Nụ cười bí hiểm ở phiên tòa Hà Nội

16 Tháng Giêng 20186:48 CH(Xem: 12044)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ TƯ 17 JAN  2018


Nụ cười bí hiểm ở phiên tòa Hà Nội


Phía sau tấm ảnh cười của ông Thăng và bên trong “chiếc túi gì mà ghê thế” của ông Thanh


Fr: Michelle Newton La


Fr: "Dr Hanh Le" <drlehanh@gmail.com>
To: vaamacali@gmail.com


Tháng Một 15, 2018


Nếu bỏ qua mái tóc rũ và khuôn mặt tiều tụy hơn, thì có thể thấy nụ cười của ông Đinh La Thăng sau ngày xét xử thứ 4, không khác mấy nụ cười khi ông đương chức.


image024

Đinh La Thăng ngồi băng sau xe cảnh sát cười tươi rói.


Đó là một nụ cười tươi. Tươi không che giấu.


Chỉ có ông Thăng mới biết chính xác tại sao mình lại cười trong những ngày ảm đạm nhất cuộc đời. Nhưng có lẽ đó là nụ cười khi ông Thăng vẫn còn “nhìn thấy ngày trở về” với cuộc đời bình thường, sau quãng thời gian sẽ phải trả giá theo quy định pháp luật.


Trái lại, Trịnh Xuân Thanh không cười. Rất dễ hiểu khi ông này kiên quyết phủ nhận việc tham ô 4 tỉ đồng, vì ông ta biết, nếu bị khép tội đó, đường trở về với cuộc sống bình thường sẽ dài lắm.


Có một chi tiết rất hay là thuộc cấp và tài xế đã khai ông Thanh dùng những túi to để đựng tiền tỉ – số tiền theo họ là Thanh đã chiếm.


Có hay không có gì bên trong những chiếc túi của ông Thanh, cơ quan tố tụng sẽ làm rõ. Nhưng điều chắc chắn đã rõ là tài sản nhà nước đã bị nhét cả ngàn tỉ vào chiếc túi thất thoát.


Bên trong chiếc túi thất thoát ấy càng nặng, thì ông Thanh càng khó mỉm cười.


image025

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cười tươi rói được cảnh sát áp giải ra xe để đưa về trại tạm giam chiều 16/1. Ảnh: Việt Hùng.


Người ta thường cười tươi khi mãn nguyện, hạnh phúc, thành công. Không ai cười khi đối diện với vòng lao lý. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.


Hình ảnh ông Thăng, dù bị đề nghị 14-15 năm tù, vẫn có thể cười, tuy chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng người khác nhìn vào đã có thể thấy hết bi kịch của một người đi trên đường quan lộ nhưng thiếu một “chiếc lồng nhốt quyền lực”.


Đừng nghĩ là chiếc lồng ấy chỉ được tạo ra bởi cơ chế, pháp luật. Chiếc lồng ấy còn phải được  hình thành từ sự lựa chọn thái độ sống, lựa chọn cách để có thể mỉm cười của mỗi người.


Như kẻ đánh bạc, khi thắng một triệu lại say máu muốn triệu thứ 2, thứ 3, mấy ai muốn dừng lại.


Tôi đã gặp một ông vua trúng xổ số độc đắc ở Nghĩa Tân, Hà Nội. Ông trúng độc đắc ít nhất 4 lần; giải nhất, nhì, ba khoảng hơn chục lần, nhưng đến cuối đời vẫn sống trong một căn nhà bình thường. Sau mỗi lần trúng, ông càng say máu hơn, có ngày ông mua đến 300 tờ vé số. Bao nhiều tiền trúng lại theo đó mà ra đi hết.


Cờ bạc cũng gây nghiện như quyền lực.


Người nghèo có thể nở nụ cười mãn nguyện khi kiếm được 100 ngàn. Nhưng người mê quyền lực sẽ khó có thể cười khi không thấy thêm nhiều đệ tử, khi không được tâng bốc, khi không được hầu hạ, cung phụng…


Người giàu thì sơn hào hải vị cũng thấy tầm thường, nhưng kẻ lạc rừng lâu ngày hết sạch thức ăn sẽ cười mãn nguyện khi được mời chút cơm nguội từ đồng loại.


Nụ cười của một bị cáo nào đó sau khi nhận được mức án đề nghị, có lẽ cũng giống như người lạc rừng kia. Mức án tù đương nhiên lạnh lùng đắng đót hơn món cơm nguội nhiều, nhưng làm gì còn lựa chọn khi một người đã sai lầm, , lạc lối trong “khu rừng quyền lực”.


Ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP, con trai nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, có những nguyên tắc rất hay để “nhốt việc lạm dụng quyền lực vào chiếc lồng”.


Đầu tiên là việc ông khẳng định mình không bao giờ nhận hối lộ, luồn cúi để làm giàu nhanh, thăng tiến nhanh. Sau đó là việc thấy điều gì sai thì nhất quyết không làm, dù có bị người cấp cao ép.


Trong phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, chúng ta nghe được rất nhiều lời khai của thuộc cấp hai ông này, rằng: biết sai nhưng vẫn phải làm, bị ép, không làm không được.


Chính ông Thăng cũng thừa nhận do nôn nóng nên đã ép cấp dưới làm những việc không đúng quy định.


Cả ông Thăng và những thuộc cấp này đều bị con ngựa bất kham quyền lực tha lôi đi trong khi họ tưởng mình mới là người cầm cương ngựa. Cấp dưới thì sợ hãi trước quyền lực cấp trên. Cấp trên thì tưởng quyền năng mình vô hạn.


Chính vì vậy, nếu không có nguyên tắc sống đúng, quyền lực sẽ là thứ dễ làm tha hoá con người nhanh nhất.


Điều khiến ông Lê Mạnh Hà có thể mỉm cười mãn nguyện, dù 40 tuổi vẫn là công chức bình thường, dù yên vị giám đốc sở đến 7 năm, dù đến khi về hưu không ngồi ở những cái ghế có thể cao hơn nữa như đánh giá của nhiều người, là ông luôn thanh thản. Càng thanh thản khi cầm sổ hưu.


Thái độ sống và sự lựa chọn không làm nô lệ cho quyền lực, không xin xỏ người bố quyền lực của mình, khiến ông Hà khó lên cao hơn, nhưng  lại được lòng dân và cấp dưới.


Tôi chơi với một doanh nhân trẻ, đã từng là TGĐ một tổng cty lớn, đang rời cơ quan nhà nước ra làm startup riêng. Ngồi uống trà với nhau trong những ngày này anh thở  phào: “Nếu mình làm việc không giữ được nguyên tắc: Cái gì biết sai nhất định không ký, không làm, dù bị ép; khi thấy những cái túi đựng tiền như thuộc cấp Trịnh Xuân Thanh khai, nếu không biết dũng cảm khước từ…, thì có thể bây giờ tôi cũng đứng ở trong một phiên xử giống mấy người kia. Nhiều quá.


Nhấp chén trà, cười rất tươi khi kể về những startup lành, sạch của mình, anh chợt chùng xuống trước khi chia tay:


“Trong một cơ chế đang nỗ lực vá nhiều lỗ hổng để nhốt chiếc lồng quyền lực, lợi ích nhóm, thì việc đầu tiên mỗi người có chức sắc phải làm chính là sống tử tế và có nguyên tắc. Không làm được như vậy, sẽ có ngày tên của họ sẽ được thẩm phán xướng lên trong một không gian ít nụ cười, nhiều nước mắt”/