Trả lời bài viết “Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế” của Trần Anh Tuấn

16 Tháng Mười Một 20218:10 SA(Xem: 5046)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 2 - THỨ BA 16 NOV 2021

Ý kiến-Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


LỜI TÒA SOẠN: Ngày 10/11/2021, tòa soạn báo Văn Hóa Online nhận được bài viết của Gs Trần Anh Tuấn tựa đề: “Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế”; ngày 13/11, sau khi bổ túc vài chi tiết theo yêu cầu của Gs Tuấn, chúng tôi đã post lên Văn Hóa Online.


Ngày 15/11/2021, tòa soạn nhận được bài phản hồi của ông Lâm Vĩnh Thế, xin đăng nguyên văn: “Anh Lý Kiến Trúc - Tôi tên là Lâm Vĩnh Thế.  Ngày 10-11-2021, Trang Web Văn Hóa Online California có đăng một bài viết của Giáo sư Trần Anh Tuấn với tựa đề "Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế."  Hôm nay tôi gửi đến Anh bài viết của tôi để trả lời một số điểm trong bài viết của Giáo sư Tuấn.  Xin Anh vui lòng cho đăng bài viết trả lời của tôi trên Trang Web Văn Hóa Online California để độc giả có thêm thông tin.  Xin cám ơn Anh rất nhiều.


Trước hết, Văn Hóa Online xin hoan nghênh bài viết của tác giả Lâm Vĩnh Thế. Vì bài viết trả lời trực tiếp Gs Trần Anh Tuấn nên tòa soạn sẽ đăng bài của ông trên mục DIỄN ĐÀN - song song với bài viết của Gs Tuấn.


Tuy nhiên, để giữ tinh thần nhân văn học thuật và sự nghiên cứu công phu, mang tính cầu thị bổ túc lẫn nhau, tòa soạn gạn bỏ vài từ không thích hợp (hoặc lỗi chính tả), nhưng không thay đổi nội dung bài viết.


Trân trọng cám ơn và kính chúc hai niên trưởng mạnh khỏe.


Thay mặt Văn Hóa Online, Lý Kiến Trúc.  


Trả lời bài viết “Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế” của Trần Anh Tuấn

image013

Lâm Vĩnh Thế


Bài viết này được viết ra để đáp lại một số điểm nêu ra trong bài viết của Giáo sư Trần Anh Tuấn với tựa đề “Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế” đã đăng trên Trang Web Văn Hóa Online California ngày 10 Tháng Mười Một 2021. (https://nhatbaovanhoa.com/a944/tran-ah-tuan-ve-giao-su-lam-vinh-the-)


Trước khi đề cập đến những điểm trong bài viết nêu trên, tôi xin nói rõ một chuyện như sau: Giáo sư Tuấn đã có cho tôi biết về việc ông đang biên soạn cuốn sách “Sử Việt tại Bắc Mỹ” (lúc đó ông chưa ghi thêm 1975-2021 trong tựa đề của cuốn sách như bây giờ) từ tháng 1-2014. Lý do là vì chúng tôi đã quen biết nhau từ trước, và tôi cũng đã có đóng góp một số bài vở cho Tạp chí Dòng sử Việt mà Giáo sư Tuấn là Chủ Nhiệm trong hai năm 2006-2007.


Ngày 11-1-2014, Giáo sư Tuấn gửi cho tôi một điện thư kèm theo bài viết của ông điểm qua các cuốn sách mà tôi đã xuất bản. Ông cho biết là bài viết đó sẽ là một phần trong cuốn sách “Sử Việt tại Bắc Mỹ” với chủ ý rất tốt là cho tôi được đọc trước để góp ý. Tôi rất vui và đã làm theo yêu cầu của ông và đã gửi cho ông một thư đề ngày 13-1-2014, dài 11 trang, để góp ý về những điểm ông đã nêu ra trong bài viết đó.


Sau đây là phần mở đầu của bức thư này: “Thật là bất ngờ và rất vui khi nhận được điện thư của Tuấn vào ngày Thứ Bảy, 11- 1-2014. Mình hết sức cám ơn Tuấn đã chịu khó đọc rất kỹ 4 cuốn sách của mình để viết bài điểm sách thật tỉ mỉ, rất công tâm, có khen (rất nhiều) mà cũng có chê (không phải là ít). Bài viết này góp thêm với Tuấn một số thông tin để giúp làm sáng tỏ một số điểm mà Tuấn đã “chê.” Và đây là phần kết thúc của bức thư: “Chừng nào sách Việt Sử Tại Bắc Mỹ của Tuấn được xuất bản? Chúc Tuấn gặp mọi điều thuận lợi trong việc in ấn, phát hành. Nếu Tuấn có cần thì mình sẽ giới thiệu với nhà in bên Đài Loan, nơi mình đã nhờ in cả 4 cuốn sách của mình. Họ in rất đẹp mà giá lại rẻ hơn Bắc Mỹ nhiều, họ bao luôn cả tiền chuyên chở từ Đài Loan sang, và luôn luôn giao sách đúng thời hạn, mình chỉ chịu tiền thuế nhập cảnh của Canada thôi (5% trên tổng số chi phí in ấn). Năm Giáp Ngọ cũng sắp đến, mình xin chúc Tuấn và gia đình một Năm Mới được nhiều Sức Khoẻ, Hạnh Phúc, May Mắn và Vạn Sự An Khang. Một lần nữa, xin hết sức cám ơn Tuấn đã bỏ thì giờ viết bài phê bình 4 cuốn sách của mình thật công phu.


