VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN 4 - THỨ TƯ 01 MAY 2024
Ý nghĩa của việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa trong công cuộc “hòa giải dân tộc”!
RFA
29/4/2024
Kiến trúc "Vành khăn tang" trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đã xuống cấp (ảnh minh họa). Vietnamese American Foundation
Trong cuộc chiến Việt Nam 1954 - 1975, cả hai phía Bắc Việt và Nam Việt Nam đều bị thiệt hại nhân mạng với con số vô cùng lớn. Cả hai phía đều xây nhiều nghĩa trang quân đội làm nơi an nghỉ của những người lính đã hi sinh. Sau 1975, hầu hết các nghĩa trang quân đội của phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã bị tàn phá, bởi cả thời gian và con người. Hiện nay chủ yếu chỉ còn Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa sót lại tương đối nguyên vẹn với cái tên mới là Nghĩa trang Nhân dân Bình An.
Với sự vận động kiên trì của Chính phủ Hoa Kỳ và một số hội đoàn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, chủ yếu là từ các cựu chiến binh VNCH và thân nhân, Nhà nước Việt Nam đã cho phép trùng tu một phần Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Tuy nhiên, theo RFA được biết, đợt trùng tu cuối cùng diễn ra vào năm 2018 và việc trùng tu chưa hoàn tất. Ông Philipp Nguyễn, một trong những người tham gia các đợt vận động và trùng tu Nghĩa trang này cho RFA biết Nghĩa trang còn cần phải được trùng tu rất nhiều nữa, nếu không nó có thể bị sập đổ bất kỳ lúc nào.
Nhân dịp 30 tháng Tư, 2024, RFA xin giới thiệu một cuộc trao đổi với với ông Phillip Nguyễn, nhà sáng lập tổ chức Viet Benevolence Foundation (Quỹ Việt Nam nhân ái) để tham gia vận động Chính quyền Việt Nam tiếp tục cho phép tu bổ Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa về các vấn đề liên quan.
RFA. Xin ông cho biết tình trạng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa hiện nay?
Philip Nguyễn: Trước hết cho tôi cảm ơn và xin chào khán thính giả RFA. Tôi đã từ chối rất nhiều yêu cầu phỏng vấn. Nhưng bây giờ là những ngày cuối tháng Tư, sắp đến dịp Lễ 30 tháng Tư, tôi cảm thấy mình có một chút trách nhiệm nào đó, trả lời những câu hỏi một cách thành thật trung thực, với kinh nghiệm riêng của mình.
Tôi không có bằng chứng rằng bên Việt Nam cản trở việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Trong quá trình làm việc với phía Việt Nam, tôi không có trải nghiệm đó.
Nhưng nếu hỏi phía Việt Nam có tạo điều kiện tốt hơn cho chúng ta làm điều đó hay không thì có lẽ câu trả lời là không. Họ chỉ làm những gì tối thiểu nhất mà họ có thể làm. Đó là kinh nghiệm của tôi.
Về việc trùng tu thì có nhiều hội đoàn, tổ chức, cá nhân đã làm, tôi không nói hết được.
Có nhiều việc khác nhau cần làm để trùng tu. Nếu nói việc dọn dẹp vệ sinh như quét lá, sơn vôi, thì đã có làm rồi và hiện vẫn có một hai nhóm đang làm việc đó.
Nhưng cái quan trọng nhất bây giờ là làm cái Vành khăn tang và đường thoát nước bên trong Nghĩa trang. Nếu không có dự án lớn thì không thể thi công công trình thoát nước để chống xói mòn các ngôi mộ khi có mưa xuống. Nếu không trùng tu lại cái Vành khăn tang thì sớm muộn gì công trình này trong Nghĩa trang sẽ bị đổ sụp xuống.
Công trình Vành khăn tang trong Nghĩa trang hiện đã ở tình trạng khẩn cấp, đến nỗi một lần tôi đi chung với bà văn phòng Tổng lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, tôi cố tình dẫn bà đi dưới cái Vành khăn tang. Bà ấy đã giật mình và dạt ra ngoài vì sợ nó sụp xuống.
