Mai Loan: Sao anh nỡ đành quên?

31 Tháng Năm 20186:33 CH(Xem: 13634)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ -  THỨ SÁU 01 JUNE 2018


Sao anh nỡ đành quên?


Mai Loan


từ Houston, Texas.


 Có lẽ cũng là điều dễ hiểu khi nhiều các chính trị gia thường hay lên tiếng đả kích những chính sách tương đối có phần bao dung và rộng rãi đối với thành phần di dân lậu bằng cách chụp mũ đổ tội lên đầu họ là nguyên nhân của mọi vấn đề khó khăn và gây bất an cho xã hội Hoa Kỳ ngày nay. Những chính trị gia hoặc các nhà dân cử này muốn tìm cách lấy lòng của một khối dân bảo thủ và thiếu kiên nhẫn, cộng với sự thiếu hiểu biết sâu rộng đi kèm với một tinh thần kỳ thị lúc nào cũng còn tìm ẩn trong người nên thường hay nhìn ở những người di dân lậu những góc cạnh đầy bất hảo.


Ngay từ trong ngôn ngữ dùng để diễn tả sự kiện, chữ “lậu” trong di dân lậu đã mang một ý nghĩa không tốt đẹp chút nào, bởi vì nó ám chỉ một điều gì đó không quang minh chính đại, không hợp pháp hoặc hợp lệ, và do đó cần phải lên án hoặc loại bỏ. Nó lại càng gợi lên một ý nghĩa xấu xa khác là cái gì “lậu” (như “hàng lậu”) chỉ có lợi cho một thiểu số nào đó lợi dụng những sơ hở của luật pháp để khai thác nhằm trục lợi cho mình (như dân buôn “hàng lậu”) nhưng đồng thời đem lại những bất lợi chung cho số đông còn lại là những người làm ăn chân chính và hợp pháp (khi việc trốn đóng thuế hàng “lậu” gây thiệt hại cho ngân quỹ của quốc gia).


Vì lẽ đó nên những người tranh đấu cho quyền lợi của khối di dân lậu tại Hoa Kỳ trong thời gian sau này thường đổi cách gọi để nói đến những người này là “di dân không có giấy tờ” (undocumented aliens). Bởi lẽ khối đông những di dân này thường là chẳng có làm gì phạm pháp theo nghĩa xấu xa như gây ra tội ác hoặc bất an trong xã hội, nhưng họ chỉ mang phải cái tội là không có giấy tờ đầy đủ (và hợp lệ) để có thể được sinh sống tại Hoa Kỳ.


Trong phần lớn những trường hợp, họ là những người đáng thương hơn đáng trách, vì đang phải lo chạy trốn một hoàn cảnh thương tâm hoặc khắc nghiệt nào đó đang đổ ập xuống gia đình khiến họ phải liều mạng để rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún là những làng mạc hay thôn quê của họ đang rơi vào cảnh chiến tranh và bạo lực để chạy đi tìm một vùng đất mới có phần yên bình hơn.


Trong những hoàn cảnh đó, nhiều khi những người di dân hay tị nạn này không có những điều kiện bình thường để có thể ngồi yên hoàn thành những thủ tục thông thường để xin được nhập cư vào một vùng đất mới. Bởi vì nhiều khi việc đi tìm một vùng đất mới chưa hẳn là những điều mà họ đã mong muốn thực sự nếu như đất nước và nơi sinh sống trước đây của họ không bị rơi vào một tình trạng khốn khổ và thương đau bất ngờ đổ ập xuống. Đó là tình trạng của phần đông hàng triệu người dân tại Syria và Iraq bất ngờ phải tìm nơi trốn tránh lầm than khi chiến tranh bỗng nổ ra trên đất nước của họ mà chính phủ trong nước cũng như cộng đồng thế giới đã không thể can thiệp hầu đem lại một giải pháp tương đối êm thắm và tốt đẹp hơn, vốn đang trở thành đề tài thời sự sôi nổi và gây ra nhiều tranh cãi nhất trong những năm gần đây.


Đó cũng có thể là tình trạng của phần đông những người dân Nam Mỹ (Latino, Hispanic) cũng đang tìm cách trốn tránh những hoàn cảnh nghiệt ngã tại các xứ sở của họ đang bị rơi vào tình cảnh khốn khó ngặt nghèo do bởi tệ nạn tham nhũng và bất lực của các chính phủ sở tại trước sự lộng hành của các trùm băng đảng và buôn bán ma tuý, không từ nan bất cứ một hành động bạo lực và tàn ác nào để đạt được mục đích.


