Câu chuyện gởi nhà văn Dương Thu Hương và Bảo Ninh

27 Tháng Hai 20186:42 CH(Xem: 10698)

VĂN HÓA ONLINE - TỪ LITTLE - THỨ  TƯ 28  FEB  2018


image038


Fr: hanhlamle.le


Nguyên tác:


Đôi mắt người bị xử bắn trong rặng Bình Bát


  Nguyễn bửu thoại


1.


Đến Kinh Cai Tổng Cang, một con kinh cắt ngang Rạch Bà Đầm-Thát Lát, Tiểu Đoàn chia làm hai cánh. Cánh A: Tiểu Đoàn trừ (-), trách nhiệm bờ Nam. Cánh B: Đại Đội I, bờ Bắc. Hai cánh quân song song lục soát về hướng quận lỵ Thuận Nhơn, một quận lỵ đang bị áp lực rất nặng của Cộng quân khiến trục giao thông đường thủy từ quận lỵ ra Cần Thơ gần như bị cắt đứt hoàn toàn từ ba hôm trước.


Xuất phát lúc 7:00 giờ sáng từ gần Kinh Ranh Hạt và Kinh số 7, với khoảng cách trên dưới năm cây số, Tiểu Đoàn di chuyển nhanh và không gây tiếng động.


 Đúng 11:00 giờ sáng, Đại Đội 1 của tôi vượt qua con rạch Bà Đầm-Thát Lát, một con rạch mỗi lần đọc đến tên tôi lại liên tưởng đến Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 42 BĐQ đã hy sinh tại đây gần hai năm về trước. Bình bátt, một loại cây thuộc họ mãng cầu, "lựu lê, bình bát, mãng cầu", có trái bằng nắm tay khi chín vàng rực, thơm lừng nhưng ăn chẳng ra gì cả. Tuy cùng họ nhưng mãng cầu mọc trên bờ còn bình bát mọc dưới nước. Bình bát thuộc họ trầm thủy, nên rễ đâm thành cây con, cây con nhô lên thành cây lớn... cứ thế bình bát nhảy bạt ngàn dày đặc hơn cả rừng nhiệt đới bên... Mã Lai. Một địa hình kỳ lạ, tôi chưa thấy qua.


 Cho Đại Đội dừng quân và bố trí, tôi đứng quan sát chung quanh... Nhất thời, tôi chưa hình dung được cách dàn quân như thế nào nếu ngay bây giờ địch khai hỏa? Đất gần như hoang địa, có thể trước đây có người ở, nhưng bỏ phế đã lâu, những bờ và mương đã "lạn" hết! Bình bát mọc thành rừng, không gò cao, không trũng sâu, nhưng địa thế cũng không bằng phẳng và nhất là không thể đào hố cá nhân được vì dưới chân chẳng hề có đất mà chỉ có rễ và cây bình bát nằm ngổn ngang sấp lớp! Suy nghĩ một lúc tôi tìm ra... chân lý: mình vô kế khả thi thì thằng địch cũng thế, chẳng lẽ ở đây nó biến thành chuột biết đào hang?


 Quyết định thật nhanh, tôi mời ba ông Trung Đội Trưởng đến và phân công: Thiếu úy Đại, Trung Đội Trưởng Trung Đội 1 kiêm Đại Đội Phó, bên trái, Chuẩn úy Liêm, Trung Đội Trưởng Trung Đội 3, bên phải, hai trung đội bắt tay nhau, đội hình hàng ngang. Liêm phải rải em út sát bờ sông, phải nhớ kiểm soát được bờ sông và đừng quên bên kia bờ Nam là Tiểu Đoàn, là bạn! Chuẩn úy Cần, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 làm cái râu cạnh sườn trái. Lưu ý nếu chạm địch, Cần giữ cạnh sườn, hướng tác xạ bên trái. Ba anh em bắt tay thật chặt chẽ, di chuyển chậm, giữ khoảng cách hợp lý, quan sát phải thấy nhau. Tôi lặp lại cho anh em là phải thấy nhau vì với địa hình này cách xa hơn hai thước là không ai thấy ai nữa. Do đó khi chạm địch, đội hình hàng ngang không còn, có khi anh em phía sau bắn bừa lên đồng đội mình ở phía trước, ở bên hông.


 Ba ông sĩ quan Trung Đội Trưởng nhận lệnh và bắt đầu dàn quân tiến lên phía trước. Tôi quay qua Thượng Sĩ Bình, Thường Vụ Đại Đội, TSI Hiển Trung Đội Trưởng Trung Đội 4, dặn hai ông trách nhiệm mặt sau lưng không được lơ đãng vì địch có thể bọc hậu sát bên, mình vẫn không phát giác.


Đúng như dự đoán của tôi, địa hình thật quái dị: dưới chân đất không cứng hẳn, có đoạn phập phồng vì nước ngập lên khỏi lớp rễ khá cao. Có đoạn đất lại khô cứng trải dài. Những đoạn đường như vậy bình bát rất rậm, che khuất cả mặt trời buổi trưa, giống như hoàng hôn ở vùng rừng núi. Tầm nhìn hết sức hạn chế. Đại Đội đến chậm vì phải quan sát và giữ khoảng cách. Cây cối chằng chịt, ngoằn ngoèo rất khó đi; sơ ý vướng rễ cây là té sấp. Do đó anh em đi đầu luôn luôn phải hú hí nhau cho khỏi lạc.


 Bên kia bờ sông cũng có bình bát nhưng thưa thớt hơn nhiều. Tiểu Đoàn di chuyển dễ dàng và nhanh. Ông Tiểu Đoàn Trưởng cũng biết chúng tôi không sao đi kịp được nên Tiểu đoàn tiến lên một khoảng rồi dừng lại chờ, rồi lại tiến...!


 Hai giờ chiều, sau ba giờ di chuyển, đối chiếu lại với bản đồ, tôi biết chúng tôi vượt điểm xuất phát không hơn bốn cây số, quân, chúng tôi chưa khám phá được gì quan trọng ngoài mấy cái chòi nhỏ bỏ hoang.


