Mai Loan: Khi các chính trị gia đạo đức giả quá trơ trẽn?

07 Tháng Sáu 20186:54 CH(Xem: 10708)

VĂN HÓA ONLINE - DIỄN ĐÀN CHÍNH TRỊ  - THỨ SÁU 08 JUNE 2018


Khi các chính trị gia đạo đức giả quá trơ trẽn? 


MAI LOAN

Houston, Texas

30/ 5/2018



Đề tài súng ống tại Hoa Kỳ quả thật cũng chẳng khác gì “chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ” xảy ra dưới thời chế độ Việt Nam Cộng Hoà hồi cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Nó là một vấn nạn và thảm cảnh đau lòng nhưng xã hội và chính quyền đương thời dường như không có phương cách để giải quyết cho ổn thoả. Và điều ác nghiệt đớn đau hơn nữa là nhiều người đều thấy trước là những hậu quả tai hại của việc súng ống được sở hữu và sử dụng khá bừa bãi sẽ tái diễn nhiều lần trong thời gian tới nhưng cũng đành bất lực để có những biện pháp phòng ngừa hoặc ngăn chặn.


Dĩ nhiên, những người đáng bị lên án vì thiếu trách nhiệm lớn nhất trong vụ này chính là chính quyền đương thời và các chính trị gia có thế lực và ảnh hưởng trên chính trường, do bởi nhiều nguyên nhân đa dạng, đã gần như không thực sự quan tâm đến những hậu quả tai hại xảy đến cho những nạn nhân của những vụ nổ súng bất thường nhưng có thể nổ ra bất cứ lúc nào, như những vụ thảm sát nổ súng gây thảm hoạ kinh hoàng cho người dân vô tội tại Hoa Kỳ trong những năm gần đây, chẳng khác gì những vụ nổ bom của bọn khủng bố Hồi-giáo, nhưng trớ trêu thay lại chẳng thấy bị lên án mạnh mẽ bởi những chính trị gia hoặc viên chức chính quyền theo phe Cộng Hoà hoặc có khuynh hướng bảo thủ.


Đã đành là các chính trị gia và những nhà dân cử thường không được đánh giá là những người ăn nói chân thật bởi lẽ họ thường chỉ thích nói hay hứa hẹn những điều khiến cho cử tri nhẹ dạ hay mủi lòng và bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử. Và một khi đạt được mục đích nắm quyền, họ sẵn sàng nói hoặc làm bất cứ điều gì miễn là nó bảo vệ cho quyền hành của họ được tiếp tục duy trì, bỏ mặc hoặc làm ngơ trước những điều trái tai gai mắt mà đáng lý ra những người còn có chút ít lương tâm đều phải cảm thấy hổ thẹn.


Đó là trường hợp của các chính trị gia và các viên chức chính quyền do dân bầu lên tại tiểu bang Texas đã có những phản ứng mang tính đạo đức giả sau khi xảy ra vụ nổ súng thảm sát tại một trường trung học ở Santa Fe, thành phố phía nam của Houston nằm gần bờ biển Galveston. Vụ thảm sát xảy ra vào một ngày thứ Sáu cuối tuần khi hung thủ Dimitrios Pagourtzis, một học sinh 17 tuổi, đã nổ súng bắn chết 10 người, đa phần là các em bạn học đồng trang lứa, và gây thương tích cho 13 người khác, kể cả một nhân viên công lực đã đến hiện trường để đối phó nhưng cũng đành thúc thủ.


Thống đốc tiểu bang là ông Greg Abbott đã tức tốc đến ngôi trường để mở một cuộc họp báo. Nhưng liệu ông có nói hay làm được điều gì để xoa dịu nỗi mất mát kinh khủng của gia đình các nạn nhân cũng như nỗi kinh hoàng của hàng ngàn phụ huynh của các em học sinh tại ngôi trường này vào ngày hôm đó? Bởi vì chính ông Abbott luôn tự hào về thành tích được xếp hạng A (ưu hạng) bởi tổ chức NRA (Hiệp Hội Súng Trường Toàn Quốc). Mà mục tiêu lớn nhất của Hội NRA là luôn tìm cách phá vỡ tất cả những nỗ lực và quy định của chính quyền nhằm kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc sử dụng và mua bán súng ống tại Hoa Kỳ.