Hamilton, ngày 13-1-2014. Lâm Vĩnh Thế


Tôi hoàn toàn không có buồn giận gì hết về bài viết của Giáo sư Tuấn đối với 4 cuốn 2 sách của tôi lúc đó, vì, nói cho đúng công tâm, việc phê bình 4 cuốn sách của tôi đã được Giáo sư Tuấn thực hiện rất đàng hoàng, đúng đắn. Và tôi thành thật nghĩ và tin rằng tình bạn của hai chúng tôi không hề bị sứt mẻ gì hết.


Tôi không nhận được hồi âm của Giáo sư Tuấn về bức thư dài 11 trang đó của tôi trong suốt 7 năm qua. Có lúc tôi đã nghĩ là có thể ông đã bỏ qua dự án xuất bản cuốn sách này. Vì vậy tôi khá ngạc nhiên khi được đọc bài viết này trên Trang Web Văn Hóa Online California ngày 10-11-2021. (https://nhatbaovanhoa.com/a944/tran-ah-tuan-ve-giao-su-lam-vinh-the-) và Trang Web Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Sài Gòn: https://daihocsuphamsaigon.org/index.php/bien-kh-o/44-trananhtuan/2321-v-giao-sulam-vinh-th)


Rõ ràng đây là một bài viết đã được cập nhật vì có đề cập đến những cuốn sách mà tôi mới xuất bản mấy năm gần đây. Điều khác biệt lớn là lần này Giáo sư Tuấn không có chuyển cho tôi đọc trước để góp ý, mặc dù ông có gửi cho khá nhiều người xem trước khi đưa lên Trang Web Văn Hóa Online California ngày 10-11-2021.


Và lần này thì tôi rất ngạc nhiên vì, khác với bài viết của năm 2014 rất đàng hoàng, đúng đắn, bài viết lần này chứa đựng một số chuyện KHÔNG CÓ (nếu không muốn nói là bịa đặt, hay ít nhứt là KHÔNG ĐÚNG, hoặc cố tình LÀM CHO HIỂU SAI LỆCH), hoặc SAI LẦM HÒAN TÒAN, hoặc TỰ ĐỘNG GÁN GHÉP HỒI KÝ của tôi với một cuốn hồi ký của một tác giả khác với hàm ý cho là tôi “ba xạo” và “lộng ngôn,” cũng như một số nhận định và trích dẫn có tính cách “đánh lừa người đọc.”


Tôi xin lần lượt nêu ra sau đây các điểm trong bài viết của Giáo sư Tuấn:


1.


Ở đầu trang [7], Giáo sư Tuấn đã viết như sau: “Có khi là hình chụp trong bàn ăn ở nhà bạn. Có khi là hình chụp khi đi bát phố Bonard. Có khi là hình chụp khi đi ăn cưới…” Câu: “Có khi là hình chụp khi đi bát phố Bonard” làm tôi ngạc nhiên vô cùng vì trong cuốn sách Trường Petrus Ký Trong Tâm Tưởng hoàn toàn không có tấm hình nào chụp khi tôi đi bát phố Bonard cả. Tôi xem kỹ lại thì thấy có lẽ Giáo sư Tuấn muốn nói đến tấm hình ở đầu trang 43, là tấm hình chụp 5 vị Giáo sư của Trường Petrus Ký (trong Chương Hai, với tiểu tựa là Nhớ về Thầy Cô của tôi ở Trường Petrus Ký, từ trang 41 đến trang 86), mà các anh em học sinh Petrus Ký chúng tôi của thời kỳ 1953-1960 đều rất thương mến và kính trọng, và về sau được anh em tặng cho danh hiệu Ngũ Hổ Tướng Petrus Ký: đó là các Thầy Bùi Trọng Chương, Nguyễn Hữu Kế, Lê Xuân Khoa, Vũ Ngọc Khôi, và Đinh Xuân Thọ, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội và được cử vào Sài Gòn dạy học tại Trường Petrus Ký vào năm 1953. Cái câu này được đưa vào giữa hai câu kia đều cùng nói về hình của tôi và các bạn tôi (trong Chương Ba, với tiểu tựa là Nhớ Về Nhóm Bạn Thân Đệ Nhứt Cấp Tại Trường Petrus Ký, từ trang 87 đến trang 109) thì, dĩ nhiên, cũng phải được hiểu là hình của tôi đi bát phố Bonard với các bạn tôi. Do đó, nếu không muốn nói là bịa đặt thì ít nhứt cái câu “có khi là hình chụp khi đi bát phố Bonard” của Giáo sư Tuấn cũng là KHÔNG ĐÚNG hoặc cố tình LÀM CHO HIỂU SAI LỆCH.


