
+++++++++++++++++++++++++++++
Hiệu Minh:
Vài câu chuyện về Cải cách ruộng đất
Muốn blog cháy hãy viết về chiến
tranh Nam Bắc, về cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “Trí, phú, cường, hào.. đào
tận gốc, trốc tận rễ”, “Nhân văn Giai phẩm”, những chuyện quá khứ đi vào lịch
sử đầy máu, nước mắt, và chia rẽ dân tộc. Nhưng né tránh, câu chuyện sẽ còn âm
ỷ khôn nguôi, dù thế giới đã sang thế kỷ 21. Lãnh đạo quốc gia có tầm, có tâm,
nên bạch hóa sai lầm quá khứ, lấy đó làm bài học cho hiện tại và hướng tới
tương lai. Đó là một trong những chìa khóa cho phát triển đất nước.
Dư chấn thời thơ ấu kéo dài 60 năm chưa dứt
Nếu nói rằng tôi nhớ cuộc đấu tố địa chủ làng khi 3-4 tuổi có lẽ bạn đọc không
tin, nhưng tôi từng tham dự và nhớ thật. Chẳng hiểu vì lý do gì mà mẹ tôi cho
mấy chị em đi xem đấu địa chủ trên bãi đất rộng toàn cỏ gà, hồi đó là bãi tha
ma, trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành ở xã Trường Yên (Hoa Lư,
Ninh Bình). Người xem đông nghịt, tôi nhớ cảnh người “địa chủ cường hào gian
ác” bị trói chặt hai tay ra phía sau (giật cánh khuỷu?), quỳ dưới một ô đất
1mx1m đào sâu khoảng vài gang tay. Các bà đứng trên và chỉ tay vào mặt “Mày
nhá, ngày xưa mày bóc lột tao, mày cướp đất nhà tao, mày hiếp tao…”. Người quì
dưới cúi gằm mặt xuống đất. Cứ thế lần lượt hàng chục người lên xỉa xói.
Nội ngoại nhà tôi đều suýt làm…địa chủ. Ông ngoại từng đi lính đánh thuê cho
Pháp, sang tận châu Phi mấy năm. Tiếc là ông đã mất, nếu không, tôi có một
nguồn tư liệu quí về một thời toàn cầu hóa của nông dân Ninh Bình. Ông có hai
vợ, nhà trên, nhà dưới, nhưng không hiểu sao tránh được địa chủ. Ông nội từng
làm Chánh tổng xã Trường Yên những cuối năm 1930, cũng thuộc hàng giầu có vì
ông biết làm ăn, chỉ cho con cái đường đi nước bước. Cha tôi và mấy chú bác đi
bộ sang Lào buôn bán từ tuổi thanh niên. Ông có hàng chục ngôi nhà ngói, nhưng
Pháp càn đầu những năm 1940 và đốt hết. Vật dụng duy nhất còn lại là cái tràng
kỷ bằng gỗ lim không cháy nổi. Hiện người con của bác họ vẫn dùng. Có lẽ vì thế
mà sau cách mạng, với mái nhà ngói bốn gian, và như một sự kỳ diệu, ông bà tôi
chỉ bị tố là thành phần trung nông, vì ruộng vườn, nhà cửa chưa đủ ngưỡng địa
chủ.
Hình như trước đó ông nội cho bớt nhà cửa cho người khác nên tránh được cuộc
cải cách, hoặc do làng tôi làm không dứt điểm “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”.
Tôi nhớ cái nhà sau chính là của ông bà tôi, nhưng người khác đã ở. Sau này lớn
lên, tôi cũng không hỏi nữa, vì mỗi lần nhắc đến nhà cửa ruộng vườn, ông nội
hay nổi đóa. Lần đó đi xem đấu địa chủ về, mẹ tôi lại cho các con về thăm ông.
Hình như ông tôi gọi mẹ tôi vào trong nhà, vụt cho mấy cái batoong đau lắm. Mẹ
tôi giận ông nội mấy năm trời, mãi mới thôi. Có lẽ ông căm thù chuyện đấu tố vì
ông bà suýt dính, và không muốn con trẻ dính vào giết chóc, hoặc muốn tuổi thơ
được sống trong yên lành. Thời đó ông nội có chữ nhất nhì trong Tổng Trường
Yên.