Đó cũng có thể là tình trạng của hàng trăm ngàn người dân tị nạn phải rời bỏ quê hương trong những hoàn cảnh bi thương vì chiến tranh tại đất nước của họ bỗng dưng đưa đẩy đến những kết quả hoàn toàn bất lợi cho đời sống và an ninh của gia đình khiến họ phải vội vã gồng gánh tất cả những gì có thể mang theo được trên đường trốn chạy kẻ dữ, như các người dân của các nước Việt – Miên – Lào phải rời bỏ bán đảo Đông Dương sau ngày quân đội Mỹ rút khỏi nơi này để cho giặc Cộng có thể tràn vào.


Và đó cũng là tình cảnh của hàng chục triệu người dân khác ở nhiều nước tại lục địa Âu Châu đã phải lìa bỏ quê hương trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất khi xảy ra hai cuộc đại thế chiến kinh hoàng của thế kỷ 20 khiến cho hàng chục triệu người phải tử nạn, và hàng chục triệu người khác cũng tìm đường lánh nạn để sẵn sàng vượt qua đại dương chạy đến những vùng đất mới và xa lạ là lục địa Bắc Mỹ này. Phần lớn những người này vào lúc đó đến được Hoa Kỳ qua ngả phía đông và khi nhìn thấy bức tượng Nữ Thần Tự Do ở bến cảng tại New York thì có thể coi như là đã có cơ hội được cứu sống để làm lại cuộc đời mới cho dù có phải chấp nhận những điều kiện hội nhập rất khó khăn lúc ban đầu, với những dị biệt về ngôn ngữ cũng như văn hoá và lối sống hàng ngày.


Vì thế nên trong vấn đề tranh luận hiện nay về hồ sơ những người di dân lậu, người ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy nhiều người đã có những nhận định hoàn toàn sai lầm và đáng trách khi phán xét về khối người di dân mà thực chất họ cũng chỉ là con cháu của những thế hệ di dân và tị nạn đã chạy loạn tìm đường đến Hoa Kỳ để tái xây dựng cuộc đời từ cả chục hay trăm năm về trước.


Chẳng hạn như trường hợp của ông cựu đại tướng John Kelly, hiện đang là Bộ trưởng Phủ Tổng Thống tại Toà Bạch Ốc. Mới đây ông Kelly đã đưa ra những lời nhận định rất sai lầm cho thấy cái nhìn không lấy gì làm thiện cảm đối với thành phần di dân.


Đó là khi ông Kelly xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn của chương trình Morning Edition của đài truyền thanh trên toàn quốc NPR bàn luận về chính sách gọi là “zero tolerance” rất gắt gao của chính quyền Trump vừa mới đưa ra để áp dụng về khối người nhập cư tại biên giới, trong đó có quy định mới là sẵn sang lôi kéo tất cả các em nhỏ rời khỏi vòng tay của bố mẹ các em khi đang nhập cư lậu vào Hoa Kỳ, để sau đó sẽ đưa các em đến những nơi giam giữ riêng do chính phủ điều hành.


Chính sách này có thể được xem là khá tàn nhẫn vì từ trước tới nay, bao giờ các chính phủ sở tại cũng không nỡ nào nhẫn tâm chia rẽ các em nhỏ rời khỏi vòng tay của bố mẹ hay người thân trong gia đình trong những hoàn cảnh chạy tị nạn như vậy. Tuy nhiên, ông Kelly đã tìm cách biện minh cho chính sách mới rất gắt gao này khi cho rằng những người di dân không có giấy tờ hợp pháp đó không có khả năng để hội nhập vào xã hội tại Hoa Kỳ (và phải chăng vì thế mà chính quyền Trump không ngần ngại khi phải chia rẽ các gia đình này). Ông bộ trưởng phủ tổng thống Mỹ đã phát biểu nguyên văn như sau:


Phần lớn đại đa số những người di chuyển bất hợp pháp vào Hoa Kỳ không phải là những người xấu. Họ không phải là những kẻ tội phạm. Họ cũng không phải là MS-13 (một loại băng đảng rất hung dữ và nguy hiểm) . . . nhưng họ cũng là những người không dễ dàng hội nhập vào nước Mỹ, vào cái xã hội tân tiến của chúng ta. Họ phần lớn là những người dân sống ở thôn quê. Tại những quốc gia gốc mà họ vừa mới rời bỏ, phần lớn họ chỉ mới có trình độ học vấn cỡ lớp 4, lớp 5 hay lớp 6 ở tiểu học. . . Họ không nói được tiếng Anh; dĩ nhiên, đó là một vấn đề lớn. . .


