VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ - THỨ SÁU 01 JUNE 2018
Sao anh nỡ đành quên?
Mai Loan
từ Houston, Texas.
Có lẽ cũng là điều dễ hiểu khi nhiều các chính trị gia thường hay lên tiếng đả kích những chính sách tương đối có phần bao dung và rộng rãi đối với thành phần di dân lậu bằng cách chụp mũ đổ tội lên đầu họ là nguyên nhân của mọi vấn đề khó khăn và gây bất an cho xã hội Hoa Kỳ ngày nay. Những chính trị gia hoặc các nhà dân cử này muốn tìm cách lấy lòng của một khối dân bảo thủ và thiếu kiên nhẫn, cộng với sự thiếu hiểu biết sâu rộng đi kèm với một tinh thần kỳ thị lúc nào cũng còn tìm ẩn trong người nên thường hay nhìn ở những người di dân lậu những góc cạnh đầy bất hảo.
Ngay từ trong ngôn ngữ dùng để diễn tả sự kiện, chữ “lậu” trong di dân lậu đã mang một ý nghĩa không tốt đẹp chút nào, bởi vì nó ám chỉ một điều gì đó không quang minh chính đại, không hợp pháp hoặc hợp lệ, và do đó cần phải lên án hoặc loại bỏ. Nó lại càng gợi lên một ý nghĩa xấu xa khác là cái gì “lậu” (như “hàng lậu”) chỉ có lợi cho một thiểu số nào đó lợi dụng những sơ hở của luật pháp để khai thác nhằm trục lợi cho mình (như dân buôn “hàng lậu”) nhưng đồng thời đem lại những bất lợi chung cho số đông còn lại là những người làm ăn chân chính và hợp pháp (khi việc trốn đóng thuế hàng “lậu” gây thiệt hại cho ngân quỹ của quốc gia).
Vì lẽ đó nên những người tranh đấu cho quyền lợi của khối di dân lậu tại Hoa Kỳ trong thời gian sau này thường đổi cách gọi để nói đến những người này là “di dân không có giấy tờ” (undocumented aliens). Bởi lẽ khối đông những di dân này thường là chẳng có làm gì phạm pháp theo nghĩa xấu xa như gây ra tội ác hoặc bất an trong xã hội, nhưng họ chỉ mang phải cái tội là không có giấy tờ đầy đủ (và hợp lệ) để có thể được sinh sống tại Hoa Kỳ.
Trong phần lớn những trường hợp, họ là những người đáng thương hơn đáng trách, vì đang phải lo chạy trốn một hoàn cảnh thương tâm hoặc khắc nghiệt nào đó đang đổ ập xuống gia đình khiến họ phải liều mạng để rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún là những làng mạc hay thôn quê của họ đang rơi vào cảnh chiến tranh và bạo lực để chạy đi tìm một vùng đất mới có phần yên bình hơn.
Trong những hoàn cảnh đó, nhiều khi những người di dân hay tị nạn này không có những điều kiện bình thường để có thể ngồi yên hoàn thành những thủ tục thông thường để xin được nhập cư vào một vùng đất mới. Bởi vì nhiều khi việc đi tìm một vùng đất mới chưa hẳn là những điều mà họ đã mong muốn thực sự nếu như đất nước và nơi sinh sống trước đây của họ không bị rơi vào một tình trạng khốn khổ và thương đau bất ngờ đổ ập xuống. Đó là tình trạng của phần đông hàng triệu người dân tại Syria và Iraq bất ngờ phải tìm nơi trốn tránh lầm than khi chiến tranh bỗng nổ ra trên đất nước của họ mà chính phủ trong nước cũng như cộng đồng thế giới đã không thể can thiệp hầu đem lại một giải pháp tương đối êm thắm và tốt đẹp hơn, vốn đang trở thành đề tài thời sự sôi nổi và gây ra nhiều tranh cãi nhất trong những năm gần đây.