Lũ trẻ thuộc lòng và bắt chước đấu địa chủ vào giờ ra chơi ở trường, khi đi
chăn trâu, hoặc ở sân làng. Làm súng trường bằng tầu chuối và bắn bằng mồm
“bằng bằng”, bắt “tên địa chủ” là một cậu đồng niên nằm vật ra, nhắm mắt lại,
rồi khiêng đi chôn. Dù chưa bao giờ thấy bắn địa chủ như thế nào, chôn người
chết ra sao, nhưng ký ức tuổi thơ “đấu cường hào” không bao giờ quên, dù đã hơn
nửa thế kỷ trôi qua. Viết mấy dòng để nói rằng, những gia đình có người thân bị
quì dưới đất, bị trói, bị xỉ nhục, bị vu oan và giết oan, họ đã sống như thế
nào mới qua những ngày đen tối.
Những thế hệ tài năng bị ruồng bỏ
Người tố giác, người thi hành án tử “kẻ thù của giai cấp” hầu hết đã về với ông
bà tổ tiên. Nhưng hệ lụy để lại về lý lịch cho con cháu vô cùng khủng khiếp, đã
làm hại nhiều tài năng và tinh hoa của đất nước. Địa chủ ở làng quê là ai? Có
phải tất cả đều độc ác hay không? Có người độc ác, có kẻ giết người, nhưng
không phải tất cả. Cùng mảnh ruộng, người biết làm ăn, tính toán thì có của ăn
của để. Nhưng người không biết phải chịu đói khát, đành đi làm thuê. Nhưng sau
cách mạng, người giỏi hơn thành địa chủ, người kém hơn lên làm chủ, và kết quả
thế nào, chẳng cần bàn cãi.
Giầu nghèo trong xã hội nào chả có, sự bất bình đẳng về thu nhập là câu chuyện
của ngàn đời và sẽ còn mãi. Người tài năng, có hiểu biết sẽ giầu có hơn người
ít kiến thức. Ở nông thôn, “địa chủ” đôi khi là tinh hoa của nền nông nghiệp.
Tàn sát lớp người này đã thui chột nền nông nghiệp. Nếu cha mẹ, ông bà đã chịu
tội dù có oan uổng thì ra một nhẽ. Nhưng kiểu quản lý nửa cách mạng, nửa phong
kiến “tru di tam tộc”, con cháu của lớp người bị cho là có tội không thể ngóc
đầu lên được.
Hè vừa rồi tôi gặp vài người thuộc dòng họ nhà sách Mai Lĩnh nổi tiếng ở Hải
Phòng đến DC chơi. Nói chuyện với khách mới biết nhà sách này từng rất giầu có
và nổi tiếng vùng Bắc Bộ. Mai Lĩnh là tên ghép của làng Xuân Mai và núi Lĩnh ở
Phúc Yên, thuộc dòng họ Đỗ Phúc Lương. Cụ Đỗ Văn Phong sinh bẩy người con trai,
sáu người làm kinh doanh khắp Nam Bắc thời đó. Người con thứ tư là ông Đỗ Như
Phượng ở lại quê trông nom gia đình và có một người con là Đỗ Như Lân. Vì ở quê
gọi tên cha mẹ theo con trai trưởng và ông Phong là thứ 4 nên gọi là ông Tư
Lân. Là một người hiền từ, biết làm ăn, được dân làng quí mến. Những năm
1939-1945, làng quê nghèo khổ chưa từng có, thấy ông làm ăn phát đạt vì biết
qui hoạch ruộng vườn, cả làng nhờ ông Tư giúp đỡ, có người xin làm con nuôi ông
cho khỏi bị chết đói, hoặc giúp cho công ăn việc làm. Nạn đói 1945, chính ông
Tư là người mở kho thóc nhà mình để phát chẩn cho dân nghèo, dùng tiền mua
thuốc cứu giúp người bệnh. Trang trại Mai Lĩnh từng là cơ sở giúp cho cách mạng
như ép dầu, cất tinh dầu giun, mua rượu cồn, vận chuyển lên chiến khu Việt Bắc.