Bắt đầu nản, tôi vừa có ý xin Tiểu Đoàn cho đơn vị dừng quân để anh em ăn cơm vắt. Chưa kịp gọi Tiểu Đoàn thì Binh I An, âm thoại viên mang máy nội bộ, bước lại đưa ống liên hợp cho tôi:


- Ông Trường Thành 3 xin gặp Mười Một.


Tôi bấm ống liên hợp:


- Trường Thành 3 có gì nói đi!


Tiếng Chuẩn Úy Liêm gấp gáp:


- Trình Mười Một! Trình Mười Một! Cỏ cái trạm xá của VC chứa nhiều thương binh... Mười Một cho biết... cho biết... biện pháp.


Chuẩn Úy Liêm là một sĩ quan trẻ độc thân, mấy tuần qua chứng tỏ anh cũng cố làm quen với chiến trường, rất gan dạ và dễ thương, có điều gặp chuyện gì cấp bách là Liêm hay... cà lăm!


 Tôi cắt ngang:


- Anh đã kiểm soát được trạm xá chưa?


- Dạ rồi, Mười Một!


- Bố trí em út cẩn thận. Tôi sẽ tới anh ngay


Gọi luôn các trung đội còn lại, tôi chỉ thị:


- Trường Thành 1 và 2 nghe rõ chưa? Các anh dừng lại bố trí tại chỗ chờ lệnh. Riêng Trường Thành 1 lưu ý yểm trợ thằng 3.


- Trường Thành 1 nghe rõ 5.


- Trường Thành 2 nghe rõ 5.


Tôi vỗ vai Lữ, âm thoại viên mang máy liên lạc Tiểu Đoàn, bảo:


- Anh thông báo cho Tiểu Đoàn biết; Đạt Đội phải dừng quân vì khám phá trên. Yêu cầu Tiểu Đoàn sẵn sàng yểm trợ.


2. 


Chưa đầy một phút sau tôi đã tới... trạm xá. Chuẩn Úy Liêm đón ở góc ngoài trạm và lưu ý tôi một số lựu đạn nội hóa chất chung quanh.


Quan sát một vòng, tôi lấy làm lạ khi thấy các chến sĩ Trung Đội 3 đứng dang ra khá xa vách trạm và ai nấy đều đưa tay bịt mũi. Mấy ông lính mình bữa nay lại làm duyên làm dáng gì nữa đây? Tôi bước nhanh tới và thật là khủng khiếp!!! Một mùi hôi thối nồng nặc bao trùm cả trạm xá! Mùi của tử thi? Nhưng, có lẽ cũng không giống như vậy vì mùi xác chết sình tụi tôi cũng "thưởng thức" khá quen mũi hôn Tết Mậu Thân khi phải nằm nhiều ngày cạnh xác chết VC trong mấy con hẻm của thành phố mà không làm sao có thì giờ tống khứ đi chỗ khác hoặc tìm ra đất để chôn. Phải dùng đến mền, mùng, chiếu, ni- lông, hay bất cứ thứ gì để đắp, đậy tạm cho đỡ khổ cái lỗ mũi rồi tiếp tục... chiến đấu. Nhưng cái này thì không phải! Tôi nhìn Chuẩn ủy Liêm. Liêm hiểu ý tôi, nhăn mũi lắc đầu:


- Không có tử thi nào cả. Mười Một nhìn vào trạm xá sẽ hiểu!


Tôi bước tới trạm và nhìn vào...


Tôi không tin rằng đây là một cái trạm xá!


Trạm xá, dù là dã chiến đi nữa, ít ra cũng phải có cái tiện nghi tối thiểu của nó, nghĩa là phải có giường kê lên cao, có tấm trải giường, (hay chiếu, cói), có mền để đắp, có mùng tránh muỗi, nhất là ở giữa rừng. Đàng này! Tôi không sao tưởng tượng và hình dung được!


Đây phải gọi là cái chòi thì đúng hơn, có khi còn thua cả cái chòi giữ vịt của nông dân miệt Cần Thơ, Sóc Trăng.


Trạm hình chữ nhật dài khoảng 8 mét, ngang 4 mét.


Trong trạm trống trơn, không một chiếc giương, một bộ ván nào cả. Nền nhà không ngập nước nhưng ẩm ướt vì mới dứt mùa mưa dầm, ánh nắng lại không soi rọi tới, đất chưa kịp khô... Mái trạm lợp bằng lá dừa nước, vách cũng lá dừa nước, bốn bề từ ngực trở lên để trống. Toàn khu nền nhà được rải một lớp rơm khá dầy. Đó là tất cả những "tiện nghi" của một trạm xá VC! Phía góc trong của căn trạm có bốn thương binh Việt Cộng đang nằm. Bốn anh giương mắt nhìn tôi, ánh mắt vừa tò mò vừa lo sợ. Cả bốn còn tỉnh, mặc dù thương tích có vẻ rất trầm trọng.


Tôi bước qua khung cửa để vào chỗ các anh đang nằm. Mùi hôi thối đúng là phát ra từ đây! Cả bốn anh mình mẩy đều bê bết máu tươi và khô, nước vàng, mủ nung núc. Vương vãi khắp nơi là những loại quần áo cũ, khăn rằn quấn cổ, bị xé ra làm băng, làm vải thấm thay cho compress, trộn lẫn tất cả các thứ xú uế kể trên, được ném khắp nền nhà. Vì cơ thể bốn anh liên tục phóng thích những chất kinh khủng đó suốt ngày nên quyến rũ hằng đàn, hằng đống ruồi, nhặng vo ve. Mùi hôi thối của những chất này còn khủng khiếp hơn cả thây ma. Ghê tởm hơn nữa, dưới nền nhà, những con giòi trắng bò lễn nghễn.


Tôi thật tình không thể tin rằng bốn anh tính của "Bác" có thể sinh tồn nhiều ngày trong điều kiện như vậy được.


Đang suy nghĩ, bỗng chiếc loa nhỏ gắn sau các máy PRC.25 phát ra. Tiếng gọi của ông Tiểu Đoàn Trưởng. Có lẽ ông muốn biết tình hình vì báo cáo ban nãy:


- Trường thành! Đây số Sáu gọi.


