"Nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương" ở nam California

12 Tháng Mười 20179:16 CH(Xem: 13200)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG - THỨ  SÁU 13  OCT  2017


"Nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương" ở nam California


VĂN HÓA


10/10/2017


image069


Lý Kiến Trúc


Phần 1 & 2:


image070Báo Văn Hóa phỏng vấn Hội đồng quản trị chùa Bửu Sơn Kỳ Hương tại thành phố Garden Grove nam California ngày 10/10/2017. Ảnh từ trái: Đạo trưởng Phi Bửu, Phó ban Quản tự Nhứt Kim, Trưởng ban Quản tự Tâm Trí;cả ba vị đều mặc áo bà ba đen.


Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương là một ngôi chùa hầu như ít được biết đến trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại ở Quận Cam nam California, nhưng đó là một ngôi chùa đầu tiên khai mở đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở Mỹ do ba vị Phi Bửu Tâm Trí và Nhứt Kim khai sáng. 


Ngôi chùa mang tên Bửu Sơn Kỳ Hương tôn thờ chân dung Đức Phật Thầy Tây An, lấy lá cờ điều làm biểu tượng, vật thể chính trên ban thờ là nhang đèn, nước trong, bông hoa và trái quả, đặc biệt, các đệ tử môn đệ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đều mặc áo bà ba đen.


Có thể những quí vị trong hội đồng quản trị chùa ít xuất hiện trong các sinh hoạt cộng đồng hoặc có thể họ không muốn xuất hiện nhiều và các đệ tử môn đệ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cư trú rải rác khá khép kín.


Thực ra, ngôi chùa đơn sơ lại có vẻ khép kín đã được thành lập và sinh hoạt đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã được 5 năm qua. Các đệ tử sinh hoạt trong chùa đã nói với bổn báo Văn Hóa như vậy.  


Vào ngày 12 tháng 8 âm lịch vừa qua, bổn báo Văn Hóa có dịp được mời đến tham dự buổi Đại lễ kỷ niệm lần thứ 161 năm Đức Phật Thầy Tây An viên tịch. Theo truyền thuyến và sử dân gian, Đức Phật Thầy Tây An là một đạo sĩ dị thường xuất hiện ở vùng 7 núi (Thất Sơn) Châu Đốc vào đầu thế kỷ 19.


Vị đạo sĩ này lấy tài năng dược thảo làm thuốc chữa bệnh cho dân gian và nhân đó quảng bá giáo lý Tứ Ân thâm nhập vào đời sống hàng ngày của đồng bào miền Tây Nam Bộ, chính vì vậy mà tên tuổi vị đạo sĩ càng ngày càng được dân chúng mến mộ lẫy lừng, đến nỗi quan Tổng đốc Triều đình phải mời vào dinh trấn tham vấn và đề nghị ngài nên về khai phá một vùng đất hoang dã gọi là trại ruộng Phước Điền để khai khẩn, một kiểu “doanh điền" mở rộng đất đai cho dân chúng sanh cư lạc nghiệp thay vì để ngài tự do đi hoằng pháp khắp nơi.


Hình thức phép tắc của triều đình thời đó đối với vị đạo sĩ nổi danh nói theo ngôn từ hiện nay gọi là đi vùng kinh tế mới để "quản chế".


Cũng theo truyền thuyết và sử dân gian, Ngài chính là người khai sáng ra nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương khoảng năm 1849, viên tịch năm 1856 tại chân núi Sam Châu Đốc. Cuộc đời hành đạo của ngài trải qua bốn hoàng triều: Vua Gia Long (lên ngôi năm 1802 - 1820), Vua Minh Mạng (1820-1841), Vua Thiệu Trị (1841-1847) và Vua Tự Đức (1847-1883); không gian hành đạo của ngài là vùng đất mênh mông dưới hai thời cai quản của Tổng Đốc Trương Minh Giảng và Tổng Đốc Doãn Uẩn.


Trong suốt thời gian hành đạo gieo truyền giáo lý Tứ Ân, sau khi ngài viên tịch, dân chúng miền Tây Nam Bộ xưng tụng ngài là Đức Phật Thầy Tây An.


Thật ra, không những lai lịch, nguồn gốc ra đời và danh xưng Đức Phật Thầy Tây An khai sáng ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn còn là một công án cho các nhà khảo cứu sử học nghiên cứu. Lịch sử ra đời am cốc Tây An, chùa Tây An núi Sam và Tây An cổ tự Chợ Mới Long Xuyên vẫn còn nhiều điều huyền bí. Theo một số tài liệu trong nước phổ biến ở Châu Đốc, hiện nay số dân chúng theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương còn khoảng vài chục ngàn người.


