vấn đề: hợp tác xã Phù Lưu Tế đạt thành tựu tốt trong chuyên canh, nhưng lại để cho năng suất đồng lúa của mình giảm sút đều đều. Nguyên nhân đơn giản thôi: vùng chuyên canh cây công nghiệp được Nhà nước cung cấp lương thực, người dân đã có gạo từ “trên” tháng tháng xe tải chuyển về, thì việc gì còn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vì mấy sào ruộng bạc màu cho khổ cái thân!


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận ra tràn lan tư tưởng ỷ lại vào bao cấp. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chuyên chăn nuôi gia súc ở nông thôn tất yếu ngày càng mở rộng, nếu người dân các vùng này lơ là nghề truyền thống ông cha, bỏ bê ruộng lúa mà cứ chăm chăm chờ hạt gạo từ nơi khác chở về, thì sức mấy Nhà nước ta cáng đáng nổi! Một lý do nữa ai cũng nhìn thấy tuy chẳng mấy ai nói công khai: chiến tranh cứu nước ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ ngang ngược vừa cho máy bay oanh kích Thủ đô ta, nhu cầu về lương thực của quân đội, của chiến trường và của cả hậu phương nữa chắc chắn sẽ ngày càng căng thẳng, nơi nào tự mình cũng cần phải cố gắng hơn một chút...


Sau khi phát biểu tại cuộc họp, ông bảo tôi cùng ông viết một bài báo ngắn gọn. Hai anh em hì hục mấy buổi. Làm một bài báo chẳng phải là việc mới đối với ông, nhưng lần này rất thận trọng. Ông không còn trọng trách lãnh đạo nông thôn. Nói sao đây cho không chênh với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mở rộng các vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp toàn diện? Viết cách nào không dội nước lã vào nhiệt tình những người đang ngày đêm chăm chút ruộng dâu nong kén, làm ruộng ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng? Trình bày sao cho khẩu phục, tâm phục, để rồi sau khi ông đã trở vào Nam chiến đấu, anh em cán bộ địa phương vẫn nhiệt tình vận động bà con hãy tự cung ứng một phần cái ăn, giảm được chừng nào hay chừng ấy sự bao cấp của Nhà nước…


Cuối cùng rồi bài báo cũng xong. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đọc lại, ký tắt vào góc trái bản đánh máy và trao lại cho tôi. Tiễn tôi ra tận cổng, ông bắt tay chặt và dặn: “Phan Quang giữ lấy. Chờ bao giờ chỗ mình điện sang thì Quang cho lên luôn số báo ra ngày hôm sau”.


Tôi hiểu tín hiệu: ông tạm biệt đứa em. Lúc nào báo Đảng trân trọng đưa lên trang nhất bài viết về nông nghiệp với tên ký quen thuộc Nguyễn Chí Thanh thì lúc ấy tác giả không còn ở miền Bắc. Cánh chim bằng đã sải cánh vào với đồng bào đồng đội của ông đâu đó trong Nam rồi.


Đau đớn thay, tín hiệu chờ đợi không bao giờ đến. Thay vào là tin buồn thông báo qua Đài Tiếng nói Việt Nam làm cả nước sững sờ: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã qua đời sau một cơn tai biến vì bệnh tim. Vị đại tướng của nhân dân ra đi, để lại ngọn gió Đại Phong lồng lộng trên quê hương miền Bắc, ký thác đồng bào đồng chí tấm lòng và phong cách Nguyễn Chí Thanh./.


Phan Quang  (theo VOV.VN)