Hội nghị Manila về Biển Đông và Vai trò của các Xã hội Dân sự

31 Tháng Năm 201511:41 CH(Xem: 15002)
"BÁO VĂN HÓA - CALIFORNIA" THỨ HAI 01 JUNE 2015

Hội nghị Manila về Biển Đông và Vai trò của các Xã hội Dân sự

Tâm Việt

Lời Tòa Soạn.- Nhân hội-nghị hàng năm về quốc-phòng Đông-Nam-Á Shangri-La bắt đầu hôm nay, 29/5, ở Singapore mà trọng-tâm chắc chắn là tình-hình ngày càng gây cấn ở Biển Đông,  tưởng cũng nên nhắc lại sự đóng góp rất ý nghĩa của các xã-hội dân-sự Việt-Phi tại Hội-nghị Manila về Biển Đông hồi tháng 3 năm nay và mấy kết-quả ban đầu của hội-nghị đó.

    Hôm 27 tháng Ba 2015, một "Hội-nghị Quốc-tế về Biển Đông" đã được tổ-chức tại Trung-tâm Bernas của Trường Luật Ateneo thuộc Đại-học Tổng-hợp Phi-líp-pin (University of the Philippines) ở khu Makati, Manila, dưới sự bảo trợ của năm tổ-chức phi-chính-phủ Phi và Việt-nam, Hội Người Mỹ gốc Phi tranh đấu cho một chính-quyền thiện-trị (US Pinoys for Good Governance, tắt là USP4GG), Phong trào DI KA Pasisiil (Pinoy Patriots United, Những người Phi yêu nước), Viện Nghiên cứu các vấn-đề Biển và Luật Biển (Institute for Maritime Affairs & Law of the Sea (UP)), Họp Mặt Dân Chủ (HMDC), và VOICE.

    Đây phải nói là một hội-nghị rất đặc-biệt bởi đây là lần đầu các xã-hội dân-sự ở Việt-nam và Phi-luật-tân, hai quốc gia đứng đầu ngọn sóng chống đỡ những hành-động đe dọa đến từ Trung-quốc ở Biển Đông, đã có thể vượt qua những khác biệt trong quá-khứ để làm việc chung cho một giải-pháp hòa-bình trước tình-trạng ngày càng nguy ngập ở trong khu-vực.  Đúng như câu tục-ngữ của Việt-nam đã phán, "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách."  Người thất phu còn có trách-nhiệm, huống hồ các xã-hội dân-sự!

    Chuyện này đặc-biệt đúng trong trường-hợp của người Việt bởi trong một thời-gian 21 năm, Việt-nam bị phân chia thành hai thực-thể riêng biệt được quốc-tế công-nhận với miền Nam, được biết dưới tên Việt-nam Cộng-hòa (1954-1975), là nước có chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và (một phần) Trường-sa trong khi miền Bắc (Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa) trong thời-gian đó là một nước đồng-minh với Trung-Cộng và là một nước thù nghịch với Sài-gòn.  Chính điều nghịch lý này đã làm cho Hà-nội ngày nay tỏ ra lúng túng khi họ đòi phần chủ-quyền của một nước tranh chấp với họ.  Vị-thế của Hà-nội còn tệ hơn nữa bởi công-hàm ngày 14 tháng Chín 1958 do Thủ-tướng Phạm Văn Đồng ký gởi Thủ-tướng Châu Ân-lai của Trung-quốc công-nhận những định-nghĩa về lãnh-hải do Quốc-vụ-viện Trung-Cộng đưa ra 10 ngày trước đó, trong đó Bắc-kinh coi cả Hoàng Trường-sa (mà họ kêu là Tây-sa và Nam-sa) là của họ.

*
*    *

    Hội-nghị nguyên ngày hôm đó được chia ra làm ba phần.  

