Năm mới nhớ lại cuộc phỏng vấn cựu Tướng Nguyễn Cao Kỳ về vụ Nghĩa trang Biên Hòa

10 Tháng Giêng 201911:47 CH(Xem: 15162)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG  - THỨ SÁU 11 JAN 2019


Năm mới nhớ lại cuộc phỏng vấn cựu Tướng Nguyễn Cao Kỳ về vụ Nghĩa trang Biên Hòa


image050

Lý Kiến Trúc


VĂN HÓA

11/1/2019


*


Vài hàng về Nghĩa trang Biên Hòa


image028


Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa được khởi công vào tháng 11 năm 1967, mô phỏng hình con ong, do kiến trúc sư Lê Văn Mậu phụ trách, thi công trong thời gian 6 năm, chi phí 100 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa tính theo thời giá năm 1973. 


Nghĩa trang tọa lạc trên một quả đồi thấp, vị trí giữa đường từ Sàigon đi Biên Hòa nên thường gọi là Nghĩa Trang Biên Hòa. Nghĩa trang có diện tích 125 hecta, được phân chia thành 8 khu từ A đến H sắp xếp theo hình nan quạt, trung tâm là Nghĩa Dũng Đài gồm một tháp xi-măng cao 43 m. Mộ của các cấp chỉ huy nằm trong vòng chính giữa, rồi đến vòng cung mai táng các sĩ quan. Các ngôi mộ được chôn từ năm 1968 Tết Mậu thân đến mùa hè Đỏ lửa năm 1972 đều có bệ ciment. Mộ chiến sĩ tử trận sau này còn đắp đất nằm vòng ngoài. 


Trong số hàng chục tướng lãnh VNCH sinh thời và sau 1975, không thấy có vị nào an nghỉ trong Nghĩa trang BH. Có lẽ duy nhất có mộ cố Đại tướng Đỗ Cao Trí (bị nổ trực thăng hy sinh tại Trảng Lớn Tây Ninh trong lúc ông lên đường chỉ huy mặt trận tấn công vào Bộ chỉ huy Trung ương cục (cục R) ở biên giới Việt Miên), sau này thân nhân của Đại tướng Đỗ Cao Trí bốc mộ của ông đi chôn cất nơi khác, (rất tiếc linh hồn Đại tướng Trí không còn nghỉ chân chung với lính nữa!); ngoài ra, bổn báo Văn Hóa còn thấy mộ Chuẩn tướng Nguyễn Văn Phước đã được thân nhân tu sửa lại sau 1975. (ảnh dưới).


Lần đầu tiên về thăm và ghi chép những hình ảnh ở Ngĩa trang Biên Hòa vào tháng 4/2014, bổn báo VH thầm  nghĩ, ước mong chính sách "Đại đoàn kết Dân tộc" mở rộng cánh cửa cho những cựu chiến binh VNCH có tâm nguyện về an nghỉ chung với đồng đội.  (VH)


image030

Sáng ngày 01/5/1975, người đi qua lại xa lộ Biên Hòa thấy tượng "Tiếc thương" đã bị kẻ lạ giật sập đổ. Pho tượng "Tiếc Thương" mang hình ảnh và ý nghĩa  người Lính ngồi nghỉ nhân bên đường sau chiến trận.


Ngày 30/4/1975, hàng trăm tử sĩ VNCH thiệt mạng vào tháng Tư 1975 đã được những người dân sống quanh nghĩa trang chôn cất lẫn lộn vào một ngôi mộ tập thể. Từ đó đến nay không có ai được chôn cất thêm tại khu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nữa. (VH)


image051

Ảnh tư liệu của VH


image052

Một phóng viên trong nước đang chụp ảnh mộ phần cố Chuẩn tướng VNCH Nguyễn Văn Phước trong Nghĩa trang Biên Hòa ngày 28/4/2014. Ảnh LKT


**


Cuộc phỏng vấn lần 4 cựu PTT-tướng Nguyễn Cao Kỳ


Sau khi có tin ông Thứ  trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Đình Bin đến thăm cựu Tướng Nguyễn Cao Kỳ Kỳ ở tư gia trên Los Angeles, một đường dây liên lạc của thân hữu tướng Kỳ nhắn với bổn báo Lý Kiến Trúc, gợi ý tướng Kỳ muốn đến thăm báo Văn Hóa.


Khi ấy tòa soạn đang thuê một văn phòng trong buynh đinh báo Người Việt trên đường Moran St, Tp Westminster Quận Cam  nam California.


