Bs Hồ Hải: Bài học Myanmar / Phạm Chí Dũng: Khi đám đông đứng dậy / Gs Tương Lai: Dậy mà đi

01 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 24003)

Bs Hồ Hải: 5 năm tới Miến Điện sẽ ở đâu?

Bs Hồ Hải

Lá thư Úc Châu-Tản mạn Thời sự

 

Theo thông tin Reuter công bố hôm qua, dẫn lời của chủ tịch quốc hội Miến Điện - Shwe Mann - rằng, tổng thống Thein Sein quyết định không ra tranh cử nhiệm kỳ tới vào 2015. Đồng thời ông Shwe Mann cũng cho biết quốc hội quyết định sửa đổi hiến pháp, để mở đường cho bà Aung Kyi ra tranh cử tổng thống.

image027

Lãnh tụ đảng đối lập Myanmar Aung San Suu KyiTổng Thống Thein Sein

 

image029

Quốc Hội Hoa Kỳ trao tặng Huy Chương Vàng cho bà Aung San Suu Kyi

 

Trong một bài viết cách đây 18 tháng của tôi - Chuyện Đông, chuyện Tây và chuyện nước Việt, tôi có viết, cùng năm 1990 ở Việt Nam và Miến Điện có hai sự cỡi trói lớn. Miến Điện cỡi trói về chính trị để làm nền tảng cho kinh tế bắt đầu mở cửa 2 năm qua. Họ giữ được văn hóa, tài nguyên còn nguyên vẹn. Trong khi đó, Việt Nam cỡi trói kinh tế, mà không thay đổi thể chế chính trị đơn nguyên tập quyền. Và Việt Nam đã có những phát triển rõ nét, nhưng phải trả giá bằng cách đổi tài nguyên, môi trường, văn hóa để có kinh tế tư bản hoang dã hôm nay. Trong khi Miến Điện từng bước thoát Trung Hoa, thì Việt Nam ngược lại trói mình vào Trung Hoa đúng cái mốc 100 tuổi của cụ Hồ.

 

Trước khi rút lui khỏi chính trường ông tổng thống Thein Sein ở Miến Điện làm 3 việc lớn: dời đô từ Rangoon sang Naypyidaw; Cỡi bỏ mọi đàn áp phe đối lập, thả tù nhân chính trị và đưa xã hội Miến Điện trở thành một xã hội dân chủ thực sự bằng hành động cho hoạt động tự do báo chí tư nhân, cũng như sửa đổi hiến pháp theo tinh thần đa nguyên tản quyền.

 

image030

Tại Miến Điện, Tổng Thống Obama đã hội đàm với Tổng thống Thein Sein

Cũng thì rút khỏi chính trường, nhưng ông cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ở Việt Nam đã kịp thời mang bầu đoàn thê tử sang Trung Hoa ký kết ràng buộc Hội nghị Thành Đô 1990. Hiến pháp nước Việt đưa thêm điều 4 độc tôn cai trị cho đảng cộng sản ở Việt Nam. Tước hết mọi quyền tự do dân chủ ở Việt Nam bằng nghị định và nghị quyết của đảng cầm quyền. Cho nên hôm nay con chiên của đảng cầm quyền trở thành mọt nước sâu dân, văn hóa suy đồi, kinh tế sụp đổ, chính trị hỗn man, và đang chờ ngày diệt vong.

Cho tới nay, thế giới kinh ngạc về sự chuyển đổi của Miến Điện. Cuộc chuyển đổi này được ví còn hơn cả những cuộc cách mạng nhung diễn ra ở Đông Âu. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tập trung nghiên cứu vấn đề của Miến Điện, để làm ra một mô hình cho các quốc gia đơn nguyên, tập quyền và chậm phát triển. Hàng loạt Workshop ở Liên Hiệp Quốc dành cho những sinh viên ưu tú toàn cầu hằng năm đưa Miến Điện ra để cho nghị trình Model United Nations cho các lãnh đạo tương lai.

Một câu hỏi đặt ra là, với một nền văn hóa phương Đông, thì cái gì làm nên một Miến Điện có được cuộc cách mạng xã hội êm thắm để thoát ra khỏi chế độ quân quản tập quyền, và thoát được Trung Hoa? Có những kết luận rút ra rất xác đáng làm tất cả mọi người có lương tri phải suy nghĩ, rằng để có một Miến Điện chuyển đổi tốt đẹp như hôm nay cần có những điều kiện tiên quyết sau:

 

Thứ nhất là về kinh tế Miến Điện phải đi đến cùng cực như những năm cuối thập niên 2000s. Chính nó là động lực bắt buộc lãnh đạo độc tài quân phiệt của Miến Điện buộc lòng phải chuyển đổi.

Thứ hai là về chính trị, trên nền tảng một chế độ chính trị tập quyền quân quản, nhưng Miến Điện vẫn giữ hình thái đa nguyên chính trị trong suốt từ sau 1975 đến nay. Nó giúp cho các đảng phái chính trị vẫn tồn tại, dù bị đàn áp, nhưng càng đàn áp càng tạo uy tín cho họ.

Thứ ba là, vấn đề con người then chốt. Nếu bên đảng phái đối lập có một quý bà thép đầy trí tuệ và hàn lâm Aung Kyi được sự trợ giúp hết mực của chồng, đã can đảm đứng ra trước lằn tên mũi đạn để tạo nên một đối trọng, thì bên nhóm tập đoàn độc tài quân phiệt cũng có một Than Shwe quyết định dời đô và cho phép đa nguyên chính trị, sau đó một Thein Sein tiếp bước, để chuyển xã hội Miến Điện đi từ tập quyền quân phiệt sang một xã hội dân sự văn minh dân chủ.

Cuối cùng là, vấn đề góp sức từ bên ngoài. Hành động cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây, rồi sau đó xóa cấm vận nhanh chóng đã giúp góp phần rất lớn để có một thay đổi tư duy của tầng lớp lãnh đạo tập quyền quân phiệt ở Miến Điện. Sự chuyển đổi của Miến Điện buộc lòng các lãnh đạo lớn thế giới phải thân chinh đến thăm để nắm bắt thời cơ làm ăn, quan hệ, trong đó có tổng thống Hoa Kỳ, thủ tướng Anh, chủ tịch Liên minh Châu Âu, và kể cả chủ tịch Trung Hoa, mặc dù, Miến Điện đã thoát ra khỏi Trung Hoa bằng hành động từ chối dự án 2,5 tỷ đô la cho hệ thống dẫn dầu xuyên vịnh Bengan qua Miến Điện về Vân Nam.

Nhìn lại Miến Điện ta thấy, vấn đề cốt lõi cho chuyển đổi của đất nước này là vấn đề bên trong nội tại đất nước là chính yếu. Sự góp sức của bên ngoài chỉ là chất xúc tác cho một dây chuyền phản ứng đang diễn ra. Và yếu tố lãnh đạo độc tài thâu tóm quyền hành chịu chuyển đổi tư duy. Dĩ nhiên Phật giáo là quốc giáo cũng đóng vai trò không nhỏ cho hành động vị tha, gác bỏ quá khứ nhìn về tương lai của các phe đảng chính trị cũng góp phần quan trọng cho chuyển đổi, khi bà Aung Kyi tuyên bố, miễn truy cứu tội lỗi của chính quyền Than Shwe.
Với một nền chính trị đi đúng quy luật khoa học xã hội về mặt triết học, các quy luật mâu thuẫn, đối lập và phát triển đang giúp đất nước Miến Điện nở hoa từng ngày.

Một nền chính trị động và bền vững, nhân bản hiện nay của Miến Điện sẽ là nền tảng tốt cho kinh tế Miến Điện không bao lâu nữa sẽ vượt ra khỏi đói nghèo, và thịnh vượng, ở một quốc gia mà nó đã từng là số 1 khu vực Đông Nam châu Á chỉ sau Nhật Bản ở Châu Á vào 2 thập niên 1960 và 1970s.
Có người cho rằng phải 10 năm nữa Miến Điện sẽ bắt kịp kinh tế Việt Nam, nhưng qua theo dõi, tôi cho rằng, chỉ 5 năm tới thôi Miến Điện có thể đứng vào hàng ngũ phía trên của 11 quốc gia Asean. (Asia Clinic, Thứ Bảy, 26/10/2013)

 

image032

Tổng Thống Obama đến tận nhà riêng thăm bà Aung San Suu Kyi


image035

Tư gia của bà Aung San Suu Kyi ở Rangoon


image036

Nụ hôn thắm thiết của TT Obama trên má Chủ tịch đảng đối lập NLD Aung San Suu Kyi.

 

image038

TT Obama tươi cười bên Thủ Tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. trong dịp ông công du Châu Á


image040

Thủ Tướng CS Campuchia Hun Sen cụng ly nhưng không thấy có một nụ cười nào trên môi TT Obama

Obama: “Chủ quyền quốc gia không bao giờ được là giấy phép để thảm sát chính nhân dân của mình.”

image043

Dù Văn Hóa Trung Quốc hiện diện rất nhiều ở Mandalay Miến Điện nhưng đất nước Phật giáo này vẫn giữ nguyên bản sắc của mình.

