Trần Anh Tuấn: Pierre Dieulefils và bưu thiếp Đông Dương (1887-1924)

20 Tháng Tư 20228:30 SA(Xem: 3939)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 4 - THỨ TƯ 20 APRIL 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Pierre Dieulefils và bưu thiếp Đông Dương (1887-1924)

image017

Trần Anh Tuấn


Pierre-Marie Alexis Dieulefils sinh ngày 21.1.1862 tại vùng nông thôn Malestroit phía đông nước Pháp. Học lực “brevet” tức trung học đệ nhất cấp, nay gọi là trung học cơ sở. Năm 1883, Dieulefils ký khế ước gia nhập quân ngũ trong năm năm. Dieulefils được biên chế vào lữ đoàn pháo binh số 24 và tình nguyện sang Bắc Kỳ năm 1885. Khi mãn hạn khế ước năm 1887, Dieulefils ở lại Đông Dương và mở cơ sở nhiếp ảnh tại Hà Nội.


Đến năm 1902, Dieulefils bắt đầu làm bưu thiếp với hình ảnh phong cảnh, đền đài, di tích, nhân vật, thời sự và sinh hoạt của các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cam Bốt, Lào, và Vân Nam bên Trung Quốc do chính ông chụp. Công trình này được Dieulefils tiếp tục cho mãi đến năm 1924, với tổng số hơn 5,000 bưu thiếp.

image021

Dĩ nhiên những bưu thiếp này là cách quảng cáo công trình «khai hóa» của nước «Đại Pháp» tại Đông Dương. Và hình ảnh tra tấn chém giết bêu đầu các nghĩa quân Yên Thế hay hình ảnh gông cùm các phụ nữ Ba Đình có mục đích khủng bố tinh thần công cuộc kháng chiến chống xâm lăng thủa ấy chính là những bằng chứng của tội ác và sự dã man do nhà cầm quyền thực dân Pháp tiến hành trên đất nước chúng ta. 


Ngày nay, nhờ nghệ thuật nhiếp ảnh của «Đứa Con Trời » (Dieulefils) mà chúng ta biết được một cách cụ thể hình ảnh hơn một thế kỷ trước đây, nhất là những hình ảnh lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế với một bộ bưu thiếp phong phú cả thảy tới 67 tấm năm 1909 hay 139 tấm về phế tích Angkok cùng năm... sẽ là những bài viết tiếp theo bài đầu tiên này.


Dieulefils lấy cái lư hương làm dấu hiệu trên các bưu thiếp của ông.


Hình ảnh mỗi địa phương nước ta được Dieulefils giới thiệu tổng quát trước tiên bằng một bưu thiếp tổng hợp như bốn bưu thiếp Quảng Yên, Hòn Gai (Gay), Móng Cái (Cáy), An Nam dưới đây.


image023image025image027Hình phong cảnh Hạ Long


image029Hình người dân giúp chúng ta biết y phục cổ truyền miền Bắc đầu thế kỷ XX


image031Hình ảnh Huế: Cửu Đỉnh, tượng trưng chín vua đầu triều Nguyễn


image033Hình ảnh Huế: cửa tam quan tại lăng Minh Mạng


image035Hình ảnh triều đình Huế: Đại Nam Thành Thái


Năm 1997, một tác giả Pháp tên Thierry Vincent đã thực hiện được công trình nghiên cứu tổng hợp về bộ bưu thiếp Pierre Dieuleflis tựa đề Pierre Dieulefils, Photographe-Éditeur de Cartes Postales d’ Indochine (1997, 255 tr.) Đây là trang bìa sách về Pierre Dieulefils với thủ bút của tác giả


image037image039Hình một trang sách có thủ bút cùa tác giả Thierry Vincent


Năm 2011, tôi đã tặng tác phẩm trên cho bác Lê Đức Vân (cựu giám đốc Thông Tin Văn Hóa Hà Nội thập niên 1960 và cựu chủ tịch Hội Tem Hà Nội) khi tôi về thăm lại quê hương và căn nhà gia đình tôi cư ngụ trước năm 1954, hiện vẫn là số cũ 282 phố Khâm Thiên. Là sách quý có giá trị lịch sử, tôi đã tìm mua thêm quyển thứ hai để làm tài liệu trong thư viện TAT.

image041image043

Năm 1909, Dieulefils xuất bản một tập sách ảnh về Angkok tựa đề Ruines of Angkor Cambodia in 1909. Sách chỉ in 500 bản nên ít người biết. Tháng 3.2001, bản đánh số 49 được phát hiện tại nhà của một thủ thư ở Bangkok. Cũng năm đó, nhà xuất bản River Books ở Bangkok đã tái bản nguyên trạng tập sách ảnh bao gồm 139 tấm về Angkok và thủ đô  Phnom Penh mà Dieulefils đã xuất bản năm 1909 bằng ba ngôn ngữ, là Pháp, Anh, và Đức với lời mở đầu của Étienne Aymonier (người khám phá ra phế tích Angkok) và lời giới thiệu của Louis Finot (Giám Đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ đương thời).