Công trình này mô phỏng cái khăn tang trong văn hóa Việt Nam, bày tỏ sự tiếc thương với người đã mất. Trong bản gốc, xung quanh Vành khăn tang có những ống nước, khi mưa xuống, nước mưa sẽ theo đó chảy xuống. Đó kiến trúc mô phỏng dòng nước mắt dành cho người đã khuất. Bây giờ sau hơn nửa thế kỷ, những ống nước đó bị đất đá bịt lại, khi có mưa, nước không thoát được và động lại trên đó, gây mục nát và hư hại công trình.
Không có công trình nào không được trùng tu mà có thể tồn tại sau hơn nửa thế kỷ. Đến nay công trình này chưa sập là vì nó được xây dựng rất tốt. Đó là biểu tượng của Nghĩa trang nhưng hiện giờ chưa trùng tu được.
RFA. Ông có cho rằng việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nên là việc chung của cả người Việt trong và ngoài nước, bất kể họ thuộc bên nào trong cuộc chiến, thay vì chỉ là việc của các cựu binh VNCH và thân nhân?
Phillip Nguyễn: Xin cảm ơn đã hỏi tôi câu này. Khi nói đến việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, người ta thường nghĩ đó là việc của những người phía VNCH, nhất là những người từng trong Quân lực VNCH. Nhưng trong góc nhìn của tôi, đó là trách nhiệm chung cho cả dân tộc, không chỉ cho Miền Nam mà cho cả Miền Bắc.
Vì sao? Vì đó là một di tích lịch sử rất quan trọng mà mỗi chúng ta đều có tránh nhiệm bảo tồn, cho dù di tích lịch sử đó có thể không đem lại “sự thuận tiện” cho chúng ta.
Bất kể chúng ta đứng ở phía nào thì lịch sử vẫn là lịch sử. Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là một nhân chứng lịch sử về một giai đoạn lịch sử đã qua. Việc gìn giữ di tích này do đó là việc chung cho cả hai Miền Nam Bắc. Đó là góc nhìn của tôi từ ống kính lịch sử.
RFA. Ông có nghĩ rằng không chỉ Chính phủ Hà Nội mà cả người dân Miền Bắc nên coi việc trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa như là một cách thực hiện hòa giải dân tộc một cách thật tâm?
Phillip Nguyễn: “Hòa giải dân tộc” bây giờ là một cách nói gây ra tranh cãi vì nhiều người nghĩ rằng Chính quyền Việt Nam có những câu nói rất hay, rất hài hòa về sự hòa giải nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Nếu họ có làm thì họ làm theo kiểu là “hòa tan” chứ không phải là “hòa hợp”. “Hòa tan” tức là họ chỉ muốn hòa tan phía bên kia. Điều đó gây ra nhiều chống đối từ hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ.
Để trả lời câu hỏi của bạn thì tôi nghĩ thế này. Có nhiều việc người sống không làm được nhưng người chết làm được. Đây chính là việc mà người chết có thể làm được.
Chúng ta hãy xem đây là cơ hội để thực hiện việc hòa giải. Đó là cơ hội rất lớn. Tôi cảm thấy rằng Chính quyền Việt Nam đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để làm việc đó.
Đây là cơ hội vì đây là một di tích lịch sử quan trọng. Nếu chúng ta có thiện tâm, thiện chí với việc hòa giải thì trước hết hãy hòa giải với người đã chết trước đã, sau đó sẽ hòa giải với người đang sống.
Như tôi, như bạn và hàng triệu người Việt Nam khác, chúng ta đang viết một trang sử nhân đạo. Một trăm năm sau, ngàn năm sau, con cháu chúng ta có học được bài học gì từ chúng ta không?
