Lý Kiến Trúc phỏng vấn Nhà báo Bùi Tín

01 Tháng Tám 20222:19 CH(Xem: 3952)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 1 - THỨ BA 02 AUG 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Lý Kiến Trúc phỏng vấn Nhà báo Bùi Tín


Nam California Sep 4, 2005


Chú thích: Những dòng chữ in nghiêng là câu hỏi của bổn báo Lý Kiến Trúc.


image009Nhà báo Bùi Tín đang tr li cuc phng vn ca ông Lý Kiến Trúc, Ch nhim tp chí Văn Hóa Magazine ti tr s t báo trên đường Moran St., Tp Westminster, CA 92683 ngày 4 tháng 9 năm 2005.


*


LÝ KIẾN TRÚC: Kính chào Đại tá Bùi Tín, trong cuộc phỏng vấn này xin phép được gọi ông là Đại tá hay một danh từ nào khác xin ông cho phép?


BÙI TÍN: Tôi không thích gọi là Đại tá hay ông gì cả, xin cứ gọi tôi là nhà báo.


LKT: Vâng, cám ơn nhà báo Bùi Tín. Thưa ông, tôi xin có vài lời giới thiệu sơ lược về ông với sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi. Thưa quí vị, nhà báo Bùi Tín nguyên là con trai của cụ Bùi Bằng Đoàn, một Thượng thư của triều đình nhà Nguyễn. Cụ Bùi Bằng Đoàn có thời mà quyền lực của cụ ngang hàng với bậc Tể tướng trong triều đình. Thưở thanh niên, nhà báo Bùi Tín đã xung phong gia nhập vào Vệ quốc đoàn cầm súng chiến đấu chống thực dân Pháp giành độc lập cho nước nhà. Chức vụ cuối cùng của ông trong Quân đội Nhân dân Việt Nam là Đại tá, nhưng ông không ở trong quân đội hẳn mà làm công việc của một nhà báo nhiều hơn. Chức vụ của ông trong ngành báo chí là phó Tổng biên Tập nhật báo Nhân Dân, một cơ quan ngôn luận của đảng CSVN.


Thưa ông, đó là vài nét sơ sài mà chúng tôi hiểu biết về ông, ông có thể cho bạn đọc biết thêm vài nét về cuộc đời của ông?


BÙI TÍN: Tôi chiến đấu từ năm 1945 cho đến năm 1965 thì tôi chuyển sang làm báo, tôi làm phó tổng biên tập của báo Quân đội Nhân dân là nhật báo của quân đội. Lúc ấy là tờ báo lớn thứ hai sau tờ Nhân Dân ở Việt Nam. Tôi làm báo Quân Đội Nhân Dân từ năm 1965 đến 1982 thì tôi chuyển sang báo Nhân Dân. Trước đó năm 1975 thì trên danh nghĩa là phó tổng biên tập báo Quân Đội tôi đã theo dõi rất nhiều chiến dịch và kể cả chiến dịch cuối cùng, gọi là giải phóng miền Nam đi đến thống nhất đất nước.


Ngày 30/4/1975, tôi là sĩ quan cao cấp nhất có mặt tại dinh Độc Lập, khi mà chưa có ông tướng nào vào, tôi nhận nhiệm vụ là mặc nhiên chứng kiến sự đầu hàng của chính phủ Dương Văn Minh. Tôi cũng là sĩ quan cao cấp nhất để nhận sự đầu hàng đó, không coi đó là dịp đặc biệt hay vinh dự và càng về sau tôi càng thấy tất cả những điều đó là vô nghĩa. Nhất là khi ra chính sách phi lý ngay sau cái ngày gọi là giải phóng, quên hay cố tình quên chính sách hòa giải dân tộc mà họ đã hứa và họ thực hiện cái kiểu chính sách mà tôi ngẫm nghĩ thì đó là chính sách chiếm đóng.


Đảng cộng sản Việt Nam đi chiếm đóng một nửa đất nước của chính mình, chính sách chiếm đóng tôi nói không ngoa đâu, với chính sách là bỏ tù gần 300 nghìn viên chức sĩ quan miền Nam. Gọi là đi học cải tạo có vẻ hách thôi, có vẻ che dấu cái ác độc tàn bạo. Học thì phải có học đàng hoàng chứ nhưng mà sự thật là gì? là bỏ tù, và những cái trại cải tạo đó thuộc về cục quản lý trại giam của bộ công an, tên chính thức của nó là thế. Hơn 60 trại cải tạo đặt dưới sự quản lý của Cục Quản lý Trại giam của Bộ Công an, do thiếu tướng là Lê Hữu Qua mà tôi có quen biết là làm thủ trưởng.


Thế rồi ngoài những chính sách gọi là cải tạo như thế đó, còn có những việc bắt bớ những đảng phái cũ để bỏ tù, tất cả những đảng phái chính trị coi là Việt gian, coi là tay sai của Mỹ. Đặc biệt là những tuyên úy những người theo tôn giáo đạo Phật thì bị tù rất nặng, tù đó là gì? Tù không có xét xử của tòa án nào cả, tù đó là tù vô thời hạn. Có người bị tù 3 năm, 5, 7, có người tới 13 năm và có những người đến 18 năm.


Chính tôi bắt đầu thấy chính sách đó không ổn, tính chất vô nhân đạo, chính sách không còn tính chất Cách Mạng, cho nên là khi năm 1990 khi tôi là phó biên tập của tờ báo Nhân Dân là một tờ báo lớn nhất của cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản, đó là tờ báo hàng ngày lớn nhất… Tôi quyết định ở lại Pháp đấu tranh dành lại quyền sống tự do, đòi xây dựng một chế độ đa đảng. Bởi vì đã độc đảng thì không có dân chủ, đã độc đảng thì độc đoán. Đã độc đoán thì sẽ hành hạ nhân dân và không còn tôn trọng nhân quyền nữa.


LKT: Xin cảm ơn đại tá, xin lỗi xin cảm ơn nhà báo Bùi Tín. Thưa ông, đối với ông là một nhân vật mà chúng tôi có thể coi như là một kho tàng về tài liệu từ sau năm 1975 đến nay. Vừa rồi ông nhắc đến một số sự kiện của ngày 30/4/1975, chúng tôi xin phép được hỏi thăm ông về một số sự kiện mà cho đến nay lịch sử vẫn chưa khai mở cho đến hết của nó, chẳng hạn như ông là một sĩ quan và là một phó tổng biên tập của một nhật báo Nhân Dân thuộc về lực lượng chính quy của ngoài Bắc tức là Hà Nội, tiến vào dinh Độc Lập, song song bên cạnh đó có một lực lượng thứ hai đó là lực lượng Mặt trận Giải phóng Miền nam cũng tiến vào dinh Độc Lập ở Sài gòn. Vậy thì thưa ông, giữa hai lực lượng đó có một sự tranh giành nào của hai lực lượng đó khi tiến vào dinh Độc Lập không?


BÙI TÍN: Lý do tôi vào thực chất là Quân đội Nhân dân của miền Bắc nhưng mà ngôi Sao trên mũ tôi là của Mặt trận, lá cờ là một nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng.


Lấy danh nghĩa bề ngoài để công bố với thế giới, với xã hội thì đây là lực lượng của quân giải phóng, không có quân đội nhân dân không có quân đội miền Bắc. Không bao giờ miền Bắc nhận là mình có quân đội miền Bắc trên đất nước Việt Nam.


Chính trong thời kỳ Hiệp định Paris tôi lại là người phát ngôn chính thức của bộ quốc phòng, tôi đã phải họp hàng chục các cuộc họp báo quốc tế lớn ở Hà Nội và ở Sài gòn. Ngay sau khi có Hiệp định Paris là tôi ở Sài gòn 60 ngày, sau tháng giêng năm 1973 để mà bàn hội nghị bốn bên. Hội nghị gọi là Liên hiệp Bốn bên để mà thực hiện những điều khoản của hiệp định Paris.


Để nói rằng là cuộc chiến tranh ở miền Nam, chúng tôi đều lấy danh nghĩa là quân giải phóng. Thế nhưng mà giữa quân giải phóng và quân đội nhân dân miền Bắc thì thực chất là quân miền Bắc nhưng mang cái vỏ giải phóng, mang hình thức giải phóng. Trong miền Nam cũng có lực lượng du kích và cũng có một số lực lượng cấp quận, huyện, tỉnh, địa phương, cũng là quân giải phóng đích thực đấy chứ không phải quân miền Nam vào thế, nhưng bao giờ chúng tôi cũng được chỉ thị, học kỹ trong cái đầu là hai mà một ... hai mà một có nghĩa là gì? Là chính phủ cách mạng lâm thời chỉ là cái vỏ, chỉ là hình thức giả tạo thực chất chỉ có một chính phủ. Và ở miền Nam khi mà công khai cũng nói là Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đảng Nhân Dân Cách Mạng, tức là thay cho tên Đảng Cộng Sản, nhưng chúng tôi bao giờ cũng được căn dặn chỉ có một chính phủ và chỉ có một lãnh tụ mà thôi.


Cho nên khi ở Sài gòn, ban ngày chúng tôi là 2 đoàn, đoàn chính phủ Cách Mạng lâm thời của tướng Trần Văn Trà, đoàn của chính phủ Việt Nam Dân Chủ của Hà Nội là tướng Lê Quang Hòa, dưới danh nghĩa họp chi bộ đảng thì đảng ấy là đảng Nhân Dân Cách Mạng miền Nam, đảng bên này là đảng Cộng sản, lúc bấy giờ gọi là đảng Lao Động Việt Nam; thế nhưng mà đến tối họp lại thì chỉ có một chi bộ, một đảng. Không ai có được ý thức gì là 2 đảng, cho nên là tuy hai mà một, tuy một mà hai, đó là như thế.


LKT: Thưa ông, chúng tôi vừa được nghe ông xác định bản chất của lực lượng quân đội miền Bắc và miền Nam qua cái ruột và cái vỏ ông đã xác nhận vừa qua. Điều đó làm sáng tỏ một số nghi vấn từ trước tới nay, vẫn coi lực lượng giải phóng miền Nam là lực lượng chính trong công cuộc chính trong cái gọi là ngày giải phóng Sài gòn. Tuy nhiên, thưa ông, chúng tôi biết nếu không lầm thì Ủy ban quân quản của thành phố Sài gòn và cả miền Nam, đều dưới sự điều động hầu hết các nhân vật lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Sau đó đến năm 1976 Mặt trận Miền Nam mới đi vào bóng tối, ông có thể cho biết là lý do của nó như thế nào hay không?


