Triết học đã chết

01 Tháng Mười 20206:27 SA(Xem: 7755)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ NĂM 01 OCT 2020

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com (VănHóa Online-California)


Triết học đã chết

image007

Hà Văn Thùy


Ai, ai dám nói những lời báng bổ như vậy? Cố nhiên không phải Hà Văn Thùy mà là Stephen Hawking, bộ óc thông tuệ bậc nhất của thời chúng ta. Trong cuốn Đại thiết kế (The Grand Design - 2010), ông khẳng định: Triết học đã chết- Philosophy is dead!


Điều này không bất ngờ, vì đó chỉ là sự khái quát ở mức cao hơn một nhận định từ trước, có hơi hướng mỉa mai, cũng của chính ông trong cuốn sách rất nổi tiếng khác – Lược sử thời gian (A Brief History of Time-1988) – rằng: “Nhiệm vụ còn lại của Triết học chỉ là trò phân tích ngôn từ!” Tuy nhiên, Hawking không phải người đầu tiên có ý tưởng như vậy. Voltaire từng nói: “ (Triết học) chỉ là xuyên tạc đời sống, nó chỉ là thức ăn nuôi trí tò mò của con người.” Nietzsche (1844 – 1900) cho rằng: “Hồn sâu xa của Hy Lạp chịu ảnh hưởng của Đông Phương huyền bí nên cũng có một dòng huyền niệm đi liền với một dòng tư duy sáng sủa… Cái hồn ấy bị Socrates bóp chết bằng tuyên dương lý trí: lấy ý thức sáng sủa minh nhiên mà xua đuổi năng lực ẩn tàng nên Socrates chỉ biết phê bình mà không hề kiến thiết và ông thiếu hẳn óc huyền niệm bởi năng khiếu biện l‎ý đã được vun tưới đến mức cực đoan nên đã cắt đứt với dòng truyền thống”(1)  Karl Jaspers (1883 – 1969) nhận xét: “Thời Trục là thời giàu về tinh thần đến tột bực, còn thời ta tuy có những phát minh về máy móc lớn hơn những phát minh Thời Trục, nhưng về mặt tinh thần không gì có thể so sánh được với những suy tư của một Khổng, một Lão, một Thích Ca.” “Ông hô hào phải trở lại những giá trị Thời Trục là thời đã tạo dựng những giá trị truyền thống. Đó là phương thuốc duy nhất để đoàn tụ nhân loại.” (1) Martin Heidegger (1889 – 1976) cho rằng “nền móng siêu hình cổ điển đã sai lạc vì hiểu chữ tính thể thành hiện tượng của sự vật thường nghiệm. Do đó thay vì nói về tính thể u linh, thì Triết học Cổ điển chuyển thành hữu thể, là vật thể tầm thường. Do vậy, Triết Cổ điển là thiếu căn cơ, tức thiếu nền tảng.” (1)


“Tóm lại, ba triết gia Nietzsche, Jaspers, Heidegger nhận ra rằng, vì những sai lầm của các bậc tiền bối Socrates, Plato, Aristotle mà Triết cổ điển phương Tây bị cắt đứt với truyền thống tâm linh, tức cội nguồn Minh triết, trở thành duy lý, dưới hình thức một tri thức luận, một lĩnh vực chuyên môn nên không có ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống. Bởi lẽ, đời sống có tính cách toàn diện chứ không chỉ giới hạn ở lý trí. Sống đòi hỏi không chỉ có suy tư mà còn biết cảm xúc cũng như cả hành động tiến tới hiện thực. Sau khi tách rời khỏi Minh triết, Triết học không còn đóng nổi vai trò hướng đạo cuộc sống. Trong khi đó, con người vẫn cần phải sống, cần được dẫn dắt. Nhưng vì thiếu Minh triết nên người ta phải tạm “xài đỡ” đạo lý đời thường (common sense). Đó chính là nguyên nhân của tình trạng ngộ nhận giữa Minh triết, Triết học, đạo lý đời thường cùng nhiều thứ khác... dẫn đến cái chết của triết học.” (1)


Đấy là phát biểu của những đại triết gia về số phận của triết học. Tuy nhiên, người viết không muốn áp đặt bằng tư tưởng của người khác nên xin trình bày về cai chết của triết học từ cội nguồn của nó.