Họ cũng không hội nhập vào xã hội mới một cách tốt đẹp; họ không hề có những kinh nghiệm hay khả năng chuyên môn. Họ không phải là những người xấu. Họ đến đây vì có một lý do nào đó. Và tôi cũng rất thông cảm với cái lý do đó. Tuy nhiên, luật pháp vẫn là luật pháp . . . Vấn đề lớn ở đây là họ đã lựa chọn đến nước Mỹ một cách bất hợp pháp, và đó là một cách thức mà không ai muốn thấy là nó sẽ được áp dụng một cách rộng rãi và lâu dài mãi.


Nhiều chuyên gia trong ngành và một số các bình luận gia trong các diễn đàn truyền thông đã nhanh chóng lên tiếng cho rằng những lời bình phẩm của ông Kelly đã mang tính chất quá bao quát kiểu “vơ đũa cả nắm”, và cũng phần nào mang tính kỳ thị sắc tộc, nhận định quơ quào một cách quá phiến diện về cộng đồng những người di dân gốc Latino (đến từ vùng Nam Mỹ châu). Họ nói rằng khi ông Kelly cáo buộc rằng những người di dân này “không hội nhập” (don’t assimilate), nhưng thực tế với những bằng chứng cụ thể đã cho thấy là những người di dân không có giấy tờ hợp pháp đó luôn là những người dân hội nhập rất tốt vào đời sống mới tại một xã hội mới, với những thống kê cho thấy là mức độ phạm pháp trong cộng đồng của họ bao giờ cũng thấp hơn là tỉ lệ phạm pháp của người dân Mỹ tại bản xứ.


Nhiều người còn chỉ rõ thêm rằng những lập luận như lời của ông Kelly rập khuôn lại gần giống như những lời lẽ mà các thế hệ dân Mỹ trước đây đã từng nói về những khối di dân khác trong những ngày đầu tiên họ mới đặt chân đến nước Mỹ. Chẳng hạn như khối di dân gốc Ý, từ thời trước và sau các trận thế chiến, đã phải rời bỏ xứ sở của họ để đến định cư tại Hoa Kỳ, với một số lớn quyết định ở lại vùng New York khi mới đặt chân đến bến bờ tự do.


Đó là trường hợp của những người như gia đình bà nội của ông John Kelly. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Politico, nhà báo Ben Strauss nhận định rằng những người thuộc thế hệ tổ tiên, như bà nội của ông Kelly, khi mới đặt chân đến nước Mỹ, đã không hề nói được một chữ tiếng Anh nào, và đã phải cật lực để sinh tồn bằng cách bán hàng rong trái cây trên các đường phố ở một khu nghèo nàn ở phía đông thành phố Boston. Nhưng chắc chắn là họ đã hội nhập khá thành công vào nước Mỹ để rồi chỉ hai thế hệ sau đó, họ đã có những đứa cháu nội gốc Ý nhưng nay đã trở thành như những người Mỹ chính thống để có thể leo dần những cấp bậc sĩ quan trong quân đội Mỹ để có thể lên đến hàng đại tướng như ông John Kelly.


Đây là một điểm son nổi bật và cũng là cốt lõi để minh chứng cho những chính sách về di dân tại Hoa Kỳ. Theo nhà báo Zack Beauchamp, trong một bài phân tích ngắn mới đây trên diễn đàn The Vox, có thể nói là theo hầu hết những dữ kiện thu thập được, và dựa trên đa số các tiêu chuẩn khác nhau, mức độ hội nhập của khối di dân gốc Latino về mọi góc cạnh, từ việc học nói tiếng Anh đến tỉ lệ tội phạm v.v., cũng đều nhanh chóng và khá tốt đẹp hơn tất cả những khối di dân khác thường được gọi chung là “dân da trắng” (như các di dân gốc Ý, gốc Ái Nhĩ Lan, v.v.)


