Phạm Gia Cổn: ra mắt CD, kể chuyện cũ, mừng sinh nhật 75+

07 Tháng Tư 201611:51 CH(Xem: 16609)

"BÁO VĂN HÓA-CALIFORNIA" THỨ  SÁU 08 APRIL 2016

Phạm Gia Cổn: ra mắt CD, kể chuyện cũ, mừng sinh nhật 75+

LITTLE SAIGON - Ông Phạm Gia Cổn, một bác sĩ y khoa chuyên về gây mê nổi tiếng và cũng là giáo sư tại Đại học UCLA vừa tổ chức một dạ tiệc thân mật với thân hữu vào tối Chủ Nhật 3/4/16 tại nhà hàng DiamondSeafood Restaurant.

Nhưng buổi dạ tiệc gặp gỡ thân hữu không để nói chuyện về gây mê hay về y học. Bs Cổn đã làm ngạc nhiên nhiều người. Chủ đề do chính ông đặt: Đêm nhạc Phạm Gia Cổn.

image059

Thân hữu Bùi Đường cho biết Phạm Gia Cổn hay nhạc sĩ Mạc Vũ nổi lên từ thập niên 1960. Ca khúc đầu tay của Mạc Vũ là bản "Tiếng Mưa". Mạc Vũ đêm nay kể chuyện tình chiến hữu, chiếu slide show về hình ảnh kỷ niệm xa xưa với bạn bè, sẽ hát và thổi kèn, và vui nhất: cắt bánh mừng sinh nhật 75 +. Niềm vui òa đến với bạn bè, hoa thơm, vợ con và lời chúc ngây thơ của cháu nội.

image061

Không ít thân hữu không hề biết Phạm Gia Cổn chính là nhạc sĩ sáng tác với bút hiệu Mạc Vũ. Có lẽ đây là buổi trình làng đầu tiên CD "Hẹn Ước", Mạc Vũ phổ nhạc từ thơ của các nhà thơ  Hà Huyền Chi, Du Tử Lê, Định Nguyên, Trần Đức Tường, Phan Xuân Hiệp, Sương Mai, Phạm Kim Khôi, Như Thường, Amy Hồ, Vĩnh Ninh, Ngọc Diệp.

image063

Một số thân hữu mà bổn báo thường gặp như MC ký giả Hồng Vân, Chủ nhiệm Khánh Hòa, Ts Trình Drum, Nhà văn Phạm Quốc Bảo, Nhà báo Nguyễn Chí Khả, Nhà báo Ngọc Hoài Phương, Bs Nguyễn Vũ Vượng, Bs Phạm Đức Vượng, ông bà Nha sĩ Lý Văn Quý, ông Hà Huyền Thanh, ông Lý Hoàng Tùng, ông Thế Lê chủ tiệm phở Tàu Bay nổi tiếng, ... và nhất là hội viên hội Hoàng Hạc Thể Dục Khí Công hầu như ai cũng đều chung vui góp mặt và ai cũng nhận được món quà CD "Hẹn Ước" trong dịp sinh nhật Mạc Vũ Phạm Gia Cổn 75+.

Nhà thơ Du Tử Lê, thân hữu phát biểu duy nhất nói về Mạc Vũ Phạm Gia Cổn như sau:

"Nói về một nhân vật đặc biệt, một nhân vật mà ở lãnh vực nào, ông cũng xuất hiện như một thành tựu chói gắt: Từ âm nhạc, y học tới võ học như bạn tôi, Phạm Gia Cổn, thực sự là một khó khăn lớn. Rất lớn đối với tôi.

Mặc dù ban tổ chức không giới hạn thời gian để tôi được phép nói về người bạn đặc biệt, họ Phạm này; nhưng tôi tự thấy, tôi không thể lạm dụng tính bao dung, lòng ưu ái của ban tổ chức, để… “tra tấn” quý vị và các bạn trong ngày sinh nhật ấm áp tình thân như thế này.

Vì thế, tôi chỉ xin nói về thời sinh viên, một giai đoạn, tôi lập lại, một giai đoạn có thể nhiều vị hiện diện ở đây, hôm nay, không rõ lắm. Những giai đoạn khác, của họ Phạm, tôi không dám lạm bàn vì, tôi biết nhiều quý vị có thẩm quyền hơn tôi…

Kính thưa quý vị và, các bạn,

Nhắc tới thời kỳ sinh viên của bạn tôi, là nhắc tới những năm đầu thập niên 1960. Khi đó, chúng tôi còn rất trẻ. Khi chưa một ai trong chúng tôi có định hướng rõ rệt hay, tạo được cho cá nhân mình, một chỗ đứng, một vị trí dù, khiêm tốn trong xã hội, thì bạn tôi, Phạm Gia Cổn với bút hiệu Mạc Vũ, đã nổi bật, đã như một đường bay ấn tượng trong vòm trời nghệ thuật. Tôi muốn nói, ngay tự những năm tháng đó, ông đã sáng tác ca khúc “Tiếng Mưa” – Lời của Nguyên Vũ (một nhà văn nổi tiếng sau này).

