Cờ vàng, cờ đỏ: Cuộc chiến 'chưa kết thúc' trong người Việt

10 Tháng Năm 20218:34 SA(Xem: 6777)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - THỨ HAI 10 MAY 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Cờ vàng, cờ đỏ: Cuộc chiến 'chưa kết thúc' trong người Việt


  • Bùi Văn Phú
  • Gửi đến BBC Tiếng Việt từ California

09/5/2021


image041Nguồn hình ảnh, Bùi Văn Phú. Chụp lại hình ảnh. Cờ vàng trong dịp tưởng niệm 30/4 tại Toà Thị chính San Jose, California

 

Sự kiện một em du sinh từ Việt Nam sang Úc, đang học cấp 3 trong một trường ở khu vực Sydney, trong dịp 30/4 vừa qua khi thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên đường phố, em này đã giật xuống, dẫm chân lên, cùng lúc có những lời phát biểu tục tĩu để nhục mạ lá cờ đó.


Sau khi đoạn phim ghi hình ảnh của sự kiện được đưa lên mạng, cộng đồng người Việt tại Úc đã chính thức lên tiếng phản đối và yêu cầu giới chức trách nhiệm xử lý. Phía ủng hộ em học sinh này, là những người cũng chống đối cờ vàng, đa số là thành phần dư luận viên, đã ào ạt tấn công và đe doạ những người đại diện cộng đồng người Việt tại Úc.


Việc em học sinh bên Úc nhục mạ lá cờ vàng, nhiều tranh luận đã được đưa ra, tập trung là phương diện pháp lý, là về quyền tự do phát biểu theo hiến pháp và luật pháp Úc.


Sự việc đang được các giới chức thẩm quyền điểu tra và sẽ có những quyết định trong những ngày tới.


Tôi không hiểu về luật pháp Úc, nên chỉ theo dõi và chờ đợi xem kết quả ra sao.


Ở đây xin nhắc đến vài trường hợp liên quan đến biểu tượng cờ trong xã hội Mỹ, theo tinh thần luật pháp Hoa Kỳ.


Các đây vài năm Đức Dalai Lama đến Berkeley thuyết giảng và có rất đông người đến dự, vì ngoài là người lãnh đạo tâm linh của Phật giáo, Ngài là lãnh đạo tinh thần của dân Tây Tạng (Tibet), một vùng đất đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1951, khiến Đức Dalai Lama và nhiều người dân phải bỏ đi, ra nước ngoài sinh sống.


Chính quyền Bắc Kinh hiện nay cấm dân treo cờ Tây Tạng trên đất nước một thời được xem như của của họ, ai vi phạm sẽ bị bắt giam, bị tù. Bắc Kinh cũng luôn lên tiếng phản đối và cảnh báo hậu quả cho lãnh đạo các nước khi đón tiếp Đức Dalai Lama.


Hôm Ngài đến Berkeley, thành phố cho kéo cờ Tây Tạng lên cột cờ thành phố để chào đón.


image042Nguồn hình ảnh, Bùi Văn Phú. Chụp lại hình ảnh. Người Hoa và người gốc Tây Tạng giằng co lá cờ Tây Tạng khiến cảnh sát phải can thiệp


Hai buổi nói chuyện của Đức Dalai Lama với cả vạn người đến nghe. Bên ngoài có nhiều người tập trung biểu tình phản đối với nhiều lý do khác nhau.


Tại buổi nói chuyện ngoài trời ở Greek Theater của Đại học Berkeley có người Hoa mang cờ đỏ với 5 sao vàng đến phản đối. Có người gốc Tây Tạng mang bích chương, biểu ngữ đòi tự do cho "Free Tibet" đến ủng hộ.


Hai người Hoa giương cờ Trung Quốc, rồi một anh lấy trong bịch của anh ta ra một lá cờ Tây Tạng, vất xuống đất dẫm chân lên và nhổ nước bọt vào.


Hai người Tây Tạng thấy thế cúi xuống giật lá cờ khỏi chân người Hoa và bị anh giằng lại. Hai bên kéo lá cờ Tây Tạng qua lại, lớn tiếng cãi nhau khiến cảnh sát phải đến can thiệp.


Anh thanh niên Tây Tạng phân trần rằng hành động của người Hoa là làm nhục lá cờ đó. Cảnh sát giải thích là việc làm của anh người Hoa không có gì vi phạm pháp luật, trừ trường hợp đốt cờ, anh ấy sẽ bị biên phạt.