    Phần đầu gồm ba diễn-giả người Phi-luật-tân và điều hợp bởi Tiến-sĩ Jeremy Barns, Giám-đốc Bảo-tàng-viện Quốc-gia Phi-líp-pin.  Người đầu tiên phát biểu là Ngài Roilo Golez, một cựu-Cố-vấn An-ninh Quốc gia Phi và một cựu-dân-biểu nhiều nhiệm-kỳ; ông Golez trình bầy một toàn-cảnh trong bài "Bối-cảnh và Tình-hình Địa-lý chính-trị đang hình-thành ở Biển Nam-hải" ("Background and the Emerging Geopolitical Situation in the South China Sea").  Tiếp theo ông là Tiến-sĩ Celia B. Lamkin, chủ-tịch của Hội US Pinoys for Good Governance (USP4GG), bà nói về đề-tài "Xã-hội Dân-sự và những sáng-kiến của Hội USPGG về các tranh chấp trên Biển Đông" ("Civil Society and USPGG initiatives regarding the South China Sea dispute issues").  Người cuối cùng trong phần các diễn-giả Phi-luật-tân là Tiến-sĩ Jay Batongbacal, Giám-đốc Viện Nghiên cứu các vấn-đề Biển và Luật Biển thuộc Đại-học Tổng-hợp Phi-líp-pin, ông cho chúng ta một bản tin cập nhật rất đầy đủ và ý nghĩa về "Vụ kiện Trung-quốc của Phi-luật-tân" ("The Philippines' lawsuit against China").

    Giàn diễn-giả thứ hai là ba người Việt do G.S. Đặng Đình Khiết (trong Họp Mặt Dân Chủ) điều hợp.  Người thứ nhất là G.S. Nguyễn Ngọc Bích, Chủ-tịch Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ, ông đề nghị việc "Đi tìm một giải-pháp hòa-bình cho cuộc xung-đột trong Biển Đông-Nam-Á" ("Toward a Peaceful Solution to the Conflict in the Southeast Asian Sea") dựa một phần lên trên những văn-kiện chủ-quyền chính-đáng của Việt-nam Cộng-hòa.  Tiếp theo là ông Hoàng Việt, giảng-sư tại Trường Luật ở Sài-gòn, Việt-nam; ông nói về lý-thuyết "Các định-chế và phương-pháp giải-quyết tranh chấp lãnh-hải dựa lên công-pháp quốc-tế" ("Institutions and methods for resolving maritime territorial disputes under international law").  Diễn-giả cuối cùng trong phần này là Tiến-sĩ Trần Huy Bích, thủ thư về hưu thuộc Thư-viện UCLA, ông nói về "Sự thật về các chấp-ngôn lịch-sử của Trung-quốc trên Biển Đông" ("Truth concerning China's historical claims in the East Sea").  Phần trình bầy của Việt-nam này sang bữa cơm trưa còn được bổ túc bằng một màn trình bầy qua video của nghiên-cứu-gia độc-lập, cụ Nguyễn Đình Đầu ở Sài-gòn, nói về các bản-đồ chứng minh chủ-quyền của Việt-nam.  

    Một đặc-điểm nổi bật của hội-nghị Manila là những quan-điểm của Phi-luật-tân và Việt-nam đã được củng-cố và bổ túc bởi những cách nhìn của một giàn diễn-giả quốc-tế có trọng-lượng.  Trong số này, người ta thấy có Giáo-sư Carlyle Thayer, giáo-sư ngoại-hạng tại Viện Đại-học New South Wales (ở Úc), ông cho rằng chính-sách của Mỹ và Úc cho đến nay tương-đương với "Thuận tình ở Biển Nam-hải: Chính-sách không đứng về phe nào của Mỹ và Úc" ("Acquiescing in the South China Sea: U.S. and Australian Policies of Not Taking Sides"); Tiến-sĩ Sophie Boisseau du Rocher từ Pháp qua nói về  "Tiềm-năng đóng góp của Liên-hiệp Âu-châu vào một giải-pháp hòa-bình ở Biển Đông" ("The EU's Potential Contribution to a Peaceful Solution in the South China Sea"); Tiến-sĩ Ota Fumio, một cựu-Phó-đề-đốc trong Hải-quân Nhật, ông căn-cứ vào một sự hiểu biết cặn kẽ về tư tưởng chiến-lược của Trung-hoa để mô-tả "Sự bành-trướng trên biển của Trung-quốc: Chiến-lược và các phản-biện-pháp" ("Chinese Maritime Expansion: Strategy and Counter-measures"); và cuối cùng là ông François-Xavier Bonnet, một nhà nghiên cứu người Pháp ở IRASEC (Institute on Contemporary Southeast Asia) trụ ở Bangkok, Thái-lan, ông bàn về vấn-đề "Khảo-cổ-học và Yêu nước: Những chiến-lược dài hạn của Trung-quốc trong Biển Nam-hải" ("Archeology and Patriotism: Long-term Chinese Strategies in the South China Sea").