Quân Pháp từng đốt phá tan hoang cơ nhà Mai Lĩnh. Nhưng cuộc bể dâu Cải cách
ruộng đất đã đẩy ông Lân xuống bùn đen. Từ một người lương thiện, hết lòng vì dân
làng, đóng góp cho cách mạng, nhưng sau một đêm ông Tư Lân biến thành kẻ thù
giai cấp vì đã quá giầu. Có lẽ làng Phúc Yên ngày ấy vẫn còn nhớ hình ảnh những
nhân chứng mà ông Tư từng cưu mang đã buộc tội chính ông. Bị tịch thu toàn bộ
gia sản, ông bị 15 năm tù đầy. Vợ con bị đẩy ra rìa làng. Ông đã bị hành hạ về
thể xác và tinh thần, cuối cùng đã chết trong tù năm 1955. Nhà sách Mai Lĩnh từ
gia đình nổi tiếng ở Phúc Yên cuối cùng cũng bị xóa sổ sau cách mạng. Con cháu
phiêu bạt khắp nơi. Chị Lương (chị tên là Hiền Lương vì ông bố có thói quen đặt
tên các con theo địa danh các tỉnh) ở Hải Phòng cưới anh Tâm cũng con nhà tư
sản. Họ học rất giỏi nhưng cuối cùng không được vào đại học chỉ vì lý lịch, cho
dù đã sửa sai, nhưng tiếng xấu để lại không ai gột rửa. Nhân chuyện vượt biên
những năm 1980 ở miền Bắc, anh chị rủ nhau đi tìm bến bờ khác. Hiện họ sống ở
Canada. Hôm gặp ở Washington DC, anh Tâm chị Lương nhắc mãi Blog Hiệu Minh.
Người chị gái của chị Lương cũng vừa tới thăm DC với con gái hiện đang ở bên Anh.
Vướng chuyện lý lịch, họ phải bươn chải suốt cuộc đời, bây giờ mới tạm ổn.
Mấy lời cuối
Viết những chuyện như trên có lẽ phải cần hàng ngàn cuốn sách. Cuộc chiến thời
Pháp, Nhật, Mỹ và sau này với Trung Quốc đã khiến máu chảy thành sông ở mảnh
đất nhỏ bé này. Nhưng máu do chính người Việt tạo ra cũng không ít.
Thời thực dân, luật pháp nằm trong tay kẻ mạnh, sưu cao thuế nặng ở quê, tội ác
để lại không nhỏ. Vì thế khi cách mạng nổ ra, hàng chục triệu người đi theo với
niềm tin “Công bằng, bác ái, và dân chủ, người cày có ruộng”, khỏi phải bàn cãi
về vai trò của ĐCS. Tuy nhiên những gì họ xử lý sau chiến thắng lẫy lừng mới là
điều cần bàn. Sau 1954 là thế, nhưng sau 1975, Cải tạo công thương nghiệp cũng
xóa đi một thế hệ tinh hoa biết làm ăn, và hệ lụy rất lớn về lý lịch để lại cho
con cháu. Hàng triệu người bỏ tổ quốc ra đi. Nhiều người thành đạt nơi xứ người
nhưng không thể đóng góp cho quê hương vì nhiều lẽ mà trong đó dư chấn của Cải
cách ruộng đất mà họ cho là một trong những điều mất mát lớn.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội vừa khai trương hôm 8/9 triển lãm “Cải cách
ruộng đất 1946-1957″ với mục đích “giúp công chúng tiếp cận với những tài liệu,
hiện vật gốc và có cách nhìn thực tiễn, khoa học, khách quan về cuộc vận động
cách mạng ruộng đất trong tiến trình lịch sử dân tộc”. Rất có thể triển lãm còn
sơ sài, nhưng dầu sao, xã hội đã cởi mở và được quyền nói về những chuyện trong
quá khứ. Những bài học cải cách ruộng đất áp dụng một cách mù quáng từ Trung
Quốc và Liên Xô bị trả giá bằng xương máu dân tộc này. Phải chấm dứt sự phụ
thuộc vào ngoại bang kể cả ý thức hệ. Sự dốt nát không thể kéo qua hai thế kỷ.
Triển lãm cũng là sự mở đầu cho sự kết thúc một trang sử bi tráng, đầy máu và
nước mắt. Lãnh đạo quốc gia có tầm, có tâm, cần bạch hóa sai lầm quá khứ, lấy
đó làm bài học cho hiện tại và hướng tới tương lai.