2.


Ở trang [8] (trang cuối cùng của bài viết), Giáo sư Tuấn đã viết như sau: “Đặng 3 Phương Nghi nhận nhiệm vụ Giám Đốc Văn Khố và Thư Viện rồi Giám Đốc Nha Văn Khố VNCH (1966-1975).” Câu này chỉ đúng có phần đầu “Đặng Phương Nghi nhận nhiệm vụ Giám Đốc Văn Khố và Thư Viện” còn phần sau “rồi Giám Đốc Nha Văn Khố VNCH (1966-1975)” là hoàn toàn sai lầm. Cô Đặng Phương Nghi, người Việt Nam thứ nhì tốt nhiệp Trường École Nationale des Chartes của Pháp, về nước và đã được Chính phủ VNCH cử làm Giám Đốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia. Một thời gian sau, nhận thấy tình trạng Văn Khố Quốc Gia quá tệ hại, Cô đã làm một bản điều trần nêu ra tình trạng xuống cấp quá trầm trọng của Văn Khố, và đề nghị Chính phủ phải có biện pháp cải thiện (tôi đã được đọc bản điều trần này và còn nhớ là bị xúc động nhiều khi nhìn thấy các tấm ảnh chụp các bó, hộp, thùng đựng văn khố quốc gia bị vứt lăn lóc trong một căn phòng, chớ không phải được xếp trên kệ hay trên bàn gì cả). Bản điều trần đầy tâm huyết này của Cô đã bị Chính phủ VNCH bỏ qua, không giải quyết. Cô Nghi đã từ chức, và rời Việt Nam, trở qua Pháp.


Ông Nguyễn Ứng Long, một trong những người đầu tiên của VNCH đã tốt nghiệp Cao Học ngành Thư Viện Học (Master of Library Science = MLS) của Hoa Kỳ (trường George Peabody College of Vanderbilt University, tại thành phố Nashville, thuộc Tiểu bang Tennessee) đã được Chính phủ VNCH bổ nhiệm thay Cô Nghi làm Giám Đốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia vào năm 1970.


Đến khoảng năm 1972-73, Nha này bị tách ra làm hai: Thư Viện Quốc Gia do Ông Phan Văn Hữu, tốt nghiệp MLS của Đại Học Pittsburgh (tiểu bang Pennsylvania) làm Giám Đốc, và Nha Văn Khố do Ông Nguyễn Ứng Long tiếp tục làm Giám Đốc. Và cả hai Ông Hữu và Ông Long cùng giữ chức vụ đó cho đến ngày 30-4-1975.


Khi đọc đến đoạn này trong bài viết tôi bỗng nhận ra một điều có thể coi như là một thói quen của Giáo sư Tuấn: đó là dám viết ra trên giấy trắng mực đen những điều mà ông KHÔNG NẮM VỮNG, NHƯNG LẠI VỘI VÀNG, NGHĨ VÀ TIN RẰNG MÌNH BIẾT RÕ, VÀ PHÊ BÌNH VÀ DẠY DỖ NGƯỜI KHÁC.


Nhận xét này của tôi đã xuất phát từ một vài chuyện tương tự mà tôi đã có nói tới trong bức thư dài 11 trang, đề ngày 13-1-2014. Chuyện thứ nhứt là trong phần Giáo sư Tuấn nói về cuốn Đakao Trong Tâm Tưởng của tôi, và phê bình là tôi đã thiếu sót, không có đề cập đến một tiệm cơm tây trên đường Mayer, và tôi đã góp ý cho Giáo sư Tuấn như sau: “Riêng cái điểm Tuấn nói về “tiệm cơm tây không có bảng tên trên đường Mayer, ngay ngã ba Mayer-Mạc Đĩnh Chi,” thì tôi xin Tuấn xét lại vì có thể Tuấn đã nhớ không đúng về địa điểm của tiệm này, khiến tôi nghĩ mãi không ra về cái tiệm cơm tây này là ở đâu. Tuấn lưu ý: đường Mayer (sau đổi tên là Hiền Vương) và đường Massiges (sau đổi tên là Mạc Đĩnh Chi) là hai con đường không có cắt nhau, do đó không thể có được cái địa điểm mà Tuấn đã ghi là “ngã ba Mayer-Mạc Đĩnh Chi.” Tôi xin nhắc lại để Tuấn hình dung con đường Mạc Đĩnh Chi nhé: nó đi từ ngoài đường Norodom (sau đổi tên là Thống Nhứt) vào cho tới trước cửa của Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi (tức Đất Thánh Tây; bây giờ là Công Viên Lê Văn Tám) thì chấm dứt; như vậy nó bị cách con đường Mayer (Hiền Vương) bởi cái chiều ngang của Đất Thánh Tây.”