Cảnh sát còn nói cho anh chị người Tây Tạng biết là họ không được lấy đồ vật của người khác, nếu không tuân thủ luật pháp thì sẽ bị biên phạt.


Mấy người Hoa lại tiếp tục giương cao cờ Trung Quốc, lấy chân dẫm lên, nhổ nước bọt vào cờ Tây Tạng.


Vài người Mỹ đang xếp hàng chờ vào nghe diễn thuyết tỏ ra không bằng lòng với những hành động đó, nói với hai thanh niên người Hoa là không nên làm như thế. Nhưng họ tiếp tục chà đạp lá cờ biểu tượng của Tây Tạng.


image043Nguồn hình ảnh, Bùi Văn Phú. Chụp lại hình ảnh. Cờ vàng trong diển hành đón Tết ở California


Một người đàn ông Mỹ xếp hàng trước tôi nói với một người bạn: "Chinese are nice people. When talking about Tibet they get angry and become very irrational" - Người Hoa dễ thương, nhưng khi đề cập đến Tây Tạng, họ nổi giận và trở nên mất lí trí.


Chuyện thứ hai là về lá cờ nhiều mầu đại diện cho giới đồng tính tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.


Năm 2019, một người Mỹ tên Adolfo Martinez, 30 tuổi, cư dân tiểu bang Iowa, là một người có đầu óc căm ghét người đồng tính nên đã giật một lá cờ của người đồng tính đang treo trước cửa một nhà thờ và đem đốt. Vì hành động này Martinez đã bị toà xử án tù 15 năm, vì hành vi của anh mang tính căm ghét người đồng tính.


Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã có phán quyết cho việc đốt cờ Mỹ là không vi phạm luật pháp, nếu lá cờ đó là tài sản của một cá thể và việc đốt cờ là để thể hiện quan điểm chính trị của mình.


Tuy nhiên luật Mỹ ngăn cấm và trừng phạt những ai có hành vi mang tính biểu lộ sự kỳ thị hay phản ánh lòng căm ghét người khác vì không cùng giới tính, mầu da, sắc tộc, tôn giáo.


Chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ ở hải ngoại


Chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ ở hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, Úc và Canada là nơi có đông người Việt tị nạn cộng sản sinh sống, nơi có nhiều chính quyền địa phương đã công nhận lá cờ vàng là di sản của người Việt tị nạn cộng sản.


Riêng tại Hoa Kỳ, trên 50 đơn vị hành chánh từ tiểu bang, quận hạt và các thành phố có đông cư dân gốc Việt thì giới chức chính quyền, các vị dân cử đều biết đến biểu tượng này. Trong các sinh hoạt cộng đồng, lễ tết của người Việt đều có cờ vàng tung bay.


Hôm 6/1 vừa qua, khi có biểu tình và tấn công vào trụ sở Quốc hội Mỹ để phản đối kết quả bầu cử tổng thống 11/2020, một số người Việt tham gia biểu tình đã đem theo cờ vàng. Bức hình với lá cờ vàng phất cao trước Điện Capitol đã được truyền đi khắp thế giới.


Đã có rất nhiều ý kiến phản đối hành động đem theo cờ vàng trong vụ xuống đường hôm 6/1. Đây cũng là một bài học cho những ai không sử dụng lá cờ vàng cho đúng cách, đúng lúc.


Ngày 30/4/1975 chiến tranh giữa hai phe quốc gia và cộng tại Việt Nam chấm dứt, với kết quả phe quốc gia đầu hàng phe cộng sản. Lá cờ vàng không còn được công nhận trên đất nước Việt Nam nữa.


Trong nước Việt Nam ngày nay, người dân nào đưa ra hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ sẽ bị công an bắt giam và bị xử án tù.


Nếu sau ngày 30/4/1975, phe chiến thắng đã có những chính sách mang lại sự hoà giải quốc gia, đối xử nhân bản với bên thua trận, thay vì cải tạo học tập, càn quyét và thiêu huỷ văn hoá miền Nam, đánh tư sản mại bản, thì đã không có hàng triệu người bỏ nước ra đi và người Việt sẽ chẳng mấy còn nhớ đến một đất nước của quá khứ, tuy chưa hoàn toàn tự do dân chủ nhưng so với Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì người dân đã được tự do hơn bây giờ rất nhiều.


Tác giả Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.
29 Tháng Năm 2019(Xem: 10611)