Sự nghiệp nhiếp ảnh của Dieulefils thành công rực rỡ, gồm cả danh và lợi.


Danh là các loại Huy Chương Đồng (Triển Lãm Quốc Tế Paris 1889), Huy Chương Bạc (Triển Lãm Quốc Tế Hà Nội 1902), cùng ba Huy Chương Vàng (Triẻn Lãm Quốc Tế Marseille 1906, London 1908, và Bruxelles 1910).


Lợi là chuyện độc quyền chụp ảnh căn cước ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.


Nguyên năm 1885, đô đốc De Courcy đặt thêm thuế qua hình thức căn    cước đánh vào ngoại kiều ngụ cư, tức người Tàu. Đến 1893 thì một nghị định khác của Toàn Quyền Đông Dương ấn định căn cước phải có hình mà ngày 29.12.1894, Dieulefils được trúng thầu độc quyển chụp ảnh căn cước. Dã tâm của chính quyền thuộc địa là móc túi dân lành vì nghị định nghi rõ hình ảnh đương sự tự cung cấp không được chấp thuận, phải là hình chụp do chính quyền cung cấp mới được chấp thuận. Giá mỗi tấm hình trong căn cước ngoại kiều phải trả là 1đ, một số tiền không nhỏ năm 1894 vì bốn thập niên sau tức thập niên 1930, giá một tạ gạo cũng chỉ vào khoảng 3đ. Những chi tiềt trên cho thấy lợi tức khổng lồ mà Dieulefils thu được khi chụp hình căn cước. Thêm nữa vào năm 1888, tổng số quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương là 42,000 người. Riêng Hà Nội có 12,308 quân lính. Chưa kể hệ thống công chức Pháp trong chính quyền Đông Dương, cùng giới thương nhân, gia đình... Tất cả đều muốn có hình ảnh gửi về cho thân nhân ở Pháp, và cần mua bưu thiếp để trao đổi là cách thông tin thuận tiện và tiết kiệm thì giờ giữa Đông Dương và Pháp.


Đó chính là mỏ vàng mà Dieulefils khai thác gần ba thập niên ở Hà Nội. Bằng chứng về sự thành công tài chính là năm 1907, Dieulefils mua một biệt thự nghỉ mát tại Đồ Sơn, Hải Phòng với giá 2,200đ. Một bằng chứng khác là khi về hưu tại quê nhà, Dieulefils dự tính mua lại lâu đài Morlaye làm nơi trú ngụ. Nhưng cuối cùng Dieulefils chỉ tự vẽ kiểu và cho xây một biệt thự đặt tên là Les Sources.


Khoảng năm 1914, gia đình Dieulefils trở về Pháp. Trong Đệ Nhất Thế Chiến, gia đình Dieulefils có một con trai nhập ngũ năm 1915 và hai năm sau tử trận vì đạn pháo kích của Đức. Sau chiến tranh, chính quyền thuộc địa Hà Nội lấy tên người Pháp có công đặt cho đường phồ. Tên Pierre Dieuleflis được đặt cho phố tên Việt là Đặng Dung.


Dieulefils mất ngày 19.11.1937 tại nơi sinh trưởng, vùng nông thôn Malestroit.


 Tóm lại, khởi đầu chỉ là một dịch vụ thương mại (Dieulefils mở hiệu ảnh tên Photographie P. Dieulefils ở 53 phố Jules Ferry, Hà Nội), nhưng nhờ ống kính của một chuyên viên và vị thế của một cựu sĩ quan Pháp trong bình đoàn thuộc địa thời Pháp thuộc nên được phép đi khắp Đông Dương, được tham dự các biến cố quan trọng về văn hóa, xã hội, chính trị và nhất là quân sự, được gặp vua quan nhà Nguyễn và các nhân vật quan trọng đương thời, Dieulefils đã có công để lại những hình ảnh lịch sử, cụ thể và chân xác, về nước ta và dân ta, nhất là tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ trước đây hơn một thế kỷ.


Trần Anh Tuấn

Bài viết tháng 4.2011 

Tăng bổ tháng 4.2022