Chính là nhờ sự góp ý đó của tôi mà trong bài viết lần này, Giáo sư Tuấn đã điều chỉnh lại về cái tiệm cơm tây đó ở gần cuối trang [4] như sau: “… tiệm cơm tây trên đường Mayer, ngay ngã ba Hiền Vương-Lê Quý Đôn.”


Chuyện thứ nhì là trong phần Giáo sư Tuấn nói về cuốn Bạch Hóa Tài Liệu Mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa của tôi, và phê bình là tôi đã viết sai khi ghi là Ông Hồ Thông Minh là Tổng Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng, làm gì có chức vụ như vậy, và tôi cũng đã có góp ý với Giáo sư Tuấn như sau: “Riêng nhận định và đánh giá cuối cùng của Tuấn về cuốn sách này, về danh xưng “Tổng Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng” nơi trang 41, tôi phải thưa ngay là tôi không có dịch danh xưng này. Phần lý luận của Tuấn về các chức danh Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Thứ Trưởng là hoàn toàn đúng; tôi không có phản bác gì hết; nhưng lý luận gì đi nữa thì cũng không thể qua được thực tế.


Và trong trường hợp này thì thực tế cho thấy đây là danh xưng chính thức của ông Hồ Thông Minh, ghi rõ ràng nơi trang 157, sách Hai mươi năm qua: việc từng ngày (1945-1964) của tác giả Đoàn Thêm, do nhà Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ năm 1989. Trong sách này, trên 2 trang liên tiếp 156-157, tác giả Đoàn Thêm đã liệt kê danh sách nội các của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cải tổ ngày 24-9-1954.


Chúng ta đều biết ông Đoàn Thêm là một tác giả rất nghiêm túc, danh sách các chính phủ in trong tất cả các cuốn sách của ông đều dựa vào các Sắc lệnh thành lập hoặc cải tổ chính phủ đăng trong Công Báo VNCH. Trong danh sách chính phủ cải tổ nói trên, ông ghi ra các chức danh rất rõ ràng theo thứ tự: Thủ Tướng, các Quốc Vụ Khanh, các Tổng Trưởng, các Bộ Trưởng và sau cùng là 1 Thứ Trưởng. Danh xưng chức vụ của ông Hồ Thông Minh được ghi rõ ràng là TổngTrưởng phụ tá Quốc-Phòng, là chức vụ Tổng Trưởng cuối cùng, trước khi chuyển sang danh sách các Bộ Trưởng; do đó không thể có sự nhầm lẫn được. Danh xưng chính thức này hoàn toàn có cơ sở vững chắc vì trong cuộc cải tổ chính phủ lần đó Thủ Tướng Ngô Đình Diệm kiêm luôn cả 2 Bộ là Nội Vụ và Quốc Phòng; do đó ông Ngô Đình Diệm cũng là Tổng Trưởng Quốc Phòng, và vì vậy ông Hồ Thông Minh không thể cũng là Tổng Trưởng Quốc Phòng mà chỉ có thể là Tổng-Trưởng phụ tá Quốc Phòng mà thôi.


Nếu Tuấn không có cuốn sách này của ông Đoàn Thêm thì cho tôi biết để tôi scan 2 trang sách này gửi qua cho Tuấn xem, đừng ngại gì hết nha.” Chính nhờ góp ý này của tôi, trong bài viết lần này, Giáo sư Tuấn đã không còn đề cập đến việc này nữa trong phần phê bình cuốn sách Bạch Hóa Tài Liệu Mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa của tôi.


3.


Ở gần cuối trang [7], Giáo sư Tuấn đã viết một cách khinh bạc và mỉa mai như sau: “Trong thực tế, bằng MA Thư-viện-học -nhan nhản ở Canada và Hoa Kỳ- nào thấm gì so với những người tốt nghiệp École Nationale des Chartes tại Paris như Ngô Đình Nhu (1938), Đặng Phương Nghi (1965), và Hoàng Thị Kim Loan (1967)?!”


Xin thêm vài chi tiết về sự khó khăn nhập học trường Cổ Điển Học Paris (École Nationale des Chartes) để biết tài năng của sinh viên tốt nghiệp. Tuổi trẻ Việt Nam vốn thông minh và cần cù chăm chỉ nhưng chúng ta chỉ thấy có ba người tốt nghiệp Trường này trong hơn tám thập niên (1938- 5 2021). Tất cả, trừ Hoàng Thị Kim Loan vừa mất ở Pháp năm 2020, đều được cử giữ chức giám đốc văn khố và thư viện của cả một quốc gia. Ngô Đình Nhu được Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp thay Chủ Tịch Chính Phủ Lâm Thời ký sắc lệnh ngày 8-9-1945 cử làm Giám Đốc Nha Lưu Trữ Công Văn và Thư Viện Toàn Quốc VNDCCH (1945-1946). Đặng Phương Nghi nhận nhiệm vụ Giám Đốc Văn Khố và Thư Viện rồi Giám Đốc Nha Văn Khố VNCH (1966- 1975…”


Đọc đoạn này trong bài viết của Giáo sư Tuấn, tôi thật ngạc nhiên vì thấy ông không còn giống như Giáo Sư Tuấn mà tôi đã quen biết và đã từng cộng tác: một người trí thức làm việc đàng hoàng và nghiêm túc.