Tôi nhặt ống liên hợp gắn sau lưng Lữ và đáp ngay:


- Mười Một tôi nghe số Sáu!


- Anh đến chỗ trạm xá chưa và thấy thế nào?


- Đã đến hơn ba phút. Đang quan sát tìm hiểu, chưa tìm thấy gì cụ thể. Sẽ báo cho số Sáu sau.


- Cố khai thác nó xem: thằng nào, tên gì, đang đóng quân ở khu vực này? Bóp cổ nó tìm củi đuốc1 coi có được gì không? Nửa tháng nay, không có chấm mút gì ráo!


 Nói xong ông buông một tràng cười. Tính ông hay pha trò nhưng là con người rất nguyên tắc. Ông là một Tiểu Đoàn Trưởng giỏi nhưng cũng có nhiều tật lạ đời như là: quy y Phật, không bao giờ chửi thề, nhưng, khi giận, ông là vua nói tục! Có khi đang tụng kinh lâm râm vậy mà nghe bắt sống được VC thì bảo lính đem "cất" liền khỏi cần giải giao về Trung Đoàn hay Tiểu Khu cho mất công. Lính như thiên lôi, có lệnh là làm. Ở đơn vị hành quân, trong vùng địch, không dân cư, đối diện với những sinh tử bất chợt, luật lệ ở đây là họng súng. Đó là một hệ quả tất nhiên của sự rình rập ngày đêm giữa hai mãnh thú săn mồi. (Cái này dù có mười ông nhiếp ảnh viên Eddie Adams, người chụp bức hình nổi tiếng Tướng Nguyễn Ngọc Loan trong vụ xử bắn tên đặc công CS tại Sài Gòn trong Tết Mậu Thân, cũng không có điều kiện để bấm máy). Mỗi lần đem "cất" như vậy ông tâm sự với tôi: tụi nó là quỷ vương, giết cho sạch ma quỷ để Phật xuất thế! (Ông chỉ thị cho sĩ quan truyền tin ghi trong Đặc Lệnh Truyền Tin danh xưng của ông là số 6, Tiểu Đoàn Phó số 7, Đại Đội Trưởng Đại Đội I số 11, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 là 22... Ông còn nói thêm số 6 là Lục Tự Di Đà đó, ông biết không?)


 Tôi không có ý kiến về cách tu hành và pháp môn niệm Phật của ông, nhưng quả tình tôi với ông có những quan điểm rất dị biệt về cách đối xử với tù, hàng, thương binh của địch...


3.


Dù mùa hôi thối có thế nào tôi cũng phải đến tận chỗ nằm của bốn anh thương binh.


Người nằm sát chân tôi là một thanh niên trẻ, cũng chừng tuổi tôi, nghĩa là trên dưới 25. Anh mặc một chiếc áo sơ mi


Người thứ hai trên ba mươi tuổi, một chân bị cưa khỏi đầu gối, chắc có lẽ vết cắt chưa lâu lắm nên máu và nước vàng thấm ướt cả vải băng.


 Người thứ ba tôi không tài nào đoán được tuổi vì gương mặt bị cháy xém nhiều chỗ, khắp thân hình anh nhăn nhúm và loang lổ. Chỗ nào da đã tuột mất thì phơi bày máu mủ bầy nhầy, nước vàng kinh khiếp. Chỗ nào còn da thì đổi màu đen và nhăn nhúm lại. Khắp người không có mảnh vải nào để che đắp vì những vết phỏng nhầy nhụa. Bộ phận sinh dục, xin lỗi, bị cháy teo không còn hình thù. Anh cho tôi biết anh bị napalm hơn tuần lễ trước.


 Ngươi thứ tư có lẽ rất nguy kịch vì anh bị trúng pháo binh nên phần ngực và bụng bị rách và bể nhiều chỗ. Anh đắp trên bụng một cái mùng vải tám, màu vải nguyên thủy là màu trắng ngà, bây giờ không biết gọi màu gì sau khi nó thấm, nhuộm đủ thứ nào là máu, mủ nước vàng, đất v.v... Hạ Sĩ I Thạch Chêm, Trưỏng Toán Quân Báo Đại Đội dùng đầu súng M16 hất cái mùng ra để kiểm tra bên dưới. Tôi đã suýt kêu lên: Một đoạn ruột của anh lòi ra khỏi bụng và đã ngã màu đen!


 Lòng tôi nặng nề chùng xuống. Là con người, là đồng loại, tôi ngỡ ngàng thương cảm cho các anh! Không phải bây giờ tôi mới thương các anh mà đã tư lâu rồi, từ Tết Mậu Thân kia, khi lôi chứng kiến những em bé bộ đội miền Bắc 15, 16 tuổi, miệng mếu máo, mặt mày dáo dác như con lạc mẹ, lạc cha, lúc đơn vị các em bị đánh tan tác; hoặc từng chùm hai người gục chết với cây đại liên phòng không, chân còn bị xích cứng với càng súng...! Nhưng chưa bao giờ lòng thương cảm của tôi đối với các anh lại biến thành nỗi đau xót cùng tột như bây giờ. Người lính miền Nam, đối diện với lực lượng xâm lăng miền Bắc, chỉ để tự vệ và giữ gìn cuộc sống êm ấm cho đồng bào. Quân Lực VNCH không dạy người chiến sĩ mang trong lòng sự thù hận nào. Không có quốc gia văn minh, có truyền thống nhân bản nào lại dạy người lính của họ bài học nhập môn là Lòng Thù Hận. Quân đội miền Nam, được đào tạo để bảo vệ xứ sở, bảo vệ chủ quyền, chứ không bảo vệ chủ... thuyết, nhất là loại chủ thuyết ngoại lai hảo huyền.


 Tôi thương các anh, tôi không chịu nổi hình ảnh người thương binh, dù là thương binh ở hàng ngũ nào, bị đối xử còn thua con vật. Nhưng tôi làm được gì? Quyền lực của tôi rất giới hạn. Tôi sẽ giúp được các anh nếu các anh thật lòng và tạo điều kiện để tôi thực hiện được sự giúp đỡ đó.