I. Cội nguồn của triết học.


Triết học là sản phẩm của văn minh phương Tây nên chỉ có thể tìm cội nguồn triết học khi khám phá tới tận cùng văn minh phương Tây. Văn minh do con người tạo ra nên muốn hiểu văn minh phương Tây cần phải biết con người phương Tây được hình thành như thế nào. Từ khám phá mới nhất ở thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, ta biết rằng, 40.000 năm trước, chủng người Europid từ Trung Đông qua eo Bosphorus vào châu Âu. Họ gặp người Indonesian từ Đông Á sang. Hai dòng người hòa huyết sinh ra người European nước da sậm màu. Với thời gian, người European lan tỏa ra làm nên dân cư đầu tiên của châu Âu, sống bằng săn bắn và hái lượm. Khoảng 25.000 năm trước, một dòng người săn hái từ châu Âu di cư trở lại Trung Á rồi từ đây lan tỏa sang phương Đông. Một bộ phận tiến chiếm vùng đồng băng Yamnaya của Nam Nga và Ucraina ngày nay.


Khoảng 8000 năm trước, người nông dân Tây Á đem lúa mì, nho, oli, cừu, dê vào, xây dựng kinh tế nông nghiệp khiến châu Âu thành vùng đất trù phú. Châu Âu trở thành quê hương của người săn bắt hái lượm và của người nông dân, hai cộng đồng sống trong không khí hòa bình và cùng có tập quán thân thiện với thiên nhiên. Người săn hái bảo vệ rừng, không giết thú trong mùa sinh sản và chỉ bắt đủ lượng thức ăn cần thiết. Người nông dân khai thác lượng đất hạn chế để trồng trọt. Và do trồng trọt, chăn nuôi phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên cũng như ở phương Đông, người nông dân châu Âu hình thành tập tính đề cao phụ nữ và coi trọng đồng đều các yếu tố khác nhau của môi trường. Từ đó hình thành nếp tư duy tổng hợp. Lối sống đó tạo nên trong dân cư bản địa châu Âu những phẩm tính của văn hóa nông nghiệp với nền minh triết sơ khai.


Khoảng 5000 năm trước, dân cư sống ở phần đất Nam Nga và Ucraina trở thành những bộ lạc du mục hùng mạnh. Nhờ được nuôi dưỡng chủ yếu bằng thịt và sữa, họ trở thành những người to cao lực lưỡng. Do sớm làm chủ công nghệ luyện đồng, họ chế tạo những chiếc búa sắc bén trong chiến trận. Nhờ thuần hóa ngựa và chế ra xe ngựa, họ lập ra những đội quân hùng mạnh bách chiến bách thắng với những cuộc tấn công thần tốc. Từ vùng đất Yamnaya,  những đội quân du mục tử thần tiến về phía Đông, xuống phương Nam và chiếm lĩnh Tây Âu. Một cuộc diệt chủng vĩ đại diễn ra và kết quả là những người du mục gần như thay thế người nông dân bản địa, chiếm tới 80% nhân số, trở thành chủ thể của dân cư châu Âu. Người nông dân bản địa chỉ còn 1/5 dân cư, trở thành cộng đồng thiểu số. Văn minh du mục được thiết lập khắp châu Âu. Đó là nền văn minh tàn bạo với những đặc trưng: triệt để khai thác thiên nhiên bằng cách phá rừng làm bãi chăn thả, diệt chủng thú hoang. Tăng cường đánh phá các bộ lạc yếu thế để chiếm đoạt tài sản và bắt người làm nô lệ. Do cuộc sống du mục, con người phải thường xuyên di động và đối đầu với nhiều nguy hiểm nên hình thành tập quán phát hiện nhanh những dấu hiệu thay đổi của môi trường để phản ứng theo phương châm “tiên hạ thủ vi cường.” Do vậy ở người du mục hình thành nếp tư duy phân tích.


