Vụ án "tham nhũng chính trị" lớn nhất VN hiện nay

23 Tháng Giêng 20187:29 CH(Xem: 14612)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ TƯ 24 JAN  2018


Vụ án "tham nhũng chính trị" lớn nhất VN hiện nay


Ông Thăng bị tuyên 13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh chung thân


Trước hôm 22/1, ông Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù về tội "Cố ý làm trái," còn ông Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân về hai tội "Tham ô" và "Cố ý làm trái" trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).


BBC Tường thuật trực tiếp


Đăng ở 3:56


Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ‘phải bồi thường 30 tỉ đồng’


Báo Pháp luật TPHCM cho biết tòa buộc các bị cáo phạm tội cố ý làm trái phải bồi thường cho PVN số tiền hơn 119 tỉ đồng.


Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, mỗi bị cáo bồi thường số tiền 30 tỉ đồng.


Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận, mỗi bị cáo phải bồi thường 7,5 tỉ đồng.


Các bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Ninh Văn Quỳnh, mỗi bị cáo phải bồi thường 6 tỉ đồng.


Ngoài ra, tòa buộc các bị cáo phạm tội tham ô phải bồi thường cho PVC số tiền hơn 11 tỉ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường gần 4,4 tỉ đồng (đã nộp 4 tỉ), Vũ Đức Thuận bồi thường gần 1,2 tỉ đồng.


Mục tiêu năm 2018?


Cùng ngày 22/1 đã diễn ra một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.


Ông Trọng yêu cầu trong năm 2018, “phấn đấu kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; kết thúc xét xử phúc thẩm 04 vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 21 vụ việc, kiến nghị thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo”.


Các mức án tại phiên tòa:


Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái:


Đinh La Thăng (SN 1960, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN): 13 năm tù.


Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC): 14 năm tù tội Cố ý làm trái; tù chung thân tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội là tù chung thân.


Phùng Đình Thực (SN 1954, nguyên Tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.


Nguyễn Quốc Khánh (1960, nguyên Phó tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.


Nguyễn Xuân Sơn (1962, nguyên Phó tổng giám đốc PVN): 9 năm tù.


Vũ Đức Thuận (1971, nguyên Tổng giám đốc PVC: 7 năm tù tội Cố ý làm trái); 15 năm tội Tham ô tài sản.


Ninh Văn Quỳnh (SN 1958, nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 7 năm tù.


Lê Đình Mậu (SN 1972, nguyên Phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 4 năm, 6 tháng tù.


Vũ Hồng Chương (1953, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 3 năm tù treo.


Trần Văn Nguyên (1979, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 30 tháng tù treo.


Nguyễn Ngọc Quý (1953, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 6 năm tù.


Nguyễn Mạnh Tiến (1966, nguyên Phó tổng giám đốc PVC): 6 năm tù.


Phạm Tiến Đạt (1979, nguyên Kế toán trưởng PVC): 4 năm, 6 tháng tù.


Trương Quốc Dũng (SN 1982, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC): 17 tháng tù.


Nhóm bị cáo phạm tội tham ô:


Nguyễn Anh Minh (1977, nguyên Phó Tổng PVC): 16 năm tù.


Bùi Mạnh Hiển (1976, nguyên Chánh Văn phòng PVC): 10 năm tù.


Lương Văn Hòa (1980, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 10 năm tù.


Nguyễn Thành Quỳnh (1973, nguyên Giám đốc Kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty CP Miền Trung - công ty Cổ phần- Đà Nẵng): 8 năm tù.


Lê Thị Anh Hoa (1979, nguyên Giám đốc công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 3 năm tù treo.


image021


Phiên tòa sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm diễn ra từ ngày 8- 22/1


Báo Đức: "Doanh nhân Việt Nam bị bắt cóc ở Berlin chịu án chung thân ở Hà Nội"


Báo Đức DW bản tiếng Anh đưa tin về vụ xử ông Trịnh Xuân Thanh hôm 22/1:


“Ông Thanh sẽ quay lại tòa vào thứ Tư trong một vụ án khác về tội tham ô. Tội danh trong các vụ này quy kết ông Thanh đã bỏ túi 620.000 USD ngân quỹ nhà nước và có mức án tử hình.


Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm lãnh đạo đảng Cộng sản năm 2016, chính phủ Việt Nam mạnh tay chống tham nhũng ở Petro Vietnam và ngành ngân hàng nhà nước.


Những người chỉ trích cáo buộc chính phủ [Việt Nam] theo đuổi các bản án có động cơ chính trị đối với những người thân cận của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.”