 Nhìn gần hai chục quả lựu đạn, đa số là nội hóa, nằm rải rác quanh trạm xá, tôi hỏi:


- Ai trang bị và xử dụng mấy quả lưu đạn này?


Sáu đôi mắt đổ dồn về người thương binh cụt chân, lớn tuổi. Tôi biết anh là người lãnh đạo của nhóm, một thứ "bí thư chi bộ". Tôi nhìn anh chờ đợi. Anh liếc chung quanh: Lính Sư 21 bố trí dày đặc khắp trạm. Anh sợ sệt nhìn tôi, giọng run run:


- Thưa, thưa... ông! Bốn anh em chúng tôi ngồi còn không nổi, không ai xử dụng được vũ khí, có lẽ các anh bảo vệ bỏ lại.


- Các anh Bảo Vệ? Bao nhiêu anh và xử dụng vũ khí gì?


Thưa ông, tất cả có sáu anh với 5 khẩu AK47. Tên thương binh cụt chân đáp. Hắn thêm luôn:


- Các anh ấy đã chạy chừng mười phút, trước khi ông chỉ huy này đến, vừa nói hắn vừa chỉ Chuẩn Úy Liêm...


 Tôi nói thật với các anh, và cũng nói thật với lương tâm của mình, rằng:


- Tôi muốn cứu các anh được sống bằng cách xin chuyển các anh về Quân Y Viện của chúng tôi để được điều trị. Nhưng để thực hiện được điều đó, các anh cũng phải thực tâm khai báo tin tức về những đơn vị đang trú đóng quanh đây hoặc là ít ra, các anh cũng phải chỉ cho chúng tôi vũ khí đạn dược đã chôn giấu.


 Tên thương binh lớn tuổi có vẻ khổ sở, y thề thốt bán mạng với tôi rằng y không biết được gì vì thương tích quá nặng, mê man nhiều ngày. Hơn nữa, các anh giờ đây đã trở thành gánh nặng cho đồng đội, đâu còn được giao công tác gì mà biết được kế hoạch, đơn vị, và vũ khí?


 Sau hơn 30 phút tiếp xúc và tra hỏi, tôi đánh giá có lẽ y chẳng biết gì thật. Tôi chạnh lòng nên thật tâm muốn cứu các anh nhưng không phải là không có điều kiện bởi vì quyền quyết định không phải do tôi. Trong cuộc đổi chác, các anh không có gì để trao nên cũng chẳng nhận được gì. Đó là sự trao đổi bình đẳng. Tôi rất lấy làm tiếc...


 Tôi vừa định bảo An ra lệnh cho các Trung Đội tiếp tục lên đường thì chiếc loa nhỏ lại phát ra tiếng nói của ông Tiểu Đoàn Trưởng:


- Trường thành, Trường thành! Số Sáu gọi!


An bấm máy:


- Dạ Trường thành nghe số Sáu!


- Cho ông thầy anh đầu máy.


Tôi nhặt ống liên hợp trên tay An:


- Mười Một tôi nghe số Sáu!


- Có khai thác được gì không, Tango?


- Chẳng có gì cả, số Sáu, ngoại trừ gần 20 trái bình bát nội hóa.


- Mở chốt, thảy vô cho nó xài! Sau câu nói là một tràng cười Ngừng mấy giây, ông dứt khoát:


- Thôi bỏ ! Chiều lắm rồi! Cho em út tiếp tục zulu 2. Nhớ trước khi đi, đem "cất" hết bốn thằng đó nhé!


- Nhận rõ, số Sáu!


Chiếc loa nhỏ, âm thanh yếu, nhưng rõ ràng. Trong bán kính 3, 4 mét, bất cứ ai cũng nghe không sót tiếng nào. Đó là lệnh của cấp chỉ huy. Lệnh tại chiến trường: Lệnh Xử Bắn!


Loại mệnh lệnh này chỉ có thi hành chứ không có bàn cãi.


4.


Bọn thương binh Việt cộng nằm ngay dưới chân tôi. người mang máy lại luôn luôn di chuyển sát cạnh Đại Đội Trưởng, nên từ chiếc loa đến cả bốn anh chỉ cách khoảng từ một mét đến hơn hai mét. Nghĩa là họ nghe rõ ràng!


Động từ "cất" là một tiếng lóng của chúng tôi, nhưng tiếng lóng này không khó hiểu, ai nghe cũng đoán được nghĩa.


Hạ Sĩ I Thạch Chêm gỡ súng M 16 ra khỏi vai trong tư thế sẵn sàng. Anh là Tiểu Đội Trưởng Quân Báo, một đơn vị thuộc loại trinh sát của Đại Đội, có nhiệm vụ, nếu cần, sẽ thi hành những mission như vậy.


 Trong khi ấy, cả bốn thương binh đều cố ngồi dậy, nhưng chỉ có hai anh gãy chân là ráng ngồi được, hai anh còn lại, dù cố gượng, nhưng quá đau đớn phải quỵ trở lại. Bốn anh, kẻ nằm người ngồi, giương bốn cặp mắt trắng dã, cặp mắt đứng tròng không còn thần sắc nhìn tôi. Khóe miệng thì co giật liên hồi. Đó có phải là phản xạ của cơ thể con người khi hay tin mình bị xừ chết chăng?


 Mãi nhiều năm sau này trong trại cải tạo, chứng kiến sự gào thét, nhục mạ, hành hạ, hăm dọa, thủ tiêu của cán bộ quản giáo đối với người tù cải tạo sa cơ, tôi thường liên tưởng đến những đôi mắt này, đôi mắt đỏ, đôi mắt rưng rưng không còn thần sắc, và tôi hình dung lại thật rõ ràng... đôi mắt rã rời của bốn người... thua cuộc ngày xưa, nay đã thuộc về... dĩ vãng!


 Tôi nhìn từng anh từ đầu đến chân.


