Viên cảnh sát khiến George Floyd thiệt mạng bị cải tội danh thành sát nhân

05 Tháng Sáu 20208:53 SA(Xem: 7276)

VĂN HÓA ONLINE - CỘNG ĐỒNG - THỨ SÁU 05 JUNE 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


image011


Mỹ: Viên cảnh sát khiến George Floyd thiệt mạng bị cải tội danh thành sát nhân


04/06/2020


image012

Chưởng lý bang Minnesota Keith Ellison (p) loan báo tội danh "sát nhân" nhắm vào viên cảnh sát Derek Chauvin đã khiến nạn nhân George Floyd thiệt mạng. Ảnh chụp ngày 03/06/2020 tai thành phố St. Paul, bang Minnesota (Hoa Kỳ). REUTERS - ERIC MILLER


Trọng Nghĩa


Tại Hoa Kỳ, chưởng lý bang Minnesota vào hôm qua 03/06/2020 đã nâng cao mức truy tố nhắm vào viên cảnh sát Derek Chauvin đã gây ra cái chết của George Floyd. Chauvin giờ đây bị truy tố về tội sát nhân chứ không còn là ngộ sát như vào lúc đầu. Ngoài ra, ba cảnh sát viên khác ở Minneapolis bị truy tố về vai trò của họ trong vụ việc dẫn tới cái chết của George Floyd.


Quảng cáo


Với tội danh bị nâng lên mức cao hơn, bị can Derek Chauvin có thể bị mức án nặng hơn. Thông tín viên RFI, Anne Corpet tường thuật từ Washington :


Tội danh nhắm vào Derek Chauvin như vậy đã nặng thêm một cách đáng kể. Giờ đây ông có thể bị đến 40 năm tù thay vì 25 năm như trước. 3 người cảnh sát đi cùng, đã bị cáo buộc tòng phạm.


Luật sư của gia đình của George Floyd cho biết rất hài lòng về quyết định của viên chưởng lý.


Dù đó là đòi hỏi của những người biểu tình, các quyết định truy tố này chưa làm cho phong trào phản đối lắng dịu.


Biểu tình vẫn tiếp tục ở tất cả các thành phố lớn. Cựu tổng thống Barack Obama đã hoan nghênh phong trào và tuyên bố là ông nhìn thấy trong các cuộc biểu tình một dấu hiệu hy vọng cho tương lại.


Về phần tổng thống Mỹ Donald Trump, ông tiếp tục tố cáo một phong trào bị các phần tử cực đoan có ý đồ xấu lũng đoạn, cho dù các vụ cướp phá ngày càng trở nên hiếm hoi hơn.


Ông Trump cũng đã bị tướng James Mattis, cựu bộ trưởng Quốc Phòng của ông, chỉ trích gắt gao. Trong một bài viết ủng hộ người biểu tình, ông Mattis tuyên bố : « Trong cuộc đời của tôi, Donald Trump là tổng thống đầu tiên không đã không cố gắng tập hợp người Mỹ. Ngược lại ông ta còn tìm cách chia rẽ họ ». 


++++++++++++++++++++++++++++++++


Vì sao cảnh sát Mỹ quỳ gối với người biểu tình?


04/06/2020


TTO - Trong truyền thống văn hóa và tôn giáo Âu Mỹ, quỳ gối vẫn luôn được xem là biểu tượng của sự tuân phục, hối lỗi, cầu xin hay cảm tạ.


image013

Lực lượng cảnh sát tại Atlanta, Georgia cùng quỳ gối thể hiện sự đồng cảm với người biểu tình - Ảnh: Reuters


Nhưng cái chết thương tâm của người đàn ông da màu George Floyd đã đưa hình ảnh quỳ gối trở thành biểu tượng lan rộng khắp nước Mỹ và cả thế giới. Nó là nút mở và nhiều khả năng cũng là nút thắt cho tình trạng bạo loạn đang diễn ra ở xứ cờ hoa.


Quỳ gối đoạt mạng


Tối 25-5, sau 8 phút 46 giây, George Floyd đã qua đời vì nghẹt thở do sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin quỳ gối tì ngang cổ ông bất chấp những lời van nài yếu ớt.


