Ngoại trưởng Đức: phương Tây tưởng rằng thông qua thương mại có thể thay đổi chính trị

20 Tháng Tư 20239:18 SA(Xem: 2036)

VĂN HÓA ONLINE – DIỄN ĐÀN 1 – THỨ NĂM 20 APRIL 2023

Ý kiến/Bài vở vui lòng gởi về Email: lykientrucvh@gmail.com


Ngoại trưởng Đức: phương Tây tưởng rằng thông qua thương mại có thể thay đổi chính trị


Ngoại trưởng Đức có những lúc thấy ‘sốc nặng’ trong chuyến thăm Trung Quốc


20/04/2023

Reuters


image011Nữ ngoại trưởng Đức trong phiên họp của Bundestag (hạ viện) ở Berlin. Reuters


Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm thứ Tư 19/4 mô tả rằng có những lúc bà thấy “sốc nặng” trong chuyến công du gần đây của bà tới Trung Quốc và nói thêm rằng Bắc Kinh đang ngày càng trở thành một đối thủ có tính hệ thống, hơn là một đối tác thương mại và đối thủ cạnh tranh.


Bà Baerbock đưa ra nhận xét thẳng thừng như vậy sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi tuần trước, ở đó, bà cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm kiểm soát Đài Loan đều không thể chấp nhận được.


Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan có chính quyền dân chủ chỉ là một tỉnh của Trung Quốc và chưa bao giờ họ loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của họ.


Vẫn bà Baerbock nói rằng Trung Quốc muốn áp dụng các quy định của riêng họ trong khi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bị tổn hại. Về phần mình, Bắc Kinh đề nghị Đức ủng hộ "việc thống nhất" Đài Loan và nói rằng Trung Quốc và Đức không phải là đối thủ mà là đối tác.


Phát biểu trước Bundestag tức hạ viện Đức hôm 19/4 về chuyến thăm Trung Quốc, bà Baerbock cho hay "có một số diễn biến thực sự gây sốc nặng".


Bà không đi vào chi tiết cụ thể, mặc dù vậy, lời nhận xét của bà được đưa ra sau khi bà nói rằng Trung Quốc đang trở nên ngày càng đàn áp ở trong nước lẫn ngày càng hung hăng hơn ở bên ngoài.


Đối với Đức, bà nói, Trung Quốc là một đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống, nhưng hiện nay bà có ấn tượng là Trung Quốc "ngày càng thiên về khía cạnh họ là đối thủ có hệ thống".


Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, bà Baerbock nói, nhưng điều này không đồng nghĩa rằng Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức.


Chính phủ Đức muốn làm việc với Trung Quốc nhưng không muốn lặp lại những sai lầm trong quá khứ, chẳng hạn như quan niệm "tạo ra thay đổi thông qua thương mại", bà nói, đó là việc phương Tây tưởng rằng có thể đi đến những thay đổi chính trị trong các chế độ độc tài thông qua thương mại.


Bà Baerbock cũng cho rằng Trung Quốc có trách nhiệm làm việc vì hòa bình trên thế giới, đặc biệt là sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.


Bà hoan nghênh lời hứa của Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Nga, bao gồm cả các mặt hàng lưỡng dụng, mặc dù vậy, bà nói thêm rằng Berlin sẽ theo dõi xem lời hứa đó được thực hiện ra sao trên thực tế.


Chuyển hướng khỏi các chính sách của cựu thủ tướng Angela Merkel, chính phủ của ông Olaf Scholz đang phát triển một chiến lược mới về Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào siêu cường kinh tế châu Á, một thị trường xuất khẩu quan trọng của hàng hóa Đức. (Reuters/VOA)