Đã đến lúc đất nước phải thay đổi, lãnh đạo phải thay đổi và mỗi chúng ta phải
thay đổi. Sự mù quáng về ý thức hệ sẽ đưa đến một cuộc cải cách khác, máu đổ và
thiệt hại mang tầm quốc gia, đau đớn kéo dài hàng thế kỷ, mà một cậu bé 3-4
tuổi ở Trường Yên nhớ hằn sâu trong trí óc tuổi thơ dù đã sau 60 năm./
Trần Hồng Tâm:
45 năm giỗ Bác, Bác làm gì kệ Bác
Trong cuốn “Trần Đức Thảo Những Lời
Trăng Trối” của Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê, có kể câu chuyện đi xin việc làm của
triết gia Trần Đức Thảo ở trang 324 và 325. Để bạn đọc dễ theo dõi, tôi xin tóm
tắt nội dung:
Sau vụ đàn áp khốc liệt nhóm Nhân văn – Giai phẩm, Thảo bị tống cổ ra khỏi khoa
Triết của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Gia đình Thảo rơi vào cảnh túng quẫn, sống
bấp bênh, bữa no bữa đói. Thảo cầm lòng chẳng đặng, đành hạ mình năn nỉ Đặng
Thai Mai cho một suất dạy tiếng Pháp, không liên quan gì đến triết học hay
chính trị cả. Đặng Thai Mai thẳng thừng: “Cụ Hồ không muốn anh dạy học nữa”.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tai họa tiếp theo tai họa, không việc làm, không
biên chế, bên bờ của sự khánh kiệt, vợ Thảo ôm đứa con nuôi bỏ nhà đi, Thảo
xoay sở trong tuyệt vọng. Thôi thì xin một chân thơ ký văn phòng ở Viện Bảo
tàng Lịch sử, nơi không quyền hành chính trị, kiếm đồng lương sống qua ngày.
Hơn nữa, Viện này thuộc Bộ Văn hóa nơi mà Thảo quen biết nhiều. Thảo ngỏ lời
với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Ông đồng ý ngay.
Thảo liền đến gõ cửa nhà thơ Huy
Cận, một người thân, hiểu hoàn cảnh Thảo, đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa.
Huy Cận nhận lời nhưng lại trình lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rồi Phạm Văn Đồng
lại lên thỉnh thị ý kiến Bác. Bất hạnh cho Thảo, Bác không trả lời đồng ý hay
không đồng ý mà lại nhập nhằng phán rằng: “Chỗ của Trần Đức Thảo là tại một cơ
quan nghiên cứu triết học thì hợp hơn”. Ý Bác là một lời nguyền. Mọi cánh cửa
của các cơ quan ở Hà Nội đều cài then chốt khóa, không nơi nào dám nhận, Thảo
bị ném ra rìa, bị loại khỏi xã hội, bị cô lập, bị lưu đày ngay trên chính quê
hương mình. Thực ra, Huy Cận chỉ việc lệnh cho Viện Bảo tàng Lịch sử làm thủ
tục nhận Thảo. Bởi nhận một chân thư ký thì Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, hay
Viện trưởng cũng đủ thẩm quyền quyết định. Giả như có ý kiến gì sau này thì có
cớ Bộ trưởng đã đồng ý trước rồi, đâu phải mình Huy Cận chịu mà ông tìm cách
thoái thác lên trên. Thế là chuyện đơn giản hóa ra nhiêu khê. Lẽ nào, Huy Cận
lại không biết cách cứu Thảo đang giữa cơn hoạn nạn.
Thảo chưa phục hồi bởi cú đập Nhân văn, chưa hoàn hồn bởi trận đấu tố ở Đại
học, nay lại bị giáng thêm một đòn nữa, cũng đau đến nhớ đời. Thật đắng cay,
cái chân thư ký cạo giấy thấp hèn, thấm tháp gì so với ánh hào quang của Bác.
Một anh giáo quèn dậy tiếng Pháp, làm sao có thể trở thành một đối thủ thách đố
ngai vàng của Bác. Bác cao thượng vị tha và nhân từ đến mức không dám làm đau
một chiếc lá trên cành, nỡ lòng nào mà Bác triệt hạ mọi kế sinh nhai của một
người trong cảnh khốn cùng như Thảo.
Bác đã biến một triết gia lừng danh giữa kinh thành Paris ra một kẻ thân tàn ma
dại giữa Thủ đô Hà Nội.
Cũng khoảng thời gian này, Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 ra đời. Đó là một văn
bản chính thức của người đứng đầu chính phủ, liên quan đến an ninh quốc gia và
sự vẹn toàn lãnh thổ, là chiến lược sách lược về ngoại giao và quốc phòng mang
tầm quốc gia và quốc tế. Công hàm này sẽ phải đối mặt với những phán xét nghiệt
ngã của lịch sử. Nó là công hay tội đối với đất nước, là thước đo về lòng trung
thành hay sự phản bội Tổ quốc.
Dư luận cho rằng, chỉ có Phạm Văn Đồng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Bác
vô can. Thảo xin chân thư ký mà mọi người còn phải xin ý kiến Bác. Huống hồ
thông qua một văn bản quan trọng! Không thể nào có chuyện Bác không hay. Ngược
lại, Bác đã toan tính, hoạch định kỹ lưỡng từng đường đi nước bước.
