Họp báo tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí Quận Cam: Mạng Lưới Nhân Quyền tố cáo Hà Nội xảo trá UPR / Báo cáo “Quốc gia” không lọt tai Liên Hiệp Quốc

10 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 17728)

image015-content
Ảnh trên từ trái: Các thành viên trong Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam có trụ sở tại California- Tiến sĩ Lê Minh Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Kỹ sư Đỗ Như Điện họp báo tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí Quận Cam hôm Thứ Năm 6/2/2014 tố cáo bản báo cáo “Quốc gia” của Hà Nội trong phiên họp UPR 2014 tại Liên Hiệp Quốc.
Ảnh VH.


Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam nhận định về UPR của LHQ
Thursday, February 06, 2014 6:20:34 PM

Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV)Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) họp báo lúc 2 giờ chiều Thứ Năm tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí (phía trong nhà hàng Zen) ở Westminster để tường trinh về phiên Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân quyền Việt Nam năm 2014.

image016

Cựu Luật Sư Đoàn Thanh Liêm trong phần phát biểu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Buổi họp báo được điều hợp bởi các thành viên của MLNQ, gồm Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng và Kỹ Sư Đỗ Như Điện, đại diện phong trào giáo dân hải ngoại trên bàn chủ tọa, với sự hiện diện của một số đồng hương quan tâm đến vấn đề nhân quyền, các nhà hoạt động nhân quyền và các cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Little Saigon.

Sau khi tình hình nhân quyền được đưa ra xem xét tại UPR về nhân quyền Việt Nam năm 2014 của Liên Hiệp Quốc ngày 5 Tháng Hai tại Geneva, Thụy Sĩ, MLNQVN nhận định rất tiêu cực về những gì phía CSVN đưa ra.

“Phái đoàn Cộng Sản Việt Nam chỉ biết cầm tài liệu soạn sẵn để đọc và hỏi một đàng, trả lời một nẻo,” ông Lê Minh Nguyên, phát biểu.

“Tuy nhiên, có một tin vui là năm người trẻ từ Việt Nam đã can đảm đến tham dự mặc dù có sự theo dõi của công an CSVN, như Nguyễn Anh Tuấn, 23 tuổi và cô Đông Khang. Ngoài ra còn có những người lớn tuổi như mẹ của Luật Sư Lê Quốc Quân, người cha của Trần Huỳnh Duy Thức và nhiều đồng hương không ngại thời tiết giá lạnh, biểu tình bên ngoài phòng họp,” ông nói.

image017

Ông Ngô Văn Hiếu, nhà hoạt động nhân quyền. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Kỹ Sư Đỗ Như Điện nhận xét: “Hầu như đại diện của các cơ quan chính quyền CSVN đều có mặt nhưng lại làm nhục cho Việt Nam vì những số liệu họ đưa ra để trình bày là một trò cười. Thí dụ như họ nói Việt Nam chỉ số thất nghiệp là 1.9% trong khi cả thế giới thấp nhất là 4.5%!”

“Họ coi thường cộng đồng quốc tế và đưa ra những nhận định vô liêm sỉ,” ông gằn giọng.

Kế đó là phần trình bày của cựu Luật Sư Đoàn Thanh Liêm, một thành viên của MLNQ.

“Tôi từng là thành viên của Amnesty International. Tôi nhớ mãi số tiền $1,000 của tổ chức này giúp tôi mua thuốc khi tôi vừa được can thiệp và đến Hoa Kỳ năm 1996. Với kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế về nhân quyền, chúng ta cần sát cánh với họ nhiều hơn nữa và mượn diễn đàn của họ thì sự vận động của chúng ta với quốc tế mới hữu hiệu,”ông Liêm nói.

Sau đó là phần đóng góp ý kiến của người tham dự.

Ký giả Khúc Minh của Radio Bolsa đề nghị “vận động trục xuất CSVN ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ và vận động Hoa Kỳ bất hợp tác với Việt Nam về quan hệ đối tác Thái Bình Dương.”

Ông Ngô Văn Hiếu, một nhà hoạt động nhân quyền lâu năm, cho rằng “người trẻ trong nước đã ý thức về vấn đề nhân quyền và vượt qua sự sợ hãi để đấu tranh, chúng ta cần hợp tác với các tổ chức quốc tế để làm việc chung và dần dần thay đổi cơ chế trong nước.”

Sau hết, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng và các vị chủ tọa nhấn mạnh vai trò yểm trợ những nhà đấu tranh cho nhân quyền trong nước là việc chính của MLNQ.

---
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

Mạng Lưới NQVN tường trình tình hình nhân quyền

(VienDongDaily.Com - 08/02/2014)

Thanh Phong/Viễn Đông


image018-content
Chủ tọa đoàn (từ trái): TS Lê Minh Nguyên, TS Nguyễn Bá Tùng và KS Đỗ Như Điện.

 

WESTMINSTER – Vào lúc 2 giờ chiều thứ Năm, ngày 6-2-2014 Mạng Lưới Nhân Quyền VN đã tổ chức cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí (Quán Zen) để tường trình vấn đề phái đoàn Việt Nam Cộng Sản ra trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhân cuộc kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) diễn ra vào ngày 5 tháng 2, 2014 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Chủ tọa đoàn cuộc họp báo gồm tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng (Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền VN), tiến sĩ Lê Minh Nguyên (Phó Ban) và kỹ sư Đỗ Như Điện (thành viên MLNQVN). Tham dự cuộc họp báo có phóng viên ba nhật báo và 5 đài truyền hình cũng như truyền thanh Việt ngữ. Ngoài ra có một số tham dự viên khác như LS. Đoàn Thanh Liêm, nhà văn Nguyễn Quang, bà Nguyễn Ninh Thuận, các ông Đoàn Thế Cường, Ngô Khánh, Vũ Hoàng Hải, cô Amy Ngô.... Nhà báo Lý Kiến Trúc đảm nhiệm việc điều hợp chương trình.

Sau nghi thức khai mạc, TS Nguyễn Bá Tùng ngỏ lời chào, cám ơn các cơ quan truyền thông và nhà báo Lý Kiến Trúc đã dành địa điểm thuận tiện này cho MLNQ. Sau đó, ông đi thẳng vào vấn đề, cho biết ngày 5 tháng 2 vừa qua, phái đoàn Cộng Sản Việt Nam đã ra trước Ủy Ban Nhân Quyền LHQ tại Geneva để tường trình về tình hình nhân quyền trong nước. Đây là buổi tường trình diễn ra 4 năm một lần. Các quốc gia nghe phái đoàn VN trình bày, sau đó họ đưa ra những ý kiến, khuyến nghị, và VN sẽ tóm tắt những khuyến nghị đó đồng thời tuyên bố nhận hay bác bỏ.

Với tư cách tổ chức phi chính phủ, Mạng Lưới Nhân Quyền VN đã phối hợp với ba tổ chức là Ủy Ban Nhân Quyền tại quốc nội do LS Nguyễn Văn Đài lãnh đạo, Khối 8406 của LM Nguyễn Văn Lý và Liên Hiệp Người Việt tại Canada đệ nạp Bản Lên Tiếng Chung, trong đó nêu ra những vi phạm của nhà cầm quyền CSVN về nhiều khía cạnh. Bản Lên Tiếng này đã được Liên Hiệp Quốc đưa lên website của họ. Bản Lên Tiếng gồm 10 trang được phân phát cho giới truyền thông, trong đó có danh sách 236 tù nhân đang bị giam giữ gồm đầy đủ tên họ, năm sinh và nơi đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ.

TS. Nguyễn Bá Tùng kết luận, “Cuộc đấu tranh của người Việt trong nước và hải ngoại là cuộc đấu tranh dài hạn, và chúng ta vẫn phải tranh đấu cho đến khi toàn dân VN thật sự có tự do, dân chủ và nhân quyền.”

Tiến sĩ Lê Minh Nguyên trình bày tiếp theo, ông cho biết, năm 2013 Việt Nam được vào Ủy Ban Nhân Quyền LHQ, điều này đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới chú tâm vào nhân quyền VN hơn, những tổ chức như NGO, dân sự và các tổ chức bất vụ lợi, nhiều đoàn thể cũng như cá nhân ở hải ngoại và trong nước đã có mặt tại Thụy Sĩ để tham dự, trong đó có tổ chức VOI của LS Trịnh Hội tại hải ngoại. Từ trong nước có mẹ của LS Lê Quốc Quân, cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức và 5 người bạn trẻ như anh Nguyễn Anh Tuấn, cô Đoan Trang.

Một điểm đặc biệt là có ông Đặng Xương Hùng, một viên chức ngoại giao lâu năm của CSVN đã bỏ Đảng, xin tỵ nạn chính trị ngay tại quốc gia đang tổ chức điều trần về nhân quyền để tố cáo tội ác của nhà cầm quyền CSVN, đồng thời ngay phía ngoài phòng họp đã có những cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại. Trong khi đó, bên trong, đại diện phái đoàn VN cầm giấy đọc một bản tường trình tràng giang đại hải. Khi bị chất vấn, hỏi A họ trả lời B, tránh né mọi vấn đề và tìm cách thoái thác, không có khả năng bào chữa.

Ông Nguyên kết luận, đây là hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất, hoàn toàn không chính xác. Vì thế, đây là một trận chiến về nhân quyền, chúng ta cần vạch rõ sự vi phạm nhân quyền của CSVN để tạo áp lực lên nhà cầm quyền, đồng thời tạo niềm tin cho những người trong nước đứng lên đòi hỏi nhân quyền.

Kỹ sư Đỗ Như Điện phân tích bản tường trình của phái đoàn VN, ông cho biết, 106/193 quốc gia tham dự đều muốn biết từ kỳ báo cáo định kỳ năm 2009 đến nay, sau 4 năm tình trạng nhân quyền Việt Nam thay đổi như thế nào. Họ đã thất vọng với những lời báo cáo hết sức dối trá và trơ trẽn, bịa đặt. Thí dụ phái đoàn CSVN nói tại Việt Nam hiện nay nạn thất nghiệp chỉ có 1.99%, ở Việt Nam bây giờ mọi đoàn thể, tổ chức đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình mà không hề bị ai làm khó dễ, hiện có mấy trăm tờ báo và mấy chục ngàn ký giả được tự do viết báo, không hề bị ngăn cấm. Những điều dối trá như thế trẻ con cũng không tin được, nên bản báo cáo của phái đoàn VN là sự coi thường cộng đồng quốc tế và là một sự xỉ nhục cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam khi đưa ra một bản báo cáo “vô liêm xỉ” như thế này.