Đó cũng có thể là tình trạng của phần đông những người dân Nam Mỹ (Latino, Hispanic) cũng đang tìm cách trốn tránh những hoàn cảnh nghiệt ngã tại các xứ sở của họ đang bị rơi vào tình cảnh khốn khó ngặt nghèo do bởi tệ nạn tham nhũng và bất lực của các chính phủ sở tại trước sự lộng hành của các trùm băng đảng và buôn bán ma tuý, không từ nan bất cứ một hành động bạo lực và tàn ác nào để đạt được mục đích.
Đó cũng có thể là tình trạng của hàng trăm ngàn người dân tị nạn phải rời bỏ quê hương trong những hoàn cảnh bi thương vì chiến tranh tại đất nước của họ bỗng dưng đưa đẩy đến những kết quả hoàn toàn bất lợi cho đời sống và an ninh của gia đình khiến họ phải vội vã gồng gánh tất cả những gì có thể mang theo được trên đường trốn chạy kẻ dữ, như các người dân của các nước Việt – Miên – Lào phải rời bỏ bán đảo Đông Dương sau ngày quân đội Mỹ rút khỏi nơi này để cho giặc Cộng có thể tràn vào.
Và đó cũng là tình cảnh của hàng chục triệu người dân khác ở nhiều nước tại lục địa Âu Châu đã phải lìa bỏ quê hương trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất khi xảy ra hai cuộc đại thế chiến kinh hoàng của thế kỷ 20 khiến cho hàng chục triệu người phải tử nạn, và hàng chục triệu người khác cũng tìm đường lánh nạn để sẵn sàng vượt qua đại dương chạy đến những vùng đất mới và xa lạ là lục địa Bắc Mỹ này. Phần lớn những người này vào lúc đó đến được Hoa Kỳ qua ngả phía đông và khi nhìn thấy bức tượng Nữ Thần Tự Do ở bến cảng tại New York thì có thể coi như là đã có cơ hội được cứu sống để làm lại cuộc đời mới cho dù có phải chấp nhận những điều kiện hội nhập rất khó khăn lúc ban đầu, với những dị biệt về ngôn ngữ cũng như văn hoá và lối sống hàng ngày.
Vì thế nên trong vấn đề tranh luận hiện nay về hồ sơ những người di dân lậu, người ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy nhiều người đã có những nhận định hoàn toàn sai lầm và đáng trách khi phán xét về khối người di dân mà thực chất họ cũng chỉ là con cháu của những thế hệ di dân và tị nạn đã chạy loạn tìm đường đến Hoa Kỳ để tái xây dựng cuộc đời từ cả chục hay trăm năm về trước.
Chẳng hạn như trường hợp của ông cựu đại tướng John Kelly, hiện đang là Bộ trưởng Phủ Tổng Thống tại Toà Bạch Ốc. Mới đây ông Kelly đã đưa ra những lời nhận định rất sai lầm cho thấy cái nhìn không lấy gì làm thiện cảm đối với thành phần di dân.
Đó là khi ông Kelly xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn của chương trình Morning Edition của đài truyền thanh trên toàn quốc NPR bàn luận về chính sách gọi là “zero tolerance” rất gắt gao của chính quyền Trump vừa mới đưa ra để áp dụng về khối người nhập cư tại biên giới, trong đó có quy định mới là sẵn sang lôi kéo tất cả các em nhỏ rời khỏi vòng tay của bố mẹ các em khi đang nhập cư lậu vào Hoa Kỳ, để sau đó sẽ đưa các em đến những nơi giam giữ riêng do chính phủ điều hành.
Chính sách này có thể được xem là khá tàn nhẫn vì từ trước tới nay, bao giờ các chính phủ sở tại cũng không nỡ nào nhẫn tâm chia rẽ các em nhỏ rời khỏi vòng tay của bố mẹ hay người thân trong gia đình trong những hoàn cảnh chạy tị nạn như vậy. Tuy nhiên, ông Kelly đã tìm cách biện minh cho chính sách mới rất gắt gao này khi cho rằng những người di dân không có giấy tờ hợp pháp đó không có khả năng để hội nhập vào xã hội tại Hoa Kỳ (và phải chăng vì thế mà chính quyền Trump không ngần ngại khi phải chia rẽ các gia đình này). Ông bộ trưởng phủ tổng thống Mỹ đã phát biểu nguyên văn như sau:
“Phần lớn đại đa số những người di chuyển bất hợp pháp vào Hoa Kỳ không phải là những người xấu. Họ không phải là những kẻ tội phạm. Họ cũng không phải là MS-13 (một loại băng đảng rất hung dữ và nguy hiểm) . . . nhưng họ cũng là những người không dễ dàng hội nhập vào nước Mỹ, vào cái xã hội tân tiến của chúng ta. Họ phần lớn là những người dân sống ở thôn quê. Tại những quốc gia gốc mà họ vừa mới rời bỏ, phần lớn họ chỉ mới có trình độ học vấn cỡ lớp 4, lớp 5 hay lớp 6 ở tiểu học. . . Họ không nói được tiếng Anh; dĩ nhiên, đó là một vấn đề lớn. . .