Nhân dịp này, không hẹn mà gặp, bổn báo Lý Kiến Trúc có dịp trao đổi với Tướng Kỳ về tình hình Việt Nam và vấn đề "Hòa giải Hòa hợp Dân tộc", một khuynh  hướng chính trị đang nổi lên ở trong nước.   


Đây là lần thứ tư tôi gặp tướng Kỳ. Lần này diễn ra trước khi tướng Nguyễn Cao Kỳ quyết định về Việt Nam (lần đầu tiên trước Tết ta), ông và các thân hữu lại đến thăm tòa soạn báo Văn Hóa và gợi ý có một cuộc phỏng vấn.


Mấy lần trước ông Kỳ hay nói đùa với tôi: "Này cậu cả, trước đây họ muốn phỏng vấn tôi phải trả tiền cho tôi, nhưng không hiểu sao tôi lại thích cậu cả..."


Tôi lại nói đùa với ông: "Thiếu tướng vẫn đi mãi đôi giầy đơ cu lơ này à". Ông cười trừ. Thật ra tôi biết hoàn cảnh kinh tế ông rất nghèo, ông sống giản dị, thích la cà ăn phở với các thân hữu cựu chiến binh, thỉnh thoảng hay cho người mời tôi đến nhà thân hữu lai rai. 


Nhân dịp này bổn báo Lý Kiến Trúc có ý thực hiện cuộc phỏng vấn  trực tiếp với Tướng Nguyễn Cao Kỳ công khai, minh bạnh, không phải ở tòa soạn báo Văn Hóa, hay ở nhà riêng. Bổn báo bèn gọi phôn cho với ông Phan Ngọc Tiếu khi ấy là Giám đốc đài Saigon TV đề nghị cuộc phỏng vấn Tướng Kỳ sẽ trực tiếp trên đài Sàigon TV. Ông Tiếu hân hoan và tướng Kỳ đồng ý.


Để cuộc phỏng vấn mở rộng luồng thông tin, tôi có mời thêm hai nhà báo Hà Tường Cát (báo Người Việt) và Phan Tấn Hải (báo Việt Báo) đến chứng kiến theo dõi.


Vào thời điểm năm 2004, vấn đề "Hòa giải Hòa hợp Dân tộc" là một sự kiện chính trị rất "nhạy cảm"gây sóng gió trong dư luận cộng đồng VN hải ngoại, cũng như dư luận các tầng lớp cán bộ đảng viên trong nước. Sau cuộc phỏng vấn này, ở Quận Cam diễn ra nhiều cuộc biểu tình lớn cả  ngàn người đả đảo ông Kỳ. Các vị thủ lĩnh điều động biểu tình đều mời tôi tham dự.


image053

Cựu Phó TT VNCH, cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và bổn báo Lý Kiến Trúc trong cuộc gặp gỡ tại tòa soạn báo Văn Hóa ngày 07/4/2004. Ảnh VH


image054
Phút trao đổi giữa cựu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và bổn báo Lý Kiến Trúc ở văn phòng đài Sàigon TV, ngồi đối diện là ông Phan Ngọc Tiếu.  Ảnh chụp tại văn phòng đài SG TV cùng ngày.


Ngay phút đầu tiên đưa ra chủ đề dung cuộc phỏng vấn, Tướng Kỳ đề nghị: "Tôi kỵ mấy chữ "Hòa giải - Hòa hợp" lắm, nó dị ứng lắm, tôi đề nghị nên dùng chữ "Đoàn kết Dân tộc" là hay hơn, bởi vì không có chế độ nào, chính phủ nào tồn tại mãi mãi mà chỉ có Dân tộc là trường tồn vĩnh viễn"; anh nên nhớ tôi đã từng làm Thủ Tướng, từng đích thân lái khu trục Skyraider ra oanh tạc ngoài Bắc nhé! may mà hỏa tiễn Nga nó không bắn trúng tôi đấy!


image055

Ông Phan Ngọc Tiếu (đứng giữa) giới thiệu cuộc phỏng vấn của bổn báo Lý Kiến Trúc và Tướng Nguyễn Cao Kỳ ngồi trước ống kính đài Sàigon TV đang thu hình trực tiếp ngày 07/4/2004.Cuộc phỏng vấn dài gần 2 tiếng, nhưng sau khi Sàigon TV phát hình đầu tiên ngày hôm sau, một  Thông cáo của Saigon TV do xướng ngôn viên đọc trên đài loan báo: có một cú điện thoại vô danh gọi đến đe dọa đài không được phát hình cuộc phỏng vấn, do đó đài tạm ngưng. Sau này, ông Nguyễn Cao Kỳ từ VN về Mỹ có hỏi xin copy buổi thâu hình cuộc phỏng vấn nhưng không được ông Tiếu đáp ứng; bổn báo Lý Kiến Trúc người thực hiện cuộc phỏng vấn cũng hỏi nhiều lần nhưng vẫn không cho!!! Rất may toàn bộ cuộc phỏng vấn đã được bổn báo thâu nguyên văn vào băng nhựa (recoder tape) và đã đăng trên báo Văn Hóa Magazine.


