VOA Thứ bảy, 27/07/2013
Blog / Bùi Tín
Gánh nặng của một chuyến đi xa
24.07.2013
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, lên đường
sang Hoa Kỳ. Đây là một chuyến đi xa hiếm có và hệ trọng. Người Việt Nam
quan tâm đến vận mệnh của đất nước rất chú ý theo dõi cuộc đi này.
Đã có nhiều bình luận, phán đoán, hy vọng và bi quan khác nhau về chuyến đi
này.
Một số ý kiến bi quan cho rằng theo thể chế hiện hành, chức vụ Chủ tịch nước
chỉ có tính cách tượng trưng, không có mấy thực quyền, có vị thế thấp hơn cả
Tổng Bí thư lẫn Thủ tướng, cũng hẹp hơn của Chủ tịch Quốc hội. Ở Trung quốc thì
tình hình khác hẳn, vì ở đó Chủ tịch nước kiêm luôn nhiệm vụ Tổng Bí thư đảng
CS và thống lĩnh cả quân đội.
Cũng có nhiều ý kiến đóng góp và cố vấn cho ông Sang trước khi đoàn của ông lên
đường vào thứ Ba 24 tháng 7 này. Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một người am hiểu về
quan hệ quốc tế, khuyên ông nên hiểu thật rõ chính giới Mỹ, Tổng thống Mỹ,
Chính phủ Mỹ, Quốc hội Mỹ, công luận Mỹ để có thái độ thức thời và thích đáng.
Theo ông, Hoa Kỳ tuy có lúc có tham gia chiến tranh ở Việt Nam nhưng hiện không có tham vọng
gì về lãnh thổ, chủ quyền của ta. Cần nhớ rằng về quan hệ chính trị, quốc
phòng, kinh tế…Việt Nam cần
đến Mỹ hơn là Mỹ cần đến Việt Nam.
Quả bóng hiện nay đang ở trên phần sân của Việt Nam. Hoa Kỳ đang cần Việt Nam cùng
tham gia ngăn chặn mưu đồ bành trướng quân sự, kinh tế xuống phương Nam của
Trung Quốc, một siêu cường CS đang trỗi dậy một cách nguy hiểm cho toàn thế
giới. Việt Nam đang cần Mỹ ủng hộ để vào TPP - Tổ chức kinh tế xuyên Thái Bình
Dương, với nhiều lợi ích to lớn lâu dài trong khi thời gian đang cấp bách,
nhưng với điều kiện là Hà Nội phải thay đổi rõ ràng về chính trị theo hướng tôn
trọng nhân quyền, và về kinh tế nới rộng tự do kinh doanh cho nhà kinh doanh tư
nhân trong nước và nước ngoài. Việt Nam đang cần thoát khỏi sứ khống
chế cực kỳ nguy hiểm của Bắc Kinh.
Giáo sư Lê Xuân Khoa cũng góp một ý tưởng quan trọng là nếu lãnh đạo đảng CS
hiểu rõ thời cơ hiếm có này để có một quyết định hệ trọng là thực hiện dân chủ
hóa, chuyển đổi cả hệ thống chính trị độc đảng sang hệ thống dân chủ đa nguyên
đa đảng theo kịp bước tiến của thời đại, sáng suốt đi trước Trung Quốc trên con
đường dân chủ hóa tất yếu, thì đó sẽ là một cuộc đột phá to lớn mang lại lợi
ích lâu dài cho nhân dân ta, khắc phục tận gốc tình thế bế tắc kéo dài hiện
tại.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng hứa hẹn với dân họ là sớm muộn gì cũng sẽ thực
hiện dân chủ đa nguyên đa đảng, nhưng phải đi từng bước, qua 5 năm, 10 năm hay
hơn nữa. Công dân tự do bỏ phiếu chọn người lãnh đạo ở cấp xã, rồi lên cấp
huyện, cấp tỉnh, cuối cùng mới mở rộng cho cả nước. Đến bao giờ thì chưa biết.
