Hà Văn Thùy: ‘Tiền sử Trung Quốc - Một lịch sử cướp đoạt và dối trá’

16 Tháng Mười Hai 20242:37 CH(Xem: 528)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN ĐA NGUYÊN 4 - THỨ HAI 16 DEC 2024


Hà Văn Thùy: ‘Tiền sử Trung Quốc - Một lịch sử cướp đoạt và dối trá’

image004

Hà Văn Thùy


I. Tiền sử Trung Quốc theo quan niệm truyền thống


Mở đầu phần Lịch sử Trung Quốc, trang Wikipedia viết: “Cái nôi của nền văn minh dân tộc của quốc gia Trung Hoa đầu tiên được cho là tại trung và hạ lưu của sông Hoàng Hà trước tiên mà dần mở rộng và phát triển và duy trì như ngày nay.”


“Người tiền sử đã bắt đầu cư trú tại Trung Quốc từ ít nhất là gần 1 triệu năm trước, với một số ước tính cho rằng mốc này có thể lên tới 2,24 triệu năm trước. Các nền văn minh nông nghiệp đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc từ khoảng 10.000 - 13.000 năm trước, đến khoảng hơn 5.000 năm trước thì các nền văn minh nông nghiệp này phát triển hoàn thiện, đã bắt đầu xuất hiện đồ đồng và các cơ cấu Nhà nước đầu tiên như quý tộc, đô thị với các cung điện, công trình tôn giáo... Dân tộc Trung Hoa hình thành từ vùng Trung Nguyên của lưu vực sông Hoàng Hà ở Đồng bằng Hoa BắcVăn hóa Hồng Sơn góp phần định hình văn minh cùng đất nước Trung Hoa.”


Thông tin trên được đăng trên trang truyền thông uy tín BBC News, 8 tháng 11 năm 2017 (1) nhưng đó không phải điều mới mẻ mà đã xuất hiện gần trăm năm trước, giúp Vương Đồng Linh (王桐龄1878—1953)viết cuốn Trung Quốc dân tộc sử (中国民族史) rồi Chu Cốc Thành viết Trung Quốc thông sử, những tác phẩm kinh điển của lịch sử Trung Quốc.


“ Con người xuất hiện vào lối 500.000 năm trước rồi lần lượt bị tiêu diệt qua bốn lần băng tuyết… Sang đến Tân  thạch, khí hậu trở nên ấm áp, con người rời bỏ những hang động trong dãy Thiên Sơn để thiên di xuống các bình nguyên. Một nhóm người sang phía Tây làm thủy tổ giống da trắng. Trong những người đi về phía Đông làm thủy tổ giống da vàng, có hai chi Bắc Tam hệ và Nam Tam hệ…” (2)


Những tư tưởng như vậy góp phần làm nên lịch sử Trung Quốc hiện đại. Cho đến năm 2006 trong bài báo “Sự trỗi dậy của nền văn minh nông nghiệp ở Trung Quốc: Sự khác biệt giữa khám phá khảo cổ học với hồ sơ tài liệu và lời giải thích của nó,” (3) học giả Zhou Jixu khẳng định:


      “ Không giống như người Yangshao và Hemudu, đến từ miền nam Trung Quốc, dân tộc Huang Di đến từ phía tây Trung Quốc, từ phần phía tây của lục địa Á-Âu. Họ đã chinh phục những người bản địa ở sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, những người sở hữu một nền văn hóa nông nghiệp phát triển. Bằng cách kết hợp các yếu tố văn hóa du nhập của họ với các yếu tố văn hóa bản địa, người Hoàng Di dần dần phát triển một nền văn minh mới huy hoàng trong các triều đại Hạ, Thương và Chu. Họ đã thay thế những người bản xứ ban đầu để giữ vai trò chủ đạo trên sân khấu lịch sử Trung Quốc. Rằng dân tộc Hoàng Di là một nhánh của người Ấn-Âu cổ xưa là một trong những sự thật đáng chú ý nhất cho đến nay mà lịch sử nhân loại biết đến. Nhưng một số lượng lớn các từ Ấn-Âu trong ngôn ngữ Trung Hoa cổ đã chứng thực rõ ràng điều này. Những di tích do người Hoàng Di để lại có liên quan đến Văn hóa Long Sơn trong biên niên sử khảo cổ học, và nền văn minh của các triều đại Hạ, Thương, Chu và Tần là những người kế thừa nó.”


