Covid: Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: “Chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc”

20 Tháng Mười 20217:39 SA(Xem: 5957)

VĂN HÓA ONLINE – CỘNG ĐỒNG - THỨ TƯ 20 OCT 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Covid: Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: “Chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc”


'Chưa ai thiếu ăn, thiếu mặc': Lãnh đạo khẳng định không hề nói, báo Lao Động đưa băng ghi âm


BBC 19/10/2021


image003Nguồn hình ảnh, Getty Images. Chụp lại hình ảnh. Nhiều người dân ở TPHCM gặp khó khăn vì dịch Covid-19


Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh khẳng định ông không hề nói trong dịch Covid-19 'chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc' trong lúc một tờ báo đăng bản ghi âm để phản bác ông.


Mạng xã hội ngày 18/10 xôn xao khi báo Lao Động tường thuật khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh chiều ngày 18/10, ông Tấn đã nói: "Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gần 5 tháng qua ở TP Hồ Chí Minh nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc và khốn khổ vì dịch".


Sang ngày 19/10, ông Tấn chính thức phát biểu với báo chí:


"Ý của tôi không phải như vậy. Tại anh em nghe không rõ nên mới đăng vậy. Tôi không nói câu 'chưa có ai khốn khổ, khó khăn' mà ý của tôi là 'không để ai thiếu đói, thiếu mặc, khốn khổ'. Trách nhiệm của mình phải lo cho bà con như thế."


"Trong đợt dịch vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân gần 8.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn. Vậy tại sao lại viết chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc? Có chứ, có mới chi 8.000 tỉ đồng, chưa có ai thiếu ăn sao lại phải chi 8.000 tỉ đồng? Việc chi hỗ trợ cho người dân 2 đợt là chính sách riêng, đặc thù của thành phố nhằm hỗ trợ khẩn cấp người dân gặp khó khăn. Tôi làm ngành lao động thì phải lo cho dân chứ không thể bỏ mặc dân trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay."


Báo đăng bản ghi âm


Nhưng báo Lao Động cùng ngày 19/10 cho đăng lên trang web của họ bản ghi âm để khẳng định họ không đưa tin sai.


Báo Lao Động giới thiệu rằng tại đoạn ghi âm 2 phút 31 giây, ông Lê Minh Tấn khẳng định: "...Đánh giá trong gần 5 tháng qua dịch bệnh trên địa bàn TPHCM rất là ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ...".


Ngoài ra ở đoạn 3 phút 5 giây, theo tờ báo, ông Lê Minh Tấn còn nói: "...TPHCM hiện chi ra gần 8.000 tỉ đồng. Nhưng các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cũng ủng hộ gần cỡ đó, 8.000 tỉ đồng. Thành ra bảo đảm bà con thành phố chúng ta không ai thiếu ăn, thiếu mặc, không ai phải khốn khổ...".


Đến cuối ngày, ông Lê Minh Tấn chưa có phát ngôn nào về bản ghi âm của báo Lao Động.


Được biết tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, chính quyền đã chi khoảng 10 triệu lượt hỗ trợ qua ba đợt.


Từ cuối tháng 9, thành phố này triển khai gói hỗ trợ đợt 3 với kinh phí khoảng 7.300 tỉ đồng.


Việt Nam có luật phạt báo chí 'đăng tin sai sự thật'


Việt Nam hiện nay thường sử dụng Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, hoạt động xuất bản.


Trong đó có điều khoản: "Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; buộc gỡ bỏ chương trình phát thanh, chương trình truyền hình; buộc gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, ứng dụng phát thanh truyền hình trên mạng; buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật; buộc gỡ bỏ nội dung giới thiệu, quảng bá, đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật..."


Gần đây, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông còn công bố thống kê sơ bộ đơn thư phản ánh về thông tin trên báo chí, tố cáo vi phạm trong hoạt động báo chí giai đoạn năm 2018 đến năm 2020.


Đứng đầu thống kê là Báo Pháp luật Việt Nam với 122 đơn thư khiếu nại, trong đó riêng năm 2020 có63 đơn thư khiếu nại.


Báo Tiền phong bị 56 đơn thư, đứng thứ hai; Báo Thanh niên đứng thứ ba với 53 đơn thư khiếu nại.


Tiếp theo là Báo Công lý (48 đơn thư khiếu nại), Báo Người cao tuổi - nay là Tạp chí Người cao tuổi (47), Báo Đời sống và Pháp luật - nay là Tạp chí Đời sống và Pháp luật (41), Báo Lao động (40), Báo điện tử Tầm nhìn - nay là Báo Tri thức và Cuộc sống (38), Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (37), Báo điện tử Dân trí (31).


+++++++++++++++++++++++++++++++


Ông Lê Minh Tấn đã khẳng định: Chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ


LĐO | 19/10/2021 | 16:38


image005Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM trả lời báo chí trưa ngày 19.10 Ảnh: Minh Quân


Tại buổi thảo luận tổ kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM Khóa X chiều 18.10, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM đã đánh giá, trong gần 5 tháng qua, dịch bệnh trên địa bàn TPHCM rất ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ.