Tôi xin nói rõ ý nghĩ của tôi như sau:


  • · Thứ nhứt, trong toàn bộ cuốn Hồi ký Tròn Nhiệm Vụ của tôi, tôi không hề có viết một dòng nào đề cao bằng Cao Học Thư Viện Học, vì nó cũng chỉ là một bằng Cao Học như tất cả các bằng Cao Học của tất cả các ngành học khác, với một điều kiện duy nhứt để được theo học là phải có bằng Cử Nhân.

Cái câu viết đầy khinh bạc của Giáo sư Tuấn về bằng Cao Học Thư Viện Học, “-nhan nhản ở Canada và Hoa Kỳ- “làm cho tôi bật cười vì chính bản thân Giáo sư Tuấn, đã từng là Thư Viện Trưởng của Thư Viện Hội Société des Études Indochinoises trong thời gian trước 1975 ở Việt Nam, và sau mấy chục năm sống tại Hoa Kỳ, cũng không có được cái bằng “nhan nhản” đó, để có thể tiếp tục công việc của ngành thư viện mà Giáo sư Tuấn đã có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam trước 1975.


  • · Thứ hai, chúng ta ai cũng biết sự khác biệt căn bản giữa hai nền giáo dục Pháp và Mỹ là ở chỗ: hệ thống của Pháp đặt rất nhiều rào cản vì đó là một hệ thống đào tạo nhân tài (elite system), còn Mỹ thì chủ tương một nền giáo dục đại chúng (mass education).
  • · Thứ ba, đem bằng Cao Học Thư Viện Học (Giáo sư Tuấn đã dùng từ MA Thư-viện-học) so sánh với bằng tốt nghiệp École Nationale des Chartes (chuyên về Văn Khố, mà chính Giáo sư Tuấn đã dịch là trường Cổ Điển Học) là một sự so sánh nhập nhằng vì đó là hai ngành khác nhau.
  • · Thứ tư, Giáo sư Tuấn còn ghi thêm là “chúng ta chỉ thấy có ba người tốt nghiệp Trường này trong hơn tám thập niên (1938- 2021).” Viết như vậy, Giáo sư Tuấn có ý muốn đề cao giá trị của ngành học này, nhưng vô tình đã giúp cho người đọc nhận ra là chương trình học và việc đào tạo của Trường này không còn được nhiều người Việt Nam ưa chuộng mà cố gắng vượt qua rào cản để 6 theo học nữa.
  • · Thứ năm, như bên trên đã cho thấy, Giáo sư Tuấn đã sai lầm hoàn toàn khi khẳng định là Ông Ngô Đình Nhu và Cô Đặng Phương Nghi, nhờ đã tốt nghiệp Trường này, nên mới đã được “cử giữ chức giám đốc văn khố và thư viện cho cả một quốc gia.” Vậy thì Ông Nguyễn Ứng Long, tốt nghiệp Cao Học Thư Viện Học của Hoa Kỳ, đã giữ chức vụ gì tại VNCH từ năm 1970?
  • · Thứ sáu, chúng ta ai cũng biết rằng bằng cấp và tài năng/sự nghiệp không luôn luôn đi đôi với nhau. Nói một cách cụ thể: Ông Ngô Đình Nhu và Cô Đặng Phương Nghi đã không làm được gì nhiều, cũng như không để lại được công trình gì đáng kể cho Việt Nam về Văn Khố và Thư Viện. Chắc chắn lý do của chuyện đó không phải là vì hai vị không có tài năng. Lý do mà chúng ta có thể tin gần như chắc chắn là cả hai vị đã không gặp được hoàn cảnh thuận lợi. Trong khi đó, Ông Nguyễn Ứng Long, trong thời gian đảm nhận chức vụ Giám Đốc Nha Văn Khố và Thư Viện Quốc Gia của VNCH đã làm được nhiều chuyện và đã để lại một sự nghiệp với những công trình rất đáng kể. Công trình đầu tiên là Bộ Thư Tịch Hồi Tố Quốc Gia Việt Nam: “Thư tịch hồi tố quốc gia Việt Nam = Retrospective national bibliography of Vietnam = Bibliographie nationale rétrospective du Vietnam. Bộ Thư tịch hồi tố nầy, cho giai đoạn 1936-1967, được Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản vào năm 1971, và gồm 4 quyển như sau: Quyển 1: 1963-1967, Quyển 2: 1954-1963, Quyển 3: 1945-1954, Quyển 4: 1936-1945. Bộ Thư tịch hồi tố nầy đã tiếp nối cho bộ thư tịch Bibliographie de l’Indochine (1913-1935) do Paul Boudet thực hiện.” Công trình thứ nhì là tòa nhà Thư Viện Quốc Gia của VNCH tại số 69 đường Gia Long, ngay trung tâm thủ đô Sài Gòn, với Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên dưới sự chủ tọa của Thủ Tướng Trần Văn Hương vào ngày 28-12-1968, và với Lễ Khánh Thành Long Trọng dưới sự chủ tọa của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 23-12-1971. Cho tới ngày hôm nay, thư viện này vẫn còn là thư viện lớn nhứt trong cả nước.

