Cập nhật: 08:53 GMT - thứ tư, 28 tháng 8, 2013
Ông Lê Hiếu Đằng là Đảng viên CSVN với 45 năm tuổi Đảng
Các báo của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đăng nhiều bài chỉ trích quan điểm kêu gọi thành lập đảng đối lập của ông Lê Hiếu Đằng.
Hồi giữa tháng Tám này, luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở TP HCM, công bố một bài viết mới nhấn mạnh tầm quan trọng của đa nguyên, đa đảng.
Trong bài viết tựa đề "Bấm Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh (bệnh)…", ông Lê Hiếu Đằng, người được biết lâu nay với nhiều ý kiến đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa ở trong nước, kêu gọi các đảng viên CSVN đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng cùng "tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội".
Ông cũng nói đa nguyên, đa đảng là "quy luật tất yếu".
Ngay lập tức, các báo của Đảng CSVN đã có chiến dịch bút chiến phản bác lại luận điểm của ông, tới nay đã có khoảng mười bài.
Báo Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đi đầu trong 'chiến dịch' này với tổng cộng 5 bài báo, bài đầu tiên đăng hôm 18/8.
Tiếp đó là các báo Sài Gòn Giải phóng và Nhân dân.
Bài mới nhất trong loạt bài phản hồi tác giả Lê Hiếu Đằng đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP) của Thành ủy TP HCM hôm thứ Ba 27/8 với tựa đề 'Bấm Những hành vi độc hại của một khuynh hướng tư tưởng sai lầm'.
Tác giả bài báo là ông Trần Hữu Phước, người từng là thư ký của cố chính khách Lê Đức Thọ.
'Thùng nước bẩn về chính trị'
Bài trên SGGP của ông Trần Hữu Phước nói ông Lê Hiếu Đằng đã "dội lên một thùng nước bẩn về chính trị giữa những ngày mùa thu cách mạng thiêng liêng".
Ông Phước cũng nói bài viết của ông Đằng là "con đường bế tắc của sự nhận thức lệch lạc về chính trị và lý luận".
Ông nhắc lại và so sánh ông Lê Hiếu Đằng với một bậc cựu công thần khác của Đảng CSVN, sau chuyển sang bất đồng chính kiến, là ông Hoàng Minh Chính, cựu Viện trưởng Viện Triết học (đã mất).
"... chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực đã được đổi mới và trẻ hóa, vẫn đang đứng vững và tỏa sáng như ngọn hải đăng từ sông Áp Lục xuống tận vùng đất mũi của bán đảo Cà Mau trù phú, từ cánh đồng Chum nổi tiếng của xứ “Triệu voi” nối dài tới hòn đảo tự do của đất nước Cuba, tới châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê mênh mông bát ngát."
Trần Hữu Phước
Bài viết giận dữ của ông Phước không ngần ngại gọi ông Đằng, người có 45 năm làm Đảng viên CSVN, là "quay lưng lại lịch sử, chống báng Đảng và đã bị trượt chân xuống vực trong sự tha hóa về tư tưởng".
"Đừng nên quên rằng, 'người nói láo' đã được xếp vào loại biệt hạng, đó chính là Lê Hiếu Đằng," ông Trần Hữu Phước thẳng thừng chỉ trích.
Bài viết của ông Phước cũng cảnh báo rằng chủ trương của Đằng đã biến ông thành "bạn đường của các thế lực chống đối đang rắp tâm tổ chức thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn… thâm độc trên đất nước ta".
Đây có lẽ là những chỉ trích gay gắt nhất nhằm vào cá nhân ông Lê Hiếu Đằng từ khi bài viết 'Suy nghĩ trên giường bịnh...' của ông được công bố.
Tuy nhiên dường như ông Trần Hữu Phước không đưa ra được nhiều ý tưởng và lý luận phục vụ cho phản bác của mình, ngoài việc ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lênin một cách chung chung.
"... chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực đã được đổi mới và trẻ hóa, vẫn đang đứng vững và tỏa sáng như ngọn hải đăng từ sông Áp Lục xuống tận vùng đất mũi của bán đảo Cà Mau trù phú, từ cánh đồng Chum nổi tiếng của xứ “Triệu voi” nối dài tới hòn đảo tự do của đất nước Cuba, tới châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê mênh mông bát ngát."
Trước bài của ông Phước trên SGGP một ngày, hôm thứ Hai 26/8 báo Nhân dân cũng đăng bài của Hồng Quang chỉ trích quan điểm của ông Lê Hiếu Đằng, nhưng tránh tên ông mà gọi là 'ông X'.
Bài trên báo Nhân dân còn đề cập tới điều mà tác giả gọi là "sự phụ họa, cổ vũ của BBC, RFA, RFI..."./