Những cuộc nghiên cứu đa dạng đều cho thấy rằng những người di dân thời nay đều là những người dễ dàng thích ứng để có được những bằng cấp cao, cũng ít gây ra tội phạm, và nói chung là đóng góp tích cực vào nền kinh tế nói chung, kể cả việc nâng cao lên đồng lương cho người Mỹ bản xứ.


Dĩ nhiên, vào thời điểm của mấy thập niên hay cả trăm năm trước đây, nhiều chính trị gia và người dân Mỹ “bản xứ” lúc bấy giờ cũng từng lên tiếng bầy tỏ sự lo ngại về khả năng hội nhập vào Hoa Kỳ của những khối di dân tị nạn đến từ các nước khác ở Âu Châu như dân Ý, Đức, Ba Lan, Ái Nhĩ Lan v.v. Cái gọi là sự lo ngại về tiến trình và khả năng hội nhập của khối di dân mới này thực ra chỉ là một cách nói của người dân bản xứ để che đậy tinh thần bài ngoại, lo sợ trước một khả năng xâm nhập về văn hoá của một khối di dân mới. Nó muốn nói lên cái tinh thần của họ muốn chê bai rằng cái khối di dân mới này có lẽ không xứng đáng để định cư tại vùng đất của họ hơn là bầy tỏ sự lo ngại trước những hiểm hoạ thực sự mà khối di dân mới này có thể ảnh hưởng tệ hại đến sự thịnh vượng của xã hội Hoa Kỳ.


Nó cũng giống như sự lo ngại của nhiều người dân Mỹ bản xứ vào thời điểm năm 1975 khi thấy hình ảnh những người Việt tị nạn trong những hình hài tội nghiệp xác xơ tìm đường vượt biển để mong tìm một nơi chốn dung thân mới tại nước Mỹ. Những người Mỹ bản xứ lúc đó cho rằng những người di dân gốc Á này có lẽ không xứng đáng để được định cư tại nước Mỹ, và có lẽ chỉ gây tổn hại thêm cho ngân quỹ chung của nhà nước để cứu trợ họ trong thời gian đầu tới định cư tại vùng đất mới.


Nhưng có một điều chắc chắn, chứ không phải chỉ là suy luận suông, để nói rằng cái tinh thần chống di dân mới đến không phải bắt nguồn từ việc lo sợ rằng khối di dân này sẽ ảnh hưởng tai hại về mặt kinh tế cho nước Mỹ (qua việc có thể làm giảm tiền lương trung bình của công nhân tại Mỹ), mà chính là vì sự lo sợ rằng cái bản thể dân Mỹ da trắng chính gốc của họ có thể dần dần sẽ mất đi cái vị thế đa số trùm đầu. Một cuộc nghiên cứu của ba nhà học giả thuộc trường Đại học Michigan đã kết luận khá rõ rằng: “Những bằng chứng về tinh thần chống đối di dân vì lo sợ ảnh hưởng tiêu cực của nó về mặt kinh tế cho đến nay đều không nhất quán. Ngược lại, tất cả những cuộc nghiên cứu từ trước tới nay đều cho thấy là tinh thần chống đối bắt nguồn từ sự lo sợ mất đi cái bản sắc dân gốc Mỹ trắng chiếm đại đa số càng ngày càng rõ nét hơn.


Vì thế nên người ta không nên coi những lời nhận định của ông John Kelly là hoàn toàn chính xác, dù rằng đó là những lời lẽ cáo buộc nghiêm trọng đáng đem ra để phân tích. Rõ ràng là ông John Kelly được xem như là một chính trị gia có khuynh hướng cứng rắn về hồ sơ di dân, nhưng những lời phê phán của ông, cũng như là lập luận của chính quyền Trump hiện nay về hồ sơ di dân, cũng khó được biện minh cho vững vàng xuyên qua những lý lẽ ông đưa ra trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền thanh NPR vừa qua. Rõ ràng là nó khó lòng che đậy một tinh thần nào đó, một điều mà ai cũng dễ nhìn thấy tuy không muốn nói ra. 


Một số những bình luận gia bảo thủ khác như cô Tomi Lahren cũng đã tìm cách bênh vực cho những lời lẽ của ông John Kelly coi như muốn viết lại lịch sử của Hoa Kỳ một cách sai lạc khi cho rằng những người di dân lúc ban sơ với trình độ chuyên môn thấp kém không xứng đáng được định cư tại nước Mỹ. Xuất hiện trên một chương trình của đài Fox News, cô Lahren đã phát biểu: “Anh không thể nào tự dưng đến đất nước này mà không có mang theo một nghề nghiệp chuyên môn nào, rồi lại có trình độ học vấn kém, và không hiểu rõ ngôn ngữ tiếng Anh. Chúng ta (người Mỹ) không muốn du nhập vào đây sự nghèo nàn. Bởi vì đất nước này không đặt nền tảng trên điều đó.