image056

Tứ trái:Giám đốc Sàigon TV Phan Ngọc Tiếu nhận lời mời của bổn báo Lý Kiến Trúc đi qua tòa soạn báo Văn Hóa đón tướng Kỳ qua bên phòng thâu hình Sàigon TV. Đứng giữa tướng Kỳ và bổn báo là cựu Thiếu tá nhẩy dù Phạm Đình Cung, kế tiếp là cựu Trung tá không quân VNCH và nhà báo Trẻ.   


Nội dung phỏng vấn kéo dài 2 tiếng, trong đó có một câu hỏi của bổn báo Lý Kiến Trúc: "Nếu Thiếu tướng có dịp, có điều kiện về VN (lần đầu tiên), Thiếu tướng có đến Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa thắp nén nhang tưởng niệm những người lính đã nằm xuống vì lý tưởng Tự Do hay không?


Tướng Kỳ suy nghĩ khoảng 1 phút, ông nói: "Tôi sẽ đưa vấn đề này với các ông lãnh đạo Hà Nội".


Sau khi tướng Kỳ từ Việt Nam trở về Mỹ, ông có mời tôi đến tư gia cho xem cuộn phim ông họp với ông PhạmThế Duyệt khi ấy là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Sàigon, các giới chức tỉnh Bình Dương, và hình ảnh hai ông bà Tướng Kỳ (bà Nicole Kim) đi thắp từng nén nhang trên từng ngôi mộ chiến hữu trong Nghĩa trang Biên Hòa (NTBH).


Tướng Kỳ nói: "Khi tôi đề cập đến vấn đề NTBH với ông Duyệt, ông ấy trả lời vấn đề này lớn lắm, ngoài thẩm quyền của tôi, tôi phải trình lên Bộ chính trị".


image057

Một trong những bích chương (poster) phản đối ông Nguyễn Cao Kỳ trong các cuộc bểu tình.


 image058


Phi công Nguyễn Cao Kỳ trên phòng lái chiếc Chiến đấu cơ phản lực Mỹ F5 viện trợ đầu tiên cho VNCH. Ông Kỳ là tư lệnh không quân VNCH, từ trực thăng đến chiến đấu cơ, hễ có máy bay tác chiến nào mới viện trợ là đích thân ông bay thử. 


image059

Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa một buổi lễ của Quân lực VNCH tại Sàigon.


image060

Ông Nguyễn Cao Kỳ và ông Võ Văn Kiệt tại Sàigon năm 2004. Ảnh tư liệu


image061

Sau khi đi thăm Việt Nam lần đầu tiên về Mỹ, Tướng Kỳ mời bổn báo Văn Hóa đến tư gia cho xem video cuộc gặp gỡ của ông với ông Phạm Thế Duyệt và các viên chức bộ ngoại giao VN. Một số thân hữu cựu chiến binh VNCH cùng ngồi xem. Ảnh VH chụp ngày 2 tháng 4/2004.

image062
Tướng Kỳ gặp ông Phạm Thế Duyệt và các viên chức bộ ngoại giao VN.  Ảnh VH trích từ video tháng 4/2004. Người đứng góc phải là bà Nicole Kim, phu nhân tướng Kỳ. 


+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Bài viết của nhà báo Phan Tấn Hải đăng trên VIỆT BÁO


Quận Cam: Ông Nguyễn Cao Kỳ Trả Lời Phỏng Vấn

Trả lời 1 trong gần 30 câu hỏi của nhà báo Lý Kiến Trúc, Cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ: “Nếu được mời sẽ đi du lịch Trường Sa với áo giáp, súng và hạm đội”


image063


LITTLE SAIGON - Lần đầu tiên kể từ sau chuyến đi Việt Nam gây nhiều tranh luận, ông Nguyễn Cao Kỳ - cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa - hôm Thứ Tư đã có một cuộc trao đổi công khai về chuyện này tại hải ngoại, với nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa.

