Mai Loan: Thắng, thua trong những trận chiến Mậu dịch

22 Tháng Tư 20186:28 CH(Xem: 10558)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ HAI 23 APRIL 2018


image014


THẮNG, THUA TRONG NHỮNG TRẬN CHIẾN MẬU DỊCH


Mai Loan


Dù là ủng hộ theo đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ, đa số người dân Hoa Kỳ đều nghĩ rằng một cuộc chiến đụng độ với Trung Cộng là điều khó thể tránh, với hai lý do chính: thứ nhất là sự vươn mình của Trung Cộng trong những thập niên gần đây để trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai, và cùng lúc đó là tham vọng của nhà cầm quyền ở Bắc Kinh muốn khôi phục lại vị thế và giấc mộng bá quyền của mình.


Chưa ai biết rõ là cuộc đối đầu quân sự có nổ ra hay không với tình hình căng thẳng tại Biển Đông (mà phía Trung Cộng thích gọi là Biển Trung Hoa) với tham vọng của Trung Cộng muốn chiếm lãnh vùng này trong khi nhu cầu của Hoa Kỳ là cần phải giữ cửa ngõ này như là con đường tự do giao thương hàng hải chứ không thể để lệ thuộc về phía Trung Cộng.


Riêng với người Việt mình, đây cũng là một đề tài khiến nhiều người chú ý, dù là sinh sống ở hải ngoại hoặc là hiện ở trong nước, do bởi tham vọng bá quyền đáng ngại của nhà cầm quyền Bắc Kinh, cộng thêm với sự nhu nhược và cam tâm phục vụ cho quan thầy của những người cầm đầu chế độ hiện tại ở Hà Nội, khiến cho nhiều phần đất và lãnh hải của Việt Nam dần dần rơi vào sự kiểm soát của người Tầu.


LỜI QUA TIẾNG LẠI GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG CỘNG


Trong khi đó, cuộc đụng độ về mậu dịch có lẽ đã bắt đầu vào tháng trước, khi TT Trump áp đặt tăng thuế quan trên hai thứ hàng thép và nhôm nhập cảng vào Mỹ, dù rằng Trung Cộng chỉ đứng hạng thứ 10 trong số các nước xuất cảng hai kim loại này sang nước Mỹ. [Hoa Kỳ là quốc gia nhập cảng số thép cao nhất trên thế giới, mua vào khoảng 35 triệu tấn thép trong năm 2017, nhiều nhất là từ Gia Nã Đại (16.7%), Ba Tây (13.2%), Nam Hàn (9.7%), Mễ Tây Cơ (9.4%) rồi đến Nga (8.1%) Thổ Nhĩ Kỳ, (5.6%) Nhật (4.9%), Đức (3.7%), Đài Loan (3.2%). Quốc gia đáng ngại nhất là Trung Cộng lại chỉ đứng hạng thứ 10 vì chỉ chiếm khoảng 2.9% trong tổng số lượng nhập cảng thép của Hoa Kỳ.]


Phía nhà cầm quyền Bắc Kinh đã liền trả đũa khi loan báo quyết định của họ cũng sẽ tăng thuế quan một số các hàng hóa của Hoa Kỳ xuất cảng sang Tầu với trị giá khoảng 3 tỷ Mỹ-kim, trong đó có những thứ như như thịt heo, trái cây khô v.v., đặc biệt là nhắm vào một số các tiểu bang ngang ngửa và có thu nhập dựa vào các ngành sản xuất nông phẩm để gây khó khăn cho nông dân Mỹ và từ đó áp lực lên các vị dân cử phe bảo thủ tại các nơi này.


Chỉ vài ngày sau đó, TT Trump lại “tố” mạnh hơn nữa khi đưa ra đề nghị tăng thuế quan khoảng 50 tỷ Mỹ-kim từ hàng hóa của Tầu xuất cảng sang Mỹ. Một lần nữa, Trung Cộng cũng không ngồi yên thụ động, và đáp trả rằng họ cũng sẽ không ngần ngại áp dụng thuế quan khoảng 50 tỷ Mỹ-kim trên nhiều hàng hoá của Hoa Kỳ xuất cảng sang Tầu.


