"Cơ hội cuối cùng cho Hoa Kỳ xoay trục chiến lược sang châu Á"

21 Tháng Tư 20157:48 CH(Xem: 15410)
"NHẬT BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ TƯ 22 APRIL 2015
"Cơ hội cuối cùng cho Hoa Kỳ xoay trục chiến lược sang châu Á"

Hồng Thủy

08/04/15

 (GDVN) - Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành những người dẫn dắt các sự kiện ở châu Á nhiều hơn là Mỹ.
blank
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ công du Đông Á tuần này. Google images

Học giả Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC ngày 7/4 bình luận trên The Wall Street Journal, chuyến đi đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đến Tokyo, Seoul và Honolulu trong tuần này có thể là cơ hội cuối cùng để chính quyền Tổng thống Barack Obama thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương được Washington ca ngợi từ lâu.

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi chiến lược đối ngoại này hình thành, Washington vẫn chỉ đơn thuần phản ứng với các sự kiện ở châu Á hơn là tích cực tham gia vào tiến trình hình thành chúng. Một chính sách tưởng như táo bạo có thể làm thay đổi vị trí của Mỹ ở châu Á dường như đã trở nên trống rỗng từ rất sớm. Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành những người dẫn dắt các sự kiện ở châu Á nhiều hơn là Mỹ.

Và đến một mức độ nào đó có thể xem Mỹ như một "cường quốc nguyên trạng", bởi Washington không muốn thay đổi để cân bằng quyền lực ở châu Á. Điều này gây khó khăn cho Hoa Kỳ khi phải thừa nhận rằng, chính trị khu vực đang thay đổi. Cơ hội để Hoa Kỳ làm chệch hướng thói ép buộc của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông đã qua khi Washington dường như quá phụ thuộc vào lời nói.

Khẳng định của chính quyền Mỹ về những ưu tiên của quốc gia này phản ánh thách thức của một môi trường an ninh toàn cầu đang xấu đi. Washington đang phải đối phó với sự lây lan của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các nhóm khủng bố, thánh chiến trên khắp Trung Đông. Trong khi đó Hoa Kỳ thất bại trong việc đẩy Nga khỏi miền Đông Ukraine, còn Iran đã ghi điểm sau các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của họ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tập trung phần lớn nỗ lực vào chiến dịch chống tham nhũng và cải cách kinh tế trong nước, nhưng ông đã nhấn mạnh sự tích tụ quân sự kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc. Quân đội nước này đã mở rộng đáng kể các hoạt động trên Biển Đông phục vụ các mục đích quân sự và ngoại giao. Ông Tập Cận Bình đã không chịu lùi bước trong bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào.
blank
Học giả Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: Nypost.

Mùa xuân này Tập Cận Bình đã thành công trong việc lôi kéo đồng minh lớn nhất của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để lại sự xáo trộn giữa Washington và Tokyo trong phản ứng. Trung Quốc dường như đang mạnh mẽ hơn, tự tin hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cố gắng để cân bằng ức mạnh của Trung Quốc bằng cách đào sâu mối quan hệ của mình trong khu vực. Ông đã tăng ngân sách quốc phòng Nhật Bản, loại bỏ các hạn chế rào cản bán vũ khí và bắt đầu thiết lập những giai đoạn cho nỗ lực tự vệ tập thể. Thủ tướng Shinzo Abe đã ký thỏa thuận với Úc và Ấn Độ, cung cấp trang thiết bị cho Philippines và Việt Nam.

Ngoài ra ông đã tiếp tục thảo luận với Washington về việc nâng cấp cam kết an ninh Mỹ - Nhật để giải quyết các mối đe dọa trong thế kỷ 21. Trong khi không được tin tưởng bởi Hàn Quốc, ông Shinzo Abe đang dần tích lũy khả năng để đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc. Những gì Nhật Bản có thể làm được hôm nay dù còn hạn chế, nhưng họ có thể thiết lập giai đoạn cho một cộng đồng các quốc gia quan tâm đến an ninh và phản đối chính sách của Trung Quốc.