Kỹ sư Đỗ Như Điện đặt dấu hỏi, “Tôi không biết những người viết bản báo cáo này họ có động não, động tâm không hay trong người họ hoàn toàn không có cái gen biết xấu hổ hay cái gen biết nói thật, mà chỉ biết dối trá mà thôi. Do đó, tôi thấy rằng khi đọc cái bản tường trình này trước cộng đồng quốc tế thì đối với người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại không có gì hơn để nói nữa, chỉ còn một cách duy nhất như ông Yelsin nói, bọn này chỉ có vất vào thùng rác mà thôi.”

Luật sư Đoàn Thanh Liêm cũng lên chia sẻ một chút về tổ chức Amnesty International mà ông đã tham gia từ nhiều năm qua. LS. Liêm khuyến khích mọi người nên tham gia các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền để sớm mang lại hạnh phúc, tự do và dân chủ cho đồng bào trong nước.

Sau phần trả lời một số câu hỏi do các ký giả nêu lên, TS Nguyễn Bá Tùng thay mặt chủ tọa đoàn, cám ơn và xin các cơ quan truyền thông tiếp tay với MLNQ phổ biến các tin tức này đến đồng hương khắp nơi.
Buổi họp báo kết thúc lúc 3 giờ 30 chiều.

 

image020-content

 

 

Trên 200 nước khuyến nghị Việt Nam tại UPR 2014-Liên Hiệp Quốc

Ỷ Lan, thông tín viên RFA tại LHQ
2014-02-08

image021-content

Hội nghị UPR tại trụ sở LHQ ở Genève

Courtesy of atlanticsentinel.co

Chiều thứ sáu, 7 tháng 2, Phúc trình về báo cáo UPR của Việt Nam do nhóm Troika ba nước Costa Rica, Kenya and Kazakhstan soạn thảo và do ông Christian Guillermet, Đại Sứ của Costa Rica trinh bày, đã được Hồi Đồng Nhân quyền LHQ thông qua.

Ông cho biết, có 9 nước đưa câu hỏi trước, và 106 nước phát biểu hôm 5.2 đưa ra 227 Khuyến nghi.

Đáp lời, Trưởng phái đoàn Việt Nam (gồm 23 người), Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, Việt Nam sẽ xem xét kỹ các khuyến nghị, và trả lời vào tháng 6 tới vào khó họp lần thừ 26 của Hồi đồng Nhân quyền LHQ.

Tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất năm 2009, các quốc gia thành viên LHQ đã đưa ra 134 khuyến nghị. Việt Nam chỉ chấp nhận 93 khuyến nghị, nhưng bác bỏ 45 khuyến nghi, là những khuyến nghị quan trọng, cụ thể trong việc cải cách Bộ Luật Hình sự, trả tự do cho tù nhân lương tâm, chấp nhận nền báo chí độc lậpv.v... Nhưng trong thực tế, theo giới quan sát tại LHQ, thì 93 khuyến nghị được chấp nhận nhưng Việt Nam cũng không thi hành.

106 nước thành viên LHQ phát biểu và khuyến nghị tại cuộc Kiểm Điểm Phổ quát hôm 5 tháng 2 chỉ được nói trong vòng một phút năm giây, và theo thể thức “bốc thăm”, nên Na Uy là nước bắt đầu, Na Uy nói rằng :

image022
Hội nghị UPR 2014, Genève

"Tự do ngôn luận là chủ yếu tại các xã hội cởi mở và trong sạch. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam thực hiện đầy đủ bản Hiến pháp (ở điều 69) tuân thủ theo Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị. Na Uy khuyến nghị Việt Nam cho phép các cá nhân và xã hội dân sự quyền chính đáng thăng tiến nhân quyền và công khai biểu tỏ những bất đồng của họ. Truyền thông có vai trò thiết yếu. Na Uy khuyến nghị Việt Nam rằng khung pháp lý cho phép những hoạt động tự do và độc lập giữa địa phương và truyền thông quốc tế tuân thủ theo các nghĩa vụ liên hệ Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị."

Đa số các khuyến nghị đưa ra xoáy vào các vấn nạn tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, việc sách nhiễu các bloggers và xã hội dân sự, yêu sách sửa đổi bộ Luật Hình sự và Tố tụng hình sự theo tiêu chuẩn các Công ước LHQ mà Việt Nam tham gia ký kết, đặc biệt là sửa đổi những điều luật mơ hồ về “an ninh quốc gia” như các điều 79, 88 và 258.

Bà Đại sứ nước Anh, Ruth Tumer, hy vọng sự kiện Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ khiến Việt Nam tôn trọng nhân quyền nhiều hơn. Nhưng bà quan ngại “những hạn chế đối với tư do ngôn luận và xu hướng kiểm soát Internet”. Bà khuyến nghị Việt Nam tôn trọng nghĩa vụ quốc tế theo Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị “để bảo đảm cho mọi công dân có quyền tự do ngôn luận và hội họp mà không sợ bị sách nhiễu hay bị bắt giam”.

Quyền Đại sứ Hoa Kỳ, ông Peter Mulrean nói lên mối âu lo về tình trạng tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo. Ông nói:

“Việt Nam vẫn tiếp tục giam cầm và sách nhiễu những ai thi hành các quyền tự do cơ bản, như tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo, và sách nhiễu các Giáo hội không đăng ký”.

Hoa Kỳ còn lo âu về sự hạn chế thành lập các Công đoàn tự do, vấn đề thiếu nhi lao động và cưỡng bức lao động, những điều luật mơ hồ về “an ninh quốc gia”, và tiếc rằng Việt Nam không cho các xã hội dân sự tham gia vào tiến trình Kiểm điểm UPR. Hoa Kỳ là phái đoàn duy nhất nêu tên các tù nhân chính trị khi ông kêu gọi “trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức.

Canada cũng quan tâm vấn nạn tự do tôn giáo, khuyến nghị Việt Nam “giảm thiểu các trở ngại hành chính và những nhu cầu đăng ký để những hoạt động tôn giáo ôn hòa của các nhóm đăng ký và không đăng ký được tự do tôn giáo và tín ngưỡng”.

Những vấn đề được các quốc gia quan tâm nhất là hủy bỏ án tử hình, tự do thông tin và ngôn luận trực tuyến và ngoài luồng, cũng như yêu cầu Việt Nam hình thành Viện Nhân quyền quốc gia.Thụy Điển khen ngợi sự phát triển mạng mạnh mẽ ở Việt Nam với hàng triệu người sử dụng Internet và Facebook. Nhưng quan tâm tới sự kiện “đang có sự gia tăng kiểm soát Internet và gia tăng sách nhiễu cùng bắt giam công dân mạng. Từ năm 2009, có ít nhất 58 người bị bắt, bị kết án dưới điều luật mơ hồ của an ninh quốc gia cho những hành xử quyền tự do ngôn luận trên Internet”.Hơn 16 nước kể cả Brazil, Đan Mạch, Hung gia lợi, Tây Ban Nha, Úc, Áo, Đức, Pháp phê phán sự kiểm soát và hạn chế Internet, khuyến nghị Việt Nam sửa đổi các luật Internet như Nghị định 72 và 174 vừa thông qua năm ngoái.

Nhưng đại diện bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam bác bỏ, khi trả lời rằng :

“Ở Việt Nam hiện nay không có kiểm duyệt báo chí xuất bản, không có kiểm duyệt thông tin Internet. Chúng tôi khẳng dịnh Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận mà là nhắm điều chỉnh các hoạt động trên Internet, nhằm bảo vệ môi trường Internet phù hợp, lành mạnh, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và bảo vệ lợi ích công cộng”.

Đại diện Phần Lan rất ngạc nhiên và hỏi làm sao Việt Nam lại có thể khẳng định rằng luật pháp bảo vệ tự do Internet. Phần Lan yêu cầu Việt Nam phải giải thích

image023
Phái đoàn Việt Nam tại UPR 22, Genève

thêm.

Ireland phát biểu:“vô cùng quan ngại việc sách nhiễu và bắt giam những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, kể cả nhà báo, bloggers và đại diện các tôn giáo của dân tộc ít người khi họ biểu tỏ ý kiến bất đồng. Chúng tôi nhận thấy thiếu sự độc lập trong ngành truyền thông, cũng như Nhà nước gia tăng xâm phạm vào các dịch vụ cung cấp Internet”.

Nước Áo khuyến nghị Việt Nam “công khai thông tin số lượng các trại giam, kể cả các trung tâm giam giữ hành chính để cai nghiện, do công an, bộ đội và Bộ Lao động thiết lập, cũng như số lượng tù nhân bị giam giữ, và cung cách lao động mà tù nhân phải thi hành”.

Phần lớn các nước Á châu, đặc biệt ASEAN, tỏ ra “đoàn kết” khen ngợi Việt Nam, ngoại trừ Nhật Bản. Nhật Bản phát biểu:

“Chúng tôi có những tin tức về việc chính quyền kiểm soát truyền thông, và thúc ép những cá nhân nào phê phán chính quyền và lãnh đạo Đảng, khuyến nghị Việt Nam tôn trọng tự do báo chí kể cả trực tuyến."

Cộng Hòa Tiệp, một quốc gia cựu Cộng sản, là nước duy nhất hiểu rõ nền tảng nhân quyền chỉ hiện hữu trong một chế độ có tự do, dân chủ. Đại diện Cộng Hòa Tiệp khuyến nghị Việt Nam cho phép nhân dân được tham gia vào các cơ cấu chính trị nhà nước, và thực hiện chế độ dân chủ đa nguyên.

Các nước Tunisia, Azerbaijan, Bỉ, Tiệp, v.v… khuyến nghị Việt Nam mời các Báo cáo viên LHQ về điều tra Việt Nam. Báo cáo viên LHQ về tự do ngôn luận xin đi Việt Nam từ năm 2002, Báo cáo viên bảo vệ những Người đấu tranh bảo vệ Nhân quyền xin đi Việt Nam từ năm 2012, nhưng Việt Nam từ chối. Kỳ này ông Hà Kim Ngọc công bố chấp nhận Báo cáo viên LHQ về Tự do tôn giáo đến Việt Nam vào tháng 7 năm nay./

Hoa Kỳ ra tuyên bố về UPR Việt Nam

BBC - thứ sáu, 7 tháng 2, 2014

image024

Đoàn Việt Nam tham gia Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền của LHQ tại Geneva.

Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ra tuyên bố về sự kiện Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của Việt Nam tại Geneva, hôm 05/2/2014 từ Hà Nội.

Tòa Đại sứ tại Hà Nội hôm thứ Tư đưa phát biểu của Đại biện Lâm thời, Phái bộ Hoa Kỳ, ông Peter Mulrean cho hay Hoa Kỳ hoan nghênh Việt Nam tham gia công ước quốc tế về chống tra tấn và cảm ơn chính quyền Hà Nội đã có bài thuyết trình tại cuộc Kiểm định UPR lần thứ 18.

Tuy nhiên theo Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam vẫn còn có những hành vi đáng 'quan ngại' và 'thất vọng' khi xâm phạm các quyền phổ quát về con người, trong đó có xâm phạm các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hạn chế tôn giáo, ngăn cản xã hội dân sự v.v...

Bản tuyên bố của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ hôm thứ Tư nói:

"Hoa Kỳ cảm ơn đoàn Việt Nam về bài thuyết trình của đoàn,

"Chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn, tiến bộ về bảo vệ quyền của người đồng tính/song tính/chuyển giới, và số lượng đăng ký nhà thờ tăng lên.

"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sách nhiễu và bắt giữ những người thực hiện các quyền hạn và các quyền tự do phổ quát, như tự do ngôn luận và lập hội. Việt Nam cũng hạn chế tự do tôn giáo, và việc sách nhiễu các nhà thờ không đăng ký vẫn diễn ra.

"Chúng tôi quan ngại về sự hạn chế đối với việc thành lập nghiệp đoàn độc lập, về việc sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, và việc chính phủ sử dụng lao động bắt buộc.

"Chúng tôi cũng thất vọng về việc Việt Nam ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình UPR."

'Đề xuất của Hoa Kỳ'

image025

Các phong trào xuống đường của người dân Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Bản tuyên bố của Hoa Kỳ đưa ra ba điểm để xuất với Việt Nam như sau:

"Sửa đổi luật an ninh quốc gia mơ hồ được sử dụng để đàn áp các quyền phổ quát, và thả vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị, như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày và Trần Huỳnh Duy Thức;

"Bảo vệ các quyền của người lao động được quốc tế công nhận và tăng cường thực thi luật cấm lao động cưỡng bức; và

"Nhanh chóng phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn."

Tại cuộc Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền lần thứ 18, một số quốc gia và tổ chức cho rằng Việt Nam đã có một số chuyển biến nhất định trong vấn đề nhân quyền, trong đó có việc vận động trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều điểm phải cải thiện về nhân quyền trong đó Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiều điểm trong 96 khuyến cáo mà Việt Nam đã chấp nhận trong lần kiểm định UPR bốn năm về trước.

"Chúng tôi cũng thất vọng về việc Việt Nam ngăn cản xã hội dân sự tham gia vào toàn bộ quá trình UPR"

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại VN

Nhiều đoàn ngoại giao như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, Đức, Ireland, Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Hungary, Czech và các quốc gia khác đã thẳng thắn chất vấn Việt Nam về những vấn đề mà Việt Nam được cho là vi phạm nhân quyền, đồng thời nêu quan điểm yêu cầu Việt Nam sửa đổi.

Đại diện của Thái Lan tại UPR 18 kêu gọi Việt Nam thành lập một định chế về nhân quyền ở cấp độ quốc gia. Trong khi, Hungary khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy tự do trên mạng.

Việt Nam đang chịu nhiều sức ép hơn trong tư cách mới là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền của LHQ.

Một số tổ chức Phi chính phủ Quốc tế như, UN Watch, cho hay vào ngày 25/2 này, một loạt các tổ chức NGO sẽ nhóm họp ở Geneva và đề nghị khai trừ Việt Nam khỏi Hội đồng Nhân quyền vì theo các tổ chức này "Việt Nam không đảm bảo các quyền tự do cho người dân ở mức cao nhất, tương xứng với tư cách thành viên."

'Luôn tôn trọng nhân quyền'

image026

Việt Nam tham dự UPR lần này với tư cách mới là thành viên của Hội đồng Nhân quyền của LHQ.

Sự kiện kiểm định định kỳ về nhân quyền tại Geneva lần này đã thu hút được sự chú ý của nhiều giới ở trong và ngoài nước.

Đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam gồm nhiều bộ ngành tham gia UPR năm 2014 tại Geneva về cơ bản đã khẳng định nhà nước và chính phủ Việt Nam luôn luôn tôn trọng và thực thi nghiêm túc tất cả các điều luật, công ước quốc tế về nhân quyền và quyền công dân, cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận kể từ lần kiểm định trước hồi năm 2009.

Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Tôn Giáo Chính phủ của Việt Nam có mặt tại Geneva đều khẳng định trong các lĩnh vực cụ thể, Việt Nam đều tôn trọng các quyền của công dân, quyền con người, với chính phủ không kiểm duyệt báo chí, mạng internet, đảm bảo các quyền tự do về ngôn luận, tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc không có tôn giáo, tín ngưỡng, tôn trọng các điều khoản đã ký của công ước quốc tế về chống tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn v.v...

"Mặc dù thừa nhận VN có một số cải thiện về nhân quyền trong một số lĩnh vực, chúng tôi cho rằng báo cáo của đoàn ngoại giao VN không phản ánh đầy đủ và chính xác tình hình nhân quyền của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội và tự do hội họp"

Thông cáo Báo chí Liên Tổ chức

Trong dịp này, tại Geneva, nhiều tổ chức nhân quyền, phi chính phủ và các nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền của Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện liên quan, một số nhóm vận động từ các đảng phái như Việt Tân, The Voice, các cộng đoàn Việt Nam ở hải ngoại đã có các hoạt động gây áp lực lên chính quyền Việt Nam qua các diễn đàn quốc tế xung quanh sự kiện kiểm định.

Còn từ trong nước, một số giới quan sát cũng đã có những đánh giá về nhân quyền Việt Nam, cũng như dự kiến tác động của cuộc kiểm định UPR.

Hôm thứ Tư, 05/2, chuyên gia về nhân quyền luật hiến pháp của Việt Nam từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung nói cho rằng cả sự kiện kiểm định UPR năm 2014 và việc Việt Nam dành ghế nhân quyền đều là những dấu hiệu có tác động 'tích cực và tiến bộ' đối với Việt Nam.

"Trước đây không có được nói và quốc tế cũng không hiểu gì, và đây là nơi để nói và người ta còn có sự kiểm định bằng các đoàn phi chính phủ đến để nói trước các cơ quan nhân quyền quốc tế, thì tôi thấy đấy là một sự tiến bộ," chuyên gia về luật nhân quyền và luật hiến pháp nói với BBC hôm 05/2/2014.

'Không kỳ vọng hiệu quả'

image027

Nhiều tổ chức, cá nhân đấu tranh cho nhân quyền ở hải ngoại tiếp tục gây áp lực với chính quyền VN.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quang A không kỳ vọng kỳ kiểm định UPR sẽ có hiệu quả chuyển đội thực sự về chính sách với chính quyền Việt Nam. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó sẽ có tác động gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam", ông nói với BBC trong cuộc phỏng vấn hôm 5/2.

"Nhưng những áp lực đấy có thực sự hữu hiệu để khiến nhà cầm quyền phải thay đổi chính sách liên quan đến nhân quyền thì tôi e rằng tính hiệu quả của nó là không nhiều."

Trước đó, hôm 04/2, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, qua diễn đàn cuộc Hội luận “Những tiếng nói của Xã hội dân sự bị cấm đoán" do Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền với sự hậu thuẫn của Ân Xá Quốc tế và Human Rights Watch tổ chức, nêu quan điểm:

"Kể từ cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất trước đây, Việt Nam hứa hẹn thực thi nhân quyền. Nhưng trái lại, Việt Nam tung chiến dịch leo thang đàn áp như chưa từng các nhà bất đống chính kiến, và những ai phê phán chính quyền"

Hòa Thượng Thích Quảng Độ

"Kể từ cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất trước đây, Việt Nam hứa hẹn thực thi nhân quyền. Nhưng trái lại, Việt Nam tung chiến dịch leo thang đàn áp như chưa từng các nhà bất đống chính kiến, và những ai phê phán chính quyền. Các bloggers trẻ, nhà báo, những người đấu tranh bảo vệ quyền công nhân, quyền phụ nữ và thiếu nhi đã không ngừng bị sách nhiễu hay bị giam cầm chưa từng thấy xưa nay.

“Cuộc đàn áp cũng nhắm vào các cộng đồng tôn giáo. Bất cứ ở đâu trên thế giới này, tự do tôn giáo đều quan trọng – được ghi rõ tại điều 18 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như trong Hiến Pháp Việt Nam. Là quyền không thể chối bỏ, ngay cả trong thời chiến. Trong hoàn cảnh không hiện hữu những đảng phái chính trị đối lập, các công đoàn tự do hay các tổ chức phi chính phủ độc lập, các tôn giáo là những tiếng nói trọng yếu cho xã hội dân sự, nói lên nỗi bất bình của nhân dân và áp lực cho sự cải cách," lá thư của Hòa thượng Quảng Độ gửi Hội luận từ Việt Nam viết.

Hôm thứ Tư, một thông cáo báo chí liên tổ chức cuar Mạng lưới Blogger Việt Nam, Voice, No U, Dân Làm báo, Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống, Con đường Việt Nam... nêu quan điểm:

"Mặc dù thừa nhận Việt Nam có một số cải thiện về nhân quyền trong một số lĩnh vực, chúng tôi cho rằng báo cáo của đoàn ngoại giao Việt Nam không phản ánh đầy đủ và chính xác tình hình nhân quyền của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội và tự do hội họp.

"Bên canh đó, đoàn ngại giao VN còn đưa ra nhiều thông tin sai sự thật và những lập luận có tính ngụy biện, lảng tránh nội dung chính của câu hỏi trong quá trình báo cáo và trả lời chất vấn."

'Hy vọng đạt đồng thuận'

image028

Một số tổ chức vận động độc lập cho nhân quyền của VN đã tham gia các hoạt động tại UPR 2014.