Vào năm 2014, Hội NRA đã chính thức ủng hộ ông Abbott trong cuộc chạy đua vào chức vụ Thống đốc Texas, và chấm điểm với thành tích tuyệt đối ủng hộ 100%. Như vậy, làm sao thân nhân và gia đình của các nạn nhân trong vụ nổ súng thảm sát này có thể tin tưởng được sự chân tình của ông Abbott khi ông lên tiếng than trách rằng Texas là tiểu bang đứng hạng thứ hai trên toàn quốc trong số những tiểu bang có số lượng mua súng nhiều nhất?


Tuy nhiên, không phải chỉ có mình ông Abbott là đáng bị chê trách, mà nhiều nhà dân cử hoặc viên chức khác trong chính quyền cũng có những thành tích đáng lên án không kém. Dân biểu liên bang Randy Webber thuộc phe Cộng Hoà, vị dân cử đại diện cho đơn vị số 14 là vùng bao gồm ngôi trường ở Santa Fe, sau đó đã bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter rằng ông “đang cầu nguyện cho Santa Fe”. Nhưng ông Webber cũng được tổ chức NRA chấm điểm ủng hộ đến 93%!


Nghị sĩ liên bang Ted Cruz cũng bắn ra một mẩu tin nhắn khác để nói rằng ông và bà vợ Heidi đang “nghĩ đến những học sinh và giáo viên của trường Trung học Santa Fe trong những lời cầu kinh của họ vào sáng hôm nay”. Nhưng người ta cũng không quên rằng ông Cruz cũng được điểm tối đa về mức ủng hộ 100% từ Hội NRA. Ông Cruz đã được tổ chức này ủng hộ số tiền lên đến $72,000 cho những cuộc vận động tranh cử.


Vị nghị sĩ liên bang thứ nhì là ông John Cornyn cũng có thành tích tối ưu tương tự từ phía Hội NRA, tức là cũng được điểm ủng hộ tối đa 100%. Trong một hành động dường như là bài bản quen thuộc của những nhà chính trị bảo thủ theo phe Cộng Hoà, ông Cornyn cũng đưa ra “những suy nghĩ và cầu nguyện đến các nạn nhân” sau khi xảy ra vụ thảm sát.


Phải chăng chính vì thế mà tiểu bang Texas (và các viên chức cầm quyền hiện nay đều thuộc phe Cộng Hoà) đều bị một tổ chức có tên là Giffords Law Center chấm điểm F (điểm thi rớt, thất bại) trong bảng phê bình về tình trạng súng ống tại địa phương. Tưởng cũng nên nhắc lại cái tên của trung tâm này, chuyên tranh đấu về pháp lý để chống nạn bạo lực vì súng ống, mang tên của bà Gabrielle Giffords, một vị nữ dân biểu liên bang tại tiểu bang Arizona. Vào đầu năm 2011, bà Giffords đã bị một tay súng nổi điên bắn loạn xạ giết chết nhiều người và làm bà bị thương nặng với viên đạn bắn bể sọ, gây thương tích trầm trọng trên não bộ tưởng chừng như không thể nào sống nổi trừ khi có phép lạ. Sau đó, bà Giffords đã xin từ nhiệm, và cùng chồng là phi hành gia Mark Kelly, để tích cực vận động và tranh đấu nhằm giảm thiểu bớt tệ nạn súng ống gây nguy hiểm cho đời sống của người dân tại Hoa Kỳ.


Nhưng Hội NRA là một tổ chức không ngần ngại dùng đủ mọi phương thức để đạt được mục đích là nhằm loại bỏ mọi giới hạn hay ngăn cấm trong việc mua bán và sở hữu súng ống tại Hoa Kỳ. Họ thường lập lại luận cứ về cái gọi là Tu Chính Án số 2 của Hiến pháp Hoa Kỳ nói rằng người dân và các tổ chức dân quân tại Mỹ đều có quyền sở hữu súng ống để bảo vệ cho mình và gia đình.