Cái chết của George Floyd một lần nữa châm ngòi cho cuộc biểu tình bạo động chống phân biệt chủng tộc quy mô lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 1992.


Không hề có nổ súng, không hề có đánh đập đẫm máu như nhiều vụ bạo lực cảnh sát khác mà người da màu tại Mỹ phải hứng chịu lâu nay, nhưng điều đó không có nghĩa là sự tàn bạo trong vụ việc này giảm bớt. Trái lại, toàn bộ quá trình cho thấy một mức độ bạo lực mới tinh vi và vô cảm hơn của lực lượng cảnh sát Mỹ trong những vụ "đụng độ" với người da màu, mà trong trường hợp này là một người da màu không có vũ khí.


Kết quả là, dù sự việc xảy ra trên đường phố đông đúc với rất nhiều video ghi lại diễn biến từ đủ mọi góc độ khác nhau nhưng việc Chauvin vô tình hay cố ý, hình phạt dành cho anh ta như thế nào là hợp lý vẫn đang gây tranh cãi kịch liệt và không dễ phân định trắng đen.


Hành động quỳ gối chèn cổ này ngay lập lức đã trở thành một biểu tượng của sự đàn áp bạo tàn và được người biểu tình tái hiện trên các đường phố khắp nước Mỹ.


Quỳ gối hòa giải


Thật trớ trêu thay, cũng với cùng một tư thế khuỵu gối như thế, lực lượng cảnh sát Mỹ đang nỗ lực xoa dịu làn sóng giận dữ mà những cựu đồng nghiệp của họ đã gây ra.


Tại thành phố Lincoln, bang Nebraska miền Trung Tây nước Mỹ, biểu tình bạo động chuẩn bị bước vào đêm thứ tư bất chấp lệnh giới nghiêm thì căng thẳng đã được xoa dịu bởi cuộc đối thoại trực tiếp của đoàn biểu tình với thị trưởng Leirion Gaylor Baird và hành động bất ngờ của cảnh sát trưởng bang - Mike Jahnke.


Ông đã quỳ gối 9 phút trước đoàn người để tưởng niệm George Floyd. Cuộc biểu tình sau đó đã tiếp tục diễn ra trong ôn hòa và bước sang đêm thứ 5 trong trật tự. Về phần mình, chính quyền thành phố cũng đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm để thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng và ủng hộ.


Ngoài ra, để hiệp thông với thông điệp yêu cầu bình đẳng và công lý đối với những người biểu tình, lực lượng cảnh sát Nebraska đồng thời đưa ra thông điệp: "Hold cops accountable" - "Cảnh sát cũng có trách nhiệm".


Thiếu tá Jahnke không phải là người tiên phong thực hiện nghi thức có tính biểu tượng rất cao này để tỏ bày sự ủng hộ thông điệp chống bất công, chống bạo lực với người da màu. Các đồng nghiệp của ông ở New York mới là những người đầu tiên quỳ gối trước đám đông đang sôi sục giận dữ. Tiếp theo sau đó, cảnh sát tại Florida, Washington, California, Oregon, Georgia... cũng đồng lòng hưởng ứng hành động đẹp này.


Với mỗi người cảnh sát khuỵu gối trước đoàn người biểu tình, quỳ gối có thể sẽ mang một ý nghĩa riêng nhất. Với mỗi một người xuống đường bày tỏ chính kiến, hành động này cũng sẽ được hiểu theo những cách khác nhau.


Nhưng dù được diễn giải như thế nào, hành động quỳ gối biểu tượng cũng ngay lập tức tạo lập một không khí hòa hiếu, giảm nhiệt cho những cái đầu nóng hừng hực đang đòi hỏi được lắng nghe, được nhìn thấy. Mà để thực sự lắng nghe và nhìn thấu thì còn gì tốt hơn là khuỵu gối lặng thinh?