Trong vòng 600 năm, từ thế kỷ VIII tới TK II TCN, lịch sử nhân loại xuất hiện một giai đoạn đặc biệt, được gọi là thời kỳ Trục (Pháp: période axiale; Anh: axial – với nghĩa là trục xoay hay bản lề). Đặc điểm trung tâm của giai đoạn này là tại những khu vực khác nhau trên thế giới có sự bùng phát của tinh thần nhân văn, đưa ra những cách suy nghĩ hoàn toàn mới, báo hiệu sự xuất hiện của mối quan hệ chưa từng có với tri thức, chân lý và niềm tin, với sự xuất hiện của những nhân vật khổng lồ. Ở Trung Quốc là Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử, Trang Tử. Ấn Độ là Phật và Upanishades. Ở Iran, Zarathustra dạy cuộc chiến vĩnh cửu giữa thiện và ác trong vũ trụ. Trong khi đó trên đất Palestine xuất hiện Elias, Jesaias, Jereminas và Deuterogesaias. Tại Hy Lạp là triết lý của Parmenides và Plato, Heraklit, rồi Homer, Archimedes, Thucydides và những bi kịch vĩ đại đầu tiên ra đời. Giai đoạn này sẽ dẫn dắt nhân loại tạo ra một bước tiến quan trọng về chất lượng trong mối quan hệ của nó với tri thức, chân lý và tôn giáo. Có thể gọi là thời kỳ trăm hoa đua nở, những nét đặc sắc nhất của tâm hồn và tư tưởng châu Âu được tự do, cởi mở thể hiện qua những người phát ngôn vĩ đại của mình. Ta nhận ra bên cạnh tính duy lý của thần ngữ logos cũng như sự minh nhiên sáng rõ của thần Apollo là sự huyền nhiệm của thần Dyonisus cùng yếu tố tâm linh trong tôn giáo đa thần mang sắc thái phương Đông tạo nên trạng thái cân bằng giữa tâm hồn và lý trí.


Nhưng rồi, Socrates xuất hiện, đề cao sự sáng suốt của lý trí, đè nén những biểu hiện mù mờ ảo diệu của tâm hồn, đuổi thơ ca, âm nhạc và hội họa ra khỏi quảng trường, Plato rồi Aristotle tiếp tục tuyệt đối hóa lý trí, dẫn tư tưởng châu Âu đi theo hai xu hướng là khoa học thực nghiệm và triết học duy lý.


Do tập quán tư duy phân tích nên châu Âu hình thành quan niệm nhị nguyên, chia thế giới thành hai mặt đối lập: sáng-tối; tốt-xấu; thiện-ác…Từ đó nảy sinh những trường phái triết học tuyệt đối hóa mặt này của sự vật. Trường phái khác tuyệt đối hóa mặt kia và trường phái thứ ba dung hòa hai mặt… Cứ như thế, triết học ngày càng duy lý, duy niệm, ngày càng xa rời cuộc sống, trở nên kinh viện khô cứng mất sức sống, dẫn đến cái chết không tránh khỏi. Đó là sự thật mà phải sau 2500 năm con người mới nhận ra.