BÙI TÍN: Về hình thức thì như thế, nhưng thực chất lại khác chứ không phải như là ông hiểu đâu. Cái việc mà quân quản Sài Gòn thì người ta có chỉ định là trung tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch ủy ban quân quản, thế mà người chính thức nhận nhiệm vụ quân quản của cả miền Nam và Sài Gòn lại là ông Đỗ Mười. Ông Đỗ Mười mới là người có quyền cao nhất bởi vì ông là ủy viên bộ chính trị và ông Trần Văn Trà không phải là ủy viên bộ chính trị, ông chỉ là ủy viên trung ương đảng. Do đó toàn quyền thực hiện chính sách miền Nam tất cả do bộ chính trị chứ không phải do ông Trần Văn Trà, mà ngay sau khi đó ông Trần Văn Trà đã bị một hình thức kỷ luật không tuyên bố rất nặng.


Nếu ông đọc sẽ thấy rằng là ngay sau khi chiến tranh kết thúc thì có 3 tập hồi ký được tung ra rất nhanh mà được người ta chăm chú theo dõi. Một hồi ký là của đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại Thắng Mùa Xuân, hồi ký thứ hai là hồi ký Chiến Dịch Hồ Chí Minh của đại tướng Văn Tiến Dũng, thời kỳ đó là Tổng tham mưu trưởng nhưng đồng thời là tư lệnh của chiến dịch trực tiếp giải phóng miền Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh. Hồi ký thứ 3 là hồi ký của trung tướng Trần Văn Trà - Kết thúc 30 năm chiến tranh.


Ba thời kỳ đó thì Kết thúc 30 năm Chiến tranh là in ở Sài Gòn, và sau khi in ra tháng 9/75 thì bị Bộ Văn hóa và Tổng cục Chính trị ở Hà Nội quyết định thu hồi và thiêu hủy và tất cả các thư viện còn lại không được giữ lại quyển sách đó. Ông Lê Đức Thọ đã họp tất cả các tuyên huấn trong toàn quốc, tuyên bố quyển sách này là quyển sách sai từ trang đầu đến trang cuối.


Tại làm sao?


Đây là sự tranh chấp giữa Miền Bắc và Miền Nam, sau này người ta nói rất là ô nhục là “công anh, công tôi”.


Giữa hai hồi ký đó, hiện nay tôi có cả hai hồi ký nếu các bạn đọc các bạn sẽ thấy rõ ông Trần Văn Trà là người miền Nam, quê ở Quãng Ngãi. Ông gắn bó với miền Nam từ thời kỳ chống Pháp, ông là khu trưởng khu 8, sau này ông trở lại rất sớm từ năm 1959, sau khi mà chia cắt năm 1954- 1955 thì năm 1959 ông đã trở lại và tư năm 1959 đến 1975 ở liền trong Nam không ra Bắc. Ông trở thành tư lệnh miền, tức là chỉ huy tất cả bộ phận của miền Nam gọi là B2, B3, B4, B5 tất cả. Do đó khi ông viết hồi ký Kết thúc 30 năm Chiến tranh, ông đã đặt hết tình cảm mình vào đó và theo quan điểm của ông về chiến dịch Hồ Chí Minh là bắt đầu từ Phước Long do lực lượng từ miền Nam trực tiếp từ Bộ tư lệnh Miền chỉ huy, mở đầu từ tháng 12 năm 1974, do Phước Long mở đầu cho chiến dịch Đông Xuân. Thứ hai là ông nói nhiều đến cơ sở miền Nam, nhiều đến việc xây dựng những cơ sở du kích, bộ đội địa phương và những lực lượng đã chịu đựng những hy sinh nhiều nhất.


Thế nhưng quan điểm của ông Giáp và Lê Đức Thọ thì khác, tất cả quyết định từ Hà Nội, từ đại hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mang tính chất xã hội chủ nghĩa từ 1960. Do đó phải giáo dục để cho chúng ta thấy rõ rằng nơi nào có trung ương đảng, nơi nào có bộ chính trị, nơi nào có chủ nghĩa xã hội, nơi nào có chủ nghĩa Mác- Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới có thực sự là cách mạng.


Cái gốc để giải phóng miền Nam là từ miền Bắc và chiến dịch cuối cùng tính từ Buôn Mê Thuột là do các sư đoàn từ miền Bắc vào tấn công, rồi giải phóng Huế, Đà Nẵng từ cuối tháng 3, mùng 1/4/75 vào đến Cam Ranh rồi sau vào trong thì nhất định là những binh đoàn được huấn luyện, chuẩn bị, trang bị từ miền Bắc vào. Người ta gọi đó là những quả đấm thép do đảng rèn luyện lên để mà đánh Mỹ, đánh Ngụy, giải phóng miền Nam.


Do đó những gì phản ánh sự thật có cả lực lượng Bắc Nam, miền Nam là hy sinh chịu đựng lâu nhất, đáng quý nhất như là ông Trần Văn Trà phản ánh thì phải bị gạt bỏ. Bao giờ cũng phải tuyên truyền trước hết, trên hết là xã hội chủ nghĩa, là hậu phương lớn miền Bắc, là nơi mà Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo, nơi mà đảng cộng sản và bộ chính trị đã rèn luyện nên quả đấm thép, đó là 3 quân đoàn, quân đoàn 1, 2, 3 đều là rèn luyện từ miền Bắc, chỉ có quân đoàn 4 sau này được tập họp từ các sư đoàn của miền Nam thôi.


LKT: Thưa ông, đã có một tư liệu đã viết rằng quyết định cuối cùng để mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh đó là quyết định từ Bộ chính trị được phát ra từ lời nói của ông Lê Duẩn lúc đó là Tổng bí thư. Chính vì quyết định của ông Lê Duẩn mới nổ ra chiến dịch Hồ Chí Minh đưa tới ngày 30/4, điểm thứ nhất điều đó có đúng không? Điểm thứ hai theo ông ở trong miền Nam hay có cái câu nghe nói rằng là “miền Nam đi trước về sau”, điều đó nói lên điều gì. Hai điều này xin phép được hỏi ông?


BÙI TÍN: Tôi trả lời việc miền Nam đi trước về sau thì rất rõ thôi, nói là vị trí  của miền Nam là mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, bởi vì cuộc kháng chiến chống Pháp nỗ ra từ ngày 23/9. Lúc bấy giờ miền Bắc vẫn chưa có chiến tranh, vẫn còn có Hiệp định Sơ Bộ với Pháp và phải tận đến ngày 19 tháng Chạp năm 1946 mới có cuộc chiến tranh nổ ra ở toàn quốc, lúc bấy giờ mới có chiến tranh ở miền Bắc. Do đó cuộckháng chiến là miền Nam đi trước, sau thưa gì vì miền Bắc được công ước hiệp định Giơnevơ, sau khi Điện Biên Phủ, cho nên là miền Nam về sau phải kết thúc chiến tranh sau cùng, cái đó cũng phản ánh một sự thật.


LKT: Thế còn quyết định của ông Lê Duẩn?


BÙI TÍN: Quyết định của ông Lê Duẩn thật sự là có thảo luận trong bộ chính trị, bộ chính trị là nơi quyết định kết quả cuối cùng. Đúng là dấu ấn của Lê Duẩn về quân sự trong thời kỳ đó là lớn nhất thôi. Bởi vì ông Lê Duẩn ngay từ khi cuối năm 1974, từ khi đại hội bộ chính trị rất quan trọng, nhất là sau Phước Long đã thấy rõ là thời cơ đã đến rồi.


Thời cơ đến là gì?


Trước kia cả miền Nam với Mỹ cùng hợp sức mà có thể nói là vẫn thua, mà bây giờ Mỹ đã rút hết, Mỹ lại cắt viện trợ, thế thì đây là thời cơ cho nên là người ta nói rất rõ là lúc này còn lúc nào nữa. Bây giờ chỉ còn có quân đội Sài gòn thôi, trước kia có quân đội Mỹ đến nửa triệu, bây giờ cắt hẳn đến nửa triệu. Mỹ rút đi có nghĩa là Mỹ không còn có trực thăng lớn như trước, không còn có B52 đi dập như trước nữa, không còn đủ tiền như trước nữa, pháo binh cũng không còn bắn nhiều đạn như trước nữa. Thế thì giảm đi, còn quân đội miền Bắc lúc bấy giờ chưa dùng hết lực lượng, rồi còn đem thêm lực lượng vào thì đem so sánh lực lượng khác hẳn. So sánh lực lượng khác thì ông Duẩn ổng nêu ngay, ổng có dự trù cao hơn tập thể Bộ chính trị. Tức là, nguyên đầu tiên là phương án chuẩn bị của bộ tổng tham mưu, theo bộ quốc phòng, bộ công tác chỉ đạo là phải 2 năm mới chuyển biến tình hình quân sự miền Nam. Năm 1975 là chuyển biến một bước cho năm 1976 là năm có bầu cử ở Mỹ thì mới mở đầy tấn công lên và mới có thể dứt điểm.


Thế nhưng mà không ngờ là sau trận Buôn Mê Thuột, ông Thiệu đã quyết định từ bỏ cả Tây Nguyên mà từ bỏ Tây nguyên thành ra sự rút lui hỗn loạn, các lực lượng kéo xuống đường 7 do đó kéo theo sự thất bại của Huế, Trị Thiên rồi rút theo dây chuyền. Từ chỗ đó mà cái hoảng loạn lan truyền ra, do đó mà phương án do ông Duẩn đề ra ngoài phương án 2 năm phải có phương án chiến lược dự trữ để chớp thời cơ để rút ngắn, chứ không chỉ 2 năm giải phóng miền Nam mà có thể trong năm 1975. Thế mà đến khi thực hiện nó đổ nhanh quá, nhanh đến không ai dự kiến được.


Cứ nghĩ rằng là tháng giêng năm 75 miền Bắc đã chiếm được bao nhiêu? Chưa có một tỉnh nào hoàn chỉnh cả, lúc đó 44 tỉnh thì phải mà không có một tỉnh nào. Mới chỉ có được 3 quận thôi, một tí ở miền Nam, một cái rẻo nhỏ ở miền Trung ở Đắc Tô, một tí ở Quảng Trị tức là Cam Lộ. Chỉ có 3 quận thôi, thế thì làm thế nào để chiếm được 300 quận. Lâu lắm chứ, bao giờ?


Thế nhưng mà cái thế chiến lược đã đổi, đã sập thì cái sập với tốc độ không tưởng được. Một ngày 4,5 tỉnh, hai ba ngày 4,5 tỉnh nữa, cứ như thế mà nó sụp đổ một dây chuyền rất là nhanh, đó là ngoài dự đoán.


LKT: Ngoài nhân gian người ta đồn là khi ông Lê Duẩn nằm xuống là có hai, ba bà vợ đến khóc, có không thưa nhà báo?