 

image045

Miến Điện – Xứ sở của ngàn chùa

 

Những đám đông Việt Nam

image046

Phạm Chí Dũng

VOA 28.10.2013

Đám đông tự phát

Chiếc xe tải xám xịt của cảnh sát âm thầm luồn lách qua các ngả đường đông đúc. Trên xe là thi hài hai mẹ con sản phụ - cái chết thường thấy ở Việt Nam do tắc trách của giới bác sĩ.

Không khí bất chợt nhốn nháo. Người nhà nạn nhân và những người dân bên đường đã phát hiện ra chiếc xe. Họ hò hét và xô đẩy nhau leo lên thùng xe. Viên cảnh sát lái xe bị ép phải đi với tốc độ chậm và theo những tuyến đường do người dân chỉ định. Giao thông tắc nghẽn. Người đi đường kinh ngạc. Một số chạy theo xe cảnh sát. Chẳng mấy chốc, đám đông lên tới hàng ngàn người. Cuộc diễu hành quan tài bắt đầu…

Câu chuyện trên mới xảy ra ở Thanh Hóa vào tháng 10/2013. Trong một cơn thịnh nộ có nguyên do và cả không rõ nguyên cớ, đám đông hộ tống xe cảnh sát đến trước nhà người bác sĩ liên quan trực tiếp đến cái chết của hai mẹ con sản phụ. Tại đây, những người phẫn nộ nhất đã la hét và đập phá, trong khi bác sĩ và vợ con phải trốn về quê…

Nhiều đám đông ở Việt Nam đang hình thành theo cái cách như thế. Vô số chuyện bất công trong xã hội lại là đầu đề cho những cuộc tụ tập đông người mà các cơ quan pháp luật rất dè chừng. Tụ tập đông người lại sinh ra manh mối để dẫn đến những cuộc biểu tình mà chính quyền luôn lo sợ.

Thỉnh thoảng lại xảy ra một phản ứng đông người nhắm vào ngành y tế - nơi mặt bằng y đức đang trở nên thê thảm. Cách đây không lâu, cái chết của một cô gái ở Cà Mau đã khiến hàng trăm người bao vây bệnh viện và nhà bác sĩ. Cuộc bao vây nhanh chóng biến thành đợt tấn công tài sản và đòi tự mình trừng phạt lối hành xử vô trách nhiệm của giới “lương y như từ mẫu”. Khi lực lượng cảnh sát có phiên hiệu là 113 đến can thiệp, những người bức xúc nhất trong đám đông dân chúng còn tấn công luôn cả các nhân viên thi hành công vụ.

Những vấn nạn ngày càng dồn dập trong xã hội đã đóng góp vai trò hết sức tích cực trong cơ chế xóa nhòa tình yêu thương giữa con người với con người. Thay vì sự chia sẻ và đồng điệu như tâm cảm của tôn giáo, xã hội Việt Nam đã phân tầng một cách sâu sắc, đặc biệt giữa giới cầm quyền cai trị, những nhóm lợi ích tham lam với giới bị trị và người nghèo.

Một trong những dấu ấn không thể chìm lắng trong mối quan hệ không bằng lặng giữa hai giới trên là cuộc biểu tình quan tài ở Vĩnh Yên vào giữa năm 2013. Cái chết đột ngột của một thanh niên, bị người dân nghi ngờ gây ra bởi người nhà của một quan chức có tầm cỡ của địa phương này, đã làm bùng nổ không khí phẫn nộ chưa từng thấy nơi thị xã yên tĩnh. Có đến hàng ngàn người hoặc hơn thế khiêng quan tài kẻ xấu số dọc theo trên các tuyến đường, bất chấp hàng rào ngăn cản của lực lượng cảnh sát cơ động và chống bạo loạn.

Trong khi pháp y chỉ kết luận là nạn nhân chết đuối, đám đông biểu tình đòi phải làm rõ nguyên nhân cái chết và trừng trị kẻ thủ ác. Chỉ đến khi đó, một cuộc điều tra nội bộ mới được khởi sự. Kết quả của cuộc điều tra này đã cho thấy mối nghi ngờ của người nhà nạn nhân và dư luận là không hề sai.

Đám đông định hướng

Đám đông không chỉ sinh ra từ những cái chết y tế hoặc do mâu thuẫn xã hội. Giải tỏa đất đai và an sinh hậu giải tỏa mới là tiêu điểm tập trung đông người dân nhất.

Ban đầu, đó là những người dân thuần túy kéo đi khiếu nại và tố cáo về chính sách đền bù đất không thỏa đáng, về những hành vi ăn chặn tiền đền bù của cán bộ địa phương và những thứ vô cảm khác. Nhưng khi đã chính thức trở thành dân oan, những người khiếu kiện đã tạo nên một trong những tiền lệ cho luật biểu tình vẫn nằm trong vòng oan ức ở Việt Nam.

Không hẹn mà gặp, các dân oan đất đai rất thường tập trung tại những trụ sở công quyền ở Hà Nội và Sài Gòn. Thậm chí, đám đông được tổ chức ngày càng bài bản còn nghĩ ra một phương cách tranh đấu sáng tạo hơn: trận chiến binh chủng hợp thành được biến thái bằng sức mạnh được biểu thị tại tòa đại sứ và lãnh sự quán Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, lớp dân oan khiếu kiện đất đai đã tạo cảm hứng và không ít kinh nghiệm trận mạc cho những người bất đồng chính kiến.

Sau cao trào khiếu tố đất đai bùng nổ vào những năm 2007-2008, đến năm 2011, một đám đông khác mang màu sắc chính trị đối ngoại đã bùng lên ở Hà Nội và một phần ở Sài Gòn. Trong hai tháng giữa năm đó, có đến 11 cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra với chủ đề chống sự can thiệp của Bắc Kinh vào khu vực biển Đông. Tuy con số ban đầu chỉ chưa đến một trăm người, song sau đó đã được nâng lên đến nửa ngàn người, bao gồm các độ tuổi khác biệt và cả thành phần khác nhau.

Sự biến đổi sắc thái chính trị mới là điều làm cho nhà cầm quyền lo sợ nhất. Một đám đông tụ tập thông thường về những chuyện bức xúc xã hội có thể được xử lý nhanh chóng bằng vào “công tác nghiệp vụ”. Song phản ứng và cao hơn nữa là phản kháng về chính trị thì không dễ gì dập xóa được. Đó cũng chính là lý do sau khi lắng đọng vào cuối năm 2011, đến đầu năm 2012 đám đông chính trị lại một lần nữa bùng lên cùng với sự kiện Đoàn Văn Vươn chống cưỡng chế thu hồi đất ở Hải Phòng.

Đến lúc lúc này, đám đông đã mang một sắc thái mới: kết hợp giữa nạn nhân chịu bất công, những người hoạt động xã hội với những người muốn giương cao ngọn cờ về tư tưởng chính trị. Ngay cả báo chí trong nước cũng hết sức nhiệt tình tham gia và trở thành một đám đông rất đặc biệt: 2.000 bài viết về vụ Đoàn Văn Vươn đã ghi dấu như một kỷ lục về sự bất mãn đối với thái độ vô cảm và đặc lợi của chính quyền địa phương nói riêng và sâu xa hơn là với chính quyền trung ương.

Cũng trong năm 2012, giới quan sát ghi nhận sự kết nối vừa tự nhiên vừa khá bài bản, như một sự đồng cảm giữa các dân oan đi đòi đất với những người hoạt động chính trị và cả với các tín đồ tôn giáo. Đám đông ở Việt Nam cũng vì thế đã được nhân lên khá nhiều lần. Những cuộc tụ tập đông người không chỉ là vài chục như trước đây, mà có thể lên đến vài trăm người.

Đó cũng là lúc mà xã hội dân sự - điều bị giới tuyên giáo đảng xem là “thủ đoạn của diễn biến hòa bình” - đã manh nha bộc phát.

Nếu cuộc biểu tình đòi trả tự do cho nữ sinh viên Phương Uyên tại tòa án Long An vào tháng 8/2013 quy tụ đến hàng trăm người thuộc các thành phần chính trị mà nhà nước không hề ưa thích, thì vụ xét xử luật sư công giáo Lê Quốc Quân ở Hà Nội vào đầu tháng 10/2013 đã tập hợp đến hàng ngàn giáo dân, biểu thị sức mạnh đòi trả tự do cho giáo hữu của họ.

Vượt qua sợ hãi

Hãy trở lại với những đám đông lên đến hàng ngàn người ở Vĩnh Yên và Thanh Hóa. Trong đám đông đó, người nhà nạn nhân tất nhiên chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Số đông còn lại, tất nhiên là những kẻ tỏ mò, a dua hoặc quá khích dưới con mắt luôn thiếu thiện cảm của chính quyền.