Chúng nó mai sau có học được bài học rằng cha ông chúng nó đã từng nhồi da xáo thịt, từng huynh đệ tương tàn, nhưng rồi cũng vì những mục đích lớn của quê hương dân tộc, vì một cái gì thiêng liêng cho quê hương đất nước mà đã bỏ qua những cái tôi cá nhân của mình, chấp nhận đi tới. Chúng ta phải cho con em chúng ta sau này biết rằng chúng ta dù Nam hay Bắc, dù phía này hay phía kia trong cuộc chiến, nhưng cuối cùng vẫn là anh em Việt Nam.
Nhưng chúng ta không thể chỉ nói mà cần phải hành động.
Đây đâu phải là lần đầu tiên nước Việt chúng ta có huynh đệ tương tàn, có nồi da xáo thịt? Cuộc huynh đệ tương tàn gần nhất là anh em Quang Trung - Nguyễn Ánh. Họ còn chém giết nhau tàn nhẫn hơn nữa, nhưng rồi lịch sử ngày hôm nay chúng ta đều tôn trọng sự đóng góp của cả hai bên. Chúng ta đều bảo tồn di tích lịch sử của cả hai bên nên chúng ta có một trang sử trọn vẹn hơn. Nếu không, con cháu chúng ta chỉ biết lịch sử một chiều, chỉ biết một mặt của đồng xu mà không biết mặt bên kia, chỉ biết “history” mà không biết “herstory”.
Người ta nói rằng một cơ chế sai có thể giết chết một thế hệ nhưng một trang sử sai có thể giết hàng trăm thế hệ. Đó là lý do vì sao mà Chính quyền Việt Nam đừng nên xem Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là một cái chướng ngại, một cái gì cần phải lo lắng về mặt chính trị cho chế độ. Bởi vì ngày hôm nay, luồng gió chính trị đã thay đổi hết rồi. Bây giờ Việt Nam đã hoàn toàn được lãnh đạo dưới một Đảng Cộng sản rồi. Không có lý do gì để lo sợ rằng đây là nghĩa trang quân đội cũ, rồi có ai đó sẽ kiếm cách này, cớ kia để tạo khó khăn cho Chính quyền Việt Nam. Theo tôi thì ngược lại, Chính quyền Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để để xây dựng hòa hợp hòa giải thực sự, không chỉ nói mà có hành động.
Thực sự trong Chính quyền Việt Nam có rất nhiều người rất là tốt, có rất nhiều thiện chí. Tôi đã gặp rất nhiều người mà tôi rất cảm kích. Họ có tấm lòng nhân ái rất là lớn, rất muốn làm những gì mà tôi đang nói. Chẳng qua là số người đó ít quá, họ không làm được gì, và hơn nữa ở Việt Nam thì ai muốn làm gì cũng phải theo chỉ thị đưa xuống cho nên ở địa phương và cấp bên dưới có muốn cũng không làm được.
RFA. Theo ông, nếu bây giờ, vào một ngày đẹp trời nọ, bỗng dưng Chính quyền Hà Nội không chỉ cho phép những hội đoàn hay cá nhân như ông tiếp tục trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa mà chính họ đứng ra làm việc đó thì tác động của việc làm này sẽ là thế nào?
Phillip Nguyễn: Tác động của việc đó sẽ rất đẹp. Rất đẹp. Chúng ta có thể dẫn chứng trường hợp nội chiến Mỹ. Khi Miền Bắc Mỹ thắng Nam Mỹ, họ đã tôn trọng cả hai bên. Vị tướng Grant và tướng Lee của hai bên đã bắt tay nhau. Việc đầu tiên họ làm là trùng tu nghĩa trang của tử sĩ cả hai bên. Họ không cần nói nhiều. Chỉ cần làm như vậy, họ đã xóa biết bao hận thù của hai bên.
Mà ngay cả khi họ nỗ lực thật tâm như vậy, ngày nay hận thù Nam Bắc ở Mỹ vẫn còn. Ngày nay khi đi viếng các nghĩa trang ở miền Nam nước Mỹ, chúng ta thấy mộ của hai bên đều giống nhau. Ta thử hình dung nếu như ở Mỹ, nếu bên thắng cuộc mà đối xử với bên thua cuộc như ở Việt Nam, đặc biệt là trong 20 năm đầu tiên thì sao?
