VĂN HÓA ONLINE - VIỆT NAM - THỨ TƯ 01 MAY 2019
Các Dân Biểu Lowenthal, Correa, và Rouda tham dự buổi Tưởng niệm lần thứ 44 Tháng 4 Đen
Từ trái: Dân biểu liên bang Lou Correa, Dân biểu Alan Lowenthal và Dân biểu Harley Rouda.
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Dân Biểu Lowenthal, Correa, và Rouda Tham Dự Buổi Tưởng Niệm Lần Thứ 44 Tháng 4 Đen
Tin Washington D.C.- Các dân biểu Alan Lowenthal (quận hạt 47 California), Lou Correa (quận hạt 46 California), và Harley Rouda (quận hạt 48 California) đang là đại diện cử tri cộng đồng Little Saigon ở Orange County, California, cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hôm nay các dân biểu Lowenthal, Correa, và Rouda đã ra một thông báo chung liên quan đến đợt tưởng niệm lần thứ 44 tháng Tư Đen có nội dung sau đây.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, thủ đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hoà bị lực lượng bộ đội cộng sản Bắc Việt xâm chiếm, trở thành sự kiện được mọi người biết đến là Tháng Tư Đen tức ngày Sài Gòn sụp đổ. Sau khi Sài Gòn rơi vào tay nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, hàng triệu người dân Việt Nam buộc phải rời khỏi quê nhà để tìm kiếm tự do. Nhiều người tìm đường sang Hoa Kỳ định cư, ngày nay trở thành một bộ phận quan trọng, đa dạng và sống động của Hoa Kỳ. Hàng năm, cộng đồng người Mỹ gốc Việt khắp lãnh thổ Hoa Kỳ đều tổ chức lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen.
Nhân dịp này, dân biểu Lowenthal nói rằng Tháng Tư Đen là sự kiện đánh dấu thời khắc đen tối nhất lịch sử của người dân Việt Nam luôn luôn vất vả tranh đấu để đòi hỏi tự do và nhân quyền cho đất nước. Tháng Tư Đen từ đó trở thành sự kiện nhắc nhở tất cả mọi người làm việc nhiều hơn để bảo đảm tiếp tục duy trì những quyền căn bản mà chúng ta được thừa hưởng tại xứ sở Hoa Kỳ, và đặc biệt là phải được tôn trọng tại Việt Nam.
Cũng trong thông báo chung này, dân biểu Lou Correa nói rằng ngày Sài Gòn sụp đổ đánh dấu nỗi đau của cả một thế hệ. Và trong khi chiến tranh có lẽ đã kết thúc đối với Hoa Kỳ, đối với vô số các gia đình người Việt Nam chiến đấu bên cạnh các binh sĩ quân đội của hai nước, Tháng Tư Đen đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của chế độ cộng sản độc tài cai trị Việt Nam, đã bỏ tù và trấn áp những người muốn cất lên tiếng nói đòi hỏi dân chủ, tự do. Vì lý do này, hàng chục ngàn người đã tìm cách trốn khỏi Việt Nam trên những con thuyền nhỏ mỏng manh, đông đúc hoặc chạy vào rừng sâu để lánh nạn cộng sản. Đó là những con người can đảm chấp nhận nguy hiểm để tìm kiếm sự tự do và cơ may được sống trong hoà bình. Họ trở thành người tị nạn tại Orange County với những câu chuyện gây xúc động cho đến tận bây giờ, nhắc nhở chúng ta rằng tự do không bao giờ được ban phát, hay cho không.
Còn theo dân biểu Rouda thì ngày 30 tháng 4 đã trở thành một bước ngoặt đối với hàng triệu người tị nạn Việt Nam đang định cư tại Hoa Kỳ. Đó là ngày đánh dấu một thời kỳ bi kịch và đau khổ đã buộc hàng triệu người đứng lên tìm kiếm nhân quyền và tự do. Những người Việt Nam đầy can đảm đó đã theo đuổi khát vọng thiêng liêng, chấp nhận mọi nguy hiểm đến tính mạng để tìm đường đến Hoa Kỳ, tự tin vào sự thành công đạt được tại Orange County cũng như khắp lãnh thổ Hoa Kỳ. Vẫn theo dân biểu Rouda thì cộng đồng các sắc tộc tại Hoa Kỳ trở nên phong phú nhờ sự hiện diện và góp phần của các thế hệ người Mỹ gốc Việt thành đạt, và mọi người ở đây nợ quốc gia láng giềng của chúng ta sự tranh đấu để xác lập nhân quyền tại Việt Nam.
###