Các hoàng tử vùng Vịnh đang trở thành "tân vương" của thế giới?

07 Tháng Mười Hai 20227:34 SA(Xem: 2474)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 3 – THỨ TƯ DEC 07, 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Các hoàng tử vùng Vịnh đang trở thành "tân vương" của thế giới?


RFI 06/12/2022


image045Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed Ben Salman, còn gọi tắt là MBS. trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 trực tuyến ngày 20/11/2020. AP - Bandar Aljaloud


Phan Minh


Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina hồi tháng 2 năm nay, phương Tây đã dần ngưng nhập khẩu khí đốt của Nga, và điều này khiến các hoàng tử vùng Vịnh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. RFI xin trích dịch bài phân tích đăng trên website tuần báo Pháp l’Express hôm 19/11/2022.


Đối mặt với giá dầu tăng vọt, vào giữa tháng 7, tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định gác lại chính sách ngoại giao nhân quyền của mình để đến Jeddah và gặp trực tiếp hoàng tử trẻ tuổi của Ả Rập Xê Út. Mục tiêu là để thuyết phục lãnh đạo trong thực tế của vương quốc này tăng cường xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng Mohammed ben Salmane (MBS) không những không nhượng bộ, mà ngược lại còn quyết định giảm xuất khẩu vàng đen. Giá dầu tăng vọt và tổng thống Biden thì bẽ bàng ra về tay trắng.


Robert Mogielnicki, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Các Quốc Gia Vùng Vịnh (Arab Gulf States Institute) ở Washington nhấn mạnh : "Tại Nhà Trắng, quyết định này của MBS bị coi là một cú đâm sau lưng. Nó đã tiếp thêm năng lượng cho các đối thủ chính trị của Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ - là kịch bản tồi tệ nhất đối với chính quyền đảng Dân Chủ, và là biểu tượng của cán cân quyền lực mới trên trường quốc tế."


MBS, gương mặt của thế hệ lãnh đạo mới 


Bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của ông là hoàng tử Ả Rập Xê Út vẫn được chính quyền Biden ve vãn. Bất chấp sự sỉ nhục nói trên, trong những ngày gần đây, Nhà Trắng tìm cách hủy bỏ các thủ tục pháp lý chống lại MBS ở Hoa Kỳ, người bị buộc tội dính líu đến vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi, một cư dân sống ở Mỹ vào thời điểm ông qua đời. David Ottaway, nhà nghiên cứu tại trung tâm Wilson nhấn mạnh rằng trong bối cảnh chiến tranh tiếp diễn ở Ukraina, MBS biến sức mạnh to lớn của Ả Rập Xê Út là dầu mỏ, thành vũ khí hủy diệt trên trường quốc tế : "Khi bạn đứng đầu quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng sản xuất 12 triệu thùng dầu mỗi ngày, một mình bạn, mặc dù không thể giải quyết vấn đề năng lượng toàn cầu do cuộc chiến này tạo ra, nhưng bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn."


Từ chiều cao với tầm vóc oai vệ, đứng đầu một đất nước rộng lớn với khối tài sản vô song, MBS là hiện thân của thế hệ lãnh đạo mới ở vùng Vịnh, vừa giàu có vừa quyền lực. Ben Salmane ở Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Zayed (MBZ) ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay Emir Al Thani ở Qatar - những lãnh đạo trẻ tuổi mà phương Tây phải cầu cạnh, giờ đây có đủ khả năng đưa ra luật chơi của riêng mình.


Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi nổ ra cuộc chiến tranh ở Ukraina, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đổ xô đến vùng Vịnh và thực hiện những chuyến thăm tới các cung điện ở Doha, Abu Dhabi và Riyad. Tất cả đều nhập về lượng khí đốt và dầu khổng lồ từ Trung Đông để bù đắp cho việc cắt giảm năng lượng của Nga. Hai tháng sau, vào tháng 5, Ủy Ban Châu Âu công bố lộ trình "quan hệ đối tác chiến lược với vùng Vịnh", trong đó cam kết thúc đẩy "sự ổn định của khu vực" để đổi lấy "an ninh năng lượng".


Emmanuel Macron cũng không phải là ngoại lệ : vào ngày 15/05, tổng thống Pháp bay đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, trước khi tiếp MBZ tại Paris vào ngày 18/07, rồi 10 ngày sau đó là hoàng tử MBS của Ả Rập Xê Út. Mỗi lần như vậy, tổng thống Macron luân phiên bố trí đưa các vị khách của mình đi thăm các lâu đài và đãi những bữa tối thịnh soạn.


Christopher Davidson, chuyên gia vùng Vịnh và là tác giả cuốn From Sheikhs to Sultanism thuật lại rằng chuyến thăm Pháp là chuyến đi đầu tiên đến phương Tây của MBS kể từ sau vụ ám sát Jamal Khashoggi và cũng giống như đối với Joe Biden, sau chuyến công du Ả Rập Xê Út của mình, tổng thống Pháp cũng bị phản bội, thậm chí bị xúc phạm trước quyết định của Ả Rập Xê Út về việc giảm xuất khẩu dầu mỏ vào cuối mùa hè.