Theo tôi, thay vì bỏ công bỏ sức ra tuyên truyền, kêu gọi, thay vì lên sân khấu hát những bài ca về đoàn kết, thì Chính quyền Việt Nam chỉ cần làm một việc nhỏ như vậy. Đối với ngân sách Việt Nam bây giờ, chi phí trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa chỉ là đồng xu một cent (1/100 USD.) Đối với số ngoại tệ mà cộng đồng hải ngoại đã gửi về nước bao nhiêu năm qua, lên đến hàng trăm tỷ USD, thì chi phí đó thậm chí còn không bằng một đồng xu. Nhưng điều đáng buồn là họ không làm việc đó.
Trong cuộc chiến nào cũng vậy, người thắng cuộc là người có trách nhiệm hòa giải với người thua cuộc. Người thua cuộc không có trách nhiệm đó, vì người thắng cuộc là bên cầm giữ chìa khóa mở cánh cửa hòa giải, đang cầm cây bút viết lại lịch sử, chứ không phải ngược lại. Mặc dù trong việc hòa giải này, cộng đồng hải ngoại cũng cần hợp tác, nhưng người tiên phong, giữ trách nhiệm chính luôn luôn là bên thắng cuộc.
RFA. Tại sao chính quyền Việt Nam ôm một nỗi lo thường được cho là vô lý, đó là nếu trùng tu Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thì sẽ có ai đó lợi dụng để khôi phục chế độ VNCH. Hoặc như gần đây, họ cấm các hoạt động từ thiện trợ giúp các thương phế binh VNCH, những người bị thương tật trong chiến tranh, bây giờ đều là những cụ già tầm 80 đến 90 tuổi cả rồi. Cuộc sống rất khó khăn và cô đơn. Không ai có thể hiểu được những cụ già thương tật như vậy lại có thể đe dọa đến một chế độ có một triệu quân và sáu triệu công an.
Phillip Nguyễn: Tôi không hiểu đường lối của họ. Tôi chỉ đơn giản là không hiểu. Tôi nghĩ có thể họ chỉ mượn cái cớ về an ninh quốc gia, thành phố, tỉnh, làng xóm thôi. Cứ nhìn vào 50 năm qua, đã từng có một điều gì gây tổn hại an ninh cho Việt Nam mà do nước ngoài đưa về? Không có. Trong khi đó, bà con Việt kiều đã về Việt Nam rất nhiều, gửi rất nhiều tiền về Việt Nam. Có rất nhiều du học sinh Việt Nam đã sang Mỹ. Hai xã hội đã hòa nhập với nhau rất tốt. Không có lý do gì để ôm nỗi lo như vậy.
Tôi nghĩ rằng họ có thể muốn xóa bỏ lịch sử VNCH. Họ muốn người ta không còn nhớ đến VNCH nữa. Ngoài ra không còn cách nào khác để giải thích cả.
Đến bây giờ còn làm khó làm dễ các chú các bác thương phê binh, những người tuổi đời đâu còn bao nhiêu nữa. Cùng lắm họ sống thêm được 5 năm nữa. Họ không thể sống đến 10 năm nữa. Vậy tại sao lại phải ngăn cản họ nhận trợ giúp tuổi già từ bạn bè ở nước ngoài?
Hành động đó sẽ đi vào lịch sử sau này. Đó sẽ là một vết dơ lịch sử. Họ có thể xem hành động đó thì không có gì. Nhưng tôi nghĩ là không phải. Con người ngày hôm nay sẽ ghi nhớ những điều đó. Thời đại ngày nay đã khác, những việc làm đó sẽ được ghi nhớ. Đời sau sẽ nhớ về một bên thắng cuộc không có tấm lòng nhân ái.