Tuy các biện pháp áp đặt thuế quan này chưa được thi hành, và các viên chức chính phủ Mỹ đang tiếp xúc trong chốn riêng tư với phía Trung Cộng để mong giải quyết những khác biệt giữa đôi bên để mong đi đến những điểm đồng thuận hay tương nhượng nào đó, nhưng TT Trump không phải là người có tính chịu đựng hay nhẫn nại, và do đó ông cũng đã gia tăng các lời đe doạ thay vì nhún nhường, nên đã ra lệnh cho các phụ tá xem xét việc có thể tăng thêm khoảng 100 tỷ Mỹ-kim thuế quan trên các món hàng của Tầu xuất cảng sang nước Mỹ. Cho đến giờ này, chưa thấy là phía Trung Cộng có tiếp tục leo thang cuộc chiến hăm doạ trả đũa qua lại với những lời lẽ hăm he mới nhất của TT Trump hay không.


Xuất hiện trên chương trình truyền hình “Face the Nation” của đài CBS, ông Steve Mnuchin, Tổng trưởng Tài Chính của Mỹ, nói rằng “Tôi không nghĩ rằng một cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ xảy ra. Điều đó có thể xảy đến. Nhưng tôi không nghĩ như vậy, không hề chờ đợi nó.


Phụ tá cao cấp về mậu dịch tại Toà Bạch Ốc là Peter Navarro biện minh cho TT Trump khi nói rằng chính phủ Mỹ đang áp dụng các biện pháp “chừng mực, có đo lường” (measured) qua việc đánh thuế quan này. Còn ông Larry Kudlow, người mới được bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế để thay thế ông Gary Cohn đã từ chức trước đó để phản đối quyết định tăng thuế quan, nói rằng “TT Trump không hề “tháu cáy” chút nào trong việc đe doạ các biện pháp tăng thuế quan, bởi vì ông có đầy đủ các phương tiện và biện pháp cần thiết để áp dụng các chính sách này”.


Các phụ tá của TT Trump lý luận rằng các biện pháp tăng thuế quan trên hàng hoá của Trung Cộng không phải chỉ nhắm đến việc trợ giúp cho một số ngành nghề nào đó tại Hoa Kỳ, mà là có mục đích ngăn ngừa không cho Trung Cộng tiếp tục vi phạm vào các quy luật quốc tế về mậu dịch. Họ biện hộ rằng các biện pháp của các chính quyền tiền nhiệm đã thất bại, và vì thế nên Trung Cộng tiếp tục đánh cắp các công ăn việc làm của công nhân Mỹ cũng như là những kỹ thuật riêng biệt vốn là nền tảng cho sự hưng thịnh của Hoa Kỳ trong đường dài. Giống như lời của ông Dan DiMicco, một cố vấn về mậu dịch cho ông Trump trong ban vận động tranh cử trước đây, vừa mới nhận định: “Không thể nào có thể đạt được thành quả mà không có sự khổ cực. Trận đấu này rất đáng để chúng ta phải trả giá hầu đạt được chiến thắng, và chúng ta sẽ giành được chiến thắng.


Lời nhận định của ông này cũng đầy lạc quan giống như giọng điệu của sếp lớn là TT Trump khi ông viết trong một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter rằng “cuộc chiến này rất dễ dàng cho Hoa Kỳ giành được chiến thắng, và rằng những cuộc chiến mậu dịch cũng chẳng có gì tai hại cả.


Trong bối cảnh hăm hở giữa mỗi bên trước khi xảy ra những cuộc đụng độ, gần như ai nấy cũng đều lạc quan, đôi khi hơi quá lố, vì những mục tiêu chính trị và tuyên truyền. Tuy nhiên, những chuyên gia và những người trong ngành truyền thông, cũng như những người thích tìm hiểu vấn đề một cách khách quan thường làm một việc duyệt xét lại những biến cố tương tự đã xảy ra trong quá khứ để có một cái nhìn đầy đủ và khách quan, sáng suốt hơn. Các chuyên gia trong Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng có truyền thống ghi nhận lại những diễn biến đã xảy ra trong cuộc chiến, bất kể là thắng lớn hay đại bại, bằng cách ghi nhận lại những lời kể của các nhân chứng, cùng với những kết quả trên trận địa, để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý giá cho tương lai nếu như có phải trải qua những trận chiến tương tự.


Vì thế nên bài viết của nhà báo James Stewart được đăng trên tờ New York Times mới đây có thể giúp cho người đọc có thể hiểu được phần nào những gì đã xảy ra trong quá khứ, với những trận chiến mậu dịch đã từng xảy ra trong lịch sử, để từ đó có thể rút ra kết luận để biết những ai có thể gọi là “kẻ thắng, người thua” trong những trận chiến mậu dịch giữa các quốc gia đã từng xung đột rất mãnh liệt cách nay không lâu.


