Hà Văn Thùy: Trả lời câu hỏi “Ai sáng chế ra chữ Hán?”

04 Tháng Năm 202211:00 SA(Xem: 3954)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 2 – THỨ TƯ 04 MAY 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


TRẢ LỜI CÂU HỎI: AI SÁNG CHẾ RA CHỮ HÁN?

image005

Hà Văn Thùy


Người bạn từ Cali gửi cho bài viết của Nguyễn Hải Hoành đăng trên Nghiên cứu quốc tế: “AI SÁNG CHẾ RA CHỮ HÁN” cùng đề nghị giúp làm rõ chuyện này. Thấy vấn đề đặt ra thực sự nghiêm túc nên cũng xin trả lời nghiêm túc đáp lại nguyện vọng của người bạn cùng đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, thuật ngữ “chữ Hán” là có vấn đề nên trong suốt bài này tôi dùng từ thỏa đáng hơn: chữ Nho!


Trong những yếu tố cấu thành nhận thức của con người, ngoài những tri giác trực tiếp còn bị/được chi phối bởi vô thức xuất hiện trong tâm hồn/tâm linh không những của từng người mà còn là của dân tộc qua tâm thức cộng đồng. Ý tưởng chữ Nho do tổ tiên người Hàn sáng tạo không phải là chuyện ngẫu hứng một sớm một chiều của mấy ông học “giả”! Tôi tin rằng nó tồn tại từ ngàn xưa và luôn thôi thúc con tim người Hàn qua thế hệ này sang thế hệ khác, trong phức cảm tìm lại cội nguồn. Nhưng cho đến cuối thế kỷ XX là điều bất khả vì chưa đủ dữ kiện xác thực điều gì. Mọi tranh luận sẽ không có hồi kết. Nhưng đến nay, khi khoa học đã lùa tay tới tận đáy lịch sử nhân loại thì việc tìm ra chủ nhân chữ Nho trở nên đơn giản!


Trong bài này, tôi sẽ làm rõ bốn vấn đề sau:

  1. Người Trung Quốc, người Hàn, người Nhật, người Việt là ai?
  2. Chữ Nho được hình thành ra sao?
  3. Ngôn ngữ phương Đông được hình thành như thế nào?
  4. Giá trị và vai trò của chữ Nho trong tương lai.

1. Người Trung Quốc, người Hàn, người Nhật, người Việt là ai?


Đến hôm nay khoa học khẳng định, 40.000 năm trước, người Hòa Bình Việt Nam đi tới Điền Nguyên Động, Chu Khẩu Điếm, là người hiện đại sớm nhất có mặt ở Bắc Trung Quốc. Mang trong mình mã gen O3M122, Cụ Điền Nguyên (tôi xin gọi Cụ như vậy) thuộc người Lạc Việt chủng Indonesian, là tổ tiên trực tiếp của người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đồng thời là thủy tổ người bản địa châu Mỹ. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, Cụ Điền Nguyên chỉ là lớp tiền trạm báo cáo với Trời đất là người từ Việt Nam đã tới đây làm chủ đất này. Lúc đó đang thời băng hà, các cụ chỉ có công cụ vi đá microblades nên sổng rất gian truân. Tuy nhiên, con cháu cụ đã chiếm lĩnh vùng Hoa Bắc, Siberia, châu Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó là thành tựu vĩ đại của tiền nhân.