Song những đoạn video lại cho thấy phần lớn người dân diễu hành một cách ôn hòa trên các đường phố không đơn thuần vì lý do ham vui. Một cuộc phỏng vấn bỏ túi do nhóm “phóng viên vỉa hè” thực hiện đã cho thấy nhiều người dân tự nguyện tham gia vào đám đông bởi họ mang tâm tư liên đới với những vấn nạn và bất công xã hội nhan nhản hàng ngày và ở khắp mọi nơi. Cũng trong nhận thức nhiều người dân, tụ tập dù chỉ trong im lặng vẫn thể hiện cho tinh thần đồng cảm giữa những người chung cảnh ngộ để cùng hướng đến một lối thoát nào đó.

Tâm lý sợ sệt đã dần được thay thế bởi lòng can đảm, dù chỉ là sự can đảm nhất thời và đôi khi vô thức. Trong cách nhìn của nhiều người dân, cảnh sát chỉ có thể ngăn chặn được một ít người tụ tập, còn với đám đông lớn hơn hẳn thì lại là một vấn đề khác hẳn.

Đơn giản là những người đi đường đã chuyển từ thái độ tò mò quan sát sang hành động hòa vào đám đông, đi theo đám đông, đồng cảm với không khí của đám đông về những uẩn ức tích tụ trong lòng quá lâu mà không thể phát ra. 

Đó chính là cách mà người dân biểu thị thái độ bức xúc và bất mãn, biểu thị tinh thần phản đối và phản kháng đối với chính quyền.

Hiệu ứng đám đông được tạo ra từ đó. Nếu các cuộc bàn thảo bất tận của giới trí thức vẫn chủ yếu xoay quanh bàn trà, bàn rượu mà ít khi bước chân ra đường phố, thì với những người dân ít học thức hơn, câu chuyện lại giản dị hơn nhiều. Hiện thời ở nhiều đô thị miền Bắc, chỉ cần xảy ra một vụ việc nào đó với mâu thuẫn giữa quan chức nhà nước và nhân dân, lập tức đám đông dễ dàng xuất hiện. Những va chạm giữa cảnh sát giao thông với người đi đường là minh họa rất điển hình cho sự xuất hiện đột biến ấy.

Hình ảnh tụ tập và mang tính kết nối giữa một số người đầu tiên đã khích lệ nhiều người đến sau tham dự vào đám đông mà không còn sợ bị sách nhiễu hoặc bắt bớ. Ở Bắc Giang, khi hai người dân bị cảnh sát bắt vì nghi đã đánh đến chết những kẻ trộm chó, có đến 800 người dân trong xã đồng ký đơn “nhận tội”. Thật rõ ràng, người ta đã nhìn thấy một mối kết đoàn nào đó giữa đồng loại và không còn quá sợ sự trả thù của chính quyền.

Đám đông vĩ đại

Tháng 10/2013. Một đám đông khác của dân chúng, lên đến hàng chục ngàn ở Hà Nội và hàng trăm ngàn người ở các địa phương, đã làm nên sự vĩ đại bên sự ra đi vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cho tới nay, nhiều ý kiến trong giới quan sát và bình luận vẫn ngạc nhiên tự hỏi là tại sao lại có cả một rừng người thành kính đến như thế đối với người được xem là có uy tín xã hội chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh? Họ thành kính thật sự hay còn vì nguyên do nào khác?
Xã hội Việt Nam đang xảy ra một hiện tượng tâm lý chưa từng có: trong quá nhiều thất vọng về đảng và nhà nước, người dân tự tìm đến với nhau để nương tựa vào một niềm tin còn sót lại, dù rằng niềm tin ấy đã chết.

Có lẽ đó cũng là một lý do vì sao tang lễ của tướng Giáp lại có nhiều người viếng đến thế. Đó không chỉ là tình cảm của dân chúng đối với người được xem là biểu tượng hiếm hoi bởi sự trung trinh về chữ Tâm và chữ Hiếu đối với nhân dân và dân tộc, mà còn là sự đồng quyện tự nhiên trong tâm khảm những người đến viếng. Ở đó, trước linh cữu người đã khuất, rừng người còn sống tìm thấy một không khí đồng cảm và sợi dây vô hình gắn bó họ với nhau, khác hẳn với tình trạng băng hoại đạo đức xã hội chỉ cách nhà tang lễ vài trăm thước.

Và cũng ở đó, rừng người đến viếng còn muốn biểu thị thái độ coi thường và khinh bỉ đối với lớp quan chức hậu bối - những kẻ mang thân tội ghê gớm khi đã đẩy đất nước vào thảm cảnh tê liệt đạo đức và kinh tế như ngày hôm nay.

Rất nhiều người dân muốn bày tỏ cái tôi trung trinh của họ: Chỉ khóc cho người vì dân vì nước; còn với cái chết của những kẻ vô tích sự và “ăn của dân không chừa thứ gì” - như cụm từ tán thán của bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đó lại là tiếng reo mừng đến nghẹt thở. 

Lòng khinh bỉ lại có thể biến thành nỗi phẫn uất không thể kềm chế. Nếu cứ nhìn vào cái cách mà hàng chục ngàn tín đồ công giáo ở Nghệ An và hàng triệu giáo hữu ở nhiều vùng trên cả nước biểu thị tinh thần phản kháng đối với chính quyền trong và sau vụ Mỹ Yên vào tháng 9/2013, có thể thấy ngay là phẫn uất có thể biến thành hành động phản kháng vào một thời điểm nào đó không xa, đặc biệt trong hoàn cảnh sự ứng phó của chính quyền và lực lượng cảnh sát không đủ “kềm chế”. Khi đó, đám đông hoàn toàn có thể biến thành một lực lượng tự phát và có thể tạo ra những phản ứng không lường trước đối với các chính quyền địa phương.

Ở Tunisia vào năm 2010,
sau vụ tự thiêu do quá phẫn uất của một người bán hoa quả, điều đáng ngạc nhiên là đám đông đã chỉ được hình thành bởi sự lan truyền thông tin của các em bé. Trẻ con lại dẫn đến mối quan tâm của người lớn. Vào cuối ngày đầu tiên, thay vì về nhà theo thói quen, nhiều người lớn đã chuyển sang một thói quen mới: tập hợp với nhau, giữa những người không quen biết, để đòi tổng thống phải từ chức.

Khi đám đông đã lên đến hàng triệu người, toàn bộ lực lượng cảnh sát trở nên bất động. Còn quân đội thường giữ thái độ trung lập. 

Như một quy luật, xã hội càng nhiễu nhương và hỗn loạn, giới quan chức đảng và chính quyền càng ra sức trục lợi và cưỡng bức người dân, đám đông dân chúng càng có lý do để bạo dạn hơn và liều lĩnh hơn. Tâm lý sợ hãi cũng vì thế được chuyển hóa từ thận trọng sang giễu cợt, cho đến khi bùng vượt qua ranh giới kìm nén.

Kịch bản xã hội - chính trị như thế có rất nhiều triển vọng sẽ diễn ra, vào những năm tới.
Ở Việt Nam.

Ngay tại Hà Nội.


Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 

 

31-10-2013

Sức lay động của " Dậy mà đi!"

Gs Tương Lai 

image047

Có lẽ những chàng trai cô gái say sưa hát bài "Dậy mà đi" để chào đón Đinh Nhật Uy buộc phải được trả tự do tại Tòa án Long An hôm 29.10.2013 không biết và cũng không cần biết rằng bài đó ra đời từ trong nhà tù thực dân năm 1941, khi đất nước còn nằm trong xiềng xích nô lệ. Bài thơ làm trong nhà tù thuở ấy tự nhắc nhở :

 

 " Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần ?
Huống đường đi còn lắm bước gian truân
Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu
"!

 

Thế rồi một phần tư thế kỷ sau, lời thơ được biến tấu thành ca từ của một bài hát cùng tên với điệp khúc "Dậy mà đi, dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi" ra đời trong phong trào đấu tranh chống chế độ Sài Gòn của sinh viên và thanh niên Miền Nam những năm 1966- 67. Để rồi hôm nay, lớp trẻ cháy bỏng khát vọng tự do, dân chủ lại đang hát vang khúc ca đòi bẻ gãy những xiềng xích mới.

 

Lịch sử đang đi những bước oái oăm! 

 

Câu hát năm nao bỗng như một lời tiên tri "Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu". Nếu cứ cho đó là một câu "tiên tri" thì câu "tiên tri" ấy đang biến thành lời giục giã cho cuôc chiến đấu mới " Ai nên khôn không khốn một lần" rồi trào dâng thành một làn sóng dập dồn : "Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu...Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên...". 