Đây là một kiểu hứa suông, xoa dịu, lừa dối. Trung Quốc quá rộng, quá đông,
chuyển mình nặng nề khó khăn. Việt Nam ta gọn hơn, có truyền thống cố
kết dân tộc trước ngoại xâm, dễ chuyển mình theo thời đại mới, hoàn toàn có thể
bứt lên trước làm gương cho nước láng giềng khổng lồ nhưng ỳ ạch chậm tiến.
Đó chính là ý kiến của 72 trí thức đầu đàn phát biểu trong Kiến nghị về sửa đổi
Hiến pháp, của 100 trí thức có thêm ý kiến về Sửa đổi Hiến pháp, về trưng cầu
dân ý và về sửa Luật đất đai. Đó cũng là chính kiến của 15 ngàn công dân cũng
chung kiến nghị bác bỏ bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội. Chưa bao giờ
có một số đông công dân nhất trí mạnh mẽ về một vấn đề thiết yếu như thế. Ông
Trương Tấn Sang cần đọc cho thật kỹ các văn kiện rất có ý nghĩa ấy. Có thể nói
túi khôn dân tộc hiện nằm trong đó.
Một câu hỏi còn lơ lửng chưa được trả
lời rành mạch là việc ông Trương Tấn Sang ký Tuyên bố chung và ký một loạt 10
hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận với Trung Quốc ở Bắc Kinh tháng 6 vừa qua có
được sự đồng ý của Bộ Chính trị và của Quốc hội hay chưa? Có phải nhóm tiền
trạm đi trước chuẩn bị gồm có Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Phó Thủ
tướng Hoàng Trung Hải, một người Tàu, đã giúp cho Bắc Kinh thảo trước các văn
kiện để dử ông Sang không?
Thông thường, Bộ Chính trị phải thảo luận và biểu quyết theo đa số về các vấn
đề hệ trọng của đất nước. Sẽ là điều hợp lý và sáng suốt nếu như ông Trương Tấn
Sang, trước khi lên đường, có cuộc họp với Bộ Chính trị để bàn về nội dung sẽ
phát biểu với phía Hoa Kỳ. Sẽ là tin vui vô hạn cho nhân dân ta nếu như trong
cuộc họp này, tiếng nói của trí thức Việt Nam trong và ngoài nước lọt vào những
đôi tai chăm chú và thức tỉnh của 16 ủy viên Bộ Chính trị, để họ có quyết định
đại thể ngắn gọn như sau: «Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam chủ trương gìn
giữ, phát triển tình bạn láng giềng hòa thuận với nhân dân Trung Quốc, thực
hiện mối quan hệ hữu nghị tương kính, hợp tác bình đẳng với nhà cầm quyền Trung
Quốc, đồng thời tự khẳng định mình có quyền tự do kết bạn bè thân thiết toàn
diện - kể cả liên minh quân sự chặt chẽ khi cần thiết - với những đối tác mà
Việt Nam tin cậy, như Lào, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và
Liên Âu».
Sao lại không thể có một giả thuyết và hy vọng như vậy? Tất nhiên quan hệ đối
ngoại mang tính đột phá như thế sẽ tạo thanh thế đặc biệt cho Việt Nam để đổi
mới sâu rộng cả về chính trị, nội trị, đối ngoại, quốc phòng, văn hóa.Thế lực
bành trướng sẽ tức điên lên nhưng chúng không thể làm những gì quá đáng trước
thế mới của nước Việt Nam dân chủ liên minh chặt chẽ với thế giới hiện đại.
Ngay trước mắt, Việt Nam sẽ sớm gia nhập đàng hoàng tổ
chức Hợp tác TPP Xuyên Thái Bình Dương. Và tất nhiên 35 anh chị em tù chính
trị được tự do tham gia xây dựng đất nước.
Sức bật của dân tộc hồi sinh sẽ biểu hiện về mọi mặt.