Tôi không có ý bỏ lên bàn cân để tính thử trọng lượng cuộc sống của một con người.


Tôi cũng không hề có ý đánh giá hoặc so sánh sinh mạng con người ở hai giới tuyến khác nhau, vì khi sinh ra vạn vật muôn loàí, tạo hóa ban cho họ tất cả một giá trị bình đẳng như nhau! Chỉ có cái chết vô nghĩa, sự hy sinh bị lợi dụng, chứ không có cuộc sống nào là bỏ đi cả.


 Tia nhìn của tôi dừng lại ở anh thương binh lớn tuổi. Tôi bắt gặp anh cũng đang nhìn tôi. Tôi thấy hai hàng nước mắt của anh chảy dài tư hố mắt trũng sâu. Tôi chớp mắt lại một giây. Mắt tôi không cay nhưng lòng tôi chua xót! Chua xót cho một kiếp con người! Chua xót cho những thân phận đầu thai lầm... chủ thuyết!


 Dưới chân tôi có vật gì nhúc nhích. Tôi nhìn xuống: một con cóc ruộng thật lớn ở dưới lớp rơm, nhoi ra nhảy và ngồi trên mũi giày tôi. Cóc đang lè lưỡi... cuốn mấy con giòi trắng bò lễnh nghễnh trên nền trại. Tôi rùng mình hất nhẹ cho cóc nhảy đi. Cùng lúc, một hình ảnh vô cùng tội nghiệp của giống vật lưỡng thể lưỡng cư, vừa sống được dưới nước cũng sống được trên cạn này, gây xót xa trong lòng tôi. Đó là hình ảnh mấy chú cóc, mấy chú ếch khi bị cắt cổ làm thịt, chúng luôn luôn dùng hai chân chõi mạnh lưỡi dao để đẩy ra, chõi cho đến khi đầu bị cắt lìa, hai chân vẫn còn chõi. Thật thảm thương!


 Tôi đã có quyết định.


Tôi nói với... bốn cặp mắt thất thần đang nhìn tôi:


- Các anh đã nghe rõ rồi, tôi được lệnh phải bắn các anh trước khi di chuyển. Nhưng, tôi không làm điều đó vì hai lý do sau đây: thứ nhất, tôi không có thói quen đánh người bị trói, nên cũng không giết người đã bị thương nặng, bị loại khỏi vòng chiến. Lương tâm và truyền thống đạo đức không cho phép tôi thực hiện điều đó. Người chiến sĩ chân chính không bắn đối phương khi đối phương đã xuôi tay không còn vũ khí! Hơn nữa, hình ảnh thê lương của các anh gây ra một sự hụt hẫng thảm hại trong suy tư của tôi. Tôi không thể tin rằng: là con người với nhau, tầng lớp này lại có thể gạt gẫm và đọa đày tầng lớp kia và tầng lớp kia lại mù quáng, điên dại, lao thân vào chỗ chết để phục vụ cho một tham vọng, một chủ thuyết mơ hồ, xa vời và không tưởng! Tôi không hề làm công tác Chiến Tranh Chính Trị trong lúc này và cũng không có ý tranh luận với các anh về chủ thuyết, cái nào ưa việt, cái nào tệ hại. Công tác đó thuộc bộ phận khác, không hiện diện với đơn vị tác chiến. Tôi chỉ muốn bày tỏ với các anh một điều hết sức giản di rằng: là người lính, khi sức lực còn khang kiện, chúng ta cống hiến sức lực đó cho quốc gia, cho lý tưởng. Chẳng may khi bị thương tật, chúng ta đòi hỏi phải được chăm sóc và điều trị tới nơi tới chốn. Thứ hai, hoàn cảnh của các anh làm chúng tôi kinh tởm, kinh tởm trước hết cho những người lãnh đạo các anh, và cũng kinh tởm cho chính các anh nữa! Tôi đã từng chứng kiến nhiều gia đình nuôi những loại gia cầm như: mèo, chó, trâu, bò... Khi khỏe mạnh chúng giúp đỡ cho chủ, nhưng khi chúng bị bệnh hoạn hay thương tật, người chủ cũng tận tụy săn sóc chữa chạy cho chúng như đã săn sóc một thành viên thân thiết trong gia đình, có khi còn vất vả hơn vì con vật vốn không biết... nói! Tôi thành thật xin lỗi bốn anh khi phải đưa ra sự so sánh này, một sự so sánh tôi biết dù ít dù nhiều cũng làm thương tổn đến sự tự ái của các anh, nhưng tôi mong có dịp các anh sẽ suy nghĩ về lời tôi. Tôi không có bất cứ điều kiện nào khi tha cho các anh, kể cả điều kiện dạy... đời các anh. Tôi phải nói hết như thế để bốn anh hiểu và cũng để các chiến hữu của tôi hiểu về quyết định của tôi.


 Nói xong, tôi day qua Thạch Chêm, chỉ tay ra góc vườn:


- Anh bước ra góc kia và bắn hai băng M16 vào bụi bình bát đó! Còn Lư, chú mày báo cho ông số Sáu biết là mình đã cất xong mấy tên VC và chuẩn bị lên đường đây.


 Sau khi chứng kiến Chêm trút hết hai băng M16 vào bụi bình bát xử bắn giả, bốn tên thương binh VC mới tin rằng tôi tha chúng thật. Tên lãnh đạo nói với tôi trong nỗi xúc động nghẹn ngào:


- Thưa ông, tôi biết ông là người chỉ huy cánh quân này. Tôi không thấy ông đeo lon nên không hiểu cấp bậc của ông, nhưng chắc chắn ông phải là sĩ quan, một tầng lớp mà chúng tôi vừa thù, vừa sợ. Tôi được học tập rằng sĩ quan Quốc Gia gặp chúng tôi là tàn sát, trẻ không tha, già không thương...! Đây là lần đầu tiên tôi gặp được một sĩ quan bằng xương bằng thịt và thấy rằng ông đã không phải con người ghê gớm như vậy. Ông không giống với hình ảnh những sĩ quan sắt máu mà chúng tôi đã có trong ý tưởng lâu nay. Xin thay mặt cho ba anh em, tôi chân thành đội ơn ông...


