Thừa Thiên, Quảng Nam, Hội An, Quảng Nam, Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chìm trong biển nước

21 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 15752)

Trách nhiệm khi ‘xả lũ giết dân’?

Phạm Chí Dũng

Gửi cho BBC từ Sài Gòn

Cập nhật: 13:24 GMT - thứ hai, 18 tháng 11, 2013

image018

Thủy điện địa phương xả lũ, khiến người dân phải lên nóc nhà, theo báo VN

Người dân nghèo Việt Nam thật quá cam chịu! Dân tộc Việt Nam thật quá nhẫn nhục!

Cả rẻo đất hình chữ S đã quằn quại trong một thảm cảnh vô cảm đồng loại chưa từng có! Những vụ xả lũ thủy điện như một cách “giết sống” đến ba chục mạng người mà vẫn không một quan chức nào phải chịu trách nhiệm!

Những cái chết tang thương đã đột ngột trùm lên vùng lũ miền Trung vào giữa tháng 11/2013, trong mùa mưa to gió lớn cùng với trận dịch xả lũ của đồng loạt 15 hồ thủy điện.

 

Đáy trách nhiệm và đỉnh phẫn uất

Ở trên cao và trùm lên tất cả, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - người đứng đầu một bộ có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch thủy điện, phê duyệt các dự án thủy điện.

Bất chấp những lời dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề… khốn đốn trong sinh hoạt. Nhiều người dân trắng tay và cũng trắng xóa lòng tin vào chế độ.

Đáy trách nhiệm quan chức luôn là đỉnh phẫn uất của nhân dân.

Vụ xả lũ của 15 hồ thủy điện lại nằm trong chuỗi “giết sống” người dân một cách có hệ thống trong mùa mưa bão. Vào giữa tháng 9/2013, đã có một chứng thực mang tính bất chấp với cú xả lũ thình lình vào vùng trũng lòng dân Đắc Lắc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khiến ít nhất 11 người mất tích.

Không thể gọi khác hơn, người dân vùng rốn lũ đã bị ép chặt vào một cái đáy không lối thoát.

“Dưới đáy” ở Việt Nam cũng là đêm không ngủ. Những nạn nhân chỉ trong phút chốc đã bị mất toàn bộ tài sản nhỏ nhoi và miếng ăn còn sót lại. Nhưng đã không một hành động nào được các “đày tớ” làm sáng tỏ cho những cái chết trong quá khứ để tránh thoát những cái chết vừa mới xảy ra.

Phú Yên với liên tiếp những cú xả lũ của Thủy điện sông Hinh và Thủy điện sông Ba Hạ những năm trước đã là một điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy. “Vô cảm” xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư luận dành để mô tả về quan chức thời nay.

Tội ác

Tội ác đã đến từ cấp độ không chỉ vô cảm, mà còn hơn thế nhiều, rất nhiều. Người ta nên nhớ trong những năm 2007-2008, tập đoàn EVN đã làm nên một một kỷ lục ghê gớm về số lỗ do đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán. Để vào năm 2013, một báo cáo của cơ quan chức năng mới cho biết số lỗ còn treo mà EVN bị nhấn chìm trong đó lên tới hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương với hàng trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa.

EVN cũng đã hóa thân như một trong những tác nhân ghê gớm nhất trút lỗ lên đầu người dân, với các chiến dịch tăng giá điện được tiến hành không ngưng nghỉ, liên tiếp gây sức ép lên đời sống dân sinh cùng kích động lạm phát. Cơ quan chủ quản của tập đoàn này - Bộ Công thương - cũng rất thường bị dư luận nghi ngờ về không ít lần “đi đêm” cho những đợt tăng giá làm khốn đốn dân tình.

image019

Thủy điện Sông tranh (2) ở Quảng Nam xả lũ với lưu lượng hơn hai nghìn m3/giây

Giờ đây, sau tất cả những hậu quả không thể tha thứ, giới quan chức mới như nén cười để bàn thảo với nhau về cái được gọi là “cần có quy chế phối hợp trong việc xả lũ”.

Để sau hàng loạt vụ xả lũ như một cách giết sống người dân, vẫn không có bất kỳ một quan chức nào bị đưa ra truy tố và xét xử. Mọi việc vẫn treo nguyên vẹn ở đó, hệt như dòng lũ trắng luôn treo lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ.

