VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN ĐA NGUYÊN 4 - THỨ HAI 23 SEP 2024
Những câu chuyện “Con tin Chính trị” ở Việt Nam
Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã được đưa thẳng từ trại giam lên máy bay trở về thành phố Hồ Chí Minh, nơi gia đình ông sinh sống.
100 trí thức hải ngoại đòi trả tự do cho nhà văn Huy Đức mà đến bây giờ dư luận không biết chính xác vì lý do gì mà anh Huy Đức bị bắt!
Việt Nam: Hai nhà hoạt động được trả tự do trước chuyến đi Mỹ của chủ tịch nước Tô Lâm
RFI 22/09/2024
Ít giờ trước chuyến đi Mỹ dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc của chủ tịch nước, tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, ngày 21/09/2024, chính quyền Việt Nam đã trả tự do trước thời hạn cho hai nhà hoạt động, bà Hoàng Thị Minh Hồng và ông Trần Huỳnh Duy Thức. Cũng ngày hôm qua, khoảng 100 trí thức, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam gửi thư ngỏ ‘‘phản đối việc bắt giam nhà báo Huy Đức’’.
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Ảnh chụp tại thành phố Hồ Chí Minh trong một cuộc biểu tình năm 2017. AFP - HANDOUT
Theo AFP, nhà tranh đấu môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, 52 tuổi, người sáng lập tổ chức phi chính phủ ChangeVN (Centre of Hands-on Actions and Networking for Growth and Environment), đã bất ngờ được trả tự do hôm thứ Sáu, 20/06. Bà Hồng được tạp chí Forbes năm 2019 ghi nhận là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Tổ chức Change được lập ra ‘‘nhằm mục đích khuyến khích người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ nỗ lực hành động vì các vấn đề khẩn cấp về môi trường, đặc biệt về biến đổi khí hậu, nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, và ô nhiễm’’. Bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt tháng 06/2023 và bị kết án 3 năm tù với tội danh ‘‘trốn thuế’’. Trả lời AFP, người chồng Hoàng Vinh Nam cho biết vợ ông sức khỏe tốt.
Người thứ hai được trả tự do cùng ngày là ông Trần Huỳnh Duy Thức, cựu tổng giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI, 58 tuổi, một nhà tranh đấu nổi tiếng tại Việt Nam. Ông Thức bị bắt năm 2010, bị kết án 16 năm tù với cáo buộc ‘‘âm mưu lật đổ chính quyền’’. Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã được đưa thẳng từ trại giam lên máy bay trở về thành phố Hồ Chí Minh, nơi gia đình ông sinh sống. Trả lời AFP, luật sư Lê Công Định cho biết: ông Thức gầy đi, tóc bạc trắng nhưng tinh thần vững chãi.
Về quyết định trả tự do trước thời hạn cho hai nhà hoạt động nói trên, trả lời RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A nhận định:
‘‘…Chúng tôi rất hoan nghênh chuyện thả tù nhân chính trị, hoặc để một nhà hoạt động nào đấy đi ra nước ngoài. Tôi nghĩ là về mặt con người là rất tốt, nhưng giả sử như việc này không dưới sức ép của sự mặc cả thì còn tốt hơn rất nhiều.
Chúng ta có thể quan sát được từ rất lâu rồi những chuyện mặc cả như vậy. Trước một cuộc viếng thăm nào đó của lãnh đạo cao cấp Việt Nam, thường trong việc chuẩn bị họ có thảo luận với nhau, mặc cả với nhau chuyện này chuyện kia. Chuyện trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy Thức và chị Hồng vào đúng lúc ông Tô Lâm ông ấy bắt đầu đi sang Mỹ, tôi nghĩ là kết quả của một sự mặc cả. Với giới các nhà hoạt động chúng tôi thường quen quan sát những cách xử sự như vậy…. Cũ, rất cũ rồi!
Lẽ ra người ta có thể thả tù nhân chính trị vào dịp khác. Thí dụ như mùng 2 tháng 9 chẳng hạn, thì tôi nghĩ là có ý nghĩa hơn nhiều. Nó sẽ cho thấy là có thể có sự thay đổi gì đấy. Lúc đấy nó mới thể hiện là tự mình mình quyết định như thế.’’ Ông Nguyễn Quang A (Hà Nội)
Nhà hoạt động Nguyễn Quang A cũng là một trong số gần 100 học giả quốc tế và Việt Nam ký tên vào thư ngỏ kêu gọi trả tự do cho nhà báo Trương Huy San (biệt danh Huy Đức, hay Osin). Về lá thư gửi đến chính quyền Việt Nam và Liên Hiệp Quốc này, ông Nguyễn Quang A cho biết:
‘‘… đến bây giờ dư luận không biết chính xác vì lý do gì mà anh Huy Đức bị bắt và chỉ có thể suy đoán là do các bài viết của anh ấy trên Facebook. Mà nếu như thế thì chuyện bắt này vi phạm Hiến pháp của chính Việt Nam, bởi vì Hiến pháp của Việt Nam cho phép phản biện xây dựng. Vấn đề tự do ngôn luận là quyền rất quan trọng được Hiến pháp Việt Nam long trọng ghi nhận. Rồi các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Trong bức thư ngỏ nói đến Tuyên ngôn Nhân quyền, nhưng tôi thì tôi nghĩ còn mạnh hơn Tuyên ngôn Nhân quyền là việc Việt Nam đã tham gia từ 42 năm nay vào Công ước về Quyền Chính trị và Dân sự, tức là vào một luật quốc tế mà Việt Nam có nghĩa vụ thi hành. Thực sự anh Huy Đức làm một việc hoàn toàn hợp hiến, và hợp với luật quốc tế, và việc bắt anh Huy Đức là vi phạm cả hai thứ. Như thế thì không thể chấp nhận được…’’.