NHỮNG TRẬN CHIẾN MẬU DỊCH TRONG LỊCH SỬ


Cuộc chiến mậu dịch nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 nổ ra sau khi Hoa Kỳ ban hành đạo luật tăng thuế quan vào năm 1930, có tên là Smoot-Hawley Tariff Act. Hai người bảo trợ chính đều thuộc về đảng Cộng Hoà, gồm có nghị sĩ Reed Smoot thuộc tiểu bang Utah, chủ tịch Uỷ Ban Tài Chính Thượng Viện, và dân biểu Willis Hawley thuộc tiểu bang Oregon, chủ tịch Uỷ Ban Thuế Vụ Hạ Viện. Phe Cộng Hoà  lúc đó đang nắm giữ đa số cầm quyền ở cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện sau chiến thắng to lớn trong cuộc bầu cử năm 1928 với ông Herbert Hoover thuộc đảng Cộng Hoà cũng đắc cử tổng thống, một tình trạng cũng tương tự như hiện nay.


Khi cuộc suy thoái kinh tế mới nổ ra vào cuối năm 1929, phe Cộng Hoà cầm quyền lúc bấy giờ đưa ra chiêu bài là dự luật tăng thuế quan này nhằm mục đích bảo vệ các công ăn việc làm cho người dân Mỹ và giới nông gia khỏi bị cạnh tranh vì hàng hoá nhập cảng từ các nước khác có thể rẻ hơn nhiều (cũng na ná giống như luận điệu của TT Trump và phe Cộng Hoà bây giờ).


Tuy TT Hoover lúc đầu lên tiếng chống đối dự luật này vì cho rằng nó đi ngược lại lời hứa của ông là sẽ hợp tác với các nước khác trên thế giới, nhưng cuối cùng cũng đã ký ban hành đạo luật này dưới áp lực mạnh mẽ của các chính trị gia trong đảng. Trước đó, nhiều chuyên gia cao cấp hoặc những nhà đại tài phiệt cũng đều lên tiếng cản ngăn, như trường hợp của ông tổng giám đốc ngân hàng đầu tư J.P. Morgan là Thomas Lamont đã kể lại rằng “gần như ông đã quỳ lạy TT Hoover để van nài ông là hãy phủ quyết đạo luật này”. Hoặc trường hợp của ông Henry Ford, nhà tài phiệt chủ nhân sáng lập hãng xe hơi Ford nổi tiếng hàng đầu lúc bấy giờ đã vào Toà Bạch Ốc và ở cả đêm để thuyết phục TT Hoover là hãy phủ quyết đạo luật này. Và ông Ford còn gọi dự luật đó là “một sự ngu xuẩn về kinh tế” (an economic stupidity).


[Cũng gần giống như trường hợp vừa rồi của ông cố vấn cao cấp về kinh tế của TT Trump là Gary Cohn cũng đã phát ngôn tương tự. Ông Gary Cohn đã nói với nhiều người rằng ông ta sẽ tiếp tục tìm cách thuyết phục hoãn lại quyết định tăng thuế quan trên thép và nhôm. Ông mô tả việc đánh thuế quan này là một điều “hiển nhiên ngu ngốc” (obviously stupid). Khi TT Trump không thèm nghe lời khuyên can này, ông cố vấn Gary Cohn chỉ còn cách nộp đơn từ chức để phản đối.] 


image015

Nghị sĩ Reed Smoot và dân biểu Willis Hawley tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào cuối năm 1929 (hình Thư Viện Quốc Hội Mỹ)

 

Đạo luật này áp đặt tăng thuế quan lên khoảng 20,000 các món hàng hoá nhập cảng vào nước Mỹ. Đúng vậy, có tổng cộng đến khoảng 20,000 các món hàng của các nước khác nhập cảng vào nước Mỹ! Nên nhớ là vào thời điểm đó, tuy chưa có những tổ chức hay định chế giao dịch thương mại rộng rãi và tự do như sau này với làn sóng toàn-cầu-hoá rộng rãi khắp nơi, với những phương tiện vận chuyển và thông tin mau lẹ và tiện lợi như ngày nay, nhưng xã hội nước Mỹ cũng đã tràn lan những hàng hoá từ khắp nơi đổ về chứ không phải đợi đến ngày nay mới xảy ra hiện tượng hàng hoá ngoại quốc tràn lan khắp nơi.


Có thể nói là số lượng 20,000 các món hàng bị đánh thuế quan trong đạo luật Smoot-Hawley coi như bao gồm gần hết tất cả những món hàng nào không phải của nước Mỹ làm ra. Trong một chừng mực nào đó, đạo luật này coi như phản ảnh tinh thần “America First” của nhiều chính trị gia lúc bấy giờ, tức là chỉ cứu xét và bảo vệ tất cả những gì của nước Mỹ và người Mỹ mà thôi. Và dĩ nhiên vào thời điểm đó, nước Mỹ cũng gồm toàn phần lớn là những người Mỹ trắng.