Nếu chính danh, tại sao Công hàm này lại được giấu kín. Miền Bắc trước đây,
không một ai biết về nó. Không học sinh nào biết rằng quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa thuộc về Việt Nam. Trong khi con cá rô của Bác nuôi cũng được mô tả
kỹ lưỡng đến từng người dân.
Sách Địa lý Lớp 9 phổ thông toàn tập của Nhà Xuất bản Giáo dục Hà Nội 1974,
chương Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, viết: “Vòng cung đảo từ các đảo Nam Sa, Tây
Sa đến các đảo Hải Nam, Đài Loan, quần đảo Hoành Bồ, Châu Sơn làm thành một bức
trường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc”. Ai là người soạn thảo chương này? Dựa
vào tài liệu nào hay ý kiến của ai để viết như vậy? Soạn thảo từ thời gian nào?
Tại sao lại mắc phải lỗi chết người này? Vai trò của Nhà Xuất bản Giáo dục ra
sao? Việc thay đổi nội dung của sách giáo khoa có liên quan gì đến sự kiện
Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa cũng vào năm 1974?
Viết sách để giảng dạy cho hàng triệu thanh niên miền Bắc (lớp 9 thời đó tương
đương với lớp 11 hiện nay) tự phủ nhận quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, mà
công nhận chủ quyền biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc. Đây đâu phải
chuyện của Thảo đi xin việc. Không ai tin những người làm ra cuốn sách giáo
khoa này là vô tình mắc phải những lỗi kỹ thuật hay lỗi kiến thức. Từ ngày Bác
mất đến khi cuốn sách ra đời mới chỉ 5 năm. Một khoảng thời gian rất ngắn. Ảnh
hưởng của Bác còn rất sâu đậm trên mọi góc độ của guồng máy giáo dục hay tuyên
truyền.
Từ trước tới nay, người ta cũng tin việc thủ tiêu cô Nông Thị Xuân và hủy hoại
cuộc đời đứa con Nguyễn Tất Trung là do thuộc hạ lộng quyền, lộng hành. Người
ta cũng tin việc khám nhà bắt giữ hai cha con ông Vũ Đình Huỳnh thư ký riêng
của Bác là do phe nhóm Lê Duẩn – Lê Đức Thọ. Việc cỏn con của Thảo mà Bác còn
ra tay, thì những việc kinh thiên động địa trên, ai dám làm sai ý Bác. Tất cả
chỉ biết vâng lời Bác dậy.
Thảo nêu ra một nhận định: Bác rất khéo léo tạo cho mọi người Việt Nam một thói
quen tư duy rằng: Tất cả những gì hay, tốt, đẹp, có giá trị đều là của Bác,
công lao của Bác, do Bác tạo dựng ra: Bộ đội của Cụ Hồ, cháu ngoan của Bác Hồ,
ao cá của Bác Hồ, vườn cây của Bác Hồ, đạo đức của Bác Hồ, tư tưởng của Bác Hồ,
đôi dép đơn sơ Bác Hồ, giản dị như Bác Hồ, thanh bạch như Bác Hồ, thành phố
mang tên Bác Hồ. Thế còn bao nhiêu những nỗi niềm cay đắng, đớn đau của dân tộc
đã phải nếm trải từ ngày có Bác, thì tuyệt nhiên không thấy bóng dáng Bác đâu.
Thảo cũng đưa một quan sát thú vị. Mỗi khi đi công du nước ngoài, tiếp khách
quan trọng ở Phủ Chủ tịch, hay đi thăm viếng các cơ sở trong nước, Bác thường
đạo diễn, giàn dựng cho đoàn tùy tùng, và căn dặn: “Các chú phải ăn mặc, nói
năng, ứng xử thật đúng quy cách còn Bác làm gì kệ Bác.”
Câu chuyện xin việc làm chỉ là một trong muôn vàn những câu chuyện bi hài mà
Thảo kể ra. Nó không dừng lại ở nghĩa đen, mà nó gợi ý. Nó giống như định lý
đảo trong toán học. Lật ngược mọi giả thuyết xem kết quả còn đúng nữa hay
không. Nó mở ra một góc nhìn mới, một cách nhận thức khác về Bác: Bác làm gì kệ
Bác.