Hầu như rất hiếm hoi còn lại các vị lão đạo sĩ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Bẩy núi hay ở thị xã Châu Đốc rành rọt lai lịch và nguồi gốc Đức Phật Thầy Tây An.


Ngài viên tịch trong hoàn cảnh nào và những môn đồ đệ tử nào đã chôn cất linh thể Đức Thầy ở phía sau chùa Tây An "hoành tráng"? Theo một vài vị lão trượng cho biết lúc sanh tiền ngài có 12 đệ tử chơn truyền. Khi chôn cất Ngài ngôi mộ không đắp cao, không bia đá, đó là vào thời cai trị của Tổng Đốc Trương Minh Giảng hay Tổng Đốc Doãn Uẩn.


Vì sao vậy? Đó là một bí ẩn lịch sử.


image071

Đức Phật Thầy Tây An 1(5/10 âm lịch,1807 - 12/8 âm lịch,1856). Ngài giáng sanh và hành đạo trải qua bốn đời Vua Gia Long (lên ngôi năm 1802 - 1820), Vua Minh Mạng (1820-1841), Vua Thiệu Trị (1841-1847) và Vua Tự Đức (1847-1883).


Không biết một cách chắc chắn, lúc ngài viên tịch có bị áp lực bởi phép luật triều đình hay do các môn đồ vì muốn che dấu tông tích long huyệt Đức Thầy khỏi bị hủy hoại?


Chỉ biết một sự kiện lịch sử ngôi chùa "hoành tráng" dưới chân núi Sam gần 200 năm nay lấy tên là chùa Tây An hiện do các nhà sư tông phái Lâm Tế ở Huế được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm xuống Châu Đốc quản trị. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Tổng đốc Doãn Uẩn;


Tuy nhiên, hiện nay ở Chợ Mới Long Xuyên vẫn còn ngôi Tây An Cổ Tự là chốn tổ nơi Đức Thầy hành đạo Tứ Ân, và một ngôi chùa tổ nữa ờ Phước Điền, giáo lý Tứ Ân ăn sâu vào đời sống tâm linh người dân Nam Bộ, sau dân chúng gọi là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương được coi như một tông phái đạo Việt Phật.


image072

Bộ sách Nôm cổ duy nhất viết "Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An" do cụ Nguyễn Văn Hầu biên khảo.


Phần 2:


Sơ khảo về miền đất trời cho"Dân đi trước hay chánh quyền đi trước"?


Outey II (1739 - 1777), là vua Chân Lạp, hiệu là Outey Reachea II hoặc Udayaraja II. Tên húy là Ang Ton (Nak Ong Ton). Tiếng Việt gọi là Nặc Tôn, Nặc Ông Tôn, chữ Hán 匿螉尊.


Ang Ton là con của hoàng tử Ang Sor (1707-1753). Ang Sor lại là con của vua Ang Tong (mất năm 1757) và công chúa Peou, con gái của vua Ang Em.


Năm 1757 Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận làm giám quốc. Nặc Nhuận (Neac Ang Nhuan) xin hiến đất Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) để cầu được chúa Võ Vương phong làm vua Chân Lạp. Song không lâu, Nhuận bị rể là Nặc Hinh nổi loạn giết chết cướp ngôi.


Con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy qua Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ che chở và cầu cứu với chúa Nguyễn. Nhận lời, Chúa Vũ sai thống suất Trương Phúc Du tiến đánh, Nặc Hinh chạy đến Tầm Phong Xoài rồi bị phiên liêu là Ốc nha Uông giết chết.


Nặc Tôn dâng đất Tầm-phong-long để tạ ơn chúa Nguyễn. Chúa bèn sai ông Trương phúc Du và Nguyễn Cư Trinh đem dinh Long-hồ về xứ Tầm-bào, tức là chỗ tỉnh-lỵ tỉnh Vĩnh-long bây giờ, và lại đặt ra ba đạo là Đông-khẩu đạo ở Sa-đéc, Tân-châu đạo ở Tiền-giang (nay thuộc Chợ Mới, An Giang) và Châu đốc đạo ở Hậu-giang.


Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn thì đất An Giang (Khmer: ខេត្តមាត់ជ្រូក[6] xưa là đất Tầm Phong Long nước Chân Lạp (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu).