BÙI TÍN: Đó là chuyện cá nhân, chuyện riêng, tất nhiên là cũng dính đến cái chung. Tôi chỉ biết là ông Duẩn chính thức là có 2 vợ, một bà vợ cả thì ở Quãng Trị, ở Bích La từ trước, ông đã đưa ra Hà Nội lâu rồi. Trong thời kỳ ông ở lại miền Nam thì ông có lấy một bà vợ thứ hai nữa, điều đó đúng. Sau ngày giải phóng thì ông có một đứa con riêng nữa, tôi cũng chỉ nghe chứ không biết rõ lắm mà khá là chính xác, đó là một cô y tá có một đứa con nhỏ sáu, bảy tuổi, điều này là như thế.


LKT: Trở lại những cuốn sách Hồi ký có tính chất giá trị lịch sử một thời gian, đặc biệt là 3 hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Thượng tướng Trần Văn Trà, thưa ông có phải sự ra đời của những cuốn hồi ký đó mà Mặt trận Giải phóng Miền nam đã bị chết yểu không?


BÙI TÍN: Không phải. Theo tôi nghĩ không có lý do gì cả bởi vì rằng là một điều rất đơn giản, giải phóng xong rồi thì họ lặng lẽ giải thể, vì đây chỉ là bức màn, một vở kịch đã đến hồi kết thúc không còn có lý do tồn tại nữa thôi.


Nhưng mà kể ra tôi nghĩ là cũng cay đắng, cũng có thể nói là tàn nhẫn. Nếu mà qua những lời tâm sự của ông Trần Văn Trà với cá nhân tôi trước khi tôi sang Pháp, thêm nữa có những hồi ký của các vị tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng, kể cả bà Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Đặc biệt là của ông Trương Như Tảng, tức là người ta kiến nghị là anh giải tán một mặt trận mà đã có công lao đóng góp đến độ như thế, ít nhất cũng phải có lễ lạc, một hình thức, hay thậm chí có một bữa cơm, bữa ăn để mà từ biệt các thứ chứ. Tất cả không có một quyết định, không có một hình thức, lặng lẽ cho nó chết, cho nó quên đi. Thậm chí đến bây giờ có những người trong mặt trận cũ người ta đề nghị phải có một nhà lưu niệm, hoặc là phải có một gian trong bảo tàng cách mạng để ghi công của mặt trận đó mà bộ chính trị hiện nay cũng lắc đầu.


Tại làm sao?


Như lúc nãy tôi nói, họ muốn ghi công tất cả cho đảng cộng sản, bởi vì họ biết rằng là mặt trận dân tộc giải phóng trong đó có những người không phải đảng viên, có những vị mục sư, các vị Phật giáo, các vị người dân tộc, họ lợi dụng về danh nghĩa. Ví dụ như cay đắng nhất là ông Lê Văn Hảo, nhà tiến sĩ dân tộc học ở trong Trung ương mặt trận giải phóng. Là một vị rất lớn trong ủy ban Thừa Thiên Huế, giờ thì ông cũng sang Pháp, ông cũng từ bỏ rất là cay đắng. Đấy là chính sách vắt chanh bỏ vỏ rất là tàn nhẫn.


LKT: Thưa ông khi ông đặt chân đến Dinh Độc Lập ở Sài gòn, thì nhân vật nào ông bắt tay đầu tiên và nhân vật nào ông được nói chuyện đầu tiên?


BÙI TÍN: Người đầu tiên theo tôi nghĩ có thể là ông Dương Văn Minh, tôi đến việc đầu tiên của tôi là ghi nhận để viết báo gấp gửi ra Hà Nội in ngay số báo sáng mai, báo tin cho toàn quốc biết sự kiện lịch sử mình mới vừa chứng kiến. Nhiệm vụ của tôi là chỉ viết và truyền ngay bài viết ra Hà Nội để in báo thôi.


Tôi chưa biết chỗ nào ngồi, tôi loay hoay thì ngồi ngay vào bàn làm việc của Tổng thống ở tầng hai, phòng rất to, tôi viết ngay sau 40 phút. Sau đó có 2 ông Trung tá đến bảo là, chúng tôi chờ mấy ông tướng nhưng chưa thấy ông tướng nào vào cả, đến tận chiều tối mới có một ông tướng vào. Do đó mà mấy ông bảo, bây giờ chỉ anh là cấp cao nhất, chỉ có mình anh là đại tá thôi. Tôi bảo là việc đó không phải của tôi, tôi là nhà báo không ai chỉ thị cho tôi làm việc đó cả. Tôi lại ngồi xem bài và sửa lại, 20 phút sau cũng hai ông Trung tá đó, Bùi Văn Tùng là một, và ông Nguyễn Văn Hân là trưởng ban bảo vệ quân đoàn 2 là quân đoàn đang có mặt lúc bấy giờ. Họ bảo là chẳng lẽ chờ hoài mà họ ngồi chờ ở trong nhiều lắm, chúng tôi có danh sách là 38 vị, lúc bấy giờ độ 12g30 có độ 40 vị. Họ cứ nài hoài, tôi cứ nghĩ mình làm gì có trách nhiệm đó nhưng họ cứ nài mãi thì tôi nghĩ để họ chờ mãi không tiện, tôi mới vào chào và bắt tay.


Ông ấy đứng dậy lịch sự và lễ phép, ông để tay thế này và nói là chúng tôi chờ quý ông từ sáng đặng chuyển giao chính quyền.


Tôi nói là chính quyền của các ông đả sụp đổ còn có gì để mà bàn giao, tôi chẳng thể nào nhận được sự bàn giao bởi vì làm gì có chính quyền nữa, đã sụp đổ hết cả rồi.


Tôi thấy họ buồn lắm, tôi mới nói một câu tiếp ngay chỉ có Mỹ là thua thôi còn người Việt Nam chúng ta tất cả là thắng, các vị ở đây có tinh thần dân tộc thì các vị cũng nên vui chung cái vui của ngày hôm nay.


Tôi vừa nói xong thì thấy ông Vũ Văn Mẫu là thủ tướng, ông ấy cười. Tôi mời ông ngồi và thấy trên mỗi bàn có hộp không phải là bánh kẹo gì, gọi là hạt điều không phải là lạc, hạt điều, tôi mới nói là các ông tự nhiên, rồi tôi mới nói chuyện với từng ông một. Tôi thấy ông Dương Văn Minh buồn quá, tôi mới hỏi dạo này sức khỏe ông làm sao? tôi còn nhìn thấy râu ông còn lún phún tức là mấy ngày không cạo. Tôi thấy ông ấy buồn và hơi căng thẳng, tôi nói ông ấy ngồi và cùng nói chuyện. Tôi nói ông một ngày đánh được mấy set tenis, thế rồi mấy giò phong lan của ông giờ được bao nhiêu?


Lúc bấy giờ ông mới dịu dịu nói chuyện, ông bảo giờ tôi có được hơn 600 giò phong lan kể cả ở Thái Lan, tôi chăm sóc kỹ kỹ lắm. Sức của tôi mỗi buổi sáng làm được 2 set tenis.


Tôi mới hỏi tiếp ông Mẫu rằng là trước kia tôi nghe ông cắt tóc để phản đối chính quyền trước đây, ủng hộ Phật giáo kia mà? Ông ấy bảo sau mấy tháng tóc của tôi mọc ra bình thường rồi. Tôi kể chuyện tôi biết em ông ấy ngoài Bắc, chúng tôi đã từng gặp nhau như thế để ông thấy ổn. Nói chuyện một lúc thì thấy ông Nguyễn Văn Hảo, ông tự giới thiệu tôi là phó Thủ tướng đặc trách về kinh tế tôi có việc riêng tôi muốn gặp ông.


Tôi mời ông Hảo sang bên góc nói chuyện, tôi còn nhớ lúc bấy giờ bắn bùm bùm lên, tức là anh em xe tăng họ mừng chiến thắng họ bắn lên trời, thế thì mấy ông Bộ trưởng, đại biểu Quốc Hội miền Nam ở Sài gòn nằm bệt ra bên đường. Tôi bảo khỏi lo, mấy ông đừng lo, chiến tranh đã chấm dứt rồi, đấy là mấy em bắn lên trời, bắn chỉ thiêng chứ không có gì đừng lo, nhưng mà họ bắn rung rinh, bởi vì chung quanh Dinh Độc Lập có nhiều cửa kính lắm, có một cửa kính vở xoảng ra nên mấy ông ấy sợ, lo. Tôi nói với mấy ông không có gì đáng lo cả.


Sau đó ông Nguyễn Văn Hảo mới nói với tôi là: tôi có việc này riêng muốn nói với ông. Tôi hỏi có việc gì thế? Ông bảo: chúng tôi có giữ lại 16 tấn vàng không cho ông Thiệu mang đi, chúng tôi đang cất rất kỹ xin ông báo cho Hà Nội biết để cho người vào nhận.


Tôi hỏi lại: có đúng không? Các ông có đảm bảo là các ông có đúng 16 tấn vàng không? Ông bảo: đúng chớ, tôi chịu trách nhiệm về việc mà tôi nói với ông. Tối hôm đó tôi điện ra Hà Nội, hôm sau có IL của Nga mấy ông cử vào nhận 16 tấn vàng.


LKT: Về sau 16 tấn vàng đó đi đâu thưa ông?


Tôi chịu, họ bảo đưa ra ngân khố Hà Nội họ giữ. Đúng là từ 75 đến 82, 7 năm sau tôi đi với ông Trường Chinh lúc đó là chủ tịch quốc hội. Ông ấy vào Đà Lạt tôi làm nhiệm vụ đi và ghi lại để viết hồi ký cho ông. Đại loại là ông kể lại từ trẻ đến lúc đi hoạt động ra làm sao? Từ khi làm tổng bí thư ra làm sao v...v., bị tù, bị đày, bị bắt như thế nào? Bị tra tấn ra làm sao? Sau này ra chuẩn bị Nhật Pháp bắn nhau, rồi ông ra chỉ thị thế nào... kể hết.


Tôi và ông nói tới vấn đề kinh tế hiện nay, ông mới nói: chú có biết không? 16 tấn vàng hồi đó mà chú báo cáo ra ngoài này bây giờ nó tan hết rồi.


Tôi hỏi: tan hả bác? Ông bảo là: cũng không phải ai tham nhũng đâu mà tại vì mình không biết quản lý.


Không biết quản lý là gì?


Tôi nói với ông là lúc bấy giờ chính ông Nguyễn Văn Hảo nói với tôi: nếu mà các ông cần chúng tôi giúp thì chúng tôi sẽ giúp. Chúng tôi sẽ làm cho số vàng đó không bị tan mất. Chúng tôi biết cách (...?) tức là đặt, gửi vào các ngân hàng ngoại quốc thì năm sau là 17, năm sau nữa là 17 tất rưỡi, năm sau có thể lên đến 19, 20 tấn.


Lúc đó tôi có báo cáo cho ông Lê Quang Đạo, ông bảo: không được, cái kiểu ấy là kiểu của đế quốc, ta có thể giữ của ta.