(September 2014 - © Đàn Chim Việt
+++++++++++++++++++
Cải cách Ruộng ̣đất: văn bản và ý kiến
BBC - thứ tư, 10 tháng 9, 2014
Triển lãm 'tài sản địa chủ' tại Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội
Nhìn lại một số văn bản và ý kiến trước đây và hiện nay nhân cuộc triên lãm Cải cách Ruộng đất đang diễn ra tại Hà Nội:
Luật Cải cách Ruộng đất 04/12/1953 do Hồ Chí Minh ký:
Chương IV: Cơ quan chấp pháp và phương pháp thực hiện cải cách ruộng đất
Điều 32. - Trong thời gian cải cách ruộng đất, sẽ lập Uỷ ban cải cách ruộng đất ở Trung ương, khu và tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền, Uỷ ban cải cách ruộng đất có nhiệm vụ thi hành luật cải cách ruộng đất, và lãnh đạo cụ thể cuộc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất.
Điều 33. - ở cấp xã, hội nghị đại biểu nông dân toàn xã, ban chấp hành Nông Hội xã là những cơ quan hợp pháp chấp hành luật cải cách ruộng đất.
Điều 34. - Khi phân định thành phần giai cấp, phải theo đúng điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn do Chính phủ quy định.
Thành phần giai cấp do hội nghị đại biểu nông dân bình nghị và quyết định. Người đương sự phải được dự hội nghị để tham gia bàn định.
Quyết định của xã về thành phần giai cấp phải do Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh duyệt y, hoặc do cơ quan được Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh uỷ quyền, duyệt y. Gặp trường hợp tranh chấp, thì phải đưa ra Toà án Nhân dân Đặc biệt xét định.
Điều 35. - Nghiêm cấm mọi hành động chống lại hoặc phá hoại phong trào phát động quần chúng cải cách ruộng đất. Từ lúc ban hành luật cải cách ruộng đất đến lúc tuyên bố kết thúc cuộc cải cách ruộng đất, tuyệt đối cấm địa chủ chuyển dịch ruộng đất, trâu bò, nông cụ bằng bất cứ hình thức nào. Kẻ phạm pháp do Toà án Nhân dân Đặc biệt xét xử.
Trung Quốc đã bắt đầu Thổ địa Cải cách từ 1950
Điều 36. - ở những nơi phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, sẽ lập Toà án Nhân dân Đặc biệt. Toà án Nhân dân Đặc biệt có nhiệm vụ:
1) Xét xử Việt gian, phản động, cường hào gian ác và những kẻ chống lại hoặc phá hoại cải cách ruộng đất;
2) Xét xử những vụ tranh chấp về ruộng đất và tài sản có liên quan đến cải cách ruộng đất;
3) Xét xử những vụ tranh chấp về phân định thành phần giai cấp.
Đối với kẻ phạm pháp thì xét xử theo pháp luật. Nghiêm cấm bắt bớ và giết chóc trái phép, đánh đập, tra tấn hoặc dùng mọi thứ nhục hình khác. Điều lệ tổ chức Toà án Nhân dân Đặc biệt do Chính phủ, quy định.
Văn bản của Chính phủ Việt Nam:
Hoàn thành cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế quốc dân (1955-1957):
Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) đã thảo luận kỹ và kết luận về thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị đã đề ra phương hướng và chủ trương sửa sai 10 điểm.
"Hội đồng Chính phủ họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiểm điểm việc thi hành Luật cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức, quyết định những chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm"
Với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam một mặt nhanh chóng sửa chữa sai lầm, mặt khác có những biện pháp củng cố và phát huy thắng lợi, kịp thời có những chủ trương đúng đắn đưa nông thôn miền Bắc tiến lên.
Cuối tháng 10-1956, Hội đồng Chính phủ họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiểm điểm việc thi hành Luật cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức, quyết định những chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm.
Ngày 9-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về chế độ báo chí nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân và ngăn cấm những kẻ lợi dụng báo chí làm hại đến công cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà.