Ông Phan Ngọc Tiếu, Giám đốc Saigon Television cho biết cuộc nói chuyện dài hai tiếng đồng hồ tại phòng thu hình của đài sẽ được phát lại nguyên vẹn trong nhiều buổi liên tiếp trên băng tần 44 bắt đầu từ chiều Thứ Năm 8 tháng 4 năm 2004.

Sau gần 29 năm lưu vong, ông Nguyễn Cao Kỳ đã trở về thăm Việt Nam hồi đầu tháng 1 năm nay. Chuyến đi cùng một số những lời tuyên bố của ông được thuật lại qua báo chí trong nước và ngoại quốc đã đưa đến nhiều phản ứng mạnh mẽ trong các cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại cũng như những nhận định mâu thuẫn qua các bài viết từ đả kích đến bênh vực, quy lỗi hay biện hộ trên báo chí Việt ngữ. Theo lời ông Lý kiến Trúc, tạp chí Văn Hóa muốn tìm một cơ hội trao đổi khách quan với ông Kỳ và truyền hình Saigon Television đồng ý phổ biến, tất cả đều trong chức năng của các cơ quan truyền thông.

Mặc dầu ý nghĩa và mục đích được xác định như vậy, cuộc trao đổi có hình thức phỏng vấn hơn là thảo luận, và ông Trúc nhiều lần tìm cách khai thác những vấn đề đã được dư luận chú ý hay xoáy sâu thêm vào những câu trả lời của ông Kỳ. Như mọi người đều đã rõ từ trước đến nay, trong cuộc nói chuyện cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ tỏ ra khá thoải mái và không e dè gò bó trong ngôn ngữ cũng như nội dung phát biểu. Ngược lại, với tư cách người phỏng vấn, nhiều lúc nhà báo Lý kiến Trúc lại lộ rõ sự căng thẳng, có lẽ do cảm nhận về áp lực của dư luận trong những nội dung gai góc đề cập tới.

Một trong những câu hỏi mà ông Trúc đã đẩy tới tận cùng là ông Kỳ “đã xin phép nhà cầm quyền, hay được mời về Việt Nam”. Qua giải thích ông Kỳ cho biết có lời mời công khai từ một đại diện xác định tính cách chính thức. Tuy nhiên theo ông, điều quan trọng không phải là những hình thức và chỉ chú trọng đến chi tiết bề ngoài ấy sẽ chẳng bao giờ hành động đóng góp được gì cho quốc gia và dân tộc.

Về chuyện tuyên bố “ủng hộ chính quyền Cộng Sản Việt Nam”, ông Kỳ xác định rằng ông đã nói như vậy với tiếng “nếu” - nếu họ (CSVN) đem lại tự do dân chủ, thịnh vượng cho đất nước. Ông cho biết thêm là trong cuộc nói chuyện với các giới chức Việt Nam ông cũng không ngần ngại nói rõ rằng “nếu” họ không làm được điều ấy thì chế độ của họ sẽ bị nhân dân đánh đổ. Ông cũng phàn nàn là một số người bảo thủ ở hải ngoại trong khi lên án Cộng Sản đàn áp tự do dân chủ, vi phạm nhân quyền, thì họ cũng không thật sự tôn trọng các quyền căn bản ấy, thể hiện qua những hành động tạo áp lực với những người không hoàn toàn nói và làm theo ý họ.

Ông Kỳ nói rằng trong buổi họp báo đầu tiên ở Việt Nam, lời đầu tiên của ông là tự giới thiệu “Tôi Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa”. Theo ông đây là một sự xác định chính danh rất minh bạch, bởi lẽ từ trước đến nay chưa bao giờ tập đoàn cầm quyền Hà Nội chịu chính thức công nhận có một thực thể chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam mà chỉ gọi là ngụy quyền Sài Gòn, Mỹ Ngụy.

Nhưng khi trả lời những câu hỏi khác của ông Trúc, cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ cho biết ông chỉ có thể nói chuyện với những giới chức Việt Nam hiện nay trong tư cách cá nhân và bằng tình tự dân tộc. Ông nói rằng cá nhân ông không thể đặt vấn đề đòi hỏi họ điều này điều khác bởi vì ngày nay ông không phải là đại diện của một tổ chức nào, không dựa trên một hậu thuẫn nào hay có một áp lực gì để ép buộc, để đặt điều kiện với người đối thoại. Và ông tin rằng đã có thể lưu lại một ảnh hưởng nhất định qua những tiếp xúc trao đổi như thế.