Tuy nhiên, một chuyên gia về ngành truy tìm gia phả gốc gác có tên là Jennifer Mendelsohn đã chứng minh sự thực phũ phàng là cô Lahren này cũng là con cháu của một di dân sinh đẻ tại Nga, trước đây cũng đã giả mạo giấy tờ hộ tịch để có thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Cô Mendelsohn đã viết: “Tôi nói lên điều này không phải để gây khó khăn hay làm làm nhục cho cô Tomi Lahren. Nhưng nó có nghĩa là ông cố, ông sơ hay ông cố nội của cô ta trước đây không phải là một người xấu xa nhưng đành phải làm một quyết định không đúng (khi giả mạo giấy tờ để trốn lậu) dưới cái áp lực cần phải nhập cư vào Hoa Kỳ. Nó có nghĩa là người đó đang mong muốn rằng trong tương lai người cháu hay chắt của họ là cô Lahren sẽ dễ dàng thông cảm cho số phận của những người di dân như cha ông tổ tiên của cô trước đây, thay vì có thái độ nhẫn tâm theo kiểu ‘qua cầu rút ván’”.


Những bằng chứng mà chuyên gia về gia phả Mendelsohn này đã đưa ra là tài liệu của Tổng Nha Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ ghi lại lịch sử và lai lịch của mọi người dân sinh sống tại Mỹ chịu kê khai vào các bản khai được chính phủ cung cấp mỗi 10 năm một lần. Nó cho thấy là vào năm 1930, bà cố nội của cô Lahren đã sống ở Mỹ trong 41 năm dài nhưng vẫn luôn thích nói tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ của bà. Rồi đến bà cố hay bà sơ của cô Lahren cũng không nói được một tiếng Mỹ nào sau 10 năm đầu tiên sinh sống tại nước Mỹ.


Mà điều này thật ra cũng chẳng có gì là lạ vì nó vẫn xảy ra tại nhiều cộng đồng di dân gốc thiểu số ngày nay, cho dù là dân Hispanic tại những khu của người gốc Mễ nên chỉ biết thích nói tiếng Tây Ban Nha hơn tiếng Anh, hoặc là tại những khu “Chinatown” hay khu Bolsa tại California hoặc Bellaire tại Texas với rất đông những di dân gốc Việt chỉ thích nói tiếng Hoa hay tiếng Việt thay vì dùng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày của họ.


Nhưng không phải vì thế mà những người thuộc thế hệ con cháu họ như cô Lahren và những người khác lên tiếng chê bai và đòi đuổi những người di dân này khi lên tiếng chê bai rằng họ không xứng đáng để được nhận vào nước Mỹ. Bởi vì nếu điều đó đã được áp dụng, thì làm gì có cảnh ngược đời khi con cháu của những thế hệ đó như cô Tomi Lahren và ông John Kelly lại có những lời lẽ vô ơn bạc nghĩa như vậy.


Đáng thương và đáng tiếc là vậy!   