Ông Trường Chinh thì bảo năm nào cũng phải cấu véo một tí, có nghĩa là một hai tấn để mua nguyên liệu, để thanh toán việc này việc khác, không biết cách quản lý chặt chẽ, khoa học, thì đến bây giờ tan hết rồi.


** (ct: ngừng lại vài phút để thay băng nhựa thâu âm).


LKT: Thưa ông, trong cuộc đời hoạt động của ông ở miền Bắc cũng như miền Nam, ông có dịp được giao tiếp với nhiều đời Tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam. Thưa ông một trong những người nào ông cảm thấy, cho rằng là khá nhất hoặc là có tinh thần dân tộc nhất thay vì tinh thần cộng sản?


- Thưa thật với ông rất khó...Tổng bí thư từ daọ ấy tới nay thì có ông Trường Chinh, sau đó ông Trường Chinh chết thì có ông Nguyễn Văn Linh. Ông Nguyễn Văn Linh thay một cái, lập tức thay ông Đỗ Mười, ông Đỗ Mười bị gạt đi một cái thì ông Lê Khả Phiêu, đáng lẽ ông lên một nhiệm kỳ nhưng chỉ được 2 năm thì cũng lại đổ, rồi đến tay ông Nông Đức Mạnh. Đúng là mỗi ông có một đặc điểm, tôi thì tôi quý nhất là ông Nguyễn Văn Linh. Một con người phải nói là giản dị, ở miền Nam lâu, thế mà lúc đầu ông cũng hứng chí lên… (tạm ngừng 1 phút để đổi tape mới).


Thưa ông, xin ông tiếp tục câu chuyện của với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, ông mới vừa dùng tới 2 chữ hứng chí để mà đổi mới.


- Ông là con người cởi trói, ông có một hoàn cảnh đặc biệt tức là ổng bị đưa ra ngoài bộ chính trị ở đại hội 5, đến khi ông Trường Chinh chết người ta không chọn được ai lại đưa lại vào bộ chính trị, làm tổng bí thư. Ông làm Tổng bí thư một thời gian rất ngắn thôi nhưng mà sau khi nhận nhiệm vụ ông hứng chí và hăng hái lắm, bởi vì ông cảm thấy không dính với những quyết định của bộ chính trị trước đây, ông là cái mới cho nên ông có tự do, do ảnh hưởng lúc bấy giờ của cái đổi mới ở Liên xô, đổi mới của ta tức là đổi mới trong sáng, minh bạch. Ông ứng dụng luôn ở Việt Nam.


-  Ông là một nhà lãng mạn, cho nên ông gặp những văn nghệ sĩ ông khuyên ghê lắm, ông bắt tay Dương Thu Hương khuyến khích là đừng có chịu ai kềm kẹp hết, đừng có ai trói buộc hết, mình phải có nghị lực là người tự do, phải chống lại áp đặt, phải có tự do sáng tạo như con chim sổ lòng. Thế nhưng mà cái gọi là thời kỳ mở cửa, cởi trói, tự do sáng tạo của ông Nguyễn Văn Linh tồn tại chưa đầy 7 tháng thì đã bị ông Đỗ Mười và các thứ nói ngay: nguy lắm, nếu mà ta mở cửa lùi một bước cho tự do vào là chết hết.


- Cho nên chính ông Nguyễn Văn Linh đóng sầm cửa lại và ông ấy là người bị cảm đầu tiên. Người ta gọi ông là người mở cửa nhưng đồng thời cũng là người bị nhiễm cúm đầu tiên, cho nên chính ông ấy đóng cửa lại. Sau khi ra những bài những việc cần làm ngay, ký tên Nguyễn Văn Linh đăng hàng ngày trên báo Nhân Dân thì ông cụt hứng mất không còn có bài nào nữa, không có gì để mà làm ngay nữa hết. Tôi cho là con người đó có sự đổi mới, nhưng rồi con người đó cũng bị cái tập thể bóp lại, co lại, ổng phải rút lui.


- Thế mà người rút lui tệ nhất là ông Đỗ Mười, ông Đỗ Mười người ta nói cái từ là hoạn lợn, là một người làm đủ nghề nhưng lại đi chữa khóa rong, theo tôi hoạn lợn không phải là nghề gì xấu xa, đi chữa khóa rong để kiếm ăn không có gì xấu cả nhưng ông ấy là tay trùm, ông Phạm Văn Đồng cũng gọi ông ấy là tay trùm phá hoại. Nếu ông đọc hồi ký mới đưa ra tháng 6 này của Đoàn Duy Thành, ủy viên trung ương đảng, phó thủ tướng thì thấy rất rõ ông Đỗ Mười là con người như thế nào? Là con người mà ổng còn nói nếu mà ông Đỗ Mười đọc được chỗ này tôi viết mà còn có lương tâm thì ắt ông phải cắn lưỡi mà tự tử, không còn trông thấy mặt ai được nữa, bởi vì đó là con người hai mặt.


- Một con người độc ác với đồng chí của mình thôi chứ chưa nói đến tàn phá, chính ông Phạm Văn Đồng nguyên thủ tướng phải nói là: chỉ phá. Nhắc hỏi về ý kiến ông Đỗ Mười ra sao, ông chỉ nói là chỉ phá. Chính ông Đỗ Mười gây ra thảm họa cá nhân cho ông Đoàn Duy Thành, nhưng cái lớn là gì? Cái lớn là cải tạo Hà Nội ông làm trưởng ban, cải tạo Hải Phòng ông cũng làm trưởng ban, cải tạo Sài Gòn cũng làm trưởng ban, cải tạo toàn miền Nam cũng là ổng hết. Tức là cái việc tập thể hóa nông nghiệp, tịch thu tài sản của tư sản, gọi là gian thương, bắt đi kinh tế mới, tất cả là Đỗ Mười hết.


- Tôi nghĩ đó là cái đối lập với ông Nguyễn Văn Linh, một con người tàn bạo nhất, phá nhất. Một con người mà luôn luôn nói đến đấu tranh giai cấp không khoan nhượng, không khoan nhượng... nói chặt thế này: không khoan nhượng đối với kẻ thù.


- Ông Lê Khả Phiêu thì mờ nhạt, lên cái rồi bị gạt ngay và chính ông Đỗ Mười gạt, mà gạt thì nói với nhau thế này: trong bộ chính trị nó đá tôi thì bây giờ tôi đá nó. Bốn năm trước ông Lê Khả Phiêu lên thay ông Đỗ Mười cũng bảo là nó đá tôi bây giờ tôi đá nó để đưa Nông Đức Mạnh lên, đó là con người của Đỗ Mười.


- Còn ông Nông Đức Mạnh hiện nay, ông là người Thổ, người dân tộc thiểu số, trình độ tất cả các mặt người ta nói là nhiều nhất chỉ có thể làm bí thư tỉnh ủy, thế nhưng mà người ta dùng cái từ là... xin lỗi tôi nói theo kiểu dân gian, người ta nói là mèo mù vớ cá rán. Do các phe của Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, tranh dành địa vị các thứ không chịu ai, thế thì người ta đề nghị ông Trần Đức Lương cũng không được tán thành, ông Nguyễn Văn An cũng không được tán thành, cuối cùng người ta đưa ra ông Nông Đức Mạnh các phe chấp nhận được vì ông Mạnh là người không có cánh nào hết ông đứng riêng một mình.


-  Người ta coi đây là cái đệm lót nhiều lắm là trong một nhiệm kỳ, chưa biết nhiệm kỳ này sẽ ra sao? Chưa bao giờ có một tổng bí thư yếu kém, đây không phải là tôi nhận định đâu, đây là ông Đặng Quốc Bảo, nguyên ủy viên trung ương, viện trưởng, giám đốc học viện kỹ thuật quân sự, đất nước hiện nay gồm cả bộ chính trị 14 người thiếu tư duy lãnh đạo, thiếu tư tưởng đột phá, thiếu tư duy tưởng tượng do tình hình này rất cần và nhất là thiếu tư duy nhập với thời đại.


- Đây là một bi kịch lớn, đáng lẽ ra đảng cộng sản phải chọn ra bộ chính trị xuất sắc nhất của mình, thế thì phản ảnh một tình hình khủng hoảng to, người ta gọi bộ chính trị hiện nay là nhóm người lùn so với thời kỳ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trước, thì so với lớp hiện nay là lớp người lùn. Lùn về uy tín, lùn về trình độ hiểu biết thế giới, lùn về sức nghĩ, sức đột phá, sức sáng tạo, như là Lê Duẩn có nét sáng tạo đấy, còn trí tuệ thì Trường Chinh và Phạm Văn Đồng là những người ham đọc, ham viết, tìm hiểu thế giới, tuy là giáo điều bảo thủ nhưng mà ít ra cũng hiểu biết thế giới ra làm sao. Các vị hiện nay mà cầm tờ báo ... cầm ngược, không đọc được chữ nào cả, thế thì làm sao hiểu được thế giới mà lãnh đạo được. Đấy là bi kịch của đảng cộng sản và nó dính đến bi kịch của đất nước ta hiện nay.


- Thưa ông người ta đồn rằng, ông Nông Đức Mạnh là con rơi của ông Hồ Chí Minh, điều đó có đúng không thưa ông?


- Không đâu, tôi không nghĩ là như thế, tôi đã tìm hiểu không phải là như thế. Người ta đã hỏi ổng nhưng ông trả lời rất khôn, ổng trả lời như thế này: chúng tôi đây là người Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ cả. Tức là ông ấy nhận đấy, nhưng sau đó ông kể cho phóng viên...., bố ông tên là thế này, mẹ ông tên là thế này. Bố ông mất bao giờ, mẹ ông chết bao giờ và còn chôn ở Bắc Cạn như thế nào, thế cho nên là không phải. Tôi nghĩ là đây là một cái hoặc là người ta hiểu sai, cố tình hiểu sai không chính xác.


Thưa ông hiện nay tình hình ở trong nước, ở hải ngoại người ta sau những bảng phân tích thì người ta cho rằng hiện nay quyền lực tối thượng và tối cao nhất của bộ chính trị cũng như quyền lực cả nước vẫn rơi vào tay ông Đỗ Mười. Vậy thì với con người bảo thủ, tàn ác và tàn bạo như vậy thì làm sao những phong trào dân chủ có cơ hội nào mà ngoi lên, tiến lên được thưa ông?