Tâm sự về chuyến đi, ông Kỳ nói rằng rất hạnh phúc trên đất nước Việt Nam vì nhận thấy tất cả mọi người từ miền Nam đến miền Trung hay miền Bắc đều tỏ tình cảm rất thân gần với cá nhân ông và chia sẻ một nguyện vọng chung về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, có vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Một câu hỏi bất ngờ mà nhà báo Lý kiến Trúc đặt ra: “Ngài đã du lịch một tháng ở Việt Nam, nếu bây giờ nhà cầm quyền CSVN một lần nữa mời đi du lịch Trường Sa thì ngài có đi không?”. Ông Nguyễn Cao Kỳ cười trả lời ngay: “Tôi đi chứ. Nhưng phải trang bị súng. áo giáp và chiến hạm cho tôi”.

Cuối cuộc nói chuyện, cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ một lần nữa khẳng định là ông không mang tham vọng chính trị tương lai. Ông chỉ hành xử với trách nhiệm cá nhân và theo một suy nghĩ mà ông tin là không thể khác, đó là đến lúc mọi phía cần gạt bỏ quá khứ và đi đến hòa giải dân tộc.


Ông hy vọng đã tạo một nhịp cầu đầu tiên và chỉ có vậy, còn xây dựng đất nước là nhiệm vụ của thế hệ kế tiếp. Ngay cả con đường hòa giải như thế nào, nói chuyện thương thuyết ra sao là việc của những người khác có quan tâm, ở tuổi 75 hiện nay ông sẽ không đủ điều kiện thực hiện tất cả hoài bão của mình nữa./ (VB)

+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


Hãy để Lịch sử phán xét Tướng Nguyễn Cao Kỳ


28/07/201100:00:00(Xem: 25640)


image064

Hãy Để Lịch Sử Phán Xét Tướng Nguyễn Cao Kỳ; nhà báo LKT đề nghị rải “Tro Cốt” Tướng Kỳ Xuống Biển Đông

 

Lý Kiến Trúc

(Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí Quận Cam)


Lời dẫn: Cá nhân tôi không phải là lính không quân, nghĩa là không phải lính dưới quyền tướng Kỳ, tuy nhiên, tôi có điều kiện là một nhà báo để có được cuộc phỏng vấn tướng Kỳ 4 lần tại Quận Cam, California, với sự đồng ý của hai phía.


Tôi không “mời” ông Kỳ, ông Kỳ cũng không “mời” tôi. Thông thường các cuộc gặp gỡ các nhân vật ten tuổi trong cộng đồng để tạo ra cuộc phỏng vấn hết sức tế nhị. Riêng vụ tướng Kỳ, do thân hữu dàn xếp, tôi và ông Kỳ gặp nhau rất hài lòng.



*


Cuộc phỏng vấn lần thứ nhất diễn ra bất ngờ tại nhà riêng của một thân hữu tướng Kỳ tại Golden West, Huntington Beach. Chủ nhân căn nhà này là một cựu Đại tá Quân đội VNCH, chủ nhân cho tôi biết căn nhà này là nơi cựu Hoàng đế Bảo Đại đến ở trong dịp cựu Hoàng đến thăm cộng đồng nam California.


Lời mở đầu của ông Kỳ kèm theo ly rượu chát, đó vào năm 1997. Ông nói rất vui gặp một phóng viên trẻ, mà ông có dịp để ý bấy lâu nay trên các hệ thống truyền thông. Dường như có ký giả truyền hình Đinh Xuân Thái cùng tham dự.


Nội dung cuộc gặp chưa phải là cuộc phỏng vấn, chỉ là mạn đàm. Ông Kỳ nói chuyện suốt trong mạn đàm. Ông kể về cuộc đời của ông từ thời trẻ, thời quân ngũ, thời lái máy bay, bay đêm ra Bắc đi thả biệt kích, thời ông lái Skyraider bay thả bom xuống các căn cứ quân sự Bắc Việt, xuống làng mạc.


Sau khi về tòa soạn, tôi có viết vài bài ngắn với tựa đề: “Nguyễn Cao Kỳ, Biệt Kích Bay Đêm” trên tạp chí Văn Hóa. Tuyệt đối, tôi không đề cập đến chuyện chính trị, thời sự, chuyện gia đình riêng hay đời tư của ông.