 

Thế rồi, " tiếng hát tung cờ ngày nào" giờ đây vang lên để vạch mặt những kẻ nhân danh lá cờ ấy để tròng một thứ xiềng xích mới lên cuộc sống của đất nước. Xiềng xích ấy đang đè nặng lên tâm tư của cả một dân tộc vốn hiểu rõ chân lý‎ không có gì quý‎ hơn độc lập tự do. Những kẻ nhân danh lá cờ ấy đang đặt những gông cùm mới lên cuộc sống của tuổi trẻ yêu nước không cam chịu cúi đầu trước bọn xâm lược phương Bắc thực thi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. 

 

Những kẻ đang cúi đầu trước bọn xâm lược lại đang đang cắm chính lá cờ ấy trên nóc nhà tù, trại giam nhan nhản khắp cả nước để uy hiếp, trấn áp những người yêu nước, bóp chết khát vọng dân chủ, tự do và quyền con người, nhằm củng cố cho một chế độ toàn trị phản dân chủ, phản tiến hóa đang bị lung lay từ chân móng. Lá cờ ấy đang bị hoen ố bởi những hành động đáng xấu hổ mà chế độ toàn trị phản dân chủ này đang gây ra cho cả dân tộc, xúc phạm đến anh linh những thế hệ Việt Nam đã nằm xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng của tổ quốc mà vì điều thiêng liêng ấy, cả núi xương, sông máu đã phải đổ ra. Thế hệ trẻ hôm nay quyết không để cho lá cờ ấy bị hoen ố. Sức lay động của tiếng hát "Dậy mà đi" khởi nguồn từ đó. 

 

Tiếng hát đón chào Đinh Nhật Uy, từ tòa án Long An bước ra là để tuyên bố trước toàn thế giới một chuyện đáng xấu hổ : Việt Nam có lẽ là nước đầu tiên một công dân bị bỏ tù vì đã sử dụng Facebook, một trong những thành tựu văn minh mà loài người có được từ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin! Đương nhiên Viện Kiểm sát và Tòa án tỉnh Long An gắng gượng viện dẫn bằng được những điều khoản này nọ để ghép “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 1 Điều 258, BLHS cho Đinh Nhât Uy. Luật sư Hà Huy Sơn đã bác bỏ tất cả những điều đó và đòi " trả tự do ngay tại phiên tòa cho ông Đinh Nhật Uy".

 

Thật ra,với Tòa án của môt chế độ toàn trị quen với những bản án "bỏ túi" thì lời lẽ và luận cứ của luật sư chỉ là vật trang sức rẻ tiền,họ bỏ ngoài tai. Họ không thể tuyên Đinh Nhật Uy vô tội và do đó phải được trắng án, phải được bồi thường. Bước đi oái oăm của lịch sử đang dẫm lên vết nhơ này. Chúng ta muốn xây dựng một nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", nhưng chế độ toàn trị phản dân chủ này đang làm ngược lại mong muốn đó. Nó đang phản bội lại lý tưởng cao đẹp của những người từng "dậy mà đi" trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Vì vậy mà hôm nay, tuổi trẻ lại đang phải "hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên...". 

 

Bản án dành cho Đinh Nhật Uy rồi cũng sẽ là bản án dành cho những người có lương tri, lương năng đang và sẽ sử dụng những thành tựu của văn minh để làm cho cuộc sống văn minh hơn, đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Họ, trước hết và chủ yếu là một thế hệ mới của những người đấu tranh cho dân chủ mà internet là công cụ rất tiện ích và có tiềm năng rất lớn . Họ lại là những người rất trẻ, đủ lòng dũng cảm và trí sáng tạo để thể hiện khát vọng của họ. Họ dùng blog và mạng lưới xã hội để trao đổi thông tin và bày tỏ tình cảm, ý nghĩ của mình, điều mà chế độ toàn trị rất kiêng kỵ! Kiêng kỵ như người ta đã từng kiêng kỵ "xã hội dân sự dân sự”.

 

Một nhà nước pháp quyền đàng hoàng sẽ không thể kết tội Đinh Nhật Uy. Bởi, nếu vậy thì rồi, 32 triệu người sử dung internet [nếu đúng như người ta loan báo để đánh bóng thành tích] đều có nguy cơ bị Điều 258 của Bộ Luật Hình sự cho vào tù bất cứ lúc nào. Nhưng không thể không dằn mặt và răn đe một trào lưu đang như những dòng suối nhỏ đổ ra sông lớn mà sức cuộn chảy của nó không một bờ bao, một con đê nào ngăn chặn nổi. Thêm vào đó, dòng sông đang xuôi về biển cả, sóng đại dương đang tiếp sức cho tốc độ bứt phá của dòng sông cuộc sống. Dư luận quốc tế đang là một sức ép hiện thực mà nhà nước toàn trị này phải tính toán. 

 

Đó là sức cộng hưởng của phong đào dân chủ trong nước từ bản Tuyên bố thực thi quyền chính trị và dân sự của giới trí thức nhân sĩ trong và ngoài nước, kết hợp với những sáng kiến của giới trẻ trong đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cùng với những bàn chân nổi giận của người nông dân mất đất rầm rập xuống đường, tạo thành một nội lực to lớn để được tiếp sức của cộng đồng quốc tế, bao gồm chính giới có mối quan hệ nhà nước với nước ta, giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thế giới và mạng lưới truyền thông quốc tế thường xuyên theo sát diễn biến tình hình ở Việt Nam .

Bước đi oái oăm của lịch sử cũng đang thể hiện ở thế giằng co chưa ngã ngủ từ đối nội cho đến đối ngoại mà cái sức cộng hưởng nói trên đang in đậm dấu ấn. Dấu ấn ấy hiện rõ trong ứng xử của người cầm quyền trong thế "tiến thoái lưỡng nan", "đi thì cũng dở, ở không xong" trước bao áp lực vì đang "nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào" những lợi ích phe nhóm khi mà những lợi ích ấy lại được đặt lên trên lợi ích của tổ quốc, lên trước lợi ích và khát vọng của toàn dân. Từ một sự kiện vụ án Đinh Nhật Uy, khởi đầu cho việc xử lý mạng lưới internet đầy bất trắc đối với một chế độ toàn trị trước một xã hội đang tỉnh thức, gây nên sự ngột ngạt trong đời sống của mọi tầng lớp nhân dân đang đối diện với bao khó khăn về kinh tế và an toàn xã hội.

 

Không hiểu điều này có nằm trong cái mà ông Tổng bí thư nọ cảm thấy"ngột ngạt” khi ông nói với cử tri quận Ba Đình ngày 27.9.2013 không, chứ ngay từ đầu thế kỷ XX thì các cụ ta trong phong trào "Duy tân" đã thốt lên rằng : "Văn minh là thế giới nào. Mà ta chìm đắm trong hào dã man"! Xin nhớ cho là tòa án của chế độ thực dân đã tửng xử vụ án "Đồng Nọc Nạn", rồi chính quyền Sài Gòn trước 75 đã không thể không nể trọng các luật sư biện hộ và đấu tranh cho công lý. Và hồi ấy, "ma tà", "lính kín","sen đầm" chưa phải tổ chức một bộ máy côn đồ du thủ du thực đông đến vậy để huy động vào việc đàn áp dân chúng. Bọn côn đồ này đánh người nhân danh công an, trước mắt công an, được công an khuyến khích, cổ vũ mà chuyện đánh đập dã man gây thương tích công dân Lưu Trọng Kiệt hay chuyện hành hung bloger Lâm Bùi trước cửa Tòa án Long An hôm rồi chỉ là một trong vô vàn những ví dụ! 

 

Nhưng bạo lực chỉ có thể là cách giải khát bằng thuốc độc. Bạo lực không khuất phục được tuổi trẻ, ngược lại, đang đổ thêm dầu vào lửa, ngọn lửa của sự phẫn nộ và ý chí đấu tranh. Cũng chính vì vậy, sức lan tỏa của bài hát "Dậy mà đi" các bạn trẻ đang hát kia đang thổi một làn sinh khí vào đời sống ngột ngạt mà xã hội đang phải chịu đựng. Xin được phép trích ra đây những lời gan ruột của bloger Lâm Bùi, người bị hành hung để chứng minh cho điều ấy :

 

"Cái đau này không phải vì là thể xác, mà là ở tâm hồn...đau vì nhà cầm quyền thay vì lắng nghe dân, tôn trọng dân, thì luôn dùng quyền lực, dùng bạo quyền để trấn áp người dân. Coi lợi ích đảng phái phe nhóm lớn hơn Dân Tộc, lớn hơn Tổ Quốc...và coi dân là kẻ thù, là thù địch. Sau phiên tòa, dù rằng Đinh Nhật Uy được hưởng án treo, được phóng thích tại tòa, nhưng đó vẫn là một bản án, một bản án bất công và Uy đã phải bị giam cầm oan uổng hơn 4 tháng trời. 