Như vậy, triết học phương Tây là một sự bất cập, tiên thiên bất túc ngay từ đầu, ngay từ khi khai sinh. Ngày nay thành thói quen, như phản ứng từ vô thức, ai cũng nói như vẹt rằng “triết học là yêu mến minh triết (philosophia).” Nhưng đó là sự dối trá. Thông thường, cần định nghĩa điều chưa biết, người ta dùng những quan niệm và thuật ngữ đã biết nhưng gần gũi với nó để biểu thị. Nhưng trường hợp này không vậy! Đi tìm định nghĩa của điều chưa biết là triết học, người ta lại gắn kết nó với một điều chưa biết khác, mù mờ hơn, là minh triết. Triết học là yêu mến minh triết trong khi hoàn toàn chưa biết minh triết là gì thì đó là một việc làm vô nghĩa! Không chỉ vào thời của Soctates mà cho đến nay phương Tây cũng chưa hiểu minh triết là gì nên phải bỏ hàng triệu Đolla để mở cuộc thi tìm định nghĩa minh triết. Yêu mến một cái mà chưa biết nó là gì, quả là trò chơi vô tăm tích. Không chỉ vô nghĩa mà còn là sai lầm tàn hại. Do đinh ninh triết học là yêu mến minh triết nên người ta tin rằng, đi tới tận cùng của triết học sẽ gặp minh triết. Nhưng đó là con đường của kẻ leo cây tìm cá. Do không hiểu rằng Minh triết không chỉ có lý trí mà còn có hồn người, Socrates đuổi âm nhạc, thi ca, hội họa khỏi diễn đàn để độc tôn lý trí lại mong rằng ở cuối con đường chết chóc ấy gặp được minh triết thì hoàn toàn chỉ là hoang tưởng. Trên thực tế, triết học là chống lại, là tiêu diệt minh triết: Triết học = anti-sophia! Cái thất bại, cái chết của triết học bắt đầu từ đấy.


Sau 2500 năm leo cái cây Triết học để tìm cá Minh triết mà không thấy, những thức giả hàng đầu của phương Tây giật mình, nhận ra “phải quay lại Thời Trục để tìm minh triết.” Bởi lẽ cho rằng ở cái thời nhân chi sơ ấy, trong những ý tưởng của Parmenides, Plato, Heraklit, rồi Homer, Pythagoras… thấp thoáng  ánh sáng ảo huyền của minh triết. Nhưng đôn đáo tìm suốt nửa sau thế kỷ XX mà không hề thấy le lói ánh sáng nào của minh triết mà chỉ gặp những điều khôn ngoan vụn vặt thuộc về đạo lý đời thường hay lương tri công cảm (common sense). “Không có đèn lấy trăng làm đèn,” học giả phương Tây buộc phải tạm dùng, phải xài đỡ những thứ khôn ngoan vụn vặt rồi cưỡng xưng là Minh triết. Cũng do việc “giật gấu vá vai” ấy mà phương Tây hiểu về Minh triết khác nhau. Người Pháp gọi Minh triết là Sagesse là những gì nguội lạnh, là lẩn thẩn còn người Mỹ gọi là Wisdom với nghĩa khôn ngoan. Sở dĩ có tình trạng trống đánh xuôi kên thổi ngược như vậy là bởi cho đến nay phương Tây chưa biết lịch sử của mình, chưa hiểu quá trình tạo thành dân cư và văn minh của mình.


Thực tế lịch sử cho thấy, phương thức sống du mục tạo ra văn minh. Chỉ có kinh tế nông nghiệp, chỉ có người nông dân mới làm nên văn hóa. Trong khi đó, ở châu Âu, nông nghiệp hình thành muộn, chỉ 8000 năm trước. Không những thế, do cuộc xâm lăng của người du mục, phần lớn dân cư nông nghiệp bản địa bị tiêu diệt, khiến cho lớp trầm tích văn hóa ở châu Âu quá mỏng không đủ làm nên Minh triết.


Trong khi đó ở phương Đông, do nếp tư duy tổng hợpquan niệm nhất nguyên nên trí tuệ không đi theo hướng hình thành khoa học thực nghiệm và triết học duy lý. Phát hiện ra năm dạng vật chất làm nên vũ trụ là Kim. Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nhưng tư duy phương Đông không đi vào tìm hiểu bản chất của những thành tố đó để tạo ra khoa học thực nghiệm, mà cố công tìm hiểu quan hệ giữa chúng. Từ đó khám phá khái niệm hành với nghĩa vận động - ngũ hành tương sinh tương khắc để làm ra Dịch lý. Không đưa tới triết học duy lý mà phương Đông tạo lập Minh triết. Bắt đầu từ bậc thấp nhất là tu thân, tức lo cho mình tiến tới tề gia là lo cho một gia đình. Tôi gọi đó là Minh triết bình dân. Không dừng ở đây, Minh triết phương Đông không chỉ lo cho bản thân và gia đình mà còn lo cho đất nước và nhân loại nên tạo ra bậc Minh triết hàn lâmtrị quốcbình thiên  hạ. Hai cấp độ Minh triết không tách rời mà bổ sung cho nhau, nâng đỡ nhau làm nên Minh triết phương Đông. Điều mà ta không thể tìm thấy trong văn minh phương Tây.


