Quan hệ Mỹ-Việt nhìn từ California

13 Tháng Giêng 201512:00 SA(Xem: 17720)
“NHẬT BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ TƯ 14 JAN 2015

Quan hệ Mỹ-Việt nhìn từ California

Bùi Văn Phú

Gửi cho BBCVietnamese.com từ California

image060
Mười lăm năm trước Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ, sau đúng 20 năm đoạn giao kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào tháng 4/1975 với sự thất bại của Hoa Kỳ.

Đối với người Mỹ, sự kiện đó đánh dấu một trang sử mới cho việc trở lại Việt Nam bằng quan hệ nhiều mặt, nổi bật nhất là thương mại.

Ngày nay, đặc biệt là bang California, thành quả của quan hệ Mỹ-Việt sau 15 năm được biểu hiện qua sản phẩm Việt và những mặt hàng sản xuất tại Việt Nam đang được bày bán trong các cửa hàng ở Mỹ, từ siêu thị Á đông đến Macy’s, Costco, IKEA. Hàng Việt tại Mỹ đa dạng, từ tôm cá, hoa quả, mắm, tiêu cho đến đồ gốm, gỗ và quần áo, giầy dép. Hàng thường cũng như hàng hiệu.

Trao đổi thương mại giữa hai nước không còn nhiều rào cản vì cả hai đều là hội viên WTO và hai bên đã kí một hiệp định thương mại song phương.

Con số được quan chức hai chính phủ đưa ra cho thấy hiện thời mức giao thương giữa hai nước lên trên 15 tỉ đôla, so với vài trăm triệu vào thời điểm năm 1995, và Hoa Kỳ hiện là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Nhiều doanh nhân Mỹ, trong đó có người Mỹ gốc Việt đã vào Việt Nam đầu tư.

Trong khi quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đã có nhiều tiến bộ, ngay cả trong lãnh vực quân sự, quốc phòng cũng đang có chiều hướng tích cực hơn, nhưng quan hệ giữa người Việt hải ngoại với nhà nước Việt Nam vẫn còn những bức xúc chưa có chiều hướng giải quyết, như chính sách sai lầm trong quá khứ, vấn đề nhân quyền, tự do dân chủ tại Việt Nam.

Vai trò người Việt hải ngoại

Năm 1995 ghi dấu quan hệ Mỹ-Việt được thiết lập cũng là thời điểm con số người Việt hải ngoại về thăm quê hương nhảy vọt, để rồi từ đó lên đến vài trăm nghìn mỗi năm.

Mức đầu tư của người Việt vào thị trường Việt Nam cũng từ đó tăng theo, từ vài chục triệu nay đã lên đến hơn tỉ đôla. Cuối năm 1997 Việt Nam mở thêm Tổng lãnh sự quán tại San Francisco nhằm đáp ứng nhu cầu lãnh sự, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam của người Mỹ ở nói chung và của người Việt hải ngoại nói riêng.

Tiếp cận giữa các nhà ngoại giao Việt Nam tại San Francisco với người Việt cũng mở rộng ra.

Liên hoan đón Tết 1998 do Tổng lãnh sự tổ chức với hai trăm khách, nay tăng lên hơn một nghìn và gồm đủ mọi thành phần của cộng đồng và xã hội. Từ những ngày đầu tổ chức đơn sơ, sau có nhiều người trong cộng đồng như ông Đỗ Vẫn Trọn của tổ hợp Truyền thông Viên Thao, luật sư Vũ Ngọc Trác của Hiệp hội Doanh nhân người Mỹ gốc Việt giúp tổ chức nên liên hoan Tết phong phú với đoàn văn nghệ trong nước cùng ca sĩ hải ngoại như Tuấn Ngọc, Thái Thảo, Ái Vân, Tuấn Anh, Thu Phương đến hát giúp vui.

Từ năm 2000 Tổng lãnh sự quán cũng nhiều lần tổ chức mừng Quốc Khánh 2/9 như một sinh hoạt mang tính ngoại giao và có sự tham dự của một số người Việt địa phương.

Tuy nhiên việc treo cờ cộng sản Việt Nam trước tiền đình toà thị chính San Francisco trong ngày này vẫn bị một số đại diện hội đoàn người Việt phản đối với chính quyền thành phố.

Và có một điều, không hiểu vì lí do gì mà trước cơ sở ngoại giao Việt Nam ở đây không treo quốc kì. Trong khi trên nóc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc cách đó vài khu phố lúc nào cờ cũng tung bay.