Nhưng thực chất là cái tu chính án này đã được ban hành từ mấy trăm năm về trước từ những ngày mới lập quốc của Hoa Kỳ, khi mà những người đặt chân đầu tiên lên vùng đất mới đang muốn chống lại sự cai trị của quân đội Hoàng gia Anh quốc. Vì thế nên họ mới cần phải có vũ khí trong tay để tự vệ cũng như để tranh đấu cho sự độc lập của một quốc gia mới thành hình. Hơn nữa, vào thời ấy, đa số người dân sống rải rác tại nhiều vùng đất rộng lớn mới được khẩn hoang, không phải lúc nào cũng có được sự bảo vệ hữu hiệu và nhanh chóng của các cơ quan cảnh sát như hiện nay, nên việc cần có súng ống trong các trang trại ở những vùng đồng không mông quạnh năm xưa còn có thể hiểu được. Tuy nhiên, lập luận này và cách giải thích về cái gọi là “quyền tự do” này vẫn hữu hiệu trong việc thuyết phục nhiều người Mỹ hiện nay vẫn cứ ngoan cố bênh vực cho việc người dân cần có súng ống trong xã hội ngày nay.


Sau vụ nổ súng thảm sát tại trường Trung học ở Parkland, tiểu bang Florida, hồi tháng Hai năm nay dẫn đến việc nhiều em học sinh tại trường này đã tự động phát động một làn sóng phản đối thái độ thờ ơ của các nhà dân cử và chính quyền từ cấp tiểu bang đến liên bang, nhiều chính trị gia bảo thủ ủng hộ tổ chức NRA cũng đã nhanh chóng tấn công các em học sinh đứng đầu trong phong trào phản đối tự phát sinh này bằng đủ các phương tiện hạ cấp, kể cả chụp mũ các em là công cụ tay sai của những thế lực khuynh tả v.v.


Thậm chí, Chủ tịch của Hội NRA hiện nay là ông Oliver North cũng đã không ngần ngại chụp mũ các em học sinh lãnh đạo của phong trào này là những tay đấu tranh khủng bố. (Tưởng cũng nên nhắc lại là ông Oliver North trước đây là một cựu trung tá nổi tiếng trong vụ bê bối Iran-Contra về việc bí mật bán vũ khí cho Iran và tài trợ cho nhóm nổi loạn Contra tại Nicaragua dưới thời TT Reagan, và cả hai hành động này đều hoàn toàn phi pháp và qua mặt Quốc Hội Hoa Kỳ.)


Để nhận định về thái độ thờ ơ trước các tai hoạ gây ra từ súng ống xuyên qua những vụ nổ súng thảm sát khắp nơi (kể cả trường học) và càng ngày càng có nguy cơ tái diễn khá thường xuyên, ông Igor Volsky, giám đốc một tổ chức tranh đấu chống bạo lực vì súng ống có tên là Guns Down America đã phát biểu: “Các nhà dân cử đã nhận được hàng chục ngàn đô-la từ Hội NRA để rồi sau đó quay ra chống lại những dự luật nhằm kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc sở hữu súng ống là mặc nhiên đã đặt quyền lợi và sự nghiệp chính trị của họ lên trên quyền lợi và mạng sống của những người dân mà họ là người đại biểu (đáng lý ra họ phải tranh đấu để bảo vệ cho dân).”


Ông Volsky cũng nói thêm rằng quả thật có sự tương tác rõ ràng và được chứng nghiệm bằng những dữ kiện cụ thể về việc những luật lệ lỏng lẻo về súng ống đã dẫn đến con số những người chết vì súng ống càng ngày càng gia tăng. Để kết luận, ông Volsky không ngần ngại nói rằng “Những người này (các chính trị gia bảo thủ nhận tiền từ Hội NRA) quả là những người có bàn tay vấy máu; họ là đồng phạm trong những vụ nổ súng thảm sát này, và những cử tri có hiểu biết cần phải có trách nhiệm để loại họ ra khỏi các chức vụ này trong những kỳ bầu cử sắp tới.


Một nhà báo khác cũng vạch ra thái độ thờ ơ và đạo đức giả lộ liễu rất đáng trách của các viên chức chính quyền và các vị dân cử tại tiểu bang Texas trong vụ nổ súng thảm sát này.


Đó là bà Mimi Swartz, chủ biên của tạp chí Texas Monthly và cũng là một bỉnh bút gia của tờ News York Times. Trong một bài bình luận mới đây về vấn đề này, nhà báo này cũng nhắc lại lời của Phó Thống đốc Texas là ông Dan Patrick đã đưa ra những lời bình luận hết sức hoang tưởng khi nói rằng có lẽ các trường học từ nay giảm bớt các cổng ra vào ngôi trường để giảm bớt các vụ nổ súng thảm sát. Ông Patrick này, một tay bảo thủ cực đoan, còn nói rằng những yếu tố khác như tỉ lệ ly dị cao, các vụ phá thai và những trò chơi “video games” là những thứ đáng trách để gây ra thảm nạn này. Quả thật ít thấy một sự phủi tay trốn trách nhiệm nào đáng trách như lời nhận định cẩu thả và ngu xuẩn của một vị chính trị gia như vậy.