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 24 tháng 5/2018


anhtuantaberd74@gmail.com

11 Tháng Chín 2013(Xem: 22762)
Các báo của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đăng nhiều bài chỉ trích quan điểm kêu gọi thành lập đảng đối lập của ông Lê Hiếu Đằng.
11 Tháng Chín 2013(Xem: 20112)
Thay mặt Đảng Việt Tân xin kính chào và cảm ơn quý vị đã dành thời giờ rất là quý báu đến tham dự buổi lễ tưởng niệm Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các Kháng Chiến Quân đã hy sinh trên con đường Đông Tiến cách nay 26 năm.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 22856)
Sau khi bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi và bài viết Phá xiềng của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận đăng tải trên các trang mạng, một số bạn bè, đồng đội, nhân sĩ trí thức, nhà báo…, hoặc qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp tôi đặt một số vấn đề, khiến tôi thấy cần làm rõ thêm về những suy nghĩ của mình.
28 Tháng Tám 2013(Xem: 22704)
Thời gian vừa qua, có dịp vào Sài Gòn, được tin ông Lê Hiếu Đằng phải cấp cứu ở BV Bình dân, tôi và bạn bè đã đến thăm ông. Chúng tôi nhìn nhau khôn xiết bồi hồi. Sờ bàn chân ông thấy có hiện tượng phù nhẹ, nhưng trông khuôn mặt thì vẫn rất linh lợi, nhất là ánh mắt sáng láng, vẫn ngời lên cái khát vọng tha thiết về tương lai dân chủ hóa cho đất nước.
11 Tháng Tám 2013(Xem: 23232)
Tổng thống Obama tiếp bà Aung San Syu Kyi tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 9 năm 2012. và gặp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc, ngày 25/7/2013.
11 Tháng Tám 2013(Xem: 24601)
Nhân chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang ở Mỹ trong mấy ngày cuối tháng 7 vừa qua, thử nghĩ về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 21206)
Hình thức phản kháng rõ ràng nhất, vang dội nhất chính là sự thể toàn dân Việt Nam một lòng nắm tay nhau tấn công Trung Cộng và Công Sản Việt Nam trên các trận địa chính trị, kinh tế, ngoại giao, truyền thông…
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 34764)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Washington DC - REUTERS /L. Downing
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 21566)
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, lên đường sang Hoa Kỳ. Đây là một chuyến đi xa hiếm có và hệ trọng. Người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh của đất nước rất chú ý theo dõi cuộc đi này.
28 Tháng Bảy 2013(Xem: 20518)
Trong hơn 20 năm nối lại quan hệ ngoại giao bình thường từ sau khi Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận đối với nhà cầm quyền CSVN vào năm 1995, Tòa Bạch Ốc đã đón tất cả 4 nhân vật cao cấp của Hà Nội gồm: ông Phan Văn Khải, ông Nguyễn Minh Triết, ông Nguyễn Tấn Dũn, và lần này là ông Trương Tấn Sang.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 20708)
Tình hình chính trị ở Việt Nam đang đòi hỏi cấp bách một tổ chức chính trị, để thoát khỏi tình trạng độc đảng lạc hậu và tệ hại cho dân cho nước.
26 Tháng Sáu 2013(Xem: 22709)
Về việc đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) sửa đổi Hiến Pháp, Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) tuyên bố trước dư luận trong ngoài nước những quan điểm sau đây
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 21919)
Cần lưu ý quý bạn là tình hình rồi ra ngày càng trở nên phức tạp, xin hãy cẩn trọng theo sát tình hình thế giới để biết cụ thể những gì sẽ sảy ra cho thế giới và đất nước.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 21703)
Lịch sử Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy chế độ nào cũng có người bất đồng với chính sách của lãnh đạo. Nhưng cách nhà cầm quyền đối xử với thành phần đối lập nhiều khi rất thô bạo, thiếu tính văn minh và dân chủ.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 20878)
Vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam không chỉ gây sôi nổi dư luận người Việt trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Trong tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Jonathan London, giáo sư Đại học Hồng Kông và những khuyến cáo của tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Anh quốc, mang tên Điều 19.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 21589)
Các thể chế chính trị trên thế giới có thể được hình thành bằng những cách thức khác nhau và mang những tính chất khác nhau.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 20469)
Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày Thứ Năm, 13 tháng 6 năm 2013, phái đoàn đảng Việt Tân gồm ông Tổng Bí Thư Lý Thái Hùng, Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong và ông Nguyễn Tấn Anh đã có một cuộc gặp gỡ và trao đổi về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với ông Tổng Trưởng Ngoại Giao Úc, Thượng Nghị Sĩ Bob Carr tại văn phòng chính phủ tại thành phố Sydney.
24 Tháng Sáu 2013(Xem: 21248)
Hoạt động thường niên của giới vận động dân chủ người Việt mang tên Họp Mặt Dân Chủ vừa được tổ chức tại Hà Lan.
11 Tháng Sáu 2013(Xem: 24779)
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-La vừa qua đánh dấu một chuyển biến trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và vẫn đòi hỏi có thêm các đánh giá đúng mức sau nhiều bình luận khen chê trong và ngoài nước.
28 Tháng Năm 2013(Xem: 25339)
Những định nghĩa pháp lý cho các chính thể Việt trong cuộc chiến chấm dứt ngày 30/4/1975 có vai trò quan trọng cho lập luận của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự quan trọng này không chỉ vì công hàm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng, mà còn vì Hà Nội đã không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1954 đến 1975-1976.