    Như vậy, ta có thể thấy là Hội-nghị Manila, hội-nghị đầu tiên với những đặc-trưng trên, nghĩa là không phải do nhà nước đỡ đầu hay chủ-trương (như phần lớn các hội-nghị về Biển Đông ở Việt-nam) mà là một sáng-kiến của các xã-hội dân-sự Phi-luật-tân và Việt-nam (cả trong lẫn ngoài nước), đã mang lại nhiều cách nhìn mới và gợi ý có thẻ dẫn đến việc xét lại toàn-bộ vấn-đề tranh chấp lãnh-hải ở Biển Đông và dám tới được một vài cách tiếp-cận hòa-bình nhằm giải-quyết những tranh chấp đó.

    Bởi giờ đây là đã hơi quá muộn để cho thế-giới quay về chú ý đến khu-vực này, một vùng biển then chốt liên-hệ đến lợi ích của rất nhiều quốc gia, nhằm tìm ra những giải-pháp bền vững cho một vấn-đề mà có thể nổ tung thành chiến-tranh bất cứ lúc nào.    

    Cuối ngày, một bản tuyên-cáo chung đã được thông qua và ký bởi ông Roilo Golez thay cho nhóm Phi-luật-tân và ông Nguyễn Ngọc Bích, ký thay cho ông Lâm Đăng Châu, đại diện Họp Mặt Dân Chủ.  Bản tuyên-cáo chung gồm năm điểm hành-động và khuyến-cáo như sau:

    1/ "Đề nghị đổi tên của vùng biển này [thường được gọi bằng nhiều tên như 'Biển Nam-hải,' 'Biển Đông,' 'Biển Tây-Phi-líp-pin' v.v.] thành 'Biển Đông-Nam-Á'"(1) nên được tiếp-tục nghiên cứu.

    2/ Kêu gọi Trung-quốc phải "ngưng tức-khắc những vụ bồi đắp đảo, xây dựng kiến-trúc, hay những hoạt-động khác trên mọi đảo bãi và rạn san-hô [trong Biển Đông] cho đến khi một Bộ Quy-tắc Ứng-xử được mọi các bên liên-hệ đồng-ý."

    3/ Ủng-hộ "việc thành-lập một ủy-hội quốc-tế độc-lập với khả-năng dàn xếp các vụ tranh chấp qua thương-thảo trước khi đạt tới được đồng-thuận về một Bộ Quy-tắc Ứng-xử."

    4/ "Trong khi chờ đợi, hai chính-phủ Việt-nam và Phi-líp-pin có những cuộc thảo-luận nhằm tiến tới một tạm-ước giải-quyết các tranh chấp giữa hai nước cũng như khai-thác chung những tài-nguyên mang lợi-ích đến cho hai bên."

    5/ Và cuối cùng là "các đồng-tổ-chức [bảo trợ Hội-nghị Manila] đồng-ý việc dựng lên một Ban Công-tác chung của các Xã-hội Dân-sự Việt-Phi nhằm tổ-chức những sinh-hoạt ương-tự trong tương-lai nhằm phát huy những hiểu biết về vấn-đề và cung-cấp một diễn-đàn cho nhân-dân các nước liên-hệ có tiếng nói trong câu chuyện này."

    Hành-động ngay theo những khuyến-cáo này, Hội-nghị đã chỉ-định một số nhân-sự có mặt tham-gia vào Ban Công-tác chung.