Một số thành viên trong giới hoạch định chính sách an ninh Hoa Kỳ hiểu được các xu hướng này. Phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 gần đây đã bày tỏ hy vọng Nhật Bản đóng vai trò tích cực hơn trong tập trận tự vệ, không chỉ với Mỹ mà còn với quốc gia khác. Ông cũng đã làm Bắc Kinh phật ý khi khuyến khích hải quân ASEAN nên tuần tra chung ở Biển Đông và Hạm đội 7 sẽ hỗ trợ các hoạt động như vậy.
Phát biểu của Phó Đô đốc Robert Thomas có thể trông giống một "tuyến đầu từ phía sau", nhưng điều đó cho thấy rõ ràng rằng, Mỹ chỉ có thể nâng cao vị thế truyền thống của mình ở châu Á bằng cách tiến xa hơn nữa. Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải chấp nhận gánh nặng ngày càng tăng về việc đảm bảo an ninh tập thể trong những năm tới, và Washington sẽ phải tìm ra cách để hỗ trợ họ.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khá "hùng hồn" giải thích rằng xoay trục chiến lược sang châu Á là một nỗ lực tái cân bằng của Mỹ sau một thập kỷ chiến tranh ở Trung Đông và chuẩn bị cho một tương lai trong đó châu Á đóng vai trò toàn cầu, thậm chí lớn hơn ngày hôm nay. Nhưng thật không may, trong một khu vực cán cân quyền lực đang thay đổi rất nhanh chóng, chính sách "giữ hiện trạng" của Washington có nguy cơ là một phản ứng không đầy đủ./

Biển Đông: Ông Tập Cận Bình hãy đặt mình vào địa vị Việt Nam, Philippines

Hồng Thủy

20/04/15

 (GDVN) - Xin ngài vui lòng đặt mình vào vị trí của chúng tôi. Và sau đó hy vọng chúng ta sẽ có thể đạt được một mối quan hệ tốt hơn, đặc biệt là với những vấn đề ...
blank
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: Yahoo News.

South China Morning Post ngày 20/4 đăng bài phỏng vấn độc quyền Tổng thống Philippines Benigno Aquino III xoay quanh vấn đề Trung Quốc xây dựng, cải tạo bất hợp pháp ở Biển Đông đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Khi được hỏi rằng Tổng thống Philippines có thông điệp gì gửi ông Tập Cận Bình, ông Aquino cho biết:

"Lúc ông ấy rảnh rỗi, có lẽ là khi ông ấy đang nghỉ ngơi tôi thực sự sẽ hỏi ông ta: Hãy đặt mình vào vị trí của chúng tôi, và có lẽ thậm chí là cả Việt Nam, ngài sẽ trả lời thế nào về những thách thức đang diễn ra ở Biển Đông? Xin ngài vui lòng đặt mình vào vị trí của chúng tôi. Và sau đó hy vọng chúng ta sẽ có thể đạt được một mối quan hệ tốt hơn, đặc biệt là với những vấn đề tranh cãi".

Tổng thống Philippines nói tiếp thông điệp trong cuộc đối thoại "giả tưởng" với Tập Cận Bình: "Có lẽ chúng ta cũng nên tập trung vào một thực tế rằng, ở mức độ lớn thì đây là vấn đề gây tranh cãi duy nhất trong quan hệ giữa chúng ta. Tôi nghĩ rằng loại bỏ được nó thực sự là một mục tiêu đáng giá".

Ngoài ra South China Morning Post cũng dẫn lời ông Aqunino nói rằng, Việt Nam và Philippines đang thương lượng về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước cùng phải chống lại yêu sách vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Aquino khẳng định rằng, hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay thậm chí đáng báo động hơn nhiều so với một năm trước đây khi ông từng so sánh hành động của Trung Quốc với Hitler.

Cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ được thực hiện hôm Thứ Năm tại Phủ Tổng thống Philippines, Ngoại trưởng Albert del Rosario cũng có mặt. Aquino lưu ý, chưa bao giờ ông có ý định chọc tức Trung Quốc bằng cách động chạm vấn đề này. "Tôi có thể đảm bảo với họ rằng tôi không bắt đầu một ngày mới với suy nghĩ làm thế nào để vặn mũi họ. Hãy đặt mình vào vị trí của tôi. Tôi phải bảo vệ lợi ích quốc gia của tôi, quyền lợi người dân của tôi."
blank
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, ảnh: Rappler.

Tổng thống Philippines khẳng định, việc theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước có cùng chung lợi ích là một điều có ý nghĩa với Manila. Các quan chức Philippines và Việt Nam đã gặp nhau trong năm nay, hai bên nhất trí về một tuyên bố chung tập trung vào Biển Đông, bảy tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo xây dựng bất hợp pháp khổng lồ của Trung Quốc trong khu vực.

"Chúng tôi đang thực sự chỉ cần định nghĩa nó là cái gì. Chúng tôi đang làm việc vào các chi tiết", ông Aquino cho hay. Trong cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 2 giờ, ông Aquino thoải mái trả lời nhiều câu hỏi, nhưng thường nhiều lần quay trở lại vấn đề Biển Đông. Về một thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, ông Aquino cho biết:

"Dù sao khi đối tác chiến lược của bạn bắt đầu với những tuyên bố chồng chéo, có nhiều không gian để có được một cuộc đối thoại hợp lý, chứ không phải phản ứng với các lợi ích quốc gia riêng biệt". Philippines có hai đối tác chiến lược là Hoa Kỳ và Nhật Bản, cả hai đều chỉ trích gay gắt Trung Quốc vì chính sách bành trướng lãnh thổ của họ ở Biển Đông.

Khi được hỏi rằng có phải khôn ngoan hay không khi Manila phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các nước mà Trung Quốc cảnh giác, ông Aquino nói rằng điều này hoàn toàn không phải cố ý. "Chúng tôi và họ đã là đối tác chiến lược từ trước khi Trung Quốc nhìn họ với vẻ nghi ngờ. Chúng tôi không tìm kiếm các quan hệ đối tác chiến lược để hình thành liên minh chống lại một nước nào đó. Những nước nào chúng tôi thấy có nhiều lợi ích chung và có thể giúp chúng tôi đạt được mục tiêu của mình (thì đó là đối tác chiến lược)".

Ngoại trưởng Albert del Rosario có mặt trong buổi phỏng vấn nói rằng, Manila rất mong đợi được tranh tụng trước Tòa án Trọng tài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 vào tháng Bảy này. Thông báo có thể được gửi đến trong tháng Sáu hoặc vào đầu năm tới. Trung Quốc từ chối tham gia tố tụng, Philippines nhận thức rất rõ điều này và phán quyết khó có khả năng được thực hiện.

Nhưng ông Aquino cảnh báo rằng nếu Trung Quốc bỏ qua một phán quyết có lợi cho Manila, nó sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động giao thiệp giữa Trung Quốc với các nước khác. Ông cho rằng, ngay cả khi Bắc Kinh và Manila đạt được một thỏa thuận song phương (theo mong muốn của Trung Quốc) thì thỏa thuận đó cũng vô dụng vì ngoài 2 nước, còn 4 bên yêu sách khác.

"Vì vậy sẽ phải có một thỏa thuận giữa 6 bên. Nếu nó được ký kết thì chẳng cần đến trọng tài. Tuy nhiên đó không phải thực tế", ông Aquino cho biết. Tổng thống Philippines khẳng định rằng, duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông nơi qua lại của 40% khối lượng thương mại toàn cầu là lợi ích của chính bản thân Trung Quốc./