II. Phương Đông có triết học không?


Ở phương Đông, theo quan niệm nhất nguyên vạn vật đồng nhất thể . Mỗi vật là khối thống nhất của hai mặt đối lập, bất khả phân tách. Mặt khác, tư duy tổng hợp không cho phép đẩy tới cực đoan hai mặt đối lập trong một sự vật nên không thể sinh ra những trường phái triết học đối lập cạnh tranh nhau. Vì vậy phương Đông không có triết học theo kiểu phương Tây. Nói chính xác thì phương Đông cũng có ít nhất một trường hợp, đó là Vương Dương Minh thời nhà Minh với thuyết Tri hành hợp nhất. Thấy sự bất cập của thuyết chủ Hành lấy Hành làm cơ sở cho Tri, của Mặc gia và của Vương Thuyền Sơn cũng như thuyết chủ Tri lấy Tri làm cơ sở cho Hành, của Trình Tử và Chu Tử, Vương Dương Minh lập thuyết “Tri Hành Hợp Nhất” quan niệm không có sự phân biệt giữa Tri và Hành hay Tri và Hành chỉ là một. Đó là thành tựu hiếm hoi của triết học phương Đông, một cách vô thức theo thao tác của triết học phương Tây.


 Không theo khuôn mẫu của triết học phương Tây bởi Phương Đông có quan niệm riêng về triết học. Phương Đông cho rằng Triết (晢) là sáng mà triết cũng là triệt. Khi làm cho một sự vật, một hiện tượng trở nên sáng rõ đến tận cùng thì đó là Triết. Chẳng hạn, Đạo vốn là khái niệm bình thường, phổ biến trong cuộc sống, với nghĩa con đường, tôn giáo, đạo đức... Nhưng khi Lão Tử khái quát thành mệnh đề “Đạo khả đạo phi thường đạo” thì Đạo trở thành phạm trù triết học chói sáng bao hàm trong đó bản thể và cả quá trình vận hành của vũ trụ. Tương tự, Danh là khái niệm bình thường, phổ biến trong cuộc sống như danh tính, danh hiệu, danh dự… Nhưng khi Khổng Tử đưa ra Thuyết Chính danh thì Danh đã trở thành phạm trù triết học có vai trò quan trọng trong cuộc sồng. Ở thời chúng ta, trong nền văn minh phương Đông phồn tạp, mà hầu hết nhân loại cho rằng đó là sản phẩm của Trung Hoa, Kim Định bóc tách ra Việt Nho là nền văn hóa do người Việt sáng tạo với tư cách dân cư đầu tiên chiếm lĩnh Hoa lục. Về sau người Hoa đã học theo, nâng Việt Nho lên hàng kinh điển và cũng đồng thời làm suy đồi trở thành Hán nho, Tống nho. Khám phá triệt để và sáng suốt như thế mang tính cách mạng, thay đổi nhận thức hàng nghìn năm của cả nhân loại, đương nhiên mang ý nghĩa triết học lớn. Tiếp đó là việc tìm ra vũ trụ quan Tham thiên lưỡng địa; nhân sinh qua Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh; Đạo Việt An Vi và cơ chế bình sản trong xã hội Việt cổ là khám phá vĩ đại về văn hóa Việt. Đó chính là triết học. Hoàn toàn khác triết học tư biện, duy lý, là “trò chơi ngôn từ” của phương Tây. Triết học phương Đông là triết học nhân sinh giúp khám phá chiều sâu của văn hóa, phục vụ con người.


Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, suy cho cùng thì triết học cũng như nhiều thứ khác chỉ là công cụ mà thực dân dùng để nô dịch dân tộc Việt. Khi chiếm Đông Dương, thực dân Pháp nghĩ rằng sẽ vĩnh viễn thống trị vùng đất này nên quyết định tạo dựng một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông. Cùng với việc dạy cho trẻ em: “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois,” người Pháp áp đặt cho nền giáo dục thuộc địa nhiều kiến thức khác. Không phải để khai dân trí mà cốt làm cho dân “bán khai” bản địa choáng ngợp trước sự tân kỳ của văn minh phương Tây rồi thần phục mẫu quốc! Triết học phương Tây một mặt là bằng chứng về sự văn minh của phương Tây. Mặt khác là công cụ hữu hiệu để chôn vùi nền triết học mênh mông và sâu thẳm của phương Đông. Do xâm lược văn hóa có tác động sâu xa nên dân Việt không dễ phân biệt đâu là văn hóa thực sự, đâu là công cụ nô dịch. Vì vậy, sau khi thực dân bị đánh đuổi thì nhiều công cụ thực dân vẫn tồn tại mà một cách vô thức, người Việt vẫn tôn thờ. Ngay cả khi chính học giả phương Tây khẳng định “triết học đã chết,” “Chỉ là trò chơi ngôn từ” thì người Việt bảo hoàng hơn vua, vẫn đua nhau học triết Tây, nghiên cứu triết Tây! Thử hỏi, trăm năm qua, triết Tây mang lại ơn ích gì cho dân Việt, ngoài một nhóm người quần tụ thành khoa triết, viện triết, chuyên nhai lại những chuyện trời ơi đất hỡi cùn mòn của phương Tây rồi phong cho nhau học vị học hàm? Tự hào về triết gia Trần Đức Thảo ư? Là một người có thiên năng, sang trời Tây, theo phong trào, Trần Đức Thảo bị cuốn vào dòng triết học Marxit và dành cả cuộc đời để vá víu cái chủ thuyết phi nhân xa lạ! Cả chủ thuyết ông theo đuổi cũng như danh giá ông nhận được đều là sự áp đặt từ bên ngoài. Thử hỏi, triết học của ông mang lại ơn ích gì cho người Việt? Người Việt biết đến ông trong số phận oan nghiệt của một “tội đồ” Nhân Văn Giai Phẩm gợi nỗi xót thương nhưng mấy ai biết đến cái triết học của ông?


Nay lại có người ước mong Việt Nam có triết gia lớn! Thật nực cười! Nói lấy được mà chả hiểu mình nói gì! Hãy tự hỏi xem liệu Việt Nam thể có triết gia không đã? Cổ nhân nói “mài sắt nên kim.” Đúng là trì chí làm việc, người bình thường có thể trở nên thợ lành nghề. Nhưng để thành nhân tài hay thiên tài thì như thế chưa đủ, cần phải có năng khiếu. Nhưng năng khiếu của một cá nhân cũng không đủ mà cần cộng lực của cả truyền thống dân tộc. Lĩnh vực triết Tây, là sở trường của dân cư tư duy phân tích. Trong khi đó ta là dân nông nghiệp với tập quán tư duy tổng hợp, chủ toàn, tư duy phân tích là sở đoản. Nhảy vào trường đấu mà mình đem cái sở đoản của mình đấu với sở trường của thiên hạ thì thua ngay từ khi chưa vào xới! Không chỉ vậy, thiên thời cũng không ủng hộ vì lúc này là buổi cuối mùa, triết học đã chết, những bậc thầy triết Tây đang bỏ của chạy lấy người, đôn đáo đi tìm Minh triết ở phương Đông mà người phương Đông thứ thiệt còn hè nhau lao vào mảnh đất chết ấy thì quả thật điên rồ! Cổ nhân nói: “Hộ đoản chung đoản, canh trường bất trường,” có nghĩa là đi theo cái ngắn, cuối cùng trở thành ngắn, còn trồng cấy cái dài cũng chẳng được dài. Học theo cái dở của thiên hạ thì mình thành dở còn học theo cái hay của thiên hạ, mình sẽ chẳng được hay! Một thời những vị vào làng Tây, nói tiếng Tây hơn cả Tây mà chả bao giờ thoát được thân phận giả cầy!