Nguyễn Minh Cần trên trang RFA về 'đấu tố địa chủ'
"...Của nỗi thì rõ rồi, nhưng của chìm là vàng bạc, tiền thì rất khó cho nên phải truy tài sản. Nhưng nói thực ra anh em họ vẫn gọi là “truy của” hay “tra của”. Truy ngày, truy đêm liên tục. Tôi còn nhớ khi tôi đi cải cách ruộng đất ở Thái Bình thì có nghe một câu than như thế này, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ:
Truy đêm rồi lại truy ngày Tra lui tra tới của mày để đâu Sân vườn, chuồng lợn, bờ ao Đào tung, xới hết chẳng sao: có vàng Trời ơi, oan thật là oan Thân con quá khổ biết làm sao đây
Còn việc lập hồ sơ các loại địa chủ, cường hào thì chủ yếu dựa vào lời tố của bần cố nông. Nhưng có một điều có thể nói là người ta đánh vào lòng tham lam, vào lòng hận thù...Và người ta nói rằng ai tố nhiều thì sau này là chia tiền, chia ruộng đất, chia tài sản...thì sẽ được nhiều. Cho nên, nói thật đánh vào lòng tham, đánh vào lòng hận thù, cho nên cũng nhiều người tố rất bừa bãi. Ở nông thôn lúc bấy giờ gọi là “tố điêu” hoặc “tố đại hội”, “tố bừa”.
Nhưng khốn nỗi, tất cả những lời tố đó đều coi như những bằng chứng để kết tội người địa chủ, hoặc người đối tượng mà mình coi là phản động hay đảng phái...Cho nên sau khi lên hồ sơ rồi, tức là đưa lên đoàn cải cách ruộng đất, tức là đoàn duyệt xong và chuẩn bị cho việc đấy và xử án...
Tổ chức tòa án là tổ chức cuộc đấu. Trước đó bao nhiêu ngày phải chuẩn bị, người ta làm như là một diễn tập cho một vỡ kịch, tức là mỗi người nông dân lên tố như thế nào, rồi ý cho họ chỉ mặt như thế nào, tức là xỉa vào mặt của địa chủ...
Tổ chức tòa án là tổ chức cuộc đấu. Trước đó bao nhiêu ngày phải chuẩn bị, người ta làm như là một diễn tập cho một vỡ kịch, tức là mỗi người nông dân lên tố như thế nào, rồi ý cho họ chỉ mặt như thế nào, tức là xỉa vào mặt của địa chủ, bắt quì xuống như thế nào…tất cả những cái đó được đạo diễn trước một cách rất cẩn thận. có cả một kế hoạch, diễn tập như diễn một vỡ tuồng.
Như vậy đấu, có khi đấu 2-3 ngày tùy theo “tình trạng nghiêm trọng” của địa chủ hay số người...Sau khi kết án thì hành quyết ngay ở trước mặt. "
Về triển lãm Cải cách Ruộng đất
"Từ 1958, Hà Nội nhất trí coi việc áp dụng mô hình Xô Viết, ruộng đất của gần như toàn bộ nông dân miền Bắc lại bị đưa vào hợp tác xã"
Trương Huy San
Nguyễn Quang Lập trên Facebook:
“Phần trưng bày gây nhiều cảm xúc nhất cho người xem có lẽ là góc đối lập về cuộc sống của giai cấp địa chủ với tầng lớp bần cố nông. Một bên là cuộc sống xa hoa, phong lưu, thừa mứa chứa chan, ăn sung mặc sướng, một bên là rách rưới bần cùng, áo đụp hàng chục tấm vá, cơm không đủ ăn, kéo cày thay trâu, nhà cửa xiêu vẹo, dột nát. Những khung cảnh cách đây gần nửa thế kỷ ấy, đến giờ trông vẫn quen quen.”
Chau Doan trên Facebook:
“Không một học thuyết cao siêu nào được cho phép con đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng để tách mình ra thành một tầng lớp khác, đoạn tuyệt với thành phần cũ. Đời thủa nhà ai con lại gọi bố, mẹ bằng mày, xưng tao? Bố mẹ lại gọi con là ông bà nông dân, thưa gửi thành kính. Còn gì cay đắng hơn không?
...Điều này tàn phá luân lý, quan hệ, niềm tin của con người. Những gì quý giá nhất mà phá đi, thì cuộc sống này còn ý nghĩa gì nữa? Nông dân, bần cố nông mù chữ đứng lên xử những người có học, mà đa phần toàn là vu khống, rồi xử bắn họ. Cuộc cách mạng long trời lở đất hay là một cuộc tàn sát?
Cứ nghe chuyện xử bắn bà Năm là lòng mình xót xa. Người phụ nữ đẹp như thế, giỏi như thế, và bà ta rất yêu cách mạng nữa chứ. Buôn thép, lụa, cưu mang Việt Minh nhiều như thế. Cống hiến số vàng, tiền lớn thế lại bị bắn đầu tiên.