Năm 1807: Sáu năm sau khi vua Gia Long lên ngôi, vua Chân Lạp là Ang Chan II (Nak Ong Chan, Nặc Chăn) xin thần phục triều đình Huế thay vì thần phục Xiêm triều(tức Thái Lan) như trước kia.


Năm 1834: Vua Minh Mạng đặt tên địa danh các trấn phái nam là Nam Kỳ Lục Tỉnh.


Ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 1856: Đức Thầy Đoàn Minh Hương viên tịch. Sự tôn sùng Giáo lý Tứ Ân và nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trong lòng người dân Nam bộ sâu xa đến nỗi dân chúng miền tây Nam bộ tôn vinh ngài là Đức Phật Thầy Tây An.


Theo Lê Quý Đôn Phủ biên tạp lục, tháng 12 năm 1774, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân, đặt quan cai trị Thuận Hoá. Nguyễn Phúc Thuần tức chúa Định Vương đời thứ 9 đàng trong mang các tông tộc vượt biển, qua địa bàn kiểm soát của Tây Sơn để chạy vào Nam Bộ.


Mùng 3 Tết Ất Mùi (1775), quân Trịnh chiếm thành Phú Xuân và tức tốc phái toán lính tiếp tục truy kích về hướng nam. Định vương nhanh chân vuột thoát, bỏ mẹ và thân quyến lại. Theo sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn khẳng định: “Ngày 15 tháng 4 [Ất Mùi], [quân Trịnh] bắt được mẹ và vợ Phúc Thuần cùng đồ đảng và binh khí rất nhiều.


Sau Định Vương bị quân Tây Sơn giết chết năm mới 23 tuổi


Sử liệu này có thể giải đáp câu hỏi: "Dân đi trước hay chánh quyền đi trước" về miền đất tận cùng ở miền nam. Trong cuộc tháo chạy trước đại quân nhà Trịnh, chúa Định Vương và tùy tùng đã chạy về vùng đất cực Nam, quan quân của chúa Định Vương sau khi Chúa chết có lẽ là những người dân đầu tiên khai khẩn hoang hóa vùng đất trời cho này.    


Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và giáo lý Tứ Ân là Việt Phật


Vì sao các vị trong Hội đồng Quản trị chùa Bửu Sơn Kỳ Hương ở Mỹ tự xem nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và giáo lý Tứ Ân là Việt Phật có nghĩa là đạo Phật của người Việt Nam, chính xác hơn là của người dân miền Tây Nam Bộ?


Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi xin nhắc lại cuộc nói chuyện với Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm về nền văn hóa khu vực Đồng Nai - Cửu Long (chúng tôi gọi là miền đất trời cho).


Đề cập tới "miền đất trời cho", Giáo sư Liêm đã đưa ra thuyết "Dân đi trước, chánh quyền đi sau". Phải chăng đó là đường lối chánh trị của các Chúa Nguyễn đàng trong trên bước đường bành trướng về phương Nam? Chúng tôi đưa ra câu hỏi: Dân Việt "Nam tiến" đây là dân nào?


Khi đưa vấn đề "dân" nào có nghĩa là nguồn gốc của tập thể những người dân đó trước đây họ và gia tộc họ định cư ở đâu, ngôn ngử địa phương và nếp sống phong tục của họ chịu ảnh hưởng từ truyền thống văn hóa nào, đặc biệt là thanh âm, lời nói, ngay cả cách ăn mặc v,v...  vì sao mà những người dân này biến dạng hoàn toàn, đến nỗi từ bấy lâu nay khi nhìn thấy họ biết ngay là "người Nam bộ"?


Dân Sàigon trước đây ưa nói câu: "tui là phó thường dân Nam bộ".


Có phải do thổ ngơi, lúa gạo, sông nước, cây cối, hoa quả, không gian sinh tồn của miền đất trời cho đã biến cải những di dân riết từ thế hệ này qua thế hệ khác biến thành "người Nam Bộ".     


Sở dĩ có được miền đất trời cho, theo Gs Nguyễn Thanh Liêm cho biết trước hết là do công to lớn của ngài Khâm sai Gia định thanh Tổng trấn Chưởng Tả Quân Quận Công Lê Văn Duyệt (1764 – 1832). Dưới con mắt nhìn xa trông rộng của Thượng công Lê Văn Duyệt, nhứt là thời gian ngài đi theo bóng cờ của Đại tướng quân Nguyễn Ánh, ngài đã nhìn thấy miền đất mới trù phú, hiền lành là tương lai lâu dài của người dân nước Việt.