Hiện nay nó chính là Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh. (Có thể đọc toàn văn tài liệu này, Phát Triển Thư Viện Tại Miền Nam Trước 1975, tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.leafvn.org/Phat-Trien-TV-1975.pdf)


4.


Ở gần đầu trang [7], Giáo sư Tuấn đã viết như sau: “Còn Tròn Nhiệm Vụ là một bản báo công dài tới 274 trang của một cá nhân về thành tích trong ngành 7 thư viện.” Tôi xin thưa ngay là, mặc dù đây là hồi ký của tôi, nhưng những điều được ghi lại trong hồi ký, mà Giáo sư Tuấn đã gọi một cách mỉa mai là “một báo công,” thì hoàn toàn không phải là chuyện cá nhân. Đó cũng là chuyện của một tập thể: các thân hữu và đồng nghiệp của tôi đã phục vụ như là thành viên của Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam (nhiệm kỳ 1974-75), và, sau năm 1990, là thành viên của Hội Hỗ Trợ Thư Viện và Giáo Dục Việt Nam (The Library and Education Assistance Foundation for Vietnam = LEAF-VN).


Điều này đã được ghi ngay ở đầu cuốn sách trong Lời Cảm Tạ như sau: “Một điều mà tôi vẫn còn nhớ rất rõ, ghi đậm trong tâm trí tôi trong suốt bao nhiêu năm, là cái may mắn của tôi đã quy tụ được một Nhóm Thân Hữu làm nòng cốt cho Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam, nhiệm kỳ 1974-1975, tạo được những bước phát triển vô cùng quan trọng cho ngành thư viện của Việt Nam Cộng Hòa. Chính Nhóm Thân Hữu này, thêm một vài bạn mới, cũng lại là nòng cốt của hai hội đoàn Vietnam Library Education Project (VLEP) và Library and Education Assistance Foundation for Vietnam (LEAF-VN), đã cùng tôi tiếp tục và hoàn tất công việc phát triển thư viện cho Việt Nam sau năm 1990. Cuốn sách này, giúp bạn đọc thấy được những thành quả đó, chính là một lời cảm tạ của tôi gởi đến các thân hữu, xác quyết một chân lý mà ông bà ta đã truyền đạt cho con cháu từ cả ngàn năm qua: một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”


Cũng như trong Lời Bạt ở cuối sách: “Cùng với những người bạn ngày xưa, những thành viên của Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam, nhiệm kỳ 1974-1975, sau cùng, tôi đã hoàn thành công tác giúp cho hệ thống thư viện của Việt Nam trở thành một thành viên được hoan nghênh trong cộng đồng thư viện thế giới.”


5.


Cùng ở gần đầu trang [7], ngay bên dưới đoạn văn vừa kể trên, Giáo sư Tuấn đã viết như sau: “Thứ nhất, quyết định nộp đơn ra khỏi Việt Nam của tác giả năm 1979 và đến Canada năm 1981 không gì khác hơn là vì “Cuộc sống quá khó khăn” (trang 81). Chiều ngày 23.9.1981, gia đình tác giả đến phi trường Montréal “kết thúc 6 năm khốn cùng của gia đình tôi tại Việt Nam sau ngày 30.4.1975” như lời tác giả, nguyên văn nơi trang 99.”


Mới đọc qua đoạn văn này, tôi nghĩ ai cũng sẽ có nhận định là Giáo sư Tuấn trích dẫn rất đàng hoàng, đúng đắn. Sự thật không đúng như mọi người nghĩ và tin, vì cách trích dẫn như vậy chỉ đúng có một phần sự thật mà thôi. Lý do: tôi đã dành cả một Chương của cuốn sách, Chương Ba, với tiểu tựa là Gián Đoạn và Khốn Cùng, gồm tất cả 32 trang, từ trang 67 đến trang 99, để kể lại tất cả những lý do chính trị, xã hội, kinh tế của toàn thể dân chúng Miền Nam sau ngày 30-4-1975, cũng như những mất mát, đau đớn riêng tư của cá nhân tôi, về cả vật chất lẫn tinh thần, đã đưa tôi đến quyết định phải ra khỏi nước bằng mọi cách, và bằng mọi giá.


Giáo sư Tuấn đã chỉ dựa vào 2 câu ngắn ngủi đó ở 2 trang 81 và 99 thì có thật là công bằng và chính xác hay không?