Xin kể hai câu chuyện nhỏ. PGS.TS Hoàng Ngọc Hiến, đọc sách thấy người Tây nghiên cứu Minh triết, cũng thỉnh thầy François Jullien về học đạo. Thầy xui (dại): “Hôm nay minh triết phải làm ra khái niệm, phải có lịch sử,” chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, ông cũng hùa theo rồi chế tác ra “Minh triết Trần Nhân Tông, Minh triết Nguyễn Trãi, Minh triết Hồ Chí Minh, Minh triết Marxit”… khiến cho đồng bào Việt phía trời Tây bàng hoàng vì sự vô minh! (2) Gặp nhau tại một hội thảo ở Hà Nội, PGS.TS Triết học Phạm Khiêm Ích tặng tôi tập tài liệu “Tư duy tổng hợp” mà ông dịch từ tiếng Anh theo một Dự án học thuật. Ông chân tình bảo: “Anh cố đọc rồi góp ý cho tôi.” Đọc xong, từ Sài Gòn, tôi gửi ông điện thư: “Người Việt là tổ sư của lối tư duy tổng hợp. Nếu bác chịu khó nghiên cứu tư duy của tổ tiên trong câu Trông trời trông đất trông mây… rồi viết ra thì bác sẽ là thày những giáo sư trong sách, thay vì dịch của họ ra để học.” Nhưng thói đời là thế, dịch của thiên hạ ra để học vừa dễ dàng, vừa có tiền tiêu lại an toàn vì không “nghiên cứu trái nghị quyết!” Và như thế, trí thức Việt mãi mãi chỉ là lũ học trò nhớn xác.


Trở lại câu hỏi ở trên: phương Đông, Việt Nam có triết học không? Có, không chỉ có mà là thứ triết học tuyệt vời. Khi thoát khỏi sự cầm tù của quan niệm triết học phương Tây, sẽ thấy Kinh Dịch là sản phẩm triết học vĩ đại. Thích, Lão, Khổng, Mạnh… là những triết gia lớn. Không chỉ vậy, ngay thời chúng ta, Kim Định là triết gia thiên tài mà do cách nhìn thiển cận trong vòng vây của triết học phi nhân phương Tây, người ta không nhận ra. Hơn nửa thế kỷ bị coi như cỏ dại bên đường nhưng rồi sẽ có ngày, thế giới tôn ông là triết gia bậc thầy. Trong Hội thảo khoa học tưởng niệm 15 năm ngày mất của Kim Định được tổ chức tại Nhà Thái học Văn Miếu Quốc Tử Giám tháng 7 năm 2012, tôi có nói với các bạn trẻ: “Chúng tôi già rồi, không làm được nữa. Nhưng các bạn, những ai nắm được tư tưởng của Kim Định, sẽ có ngày đàng hoàng bước lên những giảng đường danh giá nhất của thế giới.” Ngày ấy đang đến gần. Khi thoát khỏi sự cầm tù của quan niệm triết học phương Tây, dồn tâm lực để nghiên cứu minh triết phương Đông từ Kinh Dịch, Nikaya của Đức Phật tới Lão, Khổng, Trang, Mạnh… chúng ta sẽ xây dựng nền triết học vĩ đại của phương Đông, giúp cho  công cuộc phục hưng dân tộc và dẫn dắt nhân loại./


Sài Gòn, Thu 2020


Hà Văn Thùy


Tài kiệu tham khảo.


  1. Kim Định. “Triết Lý Giáo Dục III. Truyền Thống” http://vietnamvanhien.net/trietlygiaoduc.pdf
  2. Trên trang Minh triết Việt, học giả Lê Việt Thường xuất bản hơn 70 bài phản bác cuốn Luận bàn Minh triết và Minh triết Việt của Hoàng Ngọc Hiến.