Việt Nam/Stormbee UAV S-20: Camera bay khổng lồ dựng 3D
05/08/2019
TTO - Cánh quạt quay vù vù, Stormbee cất cánh thẳng đứng lên trời. Lần đầu tại VN, thiết bị bay không người lái với khả năng dựng 3D công trình kiến trúc, giao thông, đô thị hoạt động...
Chuyên gia Bỉ hướng dẫn bay - Ảnh: CHẾ THÂN
10h30, nắng ngập tràn mặt sông Thị Vải. Hàng chục chuyên gia, kỹ sư cặm cụi chuẩn bị cho chuyến bay đặc biệt trên bầu trời VN.
Học lái "Ong bão"
Sau quy trình kiểm tra cẩn thận, xe lăn bánh chở chiếc Stormbee UAV S-20 đến vị trí bay. Thiết bị bay không người lái lần đầu tiên bay, quét và dựng 3D công trình cảng này.
Lát sau, Stormbee UAV S-20 đã vào vị trí ổn định. Ba chuyên gia Bỉ tận tình truyền đạt cho các kỹ sư VN cách giữ thăng bằng thiết bị bay đặc biệt và điều khiển theo hướng gió... Kỹ sư Nguyễn Công Cường - phó giám đốc trung tâm kỹ thuật sông biển, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), người được chỉ định lái trong buổi bay khảo sát - đề nghị trực tiếp lắp ráp pin vào thiết bị.
Ban đầu kỹ sư Cường hơi lúng túng vì đây là lần đầu anh làm việc với thiết bị bay lớn, đa chức năng hơn hẳn các flycam nhỏ ở VN. Tuy nhiên, anh nhanh chóng nắm kỹ thuật, thao tác chuẩn xác. Mấy kỹ sư trẻ cũng tập trung học hỏi. Có người còn quay phim lại để nghiên cứu. Tất cả "khán giả" được yêu cầu lùi xa khoảng 10m và tắt điện thoại để không nhiễu sóng. Kỹ sư Cường cầm bộ điều khiển bay, mặt rịn mồ hôi vì tập trung cao độ.
“Ong bão” cất cánh
11h trưa, bốn cánh quạt Stormbee UAV S-20 vù vù quay nhanh. Thiết bị bay không người lái này có đường kính "khủng" 1,5m, nặng 25kg (gồm thiết bị kèm theo) rời mặt đất theo phương thẳng đứng trong gió bụi tốc lên mù mịt. Nó bay nhanh lên cao 20m, 40m... rồi chỉ còn là chấm nhỏ trên bầu trời và lượn khắp khu cảng rộng. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là vận tốc phải thấp hơn 4m/s để kết quả hình ảnh đảm bảo chi tiết có độ chính xác cao nhất.
Sau 20 phút bay, "phi công" VN đã điều khiển "máy bay" hạ cánh thẳng đứng vào đúng vị trí cất cánh. Kỹ sư Cường cho biết khó khăn lớn nhất là cách cất cánh, hạ cánh và vị trí tay cầm thiết bị phải tuyệt đối chính xác để tránh ảnh hưởng xấu cho quá trình bay. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho "máy bay" có giá đến 20 tỉ đồng này.
Có mặt tại điểm bay, nhiều kỹ sư trẻ cũng rất hào hứng học lái thiết bị bay không người lái khổng lồ. Kỹ sư trẻ Lê Nguyễn Thanh Phước cho biết rất mong được làm "phi công" lái chiếc Stormbee UAV S-20. Cả tháng nay, anh tự mày mò tìm hiểu thông tin thiết bị phục dựng 3D công trình hạ tầng hàng đầu thế giới này.
Tương tự, kỹ sư Võ Văn Trương chia sẻ: "Tôi đã luyện tập rất lâu để chờ ngày đích thân lái Stormbee UAV S-20 lên bầu trời. Chuẩn bị cho việc lái thử nó, tôi đã tập lái trước flycam để lấy kinh nghiệm".
Lên trời, khám bệnh mặt đất
Khác hẳn flycam chụp ảnh thông thường, Stormbee UAV S-20 có lắp các camera và thiết bị quét laser Faro Focus S350-A có chức năng scan để chụp, ghi lại dữ liệu kết cấu công trình. Sau đó, toàn bộ dữ liệu sẽ được tải vào máy tính có phần mềm chuyên dụng để dựng lại bản vẽ công trình.