Còn Thống đốc Abbott thì đưa ra lời hứa hẹn rằng “ông ta sẽ làm nhiều hơn là chỉ ngồi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân trong gia đình của họ”. Ông Abbott nói rằng ông sẽ cho mở những cuộc họp bàn tròn để bàn luận về việc làm sao ngăn chặn tình trạng bạo lực. Ông đưa ra lời hứa hẹn sẽ đẩy mạnh các chính sách kiểm soát kỹ lưỡng hơn hồ sơ lý lịch của những người muốn mua súng, và sẽ ngăn chặn không để cho súng ống lọt vào tay những kẻ nào “đang tạo nên mối hiểm nguy cận kề”, ám chỉ những kẻ mắc bệnh tâm thần nên thường dùng súng ống để bắn loạn xạ gây thiệt hại to lớn.


Tuy nhiên, theo nhà báo Mimi Swartz, nếu nhìn vào quá khứ để tiên đoán tương lai, người ta có thể đoan chắc rằng cả hai viên chức đứng đầu của chính quyền tiểu bang Texas hiện nay có lẽ sẽ bị thôi thúc đến gần như ám ảnh về việc làm sao thông qua được những đạo luật nhằm ngăn cấm những em học sinh thuộc loại chuyển đổi giới tính (transgender) không được bước vào các phòng vệ sinh mà các em ưa thích và thoải mái hơn. Đối với hai vị thống đốc và phó thống đốc hiện nay, có lẽ họ cần thông qua được những đạo luật khắt khe này để vỗ ngực tự khoe với cử tri về thành tích bảo thủ cực hữu của họ hơn là việc làm sao thông qua được những đạo luật nhằm bảo vệ sự an toàn cho tất cả các em học sinh tại trường học ở Texas.


Thật ra không phải chỉ có những viên chức lãnh đạo của chính quyền Texas là đã có những hành động và lời nói mang đầy tính chất đạo đức giả một cách trơ trẽn và đáng trách. Cũng còn nhiều viên chức cao cấp khác cũng mang tội đạo đức giả tương tự, nhưng kẻ viết bài này không muốn khai thác nhiều hơn để tránh làm nhàm tai cho nhiều người đã phải chứng kiến những chuyện bực mình về tình trạng xuống cấp và suy đổi trong văn hoá và cách xử sự của các chính trị gia ngày nay, bất chấp mọi thủ đoạn và nguyên tắc lịch sự tối thiểu, miễn sao là đạt được mục đích nắm quyền, cho dù có phải gây chia rẽ sâu đậm trong quần chúng.


Đó là trường hợp của cả hai vị đương kim tổng thống và phó tổng thống của Hoa Kỳ hiện nay. Vào những ngày đầu tháng này, cả hai ông Donald Trump và Mike Pence đã hăm hở đến dự kỳ họp thường niên của Hội NRA tổ chức tại thành phố Dallas. Trong dịp này, ông Trump đã đưa ra lời hứa là sẽ bằng mọi giá bảo vệ Tu Chính Án số 2 nhằm thoả mãn khối cử tri bảo thủ cực đoan.


Trước viễn ảnh phe Cộng Hoà có thể mất thế đa số trong kỳ bầu cử sắp tới theo như lời tiên đoán của nhiều chuyên gia, ông Trump cũng đã mượn dịp này để kêu gọi khối cử tri bảo thủ là thành phần hội viên trung kiên này hãy siêng năng đi bầu và bỏ phiếu cho phe Cộng Hoà trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 sắp tới, vì nếu không thì phe đối lập là đảng Dân Chủ sẽ giành lấy đa số tại Hạ Viện và từ đó sẽ gây trở ngại cho nghị trình của ông Trump nhằm đẩy mạnh các chính sách bảo thủ cực hữu.