Cuộc sống chỉ trở nên sôi động khoảng 10.000 năm trước, sau khi Kỷ Băng hà kết thúc, mùa Xuân tới với loài người. Lúc này người Việt từ Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây mang giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó và lợn lên xây dưng nông nghiệp tại Giả Hồ, Hà Mẫu Độ, vùng Đông Bắc Trung Quốc và Ngưỡng Thiều Cao nguyên Hoàng Thổ. 7000 năm trước, tại làng Bán Pha tỉnh Thiểm Tây thuộc văn hóa Ngưỡng Thiều, cùng trồng kê, người Việt cổ con cháu cụ Điền Nguyên gặp gỡ hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid – cũng từ Việt Nam lên đây 34.000 năm trước), sinh ra chủng người Mông Cổ phương Nam ( South Mongoloid), được gọi là người Việt hiện đại. Xây dựng được nền nông nghiêp phát triển, thức ăn dồi dào, Người Việt hiện đại tăng nhân số, trở thành dân cư chủ thể của lưu vực Hoàng Hà với hai trung tâm kinh tế lớn là Trong Nguồn (đồng bằng Hán Thủy – Trung Nguyên sau này) và Thái Sơn vùng Sơn Đông. Khoảng 6500 năm trước, bộ đôi cụ tổ đầu tiên (có tên) của tộc Việt là Phục Hy-Nữ Oa ra đời, hoàn thành việc chế tác Kinh Dịch. Khoảng 5300 năm trước vị tổ thứ hai của tộc Việt là Thần Nông xuất hiện. Từ vùng đất ngày nay là Hồ Bắc, Cụ đi xuống Thái Hồ Hàng Châu Chiết Giang xây dựng kinh đô Lương Chử của nhà nước vĩ đại đầu tiên ở phương Đông. Sử sách không biết đến tên của nhà nước này nên thường gọi là nhà nước Lương Chử. Nay có thể gọi là nhà nước Thần Nông với kinh đô Lương Chử.

image008

Sự phân bố dân cư trên đất Đông Á.


Haplogroup C = Melanesian strain


Haplogroup D = Negritos strain


Halogroup N = Mongoloid strain


Halogruop O = Indonesian strain (người Lạc Việt)


Khoảng năm 2879 TCN, trên địa bàn nhà nước cũ của Tổ Thần Nông lưu vực Dương Tử, Kinh Dương Vương xây dựng nhà nước Xích Quỷ. Trong khi đó, anh ông là Đế Lai trị vì nửa nhà nước Thần Nông trên lưu vực Hoàng Hà. Thời kỳ này những bộ lạc du mục Mông Cổ trên bờ Bắc Hoàng Hà luôn đánh cướp dân Việt phía Nam. Năm 2698 TCN, tổng tấn công vào Trác Lộc, người du mục do họ Hiên Viên dẫn đầu, đánh bại Đế Du Võng, chiếm miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Người Việt vùng Sơn Đông kiên cường chống lại Hoàng Đế, xây dựng những nhà nước hoặc bộ tộc độc lập. Trong đó có các nước Di Việt, Quỷ Phương… trên đất Hà Nam, chống lại triều đình Hoa Hạ cho tới thời Thương. Các nhà nước Hoàng Đế từ Nghiêu, Thuấn, Vũ luôn lấn chiếm đất của dân Sơn Đông và gọi một cách kinh miệt là Đông Di. Cuối đời Thương, nhà Chu liên kết các tiểu quốc này thành liên minh 800 “nước” đánh thắng nhà Thương, lập vương triều phong kiến Chu. Các tiểu quốc “Đông Di” sáp nhập Trung Quốc.


Đấy là bối cảnh lịch sử Hoa lục cho đến đầu Công nguyên. Muốn hiểu rõ bức tranh lịch sử này, cần nhìn ra những mảng màu tạo nên bức tranh là những quốc gia và cộng đồng dân tộc từng làm chủ đất đai trong quá khứ. Trước cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, toàn bộ Hoa lục là giang sơn của người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam, do người Lạc Việt lãnh đạo. Sau cuộc xâm lăng của họ Hiên Viên, dân cư phương Đông bị tách làm hai: Nhà nước Hoàng Đế bao gồm một bộ phận nhỏ người Mông Cổ chiến thắng cộng với số đông người Việt bị chiếm đóng. Lúc đầu người Việt kháng cự mãnh liệt nhưng sau đó nhờ cai trị khôn khéo, Hoàng Đề thu phục được dân Việt.  Người Việt và người Mông sống thuận hòa. Do người Việt quá đông, nên khoảng nửa thế kỷ sau, người Mông Cổ bị đồng hóa. Trong vương triều toàn là người Việt, được cai trị bởi người Hoa Hạ, là lớp con lai Mông Việt ra đời sau cuộc xâm lăng. Với thói quen “ăn cây nào rào cây ấy,” người Việt trong nhà nước Hoàng Đế cũng hãnh diện nhận mình là “Hoa Hạ” và theo vương triều, gọi đồng bào xung quanh là tứ di. Người vùng Sơn Đông được gọi là Đông Di.