II.Tiền sử Trung Quốc theo khám phá của thế kỷ XXI


1.Phát hiện mới về dân cư Đông Á


Tiếp xúc với tài liệu của Zhou Jixu khiến tôi giật mình. Những phát biểu trước ông, thuộc về tri thức cổ lai của thế kỷ XX thì còn hiểu được. Nhưng sang thế kỷ XXI mà vẫn nhiệt thành tin vào những điều như thế lại là chuyện không bình thường! Lý lẽ thật đơn giản: nếu người của Hoàng Đế là một nhánh Ấn-Âu cổ xưa thì ngày nay, người Hán, hậu duệ của Hoàng Đế phải mang mã di truyền European của dân Tây Âu. Nhưng trên thực tế, người Hán chiếm 93% dân cư Trung Quốc mang mã di truyền South Mongoloid đặc trưng của dân châu Á! Chính tại đây lộ ra bi kịch của nhà khoa học xã hội nhân văn khi nói theo người khác mà chẳng hiểu mình nói gì!


Không chỉ vậy, sang thập niên thứ Ba của thế kỷ XXI, di truyền học đã đảo lộn nhiều chuẩn mực vững chắc làm nên danh tiếng của biết bao nhà khoa bảng. Xin kể câu chuyện vui. Năm 2003, đội công nhân trồng cây phát hiện ở Hang Điền Nguyên Chu Khẩu Điếm phía Bắc thành Bắc


Kinh những mảnh xương chân của người cổ. Suốt mười năm với nhiều nhóm nghiên cứu nâng lên đặt xuống mà thậm chí không xác định được chủ nhân của chúng là đàn ông hay đàn bà. Phải khi ông phù thủy Svante Paabo xuất hiện, nảy ra cách thu thập DNA hóa thạch của vi khuẩn từng ăn thịt ống chân này mới may mắn có đủ lượng DNA tối thiểu dùng cho xét nghiệm. Và khi tấm khăn của nhà ảo thuật được mở ra thì điều kỳ diệu hé lộ: “Chủ nhân những mảnh xương là người đàn ông 40 tuổi, từ Hòa Bình Việt Nam tới 40.000 năm trước. Ông là tổ tiên người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và là thủy tổ người bản địa châu Mỹ.”(4) Một bí mật kỳ diệu của lịch sử được sáng tỏ góp phần giúp nhà phát minh ẵm giải Nobel khoa học năm 2022. Tuy vậy điều này cũng không mới mà chỉ củng cố niềm tin cho khám phá của Stephen Oppenheimer trong bài báo năm 2003: “70.000 năm trước, người châu Phi di cư tới Hòa Bình Việt Nam và 40.000 năm trước, người từ Hòa Bình đi lên làm nên dân cư Hoa lục.”(5)


Người đàn ông Hang Điền Nguyên đặt bước chân đầu tiên của tổ tiên Việt trên đất Đông Á. Từ Điền Nguyên, người di cư đi lên Hoa Bắc rồi đi sang Hàn Quốc, Nhật Bản làm nên những di chỉ văn hóa đầu tiên của vùng đất vắng lạnh này. Khảo cổ học phát hiện 27.000 năm trước, đại diện của ba chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian và Mongoloid có mặt tại di chỉ nổi tiếng Chu Khẩu Điếm. Nhưng lúc đó trời còn quá lạnh nên người thưa thớt, chỉ phát hiện vài ba di chỉ đá cũ với công cụ microblades. Sau khi Kỷ Băng hà cuối cùng kết thúc khoảng 10.000 BP, trời ấm lên, từ Nam Dương Tử, người Việt cổ đi lên lưu vực Hoàng Hà mang theo thành tựu phía Nam là cây lúa, cây kê, gà, chó, lợn… xây dựng những nền văn hóa nổi tiếng Giả Hồ, Hà Mẫu Độ, Ngưỡng Thiều…