Ngày 18.10, Báo Lao Động có đăng bài "Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM: "Chưa có ai thiếu ăn, khốn khổ vì dịch".


Theo đó, bài báo đề cập nội dung phát biểu tại buổi thảo luận tổ kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM Khóa X cùng ngày, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM đã đánh giá gần 5 tháng qua, dịch bệnh trên địa bàn TPHCM rất ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ.


Tuy nhiên, trưa ngày 19.10, sau khi kết thúc kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM Khoá X, trả lời báo chí, ông Lê Minh Tấn lại cho rằng trong cuộc thảo luận tại tổ của HĐND TPHCM chiều 18.10, báo chí dẫn không chính xác lời ông. Cụ thể, ông Tấn cho biết mình đã phát biểu là “không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc và khốn khổ” chứ không phải là “chưa có ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ”.


Trong khi đó trên thực tế, phóng viên Lao Động dự họp tại cuộc họp thảo luận tổ chiều 18.10 của HĐND TPHCM (có ghi âm), thể hiện ông Lê Minh Tấn đã khẳng định: “Chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ”.


Để giải đáp thắc mắc của bạn đọc và để bạn đọc hiểu rõ hơn nội dung, Báo  Lao Động xin đăng lại ghi âm phát biểu của ông Lê Minh Tấn tại buổi thảo luận tổ kỳ họp HĐND TPHCM chiều ngày 18.10.


Ông Lê Minh Tấn phát biểu tại buổi thảo luận tổ kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM Khóa X chiều ngày 18.10.


Cụ thể, ông Lê Minh Tấn cho biết, về thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TPHCM, từ ngày 25.6.2021, HĐND TPHCM đã có Nghị quyết 09. Nghĩa là HĐND TPHCM đã ban hành một Nghị quyết sớm nhất so với của Chính phủ để chứng tỏ rằng HĐND TPHCM rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.


Bên cạnh đó, cũng có Nghị quyết 86 của Chính phủ nói là trong dịch COVID-19 này không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ. Nghị quyết của HĐND TPHCM cũng khẳng định không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, khốn khổ chứ không phải yêu cầu tất cả mọi người đều phải nhận được các chế độ đầy đủ từ nguồn ngân sách. Nghĩa bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách thì tất cả mặt trận, đoàn thể, quận, huyện, phường xã, các tổ chức chính trị - xã hội đều thực hiện an sinh.


Đặc biệt (tại đoạn ghi âm 2 phút 31 giây), ông Lê Minh Tấn khẳng định: "...Đánh giá trong gần 5 tháng qua dịch bệnh trên địa bàn TPHCM rất là ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ...".


Ngoài ra (ở đoạn 3 phút 5 giây),  ông Lê Minh Tấn còn cho biết: "...TPHCM hiện chi ra gần 8.000 tỉ đồng. Nhưng các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân cũng ủng hộ gần cỡ đó, 8.000 tỉ đồng. Thành ra bảo đảm bà con thành phố chúng ta không ai thiếu ăn, thiếu mặc, không ai phải khốn khổ...”. MINH QUÂN


+++++++++++++++++++++++++++


Covid: Người dân tháo chạy khỏi TPHCM lần ba?


BBC 1/10/2021


image007Nguồn hình ảnh, Getty Images. Người dân đổ về cửa ngõ để tìm đường về quê rạng sớm 1/10 tại TP HCM


Đêm qua, 30/9, lại có hàng ngàn người dân "tháo chạy" khỏi TPHCM. Sự việc xảy ra sau khi có thông tin TPHCM gỡ bỏ chốt chặn và rào chắn.


Tuy nhiên, họ đã bị quân đội, công an chặn lại tại khu vực giáp ranh giữa TPHCM với các địa phương khác.


Dòng người trở về quê này được cho vẫn là những người nghèo, những người không còn chịu đựng nổi sau nhiều tháng bị phong tỏa.


Báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin về sự kiện này. Ngay lập tức, nhiều tiếng nói mạnh mẽ trên mạng xã hội cũng mô tả và bình luận về tình cảnh của người dân và cách thức quản lý của chính quyền.


Thông tin trên báo chí nhà nước


"Tự phát" là chữ được truyền thông sử dụng để mô tả đám đông dân chúng kẹt tại cửa ngõ TPHCM.


image009Nguồn hình ảnh, Độc giả gửi cho BBC News Tiếng Việt. Một rào chắn đầu hẻm tại TPHCM


Tờ VietnamNet chạy tựa: "Tự phát rời TP.HCM, cả nghìn người mắc kẹt ở cửa ngõ về miền Tây lúc nửa đêm." Bài báo viết: "Khuya 30/9, quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bình Chánh theo hướng về Long An xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài do nhiều người tự phát về quê."


"Khi qua khỏi cầu Bình Điền khoảng 1km, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ kiểm soát dịch Covid-19 chặn lại do những người này thuộc đối tượng không được phép di chuyển khỏi địa phương."