Lần thứ hai, cũng tại nhà riêng một thân hữu của ông tại Quận Cam. Lần này ông và tôi đối ẩm ruợu vang, vang đỏ loại ngon. Ông hút thuốc liên tục và tôi cũng thế. Có mấy người bạn thân tín của ông ngồi quanh bàn “nhậu”.


image065

Chúng tôi đề cập đến chuyện thời sự. Ông Kỳ tỏ ra lắng nghe chăm chú. Ông nói ít hơn lần trước, nhưng bày tỏ rất rõ ràng về tâm tư của một người lưu vong: yêu nước, yêu quê hương, và bứt rứt về những hận thù trong quá khứ chiến tranh.


Tôi có ý chờ ông muốn gì nơi nhà báo. Tôi kiên nhẫn ngồi nghe, nhưng  vẫn chưa nghe ông đề cập đến chuyện về VN thăm nước nhà.


Lần thứ ba, đích thân ông mời và dành cho tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt. Địa điểm lần này là “tư thất” của ông trên vùng La Puente. Gọi là tư thất chứ thật ra, đó là một villa rất đẹp, khá rộng, lưng nhà dựa vào sườn đồi nhìn xuống lũng. Chủ nhân của nó là một phụ nữ khá đẹp, khá lớn tuổi, cử chỉ lịch sự, ít nói, hình như chỉ có nhiệm vụ bưng trà, rót rượu, mời chúng tôi. Sau này tôi mới biết ngôi nhà này là của một doanh gia đang làm ăn ở Việt Nam, ông Kỳ ở nhờ. Người phụ nữ ít nói tên là Nicole Lê Kim.


image066

Tướng Nguyễn Cao Kỳ và bà Nicole Lê Kim.


image067
Bổn báo Lý Kiến Trúc phỏng vấn tướng Nguyễn Cao Kỳ lần thứ ba tại nhà riêng ở La Puente, Los Angeles ngày 10/12/2002


Trong mươi phút nghỉ xả hơi để cameraman đổi phim, xạc điện, tôi và ông Kỳ thả bước ra ban công … hút thuốc. Thừa dịp, tôi ngắm nghía ngôi nhà và chụp vài tấm hình ông Kỳ đi đi lại lại.


image068


Ngôi nhà bên sườn đồi, thoai thoải con dốc nhỏ đổ xuống sân sau là bãi đậu xe. Phòng khách khá rộng, trang hoàng đẹp nhưng không mầu mè, chứng tỏ chủ nhân là người biết “décor”. Hấp dẫn nhất vẫn là cái “bar” rượu. Toàn rượu ngon, chỉ tội không gian vắng ngắt.


Trên vách tường giữa phòng khách, không thấy tranh ảnh gì cả. Một tấm bản đồ thế giới rất lớn, phòng khách cứ như phòng hành quân. Ông Kỳ ngồi tựa lưng vào tấm bản đồ. Xuyên qua cửa kính, một cái ban công gần như lơ lửng vài cây cột bám chân vào thung lũng chi chít lá xanh. Xa xa dưới những quả đồi, xa lộ lượn quanh xe cộ ngang dọc chuyển động dòng đời chảy như đàn kiến, từng cụm mây trắng la đà trên đỉnh dẫy núi vùng Los Angeles. Một nỗi buồn lẫn vào hoang vắng, ông Kỳ hút thuốc lên tục, tôi bận bịu với cái máy ảnh và suy nghĩ về các vấn đề không lên khung trước.


Tôi và ông Kỳ trở lại trước hai ống kính camera. Thời đó, tôi phải sử dụng phim nhựa. Tôi phải thuê hai cameraman tương đối nhà nghề quay phim cuộc phỏng vấn. Ông Kỳ và tôi đồng ý thực hiện cuộc phỏng vấn này thành phim. Với sự đồng ý của ông Kỳ, tôi sẽ sao bản phim chính ra băng nhựa khoảng một ngàn cuốn. Tôi có quyền đem bán, nhưng thể theo lời yêu cầu của ông Kỳ, sau khi trừ chi phí thực hiện, số tiền bán được sẽ gởi về tặng anh em thương phế binh. Tôi đồng ý và rất vui với công việc phổ biến tin tức này.


Nhưng cuối cùng, việc "từ thiện" vớ vẩn rơi vào quên lãng và tôi lỗ sặc máu. Hình như những công việc làm báo, phỏng vấn, đi đây đi đó tôi đều lỗ thì phải, đúng là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.


Hầu như toàn bộ câu chuyện giữa tôi với ông Kỳ đều đề cập đến Việt Nam. Ông Kỳ thố lộ, đã có nhiều nhân vật cao cấp của chính phủ Hà Nội đến căn nhà này và họ có đề cập đến chuyện mời ông Kỳ về nước thăm quê hương. Trong số các nhân vật đó có ông Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin.