Lựa chọn lùi bước đối thoại, cúi đầu nhận lỗi chắc chắn không phải là giải pháp duy nhất cho biểu tình bạo động tại Mỹ trong bối cảnh bạo lực, cướp phá, hôi của leo thang, nhưng chí ít nó bồi đắp thêm lòng tin vào một giá trị tốt đẹp chung cho một quốc gia đa chủng tộc, lúc nào cũng phức tạp và hiện thời đang phân cực sâu sắc. PHÚC AN (từ Nebraska, Mỹ)


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


3,000 người biểu tình ôn hòa tại Garden Grove đòi công lý cho ông Floyd


Jun 4, 2020 cập nhật lần cuối Jun 4, 2020


image014

Một cô gái gốc Việt cầm biểu ngữ, ủng hộ người gốc Châu Phi trong cuộc biểu tình ở Garden Grove. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)


Đằng-Giao/Người Việt


GARDEN GROVE, California (NV) – Khoảng 3,000 người biểu tình ôn hòa để phản đối cái chết của ông George Floyd, vào lúc 3 giờ chiều Thứ Tư, 3 Tháng Sáu.


Ông Floyd, cư dân Minneapolis, Minnesota, bị ba cảnh sát viên đè lên người hôm 25 Tháng Năm, và qua đời sau đó.


Trong lúc bị còng tay, ông Floyd còn bị cảnh sát viên Derek Chauvin đè đầu gối lên cổ khoảng 9 phút.


Vụ này làm dấy lên một làn sóng biểu tình và bạo động khắp nước Mỹ trong tám ngày qua.


Cuộc biểu tình ở Garden Grove được dự định bắt đầu lúc 4 giờ chiều tại tòa thị chính Garden Grove, nhưng được bắt đầu sớm hơn một tiếng vì thành phố ban hành lệnh giới nghiêm lúc 6 giờ chiều.


Địa điểm tập trung mới là công viên Village Green ở góc đường Euclid và đường Main. Ngay từ lúc 3 giờ có rất đông người tập trung, sẵn sàng với biểu ngữ trên tay.


Đại đa số người biểu tình là thanh thiếu niên.


Cô Nicole Nguyễn, một thành viên ban tổ chức, nói: “Ban đầu, nhóm tổ chức của chúng tôi chỉ chừng 15 người, toàn sinh viên và học sinh. Nhưng rồi các thiện nguyện viên liên lạc và muốn giúp đỡ cho nên hiện giờ, tôi không thể nào biết có bao nhiêu người trong nhóm tổ chức.”


image015

Có nhiều người trẻ gốc Việt tham gia biểu tình ở Garden Grove, ủng hộ dân quyền cho người gốc Châu Phi. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)


Về lý do chọn Garden Grove làm địa điểm biểu tình, cô Nicole trả lời: “Chúng tôi là nhóm tuổi trẻ gốc Việt nên muốn cộng đồng người Việt mình ở đây quan tâm hơn đến những chuyện như thế này.”


Cô nói thêm: “Tôi không thể hiểu vì sao người lớn lại thờ ơ đến tình hình thời sự và dân quyền như vậy.”


Cuộc xuống đường hôm nay được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tổ chức trong không khí hòa hoãn và hoàn toàn không bạo động, theo cô Nicole.


“Chúng tôi có hơn 15 ‘peaceful guider’ (người gìn giữ sự ôn hòa), là những người có nhiệm vụ canh giữ trật tự, không cho ai gây trở ngại giao thông, và không để ai bị thương cả. Ai cần, họ có phương tiện băng bó ngay. Ngoài ra, chúng tôi có người phát thực phẩm và nước nữa,” cô Nicole cho biết.


Ban tổ chức cũng làm việc chặt chẽ với cảnh sát Garden Grove để ngăn chận kẻ gian trà trộn làm chuyện xấu hoặc dẫn đến chuyện hôi của.


Trong số người tham dự, có khá nhiều thanh niên gốc Việt, cả nam lẫn nữ.


image016

Một cô gái cầm chân dung ông George Floyd. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)


Anh Kevin Vinh Trương, sinh viên đại học Golden West College, nói: “Người gốc Việt chúng ta được nhờ vào rất nhiều công lao tranh đấu của người gốc Châu Phi cho quyền bình đẳng trên đất nước này. Họ đã mở đường cho chúng ta từ hồi thập niên 1960 và tôi đến đây để nói lên sự biết ơn của mình cũng như nói lên sự bất mãn của mình trước những hành vi ‘côn đồ’ của bốn cảnh sát liên quan đến cái chết oan ức của ông Floyd.”