Trong bài bình luận của mình, có lẽ chỉ có một viên chức chính quyền duy nhất là có sự can đảm để nói lên sự thật phũ phàng, theo lời của nhà báo Mimi Swartz, đó là ông Art Acevedo, Cảnh sát trưởng của thành phố Houston. Trong một đoạn ngắn viết trên trang Facebook, ông Acevedo đã chê trách thái độ vô trách nhiệm và đạo đức giả của “nhiều vị dân cử hiện nay đang xun xoe trước những ống kính truyền hình, đứng trong một tư thế nghiêm trang, để kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện, nhưng rồi sau đó lại tuyệt đối chẳng làm gì hết.


Vì thế nên nhà báo Mimi Swartz mới nói rằng chúng ta hãy hy vọng là ông Acevedo có những tham vọng to lớn hơn để đẩy mạnh những điều cần làm và cần phải lên tiếng ấy để cho mọi người dân thấy rõ đâu là những người dám ăn dám nói, và đâu là những chính trị gia chuyên đạo đức giả.


Cũng chính vì thái độ của nhiều viên chức chính quyền và nhiều nhà dân cử lúc nào cũng gắn bó mặn mà với Hội NRA mà người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy vì sao mà đa số người dân Mỹ ngày nay đều cho rằng chẳng có sự thay đổi đáng kể nào sau vụ thảm sát 20 em học sinh tiểu học và 6 thầy cô khác tại trường Tiểu học Sandy Hook ở Connecticut vào năm 2012, và phải chăng đó là bằng chứng cho thấy đất nước đang lâm vào một tình trạng trì trệ ù lì rất tai hại.


Tuy nhiên, không phải vì thế mà mọi người phải bi quan, vì những thay đổi cũng đã xảy ra, dù rằng với tốc độ rất chậm. Và sự thay đổi đó không đến từ những viên chức chính quyền ở cấp trên, mà từ những chiến dịch vận động rộng rãi trong quần chúng được phát động phần lớn là từ phụ nữ, tương tự như phong trào MeToo gần đây đã dấy lên để đem lại sự công bằng cho nhiều phụ nữ đã từng là nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục từ phía những ông chủ hay sếp lớn có máu dê và chỉ thích muốn lợi dụng những kẻ yếu thế.


Những chiến dịch này đã bắt đầu liên kết với những tổ chức kỳ cựu hơn như tổ chức The Brady Campaign to Prevent Gun Violence hoặc là tổ chức Michael Bloomberg’s Mayors Against Guns. Tổ chức đầu mang tên ông James Brady do ông và bà vợ chủ xướng lúc ban đầu, sau khi xảy ra vụ TT Reagan bị ám sát vào năm 1981 và ông Brady là phát ngôn viên Toà Bạch Ốc lúc đó cũng bị bắn một vết đạn vào đầu khiến cho ông bị tê liệt suốt đời. Tổ chức thứ nhì là của ông Bloomberg, một nhà tỷ phú trong ngành truyền thông, từng là cựu thị trưởng thành phố New York trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, và đã liên kết với nhiều thị trưởng khác trên toàn quốc trong chiến dịch chống lại việc sở hữu súng ống quá tự do đến gần như bừa bãi tại Hoa Kỳ ngày nay.


Theo nhà báo Mimi Swartz, các chiến dịch tranh đấu do một số các phụ nữ khởi xướng trong phong trào chống tệ nạn bạo lực vì súng ống gần đây như tổ chức mang tên Moms Demand Action for Gun Sense in America được khởi xướng bởi bà Shannon Watts sau khi xảy ra vụ nổ súng thảm sát tại trường Tiểu học Sandy Hook, và giờ đây trở thành một phần của tổ chức lớn hơn có tên là Everytown for Gun Safety (Mỗi thành phố cần phải lo An toàn về Súng ống) với khoảng hơn 4 triệu thành viên.


Những tổ chức này và những người ủng hộ nó không hề lo sợ trước sức mạnh hay áp lực của Hội NRA, mặc dù hội này vẫn luôn nhắm tấn công đến những người chủ xướng, nhất là giới phụ nữ, đã gióng lên tiếng nói phản đối. Họ đã lập thành từng nhiều nhóm nhỏ những người tình nguyện đi đến gõ cửa từng nhà để xin chữ ký của người dân ký tên vào những thỉnh nguyện thư để từ đó đi đến các văn phòng quốc hội tiểu bang và trình bày cho các vị dân cử tiểu bang được biết sự bất mãn và nguyện vọng của người dân tại địa phương.