Triển lãm là 'Cải cách Ruộng đất 1946 -1957' nhưng cuối 1953 Hồ Chủ tịch mới ký 'Luật Cải cách Ruộng đất'
Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng những người cộng sản lúc ấy bị sức ép từ Xô Cộng và Trung Cộng, và đây chính là sự phi lý, nỗi nhục, nỗi khổ của dân tộc này. Điều này cho mỗi cá nhân chúng ta một bài học. Đừng nghe bố con thằng nào, trước hết phải tin ở mình, phải vận dụng đầu óc, suy nghĩ để tự tách bạch đúng sai trong cuộc đời.
Đảng cần nhìn thẳng vào quá khứ. Thời đại thông tin, không thể mập mờ được đâu. Đảng phân minh với quá khứ thì Đảng mới dẫn dắt chúng em tới tương lai tươi sáng được Đảng ạ. Tóm lại, cái triển lãm này là một thất bại hoàn toàn. Không nói thì thôi, đừng nói nửa chừng. Người hiểu biết, vào chỉ thấy bực mình.”
Trương Huy San trên Facebook:
“Rất tiếc chưa ai chỉ ra rằng, cái sai của cải cách ruộng đất không phải là phần đã sửa mà là cái gốc của nó: Đảng đã tự trao cho mình quyền có thể tước đoạt tính mạng và tài sản của người dân một cách man rợ. Triển lãm có đưa những nụ cười của những nông dân được chia "quả thực" nhưng Triển lãm đã không cho biết niềm vui không đạo lý đó của những bần cố nông cũng ngắn chẳng tày gang. Từ 1958, đặc biệt là sau khi Hồ Chí Minh (người dưới sức ép của Mao & Staline đã đưa cải cách ruộng đất vào áp dụng với nhân dân ta) dự hội nghị 81 đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế tại Mascova trở về, nhất trí coi việc áp dụng mô hình Xô Viết (vào VN) là "một vấn đề mang tính bắt buộc", ruộng đất của gần như toàn bộ nông dân miền Bắc lại bị đưa vào hợp tác xã.”
Trinh Nguyễn trên báo Bấm Thanh Niên:
“Nhưng hạn chế lớn nhất của triển lãmchính là thiếu vắng các câu chuyện kể. Sự “nhạy cảm” của đề tài cải cách ruộng đất có lẽ cũng giống như đề tài thời bao cấp. Đó là những thời kỳ chúng ta đã từng có cái sai, để rồi nhìn thấy nó và sửa chữa nó. Nhưng nếu triển lãm bao cấp của Bảo tàng Dân tộc học cách đây cả chục năm tái hiện được câu chuyện thân phận con người thì triển lãm này chưa chạm vào đó. Không ai rõ, những con người cụ thể, có những hiện vật được trưng bày ở đây, đã đi qua thời kỳ đó ra sao. Họ, con cháu họ, hiện sống thế nào, quan niệm gì về thời kỳ lịch sử ấy.”/
Triển lãm về cải cách ruộng đất
BBC - thứ năm, 11 tháng 9, 2014
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội hôm 8/9 đã khai trương một triển lãm về cải cách ruộng đất, mang tên "Cải cách ruộng đất 1946-1957". Đây là lần đầu tiên Việt Nam có triển lãm về sự kiện lịch sử gây tranh cãi này.
Khoảng 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu về Cải cách ruộng đất được trưng bày nhằm cung cấp thông tin về cải cách ruộng đất trong giai đoạn này
Những hiện vật được trưng bày tại triển lãm về cải cách ruộng đất này bao gồm sổ thóc và sổ ghi nợ đất...
... hay vật dụng vẫn được coi là điển hình của những gia đình bị quy kết là "địa chủ cường hào" như sập gụ, tủ chè ..
... và cả những ngôi nhà tranh vách đất của tầng lớp bần cố nông, nhằm phần nào phục dựng lại bối cảnh diễn ra cải cách ruộng đất và thể hiện sự tương phản giữa hai giai cấp bóc lột và bị bóc lột.
Tại triển lãm cũng có trưng bày một số văn bản sửa sai trong quá trình chỉ đạo và thực hiện cải cách ruộng đất.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng triển lãm mới chỉ nhấn mạnh tới những thành quả của cải cách ruộng đất mà chưa phản ánh toàn diện cũng như chưa nói tới những hệ lụy của nó.
Theo sử gia Dương Trung Quốc, triển lãm được thực hiện trong bối cảnh chưa có một tổng kết chính thức về cải cách ruộng đất nên "đương nhiên sẽ có hạn chế rất lớn” bất chấp nỗ lực của những người làm công tác bảo tàng. Sáng 12/9 có tin triển lãm ngưng đón khách vì 'sự cố điện”/