- Ông nói thế là rất đúng, hiện nay con người mất uy tín nhất lại vẫn giữ cương vị lớn nhất, thật ra về nguyên tắc ông không còn quyền gì cả, ông không còn trong bộ chính trị, không còn trong trung ương, không còn trong cố vấn nhưng mà ông như là ông thần, làm gì có thần mà như là thần gốc cây đa, thế mà người ta vẫn sợ bởi vì ông gắn bó với Lê Đức Anh, có nghĩa gắn bó với tổng cục II, có nghĩa là gắn bó với công cụ như CIA, công cụ tình báo, có trong tay hàng trăm triệu dolar, có trong tay biết bao nhiêu vũ khí, tiền của để nó lũng đoạn, nó có quyền lực tối thượng của tổ chức tình báo bao trùm lên đảng, nhà nước các thứ. Do đó quyền lực ma, quyền lực thần linh thiêng, linh thiêng ở đây là phải có người sợ, chính vì chế độ đào tạo ra một nhóm người sợ, không dám dựa vào luật pháp, không dám dựa vào lẽ phải mà chịu cúi đầu trước cường quyền, đấy là thảm kịch của đảng cộng sản, của đất nước. Hiện nay, tôi nghĩ là tình hình chỉ có như thế, bởi vì nếu có những lãnh đạo như thế ắt là phải có phản ứng.


Đúng là mấy tháng nay phản ứng khá mạnh, cánh ông Giáp muốn chống lại Lê Đức Anh một cách công khai. Bắt đầu từ năm 2004 với những lá thư của ông Nguyễn Văn Khánh, với bao nhiêu đại tướng xuất trận để mà vạch mặt Đại tướng Lê Đức Anh, như thế là họ không cam chịu. Như là ông Đoàn Duy Thành vạch mặt thẳng ông Đỗ Mười, cho nên tuy nó uy lực nhưng uy tín trong nhân dân thấp nhất. Hiện nay tình trạng lãnh đạo có thể nói tóm tắt trong nhóm anh em dân chủ trong nước, họ quan sát tại chỗ là lãnh đạo hiện nay, bộ chính trị hiện nay là chông chênh, bấp bênh, nghiêng ngửa, hết sức là nguy khốn. Báo động, người ta có thể báo động cấp 3 lãnh đạo bộ chính trị bề ngoài như thế nhưng bên trong là như vậy, và chưa biết cái gì có thể xảy ra, bởi vì hiện nay đã bắt đầu đại hội X, bốn văn kiện chính đã thảo luận ở cơ sở toàn thành mới tuần trước đây và sắp đến cuối tháng 9 này bắt đầu đại hội đảng cấp quận, huyện, rồi đi đến cấp tỉnh, cấp thành phố, toàn quốc. Thế thì cấp huyện và cấp quận là bắt đầu quan trọng, bởi vì các đại biểu muốn lên đến trung ương đều phải trải qua từ cơ sở mà lên hết, không có anh nào đi tắc được cả, phải sàng lọc qua đại hội cấp quận, huyện, rồi sàng lọc đến cấp tỉnh thành, rồi cấp toàn quốc mới vào được trung ương và bộ chính trị.


Vừa rồi số trung ương là 150 vị nâng lên là 165 vị, cho thêm 15 vị nữa thôi. Thế nhưng mà điều rất quan trọng là 4 văn kiện hiện nay đã qua 5 lần sửa đi sửa lại, bổ sung, lấy ý kiến chữa lại đưa xuống thành ra dự thảo chính thức. Dự thảo chính thức này bảo thủ nhất, tôi nói có thể tệ hại nhất, họ bỏ ngoài tai tất cả những ý kiến trưng cầu của những trí thức nỗi bật nhất, gọi là Việt kiều yêu nước về góp ý, họ bỏ hết. Thậm chí là những ý kiến của Võ Văn Kiệt góp ý, bỏ hết. Trước đây có những ý kiến nên đổi tên đảng, nên mở rộng dân chủ, thay đổi một cách tuyển lựa tức là muốn bầu 10 người thì phải có 20 người để chọn, chứ không phải 10 chỉ có 12 người để mà ép người ta, phải để cho có vận động và không nên bó hẹp thời gian, thế nhưng mà tất cả họ bỏ ngoài tai. Hồi trước họ còn kê ra những ý kiến khác nhau để mà lựa chọn nhưng lần này họ bịt hết những ý kiến đó.


Riêng vụ Tổng cục II là vụ dễ bùng nỗ nhất thì họ vẫn một mực giữ ý kiến là khoanh lại, bó lại trong phạm vi đảng, trong phạm vi trung ương đảng, thậm chí không đưa ra đại hội đảng nữa, không đưa ra xã hội, họ rất sợ lọt ra ngoài dư luận thế giới. Hiện nay cái vụ đó mà anh em trong nước mà làm bùng ra được, nếu mà tổ chức ngoài này đưa ra được công luận báo chí của Mỹ, báo chí quốc tế, báo chí Châu âu chẳng hạn thì đối với họ rất nguy hiểm.


Như vậy chứng tỏ là áp lực và quyền lực cánh Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn bao trùm cả nước, vậy thì thưa ông cánh ông Võ Văn Kiệt vừa rồi điểm qua một số lời tuyên bố của ông Võ Văn Kiệt là cánh nào? Có tầm mức như thế nào so với tình trạng hiện nay như vậy?


- Câu hỏi rất hay, tức là nhân vật Võ Văn Kiệt là tái xuất hiện, trong nước anh em gọi là tái xuất giang hồ 4 tháng nay. Tôi nghĩ là ông Kiệt thấy thái độ bộ chính trị nguy hiểm quá, họ cũng vì quyền lợi của đảng thôi. Nếu mà thực hiện đường lối cực kỳ bảo thủ như thế trong khi anh muốn xin vào WTO, trong khi anh muốn giao lưu với thế giới, anh muốn hòa nhập với Châu Á, anh muốn làm bạn với mọi nơi mà anh giữ báo cáo là gì? Ba chục chỗ kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê nin, ba chục chỗ kiên trì tư tưởng Hồ Chí Minh, rồi kiên trì chủ nghĩa xã hội, những cái mà người ta đòi bỏ đi. Thế thì tất cả những cái đó rất là nguy hiểm, cho nên phản ứng của ông Kiệt dễ hiểu thôi, do đó ông tái xuất giang hồ là như thế, ông ấy đã công nhận ông Dương Văn Minh là có thành tích, thành tích yêu nước, công nhận Dương Văn Minh là thức thời ra lệnh cho quân của ông ta bỏ súng trước, giữ cho Sài gòn khỏi bị tàn phá, khỏi bị chết chóc, ông khen.


Hai nữa là ông khuyên đừng có huyênh hoan thành tích 30 năm trước, bởi vì làm cho hàng triệu người vui nhưng mà cũng làm cho hàng triệu người buồn, tức là những người miền Nam trước. Thế rồi phải nhận là sau khi chiến thắng đã chủ quan, tự mãn, gây ra những đau khổ cho nhân dân mà đến bây giờ ông không dùng chữ xin lỗi nhưng mà phải nhận khuyết điểm đó và ông phải có thông điệp với bà con ở hải ngoại rằng là chúng tôi thấy đó là sai lầm, chúng tôi tiếc là đã xảy ra những việc đó làm cho tình đoàn kết bị sứt mẻ. Ông nói rõ tình đoàn kết dân tộc đáng lẽ đoàn kết vui vẻ biết bao nhiêu, anh em miền Bắc miền Nam chung sức xây dựng đất nước, bỏ đi hận thù quý biết bao nhiêu đằng này khơi thêm hận thù, làm cho mất biết bao nhiêu thời gian.


Sau đó ông làm cho cái thư phê phán Nguyễn Khoa Điềm, coi như Nguyễn Khoa Điềm phê phán ý kiến Võ Văn Kiệt và khẳng định là Dương Văn Minh là tên tướng Ngụy quân và Ngụy quyền, là tên tổng thống chịu trách nhiệm về những cái chết của những anh em ở ngoài tấn công vào Sài gòn, khi mà Dương Văn Minh lên làm tổng thống vẫn còn có người bị chết thì vẫn coi đó là tội phạm. Ông Võ Văn Kiệt bác bỏ quan điểm như thế, giữa hai cái đó hiện nay là ông ấy... nhưng mà cái hay của ông Kiệt là ông dám viết thư phản đối đương chức ủy viên bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm là tay đầy quyền lực, trưởng ban tư tưởng văn hóa. Thế mà gần đây chính ông là người viết bài vào ngày mùng 2/9 được đăng trên báo Nhân Dân về đoàn kết dân tộc, nhắc lại những sai lầm về tự mãn, cải tạo các thứ (...?) đấy, những thứ mà báo cáo chính trị, bộ chính trị lờ đi hết, chính ông là người nêu lên những thứ đó, chính ông là người đỡ đầu cho hội nghị trí thức ở Đả Nẵng trong tháng 8. Trong hội nghị đó đã đòi dân chủ đa đảng cái điều mà bộ chính trị hiện nay kiên quyết khóa chặt không được nói tiếng nào đến việc đa đảng. Hiện nay ông đi dọc miền Nam động viên, phát huy ảnh hưởng đối với đảng bộ miền Nam coi như gần như là phải sửa lại lập trường cứng ngắt, cực đoan, bảo thủ của bộ chính trị nước Việt Nam.


Thưa ông hiện nay có một số phân tích về tình hình và bối cảnh của Việt Nam, một số người cho rằng là trong giai đoạn Việt Nam chấp nhận sự mở cửa với thế giới hiện nay và một nền chuyên chính vô sản đang cố gắng chuyển sang họ gọi là định hướng nền kinh tế thị trường, trong bối cảnh đó hiện tình của những tập đoàn, tập thể quyền lực đã tái tạo ra nhiều tập đoàn quyền lực khác nhau song song đó có những tập đoàn gọi là tập đoàn tư bản đỏ, vậy thì sự phản ứng của ông Võ Văn Kiệt có phải là một trong những phản ứng nằm trong hệ thống sự đối nghịch với nhau giữa tập đoàn quyền lực và tập đoàn tư bản đỏ hiện nay ở trong nước hay không?


- Tôi thấy tình hình chưa rõ như thế, hiện nay họ vẫn giữ định hướng kinh tế thị trường cộng với định hướng xã hội chủ nghĩa, đó mới là cái đáng chú ý. Kinh tế thị trường mà định hướng xã hội chủ nghĩa, ngay cả phương Tây họ cũng bình luận là trộn nước với lửa. Bởi vì kinh tế thị trường có nghĩa là thị trường tự do, có nghĩa là theo chủ nghĩa tư bản còn xã hội chủ nghĩa có nghĩa là theo nhà nước và đảng, chính do cái đưôi đó, kinh tế thị trường mà định thướng theo xã hội chủ nghĩa mà việc xét vào WTO khó khăn. Họ thổi còi ngay lập tức, chứng minh đây không phải là tự do, không còn là kinh tế thị trường nữa mà là nhà nước điều tiết can thiệp vào do đó mới khó khăn của ngành ngân hàng, nhà nước lỗ một cách kinh khủng không thu hồi được vốn. Do đó có những chặt chẽ trong vấn đề kinh doanh nhà cửa, đất đai các thứ v...v…, Thế còn (...?) đỏ và tư bản đỏ họ đã có quyết định sắp đến sẽ thông qua, tức là sẽ cho phép nhà kinh doanh vào đảng và cho phép đảng viên làm kinh tế chính là hợp thức hóa tư bản đỏ, hiện nay cũng chỉ là thời kỳ phôi thai chứ chưa phải quyền lực hiện nay trong tay tư bản đỏ được. Tôi nghĩ phải ngăn chặn hướng đó chứ chưa phải tư bản đỏ nắm được quyền lực kinh tế gì ở trong nước, tôi nghĩ hiện nay chưa phải là như thế.