DW


Bài về vụ xử ông Trịnh Xuân Thanh trên báo Đức DW


Đăng ở 3:03


Tiến sĩ Jonathan London từ Hà Lan, hiện đang ở TPHCM bình luận trước khi có phán quyết:


Muốn đánh giá về ông Nguyễn Phú Trọng, thì phải thừa nhận ông ấy và những người “đồng minh” đã giành được lợi thế trên chính trường. Chiến dịch chống tham nhũng đã và còn đang tác động lớn, không chỉ hay chủ yếu đối với tham nhũng mà cả chính trị nữa. Sáng mai, khi tòa tuyên án TXT và ĐLT, thì nó sẽ không nên được xem là sự kết thúc của một quy trình pháp luật mà là một hình thức tiêu biểu trong một quá trình chính trị còn đang tiếp diễn./


Tóm tắt


  1. Hai luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh rút lui trước phiên xử "vì một vụ lớn như thế mà luật sư không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ."
  2. Trong lời trình bày trước khi tòa nghị án, ông Đinh La Thăng "xin về nhà ăn Tết", ông Trịnh Xuân Thanh "xin bác Trọng tha".
  3. Một số luật sư có ý kiến rằng ông Đinh La Thăng "không có tội" trong lúc luật sư khác nói ông Thăng "ăn tàn, phá hoại".
  4. Gia đình ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp 4 tỷ đồng "khắc phục hậu quả" theo lời khuyên của luật sư.
  5. Sau phiên tòa này, ông Trịnh Xuân Thanh và các "đồng phạm" tiếp tục ra tòa hôm 24/1 trong vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam.
  6. Phiên tòa bắt đầu từ ngày 8/1/2018.

 

+++++++++++++++++++++++++++++++++


Tòa tuyên án ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm


22/01/2018 06:40 GMT+7


TTO - Sau 5 ngày nghị án, TAND TP Hà Nội tuyên bản án xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ tham ô, cố ý làm trái tại PVN.


image022

Ông Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa tại phiên tòa


Dự kiến 8h sáng nay 22-1, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên bản án đối với các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ án tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu (khí PVC).


Gây thiệt hại tổng cộng 132 tỉ đồng


Theo Viện KSND TP Hà Nội, vụ án xảy ra từ năm 2011 gây thất thoát cho PVN và PVC 132 tỉ đồng.


Trong bối cảnh năm 2011 cần phải xây dựng công trình trọng điểm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình với nguồn vốn đầu tư  lớn, các bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn... nguyên là lãnh đạo PVN đã chỉ định cho PVC (một đơn vị thành viên của PVN) làm tổng thầu dù PVC chưa đủ năng lực tài chính, chưa đủ kinh nghiệm để làm tổng thầu một công trình lớn. 


Các bị cáo còn tiếp tục chỉ đạo cho PVPower (một đơn vị thành viên của PVN đồng thời đang là chủ đầu tư của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thời điểm đó) ký hợp đồng 33 với nhà thầu PVC, rồi tiếp tục chỉ đạo ứng tiền để PVC thực hiện hợp đồng.


Sau khi nhận tiền hợp đồng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại PVC đã rút tiền, sử dụng sai mục đích 1.115 tỉ đồng, gây ra thiệt hại cho PVN 119 tỉ đồng.


Theo VKS, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh… đã chỉ chỉ đạo, lập quỹ ban điều hành nhà máy nhiệt điện Vũng Áng Quảng Trạch rồi chia nhau tiêu xài cá nhân. 


Trong đó Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc sử dụng chung với các bị cáo khác 1,5 tỉ và bỏ túi 4 tỉ. Hành vi tham ô tài sản của các bị cáo này đã gây thiệt hại cho PVC tổng cộng 13 tỉ đồng.


Trong 10 ngày diễn ra phiên tòa, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên các mức án từ 14 đến 15 năm cho ông Đinh La Thăng tội cố ý làm trái và mức án chung thân cho ông Trịnh Xuân Thanh về hai tội cố ý làm trái và tham ô tài sản. 


Các bị cáo khác bị đề nghị mức án từ án treo đến 26 năm tù.


image020

Phiên tòa do TAND TP Hà Nội xét xử


Nhiều bị cáo xin được hưởng mức án nhẹ


Quá trình xét hỏi và tranh luận cho thấy nhóm các bị cáo thuộc nhóm tội cố ý làm trái nguyên là lãnh đạo của PVN đều thừa nhận trách nhiệm khi để xảy ra sai ở PVN, tuy nhiên, các bị cáo đều cho rằng mình làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của tập đoàn. 


Chỉ một số bị cáo là cấp dưới của các lãnh đạo PVN thì thừa nhận hành vi sai phạm, và xin được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.


Đồng thời, các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo bị xét xử tội cố ý làm trái đề nghị làm rõ trách nhiệm hình sự của lãnh đạo PVPower, vì đây mới là chủ thể ký hợp đồng 33 không đúng quy định của pháp luật.


Vì việc này mà đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa trong phần luận tội và đối đáp đã cho rằng các bị cáo không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi của mình là sai, điều này ngược lại hoàn toàn với thái độ ăn năn hối cải của các bị cáo cấp dưới.


Trong phần nói lời sau cùng trước phiên tòa,các bị cáo đều xin hội đồng xét xử nhìn nhận và đánh giá vụ án một cách công tâm, khách quan, đồng thời xin cho mức án nhẹ nhất của khung hình phạt để các bị cáo có cơ hội để sửa sai và trở về nhà./


HOÀNG ĐIỆP- THÂN HOÀNG