Và điều đáng ngạc nhiên là họ đã đạt được những sự thay đổi, bắt đầu bằng 8 tiểu bang với những thay đổi quan trọng như việc phải có chính sách kiểm soát nghiêm ngặt hơn về lý lịch của những người muốn mua súng, giới hạn việc mua bán hay sở hữu súng ống cho những thành phần có thành tích bạo hành trong gia đình, cũng như thiết lập thêm những quy luật “báo động đỏ” cho phép các cơ quan cảnh sát địa phương và những thân nhân trong gia đình có thể tịch thu súng ống từ tay những người thân của họ đang có cơ nguy trở thành những mối hiểm nguy cho chính cá nhân họ hoặc của những người thân chung quanh. Đây là những luật lệ, nếu được áp dụng khắp nơi, có lẽ đã có thể ngăn chặn được những vụ nổ súng thảm sát gây nhiều thiệt mạng và thương vong trong những thập niên gần đây.


Những tổ chức thiện nguyện đó đã thành công trong việc đem lại những thay đổi lớn như trong tiểu bang Vermont, khi thuyết phục được Thống đốc Phil Scott ký ban hành đạo luật đòi hỏi điều tra kỹ lưỡng về hồ sơ lý lịch hình sự của bất cứ một vụ mua bán súng ống nào diễn ra trong tiểu bang. Nó cũng đem lại một sự thay đổi trong tiểu bang Florida với quy định về “luật báo động đỏ” và nâng cao số tuổi để được mua súng cho những ai trên 21 tuổi. Nó giúp cho tiểu bang ngăn chặn được một lỗ hổng có tên là “Charleston’s Loophole”, cho phép người được mua súng sau 3 ngày trong tuần, dù rằng cuộc kiểm tra về lý lịch chưa kết thúc. Chính nhờ vào lỗ hổng này mà hung thủ Dylann Rood đã mua được khẩu súng và sau đó bắn chết 9 người Mỹ đen đang học kinh thánh cầu nguyện tại một nhà thờ ở Charleston, South Carolina vào năm 2015.


Cũng nhờ những tổ chức tranh đấu nhỏ nhoi và âm thầm đó đã khiến cho những tiểu bang như Maryland, Vermont và Oregon thông qua những đạo luật nhằm tước đi những khẩu súng từ tay những người đã có thành tích bạo hành trong gia đình. Và các tiểu bang Kansas và Pennsylvania cũng đang trên đường bắt chước theo. Cũng chính những tiểu bang này đã thông qua những đạo luật ngăn cấm việc mua bán các loại phụ tùng “bump stocks”, là thứ dụng cụ gắn vào các khẩu tiểu liên để nó có thể khạc đạn chẳng khác gì súng liên thanh tại chiến trường, gây nguy hiểm kinh hoàng và khủng khiếp như hung thủ Stephen Paddock đã nổ súng tại một khách sạn ở Las Vegas khiến cho 58 người chết và hàng trăm người bị thương.


Vì thế điều này cho thấy là không phải đã không có gì thay đổi xảy ra sau vụ nổ súng thảm sát tại trường Tiểu học ở Sandy Hook. Dĩ nhiên, đã không có điều gì thay đổi đối với những chính trị gia như Thống đốc Texas, hoặc là Tổng Thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với những cố gắng nhỏ nhoi và âm thầm nhưng kiên trì của những người trong các tổ chức như Moms Demand Action, người ta có quyền tiếp tục lạc quan cho một ngày mai tươi sáng hơn cho vận hội của Hoa Kỳ trước vấn nạn bạo lực vì súng ống.


Bởi vì nếu không thì những thảm trạng đã xảy ra tại trường trung học Columbine ở Colorado, hoặc trường tiểu học Sandy Hook ở Connecticut, và gần đây nhất là tại các trường trung học ở Parkland, Florida và Santa Fe, Texas trong năm nay cũng có thể nổ ra bất cứ lúc nào tại bất cứ một ngôi trường nào ở Hoa Kỳ, trong đó chắc chắn là có rất nhiều con cháu của các gia đình người Việt chúng ta đang định cư và hoà nhập vào đời sống ở đất nước này, tưởng chừng như là rất bình yên nhưng không ngờ lại có thể bất an và đây lo sợ như vậy.


Mong lắm thay.


MAI LOAN


Houston, Texas, ngày 30 tháng 5/2018


anhtuantaberd74@gmail.com

23 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1112)
21 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1116)