Hiện nay ở hải ngoại đang có một cái... chúng tôi tạm gọi là Việt kiều và những nhà trí thức hải ngoại, một số họ cho rằng là chính quyền trong nước đã mở rộng về bộ máy chính quyền và có thể mở rộng bộ máy quốc hội, cho nên có một số thành phần đó, có thể nói rất ít, họ có tham vọng về tham chính trong chính quyền, tham chính trong quốc hội, điều đó có thật hay không? Và điều đó giả sử có thì ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?


- Tôi thấy là bà con Việt kiều này có thừa khôn ngoan, thừa thông minh, đã đến lúc đem tiền về đầu tư có lợi cho... ai có vốn ai cũng quý đồng vốn do mồ hôi nước mắt mình làm ra, mình đầu tư thì... đã có những bài học. Có một nhà tư bản ở Hà Lan đưa 32 kg vàng, hơn 1 triệu dolar, tất cả hơn 5, 6 triệu dolar...theo lời chính của ông Phan Văn Khải kêu gọi. Về đầu tư được 5 năm, lãi được khá thì nó gây sự, nó truy tố tòa án và nó tịch thu hết. Cuối cùng nó kêu hơn 11 năm tù, may mà đi tù được 2 năm thì nó tìm cách đuổi về Hà Lan. Trường hợp đó bà con Việt kiều ta biết ngay và cũng biết chỉ khi nào có luật pháp công bằng chứ không phải xử theo kiểu luật rừng, phải có luật sư tử tế chiếu theo luật quốc tế tử tế thì mới có thể kinh doanh được. Cho nên là đồng bào mình đưa về nhiều nhất mỗi một năm trên 3 tỷ giúp cho gia đình, điều này nhà nước không bỏ túi ngay nhưng rất quan trọng, tạo nên tình hình kinh tế ổn định. Bởi vì số tiền được cho người ta tiêu rộng rai, người ta sữa nhà cửa, ăn uống, may mặc cho con cái. Do đó làm cho nền kinh tế phồn thịnh lên, đỡ cho sức ép của kinh tế, 3 tỷ rưỡi dolar bà con ta gửi về rất quan trọng, cứu chế độ về mặt đó, làm cho tình hình về sau xã hội ổn định, làm bề mặt nền kinh tế phồn vinh. Hàng phở, hàng ăn, hoa quả, may mặc... người ta nghĩ chuyện mua xe máy và bây giờ bắt đầu mua cả ô tô. Tôi nghĩ đó là cái lớn nhưng mà khó có thể ngăn chặn được, còn các nhà đầu tư quốc tế lớn cũng tính chỉ khi nào có luật. Chính do đó hiện nay vào WTO trước đây họ tưởng là đinh ninh năm nay vào nhưng bây giờ chắc chắn năm nay không vào được, may lắm là tháng 5,6, mà xuất hiện cũng không bao nhiêu những thứ khác. Đây cũng là một trở ngại lớn.


Thưa ông với bối cảnh hiện nay sau chuyến đi của ông Phan Văn Khải sang Mỹ, đứng về bối cảnh chính trị ông nghĩ rằng là nó có trở lại ...một cuộc trở lại lịch sử, tức là sẽ có một chính phủ liên hiệp như năm 1946 không thưa ông?


- Tôi nghĩ hiện nay thì chưa, tình hình hiện nay thì chưa. Chuyến đi của ông Khải có một ảnh hưởng lớn ổn định tình hình chính trị một thời gian thôi, không thể nói một hướng cơ bản, bởi vì chuyến đi có hai mặt. Chính phủ Bush vừa xiểng dương giá trị dân chủ, vừa tính toán đến lợi ích kinh tế đất nước. Thái độ đối với chính phủ Việt Nam là hai mặt, vừa xoa lại vừa dọa một tí, lên gân một tí rồi lại xoa, cho nên lâu rồi thì nó lờn đi. Vì vậy chính quyền trong nước không bắt buộc phải nhượng bộ nhưng chuyển đổi chiến thuật, chưa phải tính toán chiến lược, chủ trương đâu, cho nên nó thả ông này, ông kia, nó nới ra nó để cho điện thoại như bây giờ tôi có thể nói chuyện thoải mái với ông Trần Khuê, thoải mái những ông ở trong nước, thế nhưng mà nói chung vẫn còn cứng ngắc lắm, chúng ta còn đấu tranh mạnh nữa mới có thể chuyển biến tình hình.


Giả sử họ mở rộng chính phủ theo như chính phủ liên hiệp thì ông nghĩ như thế nào?


- Họ có ai đâu mà liên hiệp, bây giờ ít nhất họ phải có các đảng phái khác như trước đây có đảng Dân chủ, đảng Xã hội...bây giờ họ chỉ có đảng cộng sản liên hiệp với đảng cộng sản à? Bây giờ họ chọn những người cứng ngắc nhất trong nhân sự Đỗ Mười thì làm gì có chính phủ liên hiệp. Điều đó là điều hảo huyền.


Vậy thì thưa ông hiện nay ở Hải ngoại đang dâng lên cao trào đòi gọi là đa nguyên và đa đảng, ngay trong nước chúng tôi không nhầm thì Hòa thượng Quảng Độ cũng đề nghị giải pháp đa đảng. Theo lời Hòa thượng Quảng Độ thì Việt Nam nên có 2 hoặc 3 đảng nữa cùng với đảng cộng sản Việt Nam. Ông nghĩ rằng tương lai có khả năng hiện thực được hay không?


- Đòi hỏi đó là hiện thực và đòi hỏi ngày càng mạnh và đòi hỏi đó ngay cả trong đảng như ông Hoàng Tùng là tay Mác-xít số một mà cũng đòi dân chủ đa đảng. Ông Lê Đăng Doanh là tay cố vấn cao nhất cũng đòi dân chủ đa đảng, ông Trần Văn Hà là ủy viên đoàn chủ tịch của mặt trận cũng đòi dân chủ đa đảng nhưng mà hiện nay họ bịt tai, họ vẫn lắc đầu và hiện bộ chính trị lập luận thế này: không thể lùi một ly được, nếu lùi một ly có nghĩa là sẽ lùi một thước, lùi một thước có nghĩa là lùi 5 thước, lùi 5 thước có nghĩa là lăn kềnh, đa đảng sớm mất. Trước đây họ có nghĩ rằng lùi, có nghĩ là đổi tên đảng, nới rộng mặt trận, có nghĩ cho thành lập đảng này, đảng khác thêm nhưng đến bây giờ họ thấy tình hình nguy ngập quá, tình hình xã hội không ổn định, cái nét xã hội lớn nhất hiện nay là gì? Tôi có hỏi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sang Pháp, lớn nhất là gì? là bất tín và bất kính đối với đảng cộng sản giữa nhân dân với đảng. Trước kia là tin vô cùng, tin mù quáng ông Hồ Chí Minh, tin đảng. Bây giờ không còn tin gì nữa, đảng nói gì cũng bịt tai, láo toét, thế là bất kính. Thậm chí những vị lãnh đạo bộ chính trị bây giờ, nhân dân thường những người lái xích lô...họ gọi là thằng hết chớ không còn là...


*** (thay băng nhựa)


Trào lưu đa nguyên, đa đảng theo ông bao nhiêu năm tháng nữa mới có thể hình thành được một lực lượng, cụ thể là nhân sự và quyền lực ở Việt Nam thưa ông?


- Tôi nghĩ là phải dăm năm nữa với điều kiện là chúng ta phải cố gắng, dăm nữa chúng ta ủng hộ dân chủ trong nước, anh em trong nước họ kiên trì lắm, dũng cảm lắm nhưng chúng ta phải giúp để nhân lên, tâm lý xã hội thuận lợi lắm nhưng mà phải làm giảm bớt niềm sợ thúc đẩy dấn thân thì mới có thể đạt được.


- Theo với thời gian ông đã ở Hải ngoại khá lâu thì ông thấy là ở hải ngoại này có những tổ chức nào ông cho là có thế lực về tính chất đảng và tính chất chính trị nặng ký thưa ông?


Tôi chưa thấy tổ chức nào ngoài tổ chức bạo lực không được nhân dân chấp nhận, mất bao nhiêu tiền của và thời gian đáng tiếc, họ có dấn thân nhưng không đúng phương hướng nhu cầu và nguyện vọng quần chúng. Hiện nay đã có uốn nắn đấu tranh phi bạo lực thế nhưng mà tôi thấy...ví dụ như có những người kiên cường có ranh giới Quốc, Cộng, cho đàng hoàng rõ ràng hơn, rành mạch hơn. Tôi thấy ở trong nước lực lượng công an, cảnh sát cho rằng đó là thuận lợi cho cộng sản, tại làm sao? Bởi vì những người chủ trương tôi cho rằng họ có thiện chí thôi, tôi không phê phán thế nhưng mà đảng cộng sản và công an, cảnh sát và bọn tư tưởng trong nước rất hoan nghênh chủ trương gọi là ranh giới Quốc, Cộng;


- Ranh giới Quốc, Cộng nghĩa là gì? Là các anh vẫn giữ nguyên 30 năm trước, có nghĩa là các anh thất trận, là thua, là bỏ chạy, bỏ nước ra đi. Bây giờ chúng tôi cũng tán thành các anh cứ giữ ranh giới đó đi, còn ranh giới chúng tôi là được cả nước, nhân dân trong nước, các ông cứ ở ngoài... thậm chí chúng tôi còn tấn công sang các ông là để kéo các ông về, là một năm bao nhiêu tiền của... rõ ràng là chúng tôi thắng.


- Thế thì họ sợ cái gì? Họ sợ phá vỡ ranh giới Quốc, Cộng mà có một ranh giới mới, ranh giới đó là gì? Ranh Giới Dân Chủ cả trong nước, ngoài nước và nhóm độc đoán cô lập nó và tranh thủ tất cả những việc làm của nhân dân trong nước sống tạm với chế độ xã hội chủ nghĩa, cái đó mới là cái nó sợ. Tôi nghĩ là chủ trương đất Mỹ cho chặt chẽ, là giữa Quốc, Cộng không để cho làn ranh hẳn mãi, cái đó rất nguy hiểm. Và cũng thấy trong quốc gia cũng có người dân chủ, những người trước đây tham nhũng các thứ v...v... chúng tôi nghĩ là phải an toàn. Một cuộc chiến đấu mới, một cách sắp xếp mới, một ranh giới và biện pháp tấn công mới gọi là thông điệp anh em dân chủ trong nước muốn đánh ra ngoài.