 

Đảng vẫn muốn cai trị bằng quyền lực để phục vụ cho mình, bằng sự dối trá để đầu độc người dân, bằng những điều luật mà mỗi người dân, mỗi người như chúng ta đây, khi muốn thể hiện cái Quyền Con Người chính đáng của mình...thì bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành những Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang, Nhật Uy, Nguyên Kha...và nhiều...tại sao?Hãy lên tiếng, và hãy cứ lên tiếng, vì chúng ta là con người...chúng ta không phải là những con cừu. 

 

Chúng ta không kêu gọi lật đổ hay tranh giành, chúng ta chỉ muốn họ thay đỗi, hãy xóa bỏ những điều luật không đúng, sai trái, hãy tôn trọng quyền con người của mỗi người công dân...hãy thay đổi cả chúng ta và cả họ...hãy thay đổi...thay đổi vì Việt Nam cho Việt Nam.

 

Đẹp biết bao, cao cả biết bao ý chí của tuổi trẻ, nguồn sinh lực bất tận của dân tộc! Chính họ chứ không phải ai khác đang thúc đẩy lịch sử đi tới, đang góp phần viết nên những trang sử mới của cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do, tiếp tục sứ mệnh của cha anh từng đổ máu cho sự nghiệp giành độc lập của tổ quốc. Vì, họ hiểu rằng, độc lập mà không có dân chủ và tự do, không có nhân quyền thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì cả.

 

Tác giả gửi Quê Choa

Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Quê Choa

 

Đọc thêm

 

VOA Thứ sáu, 08/03/2013

Miến Điện: Đảng NLD của bà Suu Kyi khai mạc Đại hội đầu tiên

Miến Điện diễu binh đánh dấu 65 năm độc lập từ Anh

 

Tiến trình cải cách chính trị của chính phủ Miến Điện đạt thêm một cột mốc quan trọng nữa vào hôm nay, khi Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi khai mạc Đại hội đảng lần đầu tiên.

Hơn 800 thành viên của NLD sẽ chọn ra lãnh đạo mới, duyệt xét chính sách và thúc đẩy những kế hoạch quan trọng cho cuộc bầu cử vào năm 2015.

Bà Aung San Suu Kyi, người đồng sáng lập NLD, có thể sẽ được chọn để tiếp tục vai trò lãnh đạo. NLD được phép hoạt động trở lại từ 2 năm trước sau khi chế độ quân sự kết thúc.

Bà Aung San Suu Kyi đã phải ngồi tù hoặc bị quản thúc tại gia trong hơn 10 năm vì chống đối chính quyền quân sự.

Liên đoàn Dân chủ Quốc gia nói rằng chương trình nghị sự của họ sẽ bao gồm nhân quyền, hòa giải dân tộc, dân chủ và chính sách.

 

 

Đọc thêm

Thủ tướng CS Việt Nam thăm Miến Điện

Liên minh quân sự tại Đông Nam Á?

VN + Lào + Miến + Thái + CamBot

BBC - thứ sáu, 16 tháng 12, 2011

image048

Miến Điện và Việt Nam đang xích lại gần nhau?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có chuyến thăm Miến Điện ngày 21/12, ngay sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS-4).

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay trong thông báo ngắn rằng chuyến thăm của ông Dũng và phu nhân được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Miến Điện Thein Sein.

Nội dung chuyến thăm một ngày không được thông báo trước.

Tuy nhiên giới quan sát nói ông thủ tướng chắc sẽ thảo luận với lãnh đạo nước chủ nhà về mở rộng khả năng làm ăn kinh doanh giữa hai bên và kêu gọi ủng hộ của Miến Điện, nước sẽ giữ ghế chủ tịch Asean năm 2014, cho các vấn đề mà Hà Nội quan tâm.

Ở trong nước hiện đang có kêu gọi từ một số giới về việc Việt Nam nên noi gương đổi mới dân chủ của Miến Điện.

Từ chỗ quân phiệt và cô lập, Miến Điện nay cởi mở chính trị rất nhanh.

Mới hôm 3/12, Tổng thống Thein Sein vừa ký luật lần đầu tiên cho phép biểu tình hòa bình ở trong nước.

Hợp tác tiểu vùng

Hội nghị GMS-4 sẽ diễn ra trong hai ngày 19/12-20/12 tại thủ đô Miến Điện Nay Pyi Taw với sự tham gia của lãnh đạo sáu quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và Miến Điện.

Các bên sẽ thảo luận việc phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường hợp tác trong khu vực.

Trung Quốc vừa xác nhận Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc sẽ tới dự GMS-4, thay vì Thủ tướng Ôn Gia Bảo như tin cho hay từ trước. Không hiểu sao có sự thay đổi này.

Cũng chưa rõ liệu ông Đới, người đứng đầu ngành ngoại giao của Trung Quốc, có thăm viếng Miến Điện sau khi dự hội nghị hay không.

Việt Nam và Miến Điện có quan hệ hữu hảo nhiều năm nay. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ từ năm 1975.

Việt Nam chưa bao giờ ủng hộ quyết định cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, đưa ra nhằm trừng phạt chính quyền quân sự Miến Điện.

Xích lại gần Việt Nam

Quan hệ giữa Miến Điện và bên ngoài đang có thay đổi mạnh mẽ sau khi một chính phủ dân sự lên nắm quyền ở nước này hồi năm ngoái và Nay Pyi Taw đưa ra nhiều dấu hiệu mở cửa nhanh chóng.

Miến Điện cũng đưa ra chỉ dấu xích lại gần các quốc gia Asean, trong khi tìm cách tách khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Miến Điện, Đại tướng Min Aung Hlaing, đã tới Hà Nội hồi giữa tháng 11 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, thay vì tới Bắc Kinh như truyền thống.

Chuyến đi này lúc đó được bình luận là chỉ dấu rằng quân đội Miến Điện đang muốn có liên minh quân sự tại Đông Nam Á nhằm tìm giải pháp thay thế cho Trung Quốc.

Trong khi ở Hà Nội, Đại tướng Min Aung Hlaing cũng hội kiến với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và ông Dũng kêu gọi Miến Điện "ủng hộ các doanh nghiệp của quân đội Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Myanmar, nhất là trên lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, sản xuất nông nghiệp…"

Đọc thêm

Miến Điện nhìn từ trong ra ngoài

Nguyễn Văn Huy

Nhà nghiên cứu dân tộc học ở Paris

BBC- thứ ba, 20 tháng 3, 2012

 

 Miến Điện nằm trên cửa ngõ xuống Vịnh Bengal của Trung Quốc. Đường ranh giới mầu đỏ phát xuất từ Điện Biên Phủ dọc theo biên giới Miến – Hoa chay qua tới Bhutan, Nepal, Pakistan, Afganistan. 

Miến Điện cùng Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia là năm quốc gia trên bán đảo Trung Ấn nằm trong kế hoạch mở đường xuống vùng biển phía Nam của Trung Quốc.

Từ năm 1995, Bắc Kinh tiến hành đề án xây dựng Năm Vùng Kinh tế đặc biệt, gọi tắt là SEZ (Special Economic Zone) và 14 Thành phố Hải cảng Mở (Open Coastal Cities) dọc các bờ biển.

Cơ hội đã đến khi năm 1992, Campuchia, Lào, Miến Điện và Việt Nam, gọi tắt là CLMV, và Thái Lan là năm quốc gia được Ngân Hàng Phát triển Á Châu mời tham dự vào đề án xây dựng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion) để bảo đảm nguồn cung cấp lúa gạo cho toàn khu vực.

Mở đường xuống Vịnh Bengal

image050

Không ngờ chương trình này trùng hợp với dự án xây dựng các Vùng Kinh tế đặc biệt của Trung Quốc và năm 2009, Bắc Kinh đã thành công trong việc gán ghép các tỉnh Quảng Châu, Vân Nam vào tiểu vùng sông Mêkông để tạo thành một khu vực kinh tế lớn hơn, rộng 2,6 triệu km2 với 326 triệu dân.

Từ đó đến nay, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tàu lãnh đạo tiểu vùng hạ lưu sông Mêkông.

Khi quốc lộ 13 nối liền Lào và Quảng Tây hoàn tất, chắc chắn Bắc Kinh sẽ đề nghị canh tân toàn bộ hệ thống hạ tầng cơ sở chiến lược của Campuchia: phi trường, hải cảng, bến cảng, trục lộ giao thông chính để bảo đảm nguồn tiếp tế tài nguyên nhiên vật liệu từ vịnh Thái Lan vào tỉnh Quảng Tây.

Chỉ còn lại Thái Lan, một quốc gia dân chủ mà Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo vào quỹ đạo ảnh hưởng. Những xáo trộn chính trị gần đây tại Thái Lan nằm trong kế hoạch hoạch này.

Để thực hiện kế hoạch mở đường xuống vùng biển phía Nam, Bắc Kinh đang củng cố ba tuyến đường bộ từ biên giới Vân Nam xuống Vịnh Bengal và Vịnh Thái Lan. Tuyến thứ nhất từ Côn Minh đến Mandalay (Miến Điện), tuyến đường thứ hai từ Côn Minh đến Chiang Rai (Thái Lan) băng ngang tiểu bang Shan của Miến Điện, tuyến đường thứ ba cũng từ Côn Minh đến Chiang Rai (Thái Lan) nhưng qua các tỉnh Luang Nam Tha va Bokeo trên lãnh thổ Lào.