Cô Sabrina Trần, sinh viên đại học Orange Coast College, chia sẻ: “Tôi muốn tham dự cuộc biểu tình này vì cái chết của ông Floyd là một sự vi phạm dân quyền quá trắng trợn.”


Được hỏi có sợ bị bắt không, cô cứng rắn trả lời: “Tôi nghĩ trong bất cứ cuộc đấu tranh nào cũng phải có hy sinh. Nếu bị bắt, tôi tin tôi có khả năng đối phó với cảnh sát.”


Cô Thúy Liễu Nguyễn, bạn cô Sabrina, góp lời: “Khi họ (cảnh sát tại Minneapolis) chà đạp dân quyền của ông Floyd, họ chà dạp dân quyền của mọi người. Tôi muốn đấu tranh cho dân quyền của mọi sắc tộc nên muốn xuống đường hôm nay.”


Anh Austine Matinez, một người bạn khác của cô Sabrina, hăng hái nói: “Xuống đường cũng như đi bầu thôi. Tôi nghĩ sự có mặt của tôi hôm nay cũng đủ nói lên chuyện tàn ác của cảnh sát là sai phạm và phải chấm dứt ngay. Tôi vừa nghe bạn tôi nhắn tin là ba người cảnh sát trong nhóm của ông Chauvin vừa bị bắt tức thì.”


image017

Hai học sinh gốc Việt cầm biểu ngữ phản đối cảnh sát và kêu gọi hướng dẫn nhau biểu tình. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)


Anh chia sẻ thêm: “Vậy thì những cuộc xuống đường từ ngày 26 Tháng Năm đến giờ trên toàn quốc đã là lá phiếu yêu cầu cảnh sát phải tôn trọng dân quyền, phải dẹp bỏ sự tàn ác.”


Anh Hiếu Nguyễn, thành viên nhóm Viet Rainbow of Orange County, nói: “Tôi xuống đường hôm nay đấu tranh cho người gốc Châu Phi, vì nếu không, mai mốt đến lượt chúng ta bị ngược đãi thì sao? Vì vậy, đấu tranh hôm nay chính là đấu tranh cho chúng ta, vì tất cả chúng ta là thiểu số.”


Đoàn biểu tình bắt đầu đi trên đường Main, quẹo phải trên đường Garden Grove, đi về hướng Tây, rẽ phải vào đường Brookhurst, tiến về hướng Bắc, quẹo phải tại đường Chapman, tiến về hướng Đông, rồi quẹo phải đường Euclid, trở về khu Village Green.


Đoàn người đi chiếm toàn bộ lòng đường bên phải, được cảnh sát hướng dẫn và bảo vệ, rất ôn hòa và trật tự.


Vừa đi, họ vừa hô to những khẩu hiệu như “No Justice, No Peace,” “Black Lives Matter,” “Hands Up, Don’t Shoot,” “George Floyd,” “Democracy…”


Nhiều “peaceful guider,” suốt cuộc tuần hành, đi len vào đoàn người để phân phát nước uống, bánh “cookie” và chuối cho họ.


image018

Đám đông biểu tình nằm xuống như đang bị cảnh sát bắt. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)


Đáng chú ý là khi đến đường Chapman, đoàn tuần hành bị cảnh sát Garden Grove chặn lại.


Lúc đó, một số người biểu tình quỳ xuống, đưa hai tay lên trời như để chứng tỏ rằng họ không muốn có va chạm với cảnh sát.


“Y như chúng tôi dự định. Về đến Village Green là 5 giờ 30, đúng giờ để chúng tôi kịp giải tán, tôn trọng luật giới nghiêm,” cô Nicole nói một cách hài lòng.


Trước khi về, nhiều người nằm sấp xuống bãi cỏ, đưa tay ra sau lưng, giống như thể là tư thế của ông George Floyd bị còng, và nghe một số diễn giả thuyết trình ngắn gọn, đồng thời hô vang một số khẩu hiệu nữa.


Có thể nói, đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Garden Grove trong hàng chục năm qua, và rất ôn hòa.


Không ai bị bắt, không cửa tiệm nào bị đập phá, không ai bị thương tích gì, và người biểu tình rất tôn trọng hướng dẫn của cảnh sát.