Khám phá kỳ diệu của Svante Paabô đã đóng chiếc đinh cuối cùng cho cỗ quan tài huyền thoại “Người phương Tây xâm nhập thung lũng sông Hoàng Hà làm nên tộc Hoa Hạ thượng đẳng, tổ tiên người Trung Quốc.”


2. Sự hình thành văn hóa đồng bằng miền Trung Hoàng Hà


Tài liệu truyền thống cho rằng, người phương Tây du nhập thung lũng sông Hoàng Hà xây dựng nên văn hóa đồng bằng miền Trung. Đồng bằng miền Trung sông Hoàng Hà là nơi phát tích của dân tộc và văn hóa Trung Quốc. Nhưng thực tế khảo cổ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đưa ra tiếng nói khác. Năm 2016, sau 80 năm (1936-2016) nghiên cứu văn hóa Lương Chử (7) vùng cửa sông Chiết Giang, các nhà khảo cổ học Trung Quốc, dù trái với niềm tin truyền thống của mình, đã thẳng thắn tuyên  bố: “Văn hóa Lương Chử là cội nguồn của văn minh Trung Quốc.” Tương tự vậy, sau khi khai quật văn hóa Tam Tinh Đôi vùng Ba Thục (8), giới khảo cổ Trung Quốc đưa ra kết luận: “Văn hóa Tam Tinh Đôi là cội nguồn khác của văn minh Trung Hoa.” Hai kết luận này nói lên điều gì? Đó là, suốt trong lịch sử của mình, người Việt cổ mà chủng Lạc Việt Indonesian là chủ đạo, đã xây dựng hàng loạt di chỉ văn hóa khảo cổ tại lưu vực Dương Tử. Sau khi Kỷ Băng hà chấm dứt, nhờ khí hậu thuận lợi, người Việt cổ đầy sức mạnh kinh tế và kinh nghiệm đã tập trung nhân tài vật lực đi lên xây dựng văn hóa trên lưu vực Hoàng Hà. Chính họ đã làm nên dân cư lưu vực Hoàng Hà cùng những di chỉ nổi tiếng như Giả Hồ, Hà Mẫu Độ, Bùi Lý Cương, Ngưỡng Thiều… Cái gọi là “người Tây Âu từ phía Tây đi vào dựng lên văn hóa thung lũng sông Hoàng Hà” hoàn toàn là sự tưởng tượng. Càng bịa đặt hơn khi cho rằng “Đồng bằng miền trung Hoàng Hà là cội nguồn của văn minh Trung Quốc. Từ đây văn minh trung Quốc tỏa ra khai sáng Hoa lục!” Ở phần sau chúng tôi sẽ nói rõ nguyên nhân của sự dối trá vĩ đại này!