Thưa ông cũng với suy luận của ông về cuộc chiến Quốc Cộng như vậy, với cái lăng kính của người cộng sản trong nước thì ông cho rằng là trong năm vừa qua và năm nay, một ván bài khá nhạy cảm và khá ngoạn mục của đảng cộng sản tung ra đối với 3 sự kiện. Thứ nhất là sự trở về của ông Phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa của ông Nguyễn Cao Kỳ, sự kiện thứ hai là sự trở về của nhà nghệ sĩ lớn, nhạc sĩ lớn là ông Phạm Duy, sự kiện thứ 3 là sự trở về của ông Hòa thượng Nhất Hạnh tiêu biểu cho bên Phật giáo. Vậy thì dưới lăng kính của ông, đối với một người đã quán chiếu từ trong nước ra đến hải ngoại, xin ông cho biết nhận xét về 3 nhân vật và 3 sự kiện đó như thế nào?


Tôi thấy là 3 nhân vật đó không có tác dụng gì lớn lắm đâu, có những mặt đáng tiếc thì đáng tiếc thật, ví dụ như ông Nguyễn Cao Kỳ thì trong nước và ngoài nước cũng biết là một nhân vật không còn có uy tín, không còn có thế lực. Một con người thì ba hoa lúc nói thế này nói thế khác, không phải một con người đứng đắn, không phải con người biết suy nghĩ, tôi nghĩ cái việc y làm người ta chê, nhưng đồng thời người ta nghĩ là nền chính trị Việt Nam, nhân dân thừa khôn ngoan cả bà con cộng đồng và trong nước đã biết đấy là một lá bài đã hỏng, không có giá trị.


- Đối với Phạm Duy là anh bạn rất thân của tôi, anh về có hỏi ý kiến tôi cũng lấy làm tiếc bởi vì rằng là tinh thần nghệ sĩ trước hết là phải chuộng tự do, trước hết là phải tự chuộng mình, phải là con chim bay bỏng trên trời tự do. Về nước thì bắt buộc là bị buộc cánh rồi, nó cho vào một kiểu lồng rồi, và anh phải làm đơn để xin những bài hát của mình để được phổ biến, có nghĩa là anh phải cúi đầu rồi còn gì nữa, theo tôi nghĩ một con người tự trọng có tinh thần sáng tạo nghệ sĩ không thể làm cái việc đó được. Hoặc là về thì về nhưng phải là đàng hoàng chứ không phải là phải cúi đầu, quỵ lụy như thế. Theo tôi là ông Phạm Duy tự mình làm mất một phần giá trị của mình, nhưng cũng không có ảnh hưởng gì nhiều đâu. Nhân dân ta ngoài nước cũng biết không có tác dụng gì tới nền chính trị và đất nước.


- Còn riêng đối với ông Nhất Hạnh thì ổng còn vuốt đuôi được một chút, quan trọng là 7 hay 9 điểm ông đưa cho ông Phan Văn Khải trong đó có đề nghị rất quan trọng mà chúng ta nên hỗ trợ. Hỗ trợ để làm rõ ngục tù ở trong nước hiện nay đối với tôn giáo, từ đầu ông có đề nghị rất hay là gì? là xin các ông từ nay đừng có bắt giới Phật giáo và tôn giáo làm chính trị, đừng ép, đừng theo cái kiểu tinh vi là gắn huân chương cho các nhà sư, rồi gắn danh hiệu bằng khen chính trị cho các nhà sư, thế rồi bắt các nhà sư làm đại biểu Quốc hội, bắt các nhà sư phải vào tổ chức quốc doanh của đạo Phật, bắt nhà sư phải vào mặt trận tổ quốc. Ông đã rất đúng là sư chỉ làm nhiệm vụ Tôn giáo, còn vào đại biểu quốc hội, mặt trận tổ quốc là làm chính trị, bản thân các nhà sư không nên nhận các điều đó. Gắn huân chương Hồ Chí Minh, các thứ...cũng không nên làm các điều đó, phải làm thuần túy công kiệt Tôn giáo thôi. Tôi nghĩ là chúng ta nên tuyên truyền sự đòi hỏi đó và sự im lặng không trả lời của nhà nước thấy rằng đó là trong cái yếu thế. Cho nên tôi thấy là đề nghị của ông Thích Nhất Hạnh là đáng khen, đáng tôn trọng, đã bù lại việc ông trở về đã làm cho thế giới hiểu lầm là trong nước có tự do Tôn giáo.


Thưa ông, trước mặt ông thấy là hình ảnh của những lá cờ vàng, đây là những hình ảnh tiêu biểu cho sự tranh đấu của người Việt Nam tị nạn tại Little Sài gòn trong vụ 53 ngày đêm của Trần Trường, đó là lá cờ vàng của miền Nam Việt Nam tức là Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, hiện nay là cờ đỏ sao vàng đã bao trùm cả nước, ông nghĩ thế nào về hai lá cờ này trong tương lai thưa ông?


- Tôi nghĩ rằng là hai lá cờ này trong tương lai ra làm sao thì tôi không thể có ý kiến và định đoạn được. Điều này xin giao cho quốc hội tương lai được cả nước bầu ra quyết định, còn riêng tôi tôn trọng hiện nay nói thật là tôi tôn trọng cả hai lá cờ, bởi vì tôi nghĩ đều có những chiến sĩ yêu nước thật lòng, lương thiện đã hy sinh dưới những lá cờ đó, cả lá cờ vàng ba sọc đỏ, cả lá cờ đỏ sao vàng, tôi đều tôn trọng dưới ý nghĩa dưới lá cờ đó đã có những người cùng chung chí hướng với tôi, đã chiến đấu bảo vệ nó và hy sinh cho nó. Còn việc tốt nhất tôi nghĩ sẽ có một lá cờ mới tiêu biểu cho cuộc chiến đấu mới, của cả thời kỳ xây dựng mới của cả dân tộc không phải của hận thù, thương yêu nhau như anh em, bỏ quên tất cả quá khứ.


Thưa ông để tiến tới bước đó thì trước đây chúng tôi có buổi phỏng vấn đối với ông Nguyễn Cao Kỳ, chúng tôi có đề ngị một câu rất cụ thể đối với ông Nguyễn Cao Kỳ, nếu ông tướng có được về Việt Nam ông tướng đến nghĩa trang quân đội của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, thắp nén nhang để tưởng niệm những người đã nằm xuống hay không? và ông có đề nghị tái tạo lại nghĩa trang đó hay không? Đến nay chúng tôi vẫn chưa có được một sự trả lời cũng như kết qủa nào báo cho tín hiệu có về vấn đề đó. Vậy thì đối với nghĩa trang quân đội Biên Hòa là một kỷ niệm rất nhạy cảm đối với người miền Nam Việt nam, đặc biệt đối với cộng đồng ở hải ngoại, về đời sống tâm linh cũng như về bản chất của con người Việt Nam về đạo đức truyền thống của dân tộc. Riêng cá nhân ông nghĩ như thế nào về lời đề nghị của chúng tôi như vậy nếu được chuyển đến chính quyền Cộng sản hiện nay?


- Tôi được gặp khá nhiều lần với ông Nguyễn Cao Kỳ, có những điều trao đổi rất là cởi mở, tôi cũng có nhắc ổng về việc đó nếu mà ông làm được việc đó thì rất tốt, nhưng chúng ta cũng hiểu ông Nguyễn Cao Kỳ là con người... xin lỗi rất là phổi bò, nói thế này mà ông quên, có những điều ông nói ông quên ngay. Cho nên có anh em yêu cầu thì ông ừ ầm như thế nhưng về đến nơi là ổng nghĩ đến đi chơi gôn đi làm tiền có lợi để bỏ túi, cùng với Mỹ mở casino để mà có thể có lợi riêng, những cái đó tôi nghĩ là những cái gọi là cao quý không ở trong tầm nghĩ như là ông Kỳ theo tôi hiểu. Tôi nghĩ nếu làm được việc đó thì tốt quá, chính tôi đã nhiều lần tố cáo việc là đảng cộng sản trả thù cả những người chết, ngăn chặn bà con ta đến viếng và tàn phá cả nghĩa trang đó như thế.


- Và tôi cũng mong có dịp cả nước sẽ làm một cuộc giải oan, tất cả nhà thờ, chùa chiền cùng làm một ngày mặc niệm vong hồn tất cả những người đã hy sinh cả các bên, cả nhân dân thường cũng như chiến sĩ đã vì oan trái trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, do ảnh hưởng của các nước ngoài tạo nên cuộc chiến tranh phi lý. Chính do đó tôi đã từ bỏ cả 9 huân chương của tôi, tôi từ bỏ cả chức đại tá của tôi không có nghĩa lý gì nữa, tôi cho rằng tất cả những phận hàm, khen thưởng đều vô giá trị khi ta nghĩ lại rằng trong cuộc chiến tranh này gọi là chống Pháp, chống Mỹ nhưng mà tôi đã tính số người chết nhiều hơn cả là do anh em Việt Nam ta bắn lẫn nhau, giết một cách hăng say, giết một cách sung sướng, giết một cách khen thưởng nhau để mà giết nhiều nữa. Tất cả những thứ đó không phải là bom Mỹ nó giết mình nhiều, không phải là đạn Pháp, lính Pháp nó giết mình nhiều mà chính anh em Việt Nam của mình nhầm vào nhau mà bắn để mà khen thưởng nhau trong cuộc giết chết đó. Cho nên tôi coi đây là việc lớn nhất mà mọi người phải thấy, đều phải hổ thẹn về thái độ của mình trong chiến tranh và thấy rằng cuộc chiến tranh này phi lý nhất trong lịch sử của đất nước.


Vâng thưa ông, ông vừa vẽ ra một bối cảnh cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, vậy thì thưa ông chúng tôi biết rằng với một xã hội băng hoại như hiện nay do chế độ xã hội chủ nghĩa tạo ra, đã làm băng hoại bao nhiêu thế hệ hiện nay đặc biệt là xã hội Việt Nam hiện nay, với bức tranh đen tối của đảng cộng sản trước khi tiến tới đại hội X, với bối cảnh một xã hội băng hoại như vậy thì bao giờ dân tộc Việt Nam mới lập được đàng tràng giải oan để tiến tới một nước Việt Nam mới được thưa ông? Và đây cũng là câu hỏi cuối cùng để chúng tôi xin cảm tạ ông Bùi Tín đã trả lời cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.


