Luận về di chúc của “Vua” Hồ Chí Minh

26 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 19815)
“VĂN HÓA MAGAZINE” THỨ NĂM 28 2014

Luận về di chúc của “Vua” Hồ Chí Minh

dien-dan-august-27-2014-1
Biểu tình chống Trung Quốc diễn ra tại nhiều nơi trong nước. Ảnh REUTERS

dien-dan-august-27-2014-2
Biểu tình chống Trung Quốc diễn ra nhiều lần trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles. Ảnh VH

+++++++++++++++++++++

Nghĩ về Di chúc của Cụ Hồ

Ty Du

Viết từ Hà Nội

BBC - thứ hai, 25 tháng 8, 2014

dien-dan-august-27-2014-3
Việt Nam đang kỷ niệm 45 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tôi đọc bài “Nhìn lại 45 năm để soi chính mình”. Đây là bài tường thuật của Mai Hương trên báo Tuổi Trẻ (TP. HCM) về hai ý kiến của hai Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong Hội nghị toàn quốc hướng dẫn kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đúng ra nên nói là cố chủ tịch).

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực, đã nêu mấy vấn đề sau:

- Trong di chúc Bác dặn, Đảng phải có kế hoạch thật tốt, để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Thế mà đời sống có khá lên, mà nhân dân lại giảm lòng tin. Điều này chắc là không phải là tại nhân dân.

- Phân hóa giàu nghèo… làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Người dân hỏi: Mấy ông cán bộ đó làm sao mà giàu nhanh như vậy?

- Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, hiện có khoảng 9 vạn người Hàn sống ở Việt Nam và hầu hết họ đang làm ông chủ, làm quản lý. Còn cũng có 9 vạn người Việt Nam sống ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ô sin. Ông ngậm ngùi: “Nghe mà xót lòng”.

- Trong di chúc Bác nói phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Thế mà bây giờ “lòng tin của thanh niên (vào Đảng) có giảm sút. Phải nghiêm túc nhìn xem cán bộ, đảng viên đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào đảng.

- Bác dặn phải đoàn kết, phải thương yêu đồng chí. Về chữ đồng chí thì nay chỉ dùng khi tức giận lên thì gọi nhau bằng đồng chí. Cần xem xem lai từ trung ương đến địa phương có mất đoàn kết không có tranh giành đấu đá nhau, hay quy chụp lẫn nhau khi người khác trái ý mình không.

Ông Bùi Thế Đức chỉ căn dặn các tổ chức Đảng, chính quyên đoàn thể trung ương và địa phương phải ôn lại di chúc, phải kiểm điểm việc học tập làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh.

"Cụ coi Đảng và Dân như con cháu trong nhà nên trước khi chết dặn dò lại, trăn trối lại những cắt đặt công việc, những ý tình muốn gởi gắm lại."

Tôi chỉ gặp anh Hoàng một lần ở nhà một người quen biết. Lúc đầu tôi không biết anh là ai, sau khi anh ra về, người quen bảo, ủy viên trung ương, phó ban thừơng trực ban Tuyên giáo đấy. Tôi biết anh ấy đến thăm dò ý kiến của “người quen”. Nhiều người khen anh ấy kín đáo, chín chắn, dễ gần, chịu lắng nghe… Mấy anh em ở Liên Hiệp Hội thì bảo: ”Hoàng phó ban Tuyên Giáo, ủy viên Trung Ương, về tham gia Phó chủ tịch Liên Hiệp Hội đấy." Chỉ biết thế, không hơn.

Những ý kiến của anh Hoàng như trên, tôi nghe quá nhiều, còn nặng nề hơn nữa. Nhưng với anh Hoàng, tôi đánh giá là cóc đã mở miệng. Thật ra trong dân gian người ta bảo cóc phải nghiến răng kia thì trời mới mưa được. Dẫu sao khi cóc mở miệng thì cũng là báo hiệu gì đó, thời tiết đang thay đổi, trời đang ấp ủ chuyển động… Bởi vì ban Tuyên Giáo đã nêu một số ví dụ để kiểm điểm 45 năm thực hiện di chúc của Hồ Chí Minh.