Chỉ trong vài giờ, toàn bộ bản vẽ công trình được dựng lại dưới dạng 3D, trong đó ghi nhận các đặc tính kết cấu công trình. Bởi nếu sử dụng công nghệ cũ "khám" cảng biển có diện tích khoảng 40ha phải mất nhiều tuần lễ và sai số cao hơn. Với thiết bị bay này, chỉ mất 1 ngày đo vẽ, tái dựng, và độ chính xác đến từng milimet.
Nhìn màn hình điều khiển bay
Theo đại diện Hội Cảng - đường thủy - thềm lục địa VN, trước đây việc khảo sát địa hình hiện trạng một khu vực thường chỉ đơn thuần là việc đo các điểm rời rạc và sau đó xây dựng bản đồ 2 chiều... Công trình nhỏ cũng phải mất hơn tuần lễ, nhưng hầu hết phải nội suy giữa các điểm đo nên độ chính xác chỉ tương đối, không phản ánh hoàn toàn cấu trúc thực tế.
Kể việc phục hồi nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) sau hỏa hoạn, ông Trần Tấn Phúc - tổng giám đốc Portcoast - cho biết may mắn là trước khi cháy, một nhóm kỹ sư đã áp dụng công nghệ quét laser nhà thờ. Nhờ đó, Pháp có đầy đủ dữ liệu kiến trúc với độ chính xác tính theo milimet, để có thể sửa chữa phục hồi.
Theo ông Phúc, sử dụng công nghệ hiện đại này còn có thể biết chính xác từng con đường đang xuống cấp ra sao. Bởi nó ghi nhận dữ liệu đến từng kích thước vết rạn nứt nhỏ trên mặt đường và số lượng ổ gà... để xác định mức độ hư hỏng cần sửa chữa. Hoặc có thể biết được từng ngôi nhà được xây dựng chiều cao ra sao hoặc chủ nhà có vi phạm xây vượt tầng đến từng centimet.
Tại VN, thiết bị bay này không chỉ hỗ trợ quản lý xây dựng, bảo trì hạ tầng mà còn góp phần gìn giữ các công trình kiến trúc cổ như cố đô Huế, phố xưa Hội An.
Đặc biệt, mới đây Portcoast đã sử dụng thiết bị hiện đại để ghi lại toàn bộ dữ liệu bên trong Nhà hát TP.HCM. Mở dữ liệu máy tính, kỹ sư có thể rê con chuột đến vị trí màn hình hiện số liệu kích thước từng ghế ngồi, từng viên gạch, từng bức phù điêu đã trải qua thăng trầm cả trăm năm qua...
Kỹ sư Việt "bay" rất giỏi
Bà Liesbeth Buyck, CEO Hãng Stormbee, khẳng định công nghệ này lần đầu tiên được áp dụng tại VN và khu vực. Kích thước thiết bị lớn, phần máy scan và thiết bị bay tách rời. Không chỉ "lái" thiết bị bay mà còn phải điều khiển scan công trình. Tuy nhiên, các kỹ sư VN đã tiếp thu rất nhanh và đam mê công nghệ. Quá trình chuyển giao lý thuyết, thực hành chỉ trong vòng vài ngày.
Ngoài ước mơ trở thành "phi công", các kỹ sư trẻ còn hi vọng VN sẽ nghiên cứu chế tạo được những chiếc UAV "made in VN" như thế này. Chúng vô cùng cần thiết cho việc quản lý đô thị, nông, lâm, ngư nghiệp... để phát triển quốc gia.
VN cần lưu dữ liệu kiến trúc, hạ tầng đô thị
Ông Hoàng Hiệp, phó giám đốc Trung tâm Portcoast BIMLab, cho biết: thời đại 4.0, việc số hóa, lưu giữ hiện trạng công trình rất quan trọng. Cần xây dựng một gói dữ liệu lớn (big data) lưu giữ toàn bộ kết cấu những công trình trọng điểm của VN để sử dụng trong bảo trì, sửa chữa, kể cả xây dựng công trình mới sau này.