- Vấn đề này sẽ đặt ra đến khi nào ông đặt được phần lớn cho 80 triệu người và cả 80 triệu người cùng suy nghĩ và cùng tìm cách trả lời. Tôi chỉ mong một cách trả lời của tôi sẽ có thể tiếp cận được càng ngày càng nhiều đồng bào nhất là các anh chị em tuổi trẻ để suy nghĩ và có một thái độ, nhân đây tôi cũng xin nói rằng là vừa rồi tôi có viết một cuốn sách sắp xuất bản gấp theo yêu cầu của tuổi trẻ trong nước, ngoài nước, nhất là anh em ngoài nước có hỏi là: chúng cháu có nên về nước hay không? Về nước để làm gì? Sẽ thảo luận với tuổi trẻ trong nước về vấn đề gì và nói với họ những cái gì có lợi nhất?


- Tôi đã viết quyển sách đó là: Bùi Tín tâm tình với tuổi trẻ Việt Nam và tôi khuyên các bạn trẻ nên về thảo luận một cách thân mật những đề tài gì về chiến tranh, về hoà bình, về yêu nước về dân chủ, về phe xã hội chủ nghĩa, về những nhân vật lịch sử, về chủ nghĩa xã hội, tất cả những điều đó đem ra thảo luận cho rõ vì hiện nay đầu óc chúng ta đều bị mù mờ hết điều bị điều kiện hóa hết, để làm gì? để mỗi thanh niên cả người lớn tuổi nữa phải suy nghĩ bằng cái đầu tỉnh táo của mình. Hiện nay chúng ta đều nhờ người khác suy nghĩ hộ, đều có những suy nghĩ thiếu thực tế sai lệch, méo mó, cắt xén về sự thật cho nên là...Quyển sách này rất ngắn thôi nhưng tôi đây là quyển cẩm nang, là bạn đường cho những bạn trẻ khi trở về. Hiện nay là chỗ miền Đông, chỗ Ngọc Bích và của chị Trương Anh Thi đang in gấp và tôi có bản thảo đã sửa lại đây sẽ in trong vòng 3 tuần lễ để phát hành.


- Thưa quý vị khán thính giả và quý vị độc giả, hiện diện trong buổi phỏng vấn ngày hôm nay của Tạp chí Văn Hóa chúng tôi còn nhận thấy sự có mặt của đặc phái viên Nguyễn Ngân đại diện cho báo Người Việt, cô Thùy Hương đại diện cho đài truyền hình Việt Nam tại Hawaii, ông giám đốc Bùi Bỉnh Bân đại diện cho công ty Fee Việt Nam, tức là hệ thống internet toàn cầu, truyền hình toàn cầu. Ngoài ra chúng tôi còn có Camera Hiệp Nguyễn, tức là người sẽ cung cấp tư liệu cuộc phỏng vấn này khi các đài truyền hình cần thiết và thay mặt cho khán thính giả và bạn độc Tạp Chí Văn Hóa, chúng tôi nhận thấy rằng Bùi Bình Bân giám đốc hệ thống internet Fee Việt Nam đề nghị có một câu hỏi cho đài của ông với nhà báo Bùi Tín, chúng tôi sẵn sàng mời ông Bùi Bỉnh Bân có thể có một câu hỏi đến với ông Bùi Tín ngày hôm nay.


- BÙI BỈNH BẦN: Tôi nói riêng cảm giác tôi muốn hỏi .... việc thứ nhất đang bị áp lực vấn đề WTO, tất cả mọi quốc tế đang nhìn vấn đề đàn áp Tôn giáo tại sao người cộng sản hiện tại còn đàn áp mạnh hơn và đặc biệt nữa là ý nghĩa là cuốn bạch thư mới ra, họ không phải làm một cách vô tính, họ tính toán rất kỹ vậy theo ông Bùi Tín đường lối mà cộng sản sử dụng vấn đề từ đâu mà ra vậy? và mình nên làm cách nào để hóa giải?


- LKT: Đây là câu hỏi có tính chất rất thời sự đặc biệt về cuốn Bạch thư, vậy xin ý kiến của ông Bùi Tín có thể bày tỏ ý kiến này.


- Về cơ bản cuốn Bạch thư là chiến thuật phòng thủ, vẫn nghĩ một cách như xưa rằng họ có thể biện bạch thái độ của họ được, trước đây họ biện bạch đằng sau cái gọi là chủ quyền, chủ quyền quốc gia. Chúng tôi là người làm chủ đất nước các ông không có quyền gì can thiệp với chúng tôi, thế mà lần này trước áp lực mạnh bắt buộc họ phải phản ứng, đó là thái độ phòng ngự. Thế nhưng mà họ không còn vũ khí gì để phòng ngự cho nên họ phải dùng cái cách nói lấy điệu và đấy là họ khinh thường dư luận. Đàn áp rành rành ra đấy, bằng chứng rành rành ra đấy mà còn nói là chúng tôi tôn trọng nhân quyền, chúng tôi tôn trọng tôn giáo. Anh vừa mới ký trong Nhà Trắng, một cái ký nhục bởi vì có nước nào mà thủ tướng phải đến tận dinh Tổng thống của nước khác để đặt bút ký cam kết: Tôi cam kết tôn trọng tôn giáo đối với nhân dân nước tôi và tôi xin đảm bảo là các cấp chính quyền của tôi tôn trọng như thế và không vi phạm cam kết này. Thế mà để trở về một cái lập tức cam kết, thế mà đồng thời họ cũng lợi dụng thái độ hai mặt của chính phủ Mỹ.


- Nếu mà chính phủ Mỹ một chính phủ đàng hoàng, kiên quyết thực sự như là ông Bush nói, nói và làm đi đôi. Tôn trọng nhân quyền là giá trị quan trọng nhất trong nhiệm kỳ này, thì ông nhất định không chấp nhận thái độ của Hà Nội đến cái độ như thế, tức anh nói lấy được, rõ ràng anh đàn áp Catolic như thế, rõ ràng anh đàn áp Hòa Hảo đến người ta thiêu như thế mà anh ra sách trắng nói là chúng tôi không đàn áp tôn giáo, nói lấy được. Nếu như chính quyền Mỹ phản ứng mạnh mẽ như là họ cần phải phản ứng đến một cách thách thức thì nó sẽ nhờn đi và tự chính phủ Mỹ tự hạ thấp phẩm giá và lời hứa và cam kết chính Tổng thống Bush. Tôi thấy tình hình rất là nghiêm trọng, đây là sự thách thức và Hà Nội đã đánh giá thấp công luận Quốc tế và công luận trong nước. Bởi vì với sách trắng như thế, giấy trắng mực đen như thế, tất cả bộ máy tuyên truyền của thế giới sẽ chỉ mặt vạch tên anh là anh nói láo. Với những bằng chứng, chúng ta tất cả những cơ quan tuyên truyền, truyền thông Việt Nam ở nuớc ngoài cần phải cùng với cơ quan truyền thông Quốc tế phơi bày tất cả vụ sách trắng này ra để thấy rằng đây đúng hay là sai, thật hay là giả. Có thật là anh đã vi phạm hay không và những lời nói có đi đôi với việc làm.


Xin trân trọng và cám ơn một lần nữa với nhà báo Bùi Tín, năm nay tuổi ông cũng đã cao và lần này là lần đầu tiên (nhà báo Lý Kiến Trúc nói không đúng – đây là lần thứ hai; lần đầu tiên nhà báo Lý Kiến Trúc gặp ông Bùi Tín trong một cuộc họp của MLNQ, nhưng vì thời gian đó, cuộc tiếp xúc với người cộng sản rất là nguy hiểm nên mọi người đề nghị Lý Kiến Trúc giữ kín). Những lần thứ hai này ông qua miền Nam Califonia để gặp gỡ rất đông những diển giả, những nhà tranh đấu cho dân chủ tại miền Nam Califonia, chúng tôi hy vọng là tiếng nói của ông sẽ tạo được ảnh hưởng tốt trong cộng đồng Việt Nam và đồng thời gây được một chất xúc tác mới trong công cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, một lần nữa thay mặt cho các hệ thống truyền thông tại Nam Califonia hết sức trân trọng và cảm ơn ông và xin chúc ông đầy đủ sức khoẻ.


- Nhân dịp này chúng tôi xin gửi lời thăm hỏi rất chân thành ta ở California và đặc biệt mong là tất cả các bạn làm việc trong các bộ máy truyền thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình, luôn luôn theo dõi tình hình đất nước với tất cả nhiệt tình, tâm huyết và tính lương thiện, trách nhiệm nghiệp vụ của mình. Với trình độ nghiệp vụ cao để đưa tất cả sự thật đến với đông đảo đồng bào Việt Nam ta và người Mỹ, và cả rộng rãi trên trường Quốc tế để hiểu rõ sự thật ở Việt Nam.


California 4 tháng 9, 2005


LÝ KIẾN TRÚC thực hiện


Vài hình ảnh về cuộc phỏng vấn Nhà báo Bùi Tín


Từ năm 1995-1998 (không nhớ rõ và chưa truy lục được hình ảnh và bài vở), Lý Kiến Trúc có buổi phỏng vấn nhá báo Bùi Tín lần đầu tiên nhân dịp ông đến Mỹ và nam California tham dự buổi sinh hoạt của Mạng Lưới Nhân Quyền.


Cuộc phỏng vấn lần hai có đề cập đến vụ 16 tấn vàng.

Cuộc phỏng vấn lần ba nói nhiều về văn hóa.

Cuộc phỏng vấn lần bốn cũng là lần cuối cùng, vào năm sau 2018 sau thì nhà báo Bùi Tín từ trần.


image009Nhà báo Bùi Tín đang trả lời cuộc phỏng vấn lần thứ hai của ông Lý Kiến Trúc, Chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa Magazine tại trụ sở tờ báo trên đường Moran St., Tp Westminster, CA 92683 ngày 4 tháng 9 năm 2005.


image010(LKT Phỏng vấn nhà báo Bùi Tín lần thứ ba) Từ phải: Nhà báo Bùi Tín, Nha sĩ Phạm Đình Tuân, nhà văn Phan Nhật Nam, đạo hữu Tâm Phú. bổn báo Lý Kiến Trúc (đang cầm cuốn Văn Hóa Magazine trang bìa hình Bùi Tín để tặng ông Bùi Tín), trong một buổi gặp mặt tại trụ sở Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí trên đường Bolsa năm 2008, nhân dịp nhà báo Bùi Tín đến Quận Cam nam California. Nguyên văn bài phỏng vấn nhà báo Bùi Tín được in toàn bộ trên tờ Văn Hóa Magazine xuất bản vào tháng 9 năm 2005.


image011image012(LKT phỏng vấn nhà báo Bùi Tín lần thứ tư); ảnh trên: Nhà báo Bùi Tín và bổn báo Lý Kiến Trúc đang thực hiện cuộc phỏng vấn hôm Thứ Hai 19/6/2017 tại một tư gia của thân hữu Nha Sĩ ở Little Saigon. Đây là cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà báo Bùi Tín. Ảnh VH/BT


Đảng CSVN mi nhà báo Bùi Tín v nước vi điu kin ...