Họ cũng không hội nhập vào xã hội mới một cách tốt đẹp; họ không hề có những kinh nghiệm hay khả năng chuyên môn. Họ không phải là những người xấu. Họ đến đây vì có một lý do nào đó. Và tôi cũng rất thông cảm với cái lý do đó. Tuy nhiên, luật pháp vẫn là luật pháp . . . Vấn đề lớn ở đây là họ đã lựa chọn đến nước Mỹ một cách bất hợp pháp, và đó là một cách thức mà không ai muốn thấy là nó sẽ được áp dụng một cách rộng rãi và lâu dài mãi.”
Nhiều chuyên gia trong ngành và một số các bình luận gia trong các diễn đàn truyền thông đã nhanh chóng lên tiếng cho rằng những lời bình phẩm của ông Kelly đã mang tính chất quá bao quát kiểu “vơ đũa cả nắm”, và cũng phần nào mang tính kỳ thị sắc tộc, nhận định quơ quào một cách quá phiến diện về cộng đồng những người di dân gốc Latino (đến từ vùng Nam Mỹ châu). Họ nói rằng khi ông Kelly cáo buộc rằng những người di dân này “không hội nhập” (don’t assimilate), nhưng thực tế với những bằng chứng cụ thể đã cho thấy là những người di dân không có giấy tờ hợp pháp đó luôn là những người dân hội nhập rất tốt vào đời sống mới tại một xã hội mới, với những thống kê cho thấy là mức độ phạm pháp trong cộng đồng của họ bao giờ cũng thấp hơn là tỉ lệ phạm pháp của người dân Mỹ tại bản xứ.
Nhiều người còn chỉ rõ thêm rằng những lập luận như lời của ông Kelly rập khuôn lại gần giống như những lời lẽ mà các thế hệ dân Mỹ trước đây đã từng nói về những khối di dân khác trong những ngày đầu tiên họ mới đặt chân đến nước Mỹ. Chẳng hạn như khối di dân gốc Ý, từ thời trước và sau các trận thế chiến, đã phải rời bỏ xứ sở của họ để đến định cư tại Hoa Kỳ, với một số lớn quyết định ở lại vùng New York khi mới đặt chân đến bến bờ tự do.
Đó là trường hợp của những người như gia đình bà nội của ông John Kelly. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Politico, nhà báo Ben Strauss nhận định rằng những người thuộc thế hệ tổ tiên, như bà nội của ông Kelly, khi mới đặt chân đến nước Mỹ, đã không hề nói được một chữ tiếng Anh nào, và đã phải cật lực để sinh tồn bằng cách bán hàng rong trái cây trên các đường phố ở một khu nghèo nàn ở phía đông thành phố Boston. Nhưng chắc chắn là họ đã hội nhập khá thành công vào nước Mỹ để rồi chỉ hai thế hệ sau đó, họ đã có những đứa cháu nội gốc Ý nhưng nay đã trở thành như những người Mỹ chính thống để có thể leo dần những cấp bậc sĩ quan trong quân đội Mỹ để có thể lên đến hàng đại tướng như ông John Kelly.