Trong sách lược mở đường xuống phía Nam, Miến Điện có lẽ là vùng đất lý tưởng mà ban lãnh đạo tại Bắc Kinh nhắm tới : diện tích rộng (678.500 km2), dân số thấp (48 triệu người), nhiều tài nguyên thiên nhiên lại có một vùng biên giới dài 2.185 km với Trung Quốc.

Về quân sự, từ năm 1988, Trung Quốc trở thành quốc gia cung cấp vũ khí chính của Miến Điện, từ các loại súng hạng nhẹ, đại pháo đến các loại xe bọc sắt, chiến xa và phi cơ chiến đấu. Với lượng vũ khí này, chế độ quân phiệt Miến Điện dẹp tan các cuộc nổi dậy của người thiểu số. Năm 1989, với sự dàn xếp của Trung Quốc, Rangoon đã thành công trong việc thuyết phục 17 nhóm sắc tộc vũ trang chấp nhận buông súng và ký một hiệp ước đình chiến. Bù lại, các nhóm sắc tộc được toàn quyền quản lý nguồn thuốc phiện sản xuất tại địa phương.

Về dầu khí, cho đến năm 2004 chỉ Total của Pháp được quyền dò tìm và khai thác dầu khí tại Yanada (từ năm 1992), một khu vực nằm giữa Miến Điện và Thái Lan. Mặc dù sinh sau đến muộn, từ sau 2004, 16 công ty quốc doanh Trung Quốc làm chủ 21 dự án khai thác dầu khí lớn. Miến Điện có nguồn trữ lượng khí đốt thiên nhiên tại Sittwe đứng hạng thứ 10 trên thế giới. Công ty PetroChina, một chi nhánh của tổ hợp quốc doanh China National Petroleum Corporation (CNPC), được quyền khai thác 30 năm khi đốt thiên nhiên tại Sittwe trong vịnh Bengal.

Về hạ tầng cơ sở, các công ty Trung Quốc được quyền tự do ra vào Miến Điện khai thác tài nguyên, xây dựng đường sá và bến cảng để vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu.

Năm 2006, tổ hợp CNPC được quyền xây dựng hai ống dẫn khí đốt và dầu hỏa, với một tổng trị giá 2,5 tỷ USD, từ cảng Kyaukphyu trong vịnh Bengal đến Vân Nam. Khởi công xây dựng từ tháng 9-2009, sau khi hoàn tất vào năm 2013, ống dẫn dầu dài 1.200 km có khả năng tải 400.000 thùng dầu/ngày và ống dẫn khí đốt dài hơn 2.800 km sẽ chuyển 12 triệu m3/năm vào tỉnh Vân Nam.

Về thủy điện, doanh nhân Trung Quốc gần như chiếm độc quyền xây dựng và khai thác các đập thủy điện trên thượng nguồn các sông Irrawaddy, Salween và Sittang. Cho đến năm 2007, 45 công ty Trung Quốc làm chủ 65 dự án xây đập thủy điện nhằm chuyển toàn bộ điện năng sản xuất sang Vân Nam sau khi hoàn tất.

Về kinh tế, phải chờ đến năm 1998, sau những vụ sạt lở đất lớn trong các tỉnh Quý Châu, Vân Nam và Quảng Tây do nạn phá rừng bừa bãi gây ra, Bắc Kinh ra lệnh cấm khai thác gỗ tại mẫu quốc, doanh nhân Trung Quốc liền vượt biên sang Miến Điện và Lào khai thác gỗ. Ngoài 10 công ty khai thác khoáng sản đang hiện diện tại Miến Điện, doanh nhân Trung Quốc còn làm chủ 6 công trình khai thác khoáng sản lớn trong bang Kachin và Shan.

Từ sau khi được quyền hoạt động trên lãnh thổ Miến Điện, doanh nhân và di dân Trung Quốc đã ồ ạt vào các thị trấn và thành phố xây nhà, lập phố tạo dựng cơ sở làm ăn. Trong thành phố, doanh nhân gốc Hoa tìm mọi cách chiếm hữu những địa điểm có lợi ích kinh tế cao : khu vực trung tâm, các trục lộ giao thông chính, bến cảng, phi trường, đường bộ, đường sông. Trên vùng đồi núi và đồng bằng, người Trung Quốc thuê bao những khu đất lớn để khai thác gỗ và trồng cây công nghiệp.

Doanh nghiệp Trung Quốc chỉ tuyển công nhân Trung Quốc vào làm việc những công trường, người địa phương chỉ được tuyển dụng vào những công việc không chuyên môn và ngắn hạn. Trong những vùng có nhiều tài nguyên quí hiếm (vàng, đá quí, gỗ mun, voi và thú rừng), hàng ngàn người Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào khai thác, bất chấp sự phản đối của các chính quyền địa phương.

Cho đến nay, gần như toàn bộ hệ thống buôn bán sỉ và một số ngành bán lẻ (áo quần và máy móc gia dụng) nằm trong tay người gốc Hoa.

Thêm vào đó, do thiếu cạnh tranh, doanh nhân Trung Quốc đã gần như độc quyền trong các ngành xây dựng và kinh doanh địa ốc và gây ra nạn đầu cơ làm giá cả hàng hóa, xăng dầu và nhà đất gia tăng, khiến các sư sải phải xuống đường chống đối năm 2007.

Nói tóm lại, trong sách lược hợp tác để cùng phát triển này, chỉ người Trung Quốc được quyền hưởng lợi, người Miến Điện quyền phục vụ.

Xung đột vì nha phiến

Nhìn lại quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc từ năm 1988 đến nay, Bắc Kinh đã tận tình giúp đỡ và bao che chế độ quân phiệt Miến Điện trước búa rìu dư luận quốc tế. Trung Quốc không những là quốc gia cung cấp vũ khí chính mà còn là quốc gia tài trợ và đầu tư lớn nhất tại Miến Điện.

Nhưng sự bao che và giúp đỡ này không miễn phí, ngoài lãi suất thấp và được trả góp trong một thời gian dài, Bắc Kinh còn muốn khống chế luôn giai cấp cầm quyền và chiếm hữu toàn bộ những nguồn lợi của quốc gia này.

Mặc dầu vậy, Bắc Kinh vẫn không tin tưởng vào sự trung thành của các cấp tướng lãnh cầm quyền, vì đa số được đào tạo trong một môi trường văn hóa Anh, tức môi trường dân chủ mà Bắc Kinh rất e ngại. Nếu Miến Điện có dân chủ, Trung Quốc sẽ mất vai trò độc tôn, nguồn vốn khổng lồ bỏ ra có thể sẽ bị mất trắng. Sự nghi ngại càng tăng khi biết giới quân phiệt Miến Điện đang muốn tách khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh khi liên lạc với Bắc Triều Tiên để giúp sản xuất vũ khí nguyên tử.

Để làm áp lực, Bắc Kinh đã phạm một sai lầm lớn khi trang bị vũ khí và lôi kéo những cộng đồng sắc tộc sinh sống trên vùng biên giới về phía mình. Miến Điện và Trung Quốc có một đường biên giới dài 2185 km, trải dài trên hai bang Kachin và Shan.

Đây là một khu vực rất phức tạp vì là nơi sinh sống của hơn 100 trên tổng số 135 sắc tộc tạo thành dân tộc Miến Điện.

Cho tới nay chưa có lực lượng đồng bằng nào làm chủ được khu vực này vì một lý do tất cả các cộng đồng sắc tộc sinh sống trong vùng này đều được trang bị đủ loại vũ khi tối tân. Sinh hoạt cổ truyền của các sắc tộc này là nghề làm rẫy, nhưng sinh hoạt mang lại nhiều lợi tức nhất là khai thác đá quí, trồng cây anh túc làm thuốc phiện và áp tải những bánh thuốc phiện này xuống đồng bằng.

Để cùng tồn tại, những nhóm sắc tộc vũ trang này đã kết hợp lại thành một khối để áp tải thuốc phiện và phân chia quyền lợi lẫn nhau, đây là một kết ước bất thành văn mà không ai được quyền vi phạm.

Nhắc lại, từ tháng 10-1949, Quốc Dân Đảng Trung Hoa bị phe cộng sản đánh bật ra khỏi lãnh thổ, thành phần chủ lực theo Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan lập căn cứ, số còn lại chạy về phía Nam trốn trong những vùng rừng núi giáp ranh với Miến Điện, Thái Lan và Lào dựng lập chiến khu.

Được CIA yểm trợ, tàn quân Quốc Dân Đảng tuyển mộ và huấn luyện các sắc dân thiểu số chống lại quân cộng sản tại Hoa Lục.