Tôi thầm nghĩ phải chăng do sự kiện này mà ông mời tôi đến nhà thực hiện cuộc phỏng vấn?


Tôi chưa nắm rõ vấn đề bên trong, nhưng tôi có đặt ra một số câu hỏi khá căng và có lẽ khá bất ngờ đối với ông Kỳ.


Tôi nhớ, có một câu hỏi: “Thưa Thiếu Tướng, nếu Thiếu Tướng có dịp, có điều kiện về thăm quê hương, việc làm đầu tiên của Thiếu Tướng là ông có đến thắp nén hương ở Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa để tưởng niệm những nguời lính đã nằm xuống trong cuộc chiến Việt Nam hay không?"


Lúc đó, trong đầu tôi nghĩ, đối diện Nghiã Trang Quân Đội Biên Hòa chênh chếch bên kia xa lộ là Nghĩa Trang Liệt Sĩ. Thâm tâm tôi nghĩ, có thể người ta sẽ mời ông Kỳ đến thắp nhang ở Nghĩa trang Liệt sĩ chăng?


Nhưng tôi không nói đến Nghĩa trang Liệt sĩ với ông Kỳ mà thật ra tôi cũng chưa từng biết đến,  tôi cho rằng khi ông Kỳ về nước ông sẽ biết.


Ông tướng trầm ngâm khá lâu. Một lúc sau ông nói, tôi sẽ nói chuyện này với lãnh đạo của họ. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra gần hai tiếng, đó là ngày 28 tháng 11 năm 2002.



Câu chuyện về nước của ông Kỳ bỗng nổi lên ồn ào ở hải ngoại. Tình hình cộng đồng Quận Cam sôi động hẳn lên về hiện tượng tướng Kỳ về nước. Riêng tôi, nhân dịp ông Kỳ 72 tuổi, tôi có làm một bữa tiệc nhỏ tại nhà hàng Seafood World trên đường Brookhust, Little Saigon đề mừng sinh nhật ông.



Trong bữa tiệc này tôi mời khá đông thân hữu trong ngành truyền thông, và chiếu một số đoạn phim trong cuộc phỏng vấn lần thứ ba với tướng Kỳ cho mọi người xem.


image069


Gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ trong buổi mừng sinh nhật ông Kỳ 72 tuổi tại nhà hàng Seafood World do bổn báo Lý Kiến Trúc đứng ra tổ chức.



Cuộc phỏng vấn lần thứ tư diễn ra cũng khá bất ngờ và khá căng thẳng trong tình hình thời sự chính trị cộng đồng. Chỉ trước đó một ngày, một thân hữu của tướng Kỳ gọi phôn báo cho tôi biết tướng Kỳ đề nghị một cuộc phỏng vấn trước khi tướng Kỳ về Việt Nam.


Tin tướng Kỳ sẽ về thăm Việt Nam râm ran trong cộng đồng. Nhiều luồng dư luận phản đối tướng Kỳ phản bội cộng đồng. Ông Kỳ và tôi trở thành cái đinh khó chịu. Tôi đang đứng trước ngọn lửa, nhưng tôi tin rằng tôi đang làm công việc chuyên nghiệp của một nhà báo. Điều quan trọng nhất đối với tôi là sự trong sạch và ngay thẳng. Tôi nhận lời mời thực hiện cuộc phỏng vấn và mời tướng Kỳ đến tòa soạn báo Văn Hóa.



Tướng Kỳ không đến một mình, ông đi chiếc Ford đen (có người lái), theo sau là bốn thân hữu. Tôi ra tận cửa đón ông, nhìn quanh thấy cả vài người Mỹ lẫn Việt đang đứng xa xa bốn góc, trông có vẻ như bảo vệ cho tướng Kỳ. Hơi ngạc nhiên, tôi mời tướng Kỳ vào tòa soạn.


image053

Cựu Phó TT VNCH, cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ và bổn báo Lý Kiến Trúc trong cuộc gặp gỡ lần thứ tư tại tòa soạn báo Văn Hóa ngày 07/4/2004. Ảnh VH


Ngồi xuống ghế, tôi cám ơn ông đến thăm báo Văn Hóa, tôi đề nghị ngay: "Thưa Thiếu tướng, tôi muốn thực hiện cuộc phỏng vấn này trực tiếp và công khai trên màn ảnh đài truyền hình Saigon TV, (dạo ấy ông Phan Ngọc Tiếu làm gián đốc), Thiếu tướng nghĩ sao?". Tướng Kỳ vui vẻ OK.