Đây là một điểm son nổi bật và cũng là cốt lõi để minh chứng cho những chính sách về di dân tại Hoa Kỳ. Theo nhà báo Zack Beauchamp, trong một bài phân tích ngắn mới đây trên diễn đàn The Vox, có thể nói là theo hầu hết những dữ kiện thu thập được, và dựa trên đa số các tiêu chuẩn khác nhau, mức độ hội nhập của khối di dân gốc Latino về mọi góc cạnh, từ việc học nói tiếng Anh đến tỉ lệ tội phạm v.v., cũng đều nhanh chóng và khá tốt đẹp hơn tất cả những khối di dân khác thường được gọi chung là “dân da trắng” (như các di dân gốc Ý, gốc Ái Nhĩ Lan, v.v.)
Những cuộc nghiên cứu đa dạng đều cho thấy rằng những người di dân thời nay đều là những người dễ dàng thích ứng để có được những bằng cấp cao, cũng ít gây ra tội phạm, và nói chung là đóng góp tích cực vào nền kinh tế nói chung, kể cả việc nâng cao lên đồng lương cho người Mỹ bản xứ.
Dĩ nhiên, vào thời điểm của mấy thập niên hay cả trăm năm trước đây, nhiều chính trị gia và người dân Mỹ “bản xứ” lúc bấy giờ cũng từng lên tiếng bầy tỏ sự lo ngại về khả năng hội nhập vào Hoa Kỳ của những khối di dân tị nạn đến từ các nước khác ở Âu Châu như dân Ý, Đức, Ba Lan, Ái Nhĩ Lan v.v. Cái gọi là sự lo ngại về tiến trình và khả năng hội nhập của khối di dân mới này thực ra chỉ là một cách nói của người dân bản xứ để che đậy tinh thần bài ngoại, lo sợ trước một khả năng xâm nhập về văn hoá của một khối di dân mới. Nó muốn nói lên cái tinh thần của họ muốn chê bai rằng cái khối di dân mới này có lẽ không xứng đáng để định cư tại vùng đất của họ hơn là bầy tỏ sự lo ngại trước những hiểm hoạ thực sự mà khối di dân mới này có thể ảnh hưởng tệ hại đến sự thịnh vượng của xã hội Hoa Kỳ.
Nó cũng giống như sự lo ngại của nhiều người dân Mỹ bản xứ vào thời điểm năm 1975 khi thấy hình ảnh những người Việt tị nạn trong những hình hài tội nghiệp xác xơ tìm đường vượt biển để mong tìm một nơi chốn dung thân mới tại nước Mỹ. Những người Mỹ bản xứ lúc đó cho rằng những người di dân gốc Á này có lẽ không xứng đáng để được định cư tại nước Mỹ, và có lẽ chỉ gây tổn hại thêm cho ngân quỹ chung của nhà nước để cứu trợ họ trong thời gian đầu tới định cư tại vùng đất mới.
Nhưng có một điều chắc chắn, chứ không phải chỉ là suy luận suông, để nói rằng cái tinh thần chống di dân mới đến không phải bắt nguồn từ việc lo sợ rằng khối di dân này sẽ ảnh hưởng tai hại về mặt kinh tế cho nước Mỹ (qua việc có thể làm giảm tiền lương trung bình của công nhân tại Mỹ), mà chính là vì sự lo sợ rằng cái bản thể dân Mỹ da trắng chính gốc của họ có thể dần dần sẽ mất đi cái vị thế đa số trùm đầu. Một cuộc nghiên cứu của ba nhà học giả thuộc trường Đại học Michigan đã kết luận khá rõ rằng: “Những bằng chứng về tinh thần chống đối di dân vì lo sợ ảnh hưởng tiêu cực của nó về mặt kinh tế cho đến nay đều không nhất quán. Ngược lại, tất cả những cuộc nghiên cứu từ trước tới nay đều cho thấy là tinh thần chống đối bắt nguồn từ sự lo sợ mất đi cái bản sắc dân gốc Mỹ trắng chiếm đại đa số càng ngày càng rõ nét hơn.”
Vì thế nên người ta không nên coi những lời nhận định của ông John Kelly là hoàn toàn chính xác, dù rằng đó là những lời lẽ cáo buộc nghiêm trọng đáng đem ra để phân tích. Rõ ràng là ông John Kelly được xem như là một chính trị gia có khuynh hướng cứng rắn về hồ sơ di dân, nhưng những lời phê phán của ông, cũng như là lập luận của chính quyền Trump hiện nay về hồ sơ di dân, cũng khó được biện minh cho vững vàng xuyên qua những lý lẽ ông đưa ra trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền thanh NPR vừa qua. Rõ ràng là nó khó lòng che đậy một tinh thần nào đó, một điều mà ai cũng dễ nhìn thấy tuy không muốn nói ra.