 Đưa tay ngăn anh lại, tôi đáp:


- Tôi không dám nhận sự cảm ơn! Tôn chỉ làm điều mà lương tâm và bổn phận hướng dẫn tôi phải làm. Khi tha chết cho các anh, tôi đã vi phạm vào Huấn Lệnh Quân Sự của quân đội tôi tại mặt trận. Có thể tôi sẽ bị kỷ luật, hoặc bị đưa ra Tòa Án Binh không chừng, nhưng tôi vẫn làm vì tôi chưa đánh mất nhân tính và vẫn tin ở chủ trương: "Đem đạo nghĩa để thắng hung tàn" của Quân Đội tôi. Tôi đã suy nghĩ chín chắn, đã cân nhắc nặng nhẹ giữa đạo đức và lương tâm con người với trách nhiệm mà quân đội giao phó và tôi hoàn toàn chấp nhận mọi hậu quả do quyết định của mình. Tôi chỉ mong rằng các anh có dịp hiểu biết rõ hơn về chúng tôi và quân đội Quốc Gia, như anh vừa nói, để đối chiếu với những điều các anh đã được học. Chỉ có vậy! Thôi nhé! Xin chào. Chúng tôi cần phải đi.


 Tên cán bộ ráng nói thêm:


- Xin cho tôi một câu chót...


Tôi dừng lại nhìn anh:


- Anh nói đi!


Tên cán bộ câu hai tay để trước bụng, nói nhỏ:


- Chúng tôi xin thành tâm cầu mong mọi điều may mắn, bình an cho ông suốt cả cuộc đời (!?!)


Có lẽ đây là câu nói xúc động phát ra từ tấm lòng chân thật của anh


Tôi gật nhẹ đầu cảm ơn và chào anh ta! Tôi mỉm cười khi suy nghiệm về câu cầu chức của anh ta. Tôi may mắn bình an mỗi lần "tao ngộ" với phía các anh, thì các anh sẽ ra sao?


5. 


Đến đây, tôi nghĩ mọi chuyện đã xong, đã mất rất nhiều thời giờ. Buổi chiều cũng sắp về, buổi chiều ở vùng rừng rậm xuống rất nhanh và chỗ trú quân đêm, trong vùng đất xa lạ này, phải được quan sát khi trời còn sáng. Tôi báo cáo lên Tiểu Đoàn: công tác đã thi hành xong và xin tiếp tục di chuyển.


 Chúng tôi theo lộ trình cũ. Đi chưa được 50 mét thì ông số Sáu lại gọi tôi: anh dừng lại cho em út bố trí giữ an ninh. Hai "thằng" cố vấn đang lội sông qua bên anh đó. Nó muốn ngắm nghía trạm xá của VC.


 Tôi... chới với ngẩn người. Vậy là bể rồi! Nhưng không còn cách nào khác! Cho các trung đội dừng quân xong, tôi và BCH đứng ở bờ sông đợi hai ông... Cố. Khúc sông này của con rạch Cai Tổng Cang lạ đời thật: sông rộng hơn 40 mét, nước trôi lững lờ, vậy mà khúc cạn, khúc sâu như chính lòng dạ đổi thay khi vầy, khi khác của con người. Khó đo, khó đoán, khó lường! Dò sông dò biển dễ dò!


Nhìn mấy người lính đang lội qua, mực nước chỉ tới vai, còn hai ông Mẽo thì chỉ tới ngực. Phải chi nước ngập khỏi đầu như khúc trên kia thì đâu có chi rắc rối!


 Thiếu Tá Calvin, Cố Vấn Trưởng, và Trung Úy Hayes, Cố Vấn Phó, lên bờ và bước lại phía tôi. Tôi đứng dậy bắt tay hai ông. (Gặp nhau hằng ngày và ở vùng hành quân, chúng tôi ít khi chào kính). Tôi bảo Thạch Chêm dẫn hai ông đi đến chỗ đó. Tôi vẫn ngồi yên ở bờ sông hút thuốc. Tôi biết sẽ có... chuyện, nhưng tôi vẫn giữ quyết định vừa rồi. Tôi thấy không cần giải thích gì thêm.


 Các Cố Vấn Mỹ ở đơn vị tôi họ cũng rất lịch sự và hiểu vị trí của mình. Từ ngày về đơn vị đến giờ, tôi chưa từng thấy họ tham gia bàn thảo kế hoạch hành quân, điều động hay chỉ huy ai cả. Họ chỉ được yêu cầu "cố vấn" chúng tôi xin trực thăng võ trang, xin phi tuần, xin tản thương, xin hỏa châu...v.v... Nghĩa là chỉ có xin dùm đủ thứ! Công tác đó họ làm kết quả nhanh gấp mấy lần mình! Ít nhất thì ở đơn vị tác chiến cấp Tiểu Đoàn, Cố Vấn đã không dám phát huy vai trò "chủ Mỹ" của mình một cách lộ liễu?


 Sau khi quan sát, chụp hình mấy vị trí, hai ông quay trở về. Khi đến chỗ tôi, Thiếu Tá Calvin đưa ngón tay cái lên trời và nói:


- Hi, Commander! You did a good job!


Tôi mĩm cười chào ông và nói vỏn vẹn hai tiếng: Thank You. (Tôi không hiểu ý ông qua hai chữ "good job" là good ở khía cạnh nào? Good khi khám phá ra trạm xá VC, hay good vì bắn mấy loạt M16 mà bốn tên thương binh địch vẫn còn sống nhăn?)


 Đằng kia, bốn ánh mắt tê dại nhìn về hướng tôi.


Các anh tin rằng lần này mới là chết thật! Ông "chủ" Mỹ đã đến, làm sao còn sống được nữa? Sĩ quan Ngụy, được mấy cái đầu, mà dám cãi?


 Mấy anh thật chẳng hiểu gì về Quân Đội VNCH cả. Khi được tiếp xúc với chúng tôi, mắt các anh sẽ mở trừng trừng, ngạc nhiên từng chập, mở cho đến độ rách cả khóe mắt!