HẬU QUẢ CỦA CHÍNH SÁCH BẢO HỘ MẬU DỊCH


Sau khi đạo luật này được ban hành, những diễn biến xảy ra xem chừng như đạt được thắng lợi. Theo lời của sử gia Robert Sobel ghi nhận thì “tiền lương của công nhân trong các hãng xưởng ở Mỹ đều nhảy vọt, các hợp đồng xây cất khắp nơi, và các kỹ nghệ trên nước Mỹ cũng gia tăng mạnh mẽ.” Tuy nhiên, cái lợi ngắn hạn đó không phủ lấp nổi những thiệt hại to lớn hơn nhiều xảy ra sau đó, đúng với câu thành ngữ “lợi bất cập hại”. Thật vậy, những khó khăn kinh tế to lớn hơn nhiều bắt đầu xuất hiện, khởi sự là dưới hình thức các nhà băng bắt đầu bị suy yếu.


Ngay sau khi đạo luật này được ban hành, Gia Nã Đại, lân bang và đồng minh ngay phía bắc của Hoa Kỳ, đã lập tức trả đũa và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của hầu hết các quốc gia khác khi họ đồng loạt áp đặt tăng thuế quan trên nhiều các món hàng của Mỹ xuất cảng ra nước ngoài. Kết quả là số lượng hàng hoá của Mỹ bị tụt giảm hơn phân nửa chỉ trong có 3 năm sau đó.   


Số lượng hàng hoá nhập cảng vào nước Mỹ bị tụt giảm rất nặng, từ số lượng 4 tỷ 400 triệu Mỹ-kim vào năm 1929 đã tụt xuống chỉ còn có 1 tỷ rưởi Mỹ-kim vào năm 1933. Điều này dĩ nhiên cũng khiến cho rất nhiều dịch vụ và cửa hàng phải dẹp tiệm và hàng triệu công ăn việc làm liên hệ đến ngành xuất nhập cảng cũng bị biến mất. Hàng hoá của Mỹ xuất cảng ra nước ngoài cũng tụt giảm thê thảm tương tự trong cùng thời gian, từ mức 5 tỷ 400 triệu rớt xuống chỉ còn có 2 tỷ mốt. 


Vì thế nên tổng sản lượng quốc gia, thường gọi là mức GDP, cũng tụt giảm nặng nề, từ con số 103 tỷ Mỹ-kim vào năm 1929 bỗng tụt giảm xuống còn 75 tỷ 800 triệu Mỹ kim vào năm 1931 để rồi rơi xuống đáy vào năm 1933 khi chỉ còn có 55 tỷ 600 triệu Mỹ-kim. Khi sản lượng kinh tế bị tụt giảm như vậy, đương nhiên nó cũng kéo theo nạn thất nghiệp gia tăng của hàng triệu người dân trên nước Mỹ cũng bị mất công ăn việc làm khắp nơi. Hậu quả sau cùng là nền suy thoái kinh tế kéo dài thê thảm hơn nữa, trở thành một cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử.


Chỉ hai năm sau đó, trong cuộc bầu cử năm 1932, đảng Cộng Hoà đã bị thảm bại khi ông Franklin Roosevelt được đắc cử tổng thống và phe Dân Chủ giành lại quyền đa số tại Quốc Hội. Và đạo luật Smoot-Hawley Tariff Act cũng bị chính thức đẩy lui vào năm 1934 với một đạo luật mới được ban hành có tên là Reciprocal Trade Agreements Act, cho phép tổng thống Mỹ được phép điều đình các chính sách giảm bớt thuế quan với các nước khác.


Từ đó đến nay các sử gia và các nhà kinh tế còn tiếp tục tranh luận về những thiệt hại của đạo luật tăng thuế quan mậu dịch này đã ảnh hưởng nặng nề ra sao đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mọi người gần như đồng ý với nhận định rằng đạo luật Smoot-Hawley và cuộc chiến mậu dịch nổ ra sau đó đã khiến cho tình hình kinh tế nói chung trở nên tồi tệ hơn và còn kéo dài thêm nhiều năm sau đó. Nhiều sử gia còn cho rằng những hậu quả này cũng là điều khiến cho những phong trào Nazi và phát-xít có cơ hội được bùng lên để khai thác tinh thần ái quốc cực đoan tại nhiều quốc gia như Đức và Ý, từ đó dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử là Đệ Nhị Thế Chiến khiến cho hàng chục triệu người phải chết oan uổng.