Tiền Phong Online mô tả hàng ngàn người, có cả trẻ em tự đi xe máy về quê, nhưng "đến cửa ngõ giáp ranh Long An thì bị lực lượng chức năng yêu cầu quay về nơi xuất phát."


image011Nguồn hình ảnh, Độc giả gửi cho BBC News Tiếng Việt. Hai đầu đường Phan Đình Cung dẫn ra Phan Xích Long bị bịt bằng tấm chắn cao.


VnExpress mô tả: "Nhiều người dân lái xe máy về miền Tây bị lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát cửa ngõ giáp ranh Long An và TP HCM chặn lại, yêu cầu quay về nơi ở..." "Càng về tối lượng người đổ về càng đông, đứng chắn một làn đường khiến quốc lộ ùn tắc."


"Lực lượng chức năng sau đó vận động họ đến tập trung trước nhà sách ở giao lộ đường Bùi Thanh Thiết và quốc lộ 1, cách chốt kiểm soát cửa ngõ chừng một km. Gần 50 cảnh sát cơ động cũng được huy động để giữ trật tự."


Vẫn theo báo này, "Đám đông liên tục rồ ga cùng hô to "về quê, về quê", nhiều người nằm vạ vật trên đường, vỉa hè... Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Bình Chánh nói qua loa "dịch bệnh ở TP HCM mới cơ bản được kiểm soát, theo chỉ đạo của Chính phủ, bà con chưa thể về quê."


Mạng xã hội nói gì?


Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết trên trang cá nhân: "Những người lao động nhập cư vào Sài Gòn, Bình Dương đã bị chặn lại ở các cửa ngõ thoát ra vào đêm 30/9. Họ đã bị giam chặt trong các khu nhà trọ tồi tàn thiếu đói suốt 4 tháng qua, phải chờ từng bữa ăn từ thiện."


Ông cũng nói: "Nay họ không thể chịu đựng hơn, hãy để họ về quê nhà của họ."


Danh khoản Thanh Phuong bình luận: "Bao nhiêu người muốn về quê là kèm theo ngần ấy gia đình thân yêu của họ khắc khoải trông đợi ở quê nhà ,an dân sao được?"


Di Thiên Lương cho rằng: "Không thể ép buộc người ta ở lại được. Ai lo đời sống cho họ? Chỉ phải đưa về quê và tổ chức kiểm soát họ cách ly để tránh lây nhiễm. Cứ đóng chốt chặn không cho họ về quê để dồn người ở đó làm mồi cho Covid."


image013Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình. Bình luận trên MXH


Bạn Nam Tran không đồng tình với việc này: "Có clip phá rào chạy về lúc 5h sángrồi đó...tôi thật sự lo lắng cho các tính miền tây thời gian tới sẽ bùng dịch vì kiểu về này của dân."


Nguyễn Thị Bích Thủy viết trên nhóm Hội quán Kim Hoàn: "Tiến thoái lưỡng nan! Thật sự họ trả nhà thuê và muốn về quê nhà. Làm sao quay xe được nữa."


Thanh Quy Bui đáp lại bằng ý kiến: "Lại gom vào khu cách ly, lại... chọt mũi 2 ngày 1 lần. Chánh quyền sẽ làm cái mà họ làm giỏi nhất từ đầu dịch tới giờ."


Vân Bùi góp ý: "Nếu như các địa phương lấy quỹ phòng chống thiên tai dịch bệnh kết hợp với kinh phí của những ai có nhu cầu về quê. Cho về từng đợt ( mỗi đợt tầm 500-1000 người + tuân thủ cách ly đúng ngày) thì bà con được về quê an toàn.giảm tải cho TPHCM."


image015Nguồn hình ảnh, Độc giả gửi cho BBC News Tiếng Việt. Một rào chắn đầu hẻm ở quận Phú Nhuận


Danh khoản Trinh.V Việt bày tỏ: "Nhìn bọn trẻ tội quá. Cùng cảnh ngộ với cuộc sống mưu sinh của những người tha quê."


Có lẽ ít người kìm lòng được khi chứng kiến những người lao động nghèo khổ, đặc biệt là trẻ em phải chịu đựng những khó khăn, khổ sở như thế này. Trước đó, nhiều người dân lao động tại TPHCM cũng từng cố gắng rời thành phố hai lần hồi giữa năm nay.


Trong buổi họp báo sáng 30/9, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho hay, trước ngày 1/10, Công an TPHCM sẽ giải tỏa tất cả các chốt nội đô, từng bước chuyển sang trạng thái "bình thường mới".


Tuy vậy, vẫn duy trì 12 chốt chính, 39 chốt phụ ở các quận, huyện giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người ra vào TPHCM.


Liên quan vấn đề người dân mong muốn rời TPHCM về quê, đại tá Nguyễn Sỹ Quang khẳng định, người dân không được tự ý đi bằng xe cá nhân.


Có thông tin "bà con chờ đợi vạ vật cả đêm đã quyết định phá rào và vượt qua hàng phong tỏa của lực lượng cảnh sát để về quê tìm sự sống lúc 5h sáng 01/10/2021 tại chốt Tân Túc, Bình Chánh." BBC chưa có điều kiện kiểm chứng thông tin này.

06 Tháng Bảy 2021(Xem: 7494)
27 Tháng Năm 2021(Xem: 8751)