Một số những bình luận gia bảo thủ khác như cô Tomi Lahren cũng đã tìm cách bênh vực cho những lời lẽ của ông John Kelly coi như muốn viết lại lịch sử của Hoa Kỳ một cách sai lạc khi cho rằng những người di dân lúc ban sơ với trình độ chuyên môn thấp kém không xứng đáng được định cư tại nước Mỹ. Xuất hiện trên một chương trình của đài Fox News, cô Lahren đã phát biểu: “Anh không thể nào tự dưng đến đất nước này mà không có mang theo một nghề nghiệp chuyên môn nào, rồi lại có trình độ học vấn kém, và không hiểu rõ ngôn ngữ tiếng Anh. Chúng ta (người Mỹ) không muốn du nhập vào đây sự nghèo nàn. Bởi vì đất nước này không đặt nền tảng trên điều đó.”
Tuy nhiên, một chuyên gia về ngành truy tìm gia phả gốc gác có tên là Jennifer Mendelsohn đã chứng minh sự thực phũ phàng là cô Lahren này cũng là con cháu của một di dân sinh đẻ tại Nga, trước đây cũng đã giả mạo giấy tờ hộ tịch để có thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Cô Mendelsohn đã viết: “Tôi nói lên điều này không phải để gây khó khăn hay làm làm nhục cho cô Tomi Lahren. Nhưng nó có nghĩa là ông cố, ông sơ hay ông cố nội của cô ta trước đây không phải là một người xấu xa nhưng đành phải làm một quyết định không đúng (khi giả mạo giấy tờ để trốn lậu) dưới cái áp lực cần phải nhập cư vào Hoa Kỳ. Nó có nghĩa là người đó đang mong muốn rằng trong tương lai người cháu hay chắt của họ là cô Lahren sẽ dễ dàng thông cảm cho số phận của những người di dân như cha ông tổ tiên của cô trước đây, thay vì có thái độ nhẫn tâm theo kiểu ‘qua cầu rút ván’”.
Những bằng chứng mà chuyên gia về gia phả Mendelsohn này đã đưa ra là tài liệu của Tổng Nha Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ ghi lại lịch sử và lai lịch của mọi người dân sinh sống tại Mỹ chịu kê khai vào các bản khai được chính phủ cung cấp mỗi 10 năm một lần. Nó cho thấy là vào năm 1930, bà cố nội của cô Lahren đã sống ở Mỹ trong 41 năm dài nhưng vẫn luôn thích nói tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ của bà. Rồi đến bà cố hay bà sơ của cô Lahren cũng không nói được một tiếng Mỹ nào sau 10 năm đầu tiên sinh sống tại nước Mỹ.
Mà điều này thật ra cũng chẳng có gì là lạ vì nó vẫn xảy ra tại nhiều cộng đồng di dân gốc thiểu số ngày nay, cho dù là dân Hispanic tại những khu của người gốc Mễ nên chỉ biết thích nói tiếng Tây Ban Nha hơn tiếng Anh, hoặc là tại những khu “Chinatown” hay khu Bolsa tại California hoặc Bellaire tại Texas với rất đông những di dân gốc Việt chỉ thích nói tiếng Hoa hay tiếng Việt thay vì dùng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày của họ.
Nhưng không phải vì thế mà những người thuộc thế hệ con cháu họ như cô Lahren và những người khác lên tiếng chê bai và đòi đuổi những người di dân này khi lên tiếng chê bai rằng họ không xứng đáng để được nhận vào nước Mỹ. Bởi vì nếu điều đó đã được áp dụng, thì làm gì có cảnh ngược đời khi con cháu của những thế hệ đó như cô Tomi Lahren và ông John Kelly lại có những lời lẽ vô ơn bạc nghĩa như vậy.
Đáng thương và đáng tiếc là vậy!
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 24 tháng 5/2018