Giá năng lượng tăng vọt, vận may khổng lồ đối với vùng Vịnh 


Tuy nhiên, cảm xúc của các nhà lãnh đạo không phải là điều quan trọng, mà vấn đề thực sự là châu Âu đã trở nên quá phụ thuộc vào lãnh đạo những nước vùng Vịnh. Quyết định từ bỏ, trong trung hạn, dầu khí của Nga khiến lục địa già còn ít lựa chọn. Tobias Borck, chuyên gia vùng Vịnh tại viện Royal United Services giải thích rằng chẳng hạn về khí đốt, đối với châu Âu, Qatar sẽ hiển nhiên là sự thay thế cho Nga. Tiểu vương quốc này là một trong 3 nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng chính, và họ sẽ tăng năng lực sản xuất của mình từ 60% đến 70% vào năm 2027. Qatar sẽ là nhà sản xuất nhiều khí đốt nhất thế giới và sẽ có tầm quan trọng to lớn đối với châu Âu.


Các quốc gia vùng Vịnh đã gặt hái được rất nhiều từ cuộc chiến ở Ukraina. Nền kinh tế của họ đã hưởng được nhiều lợi ích từ việc giá năng lượng tăng vọt, nhất là nhờ vào một mùa hè đầy hoảng loạn trên thị trường toàn cầu. Christopher Davidson nhắc lại rằng trước khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Ả Rập Xê Út, Qatar hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất từng phải bán trái phiếu trên thị trường quốc tế. Năm nay, các quốc gia vùng Vịnh không phải làm như vậy nữa, điều đó có nghĩa là họ đang ở trong một tình thế tài chính tốt hơn nhiều so với 1 năm trước.


Những khoản cổ tức này sẽ hỗ trợ cho các chế độ quân chủ về dầu mỏ trong quá trình chuyển đổi của họ sang thế giới hậu dầu mỏ, nơi mà toàn vùng Vịnh đã khởi động các công trình vĩ đại. Qatar đã chi hơn 200 tỷ đô la cho World Cup 2022 và những cơ sở hạ tầng đi kèm. Ả Rập Xê Út đang thúc đẩy kế hoạch cải cách "Tầm Nhìn 2030" do MBS đích thân phát triển và kế hoạch này sẽ tiêu tốn của vương quốc này hàng nghìn tỷ đô la, với mục đích trở thành người khổng lồ về năng lượng tái tạo, dẫn đầu thế giới về du lịch hoặc thậm chí phát triển một ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh.


Các nước vùng Vịnh không đơn giản chỉ đạt được những lợi ích về mặt tài chính. Ở cấp độ ngoại giao, những động thái này cho phép các chế độ quân chủ có dầu mỏ khẳng định sự độc lập và kiếm tiền từ ảnh hưởng của họ. Tại Liên Hiệp Quốc, họ đan xen giữa việc bỏ phiếu trắng và lên án Nga. Tuy nhiên, kể từ đầu mùa thu, vùng Vịnh ngày càng thể hiện một sự gần gũi nhất định với Matxcơva.


Trong khi MBS tăng cường các cuộc điện đàm chính thức với điện Kremlin, thì tiểu vương Al Thani của Qatar đã hội đàm chính thức với Vladimir Putin ở Astana vào đầu tháng 10 để khởi động một cuộc hòa giải về Ukraina. Theo l’Express, chủ đề quan trọng nhất là bảo đảm rằng Nga sẽ không làm gián đoạn World Cup một tháng sau đó. MBZ thì đã tới Matxcơva vào ngày 11/10, cũng để đàm phán hòa bình, theo nguồn tin chính thức. Christopher Davidson nhận định rằng trên thực tế, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh không thực sự tham gia hòa giải về Ukraina như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có thể làm. Đối với họ, đó chỉ là một cái cớ, họ muốn cho Nga thấy rằng cánh cửa của họ vẫn rộng mở, bởi vì tất cả đều đã đầu tư chung với Matxcơva và không muốn làm xấu tương lai.


Putin không phải là nhà lãnh đạo lớn duy nhất được các nước vùng Vịnh ve vãn. Kể từ mùa hè này, có tin đồn về chuyến đi sắp tới của Tập Cận Bình tới Ả Rập Xê Út và đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc ra nước ngoài kể từ khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Năm nay, Ả Rập Xê Út trở thành quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất sang Trung Quốc, với 2 triệu thùng mỗi ngày. Chuyến thăm như vậy của ông Tập tới Riyad sẽ là sự tôn vinh vai trò thiết yếu mới của MBS. Và đó là dấu hiệu cho thấy, ở tuổi 37, tương lai của thế giới nằm trong tay ông ta.