Nhân đây, tôi xin nêu vài ý kiến về bản Di chúc và việc thực hiện nó.

Di chúc là một bản văn hoặc được chính người muốn để lại di chúc viết ra, hoặc nói lại cho những người tin cậy, thường có người làm chứng. (Linh mục Nguyễn Đình Thi trước khi mất đã để lại “Tờ lối”. Khi những người thân đem đi công chứng, người ta bảo không biết tờ lối nghĩa là gì. Một thầy sáu thư ký của linh mục gọi điện hỏi tôi. Sau khi nghe qua nội dung, tôi biết cụ linh mục đã dùng một từ rất cổ, lối tức là giối giăng, còn ở miền nam gọi là trăn trối, từ thuần Việt nói về di chúc. Công chứng đã hiểu ra).

dien-dan-august-27-2014-4
Việt Nam chưa phát triển được như mong muốn của Hồ Chủ tịch

Bản Di chúc của cụ Hồ không phải như một bản của người bình thường. Cụ muốn làm theo một phong cách văn hóa Á đông, để lại di chúc cho Toàn Đảng, Toàn Dân. Cụ coi Đảng và Dân như con cháu trong nhà nên trước khi chết dặn dò lại, trăn trối lại những cắt đặt công việc, những ý tình muốn gởi gắm lại. Tư tưởng và tình cảm của Cụ giống hệt một người cha trong gia đình, Đảng và Dân tộc là gia đình của cụ. Không biết có đúng không. Nhưng tuồng như cụ bắt chước các vua, chúa thời xưa, trước khi băng hà thì để lại di chiếu. Điều không giống người thường, là cụ không có của nả gì để lại mà phải dặn dò phân chia. Cung cách vua chúa thì đã lỗi thời. Đảng không còn coi cụ là cha để răm rắp tuân theo, nên ngay tắp lự họ đã không làm theo, kể cả ý nguyện hỏa táng. Nhưng cụ cũng muốn có một cái mộ to ở đó phải có ngôi nhà khách cho người dân đến viếng có chỗ ngồi nghỉ. Tâm tư này đã khác xa cái thời cụ mới bước lên “đài vinh quang”, chỉ muốn khi về hưu thì làm một ngôi nhà nhỏ để có thể bầu bạn với người làm ruộng, kiếm củi, trẻ chăn trâu cắt cỏ.

Để lại Di chúc theo phong cách Á đông này cụ đã làm khó cho “toàn đảng”, “toàn dân”. Để lại di chúc cho toàn đảng thì được, còn cho toàn dân thì quả là sai. Vì không ai thời dân chủ cộng hòa lại coi dân như con cái trong nhà. Vì thế đảng phải mang tiếng bất hiếu khi không làm theo di chúc, như không hỏa táng lại xây lăng rất tốn kém. Không chỉ tốn kém lúc ma chay, mà còn phải nuôi cả sư đoàn để canh giữ. Hơn nữa, còn làm trái phong tục tập quán của người Việt, chỉ mong mồ yên mả đẹp, không động đến di hài tiền nhân. Hãy làm theo di chúc của cụ. Đưa cụ đi chôn, hoặc hỏa táng, rắc tro trên đồi rồi trồng cây gây rừng. Giữ lại cái lăng làm kỷ niệm, tôn tạo khu nhà sàn để mọi người đến viếng thăm là được.