Với nhiều người dân và cả những công chức vẫn thê thiết trong thói quen cam chịu, âu đó cũng là bi kịch của một đất nước quá kém dân chủ. Dân chủ càng tụt hậu, đạo đức càng lụn bại thì càng khó có chuyện chịu trách nhiệm hành chính về những hậu quả đã quá đủ để kết tội hình sự.

Nhưng ở Việt Nam, vẫn chưa có một cuộc biểu thị phẫn uất đích đáng nào dành cho quá nhiều hậu quả khủng khiếp về kinh tế và dân sinh, và vẫn còn lâu mới có được “văn hóa từ chức”. Tất cả vẫn đang bị kìm nén bởi chính những đạo luật về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình mà có lẽ còn lâu mới được đẻ muộn bởi bà mẹ Hiến pháp.

"Muộn còn hơn không, vụ xả lũ thủy điện ở các tỉnh miền Trung cần phải được người dân kiện ra tòa án, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về những doanh nghiệp thủy điện, EVN và trách nhiệm điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương."

Ở Việt Nam, người ta vẫn trầm uẩn lòng nhẫn nhịn không thể hiểu nổi và còn chưa hồi kết. Tâm thế trầm cảm trùm mền không thể diễn tả ấy lại vẫn lắng đọng nơi hoàng cung quốc hội, bên lề báo giới và trong vô số hiện tồn ngổn ngang vẫn ngày đêm hành hạ lương tâm của những người còn rơi rớt lương tâm.

Xót xa thực chất phải cộng hưởng với cùng khổ không lối thoát. Không thể nói khác hơn, tội ác của EVN và ngành thủy điện đang đẩy trách nhiệm của giới quan chức xuống một cái đáy chưa phải tận cùng, đồng thời thúc tình cảm phẫn nộ của các nạn nhân lên đến cận đỉnh điểm.

Không cần và không còn thời gian để bàn về “quy chế phối hợp xả lũ” nữa. Mưa lũ vẫn đang và vẫn sẽ tiếp diễn, ập xuống từ trên trời nhưng cũng sẽ dội lên từ lòng đất. Sẽ còn những cái chết, nhiều sinh mạng bị đánh cắp và đánh cướp.

Muộn còn hơn không, vụ xả lũ thủy điện ở các tỉnh miền Trung cần phải được người dân kiện ra tòa án, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về những doanh nghiệp thủy điện, EVN và trách nhiệm điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương.

Đã đến lúc xã hội dân sự cần lên tiếng ở Việt Nam. Một xã hội của người dân, trí thức và những người còn lương tâm trong Đảng.

Trách nhiệm ấy, không thể khác hơn là phải khởi tố vụ án xả lũ gây chết người, trong đó không thể loại trừ trách nhiệm của những quan chức cấp ủy viên trung ương đảng như ông Vũ Huy Hoàng.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở TP. Hồ Chí Minh.

image029

Lũ lớn tàn phá miền Trung Việt Nam

BBC - thứ bảy, 16 tháng 11, 2013

 

image030

Bình Định chìm trong biển nước

Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên bị nhấn chìm trong nước lũ sau nhiều ngày mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, truyền thông trong nước cho biết.

Tờ Tuổi Trẻ trong tin đăng ngày 16/11 nói theo thống kê sơ bộ, tính đến trưa ngày 16/11, đã có 17 người thiệt mạng và một người mất tích tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương của Việt Nam, tối 14/11, sáng 15/11, áp thấp nhiệt đới đã đi qua vùng biển các tỉnh Phú Yên - Bình Thuận và sau đó đã bất ngờ mạnh lên thành bão số 15.

Áp thấp nhiệt đới sau đó đã suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần, tuy nhiên, hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa to, gió giật mạnh ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cơ quan này cho biết thêm.

Đồng loạt xả lũ

"Quê tôi, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nước ngập lút nóc nhà. Bây giờ người dân đang rất đói và thiếu nước uống, đang chờ cứu trợ"

Hồng Nhụy Cao, người huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi

Tại Bình Định, mưa lớn từ khuya 14/11 đến sáng 15/11 đã gây lũ trên diện rộng.