Căng thẳng giữa nhà nước và người Việt hải ngoại thường thể hiện qua các cuộc biểu tình phản đối quan chức Việt Nam đến Mỹ.

Tháng 8 năm 1995, khi hai nước vừa chính thức bang giao, đại sứ Lê Văn Bàng qua Nam California nói chuyện về quan hệ hai nước và đã có hàng nghìn người biểu tình. Các chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam đến Washington, California hay Houston, nơi Việt Nam mới đặt thêm một văn phòng tổng lãnh sự, đều gặp phản đối của người Việt.

Năm ngoái có hội thảo về đầu tư, giáo dục và triển lãm chủ đề “Meet Vietnam” tại San Francisco cũng có hàng trăm người biểu tình.

Trong sinh hoạt người Việt hải ngoại, có người phản đối Hà Nội và cũng có người hợp tác đầu tư.

Một trường hợp đầu tư

Mấy năm trước, ông David Dương là tổng giám đốc công ty rác California Waste Solution đã quyết định đem kiến thức và kĩ thuật về nước thành lập công ty Vietnam Waste Solution, đầu tư vào khu xử lý rác Đa Phước trị giá cả trăm triệu đôla.

Công ty được coi là thành công, nhưng cũng gặp cạnh tranh mà ông cho là không minh bạch và công bằng của những công ty nhà nước.

Năm ngoái Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu ông trả lời một số cáo giác rằng công ty Đa Phước làm ô nhiễm không khí và nước. Với những bằng chứng khoa học thu thập, ông chứng minh cho những đại biểu thấy mùi hôi là do xe chở rác của nhà nước tạo ra chứ không phải từ bãi rác Đa Phước. Ông David mong có sự cạnh tranh minh bạch và lành mạnh giữa các công ty.

image062
Ông ̣David Dương đã về Việt Nam đầu tư

Ông David Dương là thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và là chủ tịch hội đồng quản trị của Hiệp hội Doanh nhân người Mỹ gốc Việt có trụ sở ở San Jose.

Hỏi về quan hệ thương mại giữa doanh nhân trong và ngoài nước, ông nói người Việt nước ngoài mang tiền về đầu tư tạo công ăn việc làm cho người dân trong nước, đáp lại doanh nhân trong nước cũng nên đầu tư ra nước ngoài vào những khu có đông người Việt để giúp cho người Việt hải ngoại có việc làm. Mục đích của hiệp hội là làm cầu nối đó giữa doanh nhân trong và ngoài nước.

Hỏi cảm nhận về những cuộc biểu tình của người Việt khi có quan chức Việt Nam đến Mỹ, ông David nói rằng gia đình ông mất tài sản khi nhà nước đánh tư sản mại bản, nhưng may mắn không ai mất mạng. Nhưng có những gia đình có người đã mất mạng, còn những nỗi đau. Ông hiểu nỗi đau của họ.

Phần ông, ngày nay với một nước Việt Nam đang hội nhập với thế giới và đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư, ông muốn đem khả năng của mình về để cải thiện môi trường và giáo dục để giúp đất nước phát triển.

Là một người thành công trong thương trường Mỹ, ông David Dương đã đóng góp nhiều cho cộng đồng và thường xuyên tham gia sinh hoạt chính trị dòng chính nên được nhiều người Mỹ, Việt biết đến. Đầu năm nay, Tổng thống Barack Obama đã bổ nhiệm ông vào hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Fund).

Theo ông, việc có càng nhiều sinh viên sang Mỹ du học càng tốt, vì ông tin những sinh viên sau khi tốt nghiệp về nước sẽ giúp Việt Nam phát triển.

Đến năm 2018 quỹ giáo dục sẽ hết nên ông đang vận động các dân cử liên hệ để để gia hạn hoạt động của quỹ để duy trì một con đường cung cấp trí tuệ cho Việt Nam trong tương lai.

Ông nhấn mạnh là những gì ông làm đều là “người thật, việc thật” và mong muốn được đóng góp vào việc cải thiện đời sống của người dân Việt tại Việt Nam.

Giáo dục và giao thương kinh tế cũng là cách chính quyền Hoa Kỳ muốn thực hiện để tác động đến quan hệ hai bên về lâu dài./

28 Tháng Tám 2016(Xem: 14761)
09 Tháng Tám 2016(Xem: 12684)
Formosa chưa yên với dân chúng
28 Tháng Bảy 2016(Xem: 12997)