Công ty nước ngoài có rủi ro khi VN chống tham nhũng?

06 Tháng Tám 201711:04 CH(Xem: 11182)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ  HAI  07  AUGUST  2017


Công ty nước ngoài có rủi ro khi VN chống tham nhũng?


BBC 06/8/17


image068Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) nói việc kỷ luật ông Đinh La Thăng mới chỉ 'về mặt Đảng'


Tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ mới đây có bài đánh giá về nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam và hệ lụy với giới công ty nước ngoài.


Bài viết của Jeremy Tan, nhà nghiên cứu từ tổ chức Control Risks, hãng tư vấn rủi ro toàn cầu, liệt kê một chuỗi các án vụ tham nhũng xảy ra tại Việt Nam trong gần một năm qua trong đó nổi bật nhất là việc loại bỏ ông Đinh La Thăng khỏi Bộ Chính trị hồi tháng Năm năm nay.


Trong giai đoạn ngồi ghế Chủ tịch PetroVietnam (PVN) từ năm 2009 đến năm 2011, ông Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là đã xảy ra nhiều sai phạm.


Việc ông Thăng được đưa về Ủy ban Kinh tế Trung ương, nơi có lãnh đạo là ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và là người mà tác giả mô tả là nhân vật trung thành với ông Dũng, được xem là "chiếu nghỉ" trước khi sẽ có hành động kỷ luật tiếp theo.


"Ông Thăng được xem là đã lợi dụng mối quan hệ thân cận của mình với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để làm giàu cá nhân," tác giả viết.


image069

Bản quyền hình ảnh Other Image caption Ông Trịnh Xuân Thanh nói lời "xin lỗi" trong đoạn phim chiếu trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8


Vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, cũng là nhân vật được mô tả là gần gũi với Thủ tướng Dũng, cũng được đề cập.


Trước đó, cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng phải đối mặt với những gì được cho là một loạt quyết định quản lý yếu kém và lạm dụng chức vụ, cũng xảy ra dưới thời ông Dũng làm thủ tướng.


Các vụ khởi tố nhân vật cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng như Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng OceanBank và nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, hay Trần Phương Bình nguyên tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á, cũng được nói tới.


Bài viết đánh giá ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, người bị khởi tố về cáo buộc gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, là nhân vật núp dưới cái ô chính trị của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình.


"Người cầm lái trong các vụ án chống tham nhũng này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người thường ca ngợi về lập trường chống tham nhũng.


"Tuy nhiên, giới quan sát Việt Nam cho rằng việc ông Trọng chỉ đạo xử lý các vụ này là hệ quả của sự cạnh tranh được nói tới nhiều giữa ông và cựu Thủ tướng Dũng.


"Các cá nhân bị ảnh hưởng cho đến nay, chẳng hạn như ông Đinh La Thăng và ông Vũ Huy Hoàng, đã bị cáo buộc làm giàu cho bản thân và tiến thân chính trị dưới sự bảo trợ của ông Dũng.


"Có thể xem nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng như một chiến dịch có mục tiêu cụ thể nhằm củng cố vị trí của mình bằng việc gỡ bỏ mạng lưới được ông Dũng bảo trợ và hạn chế các ảnh hưởng chính trị còn sót lại của cựu Thủ tướng Dũng," tác giả nhận định.


Cũng có một cách giải thích khác, theo tác giả, rằng nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam là một động thái của chính phủ để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề về kinh tế và những thảm họa môi trường lớn vào năm 2016 vốn làm ảnh hưởng đến vùng biển tại nhiều tỉnh ở miền trung Việt Nam.


image070

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Tác giả cho rằng ông Đinh La Thăng và Vũ Huy Hoàng, đã bị cáo buộc làm giàu và tiến thân chính trị dưới sự bảo trợ của ông Nguyễn Tấn Dũng


Bàn về hệ lụy với các nhà đầu tư nước ngoài và công ty đa quốc gia, tác giả cho rằng hoạt động kinh doanh có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu đối tác phía Việt Nam của họ bị qui chụp là ngả theo một phe phái chính trị nào đó hoặc quá chậm chạp trong việc thay đổi lòng trung thành.


Các cuộc điều tra chống tham nhũng tại Việt Nam, theo tác giả, cũng có thể phát hiện ra các công ty nước ngoài mắc sai phạm với Đạo luật Tham nhũng tại Nước ngoài (của Mỹ) và Đạo luật về Hối lộ của Anh cũng như các luật lệ khác tại nơi mà các nhà đầu tư mở công ty.


Những hợp đồng với các công ty nhà nước bị phát hiện có sai phạm sẽ bị xem là không có giá trị, chẳng hạn như vụ Vinalines mua ụ nổi ''sắt vụn'' với trị giá 83 triệu USD từ Nga.


Các cuộc điều tra giới các quan chức cấp cao trong chính phủ và các chủ doanh nghiệp được bảo kê có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế và phát triển trong các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, xây dựng và bất động sản.


Đây là các mảng có thực trạng quản trị doanh nghiệp yếu kém và quan hệ thân quen cấp địa phương luôn đóng vai trò là đòn bẩy để làm giàu.


Thực tế là các cuộc điều tra của chính phủ thường được tiến hành bí mật và có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm và làm giảm niềm tin nhà đầu tư.


Tác giả lưu ý các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài cũng nên chú ý đến Bộ luật Hình sự vừa thông qua, trong đó bao gồm việc hình sự hóa tội hối lộ liên quan đến các cá nhân và những đơn vị ngoài quốc doanh, cũng như dự thảo Luật phòng chống tham nhũng mới đang được thảo luận trong Quốc hội Việt Nam./