Năm 1965, Rangoon thành lập những đội dân phòng người sắc tộc (Kha Kwe Yei) để cạnh tranh với những đội áp tải do Quốc Dân Đảng bảo kê. Biện pháp mới này không ngờ mang lại hiệu quả, các đội dân phòng áp tải thuốc phiện xuống đồng bằng một cách an toàn và ăn chia sòng phẳng với quân đội.

Cùng với chiến dịch loại trừ tàn quân Quốc Dân Đảng, Rangoon muốn chiếm luôn địa bàn sản xuất thuốc phiện bằng cách hạn chế thế lực của các lãnh chúa (sahopa) người Shan, đồng minh của Quốc Dân Đảng.

Shan là một sắc tộc lớn gốc Thái, hơn 2,5 triệu người, sinh sống trong thung lũng sông Salween giữa tỉnh Vân Nam và Thái Lan. Trước biện pháp mới này, người Shan đe dọa tách khỏi liên bang, Rangoon phải nhượng bộ năm 1958 nhưng đồng thuận quốc gia đã mất.

Một tướng người Shan, Sao Gnar Kham, cùng những lãnh chúa Shan khác thành lập quân đội riêng và tiếp tục quản trị vùng đất rộng lớn miền Đông Bắc và liên kết với các lực lượng Quốc Dân Đảng, được Bangkok đỡ đầu, chống lại Rangoon.

Làng Ban Hin Taek, tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) trở thành đại bản doanh của quân đội Shan. Năm 1962, các nhóm võ trang Quốc Dân Đảng và Shan tôn Moh Heng, một người Hoa tại Kokang, lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Thay vì chống lại Rangoon, năm 1964 những nhóm này kết hợp lại thành hai đạo quân lớn tại tỉnh Chieng Mai (Thái Lan) để bảo vệ các vùng canh tác và áp tải thuốc phiện xuống đồng bằng: Đạo quân thứ 3 do tướng Li Wen Huan chỉ huy, bộ tham mưu đặt tại làng Feng và Đạo quân thứ 5 do tướng Duan Shi Wen lãnh đạo, bộ chỉ huy đóng tại làng Mae Salong.

Lợi tức do buôn bán thuốc phiện quá hấp dẫn, những nhóm sắc tộc nhỏ hơn cũng tham gia phong trào buôn lậu. Năm 1950, Trung Quốc giúp người Kachin thành lập Mặt Trận Nhân Dân, trang bị hơn 6.000 tay súng chống lại tàn quân Quốc Dân Đảng. Bắc Kinh bị hố to, với số lượng vũ khí có được, các nhóm vũ trang Kachin hợp tác với Quốc Dân Đảng sản xuất và áp tải thuốc phiện.

Những nhóm nhỏ hơn như người Pao (200.000 dân), người Wa (500.000 dân), người Paluang (200.000 dân), người Lahu (100.000 dân) cũng được Trung Quốc trang bị vũ khí và tất cả đều trở mặt theo Quốc dân Đảng và người Shan để được chia phần.

Thủ lãnh Sao Gnar Kham bị Quốc Dân Đảng ám sát tại Thái Lan năm 1964 sau một vụ chia chác không đồng đều. Năm 1966, Moh Heng rời lực lượng võ trang Shan để thành lập lực lượng cách mạng thống nhất dưới quyền điều động của Đạo quân thứ 3 của tướng Li Wen Huan ; Lo Hsing Han dẫn lực lượng Kokang theo Đạo quân thứ 5 phò tướng Duan Shi Wen (Lo Hsing Han sản xuất heroin 999 tinh chất nhất Đông Nam Á); những chiến sĩ trẻ can đảm rủ người Lahu phục vụ tướng Naw Seng vùng Đông Bắc.

Từ năm 1973, Khun Sa, tên thật là Lo Chang, là một người Shan gốc Hoa (tên Chang Chi Fu -Trương Kỳ Phu) tại Kokang, trở thành nhân vật lãnh đạo Khu Tam Giác Vàng. Khun là một tước vị quí tộc nhỏ của người Thái, Sa là ông Trùm; người Shan gọi ông là Sao Mong Khawn, người Miến là Khun Yo, và đặt tên tổ chức mới của ông thành Lực lượng Thống nhất Shan" (SUA) cho có vẻ dân tộc.

Năm 1982, Khun Sa rút qua Miến Điện, kết hợp với các nhóm võ trang Kachin và đảng cộng sản Miến (cả hai lực lượng này cung cấp 70% lượng thuốc phiện tại Miến) phòng thủ lãnh địa mới và mở rộng địa bàn sản xuất sang Lào do người Hmong phụ trách. Năm 1984, tất cả các tổ chức lớn nhỏ liên quan đến việc buôn bán hay áp tải thuốc phiện trong khu Tam Giác Vàng đều đặt dưới quyền của Khun Sa.

Phản ứng lại Trung Quốc

Năm 1989, tướng Khin Nyunt của Miến Điện đã thành công trong việc kêu gọi 17 nhóm sắc tộc vũ trang ký thỏa ước đình chiến. Bù lại, những nhóm sắc tộc này được quyền "tự do hoạt động kinh tế" (trồng và áp tải thuốc phiện) như trước.

"Chính quyền quân phiệt Miến Điện khám phá Trung Quốc đang tái vũ trang những nhóm sắc tộc gốc Hoa"

Sự "bình yên" giữa giới buôn bán thuốc phiện và giới quân phiệt Miến Điện chấm dứt khi đầu thập niên 1990, chính quyền Vân Nam nhảy vào cuộc và kêu gọi thành lập Khu Kinh Tế Tứ Giác (Quadrangle Economic Zone), quanh bốn thành phố chính : Côn Minh (Vân Nam), Kengtung (tiểu bang Shan, Miến Điện), Chiang Mai (Thái Lan) và Luang Prabang (Lào), để cạnh tranh với các nhóm vũ trang địa phương của Miến Điện.

Sự "cạnh tranh bất chính" này xâm phạm đến quyền lợi của giới quân phiệt Miến Điện. Cũng nên biết, mặc dù cấm buôn bán và vận chuyển thuốc phiện trên toàn lãnh thổ, các nhóm quân phiệt địa phương đã làm ngơ cho các nhóm sắc tộc chuyển hàng xuống vùng biển bằng cách đóng tiền mãi lộ, rất cao, khi đi ngang qua các trạm kiểm soát.

Để cảnh cáo phía Trung Quốc, năm 2004, tướng Khin Nyunt, nhân vật số ba của chính quyền quân phiệt, bị bắt về tội bán đứng quyền lợi quốc gia cho Trung Quốc. Những hoạt động mờ ám của doanh nhân Trung Quốc đang được chính quyền quân phiệt đưa dần ra ánh sáng.

Chẳng hạn như vụ đập Myitsone, Trung Quốc đã giao cho công ty Asia World Company - mà giám đốc không ai khác hơn là Tun Myint Naing (Steven Law), con trai của ông trùm Khun Sa - quyền vận chuyển "vật tư", thật ra là thuốc phiện, vàng và đá quí sản xuất trong tiểu bang Kachin, từ Miến Điện sang Vân Nam bằng voi (hơn 100 con).

Sự bất mãn đối với Bắc Kinh càng gia tăng khi, năm 2009, chính quyền quân phiệt khám phá Trung Quốc đang tái vũ trang những nhóm sắc tộc gốc Hoa, đặc biệt là người Pao, người Wa và người Kokang, sinh sống dọc vùng biên giới, mà mục tiêu không gì khác hơn là làm suy yếu quyền lực của chính quyền trung ương.

Thêm vào đó, dọc các trục lộ xuyên biên giới Vân Nam-Miến Điện, nhà cửa, hàng quán, sòng bạc và khách sạn của người Hoa mọc lên như nấm để thu hút nguồn lợi tức do những nhóm áp tải thuốc phiện có được. Doanh nhân Trung Quốc đến Miến Điện để đầu tư và khai thác tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện để mang về nước, bất chấp môi sinh, môi trường và đời sống của người địa phương.

Không người Miến nào nắm chức vụ cao trong các công ty của Trung Quốc, toàn bộ lực lượng nhân công của các công ty Trung Quốc đều đến từ Trung Quốc. Khi hết hạn làm việc, tất cả đều tìm cách ở lại để buôn bán và đang là một đe dọa cho sinh hoạt kinh tế của Miến Điện.

Miến Điện đang biến thành thuộc địa của chính sách thực dân mới của Trung Quốc. Phản ứng của chính quyền Miến Điện tuy có muộn nhưng vẫn còn có thể cứu vãn được nếu hạn chế được sự lạm quyền của doanh nhân Trung Quốc. Nhóm quân phiệt Miến Điện tuy có độc tài nhưng vẫn còn nghĩ đến quyền lợi quốc gia. Tổng thống Thein Sein có lẽ sẽ là Gorbachev của Miến Điện.