Tôi biết bốn anh rất muốn nói chuyện với tôi trong giờ phút thời gian như dừng lại này. Nhưng tôi không có gì để nói thêm với các anh. Chuyện các anh tôi đã quyết định xong!


Tôi là "Tư Lệnh" của mặt trận bờ Bắc này, là một tư lệnh nhỏ xíu thôi nhưng là người có quyền quyết định cao nhất tại đây. Không ai có quyền quyết định thay cho tôi, khi tôi chưa rời đơn vị.


 Tôi ngồi chờ... bên kia sông. Tôi biết thế nào cũng sẽ có bão táp tới. Tôi chờ nghe tiếng... "đức" của ông Tiểu Đoàn Trưởng.


Năm phút sau, "bão" tới:


- Tango! Nói cho tôi biết: anh hát cái bản gì đây? Mấy thằng Tây về báo cáo rằng bốn thằng VC còn ngồi hút Quân Tiếp Vụ bên ấy. Vậy là sao? anh chống lệnh tôi? Anh chỉ huy ở đây hay tôi. Nói nghe?


 Tôi làm thinh để cho ông xì bớt hơi.


Trong bốn Đại Đội Trưởng, tôi là người có cấp bậc thấp nhất, Thiếu Úy, nhưng tôi cũng là người tương đồng với ông nhiều vấn đề, trong đó phải kể cả những vấn để gay go nguy hiểm mà ai cũng chê, nhưng tôi nhận! Có gì đâu! Mình chẳng có chi bận bịu! Tử sanh hữu mạng mà! Tôi chỉ lo các anh em tôi trong Đại Đội sẽ phản đối những cái gật đầu hơi nhiều của tôi thay vì bắt thăm chia đều. Thế nhưng chuyện đó chưa xảy ra vì họ tin tôi, thương tôi. Họ cũng biết tôi rất thương họ và cũng không đến đỗi... ngu lắm!


 Mấy mươi giây trôi qua, không nghe tôi trả lời, ông số Sáu hỏi lớn:


- Tango đâu rồi! Anh có nghe tôi không??


Tôi cầm ống liên hợp, thẳng thắn và chân tình đáp:


- Tôi đang nghe số Sáu. Trước hết, tôi rất tiếc phải nói câu xin lỗi, nhưng thật tình tôi không hề có ý qua mặt hay chống lại lệnh của số Sáu! Đây chỉ là vấn đề lương tâm và đạo đức con người, một con người có lẽ không đủ nhẫn tâm để giết đồng loại đang bị thương tích trầm trọng. Ngoài ra, tôi cũng không dám quên những bài học ở Quân Truờng, quy định về cách đối xử với thương binh địch. Do đó, xin số Sáu cho phép tôi giữ quyết định đã ban hành về số phận của bốn thương binh địch. Tuy nhiên, nếu số Sáu cho rằng việc bắn bỏ họ là điều không thể đảo ngược được, thì đó là thẩm quyền của số Sáu. Tôi không chống đối. Đại Đội tôi xin chờ và xin số Sáu cho vài Trinh Sát hay Quân Báo Tiểu Đoàn qua đây thực hiện công tác hành quyết. Tôi muốn rằng cho đến chết người lính CS vẫn giữ hình ảnh người chiến sĩ QLVNCH luôn luôn bảo tồn chữ tín.


Nói xong tôi giữ combinet để chờ ông.


Nhiều phút trôi qua, có lẽ ông đang suy tư hoặc đang chỉ thị cho Trinh Sát, Quân Báo.


 


Tôi trả ống liên hợp lại cho Lữ. Lữ vừa cài cái móc của ống liên hợp lên giây ba chạc thì tiếng ông Tiểu Đoàn Trưởng chỉ thị cho âm thoại viên với giọng dịu nhẹ hơn:


- Thôi, Lê Lai, nói với Thầy anh: số Sáu đồng ý cho Mười Một mua cái đức cho vợ con sau này. Nhưng mà... bắn... thêm vài loạt đạn nữa, rồi zulu. Lưu ý: Vị trí đã bị lộ!


 Lữ nhìn tôi, tôi nhìn Lữ. Hai thầy trò trao đổi nụ cười nhẹ nhỏm! Lữ le lưỡi:


- Có lẽ chỉ có ông Thầy là được số Sáu chìu và nể như vậy mà thôi.


6.


 Tôi nhìn sang bên kia sông, hướng Tiểu Đoàn. Chiều xuống thật nhanh. Những tia nắng yếu ớt cuối cùng còn rơi rớt trên ngọn rặng bình bát bạt ngàn. Gió lay nhè nhẹ. Xa xa bên kia bờ, chỗ rặng cây cao, đàn cò bay về nơi trú đêm, điểm trắng cả chòm cây xanh như những bông hoa dại, âm thầm nở, âm thầm tàn trong ngôi vườn bỏ hoang không người tới lui săn sóc.


 Chúng tôi lại lên đường. Không như đàn cò về lại chòm cây cao, chúng tôi không có chỗ trú nhất định cho mỗi đêm..., có thể là một vùng bình bát, có thể là một khu vườn hoang, có thể là một đám rẫy, hay cũng có thể là một bãi... tha ma. Ba mươi ngày trong tháng thì hơn hai phần ba số đêm đó chúng tôi ngủ hoang, ngủ bậy như vậy cho người dân lành được ngon giấc trong chăn ấm, nệm êm. Chúng tôi không có ý so sánh những hình ảnh đối ngược của hai nếp sống để kể lể công lao, hay cay đắng ngậm ngùi, nhưng chúng tôi mong rằng sự hy sinh của người chiến sĩ trong cuộc chiến vừa qua không bị mỉa mai và quên lãng.