Từ Hà Nội, hôm thứ Tư, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, nêu quan điểm với BBC cho rằng 'nhận thức' về nhân quyền ở Việt Nam, trong đó ở giới chức chính quyền thời gian gần đây đều đã được cải thiện.

Hôm thứ Năm, từ Sài Gòn, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, luật sư Trần Quốc Thuận cũng thừa nhận 'không khí tự do, nhân quyền' ở Việt Nam thời gian gần đây đã 'dễ thở hơn'.

Tuy nhiên, luật sư Thuận cũng nói thêm nhận thức và thực thi nhân quyền của Việt Nam, hay là khoảng cách giữa 'nói và làm' trên thực tế vẫn còn có khác biệt lớn.

"Pháp luật, chỉ vô hình thức, thì nhìn đâu cũng thấy có, nhưng mà rõ ràng khi áp dụng thì tùy tiện, pháp luật mù mờ và chưa có một điều luật bảo vệ quyền, nhân quyền của người công dân một cách thực sự"

Luật sư Trần Quốc Thuận

Cũng nhân dịp này, hôm thứ Tư, ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Người VN ở Nước ngoài, cựu Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, nêu quan điểm kỳ vọng giữa chính phủ Việt Nam và các lực lượng tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền người Việt Nam ở trong nước và hải ngoại sẽ đạt được một 'đồng thuận' trong vấn đề này.

“Giải pháp... là hai bên nhân nhượng nhau để đạt đến một sự đồng thuận. Có thể sự đồng thuận đó có khó khăn nhưng tôi tin rằng nếu có sự thiện chí của các bên thì chắc chắn một sự đồng thuận là có thể kiếm được,” ông nói với BBC./

Trong và ngoài phòng họp nhân quyền VN

BBC - thứ sáu, 7 tháng 2, 2014

image029-content

Để điều trần về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong bốn năm qua tại Liên Hiệp Quốc hôm 5/2, Hà Nội cử Thứ trưởng Hà Kim Ngọc (thứ nhì từ bìa phải) tới đọc báo cáo. Người phụ trách việc này trong lần Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát - UPR - đầu tiên, ông Phạm Bình Minh, giờ đã là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.
 image031-content

Trước đại diện của hàng trăm nước và nhiều tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động và giới báo chí, ông Ngọc nói Việt Nam đã có nhiều bước tiến về nhân quyền. Phiên UPR của Việt Nam cũng có số lượng kỷ lục các nước phát biểu trong kỳ họp lần này - 107 nước.

image033-content

 

Đại diện Hoa Kỳ nêu rõ tên các tù nhân mà họ muốn chính quyền Việt Nam thả tự do ngay lập tức. Tuyên bố này đã được hàng ngàn người thích trên Facebook của BBC Tiếng Việt.

image035-content

Trong khi Thứ trưởng Hà Kim Ngọc điều trần tại Liên Hiệp Quốc, hàng trăm người Việt từ nhiều nước trên thế giới đã biểu tình phản đối các hành động mà họ gọi là vi phạm nhân quyền của Việt Nam.

image037-content

Một nhóm khoảng mười người Việt từ trong nước cũng đã có chuyến đi vận động dài ngày bao gồm cả các cuộc gặp ở Geneva.
image039-content 

Đoàn người Việt từ Hoa Kỳ trong đó cả các thành viên của Việt Tân lại có những hoạt động riêng rẽ của họ.

image041-content

Tiến sỹ Phạm Chí Dũng đã không xuất cảnh được để tham gia hội thảo nhưng ông gửi tới những người tham dự thông điệp về tầm quan trọng của các tổ chức phi chính phủ qua video thu trước. Người duy nhất đi theo đường chính thức để tham gia các sự kiện xung quanh UPR là luật sư Hà Huy Sơn.

image043-content

Một vị khách đã được cả khán phòng vỗ tay là ông Đặng Xương Hùng, người vừa tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản và đang xin tị nạn chính trị ở Thụy Sĩ.
image045-content 

Trong những ngày trước khi tới Geneva và khi ở thành phố này, BBC đã đề nghị phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Trung Thành của phái đoàn tại Geneva và Thứ trưởng Hà Kim Ngọc. Tối ngày diễn ra UPR, phía Việt Nam nói Thứ trưởng Ngọc đồng ý "về nguyên tắc" sẽ trả lời nhưng sáng hôm sau lại nói ông Ngọc bận việc ở UN.
image047-content

Một trong những hoạt động chính là hội thảo về trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với sự tham dự của khoảng 100 người trong đó có nhiều diễn giả và khách dự quốc tế.

++++++++++++++++

Bài Bình Luận về UPR của Hồng Thuận

Dân tộc được gì qua vận động UPR 2014?

Trinity Hồng Thuận

Nhà hoạt động nhân quyền, gửi cho BBC từ Hoa Kỳ

BBC- chủ nhật, 9 tháng 2, 2014

Nhiều tổ chức NGO và nhà hoạt động độc lập về nhân quyền cho VN có mặt ở UPR 2014.

Cuộc vận động nhân quyền nhân dịp sự kiện Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) 2014 của Liên Hợp Quốc diễn ra vừa qua ở Geneva đã tạo sự quan tâm rất lớn về tình trạng chà đạp nhân quyền quá tồi tệ mà dân tộc Việt Nam đang phải gánh chịu.

Biết trước là không thể chối cãi hay khỏa lấp các chứng cớ quá hiển nhiên, Hà Nội chỉ còn cách đánh lạc hướng công luận.

Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Cộng sản Việt Nam kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, trước kỳ kiểm điểm, đã đổ tội cho “những thế lực xấu” cố tình xuyên tạc nỗ lực thực thi nhân quyền "quá hay" của nhà nước.

Nói tiếp giùm ông Phạm Bình Minh, lại có người khai triển luận điểm đó để cố bảo rằng: vì có đảng phái chính trị tham gia vào cuộc vận động UPR nên Đảng CSVN đã thắng khi 'cuộc tranh đấu cho nhân quyền "không còn chính nghĩa" nữa.

'Kết quả khách quan'

"Tính sổ tại điểm này theo kiểu thắng thua có lẽ là cách nhìn quá hạn hẹp và không đủ nghiêm túc. Hiển nhiên các nhân chứng từ trong nước và bà con ở hải ngoại tham gia vào các sinh hoạt vận động UPR không ngây thơ đến nỗi nghĩ rằng một kỳ chất vấn này mà đủ để thay đổi tình trạng nhân quyền tệ hại tại Việt Nam"

Trước hết, hãy để cho các bằng chứng tự nói lên thực tế của UPR 2014. So với UPR 2009, có 60 phái đoàn các quốc gia tham dự và sau đó đưa ra 146 khuyến nghị đòi hỏi Hà Nội phải phúc đáp.

Đến UPR 2014, có đến 106 phái đoàn các quốc gia tham dự để chất vấn phái đoàn Việt Nam, và sau đó đưa ra 227 khuyến nghị.

Chỉ nội các con số đó đã cho thấy tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không được cải thiện mà đang tồi tệ hơn 4 năm trước tới mức nào.

Các chất vấn và khuyến nghị cũng không chung chung nhưng đi rất sâu vào nhiều lãnh vực cụ thể như bãi bỏ án tử hình; tăng sự độc lập của truyền thông, bao gồm việc cho phép truyền thông tư nhân; cải thiện quyền tự do Internet; chấm dứt những hạn chế đối với quyền tự do phát biểu và tụ họp ôn hòa; xây dựng chính sách đối thoại giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự độc lập; sửa đổi bộ luật Hình sự và luật Tố tụng, đặc biệt xóa bỏ những quy định không rõ ràng về an ninh quốc gia như các điều 79, 88, 258 dùng để kết tội cho những tiếng nói bất đồng với chính phủ hay chính sách nhà nước...

Nhà nước Việt Nam sẽ phải phúc đáp những khuyến nghị này, chậm nhất vào kỳ họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2014.

Như vậy thắng hay thua?

Tác giả cho rằng góc nhìn 'thắng thua thua thắng' với vận động và đấu tranh cho nhân quyền ở VN là 'hạn hẹp'.

Tính sổ tại điểm này theo kiểu thắng thua có lẽ là cách nhìn quá hạn hẹp và không đủ nghiêm túc. Hiển nhiên các nhân chứng từ trong nước và bà con ở hải ngoại tham gia vào các sinh hoạt vận động UPR không ngây thơ đến nỗi nghĩ rằng một kỳ chất vấn này mà đủ để thay đổi tình trạng nhân quyền tệ hại tại Việt Nam. Ai cũng biết chính người Việt Nam phải tranh đấu trường kỳ và tạo áp lực từ mọi phía thì mới mong giành lại được các quyền của mình. UPR chỉ là MỘT cơ hội tốt để (1) góp phần nhắc cả thế giới về sự thật nhân quyền tại Việt Nam và nhắc họ nhớ phải nhìn xuyên qua những tuyên truyền dối trá của Hà Nội để tiếp tục gia tăng áp lực; (2) góp phần thuyết phục đại khối bà con chúng ta rằng các quyền con người là quyền đương nhiên của chúng ta, không ai có thể ngăn cấm, ban phát, hay cướp đoạt.

Với quan niệm như vậy, thì không thể nhìn UPR như một biến cố mang tính kết thúc để rồi gọi đó là thành hay bại. Còn nếu nhìn UPR 2014 như là một bước trong tiến trình đấu tranh của cả dân tộc thì hầu như mọi mục tiêu của lực lượng dân chủ qua sự việc này đều đã đạt được rất tốt đẹp, từ sự liên kết giữa nhiều thành phần đấu tranh quốc tế cũng như Việt Nam, đến sự tiếp tay rất tích cực của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế với chúng ta, đến các lời khuyến cáo thẳng thắn của các phái bộ đối với nhà nước Việt Nam tại buổi chất vấn. Đặc biệt là sự bình thường hóa của một quá trình dân sự với sự tham gia của nhiều thành phần quan tâm, trong đó có các anh chị em đến từ Việt Nam.