Tại các nơi khác ở Orange County trong ngày Thứ Tư cũng có một số cuộc biểu tình.


Tại Irvine, hơn 500 người biểu tình bên ngoài tòa thị chính sang đến ngày thứ tư.


Tại Newport Beach, hàng trăm người tham gia ba cuộc biểu tình tại Baboa Peninsula, trên đường MacArthur, và trên xa lộ Pacific Coast Highway. [đ.d.]


Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com


+++++++++++++++++++++++++++++


Quận Cam thở phào vì biểu tình diễn ra ôn hòa


04/06/2020


TTO - Nhiều doanh nghiệp ở Garden Grove thuộc Quận Cam ở bang California, Mỹ - khu vực đông người gốc Việt - đã tạm gác lo lắng khi cuộc biểu tình ngày 3-6 diễn ra trong ôn hòa.


image019

Một phụ nữ tham gia biểu tình với dòng chữ: "VIETNAMESE FOR BLACK LIVES" (Tạm dịch: người Việt vì mạng sống của người da màu) - Ảnh: TWITTER


Gần 16h ngày 3-6 (giờ địa phương), lượng người đổ về công viên Làng Xanh gần tòa thị chính Garden Grove ngày càng đông. Trong số này có cả những người Mỹ gốc Việt sống ở địa phương.


Họ tập trung để biểu tình phản đối tình trạng sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát và yêu cầu công lý cho George Floyd, người da màu bị cảnh sát ghì cổ tới chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota hôm 25-5.


Một nghị viên của thành phố cho biết chứng kiến các cuộc biểu tình ở những nơi khác thường kết thúc trong bạo động, cướp phá hôi của, chính quyền Garden Grove đã quyết định ban hành lệnh giới nghiêm từ 18h hôm trước đến 5h sáng hôm sau trong hai ngày 2 và 3-6.


Thông báo giới nghiêm được chính quyền Garden Grove đăng trên trang web chính thức của thành phố bằng tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Anh.


Lo sợ cửa hàng bị đập phá và hôi của, nhiều tiểu thương buôn bán trên Main Street - khu phố cổ nổi tiếng của Garden Grove - đã gia cố và đóng kín các lối ra vào bằng những miếng ván lớn. Một số nhóm tình nguyện viên đã được tổ chức để giúp đỡ những người này.


Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ mà chính quyền và tiểu thương Garden Grove lo lắng đã không xảy ra.


Sau khi quỳ gối một chân và dành 10 phút mặc niệm, đoàn biểu tình hàng ngàn người bắt đầu di chuyển theo lộ trình đã định. Họ đi ngang qua khu Main Street, đại lộ Garden Grove, đường Brookhurst và trở về công viên Làng Xanh.


Tờ báo địa phương Orange County Register mô tả đám đông biểu tình trong ôn hòa, họ vừa đi vừa hô tên George Floyd và Breonna Taylor, một nữ nhân viên cấp cứu bị cảnh sát Louisville bắn chết tại nhà ngày 13-3.


Không có đụng độ nào giữa cảnh sát và 3.000 người biểu tình. Một vài đoạn clip trên Twitter còn cho thấy cảnh người biểu tình cụng tay với cảnh sát khi đi ngang qua các chốt an ninh.


Khoảng 17h20, cảnh sát thông báo người biểu tình còn nửa tiếng để giải tán vì sắp đến giờ giới nghiêm. Tuy nhiên, đến 18h vẫn còn khoảng vài trăm người ở lại. Cảnh sát lại tiếp tục thông báo và cho những người này thêm 30 phút để giải tán. Sau hơn 20 phút, cuộc biểu tình ôn hòa chính thức kết thúc khi ai về nhà nấy và không có vụ bắt giữ nào xảy ra.


Chứng kiến cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, nhiều người dân ở Garden Grove đã thở phào nhẹ nhõm. Một nghị viên gốc Việt chia sẻ chính quyền ủng hộ việc người dân biểu tình để kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc nhưng đó phải là các cuộc biểu tình ôn hòa, không bạo lực.


Thống kê của chính phủ Mỹ năm 2010 cho thấy Garden Grove là thành phố đông người gốc Việt thứ hai ở Mỹ với hơn 47.000 người, chỉ sau San Joe cùng tiểu bang California.