Bằng vào kinh nghiệm cá nhân, tôi xin nhấn mạnh, hầu hết sáng tác đầu tay của những người làm VHNT, thường không được biết tới. Rất nhiều người (trong đó, có chúng tôi), phải kiên nhẫn, trì chí qua nhiều năm, tháng, sáng tác của họ mới được phổ biến, hiểu theo nghĩa, được giới thưởng ngoạn biết tới.

Nhưng, bạn tôi, Phạm Gia Cổn là một biệt lệ.

Ca khúc đầu tay “Tiếng Mưa” của ông đã được nữ ca sĩ Hoàng Oanh, chọn hát, trên dài phát thanh Quân Đội cho hằng trăm ngàn người nghe.

Thành tựu này, của bạn tôi, khiến chúng tôi, những người bạn thân thời đó, của họ Phạm, như Nguyên Vũ, Mai Trung Tĩnh, Nhật Trường, Ngọc Hoài Phương, Tâm chung, Nguyễn Chí Khả, Sao Biển, Phan Diên, Điền Bích… hãnh diện, ngây ngất như thể chính mình là tác giả của ca khúc “Tiếng Mưa” vậy.

Với khởi đầu tốt đẹp như vậy, cá nhân tôi không chút ngạc nhiên khi sau này, bạn tôi lần lượt cho ra đời những ca khúc khác, như “ Một ngày mũ đỏ, một đời mũ đỏ”, phổ thơ của Hà Huyền Chi; “Buổi chiều, nhớ”, phổ thơ của Như Thường; “Hẹn ước” và, “Lệ hoa”, phổ thơ của Phan Xuân Hiệp; “Đã một lần” tức “Cổ tích tôi” phổ thơ của Định Nguyên”; “Buổi sáng” phổ thơ của Long Ân; hay “Nhớ”, phổ thơ của Sương Mai; và “Một lá thư” phổ thơ của Phạm Kim Khôi, v.v…

(Như tôi biết, nhà thơ Sương Mai - về từ San Francisco , và nhà thơ Phạm Kim Khôi, hiện có mặt trong hội trường này).

Hãnh diện với một loạt sáng tác của họ Phạm, tôi tự tin hỏi một vài nhạc sĩ lão thành về cõi-giới âm nhạc mang tên Phạm Gia Cổn, thì, những nhạc sĩ ấy, đã có cùng một nhận định giống nhau, đó là:

- Thứ nhất: Hầu hết các ca khúc của bạn tôi, đều có nhiều tố chất Blue hoặc Jazz - - Hai nét đặc thù của âm nhạc Mỹ -

- Thứ nhì: Đặc biệt hơn nữa, những ca khúc tôi vừa kể đều đi ra từ thơ, nên hồn tính Việt Nam cũng là điểm son lớn của ca khúc mang tên Phạm Gia Cổn vậy.

Nói cách khác, thì cõi nhạc Phạm Gia Cổn là một gặp gỡ, hài hòa của hồn nhạc Mỹ, qua giai điệu và, hồn tính Việt Nam qua ca từ.

Một trong những nhạc sĩ tôi đã hỏi, còn nhắc nhở tôi rằng:

“Đừng quên, không phải nhạc sĩ nào của chúng ta, cũng có được cùng một lúc,  2 ưu điểm đặc biệt đó.” 

.

Nhưng  thưa quý vị và các bạn,

Bạn tôi, Phạm Gia Cổn không chỉ giới hạn tài năng mình trong lãnh vực âm nhạc. Ông còn lấn qua cả lãnh vực thơ / văn, mà hai nhân chứng sống hiện có mặt ở đây, giữa quý vị là, nhà báo Nguyễn Chí Khả, bút hiệu Vương Hồng Anh, và nhà báo Ngọc Hoài Phương.

Kính thưa quý vị và các bạn, tôi xin được lập lại rằng, với một tài năng đặc biệt, thành tựu ở rất nhiều lãnh vực, những tưởng đối chọi nhau, như tài năng Phạm Gia Cổn, tôi trộm nghĩ, tôi cần phải có nhiều, rất nhiều giờ, họa may (tôi lập lại) họa may, mới có thể thấu đáo những thành tựu mà, bạn tôi đã một đời, cống hiến  cho tập thể.

.

Nhưng, bây giờ, ngay lúc này, đứng trước một cử tọa chọn lọc như quý vị và, các bạn, tôi bỗng thấy, chỉ cần nhắc tới ba chữ “Phạm Gia Cổn” không thôi, cũng đã đủ mà, không cần phải thêm một lời nào khác nữa.

Tôi muốn nói, ngay những gì tôi mới gửi tới quý vị, có thể cũng không thực sự cần thiết!!! 

Trân trọng cảm ơn và kính chào quý vị cùng, các bạn.

Du Tử Lê,

(Calif. April 2016)