Sau sự cố Trác Lộc, một bộ phận người Việt ở Trong Nguồn và Thái Sơn chạy xuống Nam Dương Tử rồi đi tiếp xuống Việt Nam. Đây là cuộc tỵ nạn chiến tranh nên người di cư chủ yếu là nam giới. Người di cư mang nguồn gen Mongoloid hòa huyết với người Việt cổ Australoid, hậu duệ của Tổ tiên ra đời 70.000 năm trước, sinh ra người Việt Nam hiện đại Mongoloid phương Nam. Từ 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam là chủng Mongoloid phương Nam. Do hình thành như vậy nên người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất châu Á. Người Việt cổ là thủy tổ dân cư châu Á và phần lớn nhân loại ngoài châu Phi.


Về người Hàn và người Nhật. Từ 30.000 năm trước, con cháu Cụ Điền Nguyên đã có mặt trên đất Hàn và Nhật, xây dựng nền văn hóa cổ. Tại Nhật là văn hóa Jomon. Nhưng khoảng 300 năm TCN, do sức ép của chiến tranh, hàng triệu người Đông Di (lúc này thuộc địa phận nước Ngô cũ) chạy sang Hàn Quốc rồi từ đây sang Nhật, làm nên dân cư và văn hóa hiện đại của hai quốc gia này. Ở Nhật là văn hóa Jayoi. Cũng phải kể đến cuộc di cư của người Altaic, Eskimos, Tungusic… từ Đông Siberia tới làm nên dân cư đa dạng của Hàn và Nhật. Tổ tiên xa của người Hàn và Nhật là Cụ Điền Nguyên, mã gen Australoid. Do vậy, tổ tiên trực tiếp của người Hàn và Nhật là người Việt sinh ra ở làng Bán Pha 7000 năm trước. Có thể nói thêm rằng, do xuất thân như thế nên người Hàn gần về di truyền với người Việt Nam hơn, như nhiều khảo sát gen đã chỉ ra.


Người Trung Quốc được hình thành ra sao? Sau năm 2698 TCN, với nhà nước Hoàng Đế được thành lập thì cái gọi là “người Hoa Hạ” của thiên triều Hoàng Đế ra đời, tồn tại tới thời Tần, được gọi là Trung Quốc, là trung tâm thiên hạ, phân biệt với Tứ di xung quanh. Người Trung Quốc tự nhận là Hoa Hạ, là Viêm Hoàng tử tôn – có nghĩa là con cháu của Thần Nông và Hoàng Đế! Có hai chuyện nảy sinh ở đây: Thần Nông sống khoảng 3200 năm TCN nên không thể vượt 600 năm về cùng Hoàng Đế năm 2698 TCN để sinh ra người Trung Quốc! Thứ hai: nếu là “Viêm Hoàng Tử tôn,” thì người Trung Quốc chỉ ra đời sau năm 2698 TCN, tới nay mới có 4698 tuổi, trẻ nhất trong dân cư Đông Á!


2. Chữ Nho được hình thành ra sao?

image010

Trong bài của mình, tác giả Nguyễn Hải Hoành nhắc lại truyền thuyết Thương Hiệt làm ra chữ, lại còn khẳng định tiếng Việt mượn 70% từ tiếng Hán, mặc nhiên biến ông thành “nhà thông thái” với kiến thức quá dat! Khoa học ngày nay đã chứng minh, những mầm mống đầu tiên của chữ vuông xuất hiện trên đá Sa Pa 10.000 năm trước. 9000 năm trước được đưa lên Giả Hồ với 11 ký tự: Nhật, Hỏa, Mục, Bát, 20... Khảo cổ học tìm được ở di chỉ văn hóa Hòa Bình 8000 năm hai đĩa gốm khắc chữ Thượng và chữ Sỹ. 6000 năm trước, chữ Giáp cốt xuất hiện trên xẻng đá Cảm Tang Quảng Tây, trên gốm Bán Pha Thiểm Tây. 5000 năm trước xuất hiện trên ngọc Lương Chử. Quan sát chữ Giáp cốt, tôi nhận ra rằng: bên cạnh những chữ rất “cổ quái” thách đố người đọc lại có những chữ rất hiện đại, như các chữ ở Giả Hồ, trên đĩa gốm Hòa Bình. Ngay trên một búa ngọc Lương Chử phát hiện ở Quảng Ninh, có 16 chữ thì dốt như tôi cũng đọc được dễ dàng chữ Lý, Qua, Dịch, Kim, Thị, 里,戈,易,金,是.Điều này hé lộ sự thật rằng, khi chế chữ, tổ tiên có lúc “gặp may” đã thể hiện chuẩn mực nhất cái ý cần thể hiện vào một ký tự nên nhận được con chữ hiện đại bền vững với thời gian, giống như những chữ trên giáp cốt văn hóa Giả Hồ.