Lại cũng có luận điểm khá kỳ lạ, từ góc nhìn "thắng thua thua thắng" đó, rằng: người Việt hải ngoại đã đánh mất cơ hội tạo điều kiện cho phái đoàn nhà nước Việt Nam lắng nghe nguyện vọng của những người đang đấu tranh nhân quyền có mặt tại UPR. Ai có thể quên được thực tế suốt hơn nửa thế kỷ qua lãnh đạo Đảng CSVN có bao giờ muốn lắng nghe nguyện vọng của gần 90 triệu người Việt không, đặc biệt là những nguyện vọng về nhân quyền? Không những vậy họ đã và đang làm gì với những người dân can đảm dám lên tiếng về nhân quyền tại Việt Nam?

“Những thế lực xấu”

"Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội luôn đổ tội những khó khăn, những thất bại kinh tế, chính trị, xã hội, nhân quyền, văn hóa... là do các thế lực xấu, thù địch, phản động gây ra."

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội luôn đổ tội những khó khăn, những thất bại kinh tế, chính trị, xã hội, nhân quyền, văn hóa... là do các thế lực xấu, thù địch, phản động gây ra.

Cách đổ tội này không chỉ nhằm né tránh trách nhiệm của giới lãnh đạo Hà Nội trước những lụn bại mà còn là cách để răn đe hàng ngũ nội bộ đảng và dân chúng.

Đây là cách thức tinh vi để khoanh vùng, cô lập sự liên lạc và phối hợp giữa các lực lượng, cá nhân yêu chuộng tự do, công lý với khối quần chúng đang bị tước quyền trong xã hội.

Thực tế dưới chế độ độc tài hiện nay, mọi tập hợp, sinh hoạt không được nhà nước cho phép đều bị dán nhãn là những "thế lực xấu" bất kể đó là cá nhân hay tập hợp; bất kể mục tiêu là sinh hoạt tôn giáo hay vận động cải đổi chính trị.

Trước kỳ kiểm điểm UPR, ông Phạm Bình Minh dùng nhãn “những thế lực xấu” cũng không ngoài các mục tiêu nêu trên, vừa tự phủi trách nhiệm về tình trạng nhân quyền quá tồi tệ tại Việt Nam vừa để răn đe sự hưởng ứng của các nhân chứng từ Việt Nam cho kỳ UPR này cũng như các tố giác vi phạm nhân quyền từ quần chúng Việt Nam nói chung.

Đảng phái chính trị?

Đại diện chính quyền Việt Nam khẳng định VN luôn tôn trọng các quyền con người và quyền công dân.

Việc cho rằng tập thể các nhà vận động nhân quyền tại UPR 2014 bao gồm các anh chị em trong nước, các đồng bào hải ngoại, và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã đánh mất chính nghĩa và bị lợi dụng thành "công cụ chính trị" chỉ vì có sự tham gia của các đảng phái chính trị là một lập luận vừa lạc hậu trong thế kỷ 21 vừa hàm chứa nhiều ý đồ xấu.

Chúng ta lại phải trở lại với câu hỏi khá cơ bản về "chính trị" hay "làm chính trị". Tham gia giải quyết mọi vấn đề đang đối diện với đất nước đều là "làm chính trị". Vận động để đổi thay thể chế đang cướp đoạt nhân quyền của dân tộc chắc chắn là "làm chính trị". Thúc đẩy hình thành một xã hội có nhiều khuynh hướng để vừa giữ cho đất nước phát triển quân bình, lành mạnh, vừa để cho người dân chọn phương án nào hữu hiệu nhất cho đất nước hiển nhiên phải là "làm chính trị", v.v... Có thể nói một cách rốt ráo: người yêu nước mà không "làm chính trị" thì làm gì?! Và nếu đã "làm chính trị vì đất nước" thì không thể làm một mình mà mơ có kết quả lớn.

Chắc chắn người yêu nước phải kết lại với nhau thành những tập hợp, tổ chức chính trị cùng mục tiêu. Và các tập hợp, tổ chức đó đương nhiên phải cố gắng khai dụng mọi diễn đàn quốc tế như một trong số những vũ khí để giành lại các quyền con người của dân tộc.

"Đây là nỗ lực đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam để sống lại với đầy đủ giá trị của những con người. Con đường tự giải phóng để canh tân đất nước này cần và đòi hỏi sự có mặt của tất cả những người yêu nước"

Đến thời đại Internet này thì chắc chỉ còn rất ít người còn bị nhà cầm quyền Hà Nội tạo chia rẽ với thủ thuật đánh đồng mọi loại "làm chính trị" như nhau và khích tướng với thủ thuật lo âu giùm người khác "đừng để bị lợi dụng". Cả 2 ngụy biện này chỉ thể hiện sự khinh rẻ trí khôn đối với người dân và các nhà hoạt động.

'Sự có mặt của tất cả'

Xem ra con đường đến đích tự do, dân chủ, nhân quyền vẫn còn khá dài trước mặt dân tộc chúng ta mà UPR 2014 chỉ mới là một thành quả đáng kể, đặc biệt với sự nối liền của người Việt trong và ngoài nước, cũng như người Việt với cộng đồng quốc tế tranh đấu cho nhân quyền.

Chúng ta có lẽ vẫn chưa có thể vui mừng tại điểm này vì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn đang đi xuống. Lại càng không thể xem đây là chuyện "thắng thua thua thắng" như những trò chơi, những canh bạc, hay những cuộc chạy đua giành ghế giữa một vài đảng phái như trong xã hội phương Tây.

Đây là nỗ lực đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam để sống lại với đầy đủ giá trị của những con người.

Con đường tự giải phóng để canh tân đất nước này cần và đòi hỏi sự có mặt của TẤT CẢ những người yêu nước./

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi tại California, Hoa Kỳ, thành viên của Đảng Việt Tân, đã tham dự vào cuộc vận động nhân quyền UPR tại Geneva vừa qua.

Ts Nguyn Thanh Giang

 

Thư gi Hi ngh Kim đim đnh kỳ ph quát (UPR) năm 2014


Thưa quý vị
Tôi là một nhà Địa Vật lý 78 tuổi hiện sống ở Hà Nội. Tôi không làm chính trị. Công việc chính của tôi là nghiên cứu về Cổ Địa Từ. Tôi đã nghỉ hưu nhưng vì bị dày vò bởi sự tước đoạt các quyền tự do dân chủ, chà đạp lên quyền con người đối với nhân dân tôi nên tôi đã không thể không lên tiếng. Cuối năm 1998, chỉ vì bài viết “Nhân quyền – Khát vọng ngàn đời” (còn lưu trong thư viện online: www.nguyenthanhgiang.com) trình bầy những nhận thức phổ quát về nhân quyền, trong đó khẳng định: “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” mà tôi bị ông Đỗ Mười – tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ – ra lệnh tống giam. Ngày ấy đã sát Tết Nguyên đán nên một học trò cũ của tôi ở ngành công an nói rằng họ đã xin hoãn chấp hành lệnh. Tuy nhiên đến tháng 3 năm 1999 họ đã tống giam tôi thật sự. Nhờ đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ, Pháp, Úc …và sự can thiệp của Quốc hội Hoa Kỳ cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ họ đã phải thả tôi ra sau mấy tháng biệt giam. Không xét xử, không luận tội nhưng cũng không xin lỗi.
Tuy chưa bỏ tù lâu dài được tôi nhưng họ đã và đang thường xuyên vây hãm, khống chế, cô lập tôi. Trước đây họ cắt điện thoại, cắt mạng internet, nay họ theo dõi, nghe lén 24/24h. Khi nhận được tín hiệu mà họ cho là khả nghi, họ điều động hàng chục (có khi tới dăm chục) công an bao vây và đặt chốt canh công khai ngay trước nhà tôi. Cuộc vây ráp, bắt bớ mới nhất xẩy ra hôm 29 tháng 11 năm 2013 chỉ vì họ nhận được tin tiến sỹ Phạm Chí Dũng – một nhà hoạt động dân chủ – từ Sài Gòn ra Hà Nội làm việc ghé thăm tôi. Báo chí của ĐCSVN không chỉ ngang nhiên gán ghép tôi: phản bội tổ quốc, phản động, gián điệp… mà còn vu khống, xuyên tạc, bôi bẩn tôi rất thậm tệ. Mặc dù không tìm được bằng chứng luận tội nhưng họ vẫn liên tục khám nhà tôi tới 9 lần (sục cả vào thùng gạo, nhà vệ sinh…), lấy đi hàng tạ tài liệu và thiết bị văn phòng, câu lưu thẩm vấn tôi gần 20 lần…

Dẫu sao, nỗi gian truân của tôi không thể nào so sánh với Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nguyễn Xuân Nghĩa… Tôi vô cùng xót thương những người vừa có tấm lòng thiết tha vì con người vừa có trí tuệ cao cả như: Trần Huỳnh Duy Thức, Vi Đức Hồi, Đỗ thị Minh Hạnh, Nguyễn Tiến Trung, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Trần Anh Kim… Tôi cũng mong quý vị quan tâm đến những người dù đã được ra tù hay chưa vào tù nhưng đang sống dở chết dở giữa xã hội vì bị kỳ thị, bị khống chế như Lê thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn, Huỳnh Thục Vy…

Không thể không thừa nhận rằng quyền con người ở Việt Nam đã được thăng tiến đáng kể. Tuy nhiên vì đã được xuất phát từ mức vô cùng tồi tệ kể từ khi ĐCSVN du nhập chủ nghĩa Mác Lênin nên cho đến nay nhân dân tôi vẫn còn bị đọa đầy trong trạng thái thật đen tối.
Ông Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của ĐCSVN, từng tuyên bố: “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Xin quý vị xem xét lại xem, trong lịch sử nhân loại có cái khẩu lệnh nào phản động hơn thế? Những “công cuộc lớn” của ĐCSVN như: Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Xét lại chống Đảng… chính là sự nối dài của chủ trương cơ bản của ĐCSVN: diệt tinh hoa dân tộc. Diệt tinh hoa dân tộc chính là tước bỏ quyền sống, quyền phát triển của dân tộc. Cho đến tận bây giờ ĐCSVN vẫn ngang nhiên trâng tráo cướp đoạt quyền của dân tộc, của đất nước. Mỗi độ xuân về, họ trương khẩu hiệu phải mừng Đảng rồi mới được mừng xuân, mừng đất nước. Họ buộc quân đội trước hết phải trung với Đảng, chứ không phải với nước. Họ buộc công an phải là thanh lá chắn của Đảng…