Ở cùng trang [7], đoạn kế tiếp, Giáo sư Tuấn đã viết như sau: “Phải chăng tác giả họ Lâm chủ ý xác định ông không hề rời bỏ Việt Nam sang Canada vì lý do chính trị?! Chính vì tâm trạng được diễn tả có tính cách biện minh như thế, độc giả hiểu vì sao tác giả Lâm Vĩnh Thế về lại Việt Nam hợp tác với chính quyền Cộng Sản một cách hãnh diện.”


Đến đây thì Giáo sư Tuấn đã tự đưa mình vào một sai phạm nghiêm trọng mà một người có lương thiện trí thức không bao giờ làm: chụp mũ người khác là thân Cộng. Việc tôi về Việt Nam đã được giải thích rất rõ ràng trong các trang đầu tiên của chương cuối cùng của cuốn hồi ký Tròn Nhiệm Vụ, Chương Tám, với tiểu tựa là Nối Lại Quan Hệ Với Cộng Đồng Thư Viện Việt Nam.


Mọi việc đã bắt đầu sau khi Việt Nam đã áp dụng chính sách Đổi Mới và Hoa Kỳ đã tiến hành nối lại quan hệ bình thường với Việt Nam. Các thân hữu và đồng nghiệp của tôi (lúc đó tất cả đều đã trở thành công dân Hoa Kỳ) trong Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam (nhiệm kỳ 1974-75) tin rằng đây là cơ hội để giúp phát triển và cải thiện tình trạng lạc hậu của các thư viện tại Việt Nam.


Tôi chia sẻ quan điểm đó và đồng ý tham gia hoạt động với các bạn tôi qua hai hội đoàn bất vụ lợi, đầu tiên là VLEP (Vietnam Library Education Project) và sau đó là LEAF-VN (The Library and Education Assistance Foundation for Vietnam = Hội Hỗ Trợ Thư Viện và Giáo Dục Việt Nam). Tôi về Việt Nam lần đầu tiên là vào cuối tháng 3-1998 do Trường Đại Học Saskatchewan gởi đi để dự một Hội Nghị Quốc Tế mang tên là NIT ’98: 10th International Conference on New Information Technology, họp tại Hà Nội, 24- 26/3/1998.


Sau đó, tôi cùng làm việc với các thân hữu và đồng nghiệp cũ đã từng là thành viên của Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam (nhiệm kỳ 1974-1975) lúc đó đều là thành viên của Hội LEAF-VN, một hội đoàn phi chính phủ và bất vụ lợi (a nonprofit NGO, NGO = non-governmental organization) tại Hoa Kỳ.


Nhờ đó nhóm chúng tôi đã giúp cho hệ thống thư viện Việt Nam vượt thoát ra khỏi hệ thống thư viện lạc hậu của khối Cộng Sản (Liên Xô và Đông Âu) và phát triển theo đúng các tiêu chuẩn của Bắc Mỹ về thư viện và thông tin: áp dụng Bộ Quy Tắc Biên Mục Anh Mỹ Rút Gọn (The Concise AARC2; AACR2 = Anglo-American Cataloging Rules, Second Edition), MARC 21 (MARC = Machine-Readable Cataloging, bộ mã để thực hiện các ký lục thư mục điện tử -electronic bibliographic record- mà máy vi tính có thể đọc được), Hệ Thống Phân Loại Thập Phân Dewey, Ấn Bản thứ 14 Rút Gọn (Dewey Decimal Classification, 14 Abridged Edition), Hệ Thống Tiêu Đề Đề Mục (dựa trên Library of Congress Subject Headings List của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ).


Ngày hôm nay tất cả các thư viện công cộng lớn và các thư viện đại học 9 tại Việt Nam đều đã có hệ thống Thư Mục Trực Tuyến (OPAC = Online Public Access Catalog). Toàn bộ hệ thống thư viện của Việt Nam đã trở thành một hệ thống mở (Open Access System) giúp cho người sử dụng tìm tài liệu nhanh chóng và chính xác.


Tôi nghĩ và tin chắc rằng Giáo sư Tuấn biết rất rõ lập trường chính trị của tôi qua cuốn sách mới của tôi, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Một Quân Đội Anh Hùng Bị Bức Tử, đã được xuất bản và phát hành từ giữa tháng 6-2021, mà chắc chắn Giáo sư Tuấn đã có biết nhưng đã lờ đi, hoàn toàn không đề cập đến trong bài viết của ông (viết trong tháng 11-2021). Điều này cho phép chúng ta có thể đặt câu hỏi về sự lương thiện trí thức của Giáo sư Tuấn. Sách QLVNCH trên mạng Amazon từ ngày 16-June-2021 7.

image017

Điểm cuối cùng, và cũng là điểm làm tôi khó chịu nhất là việc Giáo sư Tuấn đã gán ghép cuốn hồi ký của tôi với cuốn hồi ký của tác giả Nguyễn Hữu Hanh (mà tôi hoàn toàn không có quan hệ, mặc dù có biết tiếng ông là một trong các vị Cựu Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam) với hàm ý chê bai cuốn hồi ký của tôi là “ba xạo” và “lộng ngôn.”


