Chính quyền Việt Nam bắt liên tiếp 4 nhà hoạt động

01 Tháng Tám 20177:22 CH(Xem: 9332)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG - THỨ  TƯ  02  AUGUST  2017


Chính quyền Việt Nam bắt liên tiếp 4 nhà hoạt động


image019

Chính quyền VN ngày 30/7 thông báo bắt ông Phạm Văn Trội và 3 nhà hoạt động khác.


Chính quyền Việt Nam vừa bắt liên tiếp 4 nhà hoạt động trong một thời gian ngắn với cáo buộc họ “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".


Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an đăng tin hôm 30/7 nói bộ bắt tạm giam các ông Phạm Văn Trội, 45 tuổi; Nguyễn Trung Tôn, 45 tuổi; Trương Minh Đức, 57 tuổi; và Nguyễn Bắc Truyển, 49 tuổi, căn cứ vào Điều 79 Bộ luật Hình sự.


Bộ Công an nói 4 người kể trên bị khởi tố và bắt tạm giam vì có vai trò trong vụ án mà bộ gọi là “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo lời bộ, vụ này “xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương khác”.


Thông tin của bộ nói có tổng cộng 6 bị can trong vụ án. Ngoài 4 người mới bị bắt, nhà chức trách Việt Nam đã bắt hai người khác hồi cuối năm 2015, là ông Nguyễn Văn Đài, 48 tuổi; và bà Lê Thu Hà, 35 tuổi.


Khi đó, ông Đài và bà Hà bị khởi tố với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, căn cứ vào Điều 88 Bộ luật Hình sự.


Sau thông báo hôm 30/7 của Bộ Công an, một luật sư nói rằng có thể là ông Đài, bà Hà đã bị chuyển sang tội danh trong Điều 79.


Bộ Công an bắt chồng tôi theo Điều 79 là hoàn toàn sai trái pháp luật Việt Nam, bởi vì anh Trội không làm điều gì âm mưu hay lật đổ chính quyền gì cả, anh ấy chỉ nói lên tiếng nói của người dân


Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ ông Trội


Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ ông Trội, cho VOA biết thêm về một trong 4 vụ bắt giữ mới diễn ra.


Theo lời bà Trang, “khoảng 30 nhân viên công an của bộ” đã đến nơi ở của ông bà ở Hà Nội hồi 10h30 sáng ngày 30/7, đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám nhà:


“Anh Trội lúc đấy khá bình tĩnh. Anh ấy phản đối hành động của Bộ Công an bắt anh ấy theo Điều 79. Đối với tôi, Bộ Công an bắt chồng tôi theo Điều 79 là hoàn toàn sai trái pháp luật Việt Nam, bởi vì anh Trội không làm điều gì âm mưu hay lật đổ chính quyền gì cả, anh ấy chỉ nói lên tiếng nói của người dân, với khát vọng về quyền tự do và nhân quyền cho đất nước Việt Nam”.


Điều 79 quy định rằng “người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả ngiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.


Khác với ông Trội, có tin ông Nguyễn Bắc Truyển đã bị đưa đi mất “như bị bắt cóc” ở thành phố Hồ Chí Minh.


Trong một video truyền trực tiếp trên mạng xã hội hồi chiều tối ngày 30/7, giờ Việt Nam, bà Bùi Thị Phượng, vợ ông Truyển, nói bà tin rằng công an đã bắt ông đi khi ông đợi bà ở bên ngoài nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở quận 3.


Bà Phượng nói tại thời điểm video được truyền đi rằng bà vẫn chưa biết tung tích của ông ở đâu và lo lắng về tình trạng sức khỏe của ông.


Vợ của nhà hoạt động Trội - bà Trang - cho biết bà sẽ sớm làm việc với luật sư để bảo vệ pháp lý cho ông và đề nghị nhà chức trách cho bà thăm ông.


Tôi rất là mong cộng đồng mạng, thế giới luôn luôn quan tâm, ủng hộ, đồng hành với những người như anh Trội chồng tôi


Bà Trang, vợ ông Trội


Bà Trang và bà Phượng cũng mong cộng đồng trong nước và quốc tế lên tiếng ủng hộ, đòi trả tự do cho các nhà hoạt động bị bắt. Bà Trang nói:


“Tôi rất là mong cộng đồng mạng, thế giới luôn luôn quan tâm, ủng hộ, đồng hành với những người như anh Trội chồng tôi”.


