Vì sao một số trẻ em HN phải đi vẫy cờ đón khách quốc tế?

21 Tháng Tư 20196:36 CH(Xem: 9037)

VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM  - THỨ HAI 22 APRIL 2019


Vì sao một số trẻ em HN phải đi vẫy cờ đón khách quốc tế?


Nguyễn Giang www.bbcvietnamese.com  09/4/2019

image026

Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Các em nhỏ lấy cờ Việt Nam và Nga che nắng khi chờ Tổng thống Vladimir Putin đến thăm hồi tháng 11/2018


Một trong những hình ảnh thường thấy khi khách quốc tế đến thăm lãnh đạo Việt Nam là hàng đoàn em học sinh vẫy cờ ở Phủ Chủ tịch tại Hà Nội.


Với nhịp độ hội nhập, giao tiếp quốc tế tăng lên và vị thế ngoại giao của Việt Nam ngày càng cao, các đoàn khách sang cũng ngày một nhiều.


Ngay tuần này là Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, người tưởng như đã phải hoãn chuyến thăm Việt Nam vì bế tắc Brexit ở EU, nhưng cuối cùng cũng tới Hà Nội.


Ra đón ông Rutte có thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và người ta lại thấy một hàng em nhỏ chờ sẵn với cờ hai nước.


Chuyến thăm hẳn là quan trọng cho hai bên, và Hà Lan là nước nhỏ nhưng có vai trò lớn tại EU.


Bản thân ông Rutte cũng rất có uy tín với lãnh đạo Đức, Pháp trong vấn đề Brexit và hiệp định thương mại EU-VN.


Nhưng một ngày trong tuần mà các em nhỏ phải nghỉ học đi vẫy cờ đón khách Hà Lan là chuyện khá lạ, và có lẽ chỉ còn xảy ra ở Việt Nam.


Một nghi thức ngoại giao - để trẻ em sắp hàng, vẫy cờ, tặng hoa lãnh đạo quốc tế - có thể rất hay từ ngày xưa, nhưng nay không còn phù hợp.


Nhất là khi các lễ này xảy ra khá liên tục, ảnh hưởng đến thời gian nghỉ, học tập và cả sức khoẻ của học sinh.


Các nước khác trên thế giới, kể cả Trung Quốc, Nga và khối gốc XHCN cũ, đã không còn đưa trẻ em tham gia nghi lễ quốc gia.


Lễ đón ở Tòa Bạch Ốc bên Mỹ, ở Westminster tại Anh, hay Điện Elysee ở Pháp thì tôi không bao giờ thấy có trẻ em, vì việc của các em là đi học, theo luật giáo dục.


image027

Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Chờ đến giờ cầm cờ vẫy chào thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường ở Hà Nội năm 2013 Bản quyền hình ảnh LUONG THAI LINH


image028

Image caption Một em bé ngáp khi vẫy cờ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Hà Nội


Đón khách là việc của ai?


Đón khách là việc của đội danh dự và phải công nhận ở nhiều nước họ làm vừa hào nhoáng, vừa oai nghiêm.


Chẳng hạn như các kỵ binh Ý đội mũ đầu rồng, đeo gươm, giáp trụ chỉnh tề đón Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Rome gần đây.


Sau đó, họ hộ tống chiếc xe chở ông Tập đi trên phố.


Khi Tổng thống Moon Jae-in tới Moscow tháng 6/2018, đón ông tại Điện Kremlin là Tổng thống Putin với đội danh dự đeo kiếm mạ vàng, trông thật sang trọng.


image029

Bản quyền hình ảnh SERGEI KARPUKHIN Image caption Đội danh dự Nga đón Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in Bản quyền hình ảnh Alessandra Benedetti - Corbis


image030

Image caption Đội kỵ binh Ý trong lễ đón Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3/2019


Một biệt lệ xảy ra hồi khá lâu rồi ở Đức.