3. Khám phá mới về người Mông Cổ


Để hiểu dân cư Đông Á không thể không làm rõ nguồn gốc và vai trò của người Mông Cổ. Cộng đồng người sống du mục trên đồng cỏ Bắc Á luôn là điều bí hiểm với phần còn lại của thế giới. Cho đến nay vẫn có những giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của họ. Phần nhiều học giả cho rằng họ từ châu Phi tới theo con đường phương Bắc. Nhưng do theo sát từng bước chân của họ chúng tôi khám phá ra hành trình gian nan nhưng can trường của cộng đồng này. Người Mongoloid thuộc haplogroup N cùng haplogroup M ra khỏi châu Phi 83.000 năm trước, tới nghỉ chân trên Bán đảo A Rập. Không hiểu sao, khi chia tay nhau để đi về phương Đông thì toàn bộ dân M lên đường, còn người N chỉ ra đi một phần nhỏ, đại bộ phận nghỉ lại. 70.000 năm trước đoàn di cư đi tới Hòa Bình. Tại Hòa Bình hai dòng người hòa huyết cho ra bốn chủng người Việt cổ Indonesian, Melanesian, Mongoloid và Negritos. Nhưng do số lượng người haplogroup M quá đông, (tỷ lệ 5/1), đã tranh chấp nguồn gen Mongoloid khiến cho sau mỗi thế hệ, số lượng người Mongoloid giảm đi, có nguy cơ biến mất. Để tránh nguy cơ tuyệt chủng, khoảng 300 người Mongoloid rời khỏi Hòa Bình, đi lên vùng lạnh giá Tây Bắc sống biệt lập. Vì vậy suốt thời đồ đá, tại Việt Nam không có người Mongoloid. 40.000 năm trước, phía Bắc ấm lên. Trong khi người Việt cổ chiếm lĩnh Hoa lục thì người Mongoloid theo hành lang Ba Thục đi lên Nội Mông, sống săn hái. Khoảng 10.000 năm trước, khi Kỷ Băng hà kết thúc, họ thuần hóa mục súc và chuyển sang sống du mục ở bờ Bắc Hoàng Hà.


7000 năm trước, người Việt cổ mang lúa, kê, gà, chó, lợn… lên xây dựng văn hóa nông nghiệp tại cao nguyên Hoàng thổ. Tại đây họ gặp người Mông Cổ du mục và trồng kê trên bờ Bắc. Giao phối dị chủng xảy ra và chủng mới Mông Cổ phương Nam (South Mongoloid) ra đời. Khảo cổ học tìm được tại nghĩa trang làng Bán Pha tỉnh Thiểm Tây những di cốt đầu tiên của chủng người mới, sau này được nhân học gọi là người Việt hiện đại. Người Việt hiện đại tăng nhanh số lượng và khoảng 5000 năm trước trở thành chủ thể của lưu vực Hoàng Hà.


Tại đây người Việt xây dựng nền nông nghiệp phát triển với hai trung tâm là Trong Nguồn và Thái Sơn. Mỗi người Việt Nam chúng ta ai cũng nhớ câu ca Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa Mẹ như nước trong Nguồn chảy ra. Chính nhờ câu ca này, chúng ta mới biết xa xưa tổ tiên người Việt Nam đã là chủ nhân hai vùng đất thiêng này rồi vì loạn lạc phải chạy về Nam. Khoảng 6500 năm trước, tại đất Hà Nam của đồng bằng Trong Nguồn, tổ thứ hai của người Việt, Phục Hy và Nữ Oa xuất hiện, hoàn thành công việc sáng tạo kinh Dịch. Sau đó tổ Thần Nông ra đời, dạy dân nghề trồng ngũ cốc. Khoảng 3300 TCN, từ An Huy Cụ đi xuống vùng Thái Hồ cửa sông Chiết Giang xây dựng kinh đô Lương Chử của nhà nước Thần Nông. Nhà nước đầu tiên ở phương Đông, bao gồm cả lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Năm 2879 TCN cháu của Thần Nông là Đế Nghi, chia nước làm hai, cho con trưởng Đế Lai trị vì lưu vực Hoàng Hà, gọi là Thần Nông Bắc. Con thứ Lạc Long Quân trị vì nước Thần Nông phía Nam, còn gọi là Xích Quỷ.


Thời gian này người Mông Cổ ở Bắc Hoàng Hà cũng đông và mạnh lên, thường xuyên cướp phá phía Nam. Đế Lai nhiều lần phải đánh đuổi giặc cướp. Năm 2698 TCN, quân Mông Cổ do bộ tộc Hiên Viên dẫn đầu đánh vào Trác Lộc bờ Nam và chiếm thung lũng sông Hoàng Hà. Sau chiến thắng, thủ lĩnh bộ tộc Hiên Viên lên ngôi vua, gọi là Hoàng Đế với nghĩa là vua của Cao nguyên Hoàng thổ. Tuy thất bại nhưng người Việt đông đảo chống cự ác liệt gây cho giặc nhiều thiệt hại. Một mưu thần là Cao Dao khuyên Hoàng Đế dùng chính sách khoan dung với dân Việt ở vùng bị chiếm. Nhờ vậy dân Việt quy phục. Từ đó Hoàng Đế một mặt phủ dụ yên dân vùng chiếm đóng, một mặt ra sức đánh dẹp để mở rộng lãnh thổ.