Rõ ràng vấn đề nền tảng của Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam đã bị hủy hoại từ ngày ĐCSVN chấp chính. Mỗi ngày họ có sửa sang vặt vãnh đôi chút để lấy lòng và lừa mỵ những ai hời hợt cả tin nhưng thực tế vẫn quá tồi tệ.
Tiếc rằng tôi không thể đến trực tiếp với quý vị (Năm 1996 tôi cũng đã từng được mời đến Giơneve để trình bầy một bản báo cáo về Palaeomagnetism tại Hội nghị Địa Vật lý quốc tế nhưng đã bị nhà cầm quyền ngăn trở) nhưng kính mong quý vị hãy chú tâm lắng nghe những đồng sự của tôi là những đại diện cho VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, No-U Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam…

Tôi hy vọng quý vị sẽ có đóng góp thỏa đáng cho việc đòi xóa bỏ điều 258 trong bộ luật hình sự và thả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam
Hà nội ngày 26 tháng 01 năm 2014
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6, Tập thể Địa Vật lý Máy bay, Trung Văn–Từ Liêm–Hanoi. Email: thanhgiang36@yahoo.com, Mob: 0984 724 165

Ts Phm Chí Dũng

Thư điều trần nhân quyền tại Việt Nam


Kính gửi Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc
Đồng kính gửi:- Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc (OHCHR)
- Tổ chức Giám sát nhân quyền Liên hiệp quốc (UN Watch)
- Ban tổ chức Hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc”
- Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Vừa có thêm một bằng chứng sống động nữa về khoảng cách biệt khó che giấu giữa tư duy và cách hành xử về điều được coi là “luôn bảo đảm các quyền con người” của Nhà nước Việt Nam với những tiêu chí nhân quyền có giá trị thực tế hơn rất nhiều của Liên hiệp quốc.
Bằng chứng sống động đó vừa ứng vào trường hợp của tôi - Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập ở Việt Nam.

I. Nhận thư mời từ UN Watch, một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ có chức năng giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên hiệp quốc, tôi đã làm thủ tục visa và đã có vé máy bay để đến Genève tham dự cuộc hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc” vào ngày 4/2/2014, bên cạnh cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam (UPR) diễn ra tại Genève vào ngày 5/2/2014.
Là một trong những diễn giả của cuộc hội thảo trên, bài tham luận của tôi sẽ đặt vấn đề về “Vai trò của các NGO nhằm thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”, trong đó cần kíp xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các NGO quốc tế và các nhóm dân sự Việt Nam nhằm thúc đẩy các vấn đề về quyền con người.
Thấu hiểu hoàn cảnh rất khó được xuất cảnh của tôi, ngày 29/1/2014, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc đã gửi văn thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện thường trực của Chính phủ Việt Nam tại Genève và đại sứ Việt Nam tại Bangkok, đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho chuyến đi của tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Văn thư này cũng nêu rõ một trong những yêu cầu chủ yếu của cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền Việt Nam là sự tham gia của xã hội dân sự, và Liên hiệp quốc khuyến khích các nhóm dân sự và cá nhân Việt Nam tham dự cuộc kiểm điểm này.
Những tin tức mà tôi nhận được cũng cho thấy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam tạo thuận lợi cho chuyến đi Genève của tôi.
Trước tấm chân tình và những tương tác tiến bộ của cộng đồng quốc tế cùng giới hoạt động vì quyền con người ở Việt Nam, không thể khác là trong tôi mang nặng tình cảm xúc động và hàm ơn.
Nhưng bất chấp những vận động nhiệt tình và thiện ý của cộng đồng quốc tế, chuyến bay đi Genève của tôi vào ngày 1/2/2014 từ sân bay Tân Sơn Nhất đã bị ngăn chặn. Tại sân bay này, Cục quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an và cơ quan an ninh của Công an TP. Hồ Chí Minh đã thông báo miệng với tôi rằng “hội thảo ở Thụy Sĩ có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm xuyên tạc và nói xấu nhà nước Việt Nam”, đồng thời những cơ quan an ninh này lập biên bản thu giữ hộ chiếu của tôi.
Trước đây vào tháng 8/2012, tôi cũng đã bị Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo “không nên đi” khi tôi được mời dự Hội thảo mùa hè ở Singapore về cải cách kinh tế Việt Nam. Việc không đồng ý với khuyến cáo của cơ quan an ninh cũng được hiểu là đương sự hoàn toàn có thể bị ngăn chặn tại sân bay nếu vẫn giữ nguyên kế hoạch xuất cảnh.

Gần đây nhất vào giữa tháng Giêng năm 2014, một blogger ở TP. Hồ Chí Minh là Thành Nguyễn đã bị cơ quan an ninh cửa khẩu ngăn chặn chuyến bay tới Mỹ, dù blogger này đã được tòa lãnh sự Hoa Kỳ cấp visa. Theo blogger Thành Nguyễn, phía cơ quan an ninh chỉ đưa ra một lý do rất mơ hồ trong việc ngăn chặn là “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội’.
Theo thống kê sơ bộ của giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, từ đầu năm 2013 đến nay đã có khoảng 10 trường hợp cá nhân bị ngăn chặn xuất cảnh tại các cửa khẩu, tương tự vụ việc của tôi.
Cũng có thông tin trong giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam cho biết hiện đang tồn tại một danh sách lên đến khoảng 2,000 người bị cơ quan an ninh cấm xuất cảnh, trong đó nhiều trường hợp bị ngăn chặn thuộc về các cựu tù nhân lương tâm và những người bất đồng chính kiến.

II. Ngay trước thềm UPR diễn ra ngày 5/2/2014 tại Thụy Sĩ, hành động các cơ quan an ninh Việt Nam ngăn chặn việc xuất cảnh đối với tôi đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân - được ghi nhận tại điều 12 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982; vi phạm nghiêm trọng Điều 23 của Hiến pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 mà theo đó “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Với tư cách một công dân, tôi không vi phạm bất cứ quy định nào về pháp luật xuất nhập cảnh ở Việt Nam. Tôi cũng chưa từng được cơ quan an ninh thông báo về cá nhân tôi không được xuất cảnh.
Vô tình hay hữu ý, hành động ngăn chặn xuất cảnh như trên đã làm xấu đáng kể hình ảnh của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, chứng minh không thể sinh động và cập nhật hơn về việc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một thành viên vừa được bầu của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc - lại vừa ngang nhiên vi phạm các cam kết về nhân quyền của Liên hiệp quốc, vi phạm Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời vi phạm hiến pháp của chính nhà nước này.

Tuy vấn đề xuất cảnh của cá nhân tôi chỉ rất nhỏ bé, song vụ việc ngăn chặn xuất cảnh đối với tôi lại lồng trong khung cảnh nhiều chủ đề về quyền con người ở Việt Nam về dân sinh, dân quyền và chính trị vẫn còn thụt lùi sâu sắc, bất chấp rất nhiều hứa hẹn “sẽ cải thiện” từ phía một nhà nước luôn tuyên xưng “của dân, do dân và vì dân”.
Trong trường hợp cần thiết, tôi sẵn lòng phác tả về bức tranh nhân quyền mang sắc màu u ám trong một Việt Nam đương đại.
Lồng trong khung cảnh thụt lùi sâu sắc về nhân quyền như thế, nhiều công dân Việt Nam như tôi đang khắc khoải mong đợi những tác động đủ mạnh và đủ ý nghĩa từ cộng đồng nhân quyền quốc tế, đặc biệt là cuộc UPR sắp tới, hầu mong có thể phần nào cải thiện não trạng và cải hóa hành vi đối xử nhân quyền của nhà nước và các cơ quan an ninh Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, ý nghĩa của những tác động quốc tế khó có thể tách rời tương lai định chế Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhà nước Việt Nam có thể được chấp thuận tham gia hay không, lồng trong bối cảnh quốc gia này đã chìm trong cơn suy thoái kinh tế kéo dài hơn 6 năm và phía trước là một cuộc khủng hoảng rất khó tránh thoát.
Thư điều trần này được gửi đến Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế liên quan, với lòng kính trọng những điều mà quý vị đang cống hiến cho nền dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu.


Việt Nam ngày 2 tháng 2 năm 2014
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (đã ký).

UPR và tâm thế 'đường ai nấy đi'

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

Gửi cho BBC từ Sài Gòn

BBC - thứ bảy, 8 tháng 2, 2014

image049

Tác giả thất vọng về trình bày của đoàn Việt Nam

Không khí buổi điều trần nhân quyền Việt Nam tại Geneva ngày 5/2/2014 thật kỳ lạ: phái đoàn Hà Nội đã ghi dấu như một trong những tưởng niệm đáng hổ thẹn nhất trong lịch sử Hội đồng nhân quyền LHQ khi bị giới quan sát độc lập nhún vai lắc đầu: “Nói như vẹt!”.

Nhưng chính xác hơn, diễn ngôn của nhóm “luôn tôn trọng và bảo vệ quyền con người” đã được diễn đạt bằng hình thức đọc báo cáo thuần túy, với thời lượng chiếm đến gần 1/6 tổng quỹ thời gian cuộc điều trần.

Não trạng được thể hiện qua cung cách, và bản lĩnh cũng bộc lộ qua hình thức phát ngôn. Rất thường là giới quan chức lãnh đạo Việt Nam đã không có nổi một bài diễn từ ứng khẩu trước công chúng quốc tế. Rất thường là trong tay họ luôn và phải là một tờ giấy với những nội dung bằng tiếng Việt đã được dàn thư ký soạn thảo theo một trình tự không thể lẫn lộn về bố cục và giữa các đoạn văn đọc với nhau.

Đó cũng là cung cách và bản lĩnh của phái đoàn Việt Nam tại UPR Geneva.

'Thủ lợi khôn lỏi'

Tương lai của Hệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng trở nên xa vời trước tư thế cúi đầu đọc báo cáo không thể kiên định hơn của phái đoàn Việt Nam trong phòng điều trần Geneva. Chưa bao giờ số câu hỏi của các quốc gia thành viên lại chất đầy đến thế, nhưng cũng hiếm khi nào quốc gia trả bài lại trở thành thí sinh học thuộc lòng một cách trái khoáy đến như vậy.

Ai hỏi cứ hỏi, nhưng người trả lời luôn tuân thủ quy định “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”. Những cái đầu bóng mượt trồi lên trên bộ complê đắt tiền như tô điểm đáng mặt đồng tiền cho một bộ phận không nhỏ thuộc giới tinh hoa cầm quyền đang bị xác quyết là “thụt lùi sâu sắc về nhân quyền”.