 Búa ngọc Lương Chử tìm được ở Quảng Ninh


Miên man suy nghĩ rồi tôi nhận ra rằng, tổ tiên ta cùng lúc làm hai việc là tìm Dịch lý và tạo chữ viết. Ban đầu có thể những nhóm khác nhau thực hành độc lập. Nhưng khi có thành tựu, các vị đã hợp tác để cùng làm. Lúc này chữ được chế không còn là tùy tiện, ngẫu nhiên nữa mà được chỉ đạo thuận theo Dịch lý với Âm Dương, Ngũ Hành nên chữ ngày càng có cấu trúc chặt chẽ và mang ý nghĩa triết lý. Hòa thượng Viên Như là người phân tích rất kỹ Dịch lý trong chữ viết, đã có những khám phá thú vị. Điều đáng suy nghĩ là tốc độ làm chữ của các cụ quá chậm. Suốt 5000 năm từ Giả Hồ đến Lương Chử mà chữ vẫn chỉ được dùng cho cúng tế, bói toán! Do vậy, 200 năm (1500 -1300 năm TCN) của nhà Ân là bước nhảy vĩ đại. Tôi cho rằng, khi chiếm đất An Dương của người Việt, nhà Ân có con mắt tinh đời nhận ra giá trị lớn lao của chữ viết nên tận dụng những “vẽ sư” người Việt, chế tác thật nhiều chữ rồi sử dụng rộng rãi trong nhân sự, hành chính, địa dư, lịch sử… Nhờ thế, văn tự xuất hiện lần đầu trong lịch sử phương Đông. Nói công bằng, làm chữ là một quá trình kiên trì gần 10.000 năm của cộng đồng Việt tộc mà người Việt thuộc triều Ân Thương có công đặc biệt lớn, đã hoàn thiện công việc gian nan kéo dài.


Người Việt Nam trước đây không cạnh tranh bản quyền chữ Nho với người Hán bởi chưa có căn cứ lịch sử. Chỉ thấy chữ từ khi Triệu Đà mang xuống nên vội vàng học, trân quý gọi là chữ Thánh hiền! Nhưng nay thì chuyện đã khác: Tổ tiên người Việt Nam không chỉ là thủy tổ dân cư Trung Quốc mà còn là người khởi đầu sáng chế chữ Nho.


Với người Hàn, được sinh ra cùng mọi dòng Việt hiện đại khác trên lưu vực Hoàng Hà 7000 năm trước và xây dựng quê hương Sơn Đông. Khi Hoàng Đế chiếm đất Trong Nguồn thì người Sơn Đông vẫn bán trụ trên đất của mình dưới ngọn cờ của anh hùng Si Vưu, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Một trong những công việc của dân vùng Sơn Đông là hoàn thiện chữ Giáp cốt để bói toán và thờ cúng trời đất Tổ tiên. Cố nhiên không khỏi đau xót khi bị đồng bào chèn ép xúc phạm gọi là Đông Di. Vào thế kỷ XV TCN, người Đông Di chống trả việc Bàn Canh chiếm đất An Dương lập nhà Ân đồng thời chứng kiến việc chữ vuông được hoàn thiện, đưa vào cuộc sống. Người Đông Di cũng tham gia vào việc hoàn thiện chữ vuông, cũng là người sử dụng chữ vuông từ rất sớm như thành quả đáng tự hào của tổ tiên. Thế kỷ III TCN bị chiến tranh dồn ép sang bán đảo Cao Ly dựng nước mới, người Đông Di thành người Triều Tiên, mang theo chữ vuông, vẫn không quên công đức của Tổ tiên mình, trong đó có việc chế tạo chữ vuông. Vì vậy hôm nay học giả Hàn Quốc nhận bản quyền sáng chế chữ Nho cho Tổ tiên là hoàn toàn chính đáng. Nhưng suy cho cùng, sáng tạo chữ vuông là công lao của tổ tiên người Việt trên đất Đông Á.