Trường hợp Miến Điện rất đáng để chính quyền cộng sản Việt Nam suy ngẫm. Việt Nam cần làm gì khi người Trung Quốc đang thao túng sinh hoạt chính trị và kinh tế của đất nước, đó là chưa kể đã khống chế những địa điểm phòng thủ chiến lược vùng Tây Bắc và trên Tây Nguyên.

Câu trả lời nên nhường cho những đảng viên còn yêu nước.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Văn Huy, tiến sỹ ngành dân tộc học, hiện sống và làm báo tại Paris, Pháp.

11 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 21465)
Ở Việt nam hiện nay, đảng CSVN là đảng duy nhất hoạt động giữ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội. Các tổ chức chính trị khác ở trong hay ngoài nước đều bị coi là bất hợp pháp. Điều đó dễ gây ra tâm lý cho rằng đảng CSVN hiện nay không có đối thủ.
08 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 21190)
Ngày 28/11/2013, Quốc hội nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) biểu quyết thông qua Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992. Nội dung Hiến pháp "mới" chỉ khẳng định thêm tham vọng độc tài quyền lực cố hữu của đảng cầm quyền.
28 Tháng Mười Một 2013(Xem: 19506)
Cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường cần có nhiều hoạt động dân sự để hỗ trợ vai trò của nhà nước. Trong thời gian qua, các hoạt động dân sự như vậy, dù không được nhà nước chính thức công nhận, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường cũng như nâng cao ý thức về môi trường của người dân. Kính Hòa trình bày.
25 Tháng Mười Một 2013(Xem: 28638)
Huỳnh Ngọc Chênh dẫn theo Tin Không Lề: Đây là nội dung phát biểu của bà Dương Thu Hương, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, tại Hội thảo Góp ý văn kiện Đại hội 11. Do nội dung phát biểu này vẫn còn tính thời sự, nên mình đã nhờ một CTV đưa lên YouTube để chia sẻ cùng bà con.
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 19884)
Với thể thức chọn 4 chỉ loại 1 trong 5 ứng viên của khu vực châu Á, các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Maldives và Saudi Arabia đã trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2014-2016. Trước đó, việc Jordan rút tên khỏi danh sách ứng viên đã mở đường cho 4 quốc gia kể trên đắc cử một cách đương nhiên và không có cạnh tranh.
05 Tháng Mười Một 2013(Xem: 25085)
Chương trình nghị sự đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 13 đã qua “vòng 1” – nghe giải trình và thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Việc còn lại của sự lựa chọn và phán quyết đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là công việc hết sức quan trọng, nhưng vô cùng khó khăn vì còn nhiều khoảng cách khác nhau cho sự lựa chọn đó, đòi hỏi Đại biểu Quốc hội tiếp tục suy tư, trăn trở để xác định lời giải cho mình về những vấn đề lớn của dân của nước đặt ra đối với sửa đổi Hiến pháp.
28 Tháng Mười 2013(Xem: 21061)
Bản Ghi Nhớ này, từ các hồ sơ đã giảỉ mật, viết bởi Paul M. Kattenburg, Phó Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Cuộc nói chuyện này diễn ra 3 tuần sau khi LS Trần Văn Chương (cha của bà Nhu) từ chức Đại sứ VN tại Hoa Kỳ và bả Trần Văn Chương (mẹ của bà Nhu) từ chức Quan sát viên VNCH tại LHQ.
24 Tháng Mười 2013(Xem: 22582)
Hồ sơ này là cuộc phỏng vấn ngày 26-9-1963 tại Sài Gòn, do Giáo sư Bromley Smith trả lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara lúc đó đang thăm VN. Hồ sơ Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi rằng GS Smith là ‘Executive Secretary of the National Security Council’ -- Thư ký điều hành Hội Đồng An Ninh Quốc Gia -- thực ra, là một nhà văn Hoa Kỳ đã ủng hộ ông Diệm nhiều năm, cho tới khi thất vọng vì các chính sách anh em ông Diệm-Nhu truy bức Phật Giáo và các thành phần dân chúng.
21 Tháng Mười 2013(Xem: 24045)
Các hồ sơ giải mật gần đây cho thấy TT Kennedy đã thấy thua từ cuối 1961, nên thu xếp từ mùa xuân 1962 để giảm sự tham dự quân sự Hoa Kỳ trở về mức tương đương với đầu năm 1961. Và vào ngày 11 tháng 10-1963, TT Kennedy đã ra một lệnh bí mật để lập kế hoạch rút 1,000 cố vấn (trên tổng số gần 17,000) từ VN về Mỹ vào cuối năm 1963
14 Tháng Mười 2013(Xem: 21890)
Một số người trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã nêu lên lý luận rằng, vì Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy trong năm 1963 đã đòi đưa quân Mỹ vào Việt Nam, nhưng bị Tổng Thống Diệm phản đối, nên Hoa Kỳ mới thúc đẩy các cuộc biểu tình của Phật Giáo để lật đổ ông Diệm hầu dễ đưa chiến binh Mỹ vào miền Nam VN. Từ đó, để “giải tội” cho ông Diệm, họ cũng đã phóng to thành kịch bản “ông Diệm bảo vệ quyền tự quyết” nên bị Mỹ xúi giục các tướng lãnh đảo chánh !
07 Tháng Mười 2013(Xem: 20674)
Diễn đàn Xã hội Dân sự, sau đây gọi là Diễn Đàn, đã vừa tròn 10 ngày. Nhiều người ký, nhiều bạn đọc muốn biết nhiều hơn về Diễn Đàn, bài viết này muốn làm rõ một vài điểm về Diễn Đàn.
01 Tháng Mười 2013(Xem: 24974)
Hiến pháp hiện hành của nước ta quy định tại điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 21523)
Westminster (Bình Sa)- - Lúc 10 giờ sáng Thứ Ba ngày 10 tháng 9 năm 2013 tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí (Nhà hàng ZEN) Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa tổ chức buổi họp báo để nói qua ý nghĩa sự ra đời của phong trào và công bố bản Tuyên Ngôn của Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời phổ biến thư mời tham dự ngày Nghị Hội 2013.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 23473)
Vào ngày Chủ Nhật 15/9/2013, một Nghị Hội do Phong Trào Đoàn Kết VNCH dưới sự lãnh đạo của Ls Ts Lê Trọng Quát Cựu Quốc Vụ Khanh Chính Phủ VNCH và Gs Ts Nguyễn Thanh Liêm Cựu Thứ Truởng Bộ Giáo Dục Chính Phủ VNCH tổ chức thu hút gần 400 người tham dự.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 22516)
Nhân dịp Ngày Quốc Tế Dân Chủ (International Day of Democracy) 15 tháng 9, hôm nay nhiều chục nhà lập pháp từ 18 quốc gia dân chủ trên thế giới tề tựu ở Quốc Hội Hoa Kỳ để chia sẻ kinh nghiệm và bàn luận kế hoạch đẩy rộng trào lưu dân chủ toàn thế giới.
23 Tháng Chín 2013(Xem: 27802)
Ngày 12/09/2013, vào khoảng 7 giờ sáng, các nhân viên an ninh Việt Nam đến nhà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang để tra hỏi về các bài viết của ông mới đưa lên mạng, đặc biệt trong đó có bài viết chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ký kết văn bản hợp tác với lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có thỏa thuận để « công an Trung Quốc vào lập trật tự trị an ở Việt Nam » và bài báo về nghi vấn Hồ Chí Minh là người Việt hay người Tàu của đại tá Phạm Quế Dương, đăng trên Tập san Tổ Quốc.
18 Tháng Chín 2013(Xem: 22408)
Trên tinh thần tranh đấu cho một nước Việt Nam thật sự Tự do Dân chủ và Nhân quyền, Phong trào Đoàn kết VNCH trân trọng kính mời quý cơ quan Truyền thông Báo chí Việt ngữ đến tham dự buổi họp báo diễn ra tại: Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí
18 Tháng Chín 2013(Xem: 20801)
WESTMINSTER – Sáng Thứ Ba, ngày 10-9-2013 Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa do Giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm làm Chủ Tịch đã mở cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí (Quán Zen) để phổ biến Cương Lĩnh và Tuyên Ngôn của Phong Trào...
11 Tháng Chín 2013(Xem: 20073)
Thực sự, 1989 đã không chỉ xảy ra trong năm 1989. Trong khi thế kỷ thứ hai mươi đã không bắt đầu cho đến 1914, và thế kỷ thứ hai mươi mốt đã không bắt đầu cho đến tháng Chín 2001, thì 1989 đã thực sự bắt đầu ít nhất một chục năm trước. Nhưng bị thôi miên bởi cảnh lễ hội (carnival) bắt mắt xảy ra trên đỉnh bức tường Berlin, hầu hết thế giới đã không nhận ra rằng cái đã có vẻ như sự sụp đổ đột ngột của chế độ cộng sản đã không là một phép màu cũng đã chẳng là thành tựu của các cường quốc nước ngoài. …