Năm 2013, tổng thống Barack Obama thăm Berlin và ta có thể thấy các học sinh Đức đón ông cùng tổng thống Joachim Gauck.


Nhưng sự có mặt của các em nhỏ Đức có ý nghĩa rất cụ thể cho chuyến thăm.


Họ là học sinh trường quốc tế JF Kennedy, nơi ông Obama đến thăm để nhắc lại vai trò của tổng thống Kennedy, cùng lời phát biểu nổi tiếng 'Ich bin einer Berliner' của ông năm 1963, nhằm nêu cao cam kết an ninh mà Hoa Kỳ muốn giữ với các đồng minh châu Âu.


Tương tự như vậy, tôi nghĩ nếu có điều kiện thì Việt Nam nên tổ chức để lãnh đạo quốc tế giao tiếp với học sinh, sinh viên theo cách khác.


Còn để các em nhỏ, có khi còn chỉ quá tuổi mẫu giáo nghỉ học, ra đứng nắng, hoặc chịu thời tiết gió lạnh chỉ để vẫy cờ từ xa, là điều không cần thiết.


image031


Bản quyền hình ảnh ODD ANDERSEN Image caption Lâu đài Schloss Bellevue ở Berlin: học sinh Đức ở trường mang tên cố tổng thống JF Kennedy đón Tổng thống Barack Obam đến thăm hồi 2013 để nêu lại thông điệp ủng hộ liên minh Mỹ - Nato


Ở tuổi nhỏ như vậy, chưa chắc các em đã biết khách quốc tế thực sự là ai, và hình ảnh lễ đón cũng chẳng nhờ có các em mà Việt Nam ghi thêm điểm hữu nghị.


Nhìn chung, thế giới bây giờ gặp phải làn sóng chống tầng lớp trên (anti-establishment) nên dư luận rất ghét các nghi lễ tốn kém.


Quan chức EU gặp nhau ở thượng đỉnh Brexit cũng chỉ có uống nước trắng lúc họp.


Tôi thấy khi Thủ tướng Theresa May sang EU chạy vạy xin gia hạn Brexit chỉ có bà ấy đi với một vệ sĩ kiêm lái xe, còn ông Olly Robbins, trưởng đoàn đàm phán Anh tự đeo ba-lô, kéo thêm vali đựng tài liệu, chứ không có ai bưng bê gì giúp.


Việc học sinh Hà Nội đi vẫy cờ có thể khiến người nước ngoài đặt câu hỏi, các em đi chơi hay đi làm, và đi làm thì hóa ra trẻ Việt Nam phải lao động?


Nên chăng là bố trí để các vị khách nước ngoài, nếu họ muốn, đến thăm một lớp học ở Hà Nội hoặc TPHCM để giao lưu thực sự với học sinh.


Chỉ việc nhìn tận mắt phong cách của một khách quốc tế (tất nhiên còn tùy khách) có thể tạo cảm hứng cho học sinh Việt Nam có ước mơ lớn hơn.


Đó là chuyện tích cực đã xảy ra ở Anh khi bà Michelle Obama thăm một trường đông trẻ em gốc Hồi giáo và da màu ở London hồi 2009.


Và chúng ta cũng đừng nghĩ với các khách quốc tế, việc bắt tay lãnh đạo chủ nhà là điều họ nóng lòng mong chờ.


Đôi khi họ mong được gặp người dân, nhất là thanh thiếu niên, để biết 'nhịp đập' tương lai của quốc gia đó.


Bà Obama, khi không còn là đệ nhất phu nhân Mỹ, quay lại thăm trường Elizabeth Garrett Anderson (EGA) ở Islington năm 2018, và vẫn được đón như thượng khách.


Michelle Obama nói chính học sinh trường ở London đã tạo cảm hứng cho bà tiếp tục hoạt động xã hội, viết sách và đấu tranh vì quyền của người nhập cư bên Mỹ.


Bài học ở đây là học sinh và trẻ em có thể đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao quốc tế nếu chúng ta biết làm cho thật hay.