Campuchia: Gần 10.000 người Việt phải tái di cư

07 Tháng Mười 20189:44 CH(Xem: 9462)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM  - THỨ HAI 08 OCT 2018


Campuchia: Gần 10.000 người Việt phải tái di cư


image014

Nhà nổi ở Tonle Sap. Ảnh tài liệu.


Thùy Linh BBC


05/10/2018

image015

Bản quyền hình ảnh Frank Bienewald/Getty Images Image caption Có khoảng 10.000 người gốc Việt sinh sống ở vùng Tonle Sap thuộc tỉnh Kampong Chhnang


Hơn 2.000 hộ gia đình, tức khoảng 10.000 người gốc Việt sinh sống trên các nhà nổi trên dòng Tonle Sap thuộc tỉnh Kampong Chhnang, sẽ buộc phải di cư lên bờ từ giờ cho đến hết 2018.


Thông báo di dân vừa chỉ được chính thức công bố hôm 24/9 nhưng yêu cầu người dân buộc phải tiến hành di dời ngay vào đầu tháng 10.


Mục đích của việc di dời là để chỉnh trang mỹ quan đô thị, cải thiện môi trường và vệ sinh nguồn nước, vì việc sinh sống trên sông ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước, và sức khỏe người dân.


Theo kế hoạch, khoảng một vạn người gốc Việt sống trong các khu nhà nổi ở tỉnh Kampong Chhnang sẽ phải chuyển đến thôn Dambok Kokork, xã Svvay Chrum, huyện Rolea B'ier của tỉnh, nơi có quy mô 40ha.


Tính đổ đồng, mỗi hộ sẽ có khoảng 200m2 để sinh sống.


Thông báo này nhận được sự phản đối rất mạnh mẽ từ cộng động người gốc Việt cũng như tỉnh hội Người Campuchia gốc Việt.


image016

Bản quyền hình ảnh Getty Images


Theo tờ Phnom Penh Post, kế hoạch di cư này đã được quyết định từ 2015.


Nhiều người dân cũng cho biết họ cũng đã được phổ biến về kế hoạch từ 2016, nhưng từ đó đến nay, điều kiện sinh sống tại địa điểm tái định cư vẫn chưa cải thiện.


Thiếu điện, nước, đường xá


Ông Trần Nhân Tuấn hôm 2/10 cho BBC biết rằng, khoảng vài trăm hộ ở huyện Kampong Chnnang, thuộc tỉnh KC đã phản đối việc di cư.


Ông cho biết, khu Rolea B'ier chỉ cách nơi ông sống 2-3km, tuy nhiên nơi này không có nước sạch, điện, đường xá cũng như cơ sở y tế, trường học, và ông có cơ sở vệ sinh môi trường.


image017

Bản quyền hình ảnh Getty Images


"Khi người của phía chính quyền xuống xua đuổi bà con đi thì người ta leo lên bè bỏ đi, đến chiều tối thì lại về nhà nổi," ông Tuấn nói.


Còn người dân ở huyện Kampong Tralach thì may mắn hơn. Cũng nhận được thông báo hôm 24/9, ông Nguyễn Văn Hòn, chi hội trưởng hội người Campuchia gốc Việt cùng nhiều dân đâm đơn lên huyện, phản đối chuyện tái định cư.


"Nếu chỗ mới có đường xá, bệnh viện, trường học thì chúng tôi sẵn sàng đi thôi, nhưng từ 2016 đến nay họ đã xây gì đâu."


"Khu đó chỉ có trên trời dưới nước. Đất ngập nước, cống không thoát đi được, thúi lắm," ông Hòn nói.


Sau khi có sự can thiệp của tỉnh hội và Đại sứ quán Việt Nam, khoảng 200 hộ ở huyện đã được phép chuyển lên khu đất ngay mé sống gần khu nhà nổi của họ, thay vì đến khu tái định cư ở Rolea B'ier.


image018

Bản quyền hình ảnh Linh Nguyen/BBC Image caption Khu nhà nổi ở tỉnh Kampong Chhnang


Chính quyền địa phương Campuchia cũng "không bắt dân chuyển đi nữa" và hứa hẹn sẽ nối dây điện và cấp nước sạch.


Tuy nhiên khu đất này là đất tư nhân, người dân buộc phải trả tiền thuê khoảng 200 đôla Mỹ một năm cho 30-40m2. Nhà cửa buộc phải tự xây dựng.


Quan chức tỉnh hội nói gì?


Trả lời BBC chiều 2/10, ông Bùi Văn Bé, chủ tịch tỉnh hội người Campuchia gốc Việt tại tỉnh Kampong Chhnang, cho biết cán bộ tỉnh KC và tỉnh hội vừa kết thúc một cuộc họp với người dân chiều nay.


Ông Bé cho biết hầu hết người dân ở các huyện của tỉnh đều xin sinh sống ở cách mé sông 100m, để tiếp tục việc đánh cá, mưu sinh. Ông nói sau khi trao đổi với người dân, đoàn cán bộ sẽ xin ý kiến lãnh đạo về việc này.


Khu đất ở Rolea B'ier là thỏa thuận của một chủ đất tư nhân với giới chức, để người dân đến tái định cư.


image019

Bản quyền hình ảnh Frank Bienewald/Getty Images Image caption Nhiều người gốc Việt sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ở Tonle Sap


Về việc cải thiện điều kiện sống tại khu đất này, ông Bé cho biết chủ khu đất tư nhân ở huyện Rolea B'ier sẽ tiến hành làm mặt bằng, xây dựng.


Người dân có thể chuyển đến khu vực này ngay, và chỉ phải trả tiền thuê đất sau khi mặt bằng đã hoàn thành.


Theo ông Trần Nhân Tuấn, lo ngại việc tái định cư có thể vi phạm quyền tự do cư trú theo luật pháp quốc tế, một số đại diện của Liên Hiệp Quốc đã xuống tỉnh từ hôm 1/10 để tiến hành giám sát và theo dõi quá trình tái định cư.


BBC sẽ tiếp tục theo dõi cập nhật tình trạng tái định cư của người dân tại tỉnh Kampong Chhnang, vùng biển Hồ Tonle sap, Campuchia.


* Xem Video do Thùy Linh thực hiện phóng sự đặc biệt về cộng đồng người Kampuchia gốc Việt sinh sống trên hồ Tonle Sap.