Theo ông Joshua Meltzer, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Brookings Institution và hiện giảng dạy về mậu dịch quốc tế tại Đại học Johns Hopkins thì gần như mọi người đều đồng ý rằng không có ai “thắng” trong một cuộc chiến mậu dịch: “Đạo luật Smoot-Hawley được coi như là một tai hoạ khủng khiếp nên đã trở thành bài học hướng dẫn cho chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ trong suốt hơn 80 năm sau đó. Không ai muốn lập lại kinh nghiệm đau thương này.


KẺ THẮNG, NGƯỜI THUA TRONG CUỘC CHIẾN MẬU DỊCH


Trả lời câu hỏi rằng ai thắng, ai thua trong cuộc chiến này, ông Marc-William Palen, giáo sư về sử học tại Đại học Exeter ở Anh quốc và là một chuyên gia nghiên cứu về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Đế quốc Anh trong thế kỷ thứ 19, đã phát biểu rằng: “Câu trả lời dễ dàng nhất là không có ai thắng trong một cuộc chiến tranh mậu dịch. Nếu nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, có thể nói là kẻ thắng là những nước nào không tham dự vào những trận chiến mậu dịch.


Giáo sư Palen đưa ra một vài thí dụ điển hình để minh chứng cho việc này. Chẳng hạn như vào cuối thế kỷ thứ 19, Hoa Kỳ và Gia Nã Đại cũng đã có chiến tranh mậu dịch, khiến cho hàng hoá của Gia Nã Đại xuất cảng sang Mỹ tụt giảm. Do đó, Gia Nã Đại đã tìm cách xuất cảng sang thị trường nước Anh, và đế quốc Anh coi như là kẻ thắng cuộc. 


Một “kẻ thắng” trong cuộc chiến mậu dịch là kẻ đứng ngoài như trường hợp của Liên Sô. Sau cuộc cách mạng do phe Bolkshevik lãnh đạo để nắm quyền vào năm 1917 để áp đặt chủ nghĩa cộng sản tại Nga, chế độ mới lên cầm quyền gần như bị các nước phương Tây tẩy chay về mậu dịch, và do đó rất cần có nhiều ngoại tệ. Nhưng Đạo luật Smoot-Hawley đã vô tình đầy một số quốc gia như Ý Đại Lợi cũng phải trả đũa bằng cách không nhập cảng hàng hoá của Mỹ mà quay sang trở lại giao dịch với phía Liên Sô, để rồi từ đó tiếp tục giữ các mối liên hệ thương mại cho đến ngày nay.


Một trường hợp điển hình khác về cái gọi là “kẻ thắng” trong một trận chiến mậu dịch là trường hợp của nước Pháp xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 19. Vào lúc đó tân chính quyền ở Ý vừa mới thống nhất nên đã áp đặt tiền thuế quan rất cao trên các hàng hoá xuất cảng từ Pháp sang với mục đích là để trợ giúp cho các ngành kỹ nghệ sản xuất trong nội địa nước Ý.


Thời ấy, Pháp là cường quốc giầu có và mạnh mẽ hơn nhiều, nên đã không ngần ngại trả đũa mạnh bạo hơn nữa, khiến cho hàng hoá xuất cảng của Ý sang Pháp bị sụp đổ thê thảm. Cho đến khi chính phủ Ý tuyên bố thua cuộc và rút lại các quyết định tăng thuế quan, chính phủ Pháp cũng chưa hả cơn giận nên tiếp tục duy trì các biện pháp tăng thuế quan hàng hoá của Ý trong nhiều năm dài sau đó như là một bài học để trừng trị.


Thành ra người ta có thể tạm kết luận là nước Pháp đã thắng trong cuộc chiến này bởi vì nước Ý đã bị thiệt hại thê thảm, theo như nhận định của ông John Conybeare, giáo sư danh dự tại Đại học Iowa và tác giả của một cuốn sách về các trận chiến mậu dịch. Dù rằng trong thực tế, nước Pháp vào lúc ấy thật ra cũng bị thiệt hại về kinh tế trong cuộc chiến này.


Nói chung, cũng theo lời của giáo sư Conybeare, trong một trận chiến mậu dịch, bài học quan trọng là trong trường hợp có tình trạng cách biệt quá nhiều về sức mạnh kinh tế giữa hai nước, thì dĩ nhiên nước nào giầu mạnh hơn thì dễ chiến thắng. Và đó có lẽ cũng là lý luận hay suy nghĩ của nhiều người như ông Trump, hoặc của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa khi bình luận rằng việc Âu Châu trả đũa mậu dịch với Hoa Kỳ chỉ như là chuyện “muỗi chích vào gỗ”, khi cho rằng Hoa Kỳ là nước có sức mạnh tiêu thụ to lớn của khối dân trong nước nên sẽ không bị hề hấn gì so với các nước khác.