 Phần Phụ Chú:


 Sau biến cố đó, tôi không bị bất cứ một biện pháp chế tài kỷ luật nào, nhưng một tuần lễ sau, khi tập trung ra lằn chỉ đỏ, ông Tiểu Đoàn Phó xuống Đại Đội tôi chủ tọa lễ bàn giao chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 cho một sĩ quan khác! Sự trừng phạt, nếu đúng, chỉ có tính cách tượng trưng. Có điều cho đến nay, sau đúng 32 năm, mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi vẫn không kết luận dứt khoát được là trong hai quyết định của ông Tiểu Đoàn Trưởng và của tôi: Ai đúng, ai sai - Đúng sai trong hai lãnh vực: giữa lương tâm và truyền thống nhân ái của dân tộc với sự tha chết cho giặc, "dưỡng hổ di họa"?


Cuộc chiến đã chấm dứt gần nửa thế kỷ. Sau nhiều năm bị đọa đày trong trại cải tao, sau hiểm nguy của gia đình qua chuyến vượt biên bằng đường biển, sau những tháng năm bình tỉnh nhìn lại cuộc chiến mà mình đã đổ máu xương để trang trải và đã bị phản bội, bị bỏ rơi thê thảm..., nếu một mệnh lệnh như xưa được ban hành, tôi vẫn lấy cái quyết định như đã từng quyết định trong rặng bình bát! Đó là lương âm, là phẩm giá của người lính Việt Nam Cộng Hòa!


Tiểu Đoạn này được viết rất bất ngờ, sau khi người viết đọc được bài "Đôi Thoại Với Nhà Văn Trong Hàng Ngũ Thắng Trận" của Trần Hoài Thư trên trang Internet, viết "kỷ lục" chỉ trong hai ngày để phổ biến trên truyền thông nhân buổi ra mắt tác phẩm "Về Hướng Mặt Trời Lặn" của anh Trần Hoài Thư tại Houston. Không ngờ, sau khi BNS Dân Ta, BNS Việt Báo ở Houston, rồi Nhật Báo Người Việt, Đặc San KBC ở Nam California, Đặc San Võ Khoa Thủ Đức Washington DC, phổ biến rộng rãi bài này, một vài cuộc hội thảo đã diễn ra quanh một vài chủ đề mà người viết đã "đụng" tới trong tác phẩm!


 Nay, nhân khi bài viết này được đặt đúng vị trí thời gian trong tác phẩm để xuất bản, người viết muốn minh xác: tác giả không có ý định dùng mẩu chuyện thật trên đây để phản bác lại những điều hoang tưởng, xuyên tạc chiến sĩ QLVNCH của hai nhà văn "lớn" CS là Dương Thu Hương và Bảo Ninh. Dương Thu Hương với tác phẩm ồn ào một dạo "Tiểu Thuyết Vô Đề" đã mô tả người lính Thám Báo QLVNCH như sau:


 "... Tới vực cô hồn, gặp sáu cái xác truồng, xác đàn bà, vú và cửa mình bị xẻo ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh... Cũng có thể họ đi kiếm măng... rồi vấp bọn thám báo. Chúng đã hiếp các cô tàn bạo trước khi giết." (TTVĐ, trang 16)


 Còn Bảo Ninh với tác phẩm "Nỗi Buồn Chiến Tranh" cũng gán cho Thám Báo cái tội bắt ba cô gái trong mật khu rồi hãm hiếp, sau đó giết họ, vất xuống sông:


"Ba nhỏ đó, trình quý anh, tụi này làm thịt cúng hà bá rồi. Mấy nhỏ khóc quá trời" (NBCT, trang 52)


 Tôi không hiểu sao các nhà văn VC lại luôn gán ghép người lính miền Nam vào hành động thích hãm hiếp và "lắt xẻo" mấy bộ phận của đàn bà?


Hai mươi lăm năm sau cuộc chiến, đã đến lúc phải trả lại cái gì thật sự của lịch sử cho lịch sử. Tôi không nói người lính miền Nam là một thứ Khổng Tử, nhưng tôi biết chắc rằng không một quân nhân nào của chúng tôi đủ hứng thú để làm cái trò dị hợm, kỳ cục (hãm hiếp dã man con lắt xẻo) tại chiến trường như Dương Thu Hương đã mô tả. Tôi mong đọc được những bài viết nói lên sự thật của những người cầm bút, ở cả hai phía, không bị chi phối bởi bất cứ mặc cảm, dù là tự tôn hay tự ti; bởi sự cám dỗ vật chất hay bởi bất cứ thế lực nào.


Tôi mong bà Dương Thu Hương và ông Bảo Ninh đọc được truyện này. Tôi lặp lại lần nữa là tôi không hề có ý đinh viết chuyện để bênh vực người lính Miền Nam, hoặc để phản bác lại hai tác phẩm của ông và bà vì một lý do rất đơn giản là: tôi không hề là một nhà văn, nên cũng không có tham vọng tranh danh, đoạt lợi bằng ngòi bút, theo lập luận đời thường: "đánh" một người nổi danh để được nổi danh hơn!


 Tôi chỉ là người lính chiến trong cuộc, chứng kiến sự thật, kể lại sự thật, một sự thật nhỏ bé, trong vô vàn sự thật to tát, từ cuộc-chiến-tự-vệ của Miền Nam, một cuộc chiến bị bóp méo, bị xuyên tạc, bị sỉ vả vô tội vạ bởi những ngòi bút đứng trong hàng ngủ của kẻ thắng trận!


 Ông Đại Đội Trưởng và Tiểu Đoàn Trưởng trong truyện này hiện nay đều định cư tại thành phố Houston sau nhiều năm trong Trại Cải Tạo (viết hoa). Còn bốn anh thương binh trong truyện có lẽ hiện vẫn còn sống, nếu không đủ cả bốn, cũng còn hai, hay ba. Đây là một ấn tượng sâu sắc trong đời các anh nên, chắc chắn, các anh phải nhớ. Nếu truyện này được phổ biến trong nước và thật sự các anh là người có chút liêm sỉ, các anh sẽ không thể quay lưng lại với sự thật của "một thời" quá khứ./


 Nguyễn Bửu Thoại


Trở Lại Mật Khu Sình Lầy


(In lần thứ 2, tháng 12-2000, trang 363)


 1) củi đuốc = vũ khí.


2) zulu = d = di chuyển.