Trong lần hội kiến với Thượng Công Lê Văn Duyệt tại Gia Định thành, Cụ Phan Thanh Giản thố lộ:


“Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt".


Rất nhiều trận đánh đẫm máu tiêu diệt sinh lức lẫn nhau giữa quân nhà Tây Sơn với quan quân Nguyễn Ánh, nhưng không khi nào Nguyễn Ánh xa rời miền đất trời cho. Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào nói về nguồn gốc hai đoàn quân của Tây Sơn và Nguyễn Ánh mộ lính từ vùng đất nào mà có đến hàng vạn quân sĩ.


Có giai thoại nói rằng quân Tây Sơn là đoàn quân lông đỏ. Thế còn quân Nguyễn Ánh ăn nói giọng gì?


Cho nên câu hỏi của nhà báo đưa ra "Dân đi trước hay chánh quyền đi trước" ở miển Tây Nam Bộ thiết nghĩ không phải là thừa. Tất nhiên, vấn đề này thuộc phạm vi nhân văn chánh trị, nó nằm ngoài nội dung bài viết nhỏ này.


Tuy nhiên, đặc tính trong máu của giòng giống Lạc Việt dù có di dân - di cư đến sinh sống ở miền đất xa lạ nào, cũng mang theo ngưồn cội tâm linh, truyền thống văn hóa tôn giáo, niềm tin siêu nhiên bàng bạc nơi các bậc Tổ Tiên Thánh Thần, lần hồi niềm tin biến cải dần theo phong tục thổ ngơi mới sao cho cuộc sống hội nhập với không gian địa lý sinh tồn.


Chính vì để thích nghi với vùng đất mới, vùng đất theo lời Cụ Hồ Biểu Chánh và Cụ Nguyễn Văn Hầu gọi nơi đó có 7 ngọn núi địa linh nhân kiệt là Thất Sơn huyền bí hay là Thất Sơn mầu nhiệm.


Tạo hóa mầu nhiệm "Hương thơm núi báu còn phong kín" (2) đã ban bố cho người dân sinh sống giữa sông nước bao la ruộng đồng bát ngát một đạo sĩ huyền bí, đó là đức Phật Thầy Tây An. Ngài lấy giáo lý Tứ Ân: thứ nhứt Ân tổ tiên cha mẹ, thứ hai Ân đất nước, thứ ba Ân Tam bảo và thứ tư Ân đồng bào nhân loại dạy dỗ, dẫn dắt người dân ở miền đất trời cho đâm chồi nảy lộc đời đời.


Nhà văn Sơn Nam từng vinh danh: Có thể nói Phật Thầy Tây An là người thứ nhất báo hiệu và đánh thức người đời rằng thời kỳ Hạ ngươn sắp mãn để bước sang thời Thượng ngươn, tức là thời kỳ Đức Di-lặc hạ sanh lập nên hội Long Hoa.


Phỏng vấn ba vị Phi Bửu, Tâm Trí và Nhứt Kim về sự phát triển đạo BSKH ở Mỹ


image068


Nói về ý nghĩa của buổi Đại lễ tại chùa Bửu Sơn Kỳ Hương ở Garden Grove, nam California, Kỷ niệm Đức Phật Thầy Tây An viên tịch, đạo sĩ Phi Bửu, một người dân Nam bộ sanh trưởng ở Châu Đốc, thời trẻ từng tu học ở chùa tổ Phước Điền, hiện là đạo trưởng chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, ông nói:  


"Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tất cả do Đức Phật Thầy Tây An xiển pháp ra, 12 tháng 8 là ngày Thầy viên tịch, Thấy là người sáng lập ra Bửu Sơn Kỳ Hương, nhờ có Thầy nên Phi Bửu cũng xin cám ơn tất cả các người đã giữ đạo Thầy tới ngày hôm nay. Nếu Thầy hoằng khai đại đạo ta bà giáo chủ Bửu Sơn Kỳ Hương Tứ Ân hiếu nghĩa mà không có các vị ở bên quê nhà mà giữ đạo thì không có ngày hôm nay.


"Trước hết Phi Bửu xin chào tất cả các vị lãnh đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở quê nhà và năm châu thế giới, ngày 12 tháng 8 là ngày Thầy viên tịch, dù bất cứ nơi nào cũng nhớ Thầy đắc quả, vì Thầy là người ở đất Việt nên có câu: "Nam bang hữu phước hữu duyên, cho nên đạo sĩ xuống lên nhiều lần", mà Bửu Sơn là đạo Thầy khai, đạo gốc, sanh chúng là bốn điều đại trọng ân, mà sanh làm người không ai không thể bỏ bốn đại trọng ân.