Tuy nhiên, điều này sẽ không còn đúng nữa khi hai bên đối đầu trong một cuộc chiến mậu dịch có sức mạnh tương đối cân bằng. Đó là trường hợp khi Hoa Kỳ muốn đối đầu cùng lúc với nhiều nước khác, như Liên Hiệp Âu Châu (với sức mạnh và dân số của 28 quốc gia gộp lại) và Trung Cộng (với hơn 1 tỷ 400 triệu người dân tiêu thụ, trong đó có khoảng hơn 300 triệu dân thuộc giới trung lưu hoặc giầu có không thua gì dân Mỹ). Ấy là chưa kể với những luận điệu hung hăng gần như muốn gây hấn với tất cả các nước khác, chính quyền Trump gần như sẽ phải đối đầu với cả thế giới gộp lại nếu như tất cả các lời đe doạ hăm he của ông Trump được đem ra thi hành để thoả mãn tự ái hão của khối dân Mỹ trắng có sự hiểu biết nông cạn và lúc nào cũng vỗ ngực khoe khoang rằng “Hoa Kỳ là số một” đúng với khẩu hiệu “America First”.


Chẳng hạn như khi ông Trump đe doạ rút lui khỏi Hiệp ước NAFTA, đã đành là hai nước Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ sẽ bị thiệt hại, nhưng đồng thời cũng có nhiều vùng và tiểu bang trên nước Mỹ cũng bị khốn đốn vì hàng hoá sẽ không được tiêu thụ mạnh như trước, khiến cho người dân tại những nơi đó sẽ sớm tỉnh ngộ để học được bài học đắt giá. Khi ông Trump đòi rút lui khỏi Hiệp ước TPP, Hoa Kỳ tưởng rằng các nước khác ở hai bên bờ Thái Bình Dương sẽ bị hụt hẫng, nhưng hậu quả sau đó là 11 nước còn lại, trong đó có cường quốc Nhật Bản, vẫn cương quyết đi tới, và hiện nay nhiều viên chức của Hoa Kỳ mới rụt rè để lên tiếng nói rằng có thể Hoa Kỳ sẽ xét lại quyết định rút lui khỏi TPP!


Giáo sư Conybeare đưa ra một thí dụ điển hình khác là trường hợp của “trận chiến mậu dịch về thịt gà” đã nổ ra vào đầu thập niên 1960 khi hai nước Đức và Pháp áp đặt thuế quan trên thịt gà của Mỹ xuất cảng sang Âu Châu. Hoa Kỳ đã lập tức trả đũa bằng cách áp đặt thuế quan trên một lô các hàng hoá của hai cường quốc Âu Châu này, trong đó có rượu “cognac” của Pháp, các xe hơi và xe buýt hiệu Volkswagen của Đức. Chính phủ Mỹ lúc đó còn hăm he rằng có thể sẽ rút quân ra khỏi các căn cứ quân sự ở Âu Châu để không còn cái dù bảo vệ an ninh cho Âu Châu trước mối nguy từ kẻ thù Liên Sô. Tuy gặp những áp lực to lớn đó, khối Âu Châu lúc ấy, với sự thành hình của Cộng Đồng Kinh Tế Chung Âu Châu, tiền thân của Liên Hiệp Âu Châu sau này, vẫn không nhượng bộ, và trong chiều hướng đó, coi như Hoa Kỳ cũng đã “thất bại” trong cuộc chiến này.


Nói tóm lại, những kẻ thua cuộc lớn nhất chính là người dân tiêu thụ tại Hoa Kỳ cũng như tại Âu Châu vào lúc đó, bởi vì họ đã thiếu thốn những hàng hoá lựa chọn tuỳ thích với giá rẻ vì trận chiến mậu dịch, và buộc lòng phải mua các sản phẩm trên thị trường với giá cao hơn trước đây.


