VOA Thứ hai, 24/06/2013
Tình thế đòi hỏi
Từ trái: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm lăng ông Hồ Chí Minh.
Nhà báo Lâm Lễ Trinh và nhà báo Bùi Tín trong một lần gặp gỡ với “Họp mặt Dân chủ” tại California năm 2012. PHOTO: LKT/VH
Tình hình chính trị ở Việt Nam đang đòi hỏi cấp bách một tổ
chức chính trị, để thoát khỏi tình trạng độc đảng lạc hậu và tệ hại cho dân cho
nước.
Việc này không thể trì hoãn được nữa.
Việc hình thành một tổ chức chính trị ở Việt Nam là hoàn toàn chính đáng, hợp
pháp, hợp đạo lý. Hiến pháp Việt Nam ghi rõ quyền lập hội. Các công
ước quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng long trọng công nhận quyền tự do
ngôn luận và tự do lập hội.
Cần chỉ ra rằng việc Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam xác định vị trí lãnh đạo duy
nhất của đảng CS không qua bầu cử tự do và định kỳ là vi phạm chính Hiến pháp,
là vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền; do đó điều này vô giá trị, dù có
bị xoá bỏ hay không.
Hơn nữa, đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã dùng Điều 4 để tước đi của công dân
quyền được lập hội. Rõ ràng đây là một hành động phạm tội chà đạp Hiến pháp
trong suốt thời gian cầm quyền cho đến nay, và lẽ ra đảng CSVN đã phải bị truy
tố và xét xử trước Tòa án Hiến pháp, nếu như có tòa án này.
Bộ Chính trị đảng CSVN đã lừa bịp trắng trợn khi một mặt quyết duy trì bằng mọi
giá Điều 4, vừa khẳng định một cách bịa đặt là hơn 70% công dân muốn duy trì
Điều 4, nhưng lại không dám tổ chức trưng cầu dân ý công khai về điểm này.
Do những lý do trên việc công dân Việt Nam cùng nhau bàn bạc về việc thành lập
một tổ chức chính trị khác nhằm vừa ganh đua vừa hợp tác với đảng CS để lãnh
đạo và cai trị đất nước là một điều cần thiết, cấp bách, hơn nữa còn là việc
làm hợp hiến, hợp pháp, quang minh chính đại.
Đây sẽ là một bước tiến của dân tộc, một cuộc đột phá ngoạn mục để đất nước
thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện và bế tắc hiện nay.
Nhiệm vụ thành lập một chính đảng mới đang được đặt ra trước cuộc sống của dân
tộc. Ông Chu Hảo, một đảng viên CS cao cấp, giám đốc nhà xuất bản Trí Thức, đã
công khai nói lên nhu cầu quan trọng này. Giáo sư Tương Lai, một trí thức CS có
uy tín, cũng bày tỏ mong muốn và ý định ấy. Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên
là uỷ viên Trung ương đảng CSVN, trưởng ban Khoa giáo Trung ương, cũng nêu bật
sự tất yếu của một chế độ chính trị đa nguyên, có nhiều đảng tranh đua, kiểm
tra nhau trong một chế độ dân chủ lành mạnh. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại
sứ VN tại Trung Quốc, cũng có chính kiến tương tự.
Có thể nói đây là biện pháp cơ bản, là giải pháp chiến lược then chốt cho các
vấn đề sinh tử ở nước ta, không thể trì hoãn được nữa.
Rất cần một cuộc thảo luận công khai giữa tất cả các tổ chức và cá nhân quan
tâm đến vận mệnh dân tộc, đến cuộc sống của nhân dân, đến tiền đồ các thế hệ
tương lai.
Có một loạt vấn đề liên quan đến xây dựng lên một tổ chức chính trị mới rất cần
trao đổi thẳng thắn, công khai trên tinh thần xây dựng.
Tổ chức mới nên mang
hình thức nào? Một tập hợp, một liên minh, một chính đảng, hay một mặt trận,
một hội đoàn? Tên của tổ chức ấy nên là gì? Dân chủ, Dân chủ Xã hội, Cứu quốc,
Dân tộc, Phục hưng, Canh tân, Dân Việt, Tân Việt? Theo tôi có thể là Tập hợp
Dân chủ Việt Nam.
Rõ, gọn.
Nên trao đổi về tôn chỉ mục đích để xây dựng điều lệ. Như: toàn dân cùng chung
sức xây dựng một chế độ dân chủ ngày càng hoàn thiện, bình đẳng, pháp quyền
nghiêm minh; hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thành kiến chia rẽ Bắc – Nam kéo dài;
triệt để từ bỏ khái niệm «ngụy quân, ngụy quyền», chăm sóc nghĩa trang mọi liệt
sỹ và nạn nhân chiến tranh, không phân biệt trước đây thuộc bên nào; phát triễn
và duy trì quan hệ láng giềng tốt, nhưng kiên quyết bảo vệ lãnh thổ lãnh hải
của Tố Quốc; chống tham nhũng, lãnh phí; tôn trọng quyền tư hữu và quyền tự do
kinh doanh.