*
*    *

    Để lượng-định tầm quan-trọng của hội-nghị, không có gì rõ cho bằng xem chuyện gì đã xảy ra sau hội-nghị.  Những ý-kiến, quan-niệm được trình bầy ở hội-nghị có được xem là có ý nghĩa hay không?  Chúng có được tiếp nối đem ra bàn thảo không?    

    Về phương-diện này, ta có thể thấy là hội-nghị đã có một vài kết-quả được xem là khá tích-cực.  Tỷ như Thạc-sĩ Hoàng Việt, sau khi ông trở về Việt-nam, đã được hỏi về những đòi hỏi chủ-quyền của Hà-nội và Sài-gòn đối với hai quần-đảo Trường-sa và Hoàng-sa.  Ông trả lời liền: "Dù là Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa [tức Hà-nội] hay Việt-nam Cộng-hòa [tức Sài-gòn] thì cũng vẫn là Việt-nam," có nghĩa là những đòi hỏi chủ-quyền của VNCH cũng có giá-trị bằng (nếu không muốn nói là hơn) những đòi hỏi chủ-quyền của Hà-nội.

    Vào ngày 24 tháng Tư 2015, bài trình bầy của ông François-Xavier Bonnet tại Hội-nghị Manila cũng đã được Quỳnh Anh dịch sang tiếng Việt và phổ-biến trên Vietnamnet.  Rồi đến hôm 20 tháng Năm 2015, Tiến-sĩ Sophie Boisseau du Rocher lại có dịp trình bầy về vai trò của Liên-hiệp Âu-châu trong tranh chấp Biển Đông tại Viện Quan-hệ Quốc-tế của Pháp (tức Institut français des Relations internationales, thường được viết tắt là IFRI).

    Như vậy là tuy các bài báo trong nước không ghi nhận xuất-xứ từ Hội-nghị Manila, chúng vẫn công-nhận tầm quan-trọng của các ý-kiến được đưa ra tại hội-nghị hay của các bài trình bầy nói trên.  

    Tưởng cũng phải nói là Hội-nghị Manila đã xảy ra đúng lúc trong khi tình-hình ở Biển Đông ngày càng sôi nổi.  Bởi sau hội-nghị này ta thấy liên-tiếp nhiều hội-nghị quốc-tế về Biển Đông được tổ-chức ở những thành-phố lớn trên thế-giới: như Hội-nghị ngày 4/5 ở New York (do Journal of Political Risk tổ-chức), Hội-nghị ngày 20/5 ở Buenos Aires, A-căn-đình, Hội-nghị cùng ngày 20/5 do Viện Quan-hệ quốc-tế Hoàng-gia Egmont tổ-chức ở Bruxelles, Bỉ, Hội-nghị ngày 25/5 do CSIS (Center for Strategic International Studies, Trung-tâm Nghiên cứu Quốc-tế Chiến-lược) tổ-chức ở Washington, DC, và nhất là Hội-nghị 5 ngày (từ 25 đến 29/5) tại Đà-nẵng giữa các chuyên-gia về an-ninh quốc-phòng của Hoa-kỳ với sự tham gia của 80 đại biểu đến từ 10 quốc gia ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các nước Australia, NewZealand, Nhật Bản và Mông Cổ.

___________________________

(1)  Quan-niệm này, quan-niệm là ta nên tránh sự hiểu lầm hay lẫn lộn giữa các tên gọi khác nhau của cùng một vùng biển, đã được một số học-giả Việt-nam đề nghị cách đây một số năm.  Trong phần phụ-lục của Kỷ-yếu về Hội-nghị Manila sẽ in lại một bài trình bầy vấn-đề của sử-gia  Phạm Cao Dương.  Sau đó, tổ-chức Nguyễn Thái Học Foundation (trụ-sở ở Irvine, California) đã đưa một kiến-nghị lên trang mạng Petition-on-line mà cho đến gần đây đã thu thập được 72.840 chữ ký đến từ hơn 100 quốc gia trên thế-giới.  Mặc dầu không có đại-biểu nào đến được Hội-nghị Manila từ Nguyễn Thái Học Foundation song tổ-chức này cũng đã có thư ủng-hộ hội-nghị và chúc hội-nghị thành công.