Ở trên, Zhou Jixu viết: “Lịch sử được ghi lại trong các tài liệu truyền thống chỉ kể lại rằng người của Huang Di đã đi vào thung lũng sông Hoàng Hà và phát triển một nền văn minh ở đó. Các dân tộc khác đã sống ở đó trước đó và những người đã tạo ra nền văn minh tiền sử kỳ diệu của hai con sông đã bị che đậy sâu sắc sau bức màn lịch sử.” Tác giả đã viết đúng sự thật: người của Hoàng Đế vào Trung Nguyên chỉ là nhóm nhỏ. Nhưng bằng chính sách đồng hóa thần kỳ đã biến tất cả người Việt sống trong nhà nước thành người Trung Quốc, thậm chí thành dân Hoa Hạ. Chính vì vậy, dân bản địa, chủ nhân của văn minh tiền sử “bị che đậy sâu sắc sau bức màn lịch sử.”


Nhà nước Trung Quốc ra đời như vậy.


4. Chiến lược chiếm đóng và đồng hóa lưu vực Hoàng Hà


Là chủng người Việt cổ thiểu số phải vượt qua khó khăn để sinh tồn trên vùng đồng cỏ giá lạnh đang trên đường sa mạc hóa, người Mông Cổ vô cùng thèm khát vùng đất phía Nam Hoàng Hà. Vì vậy, sau khi chiếm được Trung Nguyên, họ quyết tâm biến vùng đất này thành phúc địa cho muôn đời sau. Hoàng Đế cùng con cháu ông thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: một là đồng hóa, biến vùng đất chiếm được trở thành đất tổ, nơi phát tích của Trung Quốc. Mặt khác ra sức chiếm đất chiếm dân, mở rộng lãnh thổ càng nhiều càng tốt.


Do sống chung đụng, xảy ra hôn phối giữa dân Mông Cổ và Việt. Lớp con lai Mông-Việt ra đời, tự nhận là Hoa Hạ. Ta biết, người Lê bản địa da đen, còn người Mông da nhạt hơn. Đám con lai cũng có màu da nhạt. Với thời gian, số lượng con lai ngày một nhiều, trở thành lớp dân cư mới, được chính quyền coi là tộc người Hoa Hạ thượng đẳng. Lớp con lai được ưu tiên về quyền lợi và địa vị, trở thành tầng lớp ưu tú lãnh đạo xã hội. Xét phả hệ của Hoàng Đế, ta thấy: Chuyên Húc là con, Thiếu Hạo cháu ông, còn là người Mông Cổ. Nhưng chắt ông Để Khốc đã thành người Việt với nước da đen của con chim Cốc (biến âm thành Khốc) và tước Đế đặt trước tên riêng. Con của Khốc là Nghiêu lại càng Việt hơn. Từ đó suy ra toàn xã hội, chỉ khoảng 50 năm sau cuộc xâm lăng, trên vương quốc Hoàng Đế toàn là người Việt. Trước sự thật bất khả kháng này, các vị trưởng lão gốc Mông Cổ lãnh đạo tộc Hoa Hạ nảy sinh chủ trương đồng hóa triệt để dân cư trong nước. Dường như bốn mục tiêu được đặt ra:


a, Đưa Hoàng Đế thành tổ của người Trung Quốc và tôn vinh ông lên vị trí cao nhất. Nhưng rất khôn ngoan, để lấy lòng người gốc Việt bản địa, các trưởng lão Hoa Hạ “vận phép thần thông” biến Hoàng Đế thành dân Trung Nguyên, mang họ Cơ, là anh em với Viêm Đế họ Khương. “Ảo thuật” hơn, họ đưa Thần Nông chết 500 năm trước về ngồi chung chiếu với Hoàng Đế, làm nên ông tổ kép dị hợm của dân Hoa Hạ: Viêm-Hoàng. Với thời gian, đến thời Chu thì ra đời huyền thoại: “Viêm Đế và Hoàng Đế là tổ của người Trung Quốc. Người Trung Quốc là Viêm Hoàng tử tôn.”


b, Đưa lớp dân lai Hoa Hạ trở thành dân tộc thượng đẳng, nòng cốt làm nên dân tộc Trung Quốc cùng với truyền thuyết: “Người từ phía Tây Hoa lục xâm nhập thung lũng sông Hoàng Hà làm nên tộc Hoa Hạ thượng đẳng, cội nguồn của dân tộc Trung Quốc.”


c, Trong đất Trung Quốc triệt để hạ thấp vị trí của người Lê (Việt), gọi là man, di với nghĩa khinh bỉ thấp kém. Từ đó nâng cao vai trò người Hoa Hạ, khiến cho người Việt trong nước không dám nhận là Lê, Việt nữa mà dần quên gốc để tự hào làm người Hoa Hạ.


d, Do gần gũi và học được văn hóa Việt nên họ hiểu rằng, muốn xây dựng đất nước lâu bền phải xây dựng văn hóa. Vì vậy họ đặt ra mục tiêu phục hưng văn hóa của tộc Việt.


Nay ta nhận ra, nền văn hóa Đông Á như một đại thụ mà Việt Nam là gốc, còn cành nhánh sum suê và hoa thơm trái ngọt nảy nở trên lưu vực Dương Tử, Hoàng Hà. Để xây dựng văn hóa tộc Việt, dân Việt Nam và lưu vực Dương Tử từ 40.000  trước đem hết tâm lực lên mở mang lưu vực Hoàng Hà. Những gì tinh túy nhất của văn hóa Việt được đưa lên đây, như cây dồn sức sống của mình lên ngọn làm nên hoa trái. Do vậy, lưu vực Hoàng Hà trở thành tinh hoa của văn hóa tộc Việt. Hy vọng sẽ là ngôi đền thiêng của văn hóa Việt. Nhưng rồi sự biến xảy ra vào năm 2698 BP, khi Hoàng Đế chiếm thung lũng sông Hoàng Hà đã làm đảo lộn tất cả. Tộc Việt bị mất đất mất dân, con người ly tán, bị biến thành dị tộc hạ đẳng. Đấy là đại họa. Nhưng như “cái lý” của người Việt: trong họa có phúc. Phúc đó là do người du mục đem tư duy phân tích xuống kết hợp với tư duy tổng hợp tạo nên trong lớp dân lai Mông Việt một phương thức tư duy mới hòa hợp giữa sự năng động quyết liệt của phương Bắc với tư duy hài hòa nhu thuận phương Nam. Từ đó qua năm đời Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thương, Chu tạo nên thời đại Hoàng kim rực rỡ trong lịch sử phương Đông.


Nhưng sự việc cũng chưa xong. Sang thời Đông Chu, các chư hầu gây đại loạn, đẩy Trung Quốc vào thời kỳ Chiến Quốc tàn bạo. Đó thực chất là mặt tiêu cực của văn minh du mục.


5. Kết luận


Trước khi chúng tôi viết những dòng này, cả thế giới không ngờ rằng, một quốc gia xuất hiện rất sớm, luôn tự hào có tới 24 bộ quốc sử nhưng đó lại là thứ sử được ngụy tạo ngay từ gốc:


  1. Người từ phía Tây vào Thung lũng sông Hoàng Hà sinh ra tộc Hoa Hạ thượng đẳng, tổ tiên của người Trung Quốc.
  2. Người Trung Quốc là Viêm Hoàng tử tôn.
  3. Các tộc người phương Đông, ngoài dân Trung Quốc đều là Man, Di, Dịch, Rợ
  4. Đồng bằng miền Trung Hoàng Hà là cội nguồn của văn hóa Trung Quốc.