Thái độ với đảng CS: chống nhóm lãnh đạo bảo thủ, giáo điều, tham nhũng, lạc
hậu, coi đông đảo đảng viên CS ở cơ sở là đồng bào ruột thịt thân thiết, sẵn
sàng đón nhận các đảng viên CS cũ ở bất cứ cấp nào vào hàng ngũ mình trên tinh
thần bình đẳng. Đây là quyền tự do cơ bản thiêng liêng của mọi công dân được
thay đổi, lựa chọn chỗ đứng chính trị của mình. Đông đảo đảng viên CS cũng là
nạn nhân, bị nhóm lãnh đạo lừa dối.
Cần phân biệt rõ nhóm lãnh đạo gồm Bộ Chính trị, phần lớn uỷ viên Trung ương,
các quan chức các cấp có quyền lực và bị quyền lực tha hóa, trở thành nhũng tư
bản đỏ giàu sang xa rời nhân dân, với các đảng viên ở cơ sở, cũng bị đè nén bóc
lột như dân thường. Họ cũng đứng dậy cùng nhân dân đòi tự do và bị nhóm lãnh
đạo bất lương đàn áp không thương tiếc. Một số đã rời đảng CS, mong chờ một tổ
chức chính trị lương thiện, tiền tiến.
Cuộc trao đổi sẽ rất hào hứng khi được các blogger tự do tham gia tịch
cực và được một nhóm trí thức dân tộc dấn thân mạnh dạn đứng ra chỉ đạo. Đây là
trách nhiệm của kẻ sỹ dân tộc giữa thời đất nước lâm nguy. Thanh niên và phụ nữ
là 2 động lực mầu nhiệm cho cuộc Phục hưng của dân tộc trên con đường đa nguyên
hóa văn minh kịp thời đại. Một số nhân sĩ dân chủ đã cao tuổi nhưng tư duy còn
trẻ, khỏe, nên công khai cùng đứng ra thúc đẩy quá trình đa nguyên hóa trong
trật tự và tự nguyện làm cố vấn cho tổ chức chính trị mới.
Khi đã có đa đảng, gồm có đảng CS và 1 hay vài đảng mới xuất hiện, sinh hoạt
chính trị đa nguyên sẽ sôi nổi sinh động trong khuôn khổ luật pháp, để công dân
có thể định kỳ lựa chọn thật sự người đại diện cho mình. Các tổ chức quần chúng
như công đoàn, thanh niên, phụ nữ…cũng sẽ phân hóa thành những tổ chức đa
nguyên, đa dạng, ganh đua bình đẳng, do đó luôn giữ mình trong sạch, làm việc
có hiệu quả xã hội, tôn trọng và phục vụ xã hội công dân.
Từ nay đến cuối năm 2013 là thời gian vừa đủ cho việc trao đổi phong phú chuẩn
bị để đầu năm 2014 có thể xuất hiện tổ chức chính trị đối lập, cạnh tranh lành
mạnh với đảng CS hiện nắm độc quyền lãnh đạo. Mọi sự độc quyền đều chứa đựng
nguy cơ tha hóa, gây tai họa không thể lường hết cho xã hội, từ mất độc lập, bị
ngoại xâm gặm nhấm, từ tàn phá kinh tế, biển thủ kinh hoàng về tài chính quốc
gia, đến băng hoại thê thảm về đạo đức và văn hóa, làm nhục quốc thể, cuộc sống
toàn dân đầy bi kịch và bất an.
Trong xã hội và trên thế giới ảo của các blogger đã bàn luận khá nhiều về hiện
tình đất nước và những giải pháp. Nay đã đến lúc phải hành động và hành động cụ
thể để cứu dân, cứu nước khỏi cuộc trầm luân khốn khổ đã kéo quá dài, vượt quá
sự chịu đựng của toàn dân ta.
Dấn thân lập ra một tổ chức chính trị lương thiện, chung lòng chung sức, với
thiện chí và bao dung, chấp nhận trạng thái đại đồng tiểu dị, luôn tâm niệm xây
dựng dân chủ vì dân, nhất định chúng ta sẽ đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi
vào kỷ nguyên dân chủ, viết tiếp lịch sử oanh liệt của dân tộc, xứng đáng với
ông cha, tạo tương lai vững bền cho các thế hệ nối tiếp.
Việc chuyển biến về chất của xã hội Việt Nam như trên sẽ là thành quả nỗ lực
trực tiếp của đồng bào thân yêu ở trong nước. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, phần lớn đã mang
quốc tịch khác, là người nước ngoài gốc Việt, khó lòng làm được việc gì hơn là
cổ vũ và hỗ trợ từ xa. Chỉ riêng thái độ tận lực ủng hộ những việc làm đúng đắn
kịp thời, không gây khó khăn trống đánh xuôi kèn thổi ngược, luôn đồng thanh
tương ứng với đồng bào đứng dậy đấu tranh ở trong nước, là một đóng góp quý báu
vào tiến trình lịch sử.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các
bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.