Tôi tức tốc gọi phôn cho ông Tiếu về lời đề nghị này. Ông Tiếu vui vẻ nhận lời ngay. Cẩn thận, tôi mời thêm nhà báo Hà Tường Cát báo Người Việt và nhà báo Phan Tấn Hải báo Việt Báo tham dự cuộc phỏng vấn.


Cuộc phỏng vấn được Saigon TV thu hình toàn bộ, dài gần hai tiếng. Riêng tôi có đặt máy Cassette Recorder băng nhựa. Toàn bộ cuộc phỏng vấn do đài Saigon TV thâu hình dài khoảng 2 tiếng, tôi không rõ đài Saigon TV có còn lưu giữ hay không, nhưng sau đó tôi có ngỏ lời xin bản sao để làm tư liệu cho thư viện báo Văn Hóa nhưng Saigon TV không đưa. Sau đó Tướng Kỳ cũng ngỏ lời xin bản sao nhưng vẫn không được.


**


Ngày 23 tháng 7, 2011, nghe tin tướng Kỳ bất ngờ mất tại Kuala Lumpur Malaysia, nhớ lại những lần tướng Kỳ “tâm sự”, trong bốn lần tôi gặp tướng Kỳ, nỗi lòng yêu nước của ông man mác, hầu như suốt đời ông chỉ nghĩ đến quê hương, có lần ông nói với tôi rằng ông ước ao được chết trên quê hương, nay ông lại chết trên xứ lạ quê người.


Tạo hóa thường oái ăm trêu ghẹo những con người có số mệnh gắn liền với vận mệnh quốc gia và lịch sử. Hãy để lịch sử phán xét về những con người nổi trôi với lịch sử. Khi tôi viết những dòng chữ này về tướng Kỳ, tôi không biết “Tro Cốt” của ông đi về đâu, có về với quê hương như lời ông mong ước không".


Nếu có được lời đề nghị, tôi xin đề nghị với bà Lê Hoàng Kim Nicole, các con trai của tướng Kỳ và cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, “Tro Cốt” của Tướng Nguyễn Cao Kỳ nên rải xuống Biển Đông.


Nếu vì lý do nào đó không rải xuống được ở Biển Đông, thì mang về Long Beach thuê chiếc Cessna bay ra bờ tây Thái Bình Dương rải xuống, sóng tây Thái Bình Dương sẽ lùa “Tro Cốt” tướng Nguyễn Cao Kỳ về Biển Đông. Biển Đông là nước của ông.


Tôi nghĩ rằng, Tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ hài lòng mát mẻ nơi chín suối./


Lý Kiến Trúc
Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí Quận Cam
California 27 tháng 7 năm 2011


Bổ túc ngày 11/1/2019


+++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM:


- Lý Kiến Trúc phỏng vấn TT Nguyễn Cao Kỳ năm 2004 trước khi tướng Kỳ về VN.


- Tướng Nguyễn Cao Kỳ: "Đi thăm Trường Sa phải có áo giáp, chiến hạm ..."


- Kêu gọi trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa


- Ông Nguyễn Cao Kỳ hoan nghênh quyết định dân sự hóa Nghĩa trang Biên Hòa


- Gs Lê Xuân Khoa: “Hòa giải với người chết trước"; "Hài cốt tù cải tạo chôn ở đâu?"


- Đại Sứ Mỹ Sẽ Cử 2 Viên Chức Giúp VAF Tìm Mộ Tù, Trùng Tu Nghĩa Trang Biên Hòa


- Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa đi tới đâu (1)?


- Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa đi tới đâu (2)?


- Mỹ-CS Việt "hòa giải" Nghĩa trang Biên Hòa


- "Hòa và "Giải" Nghĩa Trang Biên Hòa ra sao?


- Chuyện gì đây: Đại sứ Ted Osius thăm Nghĩa Trang Biên Hòa


- Thơ của ĐS Ted Osius gởi Dân biểu Edwars Royce và Alan Lowenthal, Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ 


- Nghĩa trang Biên hòa: "Nhân đạo và Chính trị" có đi đôi với nhau?


- DB Lowenthal kêu gọi trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa


- Nghĩa trang Biên Hòa: Phải chăng đây là cách Đồng minh tạ lỗi khi Đồng minh tháo chạy?


- “Sau này nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương”.


- Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn: “Hòa giải Hòa hợp đại đoàn kết dân tộc là mục đích tối cao sau cuộc chiến tương tàn”


- Vì sao cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu không lập Chính phủ lưu vong?