Nếu không đạt được theo hướng ấy, thì có thể xem như chuyến đi của ông Trương
Tấn Sang đã thất bại ngay trước khi bắt đấu. Trong chuyến đi này, ông Sang mang
một trách nhiệm rất nặng nề. Nhưng đây cũng là một dịp may, một thời cơ cực
hiếm. Bỏ qua sẽ là tội nặng.
Mong rằng lần này, cả Bộ Chính trị không còn mù quáng vì tư lợi, không còn ù
lỳ, thách thức lương tri dân tộc.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các
bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ./
VOAThứ bảy, 27/07/2013
Blog / Bùi Tín
Văn kiện đầu hàng
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ ký kết tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19/6/2013.
01.07.2013
Chưa bao giờ có sự đầu hàng nhanh chóng và nhục nhã đến như
vậy.
Nhân danh Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang, đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao
Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc. Ngày
21 tháng 6 ông đã ký với Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư đảng CS Trung Quốc Tập
Cận Bình bản Tuyên bố chung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận
mệnh nước ta.
Bản Tuyên bố chung bằng hai thứ tiếng Trung Quốc và Việt Nam này đã được dịch ra nhiều thứ
tiếng khác và phố biến đi khắp thế giới.
Mọi người Việt Nam yêu nước không thể không bàng hoàng và phẫn nộ khi đọc kỹ
văn kiện nói trên, không thể không nhận định đây là một văn kiện tuyên bố đầu
hàng bọn bành trướng và xâm lược phương Bắc.
Chắn chắn cả Bộ Chính trị 16 người đã được thông báo và đồng tình với bản Tuyên
bố chung (TBC) thảm hại này.
Đọc thật kỹ bản TBC, có thể dễ dàng nhận ra nó được phía Trung Quốc khởi thảo và phía Việt Nam hoàn toàn
không được đóng góp hay thay đổi gì hết. Bản TBC hoàn toàn phản ánh tham
vọng bành trướng và xâm lược của đế quốc Cộng sản Đại Hán Trung Hoa đối với đất
nước Việt Nam, phục vụ dã tâm biến nhà nước Việt Nam Cộng sản thành một chư hầu
của Trung Quốc, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc, với
sự tiếp tay của nhóm lãnh đạo CS bất tài và tham nhũng đã thoái hóa đến cùng
cực.
Kính mời đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, kể cả các đảng viên Cộng sản,
hãy đọc cho kỹ bản TBC ký chưa ráo mực này.
Ngoài bản TBC dài lòng thòng gồm có 8 điểm, trong đó riêng điểm 3 chứa đựng đến
13 mục quan hệ hợp tác vừa mở rộng vừa ăn sâu, 2 bên còn ký đến 10 văn kiện khác,
trong đó có Chương trình hoạt động chung của chính phủ 2 nước, Thỏa thuận hợp
tác chiến lược toàn diện giữa bộ Quốc phòng 2 nước, Thỏa thuận giữa 2 bộ Nông
nghiệp về đường dây nóng trong nghề đánh cá trên biển, về giám sát chất lượng,
kiểm dịch thực vật, Điều lệ hợp tác quản lý cửa khẩu trên đất liền, Ghi nhớ về
xây dựng các trung tâm Văn hóa Việt – Trung, Quan hệ giữa các tổ chức hữu nghị,
Hợp tác trong thăm dò dầu khí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ.…
Trong 13 mục quan hệ mở rộng và ăn sâu, sau khi khẳng định phương châm 16 chữ
vàng và 4 tốt, TBC kể ra một loạt thỏa thuận : thường xuyên tiếp xúc ở cấp
cao đảng, chính phủ, hoạt động của Ủy ban chỉ đạo hợp tác chiến lược toàn diện
song phương, quan hệ chặt chẽ giữa 2 đảng, 2 ban Đối ngoại, 2 ban Tuyên huấn,
về ngiên cứu lý luận, về xây dựng đảng, quan hệ giữa 2 bộ Ngoại giao, giữa các
vụ, cục trong 2 bộ Ngoại giao, quan hệ giữa 2 quân đội, 2 bộ Quốc phòng, trao
đổi về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, trong đào tạo sỹ quan,
trong tuần tra chung ở vùng biên phòng đất liền, hợp tác về thực thi pháp luật,
an ninh, về trật tự an toàn xã hội, về an ninh biên giới và cảnh sát biển, thực
hiện kế hoạch 2 hành lang 1 vành đai vùng biên giới, hợp tác về năng
lượng, giao thông vận tải, đầu tư kinh doanh, hợp tác về văn hóa, khoa học,
công nghiệp và thông tin …
Bản TBC còn nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 7 tỉnh biên giới
phía Bắc Việt Nam với 3 tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc - Vân Nam, Quảng
Tây, Quảng Đông - và đảo Hải Nam.