"Phi Bửu được qua bên đây để mở rộng Bửu Sơn, và mở đạo Huê Kỳ, đó là truyền đạo Tứ Ân, mà Tứ Ân là do Bửu Sơn Kỳ Hương sáng lập. Phi Bửu ra đi quyết giữ danh thơm trở về không thể nào làm ô uế đạo Bửu Sơn của Thầy. A Di Đà Phật".


Nói về sự thành lập cơ sở của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đầu tiên ở Mỹ hiện nay, Trưởng ban Quản tự Tâm Trí nói:


"Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật; Bửu Sơn Kỳ Hương tự ở đây đã thành lập được hơn năm năm rồi, và tất cả huynh đệ đến đây ai ai cũng chung một bàn tay góp sức trên con đường đạo Phật. Hơn năm năm nay, thầy Phi Bửu đã dạy cho các đệ tử chung cái bước đường Tu nhân học Phật, bước đường này còn tiến mãi.


"Chúng tôi có những chương trình mà thầy đã vạch ra, trong những ngày tháng sắp tới chúng đệ tử sẽ cố gắng thi hành và làm những điều hữu ích cho đời và đạo, cố gắng phát triển không ngừng về đạo pháp. A Di Đà Phật.


Trả lời về sự phát triển của chùa Bửu Sơn Kỳ Hương trong tương lại, đạo hữu Tâm Trí nói:


"Thứ nhứt là trên bước đường phát triển về tâm linh, thứ hai là chùa đương có chương trình hoặch định có thể là tìm một cơ sở nào đó để phát huy Bửu Sơn Kỳ Hươgn cho lớn rộng ra."


Đạo hữu Tâm Trí có nhiều dịp về thăm quê hương đất tổ ở Châu Đốc và Cần Thơ, nhân dịp này ông nói thêm là hiện nay ở huyện Ô Môn, xã Thới Long, Cần Thơ nơi đó mới vừa có một cơ sở phát triển về Bửu Sơn Kỳ Hương.


Nhân vật thứ ba của chùa Bửu Sơn Kỳ Hương tại thành phố Garden Grove nam California là cô Nhứt Kim, cô hiện nay đang giữ trọng trách Phó ban Quản tự chùa. Được biết, dưới bàn thay khéo léo cộng với sự hy sinh thì giờ và tài chánh, cô Nhứt Kim là người lo toan hầu hết các sinh hoạt của Bửu Sơn Kỳ Hương tự.


Trả lời cuộc phỏng vấn của báo Văn Hóa về ý nghĩa ngày đại lễ vừa qua, riêng cá nhân cô mang ý nghĩa như thế nào? Cô Nhứt Kim cho biết:


"Dạ thưa nhà báo, ý nghĩa của ngày Đại lễ Đức Phật Thầy Tây An viên tịch chúng tôi làm buổi lễ này để cho mọi người biết ngày 12 tháng 8 năm Đinh Dậu là ngày Đức Phật Thầy Tây An viên tịch, đó là một ý nghĩa rất lớn lao đối với tất cả bạn đồng đạo và Phật tử, mọi người đều phải nhớ ngày đó để mà tới cung kính Thầy. A Di Đà Phật.


"Cô Nhứt Kim cho biết ngày xưa cô đã theo Phật giáo, mà Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng dạy theo ý nghĩa Ánh đạo vàng Phật Thích Ca 30 năm, nhưng sau này tôi đã vô chùa này quy y với Đức Phật Thầy trên 5 năm rồi.


Câu hỏi trong kế hoặch phát triển nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại Mỹ, đây có thể nói là cơ sở đầu tiên, cô Nhứt Kim với vai trò là Phó ban Quản tự cô có kế hoặch gì không?


Cô Nhứt Kim nói: "Bây giờ chúng tôi cũng có kế hoặch phát triển Bửu Sơn Kỳ Hương, hy vọng trong tương lai Bửu Sơn Kỳ Hương càng ngày càng phát triển, và đó cũng là điều mong ước của chúng tôi"./


Thực hiện tại nam California ngày 10/10/2017


(1) Trịnh Hoài Đức viết vào đời Vua Minh Mạng, khi đó đơn vị “trấn” chưa đổi thành “tỉnh”, An Giang bấy giờ còn gọi là trấn Vĩnh Thanh có 19 ngọn núi lớn nhỏ san sát.


(2) "Hương thơm núi báu còn phong kín", bài viết cùng tác giả trên Văn Hóa Online.