3. Ngôn ngữ phương Đông được hình thành như thế nào?


Sống hơn 200.000 năm trên đất tổ châu Phi, con người đã trưởng thành về giải phẫu và tiếng nói. Vì vậy khi tới Việt Nam, sinh ra người Việt thì tiếng nói của người Việt cổ đã trưởng thành. Trong 30.000 năm sống tại Việt Nam (70.000 – 40.000), người Việt cổ phát triển mạnh nông nghiệp trồng rau củ quả, đảm bảo nguồn dinh dưỡng dồi dào, góp phần tăng nhân số. Trong lao động lâu dài, người Việt bổ sung thêm nhiều tiếng nói gọi tên cây trồng, vật nuôi và hoạt động xã hội. Vì vậy người Việt sáng tạo vốn từ vựng phong phú để mang lên Hoa lục. Như mọi ngôn ngữ sinh ra từ châu Phi, tiếng Việt cũng đa âm vô thanh. Nhưng từ khi chữ vuông ra đời, có chuyển biến lớn. Chữ vuông là chữ đơn lập: mỗi chữ chỉ ghi được một âm. Do vậy, những tiếng đa âm muốn được ghi thành chữ, buộc phải bỏ bớt phụ âm đầu hay phụ âm cuối, biến thành đơn âm. Thí dụ blời -> lời -> trời -> thiên; Kron -> sông -> rồng … Một khi tiếng đã đơn âm thì dễ được chuyển nghĩa bằng cách đọc nhẹ hay nặng để thành chữ khác nghĩa. Thí dụ: Thanh -> Thành -> Thánh -> Thạnh… Cuối cùng, tiếng Việt trở thành thứ tiếng đơn âm với sáu thanh điệu. Tuy nhiên, có sự thực là, tiếng nói thì nhiều trong khi số lượng chữ làm ra lại quá ít. Dù có dùng lục thư để tạo chữ thì vẫn rất nhiều tiếng không được ghi lại. Những tiếng này theo thời gian bị rơi rụng. Có thống kê cho thấy, tại Trung Nguyên, có tới 30% tiếng bị mất. Ở Nam Dương Tử, do độc tôn quan thoại và chữ vuông nên đến nay có khoảng gần 20% tiếng bị mất. Do đó tiếng Trung Quốc bỏ mất 30% tiếng của tổ tiên Việt tộc.


Trong khi đó, tại Việt Nam, tiếng nói của người tại chỗ kết hợp tiếng nói của nhiều lớp người từ phía bắc trở về nên vô cùng phong phú, được gọi là Nôm và Chữ. Từ thời Trần đã tạo ra chữ Nôm để ghi lại mọi lời nói của dân gian nên tiếng nói được bảo lưu và sử dụng nhuần nhụy. Chữ quốc ngữ ra đời, do ghi được cả chữ Nôm và âm Nho nên mọi tiếng nói của người Việt đều được ghi chép và bảo tồn. Nhờ vậy tiếng Việt là ngôn ngữ phong phú giầu có nhất ở phương Đông. Cuối thế kỷ XIX, từ Tây Phi sang công tác ở Đông Dương, Đô đốc người Pháp Henri Frey đã nhận ra điều này rồi viết thành sách Tiếng Annam là mẹ các tiếng nói (L'annamite mère des langues.) Cho rằng tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán là sai lầm chết người của học giả phương Tây. Do không biết nguồn gốc tiếng nói Đông Á nên khi thấy trong tiếng Việt có tới 70% số chữ giống với chữ Hán, họ theo quan điểm “dĩ Hoa vi trung,” cho rằng Việt mượn từ Hán. Sự thực, như tôi đã chứng minh: tiếng Trung Quốc là phiên bản suy thoái của tiếng Việt.