Nói vậy thì nghe nó hơi nặng nề. Những năm gần đây, chính quyền đã có nhiều cố gắng. Nói chung họ đã thay đổi nhiều lắm. Những năm gầy đây có rất nhiều điều tốt. Cá nhân tôi chưa tận mắt thấy việc công an đi tịch thu quà mà các chú bác thương phế binh được nhận. Mặc dù qua báo chí thì cũng có nghe việc đó rất nhiêu nhưng tự cá nhân tôi thì chưa tận mắt thấy. Nếu đã xảy ra việc như vậy thì họ quá tàn nhẫn, không còn sự nhân bản, nhân đạo của con người.
Những việc làm đó chỉ gây thêm khó khăn cho nước Việt Nam mà thôi.
Bây giờ đã gần 50 năm sau chiến tranh, giả sử bây giờ ở thành phố tôi đang sống, Grand Rapids, thành phố lớn thứ hai ở bang Michigan, nếu tôi đưa một đoàn doanh nhân Việt Nam đến đây gặp ông thị trưởng để kết nối kinh doanh thì nhà tôi có thể bị cháy đấy. Nhưng tại sao lại như vậy? Các cháu du học sinh Việt Nam sang đây cũng bị kỳ thị trong khi các cháu nhỏ có làm gì đâu?
Nhưng ai gây ra những sự chia rẽ đó? Ai gây ra những kì thị đó? Ai nuôi dưỡng mãi những mối thù đó? Tôi chỉ hỏi vậy chứ bạn cũng biết câu trả lời rồi.
Sau cuộc chiến này cũng vậy, người thắng cuộc, Chính quyền Việt Nam có nhiều thuận lợi, cơ hội để thúc đẩy sự hòa giải.
RFA. Người ta thường lấy chuyện người Mỹ, người Nhật, người Đức hòa giải sau nội chiến để so sánh với Việt Nam hiện đại. Nhưng trong lịch sử, Việt Nam cũng có truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận”, tức là thù hận chỉ dành cho người sống, khi ai đó đã nằm xuống, mọi ân oán phải được gạt sang một bên.
Phillip Nguyễn: Trong nhà có hai anh em. Mộ bia của nhà em cần được tu sửa. Em tu sửa là chuyện đương nhiên. Anh làm thay em thì ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Người bên hải ngoại này về tu sửa là chuyện bình thường. Còn nếu phía Chính quyền Việt Nam tu bổ lại nó thì nó mới có ý nghĩa.
Tôi bảo đảm là nếu Việt Nam có chương trình tu bổ lại những nghĩa trang VNCH, khi họ tìm được mộ xương của người lính VNCH, họ không vứt bỏ như lâu nay thì không cần phải nói nhiều, người dân sẽ tự hiểu được. Họ thấy được một xã hội văn minh, một thể chế chính trị nhân đạo.
Tất nhiên nếu Chính quyền Việt Nam đứng ra tu bổ Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, không phải bên này ai cũng vui đâu. Cũng có vài người không vui. Họ không muốn nhìn thấy cái mặt tốt đẹp của Việt Nam đâu. Đây là điều đáng buồn nhưng đây là điều có thật. Dẫu sao đó cũng chỉ là chuyện cá nhân. Còn đó vẫn là chuyện chính thể nên làm để là khép lại một trang sử đau thương.
Một nhà văn từng nói “hãy cho tôi biết một đất nước có văn minh hay không bằng cách cho tôi xem cách họ đối xử với người chết.”
Cách một đất nước đối xử với người chết nói lên cái nhân bản, nhân văn của họ. Giả sử trong cuộc chiến đó, Miền Nam thắng cuộc và đối xử với những ngôi mộ của bộ đội Miền Bắc như vậy, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối. Chỉ có người không có tình yêu thương mới ngồi yên, chỉ có người không có tình dân tộc, không có lòng yêu quê hướng đất nước của mình thì mới chấp nhận điều đó. Vì sao? Vì tất cả chúng ta đều là người Việt Nam. Chúng ta hãy tìm hết mọi cách để giữ cho người đã khuất một nơi an nghỉ cuối cùng.
RFA xin cảm ơn ông Phillip Nguyễn đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. (29/4/2024)