Tin tức về vụ chính quyền Việt Nam bắt liên tiếp 4 nhà hoạt động gây rúng động những người vận động cho tiến bộ xã hội trong nước, nhưng dường như họ không sợ hãi.


Có những người bình luận rằng chính quyền “đang gia tăng đàn áp, bắt bớ những người chính kiến” và gọi ngày 30/7 là một “ngày buồn”.

Tuy nhiên, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh viết trên trang Facebook cá nhân bằng chữ in hoa khổ to rằng “Đừng buồn vì bạn bè bị bắt. Đấu tranh là chấp nhận tù đày. Hãy buồn vì sao chúng ta chưa bị bắt”. Ý kiến của ông Chênh đã nhận được sự đồng tình của nhiều bạn bè.


Một người khác, bà Huỳnh Thục Vi tỏ thái độ bình thản với dòng trạng thái trên mạng xã hội có đoạn “Chắc các nhà hoạt động của chúng ta phải dặn dò và chuẩn bị tinh thần cho người thân hết đi là vừa”. (theo VOA30/07/2017)


Chính quyền Việt Nam bắt bốn nhà ly khai


image018Ảnh Minh họa : ông Nguyễn Bắc Truyển, từng bị bắt năm 2010. Ảnh chụp lúc rời tòa án TP Hồ Chí Minh, ngày 10/05/2010.Reuters /Kham


Hôm qua 30/07/2017, chính quyền Việt Nam lại bắt giữ thêm bốn nhà tranh đấu. Các nhà ly khai bị khởi tố với tội danh hoạt động nhằm « lật đổ chính quyền nhân dân ».


Trả lời AFP, vợ của các nhà tranh đấu bị bắt cho biết, tất cả các vụ bắt giữ diễn ra tại nhà riêng ngày Chủ nhật, hôm qua. Bốn nhà tranh đấu, mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn, nhà báo tự do Trương Minh Đức, kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển đều là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức dân sự độc lập, được thành lập đầu năm 2013.


Theo trang mạng của bộ Công An Việt Nam, bốn người bị bắt theo điều 79 bộ Luật Hình Sự. Bốn nhà ly khai nói trên từng bị phạt tù nhiều năm vì các tội danh chống Nhà nước, tuy nhiên, với tội danh mới nói trên, họ có nguy cơ nhận những án phạt nặng nề hơn nhiều.


Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ kỹ sư Nguyễn Văn Trội, khẳng định mục tiêu hoạt động của chồng bà là đấu tranh chống lại các bất công xã hội tại Việt Nam, và việc Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, hoàn toàn không liên quan đến chuyện lật đổ chính quyền. Theo các nhà quan sát, Việt Nam có nhiều tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, tuy nhiên Hà Nội « hết sức nhạy cảm » trước bất cứ chỉ trích nào nhắm vào thái độ của chính quyền đối với Trung Quốc trong vấn đề này.


Báo mạng Tiếng Dân, một tờ báo độc lập mới ra mắt tại Việt Nam, dẫn lại quan điểm của Hội Anh Em Dân Chủ, « lên án và phản đối » các vụ bắt giữ. Hội Anh Em Dân Chủ cho rằng hành động này « đi ngược lại Hiến pháp » của Việt Nam, « chà đạp các Quy tắc phổ quát về Quyền Con Người được Hiến chương Liên Hiệp Quốc xác định, phản bội lại những cam kết mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết với quốc tế ».


Ông John Sifton, thành viên tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, nói năm 2017 là « một năm tệ hại » đối với nhân quyền tại Việt Nam, với nhiều vụ « tay chân của chính quyền » đánh đập các nhà ly khai, nhiều án tù nặng nề hơn đối với các nhà tranh đấu. Ông kêu gọi « các đồng minh và các nhà tài trợ cho Việt Nam, nhất là Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản lên tiếng ». (theo Trọng Thành RFI 31-07-2017)
20 Tháng Mười Một 2018(Xem: 10198)
15 Tháng Mười Một 2018(Xem: 10171)