NHỮNG HẬU QUẢ KHÔNG LƯỜNG TRƯỚC


Ngoài ra cũng còn có những hậu quả tai hại không thể lường trước được trong bất cứ một trận chiến nào, theo như thành ngữ phổ thông ở Mỹ là “unintended consequences”. Những ngành nghề được chính phủ bảo hộ để giữ giá cao và bảo vệ việc làm cho công nhân trong ngành đó, chẳng hạn như kỹ nghệ sản xuất xe hơi tại Mỹ trước đây ở tiểu bang Michigan không bị cạnh tranh với các loại xe ngoại quốc như của Nhật và Âu Châu, nên họ không chịu cải tiến để tăng cường phẩm chất hoặc hạ giá thành xuống. Và hậu quả sau cùng là kỹ nghệ xe hơi của Mỹ bị tụt dốc, bị chê bai nặng nề bởi cả nhiều người dân Mỹ là xe Mỹ thiếu bền bĩ, hay hư hỏng thường xuyên, thua kém xe Nhật hoặc xe Âu Châu. Sự tụt dốc này đã kéo dài trong vài thập niên sau đó, dẫn đến việc những đại công ty xe hơi trước đây như General Motors và Chrysler phải khai phá sản và nhờ đến sự trợ giúp bơm tiền vào của chính phủ khi xảy ra vụ suy thoái kinh tế hồi năm 2007.


Điều này cũng xảy ra tương tự trong kỹ nghệ sản xuất thép tại Hoa Kỳ. Kể từ sau cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, kỹ nghệ thép tại Hoa Kỳ coi như được chính phủ Mỹ bảo vệ nhiều nhất qua các chính sách tăng thuế quan hoặc giới hạn số lượng thép nhập cảng vào nước Mỹ. Nhưng giới chủ nhân và điều hành các hãng xưởng thép ở Mỹ chỉ lợi dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch thiên vị này để tiếp tục làm giầu, tăng giá bán, hoặc chia nhau kiếm lời bằng cách tăng tiền thưởng và lương lậu của các sếp lớn trong ban giám đốc thay vì dùng nó để đầu tư và cải tiến hạ tầng cơ sở các nhà máy. Hậu quả là hệ thống sản xuất của họ bị thua kém dần dần và cuối cùng không thể cạnh tranh với kỹ nghệ của nhiều nước khác.


Vì thế nên các chính sách bảo hộ mậu dịch của chính phủ Mỹ bằng cách tăng thuế quan hàng nhập cảng trong nhiều thập niên đã không thể kéo lại sự xuống dốc của ngành sản xuất thép tại Hoa Kỳ. Các số liệu chính thức của Nha Thống Kê từ Bộ Lao Động Mỹ cho biết là vào năm 2000 có khoảng 135,000 người có công ăn việc làm trong ngành sản xuất thép, nhưng đến năm 2016, nó đã tụt xuống chỉ còn có 83,600 người còn làm trong ngành này.


Cũng giống như ông Trump, cựu tổng thống Bush Con vào năm 2002 đã áp đặt thuế quân đến 30% trên một số các loại thép nhập cảng vào nước Mỹ.


Liên Hiệp Âu Châu đã nộp đơn kiện lên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) và được cơ quan này phán xử rằng quyết định của chính quyền Bush là bất hợp lệ và mang tính kỳ thị, bất công. Từ đó, tổ chức WTO cũng cho phép các nước khác được quyền áp đặt tăng thuế quan lên đến 2 tỷ Mỹ-kim trên các hàng hoá của Mỹ xuất cảng ra nước ngoài. Liên Hiệp Âu Châu đưa ra lời hăm doạ rằng họ sẽ áp đặt tăng thuế quan trên nhiều món hàng như xe hơi của Mỹ hoặc trái cây như loại cam ở Florida xuất cảng ra ngoài.


Vì thế nên TT Bush Con đã quyết định rút lại biện pháp tăng thuế quan vào tháng 12/2003, với lời biện minh rằng chính sách này đã đáp ứng xong mục đích vào lúc đó. Nhưng những cuộc nghiên cứu sâu rộng sau đó cho thấy là các biện pháp tăng thuế quan của TT Bush Con chẳng hề có ảnh hưởng tích cực nào cho ngành sản xuất thép trong nội địa, và còn dẫn đến hậu quả xấu hơn là khiến cho những ngành kỹ nghệ khác phải dùng đến thép trong tiến trình sản xuất phải sa thải hàng trăm ngàn công nhân khác.


[Hai chuyên viên Lydia Cox của Đại Học Harvard và Kadee Russ của Đại Học California ở Davis đã ước tính rằng số lượng nhân công trong các ngành nghề tiêu thụ thép cao gấp 80 lần số lượng nhân công trong các hãng sản xuất thép. Một cuộc nghiên cứu của Council on Foreign Relations cho biết là kỹ nghệ sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã tụt giảm mạnh, từ thời kỳ hoàng kim vào thập niên 1950 với khoảng 650,000 người, nhưng giờ đây chỉ còn có khoảng 140,000 người. Trong khi đó, các ngành nghề khác cần dùng đến chất thép chiếm đa số trong xã hội ngày nay sử dụng đến hơn 11 triệu người.