TBC cũng nói đến hợp tác của Ủy ban Liên hợp biên giới Việt – Trung để tàu
thuyền đi lại tự do trong khu Bắc Luân, hợp tác khai thác du lịch thác Bản
Giốc, và cũng không quên nói đến hợp tác đánh cá chung trong Vịnh Bắc Bộ.
Đọc kỹ các văn bản, có cảm giác như Việt Nam đã hội nhập vào trong lòng Trung
Quốc. Tuy 2 mà một. Hoà nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về
đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công
tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội. Cứ như ở thời kỳ quan hệ anh em đồng
chí bền chặt nhất vậy.
Đây phải chăng là một cạm bẫy do nhóm lãnh đạo mới của đảng CS Trung Quốc, với
Tập Cận Bình cầm đầu, giăng ra để nhử Trương Tấn Sang chui vào tròng. Chiếc bẫy
này chắc chắn đã được chuẩn bị rất công phu, và buộc Trương Tấn Sang phải cúi
đầu chấp nhận cả gói, không sửa đổi du di gì được dù một ly.
Không hề có một chữ nào về Hoàng Sa,
Trường Sa là đất Việt Nam
bị cưỡng chiếm bằng vũ lực. Không một yêu cầu nào về việc bảo vệ tính mạng
tài sản của ngư dân VN trong vùng biển quốc gia của mình. Không một lời bác bỏ
nào đối với cái lưỡi bò phạm pháp trên bản đồ Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia đã
bị hoàn toàn từ bỏ. Lũ giặc bành trướng được coi là bạn bè thân thiết nhất, là
đồng chí tin cậy nhất, còn hơn anh em ruột thịt.
Đây có thể là phản ứng có tính toán của nhóm Tập Cận Bình đối với lời lên án
của Việt nam tại cuộc họp Shangri La ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua. Tuy
chỉ là lời nói bóng gió, không nêu đích danh, nhưng cũng đủ để bị chạm nọc, để
mất mặt giữa trường quốc tế và để nổi tự ái giận dữ. Đó là câu của thủ tướng Ba
Dũng: «Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi
hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và
chính trị cường quyền». Đã nhún nhường, nói xa xôi, nhưng vẫn cay đắng, vì
bọn trùm bành trướng luôn kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự coi là yêng hùng trong
thiên hạ.
Trung Nam Hải gần đây tỏ ra rất lo ngại khi trí thức và tuổi trẻ Việt Nam cũng
như một số đảng viên CS lão thành tỏ rõ ý muốn Việt Nam liên minh quân sự với
Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Âu…trước mối đại họa bành trướng Trung Quốc.
Cũng có thể đây là một tính toán thâm độc của Trung Nam Hải, nhưng cũng có thể
là một tính toán sai lầm trong cơn hoảng hốt. Họ không tính rằng sự lộ mặt quá
lộ liễu là ông chủ của 16 ông vua tập thể ở Ba Đình là dại dột và nguy hiểm cho
họ ra sao. Nước cờ này sẽ đẩy đảng CS Việt Nam đang núng thế thụt sâu thêm
xuống hố suy thoái, bị lên án mạnh thêm là bán nước cầu lợi riêng, chia rẽ thêm
nhóm lãnh đạo vốn đã hiềm khích nhau, kích thích mạnh thêm các cuộc xuống đường
quyết liệt chống bành trướng và tay sai của đồng bào ta.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các
bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.