Tôi thật sự không biết Giáo sư Tuấn đã dựa vào điểm nào trong cuốn hồi ký của tôi mà đã có nhận định như vậy. Tất cả những gì tôi đã ghi lại trong cuốn hồi ký Tròn Nhiệm Vụ của tôi đều là sự thật 100% và đã được trình bày với những bằng chứng rõ ràng bằng văn bản cụ thể và đôi khi với cả hình ảnh. Phần lớn những thân hữu và đồng nghiệp đã cùng hoạt động với tôi trong suốt sự nghiệp thư viện của tôi trước 1975 và sau 1990 đều vẫn còn sống tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu Giáo sư Tuấn muốn kiểm chứng, tôi thật sự nghĩ là sẽ không có gì là khó khăn cả.


Về nhận định của Giáo sư Tuấn cho là tôi tự đắc và tự mãn thì tôi có suy nghĩ như sau: tôi không nghĩ là 2 từ đó là đúng mà tôi thật sự tin một cách chắc chắn rằng 10 các thân hữu và đồng nghiệp của tôi, cũng như cá nhân tôi, đều rất “tự hào” về tất cả những gì chúng tôi đã làm được trong việc giúp phát triển ngành thư viện của VNCH trong thời gian chúng tôi hoạt động trong Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam trước ngày 30-4-1975, cũng như trong Hội LEAF-VN sau năm 1990.


Chúng tôi tự hào nhiều nhất là về các việc sau đây:


• Đối với Hội Thư Viện Việt Nam: • lần đầu tiên đã xuất bản được cơ quan ngôn luận chính thức của Hội, Thư viện tập san, như một tạp chí chuyên ngành (professional journal), một năm ra 4 số • lần đầu tiên đã xuất bản tờ Bản tin, mỗi tháng ra 1 số, trong các tháng giữa các số của Thư viện tập san • lần đầu tiên tổ chức được một Đại Hội Hè, quy tụ được rất đông Hội viên về dự, để giải quyết những vấn để chuyên môn của ngành và của Hội, trong đó quan trọng nhất là đã thông qua được “Quy Chế Thư Viện Học Đường.” • Đối với ngành thư viện học: đã thành lập được Ban Thư Viện Học ở cấp đại học đầu tiên của VNCH tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Đại Học Vạn Hạnh Chính vì thế, ở cuối phần mở đầu Chương Hai của cuốn Hồi ký Tròn Nhiệm Vụ, ở khoảng giữa trang 43, tôi có ghi lại như sau: “Tuy nhiên, cũng chính trong thời gian của hai năm này, từ tháng 5-1973 cho đến cuối tháng 4-1975, tôi đã có cơ hội đóng góp rất nhiều vào việc phát triển ngành thư viện tại VNCH.”


Câu này, rất đáng tiếc, đã bị Giáo sư Tuấn, vô tình hay cố ý (?) bẻ cong thành một câu như sau: “…, tác giả tự cho cá nhân mình chỉ hơn một năm tại Sài Gòn (tháng 2-1974- tháng 4.1975) đã … phát triển hệ thống thư viện cho Việt Nam Cộng Hòa (trang 217).”


Đây cũng là một thói quen của Giáo sư Tuấn: đó là trích dẫn không trung thực nội dung văn bản gốc cũng như cách ghi chú số trang: • Văn bản gốc, tôi: viết như sau: tôi đã có cơ hội đóng góp rất nhiều vào việc phát triển ngành thư viện; Giáo sư Tuấn chuyển lại thành tự cho cá nhân mình … đã … phát triển hệ thống thư viện … • Văn bản gốc, tôi đã viết rõ như sau: từ tháng 5-1973; Giáo sư Tuấn chuyển lại thành tháng 2-1974 • Văn bản gốc là trích từ trang 43; Giáo sư Tuấn chuyển thành 11 (trang 217).


Thay Lời Kết:


Qua sự trình bày bên trên, tôi thật sự nghĩ và tin rằng quý độc giả đã có cơ sở để có những nhận định về cách làm việc thiếu nghiêm túc của Giáo Sư Trần Anh Tuấn trong khi viết bài “Về giáo sư Lâm Vĩnh Thế.”


Tôi thành thật mong rằng trong tương lai quý độc giả sẽ cẩn thận, suy xét, và, nếu cần, kiểm chứng lại những gì Giáo sư Trần Anh Tuấn viết ra.


Hamilton, Ontario, Canada


Viết xong ngày 14-11-2021


+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


XEM THÊM CÁC TRANG BÁO LIÊN QUAN ĐẾN TÁC GIẢ LÂM VĨNH THẾ


https://thuvienphatviet.com/lam-vinh-the-phat-trien-nganh-thu-vien-viet-nam/

https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tai-lieu-ve-vnch