Nhưng nếu quan sát sâu lắng hơn, thái độ bất chấp kỳ lạ đến mức bất chấp sỉ nhục như thế lại như toát lên phần nào quang cảnh nội tình trong nội bộ. Khái niệm nội bộ như vậy lại luôn trở thành tiêu điểm quốc gia kể từ hội nghị trung ương 6 vào tháng 9 năm 2012 kéo dài đến nay, và rất có triển vọng trở nên điểm nóng vào năm 2014 này và tiếp nối cho cả hai năm sau nữa.

Có thể nhận ra những điểm chói nội bộ nếu so sánh cuộc UPR lần này với UPR năm 2009. Vào cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát đầu tiên cách đây 4 năm, Nhà nước Việt Nam đã không nề hà thực thi một loạt “kỹ thuật vận động”, hoặc thủ pháp được coi là “quốc tế vận”. Những quốc gia thân cận về ý thức hệ như Cu Ba, Bắc Triều Tiên luôn chiếm diễn đàn trong một thời gian đủ dài để lớp câu hỏi còn lại của khối quốc gia phản biện là đủ ngắn.

Nhưng vào lần này, cho dù đã có dư luận định hướng về việc “hai trong ba quốc gia chủ trì phiên điều trần là “thân với Việt Nam””, nhóm “troika” gồm ba nước chủ tọa vẫn làm việc một cách công minh và công bằng. Không có bất kỳ thủ đoạn vận động nào qua mắt được ban tổ chức, và những người điều hành ở Hội đồng nhân quyền LHQ cũng không cho phép bất cứ một sự xâm phạm quyền con người nào ở chính nơi đây.
image050

"Dường như tại cuộc UPR vừa qua, Hà Nội đã phải chịu thúc thủ bởi các ràng buộc nhân quyền chặt chẽ mà không còn “linh hoạt và uyển chuyển” theo tính toán của họ được nữa."

Hiện hữu nghiêm khắc trên cho thấy dường như tại cuộc UPR vừa qua, Hà Nội đã phải chịu thúc thủ bởi các ràng buộc nhân quyền chặt chẽ mà không còn “linh hoạt và uyển chuyển” theo tính toán của họ được nữa.

Tuy nhiên, dấu hỏi nghi vấn cũng nên được đặt ra trong bối cảnh trước hàng trăm câu hỏi dồn dập và không thiếu câu hỏi nặng ký của các phái bộ quốc tế, hình thức “đọc bài” của phái đoàn Việt Nam vẫn bảo lưu từ đầu đến cuối buổi điều trần. Lẽ nào năng lực của phái đoàn này đúng nghĩa là “con vẹt” như giới quan sát mô phỏng? Hoặc còn hơn cả thế, phải chăng giới cầm quyền Việt Nam, sau khi lọt vào được Hội đồng nhân quyền, đã tố lên thái độ xem thường của họ trước mọi lời tố cáo về nhân quyền của phần lớn trong cộng đồng quốc tế? Hoặc còn nguyên do tiềm ẩn nào khác?

Trùng thời gian với buổi UPR Việt Nam tại Geneva, đã chính thức xuất hiện tin tức Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama sẽ có chuyến công du châu Á vào tháng 4/2014 tới. Cùng lúc, Thứ trưởng phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Daniel Russel, đã họp báo với thông tin “Hoa Kỳ khẳng định cam kết tham gia và chiến lược tái cân bằng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Sau một thời gian dài kín tiếng, đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng cùng lúc không giấu được thái độ sốt ruột “Việt Nam mong thông báo quan trọng về TPP khi ông Obama đến châu Á”.

Một lần nữa trong bài viết này, chúng ta quay trở lại chủ đề TPP với toàn bộ tâm trạng thèm khát của “quốc gia sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, cùng quan điểm “vô cảm” từ quốc gia phải chấp nhận nhập siêu gần 2 tỷ USD từ Việt Nam trong năm 2013.

Tại Phòng bầu dục cuối tháng Bảy năm ngoái, Obama đã hứa hẹn với Chủ tịch Trương Tấn Sang về khả năng “sớm nhất có thể” hoàn tất ký kết TPP vào thời điểm cuối năm đó. Ngay lập tức, hệ thống báo đảng ở Việt Nam đã “tự diễn biến”: người ta khẳng định với dân chúng và giới doanh nghiệp là chắc chắn cuối năm 2013 hiệp định TPP “sẽ được hoàn tất” đối với Việt Nam. Hàng loạt bài viết tô hồng theo dạng “dưới ánh sáng TPP…” cũng theo đó tràn ngập trên mặt báo chí.

Tuy thế, lòng can đảm và tinh thần kiên định không phải là tất cả. Quy trình thoát lầy luôn là một quy luật có độ trễ, và đáng buồn là độ trễ ấy lại không còn tùy thuộc vào chủ quan duy ý chí của kẻ đang sa lầy gần lút đầu.

“Vẫn còn nhiều việc phải làm” là thành ngữ ngày càng thường trực trên môi giới ngoại giao và thương mại Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc với những cặp mắt mang hình TPP của giới chức Việt. Dường như người Mỹ đã thấm thía và ngày càng vận dụng nhuần nhuyễn cách chơi vẫn bị miệt thị là “thủ lợi khôn lỏi” của giới lãnh đạo Việt Nam.

'Đường ai nấy đi'

Không một lời “càm ràm” bổ sung, Hội nghị UPR 2014 đã kết thúc mà không cần đến những lời chỉ trích quá gai góc về nhân quyền Hà Nội.

Tất nhiên với căn bệnh không cần thuốc chữa của mình, Hà Nội có thể xem UPR chỉ là một thủ tục không hơn không kém. Nhưng khác hẳn với kỳ UPR năm 2009 và khác nhiều hơn nữa với giai đooạn 2006 khi Việt Nam được tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới, giới quan sát quốc tế dường như cảm nhận rõ rệt về tình thế “bất động” cùng những khó khăn bi kịch của đoàn điều trần Việt Nam vào lần này.

image051

"Không còn phong phú tiếng vỗ tay “nhất trí cao” trong đảng như cách đây 7 năm, giới chức lãnh đạo Việt Nam có thể bước vào kỳ UPR năm 2014 với tâm thế “đường ai nấy đi”...Cách hành văn theo lối đọc bài của phái đoàn Việt Nam tại Geneva chính là một bằng chứng sống động phản ánh tình trạng ngõ cụt ấy."

Không còn phong phú tiếng vỗ tay “nhất trí cao” trong đảng như cách đây 7 năm, giới chức lãnh đạo Việt Nam có thể bước vào kỳ UPR năm 2014 với tâm thế “đường ai nấy đi”. Từ đầu năm mới, hàng loạt sự kiện và biến cố gay cấn xen thú vị đã diễn ra. Thông điệp “Nắm chắc ngọn cờ dân chủ” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lời khai chết người của bị cáo nhận án tử hình Dương Chí Dũng mà có thể làm thiệt hại nặng cho “phe lợi ích”, cuộc tưởng niệm bất thành về sự kiện Hoàng Sa, một cái Tết nguyên đán thảm hại chưa từng thấy trong đời sống dân chúng và doanh nghiệp… Tất cả đều dồn nén dưới đáy thùng như chực chờ bùng nổ.

Ở dưới đáy thùng ấy, làm sao các nhóm “đường ai nấy đi” ở Hà Nội còn đủ thời gian, minh mẫn và chuyên chính để chỉ đạo giữ thể diện tối thiểu trong cuộc đối chất tại UPR Geneva? Làm thế nào để những bộ complê nhân quyền ứng khẩu thay cho lối trình bày diễn văn cực kỳ phản cảm trên gương mặt ngoại giao?

Cách hành văn theo lối đọc bài của phái đoàn Việt Nam tại Geneva chính là một bằng chứng sống động phản ánh tình trạng ngõ cụt ấy.

Chưa kể đến những đòi hỏi từ Hoa Kỳ - quốc gia chiếm đến phân nửa thị trường xuất khẩu da giày, dệt may và hải sản của Việt Nam. UPR có thể không quá quan trọng và có thể bị coi thường, nhưng không phải ngẫu nhiên mà người Mỹ lại đặc tả đích danh bốn nhân vật Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Lê Quốc Quân và Trần Huỳnh Duy Thức “phải được trả tự do ngay lập tức”.

Cũng bởi thế, phiên xử phúc thẩm luật sư công giáo Lê Quốc Quân vào ngày 18/2/2014 sẽ là phép thử đầu tiên và đầy thách đố về một cuộc “kiểm điểm nhân quyền bất thường” tiếp nối.

Ai trong chính giới cao cấp sẽ lấy điểm nếu xử lý được tình huống thách đố đó?

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở TP. Hồ Chí Minh./

Cựu lãnh sự VN ở Geneva xin tị nạn

BBC - thứ hai, 3 tháng 2, 2014

image052

Ông Đặng Xương Hùng nói ông ra khỏi Đảng Cộng sản tháng 10/2013

Cựu lãnh sự Việt Nam tại Geneva xin tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ trong lúc sắp diễn ra phiên kiểm điểm nhân quyền định kỳ tại LHQ của Việt Nam, diễn ra ở Geneva.

Ông Đặng Xương Hùng, lãnh sự Việt Nam ở Geneva từ 2008 đến 2012, đã lên kênh truyền hình địa phương Leman Bleu hôm Chủ nhật, cho biết ông xin tị nạn tháng 10 năm ngoái.

 “Bức tường Berlin đã đổ 25 năm trước, nhưng Việt Nam vẫn dưới chế độ cộng sản,” ông nói.

“Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu tiếp tục chế độ độc tài, chế độ độc đảng.”

Tin tức được truyền thông Thụy Sĩ loan đi hôm 3/2, trong lúc sắp diễn ra phiên kiểm điểm nhân quyền định kỳ tại LHQ của Việt Nam.

Ông Hùng nói ông làm tại Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1983, và gọi Việt Nam đang ở trong tình trạng “khủng hoảng” cả về kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế.

Trước đó, trên các mạng xã hội của người Việt, ông Hùng đã công bố thư ngỏ cho biết ông ra khỏi Đảng Cộng sản tháng 10 năm ngoái.

