Ba câu hỏi còn để ngỏ sau chuyến thăm Mỹ của TT Zelensky

25 Tháng Mười Hai 20227:12 SA(Xem: 2454)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 2 – CHỦ NHẬT DEC 25, 2022

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về:  lykientrucvh@gmail.com


Ba câu hỏi còn để ngỏ sau chuyến thăm Mỹ của TT Zelensky


24/12/2022 |


VĨNH KHANG


(PLO)- Chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky mặc dù được đánh giá là một thành công, song nó vẫn chưa giúp tìm ra được lời giải cho 3 câu hỏi chính yếu liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.


Theo hãng Reuters, chuyến thăm đầy bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Mỹ trong ngày 21-12 rõ ràng là một thắng lợi. Kiev không chỉ nhận được các cam kết hỗ trợ quân sự và tài chính mới mà còn là sự ủng hộ của lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.


Chuyến thăm đánh dấu lần công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Zelensky kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Tại Washington, ông Zelensky đã có cuộc hội đàm và cuộc họp báo chung của Tổng thống Joe Biden, cũng như có bài phát biểu quan trọng ở Điện Capitol.


image013Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Kevin Lamarque/REUTERS


Đáng chú ý trong chuyến thăm là ông Biden công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 1,85 tỉ USD cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng và ngành năng lượng của Kiev trước các cuộc tấn công của Nga.


Dù vậy, chuyến thăm của ông Zelensky vẫn còn để ngỏ một số câu hỏi quan trọng, đó là sự hỗ trợ quân sự của Mỹ sẽ phát triển ra sao? Sự ủng hộ của quốc hội Mỹ cho Ukraine sẽ kéo dài bao lâu? Và quan trọng hơn, cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào?


Hỗ trợ quân sự nào tiếp theo?


Đứng đầu trong danh sách các loại vũ khí mà Tổng thống Ukraine muốn Mỹ viện trợ là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có hiệu quả cao trong việc đánh chặn máy bay và tên lửa đạn đạo, hành trình.


Mặc dù ông Biden đồng ý gửi hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine, nhưng điều này khó mà làm thay đổi cục diện chiến tranh. Trong khi đó, Washington và các nước đồng minh cũng không sẵn sàng cung cấp các loại vũ khí tiên tiến mà phía Ukraine yêu cầu, bao gồm xe tăng chiến đấu hiện đại và hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS có thể tấn công các mục tiêu cách xa khoảng 300 km. Mỹ lo ngại Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.


Theo chuyên gia cấp cao Rachel Rizzo của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Atlantic (Mỹ), mục tiêu của Mỹ là ủng hộ Ukraine trong khi vẫn đảm bảo Washington và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) không bị kéo vào một cuộc chiến rộng hơn. Do đó, Washington sẽ tiếp tục từ chối việc viện trợ các loại vũ khí mà ông Zelensky thực sự muốn.


Trong khi đó, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Biden, Tổng thống Zelensky tiết lộ hai nhà lãnh đạo có hiểu rõ về cách thức tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine trong những tháng tới, song không cung cấp chi tiết về kế hoạch.


Hai quan chức giấu tên trong chính quyền Mỹ nói với hãng Reuters rằng ưu tiên hiện tại của Washington là tập trung vào hệ thống phòng không của Kiev, đồng thời nói thêm trong thời gian sắp tới rất có thể Mỹ và các nước phương Tây sẽ gửi thêm hệ thống phòng không cho Ukraine cùng với việc tích hợp chúng tốt hơn.


Nga nhiều lần cảnh báo việc phương Tây gửi các tên lửa tầm xa tới Ukraine sẽ bước qua "lằn ranh đỏ” của nước này.


image015Tổng thống Zelensky phát biểu trước quốc hội Mỹ. Ảnh: Evelyn Hockstein/REUTERS


Sự ủng hộ của quốc hội Mỹ kéo dài bao lâu?


Rõ ràng kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, Kiev đã nhận được sự ủng hộ chính trị đáng kể từ lưỡng đảng quốc hội Mỹ. Tuy nhiên khi cuộc xung đột đã kéo dài hơn 300 ngày, thái độ chỉ trích từ phe cánh hữu trong đảng Cộng hòa ngày càng gia tăng.


Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị thông qua gói viện trợ về kinh tế và quân sự trị giá gần 45 tỉ USD cho Ukraine. Đây được xem là khoản tiền lớn nhất mà Washington dành cho Kiev. Dù vậy, gói viện trợ này chắc chắn sẽ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ một khi đảng Cộng hòa chính thức kiểm soát Hạ viện vào ngày 3-1-2023.


Bình luận sau bài phát biểu trước quốc hội Mỹ của Tổng thống Zelensky, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy nói rằng: "Tôi ủng hộ Ukraine nhưng tôi không bao giờ ủng hộ một tấm séc trắng. Chúng tôi muốn đảm bảo mọi khoản tiền chi ra đều cần có trách nhiệm giải trình”, đài CNN đưa tin.


Xung đột sẽ chấm dứt như thế nào?


Chuyến công du kéo dài 10 giờ của ông Zelensky vẫn chưa làm rõ liệu cuộc xung đột sẽ kết thúc theo cách nào.


Tại Washington, lãnh đạo Ukraine nói rằng Tổng thống Biden ủng hộ "kế hoạch hòa bình 10 điểm mà ông Zelensky đã đề xuất trước các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) hồi tháng trước. Một trong những nội dung của kế hoạch là yêu cầu Nga rút toàn bộ binh lính ra khỏi lãnh thổ của Ukraine. Moscow đã lên tiếng từ chối kế hoạch trên của Kiev.


Trong cuộc họp báo hôm 21-12, ông Zelensky nhấn mạnh: “Đối với tôi, là một Tổng thống, hoà bình chính đáng không phải là sự thỏa hiệp đối với chủ quyền, tự do và toàn vẹn lãnh thổ đối với đất nước Ukraine".