Vì sao sau di chúc 45 năm mà dân lại giảm niềm tin vào đảng (thật sự là mất chứ không phải giảm, nhà tuyên huấn muốn né tránh sự thật), thanh niên không muốn vào đảng. Đặc biệt là vấn đề mà anh Hoàng đề cập một cách tế nhị nhưng lại là nỗi đau lớn. Không chỉ là xót xa ngậm ngùi như Hoàng nói. Đó là vấn đề tụt hậu, suy đồi toàn diện của đất nước, của đảng cầm quyền, của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà ai cũng thấy, ngay cả số người vẫn tìm cách lấp liếm để lừa mình và lừa ngươi!

"Như vậy là vì Dân không biết đàng làm theo di chúc, hay vì Đảng đã trở nên suy đồi, lạc hậu cả về đường lối, cả về hệ thống tổ chức, cả về nhân cách của con người, hay vì cụ để lại di chúc chưa thật đến nơi đên chốn?"

Hoàng rất khôn khéo, muốn làm cho mọi người liên tưởng để so sánh Việt Nam với Hàn Quốc. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, họ cùng ta một trình độ. Ở bên ấy có một bất hạnh là không có đảng cộng sản lãnh đạo. Nhưng chỉ sau ba, bốn thập niên họ bứt phá lên trở thành một cường quốc kinh tế có văn hóa khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhân văn. Họ trở thành liền anh liền chị của chúng ta. Còn chúng ta sau 45 năm thực hiện di chúc, dân vẫn nghèo, nước vẫn yếu, thân phận nông dân, công nhân vẫn là kẻ làm thuê, làm mướn, Hoàng bảo là làm ô sin. Còn dân họ đều trở thành ông chủ, nhà quản lý.

Như vậy là vì Dân không biết đàng làm theo di chúc, hay vì Đảng đã trở nên suy đồi, lạc hậu cả về đường lối, cả về hệ thống tổ chức, cả về nhân cách của con người, hay vì cụ để lại di chúc chưa thật đến nơi đên chốn? Vì thế mà có cái gợi ý khá tế nhị của ban Tuyên Giáo Trung Ương. Chẳng hạn như cụ bảo Đảng phải có kế hoạch thật tốt. Nhưng cứ kế hoạch hóa thật tốt, cải tạo công thương thật tốt, hợp tác hóa nông nghiệp thật tốt, chuyên chính thật tốt, tiến nhanh tiến mạnh thật tốt lên chủ nghĩa xã hội, thì kết quả như hiện nay là đương nhiên. Ngay cả phong trào cộng sản quốc tế phải đoàn kết có lý có tình, nên mấy ông Linh, Mười, Anh, Đồng trước bước ngoặc lịch sử lại cứ nhắm mắt đi theo vết xe đã đổ, ôm chầm lấy bá quyền Đại Hán coi đó là quốc tế vô sản, nên đã trả giá đắt cho đến hôm nay!

Giá như hồi ấy cụ đừng bắt chước vua chúa để lại di chiếu, mà học cách làm của nhiều nhà chính trị, nhà văn hóa, nghiền ngẫm tổng kết cuộc đời của mình, cái gì được, cái gì chưa được, để lại một áng văn có lý luận, có thực tiễn, có cả dự báo tương lai. (Cái dự báo tương lai của cụ về quốc tế vô sản rõ ràng là rất sai). Có thể cụ không phải nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhưng như hồi 45, 46 quy tụ được những trí tuệ của đất nước cụ đã có nhiều tư duy có giá trị. Giá như cụ nói được thế nào là “hư hỏng cũ kỹ”. Hư hỏng về nhân cách về quyền uy, về tổ chức…, cũ kỹ về lý luận, về đường lối, về mô hình phát triển. Giá như đã có một nhóm trí tuệ mới xung quanh cụ, và chính cụ cũng vượt lên, siêu việt lên vượt qua tâm thức “xô viết”, mao ít, vượt qua cả cái bóng đè Lê Duẩn, vượt qua được cả âm mưu biến cụ thành cha già thần tượng.

Ôi! Chữ Nếu. Với mi ta có thể nhét cả châu thành Ba lê vào một chiếc lọ nhỏ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở Hà Nội./