"Tôi từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam và chức vụ Vụ phó Bộ Ngoại giao, xin tị nạn chính trị tại Thụy sĩ để bắt đầu cuộc đấu tranh đòi dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam"

Đặng Xương Hùng

“Đất nước và dân tộc Việt Nam chúng tôi đang sống mạnh mẽ, nhưng chế độ đương thời thì đã lâm bệnh nặng. Căn bệnh có tên là đảng cộng sản Việt Nam,” ông cáo buộc.

Lá thư của ông viết: “Một nước Việt Nam không cộng sản, thực thi dân chủ và tôn trọng nhân quyền là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.”

Trong một bài viết khác về việc kiểm điểm nhân quyền tại Geneva, ông Hùng kêu gọi nhắm đến “đội ngũ cán bộ cấp trung”.

“Trước mắt, hướng đấu tranh vào đội ngũ cán bộ cấp trung đang thực thi nhiệm vụ. Họ là những người có trình độ hiểu biết, được tiếp cận với thế giới bên ngoài, có cơ hội so sánh, phân tích thật- hư. Đây là tầng lớp, nếu họ thay đổi thái độ sẽ làm xoay chuyển chiều hướng tình hình tại Việt Nam.”

Ông viết “cần tập trung vào phân tích cho họ thấy những hành động của họ chỉ có lợi trước mắt là Hà nội có thể tránh được những phê phán của cộng đồng quốc tế.”

“Nó kéo dài thời gian chờ đợi của cả một dân tộc đang mong muốn được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc,” ông viết./

25 Tháng Mười Một 2013(Xem: 15918)
SAN JOSE, California (NV) - Công ty Lee's Sandwiches International vừa ra thông báo phát động và kêu gọi khách hàng cùng quyên góp trong thời gian từ 20 Tháng Mười Một đến 28 Tháng Mười Hai, để cứu trợ nạn nhân bị bão Haiyan tàn phá tài sản và ảnh hưởng đến đời sống của hơn 11.3 triệu người dân ở Philippines. Công ty sẽ đặt những bình nhựa 5 gallon, dùng để nhận tiền cứu trợ của khách hàng, tại tất cả 60 địa điểm Lee's Sandwiches trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 15297)
Chủ Nhật 15 tháng Tư, 2011, tại một nhà hàng ở Tp Westminster, Orange County, California, cựu Luật sư Trần Danh San và cựu Luật sư Triệu Bá Thiệp đã tổ chức buổi tiệc nhỏ trong vòng thân hữu. Thư mời ghi: “để cùng nhau nhớ lại các kỷ niệm đấu tranh
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 16105)
Câu hỏi đặt ra là Đại hội đồng LHQ dựa vào những tiêu chuẩn nào để bầu chọn VN vào danh sách 14 thành viên mới cho nhiệm kỳ 3 trong khi những tổ chức đánh giá nhân quyền độc lập như Human Rights Watch (Theo dõi Nhân Quyền), Amnesty International (Ân xá Quốc Tế), RSF (Tổ chức Phóng viên Không biên giới)…liên tục tỏ ý quan ngại về tình hình vi phạm nhân quyền tại VN.
09 Tháng Mười Một 2013(Xem: 17736)
Trong kỳ bầu cử Tháng 11, năm 2013, ứng cử viên Richard Nguyễn đã đánh bại Nghị Viên Al Hoàng trong Đơn vị F, thành phố Houston. Có khoảng trên dưới mười người trong ban vận động, cùng với gia đình và ủng hộ viên của ứng cử viên Richard Nguyễn, người ra tranh cử chức Nghị Viên Đơn vị F, với NV Al Hoàng, tụ họp trong một căn phòng nhỏ nằm trên đại lộ Kirkwood, để theo dõi kết quả cuộc bầu cử 2013.
05 Tháng Mười Một 2013(Xem: 26193)
LITTLE SAIGON. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cố Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm hy sinh vì Độc lập và Chủ quyền Quốc Gia, một Thánh lễ cầu hồn cho cố TT được cử hành vào lúc 10 giờ sáng ngày 02.11.2013 tại thánh đường Saint Barbara, thành phố Santa Ana, và vào lúc 1 giờ 30 chiều cùng ngày, một buổi Tưởng Niệm cố Tổng Thống và các chiến sĩ Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh vì lý tưởng quốc gia được tổ chức hết sức trang trọng tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở thành phố Westminster.
31 Tháng Mười 2013(Xem: 16250)
Westminster (Bình Sa)- - Tại hội trường Việt Báo lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy 26 tháng 10 năm 2013, Tổng Hội Sinh Viên Nam California đã tổ chức họp báo để thông báo một số chi tiết về việc tổ chức Hội Chợ Tết 2014, tham dự buổi họp báo ngoài các cơ quan truyền thanh, truyền hình và báo chí còn nhận thấy một số đại diện các hội đoàn, đoàn thể trong đó có các Ông: Trần Quan An, Phan Tấn Ngưu, Nguyễn Văn Ức, Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Mạnh Chí, Đoàn Thế Cường, Nguyễn Tấn Lạc, Nguyễn Văn Chính, Lê Nguyễn Thiện Truyền, Nguyễn Tấn Lạc, Ngô Thiện Đức...
24 Tháng Mười 2013(Xem: 19428)
Westminster (Bình Sa)- -Lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật ngày 20 tháng 10 năm 2013 tại Hội trường Việt Báo hơn 200 quan khách, qúy vị nhân sĩ, qúy vị đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các hội đồng hương, qúy cơ quan truyền thông và đồng hương thân hữu tham dự ngày Văn Hóa Lê Văn Duyệt do Hội Lê Văn Duyệt Foundation, Hội cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt và nhóm Cổ Nhạc Niềm Vui phối hợp tổ chức.
21 Tháng Mười 2013(Xem: 17497)
VH - Đại Hội lần thứ XI của Mạng Lưới Nhân Quyền VN do Ts Nguyễn Bá Tùng làm Trưởng ban Phối hợp đã tổ chức 3 ngày đại hội, ngày cuối cùng Chủ Nhật 13/10, một buổi Hội thảo mở rộng về “Giới trè VN hải ngoại và công cuộc đấu tranh vì quyền làm người cho đồng bào trong nước” tổ chức tại hội trường Westminster Music School 9445 Edinger Ave. Buổi hội thảo mở rộng qui tụ giới trẻ dấn thân vào con đường Nhân quyền Dân chủ được coi như nét chấm phá đặc biệt đối với hầu hết các thành viên kỳ cựu trong MLNQ nay đã lớn tuổi.
14 Tháng Mười 2013(Xem: 16487)
WESTMINSTER (NV) - Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thông báo bình chọn các ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Quốc Quân, ba nhà tranh đấu tại Việt Nam, để trao Giải Nhân Quyền 2013.
08 Tháng Mười 2013(Xem: 18280)
SANTA ANA (VB) – Sau hai năm rưỡi nỗ lực và kiên trì theo đuổi các thủ tục và tiến trình vận động xin giấy phép xây dựng Chùa Bát Nhã, vào trưa Chủ Nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2013, các nghị viên đại diện Hội Đồng Thành Phố Santa Ana, Quận Cam, California, Hoa Kỳ, đã chính thức công bố giấy phép cho xây chánh điện Chùa Bát Nhã trong buổi Lễ Động Thổ tại Chùa Bát Nhã, với sự quang lâm của chư tôn đức Tăng, Ni, và sự hiện hiện của các giới chức dân cử tiểu bang California, thành phố Santa Ana, thành phố Westminster, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, tổ chức, cơ quan truyền thanh, truyền hình, báo chí, và đồng hương Phật Tử Việt tại Quận Cam.
07 Tháng Mười 2013(Xem: 19075)
WESTMINSTER, California (NV) - Buổi tiệc kỷ niệm 10 năm thành lập Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster, tối Chủ Nhật xảy ra một trục trặc bất ngờ.
01 Tháng Mười 2013(Xem: 17904)
Giáo sư Nguyễn Thanh Trang, nguyên Chủ tịch Ban Vận Động Thành Lập Đài Á Châu Tự Do (Indochinese Committee for Radio Free Asia) đang đánh tiếng Chiêng đầu tiên khai mạc cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí Quận Cam hôm Thứ Sáu 27/9/2013. Ảnh Thanh Phong.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 18426)
VIỆT BÁO (09/12/2013) Garden Grove (Bình Sa)- - Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, nói đêm Thứ Ba trong buổi họp Hội Đồng Thành Phố Garden Grove rằng ông xin thành phố xem xét để Tổng Hội Sinh Viênt iếp tục tổ chức Hội Tết hàng năm vì đây là Hội Tết lớn nhất ở thế giới tự do.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 15953)
Trong phiên họp tối Thứ Ba, 10 tháng 9 vừa qua của Hội Đồng Thành Phố Garden Grove, Nghị Viên Dina Nguyễn có vu khống cho Tổng Hội Sinh Viên những điều sau đây
18 Tháng Chín 2013(Xem: 15973)
Trân trọng thông báo cùng quý ACE Văn Phòng Thường Trực, Hội Đồng Chấp Hành và Hội Đồng Cố Vấn về cuộc biểu tình ngày 27 tháng 9 năm 2013 tại New York để chống Nguyễn Tấn Dũng đến thành phố này tham dự khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
11 Tháng Chín 2013(Xem: 18080)
Westminster (Bình Sa)- - Trưa Chủ Nhật ngày 8 tháng 9 năm 2013 tại Westminster Rose Center, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng Nam California đã long trọng tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các Anh Hùng Đông Tiến.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 19659)
(VTC News) – Với sự am hiểu sâu sắc, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không ngần ngại ‘mổ xẻ’ các gương mặt đình đám nhất làng nhạc Việt như Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hà Hồ.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 18660)
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 chỉ buồn cười khi đọc tâm thư của Đàm Vĩnh Hưng, ông bảo: 'muốn nói lại cũng phải có lễ phép'.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 20055)
(VTC News) - Trước những lời chê thẳng thắn và không tiếc lời của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, Đàm Vĩnh Hưng giở trò 'đốp chát' đáp trả ngay trên trang cá nhân.
11 Tháng Tám 2013(Xem: 19188)
Ông Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ gặp những cuộc biểu tình lớn. Hàng trăm người Mỹ gốc Việt đã tụ tập trước Toà Bạch Ốc để đòi hỏi trả tự do cho những nhà đối kháng như luật sư Lê Quốc Quân, nhạc sĩ Việt Khang...