Lịch sử ngụy tạo, đảo ngược trắng đen, biến giặc thành tổ tiên, đồng tộc thành dị chủng… như vậy tồn tại suốt gần 5000 năm. Nhưng đến nay, sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, nhờ phát kiến của khoa học chỉ ra nguồn gốc loài người cũng như các chủng người nên khám phá sự thật sau:


  1. 40.000 năm trước, người từ Hòa Bình Việt Nam đi tới Điền Nguyên Động Chu Khẩu Điếm, sinh ra tổ tiên người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cũng như dân Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, người Trung Quốc là con cháu của Tổ Toại Nhân, Phục Hy-Nữ Oa và Thần Nông. Hoàng Đế xuất hiện năm 2698 TCN nên không thể sinh ra dân tộc Trung Hoa. Thêm nữa, người Trung Hoa mã di truyền South Mongoloid trong khi Hoàng Đế mang mã di truyền North Mongoloid nên Hoàng Đế không thể là tổ của người Trung Hoa.
  2. Từ 40.000 năm trước, người Hòa Bình Việt Nam đi lên bắt đầu xây dựng văn hóa của người Việt trên Hoa lục. Đồng bằng miền Trung Hoàng Hà không phải là nơi phát tích văn hóa Trung Quốc mà là nơi người Việt phương Nam dồn tâm lực và trí tuệ xây ngôi đền thiêng của văn hóa Việt.
  3. Người Việt sớm khai phá Việt Nam và Nam Dương Tử rồi đưa lên xây dựng văn hóa tại lưu vực Hoàng Hà. Nhưng công việc chưa hoàn thành thị bị người Trung Quốc chiếm đoạt. Chiếm đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, người Mông Cổ và sau đó hậu duệ của họ coi là sáng tạo của mình. Do hình thành như vậy nên văn hóa Trung Quốc tuy rất vĩ đại nhưng chắp vá, là nền văn hóa tiên thiên bất túc không thể đại diện cho văn hóa của tộc Việt.

Từ thực tế đó, có thể kết luận rằng, chiếm đồng bằng miền Trung Hoàng Hà, lập nhà nước Trung Quốc, người Hoa Hạ, hậu duệ người Mông Cổ ngụy tạo cho Trung Quốc một lịch sử chiếm đoạt và dối trá. Nay sự thật đã rõ. Người Trung Quốc có vì tôn trọng sự thật mà viết lại lịch sử hay vẫn tôn thờ lịch sử dối trá phản tộc hiện có?!


Sài Gòn, 9.7.2024


Tài liệu tham khảo


1.“China profile - Timeline”. BBC News. 8 tháng 11 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2018. https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Trung_Qu%E1%BB%91c


2 dẫn theo Kim Định- Việt lý tố nguyên P.52)


3 The Rise of Agricultural Civilization in China: The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation.


SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006 (3)


4. Qiaomei Fu et al. DNA analysis of an early modern human from Tianyuan Cave, China. PNAS, published online before print January 22, 2013; doi: 10.1073/pnas.1221359110


5. Stephen Oppenheimer. Out of Eden - The Peopling of the World - Bradshaw Foundation https://www.bradshawfoundation.com/books/out_of_eden.php


7 văn hóa Lương Chử  https://whc.unesco.org/en/list/1592/


8. Wu Haiyun and Ye Ruolin. The Mysterious Ancient City That’s Rewriting Chinese History http://www.sixthtone.com/news/1007903/The%20Mysterious%20Ancient%20City%20That%E2%80%99s%20Rewriting%20Chinese%20History/       
12 Tháng Mười Một 2024(Xem: 1298)
VIỆT NAM 50 NĂM ‘GIÔNG TỐ’