Nói một cách đơn giản, chính sách tăng thuế quan của TT Trump đưa ra có thể giúp cho khoảng 140,000 nhân công trong các hãng sản xuất thép có thêm việc làm hoặc được tăng lương, thì đồng thời nó cũng sẽ gây thiệt hại hoặc khốn đốn cho khoảng hơn 11 triệu nhân công thuộc các ngành nghề đa dạng khác, vì tiền lương của họ sẽ bị thắt chặt lại hoặc là họ cũng có thể bị mất công ăn việc làm. Đó là hai vế song song của một bài toán về mậu dịch, giữa một bên là tự do trao đổi và bên kia là giới hạn để bảo vệ một vài ngành nghề riêng biệt nào đó, mà bất cứ những nhà điều hành đất nước đều phải cân nhắc trước khi đưa ra áp dụng.]


NHỮNG BÀI HỌC TRONG LỊCH SỬ


Sau khi đọc được mẩu tin nhắn của TT Trump trên mạng Twitter rằng ông không sợ một cuộc chiến mậu dịch vì ông sẽ chiến thắng, nghị sĩ liên bang Ben Sasse của tiểu bang Nebraska thuộc phe Cộng Hoà, đã đưa ra lời báo động: “Chính sách bảo hộ mậu dịch được áp dụng từ thế kỷ 18 đã là một thứ quái dị giết chết biết bao công ăn việc làm. Nếu như ông Trump quyết định đi tới, thì hậu quả đầu tiên là nó sẽ huỷ hoại biết bao công việc cho người dân Mỹ.


Một thí dụ tệ hại của những lập luận ngây ngô để biện minh các chính sách bảo hộ mậu dịch từ các thế kỷ trước cũng được giáo sư Palen nhắc lại: đó là vào cuối thế kỷ 19 khi mà chủ thuyết bảo hộ mậu dịch được xem như là giáo điều của đảng Cộng Hoà, và một dân biểu của tiểu bang Ohio, ông William McKinley, cổ võ mạnh mẽ và nương theo đó để đắc cử tổng thống. Sau đó ông đã ban hành đạo luật Tariff Act vào năm 1890, với hậu quả là tăng thuế quan gần 50% tất cả hàng hoá nhập cảng vào Hoa Kỳ.


Hậu quả của đạo luật này về sau đã được hầu hết các sử gia đánh giá là một tai hoạ cho nước Mỹ vì giá cả hàng tiêu thụ trong nước tăng cao khiến cho lạm phát gia tăng, dẫn đến sự bất mãn của người dân. Kết quả sau đó là phe Cộng Hoà bị thảm bại, mất quyền đa số tại Hạ Viện vào cuối năm 1890, và hai năm sau đó cũng thua luôn trong cuộc bầu cử tổng thống và cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện vào năm 1892. Vì thế nên chỉ hai năm sau đó, đạo luật này cũng bị chính thức đẩy lui vào năm 1894.


Điều trớ trêu là dường như những người bảo thủ cực hữu của phe Cộng Hoà cũng không học được kinh nghiệm đau thương này nên lịch sử gần như đã được lập lại nguyên con sau đó khoảng 40 năm với việc thông qua một đạo luật bảo hộ mậu dịch tương tự là Smoot-Hawley Tariff Act vào năm 1930, để rồi chỉ 4 năm sau cũng chính thức bị đẩy lui vào năm 1934, sau khi kéo theo sự thất cử thê thảm của phe Cộng Hoà ở thùng phiếu. Có lẽ vì vậy mà giờ đây đa số các nhà lập pháp của phe Cộng Hoà không muốn đi vào vết xe cũ đầy sai lầm này nên họ đã lên tiếng chống đối các biện pháp tăng thuế quan do TT Trump đề ra.


Để kết luận, giáo sư Palen cho rằng “giới thua nặng là thành phần tiêu thụ, và nó bao gồm đại đa số người dân trong nước. Nói chung, có thể một vài ngành nghề đặc biệt nào đó có thể được hưởng lợi từ các biện pháp tăng thuế quan, nhưng điều này cũng dẫn đến hậu quả là số đông những người khác trong nền kinh tế sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Những người giầu có như ông Trump có thể sẽ không hề hấn gì khi phải trả thêm vài đồng bạc lẻ khi mua đồ dùng hàng ngày, nhưng một số lớn người dân ở trong nước không có được cái may mắn to lớn như ông.


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 09 tháng 04/2018