Báo Thanh Niên cho biết sáng 15/11, hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) xả lũ với lưu lượng 1.576 m3/s, kết hợp với lượng mưa lớn khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh lần đầu tiên bị chìm trong nước lũ.

Cũng theo Thanh Niên, nhiều người dân ở các xã gần đó đã gọi điện đến các cơ quan chức năng cầu cứu vì không kịp trở tay trước mực nước dâng quá nhanh.

Một số độc giả của chúng tôi tại Bình Định cho biết không được báo trước về việc xả lũ nên hoàn toàn bị bất ngờ.

Nick Anh Hạt Đậu viết trên Facebook của BBC: "Chính quyền ngày 15/11 xả lũ không thông báo cho dân kết hợp mưa lớn làm ngập lớn toàn Bình Định (bao gồm cả Thị xã an Nhơn). Đây cơn lũ lịch sử, nhà tôi không còn gì rồi".

Ông Nguyễn Chí Quang, Chánh văn phòng UBND huyện Tây Sơn, được Thanh Niên dẫn lời nói “Nước lũ năm nay lớn bất thường do mưa lớn và hồ Định Bình xả lũ. Đây cũng là lần đầu tiên có lũ lớn nên người dân trong huyện rất lúng tung đối phó".

Theo báo Tuổi Trẻ, trong ngày 15/11, chính quyền địa phương tỉnh Bình Định đã di dời được 750 hộ với 2.773 nhân khẩu.

Thủy điện Sông Ba Hạ ngày 15/11 xả lũ lưu lượng 1.400m3/s, làm mực nước các sông dâng nhanh tại các huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, theo báo Dân Trí.

Tại Phú Yên, mưa lớn làm tám xã ven sông Kỳ Lộ, sông Cô, ngập trong nước khiến chính quyền địa phương phải di dời 880 hộ với 2.391 nhân khẩu khỏi khu vực, báo Tuổi Trẻ cho biết.

image031

Lũ đạt đỉnh trong ngày 16/11 ở Quảng Nam

Trong khi đó, tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn kéo dài nhiều giờ trong chiều 15/11, khiến nước sông dâng nhanh, làm hầu hết các tuyến đường ở bị ngập sâu.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến tối 16/11, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Khánh Hòa sẽ rút dần xuống mức Báo động 2 - Báo động 3.

Các độc giả của BBC ở Huế nói mưa lớn đã xảy ra trong suốt chiều ngày 15/11 và tiếp tục kéo sang ngày 16/11, dù cường độ có giảm đi.

Một bạn đọc nick Đặng Suy Nghĩ nói trên Facebook của BBC: "Mình ở trung tâm thành phố Huế thấy mưa giảm nhẹ so với hôm qua, nước rút bớt rồi,còn các khu vực khác ko biết thế nào."

Chiều tối 15/11, tại Quảng Nam, các thủy điện đồng loạt xả lũ khiến nhiều khu vực ở huyện Đại Lộc bị ngập nặng, báo Tuổi Trẻ dẫn báo cáo của Ban chỉ huy PCLB huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cho biết.

Một số hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhiều khu vực ở Quảng Nam, trong đó có phố cổ Hội An, bị nhấn chìm trong nước.

Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam đã tổ chức di dời được hơn 2.500 hộ với hơn 4.800 nhân khẩu, Tuổi Trẻ cho biết thêm.

Tại Quảng Ngãi lũ trên các sông đã đạt đỉnh và đều ở mức báo động ba hoặc trên mức này, nhưng sẽ rút dần trong tối 16/11, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương.

12.278 hộ với 47.635 nhân khẩu tại các khu vực bị ảnh hưởng của nước lũ ở Quãng Ngãi đã được di dời, theo Tuổi Trẻ.

Một bạn đọc nick Hồng Nhụy Cao chia sẻ với BBC: "Quê tôi, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nước ngập lút nóc nhà."

"Hiện tại nước đã rút đến sân, bùn non thì đến đầu gối. Bò và heo chết hết. Mới liên lạc được với ba. Nhà trắng tay ko còn tài sản gì giá trị. Bây giờ người dân đang rất đói và thiếu nước uống, đang chờ cứu trợ"./