4.Giá trị và vai trò của chữ Nho trong tương lai.


Tất cả thế giới dùng chữ biểu âm: chữ chỉ giữ vai trò là ký hiệu của sự vật, hiên tượng. Trong khi đó chữ Nho là thứ chữ duy nhất biểu ý. Được chế tác dưới sự chi phối của Dịch lý nên chữ Nho là văn tự mang trong bản thân nó những ý nghĩa, triết lý sâu sắc. Có câu cách ngôn: “Tư duy nào, ngôn ngữ ấy” cho thấy chỉ khi tư duy bằng chữ Nho và phát biểu bằng chữ Nho mới đạt tới chiều sâu nhất của tư tưởng. Thao tác với chữ Nho giúp bộ não khai mở, sáng tạo những điều kỳ diệu.


Viêt Nam bị người Trung Quốc đô hộ 1000 năm. Đó là họa lớn. Nhưng trong họa có phúc đó là có chữ Nho từ sớm để xây dựng văn hiến. Hầu hết người Việt nghĩ rằng, chữ Nho là do người Hán mang tới để thống trị, nô dịch dân ta. Do thiếu thông tin nên không hiểu rằng, chữ Nho là văn tự do tổ tiên ta sáng chế, từ Việt Nam đưa lên, được hoàn thiện tại Nam Hoàng Hà. Sau đó được truyền về cho chúng ta. Nếu không có phần Nho trong lời ăn, tiếng nói thì văn hóa của chúng ta sẽ rất nôm na! Việc bãi bỏ chữ Nho là họa lớn. Hơn 200 năm trước, một học giả nước ngoài có nói, đại ý: “Chúng ta cho người An Nam thứ chữ dễ học, dễ nhớ, giúp họ tiếp thu nhanh văn minh thế giới. Nhưng rồi sau này con cháu họ sẽ trách là chúng ta đã ngăn cách họ với tổ tiên.” Câu nói đó đã thành sự thật. Phải nói rằng, cùng với nhiều nguyên nhân khác, việc bỏ chữ Nho góp phần làm cho chúng ta trở thành dân tộc thiểu năng trí tuệ.


Về phần người Hàn. Nói tiếng Hàn thuộc hệ ngữ Altaic cũng chưa phải. Sở dĩ có quan niệm như vậy là do, có số lượng nhỏ người Altaic từ Đông Nam Siberia xâm nhập Triều Tiên, đã pha tiếng nói của họ vào ngôn ngữ Hàn. Là người Đông Di nên tiếng Hàn là tiếng Việt. Cũng như tiếng Việt Nam, trong tiếng Hàn có phần “Nôm” là tiếng nói của dân gian và phần “chữ” là Nho. Nhưng vì nóng vội thoát Trung nên người Hàn bãi bỏ chữ Nho. Bỏ chữ Nho là chối bỏ phần lớn kho tàng ngôn ngữ của tổ tiên, lại là phần giá trị nhất. Những tiếng “Nôm” được ghi bằng chữ Hangul không thể đạt được chiều sâu tư tưởng. Do vậy, tiếng Hàn giữ được hồn dân nhưng lại thiếu sự sâu sắc của bộ não. Nay người Hàn tỉnh ngộ khôi phục chữ Nho là điều mừng.


Trong ba nước Đông Á ngoài Trung Quốc thì người Nhật đã xử lý tuyệt vời quan hệ giữa chữ Nho, Hiragana và Katakana. Từ đó họ sáng tạo ra văn bản cùng lúc chứa hai loại chữ, bổ sung cho nhau tạo nên tiếng nói đồng điệu. Mặt khác, họ bắt buộc học trò mỗi cấp phải thuộc một số chữ Nho nên con cháu không bị mù trước chữ nghĩa của tổ tiên. Vì vậy, trăm năm nay con cháu của Nữ thần Thái Dương bước vững chắc trên đôi chân DÂN TỘC-HIỆN ĐẠI. Người Hàn chắc sẽ theo đường này!


Sài Gòn, Xuân Nhâm Dần
16 Tháng Sáu 2022(Xem: 3824)